Truyện ngắn dự thi giải thưởng "Cây bút vàng" 2017:

Nhành mai Yên Tử

Thứ Hai, 27/11/2017, 08:38
Nhân rút một điếu thuốc lá rồi ngồi xuống thềm nhà, mắt lơ đãng nhìn con đường đất trước mặt. Con đường mòn cong queo, gấp khúc như một cánh tay người già, hờ hững vắt ngang qua lưng núi. Nhân nhìn con đường mòn với tâm trạng của một người sắp phải đi xa.

Trên con đường này, anh đã đi học, bắt bướm, hái sim, ăn đến tím ngắt đôi môi. Trên con đường này, bố anh đã trở về sau 1975, và cũng trên con đường này, mới đây thôi anh đã đưa mẹ ra nghĩa địa. Tiếng bố gọi làm Nhân giật mình. Anh thường hay giật mình mỗi khi bố gọi:

- Nhân à! Vào đây bố nhờ.

Nhân đi nhanh tới chỗ bố. Ông đang ngồi trên cái ghế tre, lưng tựa vào tường, mặt nhăn nhó. Cánh tay còn lại của ông hờ hững đưa lên thái dương rồi lại buông thõng xuống. ''Bố lại đau à? Mấy hôm nay trời trở gió bố ạ''!

Nhân chạy lại để đầu ông tựa vào người và lấy tay ấn mạnh vào cái huyệt chỗ thái dương. Cái bệnh kinh niên này của bố chỉ có mẹ là biết cách chữa: Mẹ dùng ngón tay trỏ ấn sâu vào thái dương rồi xoa day day, một lúc là đỡ. Bây giờ mẹ mất rồi, việc đó là của anh. Nhưng anh cũng lại sắp xa nhà… Ai trông nom bố đây?

- Anh tưới cây cho bố chưa?

- Dạ, con tưới rồi bố ạ! Nay mai con xa nhà, ai trông nom cái cây mai ấy cho bố?

- Ừ, đành vậy. Nhưng bố tin nó chẳng thể chết được. Nó là giống mai quý Yên Tử kia mà. Giọng bố trầm và nhẹ. Chợt đầu ông ngoẹo sang một bên. Nhân biết bố đã ngủ. Anh lùi ra xa rất nhẹ nhàng. Nhìn bố ngủ, gương mặt bố già sọm. Những đường nhăn trên trán hằn sâu, kéo dài thành nhiều vệt đen ngang trán. Hai cái răng ở hàm trên đã bị mất, bây giờ thành hai cái hốc đen. Nhân lặng đi. Bố đau đầu, không ngủ yên vì hai cái răng ấy.

Năm 10 tuổi, khi nghe bố kể lại, cái răng bị mất ấy là do một tên ác ôn ở đảo Q. đã đục. Nhân nắm chặt quả đấm, tức sôi tiết, ước mơ được như Tôn Ngộ Không, bay ngay tới đảo Q. và đè cổ tên ác ôn, vặt hai cái răng. Chỉ đúng hai cái răng thôi, không hơn không kém. Nhân sẽ đục răng nó như nó đã đục răng của bố mình. Chắc Nhân sẽ hả hê khi thấy nó đau đớn. Năm 20 tuổi, khi đã vào trường Công an rồi, Nhân lại nghĩ khác, cái háo hức trả thù không còn nữa. Nhân sẽ hỏi tên ác ôn ấy: Hà cớ gì hai người không hề thù hận gì nhau mà lại đục răng nhau như vậy? Hắn không nhớ là chúng ta cùng một bọc hay sao? Và bây giờ thật như sự sắp đặt của trời Phật, mấy ngày nữa anh sẽ có mặt ở đảo Q. nơi bố anh và đồng đội đã ở tù 8 năm. Anh đến đảo với cương vị một sĩ quan Công an vừa ra trường. Anh sẽ xử sự thế nào khi gặp tên ác ôn trung sĩ Nhì? Kẻ đã đục răng bố, gây đau đớn cho bố suốt bấy nhiêu năm?

Nhân ngồi lặng xuống thềm nhà. Mặt lại dõi nhìn con đường trước mặt vắt lên núi.

- Nhân à! - Tiếng bố phía sau.

Anh quay lại. Thấy bố đang đứng cạnh cây mai: ''Bố không ngủ được à''?

Bố Nhân lắc đầu.

- Hay chiều nay ta sang chỗ bác Tôn đi! Sang chào bác ấy.

- Vâng! Con cũng định thế. Đã lâu không thấy bác ấy sang chơi.

- Cái vườn mai nó quẩn chân rồi. Bác ấy không sang thì bố con mình sang có sao.

Bố lấy tay vuốt vuốt những bông mai vàng đang khoe sắc rực rỡ bên tán lá, gật gù.

Bố không nói gì. Nhưng Nhân biết bố đang vui. Từ ngày bác Tôn bạn bố tặng cây mai Yên Tử, bố rất thích. Bố giao hẳn việc chăm sóc cây mai cho mẹ con Nhân. Lúc yên tĩnh nhất của bố là lúc kê cái ghế ngồi cạnh cây mai. Theo bác Tôn - người cho mai, thì đây là giống mai Yên Tử vô cùng quý hiếm, giống mai của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Màu vàng của nó đầy tràn sự từ bi, vô ngã, vị tha…

- Ta đi đường tắt qua núi nhé! Đi bộ, qua chỗ mẹ.

Từ nhà Nhân đến chỗ bác Tôn có hai đường đi. Nếu đi xe máy dài hơn thì đi dưới chân núi, còn đi tắt qua lưng núi thì khó đi nhưng gần hơn, chỉ chừng hai cây số thôi.

*

Trong những câu chuyện bố kể về nhà tù Q., bố thường hay nhắc đến một người: Đó là bác Tôn. Bác cũng như bố, đã từng là chiến sĩ Công an, công tác ở khu mỏ. Năm 1965 được tăng cường vào Nam. Cả hai đều là an ninh T4, chiến đấu tại Sài Gòn - Gia Định. Cuộc tổng tấn công 1968 đánh vào Đại sứ Mỹ, cả hai đều bị thương và cùng bị bắt, bị đưa ra giam ở nhà lao đảo Q. Nhưng bác Tôn may hơn bố, vẫn còn đủ chân tay. Viên đạn M79 lấy đi của bố cánh tay trái, nhưng còn bác Tôn chỉ mất phần mềm ở đùi. Nhờ đó, ở trong tù bác vẫn đủ sức giúp đỡ bố, từ lấy cơm, làm vệ sinh, tắm rửa thân thể. Thằng trung sĩ Nhì đục răng bố. Bố ngất. Nhưng trước khi ngất, bố còn gắng sức cắn chặt bàn tay nó. Bác Tôn cũng bị nó đục răng nhưng bác vẫn đủ sức quờ tay nhặt những chiếc răng mà thằng Nhì vứt xuống, rồi cõng bố lết về căng. Bác Tôn ngã vào cánh tay của các bạn tù. Bác xòe bàn tay đầy máu có những chiếc răng, rít lên:

- Giữ lấy, các đồng chí ơi! Sẽ đến ngày chúng ta hỏi tội nó.

Qua câu chuyện bố kể, Nhân hình dung bác Tôn cao to lừng lững, mắt sáng quắc.

- Sao bố không mời bác ấy về nhà mình chơi?

- Nào biết tin bác ấy ở đâu? Sống hay chết? Bác ấy bí mật đóng mảng về đất liền từ trước 1975 kia. Bố yếu nên không theo bác được, đành ở lại. Người bảo đã vào được bờ, người bảo không. Còn bố thì bố tin là một người như thế không thể chết được.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Vậy mà, một ngày kia bác Tôn xuất hiện trước nhà Nhân, thật cứ như là từ trên trời rơi xuống. Và y như là Nhân đã hình dung, chỉ có một điều Nhân chẳng bao giờ nghĩ được là bác lại mặc bộ áo màu vàng của Thày Chùa.

Khỏi phải nói bố vui như thế nào. Bố đi như trôi về phía người bạn tù, khiến bác Tôn vội đưa nhành mai cho Nhân, lao đến ôm chầm lấy ông, rồi quay tít mấy vòng. Bố Nhân không nói nên lời, cứ lắc đầu:

- Chịu. Thật không thể tưởng tượng nổi! Hết việc đời rồi hay sao mà lại đi ở chùa?

- Bảo là hết thì cũng là hết. Bảo là không thì cũng là không. Tại ngã, tại ngã cả thôi.

Bác chỉ nhành mai: "Tôi chiết ra từ cây mai tổ của Phật hoàng Trần Nhân Tông trên núi đấy! Nào cháu trai! Bác cháu ta trồng nó ngay trước cửa nhà này. Cứ trông thấy nó là khắc nhớ tới bác".

Nhành mai được cắm nhanh xuống đất. Xong bác vỗ nhẹ vào vai bố, xoa đầu Nhân.

- Tôi ở trong núi kia. Giữ vườn mai Yên Tử, nay mai sẽ đem trồng khắp nước. Tôi đi đây. Nhớ đến chơi nhé!

Bác đi ra đường, leo thoăn thoắt lên dốc. Cái áo vàng cứ cao dần, cao dần rồi tan vào trong mây.

Bố đi trước.

Nhân theo sau. Anh chưa bao giờ dám đi ngang cùng với bố. Bố đi từng bước dặt dẹo và khó khăn. Chợt ông tạt ngang sang con đường nhỏ:

- Vào chào mẹ, chào ông đi con!

Chỉ vài bước chân là tới mộ mẹ. Nấm mộ chưa đầy tháng, cỏ chưa kịp mọc, vẫn màu đất nâu sậm. Có ai đó đặt bó hương ở đó từ bao giờ. Xế chỗ cao hơn là ngôi mộ đã xây kiên cố, bốn góc có bốn bụi trúc vàng. Đấy là mộ ông nội. Bố Nhân lần trong túi cái bao diêm rồi châm lửa, sai Nhân cắm lên hai ngôi mộ. Ông lùi ra, ngồi chỗ mỏm đá, mắt nhìn làn khói xám đang vẽ những vòng tròn trên ngôi mộ vợ. Lúc ấy, dường như ông không thấy ai bên cạnh.

Cái tiếng khàn khàn chợt cất lên:

- Anh đi một mình cũng được. Quay về đón tôi ở đây.

Nhân đi giật lùi, rồi vừa đi vừa ngoái lại.

Lên đến đỉnh đốc, vừa quay đầu thì trời ơi! Bác Tôn đã hiện ra bất ngờ và kỳ ảo y như lần trước. Bác lồng lộng trong bộ áo vàng như một tiên ông đạo cốt. Tiếng cười vang và tỏa nắng:

- Bác định sang chỗ bố cháu đây! Sắp đi phải không?

- Dạ! Cháu sang chào bác, nào ngờ lại gặp bác ở đây. Sao bác biết cháu sắp đi ạ?

- Linh cảm. Người tu hành có thứ linh cảm đặc biệt. Chỉ có trời phật dành cho.

- Cháu lại đến công tác ở đảo Q.

- Ủa! - Bác Tôn bật cười to - Kì diệu, thật là kì diệu! Thế nào mà anh lại chẳng gặp cái con người ấy.

Nhân biết, cái con người ấy là ai rồi. Đó hẳn là lão trung sĩ Nhì - kẻ đã đục răng bác, răng bố.

- Cũng nên gặp cái con người ấy xem nó ra sao! - Chừng lát sau, rồi như nói một mình - Mà thôi! Để làm gì nhỉ? Người ta lầm lạc, làm điều ác là vì chưa được giáo hóa thôi.

Bác Tôn kéo Nhân ngồi xuống, rồi cùng nhìn về phía dưới nơi bố vẫn đang ngồi như hóa đá. Bác lấy cành que viết hai chữ xuống đất.

- Cháu đọc được không?

Nhân lắc đầu:

- Hai chữ bác vừa viết đó là: Vị tha! Vị tha cho họ và cũng là vị tha cho ta nữa. Vạn sự thế gian giai bào ảnh. Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình! Mọi sự trên thế gian đều như bọt nước tan nhanh. Nghìn năm chỉ còn lại là một chút tình. Cháu nhớ lấy, cháu trai của bác.

*

Một tháng sau ngày thống nhất đất nước 1975 thì bố trở về.

Hôm ấy là một buổi chiều nắng gắt và vàng vọt. Ông đang ngồi bên chõng, cạnh cái điếu bát, hút khói tỏa ra mù mịt. Mẹ đang sàng gạo. Khi đám khói vừa tan thì ông đã nhìn thấy con trai đứng ở sân. Người chiến sĩ an ninh dạn dày chiến trận, bỗng đứng như trời trồng. Góc sân, người đàn bà cứ cúi đầu xuống cái mẹt gạo để bới những hạt thóc, vứt cho con gà mái đang cục cục nuôi đàn con vàng ươm như tơ tằm, không chịu quay mặt ra. Cạnh người đàn bà, có thằng bé con chừng 2 tuổi.

Anh đã hiểu ra tất cả. Sự im lặng ngột ngạt, tê dại lòng người trở về. Nhưng bố anh đã đứng lên, đi lại chỗ con dâu, dắt Nhân lại chỗ con trai mình:

- Con chào bố đi! Bố đấy!

Nhân nhớ là mình đã ù té chạy như thế nào. Cái thân hình tong teo chỉ còn một tay, cái miệng mất 2 răng trước cửa, trông tối hút vào trong thật đáng sợ! Nhân ngả vào vai mẹ, còn mẹ thì ngã chúi vào cái mẹt gạo. Một tiếng nấc não ruột bật ra.

Đêm hôm ấy, ba người như ba tảng đá. Mẹ ngồi khóc trong nhà. Ông vẫn ngồi trên chõng ngoài sân. Còn bố Nhân thì ngồi ở thềm nhà, mắt gửi vào con đường trước mặt đang phủ ánh trăng suông bợt bạt như một dải khăn tang bò lên núi. Ba người là ba cái quan tài chôn lòng mình vào đó.

Khi tiếng gà đầu tiên cất lên thì bố Nhân đứng dậy, lại phía chõng:

- Thày, con đi đây!

- …

- Con sẽ không về nữa đâu!

- Tùy - Tiếng ông bật ra nặng mà thảm - Mười mấy năm anh vắng nhà, một tay nó lo toan cho cái gia đình này. Không có nó, bố anh chết đói từ lâu rồi. Người ta bảo anh đã chết, có kẻ còn bảo anh theo địch. Người ta bảo đã trông thấy máy bay Mỹ nó câu anh đi đâu không biết. Thế là, trợ cấp đi B của anh, người ta cũng cắt luôn. Cái thằng xã đội trưởng là đồ con chó. Nó lẩn như trạch để không phải đi lính. Nó ở nhà đi mò đàn bà. Nhưng nó không ra trận mà nó vẫn chết. Bom bi thả ngoài đồng, nó đi mò gái dẫm phải. Ông trời bày đặt ra cả. Nó có tội gì! Sao không thương nó?

Nhưng bố vẫn đi.

4 năm sau, bố trở về. Ấy là khi ông mất.

Bố đứng miết ở bậu cửa, nhìn mẹ lúi húi bên ban thờ. Mẹ bật que diêm định châm hương thì nghe tiếng bố ngoài cửa:

- Mình à!

Que diêm cứ cháy mãi trên tay mẹ. Bố vội chạy đến thổi cho tắt. Rồi cầm lấy mấy cây hương từ trong tay mẹ, đánh diêm châm lại: ''Con đâu''?

- Đi mẫu giáo rồi.

- Có phải đi đón nó không?

- Có ai mà đón? Tự đi, tự về.

Bố đi ra cửa. Nhân gặp bố ở giữa đường. Cái con người tong teo, lưng còng, quần áo lính mốc thếch, đứng giữa đường giơ một tay ra:

- Nhân à! Bố đây! Bố đi đón con.

Ma lực nào đẩy Nhân về phía trước. Nhân đã chạy ríu cả chân, vấp ngã sấp, rồi vùng dậy, úp cái mặt mũi thò lò và hai bàn tay lấm đất vào đầu gối bố:

- Thế mà chúng nó cứ bảo con không có bố. Nhân khóc thỏa thuê, khóc như chưa bao giờ được khóc.

Căn nhà từ đấy luôn vang tiếng cười.

Nhưng lòng vị tha của bố, sự tha thứ của bố lại đè nặng lên cuộc đời mẹ, khiến mẹ không chịu nổi. Bố càng tốt bao nhiêu, khoan dung bao nhiêu thì mẹ lại càng dằn vặt về lỗi lầm của mình bấy nhiêu. Mẹ như một người chịu ơn, một người mắc nợ chung thân. Đứng trước bố, mẹ cứ lúng túng, sợ sệt.

Có một đêm, Nhân chợt thức giấc. Thấy mẹ cứ đập đầu vào tường:

- Anh tha thứ cho em, nhưng em không tha thứ cho em được. Sao anh không xé xác em ra, đánh đập em tàn nhẫn đi, giày vò em bao nhiêu em cũng phải chịu. Như thế em mới được sung sướng, mới vơi nỗi lòng. Đằng này, trời ơi! Anh yêu em làm gì? Thương em làm gì? Em là con khốn nạn, là đồ đàn bà bỏ đi.

Bố cứ ôm lấy mẹ:

- Đừng! Tôi xin mình mà. Tất cả là do ông trời bày đặt ra thôi. Mình chết, tôi sống làm sao nổi? Mình thanh thản đi cho tôi thanh thản. Tôi cũng có lỗi chứ riêng gì mình đâu. Chiến tranh mà!

*

Hôm trước ngày Nhân lên đường.

Hai bố con trên đường ra thăm mộ mẹ về. Giá như mọi lần, bố đi trước, Nhân đi sau, anh có ý như vậy là để bố có ngã, hay trẹo chân, anh còn đỡ kịp. Nhưng lần này, bố chờ anh đi lên rồi nắm lấy tay con, đi sóng đôi tri kỷ. Về đến sân, ông dừng lại nhìn thẳng vào mắt Nhân:

- Để trở thành một chiến sĩ Công an, điều gì là quan trọng nhất?

- Trung thành với Tổ quốc và dân tộc.

- Tốt.

- Tinh thông nghiệp vụ.

- Tốt.

- Khôn khéo, quyết liệt với kẻ thù.

- Tốt - Ông gật gù:

- Nhưng bao trùm lên là lòng vị tha, nhân ái, con ạ! Hãy xử lý mọi việc với trái tim nhân ái.

Ông đi vào buồng, đến chỗ có treo tấm áo bà ba đen. Tấm áo của cách mạng cho khi ông đi tù về. Móc trong túi ra một cái hộp sắt tây hoen gỉ. Ông mở ra. Nhân sững người. Một mớ răng vàng khè. Ông đặt những cái răng vào lòng bàn tay Nhân.

Nhân tưởng ý bố muốn nhắc anh về nỗi hận thù này.

- Con hiểu ý bố. Con sẽ mang những chiếc răng này theo. Con sẽ bày nó ra trước mặt lão trung sĩ Nhì. Con sẽ bảo: Hãy nhìn đi! Đây là tội lỗi của ông đó!

Nhưng bố Nhân đã cười: ''Ngày trước, bố cũng nghĩ như thế con ạ! Nhưng bây giờ, bao nhiêu năm đã qua rồi. Giữ mãi hận thù này làm gì? Tha thứ, tha thứ con ạ''!

- Bây giờ thì ta sẽ chôn nó dưới gốc cây mai kia như chôn một quá khứ.

Một hốc nhỏ được khoét dưới gốc mai. Nhân nhét từng cái răng vào trong đó.

Đêm ấy, bố ngủ ngon lành. Cơn đau đầu không hành hạ bố nữa. Chưa bao giờ Nhân thấy dáng ông ngủ như thế. Ông ngủ thanh thản như một người vừa trút bỏ được một gánh nặng. Cái miệng nhăn nhó nay đang hé cười.

Nhân đứng nhìn bố một lúc lâu. Rồi đeo cái ba lô lên vai, đi…

Chuyến tàu thủy chạy từ Rạch Giá ra đảo, ghé bến lúc đã chiều tà. Nhân xốc ba lô ghé vào một cái quán bên vỉa hè. Nhìn đảo Q. mà không hề xa lạ. Có lẽ vì trong những câu chuyện bố kể, đảo Q. đã in sâu vào óc anh, đến nỗi bây giờ đối diện với nó, anh như một người thân trở lại nhà.

Có một người đàn ông bước đi chật chưỡng trên đường như một kẻ cô hồn. Ông ta dừng lại thở rồi đi tiếp.

Linh cảm kỳ lạ báo cho Nhân biết, đây chính là lão trung sĩ Nhì, bèn hỏi bà bán quán:

- Cái ông đi trên đường kia có phải là lão trung sĩ Nhì không bà?

- Chả lão thì ai? - Bà bán quán nhìn theo gã đàn ông, giọng nguyền rủa - Lão Nhì ác ôn ở nhà tù đấy cháu ạ! Nó tra tấn, bẻ răng anh em mình tàn nhẫn. Trời đánh thánh vật cho nó chết đi. Khoan hồng làm gì loài quỷ ác ấy. Cứ bòm một phát là xong. Ác giả phải ác báo chứ!

- Ngày nào lão cũng đi qua đây hả bà?

- Phải. Ngày nào lão cũng đi như kẻ mộng du ấy. Có lần, người ta thấy lão nằm chềnh ềnh trên mặt đường, chờ xe ôtô đến. Lão bảo lão muốn chết, muốn được chết. Lão chưa chết thì con trai lão đã chết trước. Lão sợ người ta đến giết lão nên chăng mìn ở ngoài vườn. Ai ngờ, chẳng ai thèm giết lão nhưng con lão vấp phải, thế là nổ tung xác.

Khi cái dáng khật khưỡng ấy vừa đi qua thì Nhân xách ba lô đi theo. Anh muốn xem cái con người bị quỷ ám này đi về đâu. Cái lưng lão gù gù, cái đầu húi cua lúc lắc. Hai tay khuỳnh khuỳnh. Trông lão chẳng khác mấy những người già bình thường. Vậy mà lão có một trái tim lang sói đến khó tin.

Đột ngột, lão dừng lại, quay ngoắt về phía Nhân. Hai mắt đờ như mắt lợn luộc. Lão cúi sạp xuống, vái Nhân lia lịa:

- Tôi xin ông! Tôi xin ông! Ông cứ giết tôi đi. Ông cứ giết tôi đi.

Rồi lão ôm mặt khóc hu hu.

- Ông làm sao thế? Tôi chỉ đi cùng đường thôi mà.

Lão ngồi thụp xuống đường, ôm mặt. Nhân đi vượt qua.

Đồng chí Trưởng Công an huyện đảo Q. xem xong tờ quyết định điều động của Nhân, đặt nó xuống bàn, chặn cái gạt tàn thuốc lá lên:

- Cậu về quản lý địa bàn Thống Nhất.

Rồi ông đứng lên, mở tủ lấy ra tập tài liệu dày:

- Đây là toàn bộ vấn đề của địa bàn cậu. Đọc đi để nắm bắt cơ sở.

Nhân đọc hàng chữ ở bìa: Địa bàn phường Thống Nhất - Tài liệu mật.

Anh bỏ qua các vấn đề dân sự, địa lý, lịch sử, tôn giáo, tới trang: các đối tượng chính trị - phần: ngụy quân, ngụy quyền đã được thay bằng một từ mới: Những người cộng tác với chính quyền Việt Nam cộng hòa. Nhân thở ra nhẹ nhõm. Mới hay cấp trên nhìn xa trông rộng thật. Anh lại nhớ đến bố và thấy ông thật đáng kính, thật đáng yêu.

"Trung sĩ Nhì - Quê Bến Tre. Sinh 1937. Ác ôn. Gây nhiều tội ác với anh em tù cách mạng. Sau 1975, cải tạo tại chỗ một tháng. Vợ sau 1975 bỏ đi. Hiện sống độc thân. Bệnh lý rối loạn thần kinh".

- Xuống địa bàn được chưa?

- Rồi ạ!

- Cậu lấy cái xe Hon-đa của tôi mà đi.

Lão trung sĩ Nhì ở nơi hẻo lánh, gần biển, chung quanh là vườn cây rậm rạp.

Nghe tiếng kẹt cửa. Trong nhà có tiếng ai rõ to. Lão lao từ trong nhà ra, tay cầm một cái gậy dài.

Trông thấy Nhân, lão chững lại.

- Tôi cứ tưởng trộm. Ra là ông.

Lão vứt cái gậy xuống đất. Đi vào nhà, lại tiếp tục ăn cơm. Thức ăn của lão đựng trong một cái ăng-gô hoen gỉ. Bên phản là một đĩa rau cải, một bát mắm. Đơn sơ thế thôi!

- Ông có đủ ăn không?

- Biết thế nào là đủ hả ông? Muốn chết mà trời chưa cho chết đấy ông ạ!

Nhân cầm bàn tay lão lên, nhìn vào vết sẹo trên mu bàn tay. Lão đã tự khai:

- Một ông tù cộng sản đã cắn vào tay tôi.

- Vì ông nhổ răng ông ấy chứ gì?

Lão buông cái ăng-gô xuống phản, nhìn Nhân trân trân, mặt tái mét:

- Ông biết rồi phải không? Hay ông là con ông ấy? Phải rồi. Ngay từ lúc gặp ông hôm nọ ở trên đường, tôi đã ngờ ngợ. Tôi chỉ mong gặp được ông ấy để xin ông ấy tha tội.

- Bố tôi không hẹp hòi như ông nghĩ đâu.

- Thế à? Ông ấy tha thứ cho tôi rồi à? Nhưng còn những người khác.

Lão sụp xuống, lạy Nhân:

- Các ông phúc đức quá! Đúng là Bồ Tát. Bồ Tát!

Nhân đỡ lão đứng dậy:

- Ông hãy sống tốt ngày hôm nay đi. Chuyện cũ đã qua rồi.

Anh xem quanh nhà, mở cái thùng nhựa ra, với tay xuống nhặt được mấy hạt gạo dưới đáy góc nhà. Trên cái dây thép vắt ngang mấy bộ quần áo cũ hôi rì.

Nhân đến trụ sở phường. Đồng chí Chủ tịch sau khi nghe anh trình bày việc trợ cấp cho lão, đứng phắt dậy, giọng gay gắt:

- Đồng chí đứng trên quan điểm giai cấp nào mà yêu cầu tôi như vậy hả? Lão là tên ác ôn, tội đáng chết, bây giờ lại trợ cấp xã hội cho lão thì nghe sao được?

Nhân trình bày đủ lý lẽ rằng, bây giờ cần phải nhìn nhận vấn đề theo quan điểm dân tộc, chứ đừng theo quan điểm giai cấp. Mặc, đồng chí vẫn không chuyển.

Anh ra về. Đến cơ quan, anh nghe thấy tiếng chuông điện thoại. Đầu dây bên kia, tiếng đồng chí Chủ tịch phường:

- Cậu trẻ người mà thuyết phục được tớ đấy. Đúng! Không xóa bỏ hận thù, mà gác nó sang một bên, để tiến lên phía trước. Bây giờ cần hòa hợp dân tộc. Chỉ có hòa hợp, chúng ta mới có sức mạnh. Tôi sẽ đưa lão vào hộ nghèo cần trợ cấp.

- Thế bao giờ thì được ạ?

- Cần phải lên danh sách, lại chờ duyệt. Nhanh cũng phải tháng nữa mới có.

- Thế thì lão chết đói rồi còn gì! - Nhân nghĩ bụng.

Thấy cô Tài vụ chỗ bếp ăn, Nhân hỏi bao giờ có lương. Cô Tài vụ cười, nháy mắt với Nhân:

- Chú mày làm gì mà cần tiền gấp thế? Nuôi bồ à?

- Đâu có! - Nhân gãi đầu. Chị ứng trước cho em được không?

- Thì cũng phải chiều cậu thôi.

*

Nhân mua 15kg gạo ở chợ, đặt lên xe máy rồi phóng lại chỗ lão Nhì.

Nhà vắng lặng như tờ.

- Ông Nhì! Ông Nhì ơi!

Từ phía dưới chăn, cất lên tiếng thều thào:

- Ông Công an đấy à? Ông Nhân đấy à?

Nhân mở chăn. Giật mình. Nhìn thấy một bộ mặt hốc hác, vàng khè.

- Ông ốm à? Ông đã uống thuốc chưa?

Lão Nhì không trả lời. Anh sờ tay lên trán lão, thấy lạnh toát.

Anh nhảy lên xe máy, phóng xuống trạm xá, dẫn cô y tá đến.

Mở cửa vào nhà. Cái chăn phủ trên giường im không nhúc nhích. Cô y tá mở chăn, sợ giật lùi lại: Một gương mặt chết hiện ra gớm ghiếc, vàng khè. Trên ngực lão, một tờ giấy rơi ra. Nhân nhặt tờ giấy cho vào túi.

Hai người đắp lại chăn lên mặt lão, khép cửa đi ra. Đồng chí Huyện trưởng đã chờ anh ở cửa cơ quan.

- Thế nào?

- Ông ấy chết rồi. Em mang gạo trợ cấp đến nhưng không kịp. Ông ấy có để lại tờ giấy đấy.

Nhân đưa tờ giấy cho thủ trưởng, nhưng ông trả lại:

- Cậu đọc đi!

"Kính thưa ông Công an: Hoàng Hữu Nhân

Kẻ viết những dòng này cho ông là một kẻ tội lỗi. Đã có thời gây rất nhiều tội ác cho cách mạng. Những ngày sống của tôi là những ngày dằn vặt. Bây giờ giời đã cho tôi về với tiên tổ. Tôi được giải thoát.

Tôi có nguyện vọng được chôn cất ở gần nghĩa trang Hàng Dương. Tôi không xứng đáng được nằm cùng với các ông cách mạng nhưng tôi muốn được ở gần đấy để gặp các ông. Tôi sẽ gặp tất cả các ông để xin các ông hãy xá tội cho tôi. Một kẻ tội lỗi, lầm lạc. Có như thế tôi mới hy vọng về được cõi Phật".

Trưởng Công an huyện đứng lên, trầm ngâm. Ông mở cửa sổ cho gió biển tràn vào.

Ngoài sân, cây mai vàng đang nở rộ, bừng sắc vàng.

- Cây mai Yên Tử mà bố cậu gửi ra tặng đảo đã nở rồi kìa!

Nhân đứng bên cạnh ông:

- Ta sẽ chiết ra nhiều cành, trồng khắp đảo, trồng cả trên mộ kẻ lỗi lầm.

Vị tha và cao cả, đó chẳng phải là con đường mà chúng ta đã chọn và đang đi đó sao?
Truyện ngắn của Mai Vũ
.
.