Nhà vô địch

Thứ Năm, 14/05/2020, 07:59
Đồng ra ngoài gọi chén nước trà. Gã đầu trọc kính cận cũng đã ngồi đấy từ nãy. Gã giành phần thắng ở trận đầu còn nhanh hơn cả Đồng. Chắc tay này cao thủ - Đồng thầm nghĩ và lân la làm quen “Nhanh thế? Vài nước đã hạ đối phương. Ông giỏi thật đấy”...

-Trật tự, đề nghị trật tự! Này ông đầu hói kia, nói gì mà lắm thế? Kẻ nói phải có người nghe chứ? Không nghe rồi thì lộn xộn, chẳng ra làm sao. Năm nay tôi sẽ nhốt! Nhốt hết vào một phòng. Làm gì có cái chuyện thi đấu cờ tướng lại có cổ động viên, rồi chõ mồm tư vấn nước này, nước kia… Như cái chợ vỡ. Bây giờ tôi phổ biến luật thì đấu…

Ông Trưởng ban lúi húi mở cuốn sổ nhàu nát hấp háy nhìn rồi thong thả lục túi lấy ra cái kính treo lên mặt. E hèm một tiếng, ông nhìn sổ đọc:

-Thời gian thi đấu là 60 phút một trận, sau 60 phút chưa phân thắng bại trọng tài sẽ cho thêm 10 phút, bên nào hết giờ trước… thua! Cả thảy 74 kỳ thủ, thi đấu bảy trận trong ngày Ba mươi và sáng mùng Một. Thắng được 2, hòa 1, thua 0.- Ông thả cuốn sổ xuống bàn để bắt đầu nói vo: Đấy là tôi nói về điểm số. Thắng gặp thắng. Cứ thế mà tính. Tý quên! Ai thua ba trận, tức là hết cơ hội có giải, tự rút! Còn nữa, thi đấu trên tinh thần học hỏi, giao lưu, đoàn kết. Tránh trường hợp thua rồi cay cú, bê cả bàn cờ ném đi. Làm vậy là không coi ban tổ chức ra gì. Lưu ý đúng 7h30 sáng ngày Ba mươi thi đấu. Nghe rõ chưa ạ? Giờ mời các kỳ thủ lên bốc thăm.

Đồng ngồi nghe mà ù cả tai. Ở miền quê nào cũng có lễ hội truyền thống văn hóa đặc trưng… Người ta thường tổ chức hội đình chùa nhưng ở quê Đồng- một vùng quê ven biển thì cứ đến ngày Ba mươi tháng Tư và mồng Một tháng Năm là tổ chức ngày hội văn hóa, thi đấu thể thao giữa các xã và các doanh nghiệp.

Là giảng viên đại học trên Hà Nội có máu cờ tướng, nhân được nghỉ Lễ Chiến thắng, Đồng về quê thăm bố mẹ. Ông bạn làm Công Đoàn bên xí nghiệp vận tải biết anh là tay cao cờ đến nhà khẩn khoản: “Quân chúng tớ toàn thằng giỏi tổ tôm, tá lả, đếch thằng nào biết cờ quạt gì. Ông giúp cho, để chúng tớ có điểm phong trào”.

Vậy là Đồng trở thành kỳ thủ đại diện cho doanh nghiệp vận tải.

- Ông Trịnh Duy Đông đâu. Lên bốc thăm!

Không biết có phải người ta gọi tên mình hay không. Đồng chần chừ. Cô thư ký lại đọc: Trịnh Duy Đông! Không có tiếng trả lời. Cô ta nghênh mặt: “Vậy là không có Đông nhá”.

Lúc bấy giờ Đồng mới đứng lên:

- Hay là tên tôi?

Cô thư ký nhìn Đồng như thể nhìn vật thể lạ rồi hất hàm: Anh là Đông à?

- Không! Tôi là Trịnh Duy Đồng.

Nhà chức trách cúi mặt vào tờ danh sách:

- Lỗi tại thằng đánh máy. Mà Đông hay Đồng thì cũng thế. Mời anh lên. Nhanh!

“Ha..ha… chỗ đếch nào cũng lỗi thằng đánh máy”. Một tràng cười và tiếng nói vóng lên. Đồng quay lại: Một tay đầu trọc đeo kính dày cộp đang cười ngả nghiêng. Nhưng Đồng thì không thể cười được.

Minh họa: Doãn Hoàng Kiên.

Là giáo viên nên chuẩn giờ giấc, đúng 7h30 phút Đồng đã chờ bên ngoài cửa phòng thi đấu.

Trong phòng ầm ào tiếng nói như tổ ong khổng lồ. Ai cũng cố tỏ ra quan trọng. Chẳng gì mình cũng đại diện cho một xã, thi đấu để mang vinh quang về cho địa phương. Già trẻ có cả, nhưng đa phần là già. Phòng thi đấu chỉ ngót nghét năm mươi mét vuông mà nhét tới gần trăm con người. Đã vậy đang dịp vào hè nên nóng hầm hập, người nào người ấy đẫm mồ hôi như thể đi cày mùa tháng sáu. Họ hỏi han nhau ở xã nào, làm nghề gì, bao nhiêu tuổi… quên cả nóng.

Đúng 7h45 ông Trưởng ban tổ chức thổi phù phù vào micro: 

-Trật tự! Đề nghị trật tự, để ban tổ chức làm việc.

Vẫn ồn ào, vẫn cười khanh khách. Ông trưởng ban ngán ngẩm gạt mồ hôi đang ròng ròng trên trán gọi với vào cái cánh cửa phía sau đang mở hấp hé:

- Cô Dung! Đồng chí Dung thư ký đâu? Điều hòa, bật điều hòa. Đề nghị các bác trật tự, nghe tôi nói đây: Gần tám giờ rồi! Để tôi nói. Không thì không kịp thi đấu ba trận trong buổi sáng nay. Các bác đã ngồi đông đủ rồi nhỉ, thiếu ai thì người ấy báo nhá.

- Ổ ồ à à ha ha ha. Tiếng cười rộ lên.

- Xin lỗi, tôi nói nhầm. Hôm trước bốc thăm tôi đã phổ biến cho các đồng chí bên xã, về trao đổi với các bác rồi. Không phải nói lại nữa.

- Tôi có ý kiến! Anh cho tôi hỏi bên nào đi trước?

- Đỏ trước, đen sau.

- Toàn trắng với đỏ thôi, không có đen. Làm sao bây giờ?

- Trắng, đen cũng kệ. Cứ đỏ đi trước! Thông nhất thế nhá. Bác nào? Bác nào hút thuốc làm ơn thôi đi, khói quá, như cái lò hun vậy. Mong các bác nhịn cho, thi đấu xong ra ngoài hút thoải mái. Tôi xin phép đọc diễn văn khai mạc. Trong không khí hân hoàn phấn khởi cả nước đón chào lễ Chiến thắng Ba mươi…

- Ối giời ôi… đọc nhanh lên. Đi thi cờ chứ có đi nghe diễn văn đâu. Kính thưa nhanh lên.

Lại vẫn tay đầu trọc kính cận ở cuối phòng thi đấu nói vóng lên. Nhưng ông Trưởng ban tổ chức làm như không nghe thấy. Hai đêm giời chong mắt ngồi viết chứ có phải thường đâu. Giờ không đọc thì phí à. Vả lại phải làm đúng quy trình, để sau này cấp trên khỏi trách cứ. Việc của mình là đọc. Ai không nghe thì thiệt.

Hơn chục phút cái diễn văn khai mạc mới xong. Ông Trưởng ban chúc giải cờ Chiến thắng thành công tốt đẹp rồi dõng dạc: Sau đây xin kính mời anh Thìn vô địch năm ngoái lên nhận bó hoa tươi thắm chúc mừng từ ban tổ chức. Đề nghị các bác vỗ tay.

Đèn flach nhoáng nhoàng, mấy chục cái điện thoai giơ lên chụp ảnh loạn xạ

Đồng mang số 35, cầm quân đỏ thi đấu với số 36. Trong lúc ông Trưởng ban khai mạc thì Đồng ngồi nói chuyện với đối thủ. Sau mấy lời giao đãi, anh biết đối thủ của mình là một thợ gò hàn. Hắn đi thi cờ tướng với hai mục đích, vừa lấy tiền công năm trăm ngàn của xã, vừa được đi xem các trò vui mà vợ chẳng thể kêu ca. Hắn không phải đối thủ của Đồng. Khi tiếng kẻng thi đấu vang lên, anh dàn thế trận giang hồ pháo đầu mã độn, thúc binh trung lộ không ngừng, hạ gục tay 36 trong vòng ba chục phút.

Cặp nào chơi xong thì ra ngoài nghỉ ngơi uống nước.

Đồng ra ngoài gọi chén nước trà. Gã đầu trọc kính cận cũng đã ngồi đấy từ nãy. Gã giành phần thắng ở trận đầu còn nhanh hơn cả Đồng. Chắc tay này cao thủ - Đồng thầm nghĩ và lân la làm quen “Nhanh thế? Vài nước đã hạ đối phương. Ông giỏi thật đấy”. Gã này lạnh lùng: “Loại chưa sạch nước cản. Chả chấp!”. “Ông ở xã nào?”- Đồng hỏi. Gã gọn lỏn: “Hà Nội. Rồi nhìn nét mặt ngơ ngác của Đồng, gã bảo tôi bách khoa thất nghiệp nên lang thang Hà Nội chứ quê ở huyện bên”. Vậy tay này giống mình. Cũng dân đánh thuê. Tôi hỏi: “Sao bách khoa thất nghiêp?”.

Hắn trầm giọng. “Èo… Học Đại học Bách khoa, suốt ngày lê la quán trà dúi mặt vào mấy bàn cờ thế của đám ất ơ. Bỏ học thành quen. Nợ môn, thiếu giờ chồng chất. Không được tốt nghiệp thì thành ra thất nghiệp”. “Vậy chắc ông cao thủ?”. “Xùy… Đám ở đây muỗi. Tôi chấp hết. Đấy rồi ông xem. Tôi sẽ vô địch”- Gã trọc đầu vênh mặt cao giọng. Đồng thấy chờn chợn. Cầu giời không gặp tay này. Mà nếu có thì gặp trận cuối cùng…

*

Những trận mà người thắng, người thua phải tâm phục khẩu phục thường không kéo dài. Thắng hay thua thì các đấu thủ vẫn thoải mái ra ngoài uống nước. Và họ hy vọng những trận sau. Còn trong phòng là sàn diễn của các cặp cò cưa. Chả phải ngang tài ngang sức mà cò cưa vì người ta rình chộp những sơ hở của nhau để bắt lỗi. Kiện cáo ỏm tỏi như chợ vỡ làm không khí bên trong phòng thi đấu bức bối đến ngột ngạt.

“Trọng tài! Ông trọng tài đâu? Lại đây có ý kiến! Ông bạn Dương này động vào quân xe mà không đi quân xe, luật động quân nào đi quân ấy”. Trọng tài đến xem, thế trận quân bên ông tên là Dương còn bộ ba xe, pháo, mã, bền sĩ tượng. Người ý kiến thì còn pháo, mã. Có điều con mã đang chiếu tướng của Dương. Dương nói: “Tôi gõ tay vào con xe để tính nước, ai chả biết mã ông đang chiếu tướng, bên ông còn pháo mã, chống sao được xe pháo mã, thua thế còn thua quân. Mấy nước nữa là ông toi”.

Ông kia tưng tửng: “Không biết! Luật là luật, đi thi đấu chứ có phải chơi vui đâu? Động tay con nào đi con đó”. Dương cay cú: “Vậy tôi gõ tay vào con xe, ông bắt tôi đi con xe, để mã ông ăn tướng tôi à”. Trọng tài lúc này mới lên tiếng: “Anh Dương thua, cứ đúng luật mà làm”. Dương lầm lì cụp mắt, lẳng lặng ký biên bản. Đối thủ giãn mặt hể hả. Chả gì cũng có Hai điểm đầu tiên. Thắng trên thế thua là nhờ bắt lỗi. Hay thế cơ chứ!

Thời gian cứ dần trôi đi, các cặp đã ra gần hết. Chỉ còn lại hai bàn. Mà cũng lạ. Bàn nào cũng một già một trẻ. Hai ông trọng tài mỗi ông một cái đồng hồ đưa đến, bấm cái tách. Tầm mươi phút sau ở bàn bên này chàng thanh niên đứng lên hô: “Bác thua rồi. Thua rồi trọng tài ạ. Kim đồng hồ bác đã dừng, hết quyền đi tiếp nhá”.

Cụ già cãi: “Mày điên à, cờ tao pháo, mã, tốt sang sông. Còn cờ mày còn mỗi quân mã và con sĩ què… chơi gì?”. “Không biết, cháu không biết. Bác hết giờ rồi”. Thì ra cụ già đi quân mà quên không bấm đồng hồ. Đối thủ biết vậy nên im lặng chờ đồng hồ bên phía cụ dừng. Lúc ấy hắn mới hét lên. Ông trọng tài đến, nhìn cái kim đồng hồ bất động thì dõng dạc: “Bác thua rồi”. Cụ già vùng vằng nhưng nhớ câu “trọng tài là cha là mẹ” nên đành ký biên bản chịu thua. Thằng thanh niên đắc chí cười khanh khách.

9h30, kết thúc trận một. Các kỳ thủ ra ngoài nước thuốc, nghỉ ngơi nghe đọc tên vào trận hai. Trận hai là thắng gặp thắng. Trận này Đồng may mắn lại bốc thăm cầm quân đỏ đi trước, sở trường của anh là pháo đầu mã độn cứ thế triển khai và hạ gục đối thủ trong ba chục phút. Đúng 10h30 trận hai cũng xong. Lại nước thuốc nghỉ ngơi, chờ đấu trận ba.

Càng vào sâu thì đối thủ càng xương. Ở lượt ba, Đồng không may mắn khi cầm quân trắng. Anh biết sẽ khó khăn nên ra quân với thế trận bình phong mã tròn, đối lại quá cung pháo. Đến tận gần 12h trong phòng chỉ còn hai bàn, là bàn của Đồng và bàn kế bên. Gặp đối thủ khó nhai Đồng đi từng bước cẩn thận, hai bên đưa nhau về tàn cuộc, lực lượng bên anh còn pháo, mã, tốt sĩ tượng bền, bên kia còn hai mã, tốt, sĩ tượng bền.

Đồng đang căng đầu tính toán thì chợt nghe đối thủ nói: “Thôi cậu thắng nhá, đằng nào chiều nay tớ cũng nghỉ. Phải đi phun thuốc sâu, lúa đang vào mẩy mà sâu ác quá. Không vợ tớ nó gào lên, lần sau muốn đi chơi cờ cũng khó. Thế nhá! Ra ký rồi về”. Cười. Bàn Đồng kết thúc.

Chiều, Đồng lại may mắn bốc lá thăm được đi trước. Đối thủ là một ông tầm sáu mươi tuổi, tóc húi cua, hàng ria xén đều trên cái miệng mím chặt làm khuôn mặt căng bóng. Lão này chắc là dân có số má chứ chả đùa. Lão ta nhìn Đồng gườm gườm như muốn nuốt sống anh ngay từ phút đầu. Đồng cũng gườm gườm nhìn lại. Căng thẳng.

Từ vòng này anh cẩn thận hơn, nên khai cuộc bài bản, không dùng thế trận pháo đầu mã độn nữa. Gặp cao cờ mà cứ chơi thế trận đó thì nắm chắc bảy đến tám phần thua. Đồng xuất thế pháo đầu, xe quá hà, cấp tấn trung binh. Đối thủ nhổm người ngồi xổm trên ghế, nhoài tay như muốn ôm lấy bàn cờ. “Bác ngồi xuống chơi cho hẳn hoi”- Đồng nhắc.

Lão này không thèm trả lời vẫn ngồi xổm theo tư thế cũ. Đồng yêu cầu trọng tài nhắc nhở. “Đếch gì mà quan trọng. Tao ngồi xổm quen rồi”- Lão trả lời tưng tửng.

Chỉ mấy nước đầu tiên, Đồng đã nắm ưu thế hơn hắn. “Này… cho tớ đi lại phát này nhá”- Lão già hoảng hốt đề nghị. Đi lại thì lão cũng sẽ phải thua. Đồng nghĩ vậy và gật đầu. Nhưng khi anh mới chỉ tay vào con tốt, mặc dù chưa chạm quân cờ thì lão đã trợn mắt: “Phải đi đúng con tốt, cấm hoãn. Chơi cho đúng luật!”. Đồng đành dí tốt. Chát! Đối thủ vồ lấy con tốt của Đồng với vẻ mặt đắc thắng.Điên thế!

Đồng vằn mắt nghĩ lão già này xấu tính. Đã vậy cho lão chết. Anh tập trung tinh lực vào bàn cờ, cẩn thận từng nước để dồn đối thủ vào thế bí. Chiếu! Lão già ngẩn mặt: Hết cờ à? Đồng mỉm cười: chả hết thì sao! Mặt đối phương méo xệch, hàng ria cụp xuống thảm hại. Đồng thắng trận thứ tư.

Sang trận thứ năm, lại gặp một ông ngồi xổm, nguyên chân giầy ngự trên mặt ghế. Ông này lùn tịt, trên người cái gì cũng ngắn. Đã vậy ông ta cứ chống đôi tay ngắn vào mép bàn để nâng người lên trong khi nghiêng mặt nhìn vào cái quạt trần. Lạ! Đánh cờ mà không thèm nhìn đối thủ, chả nhìn vào bàn cờ. Thì ra ông mắt lé.

Đồng bật cười. Cái đầu hói lại hơi ngảnh cộng hai con mắt bị lé đã nghi binh kẻ đối diện. Định gọi trọng tài chấn chỉnh tư thế ngồi xổm của ông ta nhưng Đồng nghĩ nên thông cảm vì tầm vóc khiêm tốn nên ngồi vậy mới đủ bao quát bàn cờ. Trước quái nhân “Nhất lé nhì lùn”, hậu thủ cần cẩn thận, dàn trận tam bộ hộ, thiên về thủ trước công sau. Chiến thuật bền bỉ từng bước tiến lên - Anh dặn lòng. Nhưng Đồng bất ngờ…

Vừa qua trung cuộc được mấy nước, anh đã chiếm tiên ưu thế, rồi hơn hẳn quân pháo. Thì ra trình độ đối thủ trận thứ năm này quá yếu. Yếu thế này mà sao thay mặt cả xã đi thi hàng huyện?        

Chợt bác già ngồi phịch xuống ghế, đôi tay ngắn xuôi xuống sau mép bàn và khuôn mặt đối diện vào bàn cờ. Động tác này khẳng định ông lé đang nhìn vào chỗ khác. Đồng ngạc nhiên. Ông này lại nhìn đi đâu vậy? Không chơi nữa sao? Chợt Đồng bị một phát giầy đạp vào ống đồng cẳng chân. Phát đạp khá mạnh làm chân anh đau tức. Ông này đến vô ý. Thả chân giầy xuống còn quờ quạng đá vào chân mình. Chả chấp. Đồng nhìn vào bàn cờ… lại một cú đạp nữa. Ông này cố tình! Nén bực dọc, Đồng hỏi gằn: “Sao vậy bác?” Bác già nghênh mặt cười đầy bí hiểm, tay chỉ xuống gầm bàn. Đồng nhìn xuống. Một tờ 500 ngàn xanh lét vẫy vẫy. Anh ngẩng lên nhìn vào hai con ngươi trong mắt người đối diện. Đôi mắt đang nhìn mình cầu khẩn. “Cậu cho tớ hòa, để tớ hy vọng có cái giải”. Đồng chợt hiểu.

Lão này mua mình? Chả sao. Cho lão hòa cũng được. Số điểm của mình gần tuyệt đối. Cầm chắc có giải rồi. Mà với trình độ ngang vịt như lão thì sao có giải được. Vả lại nếu lão được giải thì vẫn thua mình. Đồng gật đầu nhưng không cầm tiền. Mình cầm tiền của lão thì ra mặt mo. Thôi. Hòa!

Ra ngoài… ông Năm trăm lại dúi tiền vào tay Đồng. Anh bảo: Đừng. Chú giữ lại, vui là chính, quan trọng gì? Kết thúc ngày thứ nhất.

Hai trận cuối diễn ra vào sáng mùng Một tháng Năm. Chỉ cần thắng trận nữa là có giải, còn thắng cả hai thì Đồng giành chức vô địch.

Đúng như Đồng dự kiến. Trận thứ sáu, anh thắng. Yên tâm có giải rồi.

Cầu được ước thấy, trận cuối Đồng gặp tay đầu trọc kính cận. Tay này xứng đáng là cao thủ. Quả nhiên gã đã không uổng khi đánh đổi tấm bằng đại học Bách khoa lấy chức vô địch cờ tướng cấp huyện. Nước cờ của gã thiên biến vạn hóa làm Đồng bị động đối phó. Giữ được tới phút 59 thì Đồng thất thế, đành buông tay đầu hàng.

Ký biên bản xong, Đồng thấy mệt rã rời. Có lẽ do cảm giác anh ê chề vì bị thua. Vậy ra cái món cờ quạt chỉ mang lại cho mình sự vui vẻ thoải mái khi giải trí tiêu khiển. Còn khi vào thi đấu thì căng thẳng mệt mỏi thật. Có lẽ từ nay mình cạch, chả dại thi thố gì nữa.

Đang mải nghĩ thì giật nảy mình vì cái loa trong phòng rít lên phù phù: “Xin mời các đồng chí vào phòng thi đấu tổng kết trao giải”.

Ông Trưởng Ban trịnh trọng đọc diễn văn Tổng kết. Bài khá dài nhưng chẳng ăn nhập gì đến diễn biến các trận đấu. Có lẽ được viết trước giải đấu. Mọi người chả ai nghe, họ chỉ tập trung bàn tán xem ai nhất ai nhì. Rồi bài diễn văn lê thê được kết thúc bằng câu: “Giải cờ tướng “Chiến thắng” đã thành công rực rỡ. Đề nghị nhiệt liệt hoan nghênh”

Rồi làm như em - xi thi Hoa hậu thế giới, ông Trưởng ban trịnh trọng công bố và trao giải thưởng từ thấp đến cao.

Đồng và một ông nữa bằng điểm nhau nên Ban tổ chức trao cùng một giải Ba. Phần thưởng chia đôi. Mời hai người lên nhận.

Ông chia giải với Đồng ngồi ngay bên cạnh. Ông ta vỗ bốp vào vai anh: “Này, chả bõ chia. Thỏa thuận nhá: người nhận quà, người nhận cờ. Cậu nhận quà, tớ nhận cờ. Tớ bao năm mới được giải Ba đấy, muốn cái cờ về nhà treo”. Đồng mỉm cười lắc đầu: “Thôi, bác lên nhận hết ạ”.

Rồi anh đứng dậy, bước ra khỏi phòng thi đấu.

Đang đứng vẩn vơ thì một cái thụi vào lưng, Đồng giật mình quay lại. Ông lùn Năm trăm đã đứng đằng sau, cờ đỏ tua vàng cắp nách, mặt ngưỡng thiên đang ngoác mồm cười:

- Cậu gì ơi? Ở lại uống bia. Làm mấy quai rồi về… Tớ khao hết anh em ở đây - Lão vươn người cố ghé vào tai Đồng: Giải nhất được 500 ngàn. Lỗ nặng ông ạ. Nhưng sướng!

Ôi… ông lé lùn được giải Nhất. Vô địch! Tài thật!

Đồng lắc đầu. Chợt tay đầu trọc kính cận rảo bước ngang qua. Đồng chạy theo túm lấy gã:

- Này ông giải mấy?

Gã không dừng lại: “Nhì”. “Hay nhỉ. Tưởng ông giải Nhất chứ sao lại Nhì? Ông cũng bị thua lão lé lùn à?”- Đồng hỏi dồn dập.

Đầu trọc không cười. Gã bảo: “Cần đếch gì. Thắng thua cũng chỉ để cười. Cuộc cờ như thế cuộc đời. Khác chi! Lão ấy cần thì tớ đổi. Phải thực dụng ông ạ”

Đồng hiểu. Mà ô hay… Gã trọc nói ra thơ. Vần phết.

Nam Định- Tháng 3/2020


Truyện ngắn của Mai Tiến Duẩn
.
.