Nhà số "100Big"

Thứ Sáu, 31/08/2018, 08:38
Nó cũng từ quê mà ra nhưng ở phố lâu rồi nên quên mất gốc. Nó khinh rẻ người quê lắm. Người cơ quan đến chơi một điều thưa chị, hai điều thưa chị. Chủ và khách chuyện như pháo rang, cười như nắc nẻ. Hết khách thì cái mặt của bà con dâu lại xầm xì, rắn lại như mặt sắt…".

Sân Văn Miếu hôm ấy là cả một rừng người và hoa. Có tới cả ngàn chiếc ghế đơn loại gấp lại được, xếp ken nhau. Khoảng sân rất rộng người đứng, người ngồi chật cứng như nêm cối. Dọc lối lên sân khấu, người cũng nhiều vô kể. Di chuyển là khó khăn vô cùng. Nhưng đổi lại, nét mặt ai nấy đều tươi roi rói.

Trên sân khấu lớn đã sang phần quan trọng nhất của buổi vinh danh sự nghiệp giáo dục nước nhà. Các tân giáo sư và phó giáo sư lục tục đứng dậy, rời khỏi vị trí được ban tổ chức ấn định cho ngồi từ đầu buổi. Len lách giữa dòng người, kẻ tiến lên phía sân khấu, người quay lui ra xa, tôi tiến dần lên phía khán đài. Tay cầm bó hoa tặng bạn giơ cao khỏi đầu như hầu hết những ai đang cầm hoa làm thế, tôi đưa mắt kiếm tìm bạn trong biển người lố nhố, hỗn độn.

Cơ man nào là người! Cơ man nào là sắc mầu trang phục! Cơ man nào là hoa tươi! Đành phải nhờ con di động dẫn đường, tôi tìm được về phương có người bạn đang ngồi chờ đến lượt gọi tên.

Khoảng sân ngay sát sân khấu đã bắt đầu có rất nhiều ghế trống do những người xong việc, bỏ đi nhưng khó mà tới đó. Tôi tách khỏi dòng người, len vào giữa hai dãy ghế kê khá sát nhau gần nhất, ngồi vào một cái ghế trống. Tôi biết, đã ngồi xuống ghế là chấp nhận sẽ không nhìn thấy gì trên kia, nhưng hai chân đã không còn muốn bước. Chúng cũng không muốn đứng nữa. Trước mặt tôi chỉ còn lưng người và lưng người. Những tấm lưng dàn thành hàng ngang. Nhiều hàng ngang lưng người lộn xộn, không hàng không lối ở phía trước, tại các hàng ghế, giữa các dãy ghế. Người tràn ra, chật cứng cả khoảng sân không kê ghế ngồi để làm lối đi lại.

Sân Văn Miếu ngày trọng đại của quốc gia mà như một cái chợ vỡ, không có lực lượng bảo vệ, không có người quản lý. Rất nhiều người trèo lên cả ghế để đứng xem những gì đang diễn ra trên sân khấu. Tay người nào cũng nhăm nhăm máy ảnh, điện thoại, máy quay phim hòng ghi lại thật nhiều khoảnh khắc vinh quang đáng nhớ của người thân lúc nhận tấm giấy chứng nhận học hàm. Những tân giáo sư, tân phó giáo sư chưa đến lượt lên đành kiên nhẫn ngồi yên vị mà trong lòng thì như có lò lửa đang đốt. Nơi họ có thể xem chỉ là những cái lưng đứng, lưng ngồi ngay trước mắt mình.

Tôi cũng hiếu kỳ ngó nghiêng nhìn xung quanh. Rất nhiều khuôn mặt tân phó giáo sư còn rất trẻ, tân giáo sư rất sáng giá. Nền giáo dục của nước nhà có thay đổi được hay không chắc chắn phải nhờ sự đóng góp công sức và tâm huyết của những gương mặt này, trong đó có bạn của tôi. Tự hào lắm í!

Tôi ngồi xem có chút tò mò buổi vinh danh học hàm, mà lần đầu tiên được tham dự, chợt bắt gặp một gương mặt khá quen, ôm bó hoa to đang chen đi ra phía ngoài. Mệnh phụ phu nhân nào đây nhỉ? Bó hoa trên tay mẹ ấy mới to làm sao? Chồng hay con của mẹ này hôm nay được phong hàm nhỉ? Có thể là chính mẹ ấy được phong học hàm? Phải cỡ U bảy mươi rồi nhưng mẹ ấy ăn mặc khá đỏm dáng và "vôi ve" khá đậm đà sắc màu "hết đát". Tóc nhuộm đen nhánh. Mặt quen quen. Tôi muốn đứng dậy chào mà cái bộ nhớ đã hết thời hạn sử dụng cứ trơ ra. Biết đâu, là một bậc thầy cô hay đồng nghiệp ngành giáo dục của bạn mình?! Chả nhẽ lại hỏi chị là ai? Tôi cố lục lại trí nhớ củ chuối của mình để không vô tình mà thất lễ, nhưng bất lực.

Minh họa: Tô Chiêm

May, "Con IC" cũng không bị chập lâu. Tôi nhận ra chị gái ấy khi chợt nhìn thấy anh giai hàng xóm cũ với tấm "bìa hồng" danh giá trên tay. Nét mặt hai người tràn trề hạnh phúc đang tiến lại gần nhau. Anh chồng cũng có mái tóc đen nhánh, giống hệt chị vợ. Trên lớp da vùng trán sát chân tóc của cả hai người đều để lại dấu vết của sự "đảo ngói" mới hôm qua. Dấu tích tàn phá của thời gian con người có muốn giấu đi cũng khó lắm thay! Gần giáp mặt nhau, nhưng vợ chồng nhà tân giáo sư hàng xóm vẫn không thấy tôi. Hay họ cố tình không nhận người quen?!

Hoá ra đức lang quân của chị gái ấy được phong học hàm đợt này. Nhìn hai vợ chồng nhà ấy hớn hở, nói cười, chụp hình, bỗng tôi cảm thấy như bị xúc phạm...

Ở nơi kia, có một cụ bà đã rất gần đất xa trời mãi mãi, vẫn đang ngày ngày lầm lũi vào ra, cô đơn, ăn và ở một mình tận trên tầng ba của căn nhà có tới bốn người đang sinh hoạt thường xuyên. Còn ở đây, có một cặp vợ chồng trí thức đang viên mãn, sung sướng hưởng thụ thành quả, hả hê với những thành công trên con đường danh lợi.

*

Một người đàn bà, mất chồng từ thời tuổi còn rất trẻ, đã ở vậy một mình nuôi con trai ăn học thành tài. Chính người mẹ nông dân ấy đã tự nguyện bán nhà, bỏ quê ra phố để chăm sóc con cháu. Bao nhiêu sức lực, bao nhiêu sự tần tảo và cả tuổi thanh xuân người mẹ ấy đã dành trọn cho con, cho cháu. Vậy mà khi về già thì một mình một góc, một mình một mâm ngay trong ngôi nhà số "100Big" của người con trai độc nhất.

Mặt tiền ngôi nhà của họ hướng ra một con phố tối sớm nhộn nhịp người xe, nhưng bà cụ Ngãi không thể chạm tới sự náo nhiệt ấy. Khi nào muốn cải thiện mắt một chút thì bà cụ phải sang phòng bếp, ngó xuống con đường đông vui phía dưới vì dưới cửa sổ căn phòng bà cụ ngự chỉ thấy những mái tôn chống thấm và trần bê tông lộm nhộm của những ngôi nhà hàng xóm chủ yếu là làm tạm, lô nhô đủ kích cỡ. Lũ nhà của xóm lao động ấy đều thấp hơn cái "100Big".

Bên trong ngôi nhà to của hai vợ chồng nhà giáo sư tiến sỹ đang hân hoan kia, đã từ lâu có một người mà họ gọi là mẹ, sống cô đơn giữa đám người gọi là con cháu. Bà mẹ ấy đang héo hắt dần từng ngày. Bà cụ giống như ngọn đèn dầu leo lét trước gió, cả bấc lẫn dầu đều đã kiệt.

Tôi ngồi yên lặng, nghe rõ tim mình đang đập những nhịp rất vô duyên, vô dạng. Nhiều khi tôi tự trách mình, cứ thương vay khóc mướn nhiều con tim sẽ sinh bệnh lúc nào không biết cũng nên!?

Ngày còn ở khu nhà cũ, tôi nghe nói anh giai này là tiến sỹ, dạy dỗ ở đâu đó. Tiền của nhà họ thì đông như quân Nguyên. Chị vợ là nhà báo hay nhà đài gì đó. Là hàng xóm nhưng tôi không có mối quan hệ láng giềng gì với họ, tình cờ chạm mặt nhau thì chỉ chào xã giao. Nhớ cái Tết đầu tiên khi gia đình tôi chuyển nhà về con phố đó, tôi có sang nhà ấy và các gia đình hàng xóm mới chúc Tết. Cái mặt lạnh như tiền của cả hai vợ chồng họ đã làm tôi phát ớn, nên sau đó tôi không bao giờ sang chơi nữa. Tôi rất dị ứng với những người có bộ mặt ma - nơ - canh như vậy. Ghét cực loại người ấy!

Tôi và nhà hàng xóm ấy chả có gì liên quan nhưng, chuyện nhà họ tôi lại khá tường tận. Bà cụ Ngãi đã thường xuyên làm khách của tôi trong thời gian dài. Hình như bà cụ tìm thấy nơi tôi một người bạn tâm giao. Ít nhất, tôi đã luôn cố gắng lắng nghe cho đến hết những câu chuyện buồn vui của bà cụ bên nhà số 100Big. Người mẹ, người bà bị thiếu tình con cháu và thừa nỗi ẩn ức về cách đối nhân xử thế của con cái đã không giấu tôi một chuyện gì.

Không có thói quen săm soi chuyện của người khác nhưng từng ngày, từng ngày cụ Ngãi cứ rót vào tai tôi những chuyện nhà họ, nên tôi tỏ tường nhiều thứ bên trong cánh cửa luôn đóng im ỉm của ngôi nhà to ngay mặt phố. Tôi biết rất rõ, rất tường tận về hoàn cảnh kinh tế, quá khứ và hiện tại của đôi vợ chồng luôn đeo bộ mặt lạnh tanh, đầu nghênh nghênh, mắt ít khi nhìn xuống và kiệm cả câu chào xã giao với người hàng phố.

Những ngày tháng bà ngoại ra trông con giúp, nhà tôi thường xuyên có mấy cụ bà, bạn ăn trầu với mẹ tôi sang chơi. Cụ Ngãi không ăn trầu nhưng là người hay ngồi chơi ở nhà tôi lâu nhất. Thỉnh thoảng mẹ tôi cũng sang nhà mấy bà bạn trầu cau. Lý do của mẹ rất giản đơn: "Phải đáp lễ các cụ ấy chứ".

Một lần tôi nói với mẹ:

- Mẹ có thể đến nhà ai cũng được nhưng đừng sang nhà cụ Ngãi nhé.

- Tại sao?

- Ở phố không phải nhà ai cũng thích hàng xóm đến chơi đâu. Các con của cụ ấy khinh người lắm.

- Nhưng cụ ấy mời mẹ mà.

- Con biết là cụ Ngãi quý mẹ thì mới mời mẹ sang nhà chơi, nhưng mẹ cứ bảo cụ ấy đến nhà mình chơi là được rồi - Tôi năn nỉ.

- Ừ thì không sang nhà cụ Ngãi chơi nữa - Mẹ đành gật đầu.

*

Trông vẻ ngoài cũng như cách ăn mặc thì ai cũng nghĩ cụ Ngãi là thị dân một trăm phần trăm. Nhưng bà cụ lại là nông dân chính hiệu. Quê cụ Ngãi ở một tỉnh vùng chiêm trũng. Người phụ nữ góa chồng từ khi mới hai mươi bảy tuổi, đã ở vậy nuôi cậu con trai độc nhất nên người. Ra trường, người con trai nhận công tác tại Hà Nội và lấy vợ. Sau khi vợ chồng họ sinh con thì bà mẹ đã bỏ hẳn quê lên Hà Nội với con cháu.

Thời bao cấp, gia đình con trai của cụ Ngãi cũng nghèo khó lắm. Là cán bộ nhà nước, giống như tất cả công chức họ sống bằng đồng lương không đủ. Vợ chồng nhà ấy cũng đã làm đủ thứ để mưu sinh như nuôi lợn, nuôi gà công nghiệp, nhận may gia công áo quần bảo hộ lao động. Căn nhà của họ khi đó cũng chỉ có nửa gian tập thể được cơ quan phân từ khi anh con trai còn độc thân. Mọi gia đình đều lấn chiếm đất lưu không giữa các dãy nhà tập thể làm chỗ đun nấu. Kinh tế nhà họ khá dần lên từ khi người con trai cụ Ngãi đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài về. Rồi con dâu cụ cũng phấn đấu đến chức vụ gì đó. Họ mua nhà và chuyển về đây ở.

 Một lần cụ Ngãi kể: "Vào dịp lễ, Tết, người người tay xách nách mang, hoa quả, rượu bia, phong bao đến biếu vợ chồng nó nhiều lắm. Ai cũng kính cẩn, khép nép, vào nhà nhanh rồi ra về cũng nhanh. Con dâu dặn tôi nếu thấy có khách thì phải lánh đi không được để người ta thấy. Chắc nó xấu hổ vì bộ dạng nhà quê của tôi.

Nó cũng từ quê mà ra nhưng ở phố lâu rồi nên quên mất gốc. Nó khinh rẻ người quê lắm. Người cơ quan đến chơi một điều thưa chị, hai điều thưa chị. Chủ và khách chuyện như pháo rang, cười như nắc nẻ. Hết khách thì cái mặt của bà con dâu lại xầm xì, rắn lại như mặt sắt…".

Thật tình, tôi chỉ biết nghe. Những chuyện đại loại như thế, tôi không biết nói lại ra sao cho yên lòng bà cụ hàng xóm thèm người để hàn huyên.

Căn nhà của các con cụ Ngãi sau đó đã được đập đi xây lên bốn tầng, lớn nhất nhì ở con phố ấy một thời. Toàn bộ diện tích tầng một đã được thiết kế để cho thuê làm cửa hàng. Cụ Ngãi và hai vợ chồng người con đều rút lên tầng hai và tầng ba.

"Vợ chồng nhà nó ở tầng hai, cho tôi lên tầng ba. Tầng nào cũng đầy đủ tiện nghi, vệ sinh riêng biệt. Ăn uống thì chung một phòng bếp ở tầng ba. Tôi bảo chúng nó cho ở tầng dưới để tiện đi lại và ra ngoài thì thằng con đội vợ lên đầu bảo nếu không thích ở tầng ba thì về quê. Vợ chồng nó sẽ chu cấp tiền cho".

Mắt cụ Ngãi rơm rớm lệ.

Lần khác, cụ than thở:

- Tôi buồn quá bác ạ. Con dâu bảo tôi ăn riêng. Nó mua gạo, mua thức ăn về, nói: "Bà tự nấu lấy ăn cho vừa ý". Hỏi lý do, nó bảo tôi già rồi phải ăn thứ mềm, còn hai vợ chồng nó răng chắc, sợ không hợp. Còn thằng chồng thì chỉ biết im như thóc.

Rất nhiều chuyện, cụ Ngãi kể tôi chẳng biết nói lại thế nào. Thường tôi chỉ ngồi nghe trong im lặng. Biết nói gì với bà cụ đây! Tôi không thể hiểu, sao vợ chồng nhà ấy lại đối xử với mẹ mình như vậy. Họ có thể khinh khi hàng xóm láng giềng, nhưng sao lại vô tâm, vô tình với người đã mang nặng, đẻ đau để họ có ở trên đời? Họ không nhớ gì đến những ngày tháng bĩ cực khi mới lập nghiệp ở thành phố hay sao? Bà cụ Ngãi kể đã bán cả dinh cơ, vườn đất ở quê đưa hết tiền cho các con sửa chữa, cơi nới để nửa gian nhà tập thể thành chỗ ăn ở cho sáu con người. Hồi hai vợ chồng nhà ấy còn trẻ tuổi, họ phải vừa công tác, vừa phấn đấu học hành, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, thì chính bà cụ đã phải chăm sóc nuôi nấng ba đứa cháu lít nhít, cách nhau chỉ hai tuổi.

"Mỗi ngày, tôi nấu nướng phục vụ ba đứa cháu. Một chậu quần áo của cả nhà đều một tay tôi giặt, phơi phóng, gấp, cất đâu vào đó. Chúng nó đi suốt từ sáng đến tối khuya mới về. Nhiều hôm con mẹ nó đi học thêm về thì lũ trẻ đã ngủ cả rồi - Cụ Ngãi kể lại chuyện cũ, mới có vài chục năm mà như đã xửa xưa. Thời bao cấp, đến xà phòng giặt cũng hiếm, nước ăn, nước giặt không đủ dùng. Quần, áo, chăn màn đều giặt bằng tay, đâu có máy giặt như bây giờ. Hà Nội ngày ấy nước sinh hoạt khan hiếm lắm. Cả khu dân cư chỉ có một vòi nước công cộng, ri rỉ chảy vào ban đêm. Tối khuya là xô chậu, các chủng loại thùng chứa nước được xếp hàng dài chờ đến lượt lấy nước thâu đêm. Làm gì có đường nước đưa vào tận nhà".

Thương con dâu, thương con trai đi làm vất vả cả ngày, chính bà mẹ đã đêm hôm xếp hàng hứng nước ở máy nước công cộng xách về chứa vào cái bể nhỏ xây bằng gạch và xi măng - cát trong góc bếp để dùng vào ngày hôm sau. Ở tuổi trung niên, bà cụ đã hòa nhập với cuộc sống phố phường, cùng tấm lòng thơm thảo của người phụ nữ thôn quê. Có một thời, cụ Ngãi đã hết sức lam làm vì con, vì cháu nơi đất chật, người đông như thế.

"Mình ở nhà cả ngày, ngủ buổi trưa được ít nhiều rồi nên đỡ đần để vợ chồng nó ngủ cho thích mắt" - Đôi mắt đã phủ màu sương khói trở nên linh lợi hơn khi cụ Ngãi kể lại những chuyện ngày xưa.

*

Sau ngày gia đình tôi chuyển nhà đi nơi khác thì tôi không biết nhiều về nội tình gia đình cụ Ngãi nữa. Một lần về thăm nơi ở cũ, tôi tình cờ gặp cụ Ngãi. Bà cụ túm lấy tôi, hỏi thăm đủ thứ, về chồng, về con tôi. Cụ Ngãi không quên hỏi thăm sức khỏe của mẹ tôi. Tôi cũng nghe được vài ba câu chuyện về con cháu của cụ Ngãi. Thằng cháu đích tôn thì du học ở Úc, lấy vợ người Úc gốc Việt và đã định cư bên đó. Cô con gái đầu của nhà ấy đã theo chồng vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Còn cô cháu út đang học đại học năm cuối, có người yêu học cùng khóa, cùng trường. Ngay sau khi hai đứa tốt nghiệp sẽ làm đám cưới.

Nhìn vào đôi mắt u buồn, ánh nhìn đã chậm chạp của bà cụ tôi biết, nước mắt của người phụ nữ đã cao niên ấy vẫn đang chảy xuôi, lặn hết vào trong.

*

Đúng vào cái ngày tôi gặp đôi vợ chồng tân giáo sư ở sân Văn Miếu thì bà cụ Ngãi đã được người cháu gọi cụ bằng dì ruột đưa về quê.

"Mẹ chỉ có một con, con chỉ có một mẹ mà vợ chồng nhà ấy đọa đày bà cụ lắm"; "Bà cụ sống như tù giam lỏng như thế thà về quê còn hơn. Khi ốm đau con cái cũng vẫn ai việc đó đi suốt ngày, bỏ bà cụ nằm co một mình"; "Trí thức gì mà bất hiếu";

...

Hàng xóm cũ thóc mách. Cụ Ngãi đã nuốt bao nhiêu nước mắt vào trong cố để sống nốt tuổi già nơi phố xá bên cạnh con cháu. Nhưng cuối cùng, bà cụ vẫn phải trở lại quê hương sống nhờ vào sự bao bọc của họ hàng, làng xóm. Những tưởng thế là xong. Nhưng có một chuyện, khi ngồi viết những dòng này thì tôi mới nghe được.

Bà cụ Ngãi trở về quê được vài ba tháng thì đổ bệnh nặng, xem chừng khó qua. Vào một buổi sáng, cả làng kinh động vì tiếng còi ủ của loại xe chuyên dùng cứu thương. Một con hồng thập tự 115 từ hướng thành phố chạy về lao nhanh như tên bắn qua cổng làng. Sân nhà người cháu nơi bà cụ Ngãi sắp quy tiên đang chật cứng người đứng, người ngồi. Anh em họ hàng bà con làng xóm tập trung đông đủ cả.

Người con dâu độc nhất của cụ Ngãi xuất hiện cùng bộ mặt như đưa đám, lệ rớm quanh mi. Bằng một giọng não lòng, chị ta cẩn thận thưa chuyện với anh em nhà chồng, rằng con trai cụ Ngãi không về cùng vì đang đi liên hệ móc nối bác sỹ tìm bệnh viện tốt để cứu chữa cho mẹ; rằng chồng chị ta quen biết rất rộng nên sẽ tìm được thầy thuốc giỏi; rằng còn nước thì còn tát; rằng không thể để bà mẹ chết ở quê không thuốc men, không con cháu ruột già thế này…

Nghe thoáng thì thấy toàn tình là tình. Chị vợ giáo sư diễn cứ y như là thật! Nhưng sâu xa, tưởng vậy mà không phải vậy.

Vợ chồng nhà giáo sư ấy biết mười mươi có tìm thầy giỏi siêu nhân, có tìm thuốc quý thập toàn đại bổ, dụng phép thần thông gì thì cũng không cứu được cái mệnh của bà mẹ già đã đến ngày tận, tháng cùng. Hai vợ chồng họ đã đi xem ba thầy tử vi, tướng số. Cả ba người đều phán như một: "Cụ nhà chỉ chờ ngày, chờ giờ nữa thôi. Hãy về lo hậu sự là vừa".

Hai chủ nhân của ngôi nhà số 100Big cũng đã bàn hết nước hết cái. Họ đi đến một quyết định là hỏa táng để chỉ mất một lần vất vả, phiền hà họ hàng ở quê. Nhưng để bà cụ chết ở nhà người cháu thì việc đưa đám từ quê ra đài hóa thân thành phố sẽ nhiêu khê lắm. Một phương án thượng sách được thiết lập. Thuê một chuyến xe cứu thương đưa bà cụ ra, mang vào bệnh viện thành phố gửi. Khi bà cụ quy tiên sẽ tổ chức đám tang ngay ở nhà tang lễ của bệnh viện rồi đưa đi hỏa táng. Như thế vừa đỡ phải chầu chực chăm sóc người hấp hối ở quê, hơn nữa là khi tổ chức tang lễ thì đám người muốn trả ơn vợ chồng nhà giáo sư cũng đỡ phải vất vả đi xa. Quan trọng nhất vẫn là nếu làm đám tang bà cụ Ngãi ở quê thì chắc chắn khó tận thu tiền phúng viếng! Đặc biệt, khi đưa rước hương hồn người quá cố quay về quê cha đất tổ chỉ còn một lọ tro tinh rất nhẹ nhàng.

Thật là, nhất cử không chỉ là lưỡng tiện mà phải là tứ ngũ tiện ấy chứ!

Người cháu có chung một nửa huyết thống với bà cụ Ngãi thay mặt họ hàng truyền đạt lại nguyện vọng của người đang hấp hối: "Ý nguyện của cụ muốn chết ở quê. Cụ bảo muốn được chôn cất bình thường theo cách truyền thống như những người dân quê". Tuy có mối quan hệ gần gụi "mất mẹ bú dì" nhưng người cháu cũng chỉ biết nói thay lời bà dì ruột như thế. Nói thì cứ nói cho hết điều cần phải truyền đạt lại thôi. Quyết định thế nào là do những người là con, là dâu của bà cụ.

Anh em, họ mạc, người làng tuy quê kệch ít học nhưng dân trí cũng được khai thông do cái văn hóa của kinh tế thị trường xâm nhập từ mấy chục năm nay, nên không đến nỗi không hiểu lý do sâu xa, vì sao người phát ngôn của nhà giáo sư bảo còn nước còn tát khi biết chắc chắn là có còn nước đâu để mà tát nữa.

Chả phải vợ chồng ông giáo sư muốn báo hiếu đấng sinh thành mà đưa mẹ già bệnh nguy kịch chỉ còn chờ giờ về với tổ tiên đi bệnh viện như vậy.

Vì sao họ phải đưa bằng được bà mẹ hấp hối ra thành phố làm đám ma thì không chỉ có trời biết, đất biết, đôi vợ chồng nhà giáo sư ấy biết, mà họ hàng, làng xóm ai nấy đều biết tuốt.

Truyện ngắn của Y Mùi
.
.