Người sông Tương

Thứ Sáu, 10/09/2004, 11:08
Tôi ngẩn người. Hóa ra, cô ta muốn tự tử thật. Máu nghề nghiệp nổi lên, tôi lựa lời hỏi han và động viên cô ta nói ra lý do vì sao muốn chết. Và rồi, cô ấy đã tin cậy kể cho tôi nghe...

Tôi là bác sĩ tâm lý. Bệnh nhân thường đến tìm tôi khi họ gặp những vấn đề rắc rối nào đó mà không tự mình giải quyết được: Một anh khổ sở vì những chuyện không hay ở cơ quan, một chị trẻ trung xinh đẹp nhưng chồng đi theo bồ... Không chỉ có thế, hằng ngày tôi còn phải tiếp các trình dược viên, họ đến từ các hãng thuốc, đem theo những sản phẩm mới và thuyết phục tôi khuyên bệnh nhân sử dụng.

Một ngày, người đại diện Hãng thuốc X đem đến cho tôi một sản phẩm mới. Anh ta chìa ra một vỉ chỉ có 2 viên thuốc, một viên màu đen to bằng khuy áo, một viên khác màu đỏ nhỏ xíu chỉ bằng hạt đậu xanh, và nói:

- Đây là thuốc “Quên”, một phát minh mới nhất. Thuốc này có tác dụng làm cho người ta vĩnh viễn quên đi một sự việc, hình ảnh của sự vật, sự việc nào đó trong đầu con người. Trong khi con người có bao nhiêu thứ muốn xóa sạch mà không được, thì thuốc “Quên” là một phát minh tuyệt vời nhất!

Tôi đón lấy vỉ thuốc trong tay anh ta. Mặc dù không có cảm tình với những trình dược viên suốt ngày “khua môi múa mép” nhưng tôi phải thừa nhận rằng anh ta nói có lý. Quả thật, đã từ lâu con người khao khát có cách nào đó để quên đi những gì thường hành hạ chúng ta trong cuộc sống, ví như: tội lỗi, sự đau khổ, phiền muộn... Khi ấy, nghề y của tôi cũng chỉ có thể chia sẻ với họ bằng những lời khuyên cùng với thuốc an thần, chứ không thể làm gì hơn.

Tôi đọc kỹ tài liệu gửi kèm theo của Hãng X. Và tôi quyết định sẽ tư vấn cho bệnh nhân đầu tiên của tôi vào sáng mai.

Sáng hôm sau. Người trợ lý của tôi vừa mở cửa thì bệnh nhân đầu tiên bước vào. Một bà cụ tám mươi tuổi, lưng còng, da nhăn nheo. Cụ vừa khóc vừa kể lể việc hàng xóm xấu xa lợi dụng cụ sống độc thân, họ lấn sang đất vườn của cụ để làm nhà hàng, lại còn suốt ngày mở nhạc xập xình, khiến cụ mất ăn mất ngủ cả tháng trời. Khi tôi lựa lời khuyên và tư vấn dùng thuốc “Quên” thì cụ giãy nảy:

- Thôi thôi ông ơi! Tôi chả còn sống bao nhiêu, nếu uống thuốc mà quên sạch, thì tuổi già còn điều gì đáng để sống nữa!

Nói rồi cụ cắp nón đi thẳng ra cửa.

Vậy là tôi thất bại với bệnh nhân đầu tiên.

Minh họa của Lê Tiến Vượng

Đang miên man nghĩ về một ngày mình sẽ già đi, thì cánh cửa lại mở. Một cậu bé chừng mười lăm tuổi bước vào. Cậu ủ rũ như một người già, hồi lâu mới ngẩng khuôn mặt phờ phạc lên, đề nghị tôi cho lời khuyên. Thì ra cậu là một học sinh giỏi có tiếng của trường chuyên thành phố, niềm hy vọng của một dòng tộc danh giá đã trượt thẳng cẳng trong kỳ thi vừa rồi. Đau khổ vì đánh mất lòng tin của mọi người, cậu tìm đến đây.

Tôi khuyên cậu trấn tĩnh lại, dẫu sao mọi sự cũng đã xảy ra rồi. Cuối cùng, tôi cao giọng:

 - Cậu nên dùng thuốc “Quên”. Như vậy, cậu sẽ mau chóng quên đi sự phiền muộn này.

Cậu bé ưng thuận. Nhưng khi tôi đưa thuốc ra, cậu lại ngập ngừng:

- Có lẽ... bác để cháu suy nghĩ thêm. Nếu mỗi lần thất bại mà cháu phải dùng thuốc, thì trời ơi, chẳng nhẽ đời cháu dài thế, lại cứ phải tìm thuốc “Quên”? Cháu sẽ tự chịu đựng thôi! Chào bác, cháu về!

Thoắt một cái đã không thấy cậu ta đâu nữa.

Tôi buồn rầu bước ra cửa. Hóa ra các bệnh nhân của tôi đều từ chối. Sao thế nhỉ? Bỗng có tiếng phanh ôtô gấp, kèm theo tiếng quát:

- Muốn chết hay sao mà đi đứng như thế?

Mọi người xúm lại. Một cô gái nằm sóng soài ngay trước mũi chiếc xe tải. Ai đó đỡ cô ngồi dậy. Mắt cô mở như không nhìn thấy gì. Anh tài xế nóng tính còn chưa hết cơn giận, phân bua với mọi người:

- Tôi đang đi thì cô ta lao vào xe tôi.

Mọi người dìu cô ta vào phòng mạch của tôi. May quá cô ta không sao cả, chỉ sây sát nhẹ ở đầu gối. Tôi làm sạch vết trầy xước, băng bó cho cô ta. Lúc này tôi mới có dịp nhìn kỹ. Cô ta khoảng ngoài ba mươi, thấp béo, không đẹp chút nào, với khuôn mặt đầy tàn nhang, cái mũi to, chỉ đôi mắt ướt là dễ coi. Cô ta vẫn không hé nửa lời. Cho đến khi tôi nói với cô ta là mọi việc đã xong thì cô ta bỗng thở dài:

- Giá mà tôi chết được có phải tốt không, đỡ làm phiền đến bác sĩ.

Tôi ngẩn người. Hóa ra, cô ta muốn tự tử thật. Máu nghề nghiệp nổi lên, tôi lựa lời hỏi han và động viên cô ta nói ra lý do vì sao muốn chết. Và rồi, cô ấy đã tin cậy kể cho tôi nghe...--PageBreak--

Đó là một nữ nhà thơ trẻ. Cô đã có thơ đăng trên các báo trung ương và địa phương. Trái tim đa cảm nhưng cuộc đời lại lận đận, vì ít chàng trai nào để mắt đến cô, có lẽ vì cái vóc dáng vịt bầu và khuôn mặt không ấn tượng. Vì thế, đã sang tuổi ba mươi, mà cô chưa từng đón nhận một tình yêu nào.

Trong một lần đi thực tế sáng tác, cô gặp một nhà báo ở thủ đô về. Người đàn ông lịch sự, uyên bác và chu đáo đã dần dần làm trái tim cô run rẩy. Khi nghe anh ôm đàn và hát “... Ai có về bên bến sông Tương, nhắn người duyên dáng tôi thương, tháng ngày tôi vẫn cô đơn”, cô muốn chết chìm trong ánh mắt thăm thẳm kia. Và khi biết anh đã ly dị, hiện sống độc thân thì cô không thể dập được ngọn lửa khao khát sẽ được ở bên anh suốt đời.

Tình yêu cô dành cho anh được anh đón nhận không chút hồ nghi. Anh đã khóc và hôn rất lâu lên khắp người cô, khi biết cô dành cho anh cả đời con gái. Hai người đã sống những ngày hạnh phúc trong suốt một tháng ở gần nhau. Đêm chia tay, cô khóc không phải vì buồn, mà vì sung sướng khi nghe anh hẹn sẽ về thu xếp công việc để đón cô xuống ở với anh.

Năm trăm cây số đường miền núi, quá xa xôi cho một lần gặp gỡ, nên hai người chỉ liên lạc qua điện thoại và thư. Thư nào cũng tràn ngập lời yêu thương và mong chờ.

Nữ nhà thơ trẻ cả tin chỉ biết yêu thôi, không biết rằng, thời gian không bao giờ ủng hộ cho những cuộc tình xa cách. Khi những phút giây cuồng nhiệt qua đi, thay vào đó là những chuyến đi xuyên Việt, xuyên Á, xuyên Âu, người đàn ông bận rộn của cô nguội nhạt dần. Có lẽ vì xa xôi quá chăng? Hay vì anh ta đã phản bội cô để chạy theo một cô gái khác? Có cả ngàn cách lý giải, mà cách đơn giản nhất, là vì anh đã yêu xong cô rồi.

Nhưng cô chưa yêu xong. Mối tình đánh đổi cả đời con gái đâu dễ dàng đi qua. Uất ức, đau đớn, cô chọn cái chết.

Tôi thương cô gái này quá. Và để kéo cô ra khỏi cuộc tình cay đắng, tôi lại nhớ đến thuốc “Quên”, bèn giới thiệu với cô nhà thơ trẻ. Cô như người chết đuối vớ được cọc:

- Có thuốc như thế hả bác sĩ? Cho cháu dùng đi! Trời! Thế là cháu không phải chết! Cháu vẫn có thể sống, mà không phải nhớ đến anh ta, nhớ đến nỗi đau đớn của cháu.

Tôi đưa vỉ thuốc cho cô và dặn:

- Viên lớn màu đen tên là Undo, có tác dụng giúp người bệnh quên đi một sự việc nào đó họ đang cần quên. Còn viên nhỏ màu đỏ tên là Redo, dùng để phục hồi sự việc đó nếu muốn, khi đã dùng Undo rồi.

Cô nhà thơ trẻ bóc ngay viên đen, vớ cốc nước trên bàn uống trước mặt tôi, rồi vừa quẳng viên đỏ vào sọt rác, vừa nói:

- Cháu không cần viên này.

Cô chào tôi rồi ra về. Tôi đứng ngẩn người, nhìn theo bóng dáng tròn xoe, đi thoăn thoắt trên phố, cứ như chưa hề có chuyện vừa mới nửa tiếng trước đây, cô lao đầu vào ôtô để chết. Một lúc lâu tôi mới sực nhớ ra là chưa lấy địa chỉ của cô để theo dõi bệnh nhân, theo yêu cầu của hãng thuốc.

Một tháng sau. Người trợ lý của tôi vừa mở cửa đã thấy cô nhà thơ  đứng chờ. Vừa nhìn thấy tôi từ cầu thang bước xuống, cô ta đã chắp tay nói như van nài:

- Bác sĩ ơi! Có cách nào giúp cháu...

- Có việc gì nữa vậy? - Tôi nghi ngại - Hay là... thuốc hôm nọ dùng không kết quả?

Đoán được ý nghĩ của tôi, cô nhà thơ trẻ ngồi xuống ghế, khe khẽ:

- Thuốc dùng tốt lắm bác ạ. Vừa ra khỏi nhà bác, cháu đã quên anh ta ngay. Tuyệt nhiên không còn một vết tích gì, chỉ còn mơ hồ một cái tên. Không còn chút đau khổ nào, cháu thấy cuộc đời lại trở về như cũ. Cháu lại đi làm, đi chơi với bạn bè, đi mua sắm, đi cà phê... và làm thơ như trước.

Tôi cắt ngang:

- Vậy là tốt rồi, cô còn muốn gì nữa?

Nữ nhà thơ trẻ cúi mặt, thở dài:

- Khổ là ở chỗ ấy đấy, bác ạ. Khi trở lại như xưa, cháu nhận ra cái sự thiếu nó cứ lớn lên, thành sự trống rỗng. Những câu thơ viết ra cũng vậy. Mãi, cháu mới hiểu ra rằng, lâu nay cháu vẫn sống mà không có một tình yêu thực sự nào. Cho đến khi gặp anh ấy... Bây giờ cháu lại đến xin bác sĩ có cách nào giúp cháu... lấy lại những gì cháu đã quên?

Tôi nghệt mặt ra. Cô này có... điên không cơ chứ? Nhưng cô gái rơm rớm nước mắt:

- Cháu nói thật đấy bác sĩ ạ. Cháu chấp nhận đau khổ để được sống với cảm giác sung sướng những ngày ở bên anh ấy, dù chỉ là trong ký ức. Còn hơn là sống mà không có gì. Cháu còn chưa yêu xong mà. Hạnh phúc mà cháu đã có với anh ấy, đủ cho cháu sống và làm thơ suốt đời. 

Dưới đôi mắt ướt nhoẻn là một nụ cười. Tôi mở ngăn kéo lấy ra viên Redo, đưa cho cô nhà thơ trẻ. May là hôm ấy người trợ lý chu đáo của tôi đã nhặt cất đi, định để trả lại cho người đại diện Hãng X.

Rất nhanh, như hôm trước, cô bệnh nhân nhặt viên thuốc cho vào miệng, không cần lấy nước. Khi cô quay lại, tôi thấy một gương mặt rạng rỡ chưa từng gặp bao giờ:

- Ổn rồi bác sĩ ạ! Cháu đã nhớ ra rồi. Hôm cháu gặp anh ấy, trời mưa, anh ấy đã che ô và cầm tay cháu lên đỉnh núi. Bàn tay anh ấy ấm lắm. Cháu đã rất hạnh phúc mỗi khi đêm về được chờ đợi tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Cháu lại như được nghe anh ấy hát. Và, bác nhỉ, biết đâu...

Tôi nhìn theo cái bóng tròn xoe tung tẩy trên phố, thả vào nắng câu hát khe khẽ, nhưng rất rõ lời: Ai có về bên bến sông Tương...

Tối hôm ấy, tivi đưa tin: Sản phẩm thuốc “Quên” của Hãng X, sau khi thử nghiệm đã thất bại

.
.