Người ghép xác

Thứ Năm, 12/10/2017, 11:20
Lãnh đạo nhà trường kiểm điểm ông. Không thể để một giáo sư có những hành động thái quá, kỳ quặc đó mãi được. Tin đến tai bà giáo sư. Bà tức tốc gọi các con về. Cũng chính khi đó thì giáo sư lên cơn đau đầu dữ dội. Ông hoa mắt chóng mặt gục ngã ngay trên bục giảng. Người ta đưa ông vào viện cấp cứu. Đích thân giám đốc bệnh viện lại vào cuộc...

Bệnh tình Giáo sư Vũ đang ở hồi nguy kịch. Nằm viện cả tháng trời nay nhưng sức khỏe ông ngày một đuối đi. Cho đến đêm qua thì tất cả các bác sĩ đều lắc đầu. Ông bị đa thứ bệnh. Thủng dạ dày, gút, suy thận mãn, áp huyết cao, đái tháo đường... Đận này, cú nhồi máu cơ tim đã đánh ông đòn quyết định cuối cùng. Ông gục hẳn rồi cứ thế chìm đi trong cơn mê. Mạch nhỏ dần, thưa thớt, đứt quãng. Ông đã bị liệt nửa người. Người nhà ông, anh em trong cơ quan ông tụ tập tất cả bên hành lang bệnh viện theo dõi tình trạng bệnh tật của ông. Ai cũng cầu cho ông tai qua nạn khỏi.

Giáo sư Vũ là linh hồn của Viện nghiên cứu X. Ông đã làm chủ hàng trăm đề tài khoa học, có nhiều công trình, dự án đem lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống. Ông đã giảng dạy, kèm cặp bao lứa sinh viên, nghiên cứu sinh để họ trở thành những nhà khoa học. Ai cũng nể phục, trân trọng sự tận tụy, miệt mài, đầy trách nhiệm của ông đối với công việc và đồng nghiệp.

Với ông, chỉ có công việc và công việc, khoa học và khoa học. Ông làm việc quên cả giờ ăn, giấc ngủ. Chứng đau dạ dày là căn bệnh đầu tiên đến với ông. Rồi thì đau vai gáy, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm. Tiếp đó là gút, là suy gan thận, là tiểu đường.

Người nhà, thư ký nhắc nhở thế nào ông cũng chỉ nghe được vài hôm rồi đâu lại vào đấy. Thuốc thang theo đơn có cả núi. Ấy vậy mà chỉ khi nào lên cơn đau không chịu được nữa hoặc vài ngày đầu khi mới ra viện về thì ông mới uống thuốc. Còn thì ông quên dài dài. Đắm mình vào công trình nghiên cứu, vui với những giờ giảng dạy cùng sinh viên, ông quên hết bệnh tật. Ông bảo cứ vô tư thì bệnh tật tự nó khắc hết. Thế mà lần này, ông cứ lịm đi theo chiều âm, không gượng lại được.

Nhìn ông thoi thóp trên giường bệnh, ai cũng ái ngại và thương cho ông quá. Học trò nghe tin thầy bệnh trọng kéo đến khá đông. Ai cũng năn nỉ với các bác sĩ cố cứu chữa lấy giáo sư. Bộ óc của ông ấy rất cần cho sự nghiệp khoa học. Phong cách sống, tình cảm của ông quá thân thiết với bao người. Đặc biệt, với vợ và các con ông thì sự yêu thương, kính trọng ông còn hơn ai hết thảy trên đời.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Hơn năm mươi tuổi đời, ông đang độ chín, đang độ tỏa sáng nhất của mình. Những ánh mắt cầu khẩn của họ hướng tới các bác sĩ. Chẳng cần vậy thì các bác sĩ cũng đã dành hết tình cảm, trách nhiệm cho giáo sư rồi. Họ có người là học trò cũ, có người là bạn công tác, bạn khoa học của ông. Chính giám đốc bệnh viện, cũng hàm giáo sư tiến sĩ như ông, bạn thân thiết của ông đã trực tiếp điều trị cho ông rồi. Họ đã cố hết cách. Giờ có lẽ cũng chỉ còn biết trông chờ vào số phận may rủi mà thôi. Đến lúc này khoa học cũng bó tay. Bệnh trọng của giáo sư đã vượt khỏi tầm kiểm soát của họ.

Đang lúc bế tắc như vậy thì điện thoại của giám đốc bệnh viện reo lên. Ông cầm máy nghe, à ờ nói đôi câu với đầu sóng bên kia. Sau đó, cất máy vào túi áo, ông khẽ nói với mọi người: “Nghệ sĩ múa Duy Quang bị tai nạn mất rồi!”. Mọi người ngơ ngác. Ai? Ông Duy Quang hả? Sao lại thế được? Nghệ sĩ múa tài danh như thế sao lại chết được? Mà tai nạn thế nào? Có người thở dài. Sao những người tài lại cứ rủ nhau ra đi thế cơ chứ? Sao, thế nào, tại sao là những câu hỏi cứ tự nhiên bật ra cho những người đang vây quanh giám đốc bệnh viện.

Xòe hai bàn tay trước mặt mọi người, giám đốc bệnh viện lắc đầu: “Ông ấy bị tai nạn xe máy, ô-tô cán vào đầu chết tại chỗ rồi!”. Trời! Mọi người cùng kêu lên. “Bây giờ, mời các bác sĩ chuyên khoa về ngay phòng hành chính để tiếp tục hội chẩn. Bác sĩ Lan ở lại trực theo dõi chặt chẽ bệnh tình của giáo sư. Còn nước còn tát”. Giám đốc nói rồi quầy quả đi về phòng họp. Mọi người nhìn giám đốc bệnh viện và số bác sĩ đang đi theo ông với ánh mắt đầy hy vọng.

Tại cuộc hội chẩn, giám đốc bệnh viện nói: “Tình trạng bệnh của Giáo sư Vũ là rất nguy kịch. Thời gian còn lại bây giờ của ông ấy chỉ tính được bằng giờ. Cấp trên vừa điện cho tôi về vụ tai nạn của nghệ sĩ Duy Quang. Đó là một tổn thất lớn cho nền nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, thể theo di huấn của ông đã được gửi đến các cơ quan chuyên môn trước đây là ông sẽ hiến xác cho y học, phục vụ sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Cấp trên gợi ý giao cho viện ta tiếp nhận, bảo quản và sử dụng xác của nghệ sĩ”.

Nhiều tiếng xì xào nổi lên. Tiếp nhận thì tiếp nhận, việc gì phải bàn nữa. Mình chẳng đã tiếp nhận mấy xác rồi còn gì. Cứ việc cử phòng chuyên môn thực thi là được.

Giám đốc bệnh viện xua tay ra hiệu trật tự. Ông nói tiếp: “Đã đành là tiếp nhận và sử dụng như những xác trước. Nhưng điều tôi nói ở đây là xác nghệ sĩ không còn đầu. Chính xác ra là đầu đã bị vỡ nát phân nửa. Những xác trước đều nguyên vẹn, còn xác của nghệ sĩ thì thế đấy. Và quan trọng hơn, ý tôi nói liên quan tới Giáo sư Vũ”.

Ông dừng lại thăm dò. Mọi người ngơ ngác chưa hiểu ý. Tháo cặp kính cận khỏi mắt, cầm nó trên tay, ông nhìn khắp lượt các bác sĩ chuyên khoa, toàn trưởng phó khoa của bệnh viện, nói: “Ý tôi là thế này. Ta sẽ ghép đầu của Giáo sư Vũ với thân của nghệ sĩ Duy Quang”.

Chưa nói dứt câu, tất cả ồ lên kinh ngạc. Một sự kiện chưa từng có bao giờ. Giám đốc bệnh viện lại xua tay ra hiệu im lặng. Đoạn, ông nói tiếp: “Các đồng chí đều biết chưa có tiền lệ việc này. Đúng vậy. Chưa có thì ta làm cho có. Khoa học mà. Đằng nào Giáo sư Vũ và nghệ sĩ Duy Quang cũng sẽ chết và đã chết. Chi bằng ta ghép hai người này lại với nhau để giữ lại bộ óc của Giáo sư Vũ và thân thể chân tay của nghệ sĩ Duy Quang. Nếu thành công thì lợi lớn cho khoa học và nghệ thuật đất nước. Chúng ta sẽ tiên phong, mở ra một hướng mới trong việc cấy ghép tạng người. Nếu thất bại thì chí ít chúng ta cũng tìm ra một cái gì đấy trong việc cấy ghép đó. Điều này đúng như mong muốn của nghệ sĩ Duy Quang và Giáo sư Vũ, các đồng chí ạ”.

Tất cả vẫn im lặng trôi theo dòng suy tưởng của việc này. Căn phòng lặng phắc. Giám đốc bệnh viện nói tiếp: “Có điều, chúng ta phải thuyết phục gia đình giáo sư. Phần nghệ sĩ Duy Quang hiến xác thì yên tâm rồi. Với các lý lẽ như trên, cộng với tình cảm dành cho giáo sư, để cứu giáo sư, tôi tin mọi người sẽ ủng hộ. Khi đó, điều còn lại là sự cố gắng và quyết tâm của chúng ta. Thời gian đang tính từng phút, không chờ chúng ta được nữa đâu”. Cuối cùng, các bác sĩ đều đồng ý cùng giám đốc bệnh viện nắm tay nhau bước vào một cuộc thử nghiệm mới, một trận sinh tử mới.

Rất may, gia đình giáo sư đồng ý. Và cũng rất may các chỉ số của hai cơ thể giáo sư và nghệ sĩ đều tương đồng. Cuộc mổ xẻ, lắp ghép kéo dài thâu đêm suốt sáng. Bên ngoài, người nhà, bạn bè giáo sư không ai rời một bước. Tất cả đứng ngồi ở phòng chờ, hồi hộp nín thở theo dõi ca đại phẫu. Các điều kiện, phương tiện tốt nhất của bệnh viện đều được huy động. Cấp trên sẵn sàng chi viện, ứng cứu. Đích thân giáo sư, tiến sĩ, giám đốc bệnh viện đứng mổ. Cả tập thể ê kíp mổ toàn những người sành sỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, đã mổ hàng trăm ca chưa hề thất bại bao giờ.

Toàn bệnh viện thức trắng đêm. Người ta theo dõi ca mổ. Người ta đặt cược số phận giáo sư vào những bàn tay của bác sĩ. Chín giờ sáng hôm sau, cửa phòng mổ hé mở. Người ra đầu tiên không ai khác chính là giám đốc bệnh viện. Mọi người xúm lại hỏi. Ông nói: “Sơ bộ bước đầu ca mổ đã thành công. Xin mọi người yên tâm. Qua thời gian hậu phẫu mới chắc chắn được”. Tất cả thở phào. Họ lần lượt ra về. Chỉ còn lại vợ và mấy người con Giáo sư Vũ ở lại.

Hơn ngày sau Giáo sư Vũ tỉnh lại. Ông ngơ ngác nhìn xung quanh. Vợ ông đứng bên thấy chồng mình mở mắt (đúng hơn là cái đầu của chồng bà mở mắt) thì vừa kinh ngạc vừa sung sướng. Bà úp mặt vào ngực giáo sư ràn rụa nước mắt. Hai khóe mắt giáo sư cũng ứa lệ. Các bác sĩ và người nhà vây quanh không ai bảo ai đều nhìn nhau khẽ gật đầu và nở nụ cười mãn nguyện. Thế là thành công. Chỉ chờ thời gian nữa cơ thể của giáo sư thích nghi trở lại lúc đó sẽ yên tâm. Cứ đà này, theo phân tích khoa học, điều này chắc chắn sẽ đến.

Và đúng như dự đoán, gần tháng sau chân tay giáo sư đã cử động trở lại. Việc đại, tiểu tiện dần được như cũ. Ông có thể tự ngồi dậy, nhờ người dìu đi lại được quanh trong phòng. Bác sĩ điều dưỡng hướng dẫn ông tập từng động tác, từng bước đi. Căn phòng đặc biệt của ông đã có tiếng nói, tiếng cười sau một thời gian dài im ắng. Sớm sớm, ngồi trên giường bệnh, ông tự mở cửa sổ để ngắm cảnh bên ngoài. Vẫn tiếng gió thổi, chim hót, vẫn cảnh mây bay, hoa nở mà sao ông thấy ngỡ ngàng thiêng liêng quá. Ông như bừng tỉnh không tin mình vừa từ cõi chết trở về.

Một sớm mai, Giáo sư Vũ ngồi mân mê ngắm nghía hai bàn tay của mình. Rồi ông tròn mắt ngạc nhiên. “Ơ! Sao đôi tay của tôi trắng và mềm mại thế này? Cả chân nữa? Chân tôi gầy gò, xương xẩu, bị liệt cơ mà? Sao giờ lại đẹp, có da, có thịt thế hả bà?” - Ông hỏi vợ.

Bà Vũ được các bác sĩ dặn từ trước, nghe chồng hỏi thế vội nói: “Thì ông nằm viện cả mấy tháng trời nay, thuốc bổ đủ thứ, cơ thể giờ mới ngấm, nó phải khác đi chứ. Nhân thể ông nằm viện, các bác sĩ đã chữa luôn các bệnh khác của ông đấy. Ông thấy đi lại dễ dàng chưa? Có đau nhức như trước không?”. Giáo sư Vũ đứng lên đi đi lại lại mấy vòng, ngoảnh trước, ngoảnh sau, bóp chân, nắn tay nói: “Tốt rồi. Không đau nhức như xưa nữa bà ạ. Tài thật!”.

Vừa lúc đó, giám đốc bệnh viện đến. Ông tươi cười vỗ vai giáo sư: “Mừng anh sống lại, trở về với chúng tôi. Tuần sau anh có thể ra viện tiếp tục công tác”. Giáo sư Vũ nắm chặt tay giám đốc bệnh viện: “Cảm ơn anh và bệnh viện nhiều lắm. Tôi cũng đang sốt ruột với mấy công trình dang dở anh ạ. Nếu được, anh cho ra viện sớm ngày nào hay ngày ấy”.

Ngày Giáo sư Vũ ra viện đúng là một sự kiện trọng đại của bệnh viện và gia đình, cơ quan ông. Bao nhiêu người hân hoan chào đón ông. Bạn bè đồng nghiệp, sinh viên, nghiên cứu sinh, người thân gia đình mang rất nhiều hoa đến chúc mừng. Cánh nhà báo vây kín quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn. Hình ảnh Giáo sư Vũ đứng cạnh vợ và giám đốc bệnh viện cười hớn hở, giơ tay vẫy chào mọi người xung quanh là con cháu, là sinh viên, là đồng nghiệp được tất cả các ống kính, máy quay đặc tả, ghi hình.

Chính vì việc này mà tối hôm đó xem tivi và hôm sau đọc báo, Giáo sư Vũ mới biết mình vừa trải qua cuộc đại phẫu thuật ghép đầu vào thân đầu tiên của nền y học nước nhà. Vui buồn lẫn lộn, ông ngồi ngây ra trước màn hình tivi và trang báo. Vui vì mình được cứu sống, dẫu cho chỉ có cái đầu. Buồn vì thương tiếc nghệ sĩ múa Duy Quang và cái thân thể còm cõi, ốm yếu bệnh tật của ông đã ra đi. Ông quá biết ơn tập thể bác sĩ bệnh viện, vợ con và bạn bè đã tận tâm cứu chữa cho ông. Đặc biệt, ông chịu ơn nghệ sĩ Duy Quang, người đã cho ông cái thân thể tuyệt vời ông đang có.

Ông hết nhìn trang báo lại nhìn chân tay, ngực bụng mình. Trái tim đang đập rộn ràng đây là của nghệ sĩ Duy Quang. Đôi bàn tay trắng trẻo, mềm mại này cùng đôi chân và cả cái thân mình đây nữa cũng của nghệ sĩ Duy Quang. Duy Quang ơi! Anh sống khôn chết thiêng phù hộ cho tôi nhé. Tôi sẽ mang bộ óc của tôi cùng với trái tim nóng hổi của anh để cống hiến nhiều hơn nữa cho cuộc đời này. Tôi sẽ làm thay phần việc của anh, Duy Quang nhé.

Nghĩ thế, Giáo sư Vũ xúc động, nghẹn ngào. Đôi mắt ông ứa lệ. Bà vợ ông từ bếp đi lên thấy vậy vội an ủi động viên ông. Bà nhớ lời bác sĩ dặn phải theo dõi, chăm sóc ông đừng để những cơn xúc động chấn động đến tâm lý. Cứ để ông dần dần hòa nhập trở lại với nhịp sống như cũ.

Giáo sư Vũ hăm hở lao vào công việc. Ông lại thức khuya, dậy sớm nghiên cứu theo đuổi các đề tài. Nhìn chung, cuộc sống bắt nhịp khá tốt. Chỉ có đôi lần ông gặp tình trạng dở khóc dở cười. Số là hôm thuyết giảng về vai trò của văn học nghệ thuật đối với đời sống xã hội ông đã có những biểu hiện khác thường.

Ông múa may tay chân khi diễn thuyết. Lúc thì chụm các đầu ngón tay lại rồi xòe dần ra từng ngón một như những cánh hoa. Lúc khác lại chụm đầu ngón trỏ với đầu ngón cái thành một cái vòng giống như đầu con chim. Ba ngón còn lại xòe ra như cái đuôi của nó. Người ông lắc lư. Thậm chí, cao hứng ông bỏ bục giảng, chạy ra giữa sân khấu, một chân làm trụ, chân kia co lên, hai tay dang ra vẫy vẫy. Ông xoay mấy vòng. Nhìn ông cứ như con chim đang chuẩn bị cất cánh.

Sinh viên ở dưới trợn tròn mắt, há hốc mồm. “Thầy đang phiêu”. “Có bao giờ thầy thế này đâu?”. Họ xì xào bàn tán. Bất chợt, giáo sư nghiêng người đứng một chân. Một tay ông giơ cao quá đầu chĩa lên phía trước. Tay còn lại ông giơ cùng một chân xuôi về phía sau theo dáng bay lên. Một sinh viên nữ ngồi bàn trên thấy thầy đứng một chân dáng ấy lâu quá rất sợ thầy ngã. Lúc thầy loạng choạng, cô vội chạy lên đỡ thầy. Chẳng ngờ ông ôm lấy cô xoay một vòng rất điệu như cặp đôi đang nhảy. Mãi sau giáo sư bừng tỉnh, ngơ ngác nhìn xuống dưới. Ông lí nhí xin lỗi.

Nhiều hôm đang chuyện trò với đồng nghiệp, bất chợt có tiếng nhạc xập xình là Giáo sư Vũ lại nhún nhảy, lại đung đưa theo nhịp nhạc. Nhiều lúc bốc đồng, ông vung tay, khoa chân biểu diễn mấy điệu múa. Vừa múa, ông vừa cười. Gặp đám cưới thì thôi rồi. Gặp đám ma thì càng tệ nữa. Nhìn ông lúc đó chẳng ai còn nhận ra Giáo sư Vũ nữa. Lúc thì tăng-gô, cha cha cha; khi thì Bà Chúa thượng ngàn, Cô Ba, Cô Tư; lúc khác lại ông Hoàng Bảy, Hoàng Mười…

Bà giáo sư nhiều phen xấu hổ về chồng. Bạn bè cơ quan, đồng nghiệp với ông cũng rất ái ngại. Ai đời đường đường một giáo sư lại như thế được cơ chứ? Họ góp ý với ông. Ông nhận hết và hứa sẽ điều chỉnh. Ấy vậy mà cứ gặp môi trường phù hợp là ông lại quên béng ngay. Ông lại phiêu theo tiếng nhạc, cung đàn, lời ca ngay tắp lự.

Các con ông nghe chuyện thì rất buồn. Chúng đòi đưa bố đi bệnh viện. Riêng bà Vũ thì nửa nọ nửa kia. Nửa bà muốn ông trầm ngâm thư thái như trước. Nửa khác lại muốn ông năng động, bốc lửa như bây giờ. Thì đấy, từ ngày ông ấy khỏe trở lại, bà cũng tươi mởn hơn đó thôi. Giờ mà đi chữa lại liệu có được thế này không? Thà cứ để ông hồn nhiên như thế lại hay hơn ấy chứ. Bà quen rồi. Bà yêu giáo sư hơn bao giờ hết. Cái sự thâm thúy uyên bác của trí thức trong con người ông giờ lại được bổ sung thêm cái chất nghệ sĩ nữa, hỏi còn mong gì hơn?

Cho đến một ngày… Lại vẫn giờ thuyết giảng về nghệ thuật văn chương, một cô sinh viên lên trả bài. Chẳng biết nói năng thế nào mà giáo sư bất ngờ chạy đến ôm chặt lấy nàng. Tay ông nắm tay nàng xoay vòng múa rất uyển chuyển. Mặc cho nàng luống cuống, ngượng nghịu, ông dìu nàng trôi trong phiêu diêu. Cả hội trường reo hò vỗ tay tán thưởng. Rồi, ông hôn nàng ngay trên bục giảng, trước ba quân tướng sĩ. Cô gái xấu hổ quá, giằng ra thoát khỏi tay giáo sư. Nàng chạy về chỗ ngồi. Mặt nàng đỏ lựng. Môi nàng mếu máo dở khóc dở cười. Đến khi đó ông mới bừng tỉnh đứng như trời trồng. Giơ hai bàn tay ra trước mặt, ông lắc đầu bất lực.

Lãnh đạo nhà trường kiểm điểm ông. Không thể để một giáo sư có những hành động thái quá, kỳ quặc đó mãi được. Tin đến tai bà giáo sư. Bà tức tốc gọi các con về. Cũng chính khi đó thì giáo sư lên cơn đau đầu dữ dội. Ông hoa mắt chóng mặt gục ngã ngay trên bục giảng. Người ta đưa ông vào viện cấp cứu. Đích thân giám đốc bệnh viện lại vào cuộc.

Thực ra, ông đã dặn bà giáo sư theo dõi chặt chẽ diễn biến các hoạt động của giáo sư nên ông đã nắm, đã đoán trước được việc  này. Cứ ba, bốn ngày ông lại đến thăm giáo sư và lấy kết quả ghi chép của bà. Đây là công trình khoa học của ông và bệnh viện. Ông nói: “Chúng tôi sẽ mổ lại điều chỉnh một số chi tiết, cân chỉnh lại một số vi mạch là ổn thôi. Mọi người cứ yên tâm”.

Ca mổ lại diễn ra không kém phần quan trọng như lần trước. Mãi chiều thì xong. Khi đưa giáo sư vào phòng hậu phẫu, bác sĩ bảo người nhà có thể lần lượt vào thăm. Chỉ được một người ở lại bên giáo sư. Vợ ông nhận trách nhiệm này. Bà vừa yên vị được ít phút thì có người đàn bà ít hơn bà dăm tuổi xách đồ đến thăm. Chị ta nói là mẹ của sinh viên cưng của giáo sư. Bà giáo sư ra hiệu chị ta để đồ ngoài phòng rồi mời chị vào thăm bệnh nhân. Chị loe xoe đến bên giáo sư.

Đầu giáo sư băng kín mặt. Từ cổ lên băng trắng toát. Chị vén tay áo giáo sư, cầm tay ông lên. Hết tay nọ đến tay kia. Rồi chị ta vạch áo xem đến bụng, đến chân ông. Cứ sờ đến đâu là bộ phận cơ thể của giáo sư lại động đậy đến đó. Vợ giáo sư thấy lạ định nhắc nhở thì đúng lúc ấy chị òa lên khóc nức nở: “Ối anh ơi là anh ơi! Anh bỏ em đi từ năm ngoái, sao giờ này em mới gặp. Người ta lừa em để lấy anh, anh ơi!”.

Nghe tiếng khóc, các bác sĩ đồng thời chạy đến. Bà giáo sư chưa kịp xử lý ra sao cứ trố mắt trân trân nhìn cô gái đang ôm lấy chồng bà mà khóc. “Chị bị nhầm rồi! Đây là ông giáo sư”. Một vị bác sĩ lên tiếng. Chị ta gào lên trong lúc mọi người xốc bế ra cửa: “Không phải. Đây là chồng tôi! Cái sẹo ở mu bàn tay phải, cái nốt ruồi ở rốn, mười hoa tay trên mười ngón tay. Cả cái kiểu lông chân í nữa. Chồng tôi đấy. Nghệ sĩ Duy Quang đấy. Năm ngoái anh ấy bị tai nạn, hiến xác cho ngành Y. Tưởng anh ấy chết rồi. Thì ra các người lừa tôi. Cứu sống chồng tôi. Chồng tôi vẫn sống sờ sờ ra đây. Giời ơi là giời! Có ai khờ dại như tôi không?”.

Đến lúc này bà giáo sư mới lên tiếng: “Này nhà chị kia! Chị ăn nói cho cẩn thận nhé. Trật tự cho chồng tôi tĩnh dưỡng. Chị có gì làm chứng không?”. Chị xưng là vợ nghệ sĩ Duy Quang kia ngẩng phắt mặt nhìn bà giáo sư. Chị ta mở xắc lấy cái chứng minh thư chìa ra trước mặt bà và mọi người: “Chứng minh thư của chồng tôi đây. Các người có thể kiểm tra vân tay”. Bà giáo sư cầm cái chứng minh thư của chị ta đưa, đồng thời bà cũng mở ví lấy ra một cái chứng minh thư khác. Bà nói: “Đây là căn cước của chồng tôi. Nốt ruồi khóe mép trái, cách một phân cánh mũi là đặc điểm nhận dạng của chồng tôi. Xin mọi người kiểm tra đối chiếu”.

Các bác sĩ ớ người. Tất cả ồn ào ngay trước phòng hậu phẫu. Hai người đàn bà đang giành nhau bệnh nhân đang nằm trong phòng. Kẻ khóc lóc. Người phân bua. Bỗng có tiếng kêu ú ớ trong phòng. Bác sĩ trực chạy vội vào. Giáo sư đang giãy dụa. Đầu ông ngoẹo sang một bên. Vết mổ hở toác ra ứa máu. Hai người đàn bà cũng chạy tới bên. Vừa lúc đó, giám đốc bệnh viện cũng đến. Trên giường bệnh, giáo sư đã tắt thở. Hai mắt ông trợn trừng vô hồn. Giám đốc bệnh viện sờ tim, đặt ngón tay trỏ lên mũi giáo sư. Rồi ông vuốt mắt giáo sư khẽ nói: “Vĩnh biệt ông! Ca mổ lại của tôi đã thất bại mất rồi!”.

Hai người đàn bà cùng lúc im bặt ngỡ ngàng. Họ tròn xoe mắt nhìn giám đốc bệnh viện như cầu cứu. Ông lắc đầu nhẹ nhàng nói: “Tại các bà cả đấy!”.

Rồi lại cùng lúc cả hai bà òa lên nức nở. Người ôm đầu, kẻ ôm chân cái xác cùng rền rĩ. Hai chiếc chứng minh thư tuột khỏi tay bà giáo sư rơi xuống nền nhà. Giám đốc bệnh viện cúi nhặt lấy. Ông đứng giữa các bác sĩ. Tất cả họ buông thõng tay, cúi đầu trước cái xác. Giám đốc bệnh viện nói: “Xin một lần nữa vĩnh biệt Giáo sư Vũ và nghệ sĩ Duy Quang. Các ông mất đi nhưng đã mở ra cho khoa học ghép xác của đất nước những tiến bộ mới và những cơ sở pháp lý về vấn đề này một góc nhìn mới. Chúng tôi cảm ơn các ông và nguyện học tập các ông hết mình cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học vì cuộc sống con người!”.

“Thế là cũng được mười lăm tháng rồi đấy” - Tiếng một bác sĩ nào đó khẽ nói sau lời của giám đốc bệnh viện. Họ an ủi hai bà vợ của cái xác và phân công nhau lo hậu sự cho Giáo sư Vũ. Đó là một buổi chiều mùa đông se sắt rét, buồn mênh mang… 
Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu
.
.