Người đẹp ở bản Hoa

Thứ Hai, 20/02/2017, 09:01
Một lần Thuấn tình cờ gặp Mị cùng đi với một ông Tây đồ sộ như con gấu. Nhìn vẻ mặt lạnh lùng và bộ râu ria xồm xoàm của ông khách, Thuấn cảm thấy lo cho Mị. Hỏi, Mị bảo ông ấy thuê nó đưa đến nơi có ngọn thác ba dòng. Về, Thuấn đã mang nỗi lo ấy trao đổi riêng với Chung...

Chiều muộn.Thuấn vừa từ bản Van về.Mệt bã người vì phải giải quyết việc mấy ông Tây ba lô gạ đứa trẻ dẫn đường ở lại trong rừng qua đêm. Vừa định ngả lưng cho đỡ mỏi, đã nghe tiếng cô giáo Chung gọi bên ngoài:

- Anh Thuấn về rồi à?

Thuấn là Công an cắm bản, Chung cũng là giáo viên cắm bản. Hai người cùng ở tạm trong khuôn viên của trụ sở Ủy ban xã. Mọi người thường đùa: Hai người đều độc thân, cứ góp gạo thổi ăn chung, đỡ tốn. Nhưng cô giáo đã có người yêu.Thuấn cũng được bố mẹ ở dưới quê nhắm cho cô y tá xã. Ăn chung sợ mang tiếng. Cả hai cùng nghĩ vậy và cả hai đều ra sức giữ gìn.Hôm nào Thuấn xuống địa bàn về muộn là phải dặn trước, Chung mới nấu thêm cơm để phần cho mang về phòng riêng ăn.Lần này, Thuấn không dặn.Có lẽ thấy anh về muộn, bộ dạng mệt mỏi, cô giáo thương tình mà mang cho bát cơm nguội chăng?Thuấn đoán vậy.

Trái với suy đoán của Thuấn, Chung đến báo tin:

- Cô bé Mị lớp em lại bỏ lên núi không chịu về...

- Ông bố say lại bắt con bé nghỉ học à?- Thuấn hỏi lại.

- Không, lần này là vì chuyện khác. Chuyện mà mấy tháng nay anh em mình vẫn luôn phải bận tâm ấy...

Thuấn vào đầu giường lấy chiếc đèn pin và cùng Chung ngược dốc. Trong hoàng hôn của miền núi rừng hoang vắng, bóng của hai người nhấp nhô, khi ẩn khi hiện rồi chìm hẳn trong màn đêm...

 *

...Ngày đầu khoác ba lô lên bản Hoa công tác, Thuấn đã gặp Mị ở vùng đồi núi này. Nó cùng đám bé gái cũng đang lẵng nhẵng bám theo mấy người khách nước ngoài gạ bán dây thổ cẩm. Thuấn chú ý đến Mị bởi nó có vóc dáng đẹp, gương mặt xinh, đôi mắt như biết nói và trò chuyện với khách bằng tiếng Anh như gió.

Trong buổi ra mắt Trưởng Công an xã, Thuấn mang chuyện cô bé địa phương nói tiếng Anh ra hỏi. Ông ta bĩu môi mà rằng: Lạ gì cái con bé ấy. Nó là con đầu của thằng Sáy say ở cùng bản Hoa với tao. Tiếng tây thì con bé nói líu la líu lô cả giờ, nhưng tiếng Việt thì một chữ bẻ đôi không biết.

Mấy hôm sau, làm việc với chính quyền xã, Thuấn còn biết thêm: Cấp trên điều một cô giáo trẻ về cắm bản mở lớp mấy tháng rồi mà chưa đủ học sinh. Thuấn còn được Chủ tịch xã bổ sung vào Ban vận động học sinh đến lớp.

Ông ta bộc bạch: Địa phương ta cả năm nay chẳng xảy ra vụ trộm cướp nào. Chỉ có vấn đề trẻ con bỏ học đeo bám khách du lịch là vẫn bị cấp trên nhắc nhở. Ta cũng nói với cấp trên rằng, lỗi này cũng tại du khách một phần. Cái lý của ta là vì du khách cho tiền thì bọn trẻ mới đeo bám chứ.Nhưng chuyện khác mới đáng lo hơn. Gần đây có khách du lịch người Tây lén lút dụ dỗ lũ trẻ vào rừng tuyên truyền chúng nó đi theo cái đạo gì ấy. Cán bộ là Công an cấp trên, xã  nhờ giải quyết giúp việc bảo bọn trẻ không nghe tuyên truyền nhảm nhí và đi học, có được không?

Ông Chủ tịch xã này khéo thật.Việc lớn mà cứ nói như chơi - Thuấn thầm nghĩ.Đêm ấy Thuấn trằn trọc mãi. Hình ảnh đám trẻ và cô bé nói tiếng Anh líu lô cứ chập chờn mãi trong tâm trí...

Sáng hôm sau Thuấn tìm đến nhà Mị. Trong khoảng sân hẹp mấp mô đất đá trước cửa ngôi nhà đất tuềnh toàng, Mị và hai đứa em đang ngồi xúm quanh nồi cháo ngô. Ba đứa chung một cái thìa thay nhau xúc ăn. Thấy có khách, Mị đưa thìa ngô vừa xúc cho đứa em và hỏi:

- Chú muốn dẫn đi rừng à?

- Không, chú là Công an huyện vừa mới về xã công tác.

Thuấn chưa nói hết câu, người đàn ông gầy nhẳng, một tay cầm chai rượu, một tay cầm cái bát khật khưỡng bước ra, giọng lè nhè:

- Công an à. Thế đám con ta đã làm gì sai mà phải đến sớm thế?

Thì ra đây là ông Sáy say mà Trưởng Công an xã đã nói. Thuấn cười thật hiền rồi nói bằng tiếng Mông:

- Tôi đến là để bàn với anh cho các cháu đi học. Cấp trên đưa cô giáo về xã mấy tháng rồi mà chưa đủ học sinh. Nhà mình có đến 3 cháu đang tuổi đi học...

Vẫn cái giọng lè nhè nhưng xem ra đã cởi mở hơn, ông Sáy ngắt lời Thuấn:

- Cán bộ cũng biết nói tiếng Mông ta à?

- Biết chứ. Tôi cũng đã có 5 năm sống cùng người Mông ở bản Cát rồi mà - Thuấn trả lời theo giọng điệu của người Mông.

- Vậy thì cán bộ phải uống rượu cùng ta đã...

Minh họa: Đặng Tiến.

Vừa nói ông Sáy vừa rót rượu ra đầy tràn bát.Thuấn đón bát rượu uống cạn. Ông Sáy lấy lại bát rót rượu thêm và tiếp:

- Đã nhiều người đến đây bảo ta cho bọn trẻ đi học. Ta đã bỏ vào đầu hết. Nhưng ta đã nói với họ rồi, đi học không ra tiền.Còn đi bán hàng thì con ta mang được tiền về. Từ ngày vợ ta chết, ta nuôi chúng nó khổ hết nổi... Nay chúng nó phải phụ giúp ta...

Nói đến đây bỗng nhiên ông Sáy oà khóc. Đợi ông Sáy đỡ xúc động,Thuấn mới nói:

- Cùng là trẻ con mà ở mấy bản dưới kia con cái nhà người ta được đến lớp học chữ, được vui chơi với bạn bè. Còn ở đây... Các cháu thiệt thòi quá...

- Thôi, ta không muốn nghe nữa đâu. Cứ cho tiền thì ta khắc cho con đi học - Ông Sáy ngắt lời Thuấn và lại nâng bát rượu mới rót đưa cho anh...

Lần đầu đi vận động trẻ em đến trường của Thuấn là như thế.

Phải nhiều đêm tiếp tục vắt tay lên trán suy nghĩ, Thuấn mới vạch ra được kế hoạch đồng bộ vận động trẻ em bản Hoa đến lớp. Rồi lại mất gần hai tháng cùng cô giáo Chung triển khai kế hoạch ấy, lớp Một ở bản Hoa mới hình thành với mười bốn học trò, bé nhất mới 6 tuổi, lớn nhất là Mị đã bước sang tuổi 15, nhưng ông Sáy cũng chỉ chấp nhận cho ba chị em Mị nửa buổi đến lớp còn nửa buổi phải tiếp tục ra bãi đá kiếm tiền. Sau này, Mị tâm sự với cô giáo rằng: Nó chịu đến lớp là vì muốn được cô giáo dạy hát và học được cái chữ để đọc mấy tập truyện tranh của chú Thuấn tặng. Khi đã biết đọc, nó lại ước một ngày nào đó, nó cũng được như cô bé Lọ Lem hay cô Tấm trong những tập truyện tranh ấy...

Gần một năm đi học, Mị lớn bổng lên thành một thiếu nữ và đã ý thức được nhan sắc trời cho. Nó bắt đầu thích được khen đẹp...

Một lần đến lớp, Mị hào hứng kể cho cô giáo nghe câu chuyện chiều hôm trước được một chú thợ ảnh dưới xuôi thuê dẫn đi chơi. Đến nơi nào chú ấy cũng bảo nó đứng như thế nọ, ngồi như thế kia, nhìn lên, nhìn xuống và bấm máy lia lịa. Cuối buổi, chú ấy hiện lại tất cả số ảnh vừa chụp trên cái màn hình nhỏ cho nó xem. Đến một tấm ảnh chụp nó ngồi bên bờ suối ngoái nhìn lên đám ruộng bậc thang, chú ấy dừng hình lại thật lâu rồi lẩm bẩm: Trời đất ơi! Một gương mặt thiên thần trong cảnh sắc đẹp đến siêu thực này có lẽ chỉ xuất hiện một lần trong một đời người!

Một lần Thuấn tình cờ gặp Mị cùng đi với một ông Tây đồ sộ như con gấu. Nhìn vẻ mặt lạnh lùng và bộ râu ria xồm xoàm của ông khách, Thuấn cảm thấy lo cho Mị. Hỏi, Mị bảo ông ấy thuê nó đưa đến nơi có ngọn thác ba dòng. Về, Thuấn đã mang nỗi lo ấy trao đổi riêng với Chung. Hôm sau, Chung lựa lời hỏi Mị về chuyện một mình dẫn khách lạ lên thác cũng với mối lo như Thuấn. Nào ngờ con bé trả lời tỉnh khô: “Em thưa cô, mấy tháng nay nhiều đứa ở bản vẫn cùng khách đi đây đó có sao đâu ạ. Mà em không dẫn khách, không có tiền mang về, bố em lại bắt nghỉ học...”.

Chưa tìm ra cách gì thuyết phục được Mị, Chung đành khuyên nó: “Mỗi lần nhận lời dẫn khách lạ đến chỗ nào, nhớ dặn lại mấy đứa em. Ngộ nhỡ có bị sao, chúng nó còn biết chỗ về báo cho người lớn đi tìm...”.

Mị đã nhớ lời khuyên ấy của Chung.Chiều nay, sau khi nhận lời dẫn một ông tây lên khu vực bãi đá cổ trên đồi, Mị cũng không quên nói lại với em gái nó.

Mấy giờ sau, thấy ông tây ấy xuống đường lớn một mình rồi bắt xe ôm đi luôn, hai đứa em ngược lên dốc tìm chị. Thấy Mị đang ngồi ngây ra trên tảng đá, áo thổ cẩm bị rách toạc phơi ra cả một mảng ngực, váy hoa mới thêu, mới mặc cũng nhàu nát và dính đầy đất cát, đứa em lớn đoán được chuyện vừa xảy ra với chị nó. Hai đứa em chưa kịp hỏi, Mị đã oà khóc và nói:

- Về bảo với bố tìm chém chết thằng Tây ác ấy đi...

- Ông tây ấy lên xe ôm đi xa rồi - Đứa em lớn mếu máo.

Hai đứa em bảo Mị về cùng. Nó lắc đầu nói:

 - Nhục lắm không nhấc nổi chân. Mà về lúc này người ta nhìn thấy, còn nhục hơn...

Hai đứa em nó đành phải cum cúp xuống dốc. Về đến đầu bản, đứa lớn nói với đứa bé:

- Mày chạy về nhà báo tin cho bố. Để tao đến nói với cô giáo...

*

Hai người gọi Mị đến lạc cả giọng. Cho đến khi giọt sáng cuối cùng từ chiếc đèn pin đã lịm, Thuấn dựa lưng vào tảng đá thở dốc và nói với vẻ bất lực:

- Đèn hết pin.Tối mịt, chẳng thể tìm Mị mà cũng không xuống núi được nữa.Đành ngồi đây đợi. Sáng mai tìm tiếp, may ra...

Chung bật khóc. Khóc chán, Chung ngồi rỉ rả kể cho Thuấn nghe những kỷ niệm vui buồn với Mị từ ngày nó đến học cô...

Thuấn động viên Chung:

- Anh có linh cảm rằng nội trong đêm nay Mị của chúng ta sẽ  hiện lên như cô Tấm trong truyện cổ tích. Nó đã từng ước có ngày sẽ trở thành cô Tấm cơ mà...

Linh cảm của Thuấn đã thành sự thật. Rạng sáng, bỗng nhiên Mị xuất hiện. Trong màn sương dày đặc, nó như từ dưới đất mọc lên rồi lao đến ôm chầm lấy Chung khóc nức nở. Nắm lá ngón trong tay nó rơi lả tả xuống đất. Nhìn mái ngực trắng lốp của Mị phơi ra vì áo rách, Thuấn lặng lẽ cởi chiếc áo đang mặc đưa cho cô giáo khoác lên người nó...

Ngày hôm sau, trên giường của Chung, Mị đang sốt li bì thì có tiếng huyên náo ở ngoài. Trưởng Công an xã và đứa em của Mị đến trụ sở báo với Thuấn và cô giáo tin dữ: Một người dân phát hiện ra xác ông Sáy ở một sườn dốc. Một tay ông ta cầm bó đuốc đã tắt. Một tay ông ta còn nắm con dao phát nương. Đứa em kể lại rằng, sẩm tối hôm qua nó về thuật lại chuyện của chị Mị trên bãi đá, bố đập tan chai rượu uống dở, mặt méo xệch đi. Lát sau, bố rút dao chặt phên cửa sổ làm đuốc rồi chạy về phía bãi đá...

*

Đó là chuyện đã xảy ra ở Bản Hoa từ 8 năm về trước. Tôi được Trung uý Lâm - Công an cắm bản kế nhiệm Thuấn kể trên đường về bản Hoa kỷ niệm 5 năm ngày đón khách theo mô hình homestay của một người bạn. Hoá ra người bạn ấy lại là cô giáo Chung đang ngồi tiếp tôi đây. Sau khi nghe Lâm giới thiệu về tôi, Chung nói:

- Em đã được xem một số bộ phim trên truyền hình mà anh viết kịch bản. Bộ phim Người đợi ở Pờ Sa kể về thân phận của một cô gái người Mông được chiếu đúng vào thời điểm em có quyết định lên đây cắm bản...

Tôi đỡ lời Chung:

- Và lần này tôi bỗng nảy ra ý định viết về cô học trò đầu tiên của em.

- Chắc anh Lâm đã kể với anh về chuyện của Mị?

- Lâm mới kể đến cái đoạn em và anh Thuấn lên núi tìm cô bé. Anh muốn được nghe em kể tiếp...

Chung ngước nhìn đồng hồ treo tường và nói:

- Chỉ chừng một giờ nữa, Mị sẽ về đến đây. Anh sẽ gặp và trò chuyện với nó.Bây giờ mời anh đi thăm khuôn viên homestay nhà em trước.

Chúng tôi dừng chân ở phòng khách.Trên bức tường chính diện treo tấm ảnh khổ lớn toàn cảnh thung lũng Mường Hoa. Bức tường bên trái treo tấm ảnh chụp cô gái mặc sắc phục Mông ngồi trên một tảng đá lớn giữa lòng con suối với cơ man đá cuội nhấp nhô trong làn nước trong veo. Đôi mắt hút hồn của cô gái ngước nhìn lên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn ven những sườn đồi hun hút đến lưng trời. Đang mùa lúa chín, bức ảnh rực lên mầu vàng khiến vẻ đẹp của cô gái càng thêm rạng rỡ...

- Hai bức ảnh anh đang xem đều do một người chụp - Chung vừa nói vừa lấy cuốn báo ảnh trên bàn mở trang 14 đưa cho tôi xem...

Thì ra hai bức ảnh trên tường kia đã được phóng to từ hai tấm ảnh trong cuốn báo ảnh này. Một bức có tên là “Mê hoặc Mường Hoa”, một bức được chú thích là “Người đẹp ở bản Hoa” đều của tác giả: Phương Hạnh.

Tôi thốt lên:

- Phương Hạnh là một nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng.

- Vâng ạ. Sau này những bức ảnh về đất và người ở thung lũng Mường Hoa của anh ấy còn xuất hiện trên nhiều sản phẩm văn hoá khác. Nhưng cho đến bây giờ em vẫn nghĩ, nhờ có bức ảnh này mà một lần nữa cô bé Mị đã được hồi sinh...

*

...Sau đám tang bố, Mị hoàn toàn suy sụp, người gầy rạc, mặt hốc hác, mắt đờ đẫn là hình ảnh Mị những ngày ấy. Cả tháng nó ru rú ở trong nhà và bắt mấy đứa em liên tục thay lá xanh cắm ngoài cửa. Nó không muốn cho ai đến nhà ngoại trừ cô giáo và chú Thuấn, hai người mà chị em nó đã coi như người thân. Ngày ấy Chung và Thuấn không chỉ đứng ra quyên góp tiền thuốc thang cho Mị mà mỗi chiều còn phải góp gạo nấu nướng chung mang đến ăn cùng chị em nó...

Cho đến một buổi chiều. Có ông khách hỏi đường đến nhà Mị. Khách mặc comple, tay xách cặp hộp sang trọng... Mấy đứa trẻ nhận tiền của khách từ bãi đá và dẫn anh ta đến tận ngõ nhà Mị. Khách hăm hở bước vào nhà mà không biết ngoài cửa đang cắm lá cấm người lạ vào. Mấy đứa trẻ dõi theo khách với vẻ tò mò và lo lắng. Lát sau, khách buồn bã trở ra hỏi lũ trẻ:

- Trong bản còn cô bé nào khác tên là Mị không?

- Hết rồi - Bọn trẻ đồng thanh.

- Lạ nhỉ! - Vừa nói khách vừa mở cặp hộp lấy ra cuốn báo ảnh, lật trang 14 và hỏi tiếp - Các em có biết cô bé trong bức ảnh này không?

-Úi a ... là chị Mị - Bọn trẻ thốt lên.

Đúng lúc ấy Chung xuất hiện. Bọn trẻ chào cô giáo rồi khoe:

- Em thưa cô, trong sách của chú này có ảnh của chị Mị.

Chung nhìn cuốn báo ảnh trên tay khách và mơ hồ hiểu chuyện. Cô mời khách cùng mình vào nhà Mị. Sau một hồi trò chuyện, chủ và khách mới bắt đầu hiểu về nhau.Khách là một doanh nhân trẻ. Tháng trước, đến dự một triển lãm ảnh, được chiêm ngưỡng hai tác phẩm mới của Phương Hạnh, khách không chỉ nhờ nghệ sỹ phóng to mấy bức ảnh “Người đẹp ở bản Hoa” trang trí cho khách sạn của mình mà sau đó còn nảy ra ý định muốn lên Mường Hoa tìm cơ hội đầu tư. Khi biết khách có chuyến lên Mường Hoa khảo sát, Phương Hạnh đến tận nhà gửi tặng Mị cuốn báo ảnh kèm phong thư với vài dòng viết ngoài bì: “Chú chân thành cảm ơn “người mẫu” bản Hoa và xin được chia sẻ một chút lộc xuân sớm cùng cháu”. Chung mở bì thư giúp Mị. Một khoản tiền đủ cho ba chị em nó sống đến mùa lúa mới. Khách giải thích: Tết này có khá nhiều Nhà xuất bản chọn ảnh chân dung của Mị để in lịch treo tường. Anh bạn nghệ sỹ sẽ có khoản thu không nhỏ...

Chung nói với Mị:

- Em thấy không. Cuộc đời em sắp đổi thay như cô Tấm trong cổ tích rồi.Phải vui lên và xinh đẹp trở lại để gặp lại chú Phương Hạnh chứ.

Khách tiếp lời:

- Sắp tới ảnh của cháu còn được in trong nhiều ấn phẩm quảng bá du lịch nữa. Và như thế đất và người Mường Hoa càng thêm hấp dẫn du khách...

*

Sau cuộc gặp gỡ ấy, cuộc đời của Mị bắt đầu thay đổi như trong cổ tích. Cuốn báo ảnh như liều thuốc quý vực lại tinh thần của cô bé. Nó dần tươi tắn và phổng phao trở lại. Cho đến một đêm đông rét mướt, bên bếp lửa, nó mở trang 14 và hỏi hai đứa em: Chúng mày nói thật đi, tao có đẹp được như thế này không? Em nó đáp: Hồi trước có lúc chị còn đẹp hơn ấy chứ. Nó lại nói: Bạn chú thợ ảnh bảo,Tết này ảnh tao sẽ được vào lịch treo ở nhà người ta. Ngộ nhỡ trông thấy tao vẫn xấu thế này, người ta nói cho. Em nó bàn: Thì chị hỏi cô giáo phải làm thế nào để đẹp trở lại... Mị đã mang lời bàn của em nó đến hỏi cô giáo.Chung khuyên nó bao điều, trong đó có một điều mà mãi nó mới chịu nghe. Rằng nó phải tiếp tục đi học và làm lớp trưởng...

Tết năm ấy, khách và chú nghệ sỹ đã trở lại. Chú nghệ sỹ tặng lịch cho mọi người, còn khách mang cả hồ sơ dự án đầu tư khách sạn ở thị trấn và mở thêm homestay vệ tinh ở bản Hoa. Nhờ Thuấn tư vấn, khách đã mua được một phần đất vườn của chị em Mị để xây dựng dãy homestay theo mô hình nhà ở của người Mông truyền thống. Ngôi nhà xập xệ của chị em Mị cũng được khách giúp đỡ chỉnh trang lại. Mị được vị doanh nhân thuê làm “cô chủ” tiếp đón du khách...

*

 Câu chuyện của Chung đang cuốn hút tôi thì bên ngoài có tiếng người lao xao. Chung đứng lên và nói:

- Chị em Mị dẫn khách về đấy. Em ra sắp xếp nơi ăn chốn nghỉ cho họ để Mị vào tiếp anh.

Nói rồi, Chung nhẹ nhàng bước ra.Tôi thấp thỏm chờ đợi.

Lát sau, Chung trở lại một mình.

- Tiếc quá, hôm nay anh chưa thể gặp được Mị. Cô bé đang trên đường về xuôi theo tiếng gọi của trái tim rồi - Chung văn vẻ và mỉm cười ý nhị.

- Là người yêu của cô bé phải không?- Tôi tò mò.

- Chưa phải là yêu nhưng vì người ấy mà mấy năm nay Mị sống khá thu mình và từ chối lời cầu hôn của khá nhiều người, trong đó có cả một anh chàng người Úc nữa...

- Phải chăng người ấy là vị doanh nhân?- Tôi đoán.

- Ấy chết, em quên chưa giới thiệu với anh.Vị doanh nhân ấy chính là ông xã em bây giờ.Thôi để em kể tiếp nhá.

Chung vừa nói vừa mở một cuốn album đưa cho tôi tấm ảnh 3 người gồm Mị, Chung và một người mặc sắc phục Công an khá điển trai. Giọng Chung nghẹn lại:

- Tấm ảnh này cũng do anh Phương Hạnh chụp vào một ngày giáp Tết 7 năm về trước. Ngày ấy chúng em sống với nhau như một gia đình và anh Thuấn như người anh cả. Nhưng rồi chỉ mấy tháng sau, mọi sự đã thay đổi quá đỗi bất ngờ...

*

...Bắt đầu là chuyện cô y tá ở quê mà bố mẹ nhắm cho Thuấn đi lấy chồng. Cô ấy không đợi được chỉ vì cái Tết năm ấy, đáng lẽ Thuấn về làm lễ ăn hỏi thì anh phải ở lại bản Hoa lo triển khai kế hoạch ngăn chặn việc truyền đạo trái phép. Tiếp đó đến lượt Chung cũng bị người yêu rũ bỏ. Một lần lên bản Hoa, bắt gặp Thuấn và Chung đang ăn chiều tại nhà chị em Mị, anh ta nổi máu ghen, quát mắng ầm ĩ rồi đùng đùng bỏ về.

Hàng tháng trời Thuấn tìm cách thanh minh và hàn gắn hạnh phúc cho Chung mà không thành.May sao những ngày buồn ấy của Chung được khoả lấp bằng việc Mị trở lại lớp. Tiếp đó là việc vị khách khởi công dự án dựng homestay và thuê Chung trông coi công trình. Và khi dãy homestay đầu tiên tại bản Hoa của chị em Mị và vị doanh nhân sắp hoàn thành thì cũng là lúc Thuấn rời nơi đây.

Ngày ấy nhiều gia đình người Mông từ miền núi phía Bắc đột nhiên rủ nhau di cư vào Tây Nguyên. Thuấn biết tiếng Mông lại có kinh nghiệm vận động quần chúng nên đã được cấp trên giao nhiệm vụ theo chân đoàn người di cư ấy.

Hôm tiễn Thuấn, đám học trò bản Hoa khóc rưng rức. Chung phải động viên bọn trẻ rằng: Chú Thuấn chỉ đi công tác một thời gian rồi sẽ lại trở về với cô trò mình. Nhưng rồi đằng đẵng mấy năm Thuấn biệt tin và chưa một lần trở lại.Năm trước khi Chung nhận lời lấy vị doanh nhân, Mị có ý giận cô. Nó hỏi: Sao cô giáo không đợi chú Thuấn? Chung giải thích với nó rằng:

 - Cô muốn chứng minh với anh người yêu cũ và mọi người rằng mối quan hệ với chú Thuấn là hoàn toàn trong sáng.

Nhưng cũng từ độ ấy, bỗng nhiên Mị mang chiếc áo của Thuấn khoác cho đêm nào treo ngay trên đầu giường nó nằm. Hỏi, Mị hồn nhiên trả lời: Từ khi được ở nhà đẹp, được tiễn đứa em út về xuôi học, tự nhiên nó thấy thương nhớ chú Thuấn. Nó ước chú Thuấn trở lại bản Hoa để thấy chị em nó đã hết khổ...

*

Cuộc trò chuyện của Chung và tôi một lần nữa bị ngắt quãng.Mấy vị khách Tây xuống hỏi cô chủ mật khẩu wifi để gọi điện về nước. Xong công việc với khách, Chung tiếp:

- Mấy năm nay mạng internet phát triển, các homestay ở bản Hoa đều có thể kết nối liên lạc với nhiều vùng trên thế giới. Vậy mà mãi đến năm ngoái, anh Thuấn mới gọi điện về. Thật tình cờ, người đầu tiên của nhà em được nói chuyện với Thuấn lại là Mị. Từ hôm ấy, đêm đến con bé lại dành cả giờ gọi điện trò chuyện với anh...

Thì ra mấy năm vào Tây Nguyên, Thuấn phải theo dấu chân những người di cư nay đây mai đó. Nơi người di cư đến là những vùng rừng mà ôtô không thể đến, điện thoại không thể nghe. Người di cư cơ cực thế nào thì Thuấn phải vất vả theo như thế. Gần đây, Thuấn mới được chuyển về vùng có sóng điện thoại. Một lần gọi điện gặp Chung, Thuấn phân bua như thế và đùa rằng: Cứ đà này anh sẽ ế thôi cô giáo ạ. Chung cũng nửa đùa nửa thật mà nói với Thuấn rằng: Có một người ở bản Hoa cũng đang ế vì chỉ đợi anh về... Thuấn hỏi: Ai? Chung đáp: Là người đẹp bản Hoa. Cô bé đã bước sang tuổi 23 rồi...

*

Câu chuyện của chúng tôi một lần nữa bị ngắt quãng vì Chung có điện thoại. Chung nhìn số máy trên màn hình và nói:

- Thiêng thật! Vừa nhắc đến con bé thì nó gọi về.

Vừa nói Chung vừa bấm loa để tôi cùng nghe. Giọng Mị líu lô:

- Em thưa cô, chú Thuấn nhận được tin bố ốm nặng. Gia đình bắt chú í phải về lo tìm vợ để bố biết mặt con dâu trước khi nhắm mắt. Chiều nay, xe nhà mình vừa từ sân bay đưa khách ra thì em nhận được điện thoại của chú Thuấn...

 Chung vui vẻ:

- Thế đã gặp được nhau chưa?

- Dạ ... Lúc ấy chú Thuấn cũng vừa xuống máy bay từ Tây Nguyên ra. Chú Thuấn bảo em về cùng.Chúng em bắt tắc xi. Mới vừa về đến nhà thôi ạ. Cả nhà chú í đều mừng và nhận ngay ra em... Em thưa cô, vì trên tường nhà chú í vẫn còn treo tờ lịch in ảnh của em hồi trước...

- Vậy chuyện lấy vợ của Thuấn thế nào rồi?- Chung ngắt lời Mị.

- Dạ, em không biết - Giọng Mị nhỏ lại vẻ bối rối - Chỉ có điều mọi người bảo em phải gọi chú Thuấn bằng anh. Gọi bằng chú sợ anh Thuấn sẽ ế vợ... 

Truyện ngắn của Nguyễn Xuân Hải
.
.