Người đến từ bên kia bầu trời

Thứ Hai, 05/06/2017, 08:03
Dương thấy cái thằng Giẻ Rách cũng tội nghiệp đó chớ. Có lẽ nó muốn qua đường nhưng chắc là sợ xe nên không dám qua. Mà đúng là nó sợ xe thiệt. Sợ từ cái buổi chiều trời hoang hoải nắng, ba mẹ nó đi làm về, rồi chết lãng nhách vì chiếc xe ben mất thắng. Hai người chở nhau trên chiếc xe gắn máy...

Bên kia đường, mấy vệt nắng cuối ngày lưa thưa rớt xuống vỉa hè, vàng hanh hao. Bất chợt Dương dõi mắt qua phía bên kia đường. Dương phát hiện bên ấy có một thằng bé như là ở dưới đất lừng lững mọc lên, trông hổng giống ai.

Dương ngồi chăm chú theo dõi thằng bé chừng hơn mười phút. Nó làm cái gì mà thập thò thập thụt, chân lấp nhấp bước xuống lòng đường rồi lại rút lên, rúm ró người, thấy mắc cười nhưng cũng tội tội. Hổng lẽ nó không dám qua đường? Mà cái mặt của thằng này cũng tầm mười sáu, mười bảy tuổi rồi, nhỏ nhiếc gì mà sợ xe cộ đến nỗi không dám qua đường? Trông cái bộ vó của nó thì phát rầu, quần áo bạc thếch, đầu tóc, mặt mày, bộ dạng như là giẻ rách!

Mà giẻ rách thì còn đỡ, cái này thuộc dạng giẻ nát thì đúng hơn. Giẻ rách thì còn làm nùi lau, nùi giẻ để lau nhà, lau bàn ghế, chùi chân... Chứ cái thứ giẻ nát thì có nước mà đem đi quăng cho rồi. Thằng Dương bật cười với cái ý nghĩ khùng khùng của mình. Nghe thằng Dương ngồi cười khan mình ên, thằng Quốc đang chăm chú vào màn hình máy tính, ngước lên xỉa xói:

- Mầy có khùng hôn Dương?

Thằng Dương quay lại:

- Khùng cái đầu mầy á.

- Không khùng sao cười mình ên dạ?

 Thằng Dương gãi đầu:

- Ê Quốc, mầy ra coi thằng Giẻ Rách này nè, mắc cười dễ sợ luôn!

Thằng Quốc đang "tám" với mấy em chân dài trên facebook, thấy thằng Dương ngồi cười mình ên, nghĩ là có cái gì đó hay ho, tò mò nên nó chạy ra hóng hớt coi chuyện gì. Nó hy vọng là có một em chân dài nào đó, ăn mặc thiếu vải đang ngồi hớ hên để "rửa mắt" mà khỏi tốn tiền. Nhưng không có em chân dài nào mà chỉ có thằng Giẻ Rách đang thập thò thập thụt. Nghe thằng Dương kể về thằng Giẻ Rách bên kia đường, thằng Quốc thất vọng, chửi:

- Công nhận mầy cũng rảnh thiệt đó Dương! Tự nhiên ngồi cả buổi để quan sát thằng Giẻ Rách thập thò thập thụt. Đúng là rảnh rỗi sinh nông nổi!

Dương thấy cái thằng Giẻ Rách cũng tội nghiệp đó chớ. Có lẽ nó muốn qua đường nhưng chắc là sợ xe nên không dám qua. Mà đúng là nó sợ xe thiệt. Sợ từ cái buổi chiều trời hoang hoải nắng, ba mẹ nó đi làm về, rồi chết lãng nhách vì chiếc xe ben mất thắng. Hai người chở nhau trên chiếc xe gắn máy. 

Tới ngã tư, khi thấy đèn tín hiệu giao thông từ xanh đang bật sang vàng, ba nó dừng xe lại để chờ tín hiệu đèn xanh. Nhưng chiếc xe ben mất thắng cứ lao lên vùn vụt, ủi thẳng vào phía sau xe gắn máy của ba mẹ nó. Từ hôm đó thằng Giẻ Rách đâm ra sợ xe. Sợ đến mức ám ảnh. Thấy xe là nó rúm ró người lại. 

Nó luôn tự hỏi không biết trong dòng xe đông lủ khủ như kiến đánh trận kia, hổng biết chiếc nào mất thắng? Rủi như đúng cái lúc mình đang băng qua đường, gặp chiếc xe mất thắng chạy tới thì chết chắc. Mà chết vì xe tông thì thôi rồi, nát bét, thấy ghê. Vì vậy nó cứ thập thò thập thụt, chân lấp nhấp bước xuống đường rồi rụt lại, mặt xanh như đít nhái.

Dương bước sang đường:

- Mầy muốn qua đường hả?

Thằng Giẻ Rách giương đôi mắt to tròn, ngơ ngác:

- Dạ, em muốn qua đường!

- Muốn qua đường sao không qua mà thập thò thập thụt vậy?

Thằng bé co rúm người lại:

- Xe đông như kiến chạy lũ, hổng biết chiếc nào mất thắng, ghê quá, em hổng dám qua!

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Nghe thằng Giẻ Rách so sánh mà Dương mắc cười. Hồi đó giờ, Dương nghe người ta nói thành phố xe đông ken, đông nghịt chứ có nghe ai nói đông như kiến chạy lũ đâu. Dương bảo với thằng Giẻ Rách tới số chết thì chết, sợ cũng đâu có tránh khỏi mà sợ làm chi cho mắc công. Thấy cái mặt thằng Giẻ Rách đơ đơ cũng tội nghiệp, nên Dương nắm tay dẫn nó qua đường giùm. 

Nhưng sự đời, mình thương người đôi khi cũng rước phiền phức vào thân. Thằng Dương nghe người ta nói vậy, nó bàng quan không để ý. Bây giờ thì nó mới thấy người ta nói cũng có phần đúng chứ không phải nói khơi khơi. Dẫn thằng Giẻ Rách qua đường xong, nó không đi mà cứ bám chặt tay Dương. Dương giương cặp mắt cận tám độ lên, quát:

- Mầy không đi đi, làm gì ghì miết tay tao dạ?

Thằng Giẻ Rách ngẩn cặp mắt đen tròn lên như van xin, như cầu cứu:

- Anh ơi, em hổng biết đi đâu bây giờ! Hay anh đi đâu thì cho em đi theo với!

Thằng Quốc nghe lùm xùm chạy ra hóng hớt. Nó nói mỉa thằng Dương:

- Rồi, chúc mừng mầy! Ách giữa đàng mang vào cổ! Thằng Giẻ Rách này hổng khùng tao chết liền!

Thằng Dương thở dài thậm thượt. Nó cố gỡ tay thằng Giẻ Rách ra, nhưng không được. Nó bực dọc gắt:

- Mầy muốn đi đâu thì đi, tự nhiên đòi theo tao là sao?

Bị Dương gắt, thằng Giẻ Rách buông tay Dương ra rồi đổ sụp xuống lề đường, nước mắt ầng ậc. Dương bỏ vô nhà, nhưng nhìn thằng Giẻ Rách ngồi quệt nước mắt, nó thấy lòng xốn xang. Bỗng Dương liên tưởng đến thằng em trai của mình ở dưới quê. Nó cũng ngang ngang thằng Giẻ Rách này. Nếu em mình lỡ lưu lạc, bơ vơ như vậy thì tội nghiệp biết chừng nào! Dương đi trở ra, nó dịu giọng lại:

- Sao mầy khóc?

Giọng thằng Giẻ Rách ứ nghẹn trong cổ:

- Tại em hổng biết phải đi đâu!

Dương trợn tròn mắt:

- Mầy từ đâu đến đây?

Thằng Giẻ Rách chỉ tay về phía bên kia đường, nơi có mấy vệt nắng chiều hoang hoải rớt xuống vỉa hè:

- Dạ, em đến từ phía bên kia bầu trời kia kìa!

Thằng Dương ôm đầu:

- Tao bó tay mầy luôn rồi!

Từ hôm đó, thằng Giẻ Rách trở thành cư dân thứ ba trong căn nhà trọ của Dương và Quốc. Hôm thằng Giẻ Rách mới nhập cư, Dương làm bài test nho nhỏ để biết nguồn cội, tên tuổi nó, nhưng mọi thông tin đều mờ mịt. Dương cố gợi cho nó nhớ tên của mình để còn biết mà gọi, nhưng mọi cố gắng đều như nước đổ lá khoai. Thằng Quốc cười híp mắt:

- Ê Dương, hay gọi nó là Giẻ Rách đi, mầy. Tao thấy cái tên đó cũng hay hay và không đụng hàng!

Cũng vì cư dân trọ bất đắc dĩ này mà thằng Quốc cứ cằn nhằn thằng Dương miết. Thằng Quốc bảo Dương thài lai, mới tốt nghiệp đại học ra trường, còn đang thử việc, lương ba cọc ba đồng chưa lo đủ cho bản thân mà còn cưu mang cái thằng Giẻ Rách. Rồi rảnh rang sướng muốn chết không chịu, đi rước cục nợ ấy về, nó mạnh giỏi hổng nói gì, nó có bề gì thì rước họa vào thân. Thằng Quốc nói cũng có cái lý của nó. Thằng Giẻ Rách đang mạnh sần sần thì lăn đùng ra sốt. Nó nóng như cục than hầm, nằm thiêm thiếp như chết rồi. Đi làm về, thấy mặt mày thằng giẻ rách đỏ như tôm luộc, thằng Dương sờ trán thấy nóng hầm hập thì hoảng hồn chở nó đi bác sĩ khám. Bác sĩ dặn phải canh, coi chừng nó sốt quá cao, co giật thì rất nguy hiểm. Báo hại cả đêm hôm ấy hai thằng phải thay ca thức để canh thằng Giẻ Rách. Đang ngủ ngon, bị đánh thức để đổi ca, thằng Quốc bực mình lầu bầu:

- Sung sướng hổng chịu đâu, rước cục nợ về giờ cho sáng con mắt! Khổ thiệt là khổ mà!

Rồi ngày hôm sau, thằng Dương phải xin nghỉ làm để ở nhà với thằng Giẻ Rách. Chứ nó đang sốt như vậy, hai thằng đi làm hết, bỏ nó ở nhà một mình làm sao mà yên tâm. Nhiều khi thằng Dương cũng lăn tăn tự hỏi: Ủa, kiếp trước mình có mắc nợ nó không ta, tự nhiên bây giờ phải chăm nó như chăm… con mọn vậy? Rồi thằng Dương tự an ủi mình: Chắc tại duyên nghiệp, nên thằng Giẻ Rách mới lừng lững mọc lên ngay trước nhà mình. Mà có thằng Giẻ Rách thì căn nhà trọ cũng vui, thấy Dương chuẩn bị đi làm là nó lăng xăng đi lấy nón bảo hiểm, lấy ba lô đưa cho Dương. Thằng Quốc có tật đi làm về là cởi quần áo quăng bừa tứ tung, nó lụi hụi đi gom rồi lấy móc máng lên vì sợ nhăn.

Đang nấu nồi canh, gas hết, thằng Quốc bực mình nên quay ngang tiếp tục bài ca muôn thuở với thằng Dương. Nó nói thời sinh viên đã đói meo đói mốc rồi, bây giờ cái bụng mới đầy đầy thì lại nhường bớt phần ăn cho thằng Giẻ Rách, anh hùng rơm hổng đúng chỗ. Thằng Dương lầm bầm trong bụng: Làm như cái việc hết gas là do thằng Giẻ Rách vậy, lãng như cái đìa. Thằng Quốc càm ràm miết nghe nhức mình nhức mẩy, vì vậy thằng Dương gắt lại:

- Thì mầy cứ ăn no đi, còn lại bao nhiêu tao với thằng Giẻ Rách ăn. Bớt ăn lại một chút cũng có chết chóc gì đâu mà sợ. Để thằng Giẻ Rách đói khát, lang thang, rách rưới tao chịu hổng nổi!

Nhiều khi Quốc hậm hực thằng Giẻ Rách, vì cái thứ ba lơn coi vậy còn dễ chịu, chứ hai lơn tám như thằng Giẻ Rách thì khó chịu dữ dằn. Bởi vì nó còn chút nhận thức nên nói nhiều câu xốc họng chịu không nổi. Như hôm thằng Quốc ngồi chát với mấy em chân dài trên facebook, nó tủm tỉm cười một mình, thằng Giẻ Rách hỏi tỉnh queo:

- Ủa, anh Quốc, anh nói em khìn (khùng) mà em thấy anh khìn còn hơn em nữa! Tự nhiên ngồi cười tủm tỉm một mình hoài, thấy ghê!

Thằng Quốc cú đầu nó cái cốc:

- Khìn cái đầu mầy á!

Tại bực mình nên thằng Quốc hay chửi thằng Giẻ Rách là khùng, chứ thật ra nó không phải thuộc cái dạng khùng. Chỉ mỗi tội là thằng Giẻ Rách không có quá khứ, hỏi cái gì nó cũng không nhớ, không biết. Hôm thằng Giẻ Rách mới nhập cư, thằng Dương hỏi nhà ở đâu, nó lắc đầu, không biết. Hỏi mấy tuổi cũng không biết luôn. Thằng Quốc bực mình quá quát:

- Vậy bây giờ mầy còn nhớ cái gì trong đầu?

Thằng Giẻ Rách suy nghĩ một hồi rồi lí nhí:

- Em chỉ nhớ ba mẹ em nằm rúm ró trên vũng máu do chiếc xe ben mất thắng tông vào…

Thằng Quốc bực mình thằng Giẻ Rách cũng có lý do. Vì ám ảnh cái chết của cha mẹ nên cái gì nó cũng sợ. Bởi vậy thằng Quốc mới bực mình. Tưởng có nó thì sai vặt cái này, cái kia cũng đỡ tay đỡ chân, ai dè như không. Thằng Quốc nấu cơm, hết nước mắm để kho cá, kêu nó đi lại tiệm mua giùm chai nước mắm, nó nói không dám ra đường. Thằng Quốc hỏi ra đường ai ăn thịt ăn cá gì mầy mà sợ. Thằng Giẻ Rách giải thích: Nó mới đọc tờ báo của anh Dương mua về, thấy báo đưa tin cô gái đang chạy xe trên đường bị dây điện rớt xuống vắt ngang cổ, làm cho cô gái té xuống đường chết ngắt. Nó nói tỉnh bơ:

- Chết gì mà lãng như cái đìa!

Thằng Giẻ Rách chỉ tay lên mấy cây cột điện, nói tiếp:

- Trước nhà mình dây điện cả nùi như mạng nhện ở trên đầu, rủi lúc mình đi ngang, dây điện rớt xuống trúng đầu, giựt cái bặt là đứng hình, "đi đai" liền đó anh!

Thằng Quốc bực mình nạt:

- Rốt cuộc mầy có đi mua không?

Thằng Giẻ Rách rụt cổ, mắt lấm lét nhìn thằng Quốc:

- Thôi, em… sợ…

Thằng Quốc thở hắt hơi ra:

- Đúng là hết thuốc chữa mầy rồi!

Mà đâu phải nó chỉ sợ xe mất thắng, dây điện rớt trúng đầu, mà còn sợ nhiều cái trời ơi đất hỡi. Sợ những cái mà thằng Dương không bao giờ tưởng tượng ra. Thấy trời mưa lớn, nước ngập đường, chảy cuồn cuộn, nó hốt hoảng hỏi Dương:

- Có khi nào mưa lớn quá, nước rút hổng kịp, tràn vào ngập nhà rồi mình chết ngộp hôn anh Dương?

Còn cái hôm công ty Dương cho đi Đà Lạt chơi, nó mua thêm vé để dẫn thằng Giẻ Rách theo cho biết. Xe chạy đến mấy đoạn đèo, thằng Giẻ Rách cứ vùi mặt vào lưng ghế. Dương hỏi bị sao vậy, nó lắp bắp:

- Em… sợ…

Dương ngạc nhiên:

- Mầy sợ cái gì?

Nó lí nhí:

- Em sợ… xe rớt xuống đèo, chết!

Nghe Dương kể lại, thằng Quốc ôm bụng cười bò lăn. Thằng Quốc bảo đúng là thằng Giẻ Rách hết thuốc chữa thiệt rồi, cái gì nó cũng sợ. Cũng vì sự ám ảnh cái chết của nó mà nhiều khi Dương cũng cảm thấy tức anh ách. Như cái hôm Dương mới nấu xong bữa cơm chiều, dặn thằng Giẻ Rách ở nhà tắm rửa trước, nó đi hớt tóc rồi về ăn cơm. Thằng Dương đi về thấy nồi canh cải nấu với tép không còn miếng nào. Dương hỏi thằng Giẻ Rách bộ ăn hết rồi hả. Nó nhe răng cười khì khì:

- Hổng có anh!

- Vậy chứ nồi canh đâu rồi?

- Em mới đọc báo thấy người ta nói rau cải bây giờ ăn nguy hiểm, vì nhà vườn xịt thuốc mới hôm trước thì hôm sau nhổ bán. Mình ăn rau cải là bị nhiễm thuốc trừ sâu chết như chơi. Vì vậy em đổ hết rồi!

Thằng Dương vừa giận, vừa mắc cười vì cái sự ngô nghê của nó. Dương nghĩ chắc tại thằng Giẻ Rách ám ảnh quá lớn về cái chết của cha mẹ nên nó mới vậy thôi, từ từ rồi sẽ hồi phục dần. Khi thằng Giẻ Rách hồi phục, nhớ được nguồn cội thì Dương sẽ đưa nó về đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, thằng Giẻ Rách chưa kịp nhớ lại nguồn cội, quê hương thì Dương phải nghĩ cách để đưa nó đi một nơi khác. Nơi ấy sẽ tốt hơn cho thằng Giẻ Rách và cũng tốt hơn cho Dương.

Hôm đó, thằng Dương đi làm về đến nhà thì thấy thằng Giẻ Rách ngồi thu lu trên cái bàn, người rúm dó lại, mặt tái mét như tàu lá chuối. Dưới sàn nhà, cái laptop của Dương méo mó, linh kiện văng ra mỗi chỗ một mảnh. Dương hốt hoảng:

- Nhà có chuyện gì vậy Giẻ Rách?

Mặt thằng Giẻ Rách đơ ra, méo mó. Nó kể, ở nhà, nó đang ngồi đọc báo thì hai con chuột cống bự chầm hầm từ ngoài đường cống đùa giỡn, rượt đuổi nhau rồi chạy xồng xộc vào nhà. Nó nói mới đọc báo thấy người ta cảnh báo chuột nhiễm Hantavirus sẽ thải virus qua phân, nước tiểu, các chất tiết và lây nhiễm cho người rất nguy hiểm, chết như chơi luôn. Vì vậy, trong lúc quýnh quá, nó không biết làm sao nên đã lấy cái laptop để chọi mấy con chuột. Thấy Dương đứng chết trân, nó tưởng Dương tán thành việc nó làm nên hồ hởi hẳn lên:

- Mà anh, em chọi trật lất hà, nên mấy con chuột đâu có sợ, nó quay lại lườm em một cái rồi cười hềnh hệch. Tức quá, em lụm cái laptop lên chọi tiếp… Chọi đến tan xác cái lap thì mới trúng được một con!

Thằng Giẻ Rách chỉ vào góc nhà rồi hào hứng:

- Anh nhìn kìa, nó chết nằm một đống, máu me tùm lum kìa! Ghê quá! Bây giờ em hổng dám đi xuống đất, sợ đạp phải chất tiết của nó thì bịnh chết luôn! 

Thằng Quốc thấy thằng Dương ngồi tiếc cái laptop hiệu Lenovo mới mua còn chưa hết hạn bảo hành, giờ thành một đống xà bần, nó mỉa:

- Mầy thấm rồi hả Dương? Sáng mắt ra chưa mậy?

Sáng mắt ra thì có sáng, nhưng thằng Dương vẫn thấy thương thương, tội tội thằng Giẻ Rách quá chừng. Nhưng thằng Giẻ Rách cần phải có một nơi vừa điều trị, vừa chăm sóc thật tốt thì mới hy vọng sớm phục hồi trí nhớ. Thương nó, cưu mang nó như thế này không phải là cách tốt nhất cho nó. Rủi có ngày nó đốt nhà thì mang họa vào thân chứ không phải chuyện đùa. Vì vậy, Dương đưa thằng Giẻ Rách đến mái ấm An Nhơn để người ta có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho nó.

Hôm Dương xếp quần áo để đưa thằng Giẻ Rách đi, nó cứ ngồi thu lu, mắt ầng ậc nước. Đến khi Dương đặt giỏ quần áo nó lên xe, rồi kêu nó lên ngồi để Dương đưa vào mái ấm, ánh mắt nó còn đầy hoang mang:

- Anh Dương ơi, đừng bỏ em! Em là Giẻ Rách nhưng cũng biết rửa chén giúp anh. Anh đi làm về, em biết rót nước cho anh uống, biết lấy giày của anh đi cất…

Dương xao xác lòng, cố nghĩ theo hướng đưa nó đi sẽ tốt hơn cho nó để mình đừng lăn tăn, để mình đủ mạnh mẽ đưa nó đến nơi cần đến. Ngồi trên xe, Dương cố kiếm chuyện vui để nói cho thằng Giẻ Rách nghe. Dương bảo ráng đi làm, kiếm tiền mua cái nhà hoành tráng thì Dương sẽ rước nó về. Dương sẽ thiết kế cho nó một căn phòng riêng có giường nệm nằm ngủ êm thật êm chứ không phải cái giường nhỏ xíu, chiếc chiếu rách nằm đau lưng muốn chết như bây giờ. Nhưng giọng thằng Giẻ Rách vẫn ngùi ngùi:

- Em thích ngủ cái giường nhỏ xíu, thích ngủ chiếu rách như vậy hà! Ở nhà bự, ngủ giường nệm làm chi mà phải đi như vầy, em buồn chịu hổng nổi!

Thằng Giẻ Rách chịu không nổi thật. Đưa nó vào mái ấm được một tuần thì cô Hoa, quản lý mái ấm An Nhơn gọi điện thoại cho Dương, bảo rảnh thì tranh thủ vào mái ấm thăm thằng Giẻ Rách, vì từ ngày vào mái ấm, nó bỏ ăn bỏ ngủ, cứ đòi về nhà. Mà cái nhà nó nhớ là cái nhà có anh Dương, anh Quốc, có cái giường nhỏ xíu mà anh Dương đã nhường cho nó ngủ, còn anh thì trải chiếu ngủ dưới gạch. Thằng Giẻ Rách cứ ôm mấy bộ quần áo, nước mắt ầng ậc. Cô Hoa hỏi, nó nói mấy bộ quần áo này là hồi nó mới vào ở, anh Dương dẫn nó đi mua, nên nó quý lắm, nhìn là nhớ anh Dương. Nó mếu máo:

- Trong trí nhớ của nó bây giờ ngoài cha mẹ nằm rúm ró bên vũng máu, thì chỉ có anh Dương và anh Quốc thôi!

Đêm nào cũng vậy, mọi người đã ngủ từ lâu, nhưng thằng Giẻ Rách vẫn cứ ngồi thẫn thờ, ánh mắt dõi vào màng đêm thăm thẳm, đặc quánh. Cô Hoa hỏi sao không ngủ, nó nói nhớ cái giường, nhớ cái gối, cái mền ở nhà. Cô Hoa mừng quýnh, tưởng trí nhớ của nó đã hồi phục. Hỏi ra mới biết cái nhà mà nó nhớ là nhà của Dương. Rồi nó lấy cái ba lô, lôi ra từng món đồ để kể cho cô Hoa nghe vì sao nó có. Kể thiên thu bất tận. Mà trong dòng nhớ của nó, không có chuyện gì khác ngoài kỷ niệm về những ngày được sống trong ngôi nhà trọ của Dương và Quốc. Rồi nó nói với cô Hoa về chuyện anh Quốc hay cằn nhằn anh Dương vì chuyện cho nó về ở gây thêm phiền phức, nhưng thật ra anh Quốc cũng thương nó lắm. Cái hôm anh Quốc lãnh lương, anh dẫn nó đi mua cái nón đẹp ơi là đẹp và đôi giày cũng đẹp ơi là đẹp. Rồi cái lần nó bị sốt, anh Dương lo chở nó đi bác sĩ, còn anh Quốc thì ở nhà lụi hụi nấu cháo trứng gà. Nó vừa đi khám bệnh về thì đã có tô cháo nóng hổi đặt sẵn trên bàn. Vì vậy, có lần anh Dương nói với nó: Mầy đừng có giận anh Quốc của mầy, tính anh Quốc mầy vậy đó, hay càm ràm nhưng cũng thương mầy lắm á. Mà nó thấy anh Dương nói cũng đúng, anh Quốc thương nó thiệt. Nó quay sang hỏi cô Hoa:

- Anh Quốc hổng thương con, sao đi làm về tối, ảnh hay mua bánh bao, chè khúc bạch về cho con ăn phải hôn cô? Con nói con hổng đói, ảnh rầy: Mầy ốm nhôm ốm nhách, ráng ăn đi cho mau lớn, cho mau khỏe để còn phục hồi trí nhớ!

Cô Hoa vỗ về nó:

- Ừa, anh Dương, anh Quốc ai cũng thương con!

Nó hỏi vặn lại:

- Anh Dương, anh Quốc thương con mà sao chở con bỏ vào đây hả cô?

Bị hỏi cắt cớ, cô Hoa ngắt ngứ mãi một lúc mới tìm ra được cái lý do để giải thích:

- Anh Dương, anh Quốc thương con và cô cũng thương con, nên hai anh mới đưa con vào đây gởi cho cô. Hai anh bận đi làm sẽ không có điều kiện chăm sóc tốt cho con bằng cô.

Dương chưa kịp lên thăm thằng Giẻ Rách thì nó đã trốn mái ấm để tìm đường về nơi mà nó thấy bình yên, ấm áp. Mà thành phố thì thênh thang, đường sá giăng giăng như mắc cửi, thằng Giẻ Rách biết đường nào mà tìm về? Cái đêm thằng Giẻ Rách trốn đi, nó viết giấy để lại cho cô Hoa mấy chữ nguệch ngoạc: "Con nhớ nhà quá, con đi về với anh Dương, anh Quốc nghen cô!".

Cầm tờ giấy của thằng Giẻ Rách để lại mái ấm, Dương lặng người, cảm giác như có vật gì đó trào lên, nghèn nghẹn trong cổ. Dương cứ nghĩ đơn giản là đưa nó về mái ấm để tốt hơn cho nó, đâu ngờ cái mà thằng Giẻ Rách cần lại là cái khác. Thằng Giẻ Rách cần là cần một mái ấm gia đình. Thấy Dương bỏ công ăn việc làm đi tìm thằng Giẻ Rách hết ngày này sang ngày khác, Quốc bảo thôi đi, cái thành phố này có hàng ngàn con đường, hàng vạn con hẻm, biết nó đi đâu mà tìm! Có duyên thì sẽ gặp lại, còn hết duyên thì thôi. Thằng Dương quả quyết:

- Tao phải đi tìm nó cho bằng được mới thôi! Không tìm, nó sẽ chết bờ, chết bụi mất thôi!

Thằng Quốc thở dài:

- Nó đến từ bên kia bầu trời, chắc nó về lại bên đó rồi, biết đâu mà tìm!

Dương dõi mắt về phía bên kia bầu trời, nơi thằng Giẻ Rách mọc lên. Mấy vệt nắng lưa thưa cuối ngày rớt xuống vỉa hè của cái hôm thằng Giẻ Rách mọc lên vẫn còn nguyên vẹn trong ánh mắt của Dương. Nhưng chiều nay không có nắng. Mấy đám mây đen quện lại dày đặc, ngùn ngụn, nặng trịch trôi là đà như sắp rụng xuống đất. Dương lật đật lấy áo mưa rồi dẫn xe đi. Quốc trợn mắt hỏi:

- Trời mưa tới nơi rồi mà mầy đi đâu vậy?

Giọng Dương nghèn nghẹn, nó quay đi để giấu đôi mắt ầng ậc nước:

- Tao đi tìm thằng Giẻ Rách, trời sắp mưa rồi. Nó đi lang thang, mưa ướt lạnh chết!

Thằng Quốc lắc đầu thở ra:

- Thằng này, ở chung với thằng Giẻ Rách riết chắc khùng theo nó rồi!

Quốc nói thì nói vậy, nhưng khi Dương dắt xe ra khỏi nhà, nó gọi giật ngược:

- Dương! Đợi tao đi với mầy!

Mưa sầm sập rải xuống đường. Dương nghe rõ từng hột mưa quất vào mặt, rát buốt.
Truyện ngắn của Nguyên Chương
.
.