Người bị trói trên cầu thang

Thứ Năm, 23/02/2017, 15:12
Tôi vốn là một kẻ nhút nhát, đa nghi; thuộc loại người gặp chuyện gì cũng sợ, cũng tìm cách lẩn tránh! Không ngờ, sợ chuyện nào trời trao chuyện đó!

Nhà tôi sống ở tầng 5 một khu chung cư, hôm đó, gần 12 giờ trưa, tôi xuống cầu thang đi mua hàng, vừa đi được mấy bậc thang chợt nhìn thấy ở chiếu nghỉ cầu thang tầng 4 có một người đang quỳ, cao lớn thô kệch, tướng mạo hung dữ, phồng mang trợn mắt nhìn tôi. Tôi sợ quá đến cứng cả chân không đi tiếp được nữa.

Tôi thấy trong mồm ông ta hình như bị nhét một thứ gì đó, ú ớ không nói được. Nhìn kỹ, tay chân ông ta đều bị trói. Tôi định bước tới cởi trói cho ông ta, nhưng lại nghĩ, biết đâu ông ta giả bị trói, tôi tới cứu sẽ bị nện cho một cú ngã nhào xuống đất, chẳng phải tiêu đời sao? Lúc đó tôi nhìn thấy cửa phòng 402 phía sau lưng ông đóng im ỉm càng khiến tôi nghi ngờ hơn, vì, người ở căn hộ này vừa chuyển đi nơi khác, biết đâu trong đó có bọn xấu chuẩn bị tiếp ứng…

Tôi lắng tai nghe ngóng xung quanh. Vào buổi trưa mọi nhà đều lo cơm nước, cầu thang tòa nhà rất vắng vẻ. Tôi không dám khinh suất làm liều liền quay lại nhà mình, vẫn thấy chưa yên tâm, tôi bèn khóa trái cửa lại!

Nghe tiếng động bên dưới vọng lên mỗi lúc một lớn, tôi càng lo sợ hơn: ngộ nhỡ thấy kế gian không thành, hắn nổi điên lên kêu đồng bọn xông ra thì tôi phải làm sao? Trong khi tâm trí hoang mang bấn loạn tôi chợt nhớ tới ông Hà nhà bên cạnh. Ông là một lái xe đường dài, nhìn xa trông rộng, điều quan trọng là, ông ấy cao lớn, cánh tay to bằng bắp chân tôi, bọn kia dù sao cũng không thể địch lại ông ấy được.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Tôi nhẹ nhàng mở cửa phòng, đến thẳng nhà ông Hà, bấm chuông.

-Ai thế?- Ông Hà từ trong phòng hỏi.

- Người hàng xóm đây…- Tôi cố nén hơi, tiếng nói run run phát ra.

Cửa mở. Tay trái ông Hà cầm đũa, miệng đang nhai thứ gì đó. Ông nhìn tôi, phun thứ trong mồm ra, hỏi:

- Có chuyện gì thế?

- Dưới cầu thang tầng 4 có người bị trói - Tôi hấp tấp nói.

- Kệ nó. Làm cơm mới quan trọng.

- Nhưng nó đang đứng ngay giữa cầu thang, chẳng cho ai lên xuống được. Hay là…mình gọi 110 yêu cầu họ tới xử lý? - Tôi dè dặt đề nghị.

- Chuyện này tôi không lo được. Cậu làm đi - Ông Hà nói xong liền quay vào nhà.

Tôi ngăn ông lại:

- Bác Hà ơi, nhà cháu không có điện thoại, cho cháu nhờ điện thoại của bác được không?

Ông Hà kéo tôi lại, nói nhỏ:

- Không phải là tôi không muốn cho cậu mượn, nhưng… cậu có biết hiện nay thói đời nhiễu nhương lắm rồi không? Dùng máy này gọi đến số 110, máy chủ có thể tự động ghi lại, chúng ta gọi điện quấy rầy người ta, biết đâu đây là chuyện làm ăn liên quan với bọn xã hội đen... phức tạp lắm! Tôi khuyên cậu thôi đi. Chuyện của ai người ấy lo, hơi đâu…

Tôi thất vọng, gật gật đầu, nghĩ bụng, ông Hà lớn tuổi hơn mình, nghĩ mọi chuyện đều rất chu đáo.

Ông Hà quay vào nhà, tôi cũng muốn về nhà ngay nhưng cái người trên cầu thang kia lại ú ớ kêu lên lần nữa khiến cho tim tôi đập thình thình. Tôi nghĩ, vừa nãy ông ta đã thấy tôi, hôm nay nếu ông ta không toại nguyện biết đâu sau này ông ta đưa người tới bắt cả vợ con tôi thì tôi phải làm sao? Không được. Dứt khoát phải gọi cảnh sát 110 để họ xử lý  thôi.

Tôi bước đi nhè nhẹ, quay sang phòng đối diện gõ cửa.

Đây là căn hộ của một giáo viên tiểu học, họ Thân. Ông Thân ra mở cửa, vui vẻ hỏi:

- Anh có việc gì không?

Tôi hy vọng là ông Thân đã nghe thấy âm thanh ở chiếu nghỉ cầu thang tầng 4, nhưng hình như không phải vậy. Ông ta chẳng hề có chút ngạc nhiên nào. Tôi đành phải nói thẳng với ông:

- Thầy Thân à, xin lỗi, tôi có việc gấp, nhờ điện thoại của thầy một lát được không ạ?

- Được được, anh vào đi - Ông Thân nhiệt tình nói.

Ông Thân đưa tôi đến cạnh chiếc điện thoại, nhìn tôi cười híp mắt. Lần này tôi thấy hơi lo lo, nếu ông biết tôi gọi cho 110, liệu ông có chịu không. Tôi gượng cười nhìn ông, ông hiểu ý ngay, nói:

- À, chuyện riêng mà, tôi không nghe đâu, anh cứ tự nhiên đi - Nói xong ông bỏ sang phòng bên cạnh xem ti vi. Tôi vội nâng ống nghe bấm số 110, báo án. Xong việc tôi cám ơn ông Thân, ra về.

Ba phút sau, dưới cầu thang có tiếng còi xe cảnh sát. Tiếp đến là tiếng chân người thình thịch trên cầu thang, dừng lại ở tầng 4.

Tôi chần chừ không biết nên chạy ra hay nên ở hẳn trong nhà. Trên cầu thang lại ồn ào trở lại. Cửa chống trộm từng nhà mở ra, đóng vào kẹt kẹt. Lúc đó tôi cũng gan lên một chút, mở cửa bước ra, ở đó đã có mấy cảnh sát và vài người trong khu nhà vây quanh kẻ bị trói.

Một viên cảnh sát uy nghiêm hỏi:

- Ai trói anh ở đây?

Vật nhét trong mồm kẻ bị trói đã được cảnh sát lấy ra. Người bị trói tức tưởi nói:

- Tôi không biết. Bọn họ lừa tôi lái xe tới đây, dùng dao khống chế rồi trói tôi lại, cướp xe lái đi mất.

Một viên cảnh sát cởi trói cho anh ta, cởi mãi không được, bảo:

- Chắc quá. Nhà ai có kéo, cho mượn đi.

- Nhà tôi có - Nữ chủ nhân phòng 401 nói, đoạn chạy về lấy kéo cắt đứt dây trói. Người bị trói mãi mà không đứng dậy được, cảnh sát phải đỡ anh ta lên, vài người xung quanh cũng vào giúp.

Có người hỏi cảnh sát:

- Chuyện này là thế nào ạ?

Cảnh sát nói:

- Xe taxi của anh ta bị kẻ gian cướp mất.

Mọi người nghe chuyện quay ra bàn tán sôi nổi. Một người nói:

- Người anh em, sao không kêu sớm một chút? Ở ngay trung tâm thành phố, ngay giữa trưa nhà ai chẳng có người ở nhà? Anh mà kêu lên, ai mà không thấy chứ? Bọn cướp táo tợn thật! Mình phải hợp sức lại nện cho chúng một trận chứ!

 Lại có người nói:

- Thời thế loạn thật rồi! Ngay giữa thanh thiên bạch nhật mà dám cướp! Bắt được bọn chúng thì giết luôn, đừng để chúng sống làm gì!

Người tài xế bị cướp xe không biết là sợ hãi hay tức giận, toàn thân run lẩy bẩy, to xác như thế mà đôi mắt đỏ hoe. Tôi lạnh toát cả người, cúi gằm mặt xuống không dám nhìn thẳng vào mắt ông ta.

Mãi một hồi lâu người tài xế mới định thần lại được, khó nhọc kể lại đầu đuôi câu chuyện. Thì ra, người bị trói là một tài xế ở huyện, không thông thuộc đường sá ở thành phố. 

Sáng nay có mấy tên chuyên cướp taxi thuê trước phòng 404 ở đây, hắn chọn chung cư là bởi vào giờ trưa các gia đình ở đây đều bận lo cơm nước, sẽ vắng vẻ chứ không như ở khách sạn lúc nào cũng có người ra vào, mai phục sẵn rồi phái người xuống huyện thuê taxi về thành phố. Thỏa thuận giá cả xong, cho xe đi ngay. Xe vừa về tới hành phố, dừng lại ở chân cầu thang chung cư này, người đó nói dối là phải lên nhà lấy tiền, bảo lái xe cùng đi. Người lái xe không nghi ngờ gì lặng lẽ đi theo. 

Vừa bước chân vào phòng, cả bọn xông vào trói gô anh ta lại, nhét giẻ vào mồm, bỏ lại trong phòng, khép cửa lại, xuống lầu lái xe đi mất. Người tài xế bị trói cố quẫy cựa vùng thoát, lê dần ra đến cửa, nhưng lại bị một đoạn ống nước giữ lại, không đi tiếp được mà cũng không kêu cứu được. 

Nghe nói khi anh ta lê được đến cửa là đúng 12h, lúc đó bọn cướp chỉ mới đi được khoảng 2-3 phút. Nghe thế tim tôi gần như ngừng đập! Rõ ràng lúc nhìn thấy người lái xe bị trói quỳ ở chiếu nghỉ cầu thang tầng 4, bọn tội phạm chỉ mới đi được khoảng 5-6 phút mà thôi, chắc chắn chưa ra khỏi thành phố. Nếu tôi báo cảnh sát kịp thời, dứt khoát chúng sẽ bị bắt. Ôi, sao mà tôi hèn nhát đến thế chứ?

Lúc này mọi người tập trung ở cầu thang sôi nổi bàn tán, phân tích vụ án, đề xuất hình phạt… Tôi nhìn thấy ông Hà đứng lẫn trong đám đông, huơ chân múa tay, nói văng cả bọt mép, ra dáng một người nghĩa hiệp, anh hùng thứ thiệt!

Truyện ngắn của Vũ Ái Dân (Trung Quốc)- Trà Ly (dịch)
.
.