Người ẩn danh

Thứ Ba, 24/01/2017, 08:00
... Trăm sự em nhờ anh - Tiếng Lâm Oanh dứt Thuận ra khỏi cơn mê nhục dục - Em xác định và mong muốn được làm người học trò nhỏ của anh vì mấy năm học ở trường, em bận đi chạy bàn, làm thêm kiếm sống nên hầu như em chẳng học được gì nhiều cả. Em mong anh thu nạp em làm đệ tử chân truyền.

Lâm Oanh đến, ngay khi bước vào phòng, nhìn thấy tướng mạo của Thuận, Lâm Oanh rụt rè e thẹn hẳn. Khi Lâm Oanh đã yên vị trên ghế ngồi, Thuận mới khọt khẹt lên tiếng:

- Tôi nghe bảo em muốn đến đây thực tập?

- Dạ, em viết văn xuôi và đã đọc văn anh nhiều. Em muốn được anh hướng dẫn... những bước đi chập chững vào đời.

Nhìn Lâm Oanh ngồi đối diện với cặp chân dài ấp ủ sau tà váy đỏ xẻ cao, nghe Lâm Oanh nói sên sến, suýt chút nữa Thuận bật cười. Đưa em vào đời thì dễ, chỉ cần em nằm xuống trên tấm nệm này, nhưng đưa em vào con đường văn chương thì khác, em phải đi bằng chính đôi chân dài của mình thôi. Nằm xuống nệm là "vào đời" em ạ. Chứ không thể nằm xuống là có văn. Văn chương nó khắc nghiệt thế, mọi thứ có thể mua, nhưng văn chương đích thực thì có tiền cũng chẳng thể mua được.

- Thế hôm nay em có đưa cái truyện nào đến đây không? - Thuận hỏi.

- Dạ có, em có đưa một truyện ngắn. Hôm qua mấy anh bên Ban Phê bình đọc mừng rú lên khen hay.

Thuận lại tủm tỉm cười. Không nói ra nhưng trong thâm tâm Thuận xếp phê bình có hai loại, một loại là những nhà phê bình chân chính, họ là những người uyên bác, có con mắt xanh và tầm lý luận siêu phàm để sát cánh cùng những người sáng tác đưa nền văn học của nước nhà ngày một đi lên, còn một loại là phê bình điếm đường. Họ chả khác gì một con điếm đường, về cơ bản là hành nghề vì tiền, Nhưng thôi, âu đó cũng là một nghề, còn khách làng chơi thì còn cần đến điếm.

- Mấy anh phê bình khen thì chắc là đúng rồi - Thuận nói - nhưng em cứ đưa anh đọc xem để anh còn biết hướng em đi thế nào cho nó hợp.

- Dạ, em cảm ơn anh nhiều, em biết mình mới viết, có gì nhờ anh giúp.

- Anh sẽ đọc, nhưng hiện nay văn chương nó tạm chia ra hai hướng như thế này, thứ nhất đó là hạ bệ thần tượng bằng mọi giá, dù đó là ai, kể cả nhiều người đã được nhân dân phong Thánh như Thánh Tản Viên chẳng hạn, hay những người anh hùng dân tộc, người có công... đều bị (được) các nhà văn quật mồ dậy, cho đi đứng, nói năng lai căng, tóm lại là các nhà văn muốn nói ngược để nổi, nổi bằng mọi giá cho dù có khi trong lòng họ không nghĩ như thế.

Ngoài hạ bệ thần tượng thì họ theo đuổi đề tài đồng tính, khai thác tình dục, họ viết văn từ thắt lưng trở xuống, họ xách quần chíp lên và đi, họ cởi mọi lúc mọi nơi và tự hào khoe khoang khi tôi cởi là được mọi người chú ý. Tóm lại là khuynh hướng sốc - sướng - sến. Còn hướng thứ hai là những người đang theo đuổi văn chương đích thực, họ gần như không màng đến danh lợi và đôi khi quên cả bạn đọc, họ xem sáng tác văn chương là thú đau thương, là tiếng nói của lương tri thời đại, tiếng nói của nhân quần, nhiều khi họ tự gặm nhấm mình, chính vì thế họ sống khá khuất lấp, chừng mực, tự trọng nên ít được người đời biết đến. Nhưng chính họ là những người may ra sẽ để được lại cái gì đó cho đời.

 Nghe Thuận nói đến đó, Lâm Oanh chợt nghĩ đến lão nhà văn chiều chiều hay đến quán bia mà Lâm Oanh thường đi làm thêm. Ông ấy đã nói chuyện với Lâm Oanh thật nhiều về nghề văn và người văn. Lâm Oanh nể phục lão nhà văn về vốn sống và sự hiểu biết. Ông ấy đọc nhiều mà viết ít, cũng chả mấy khi thấy ông ấy đăng đàn diễn thuyết gì.

Có lần Lâm Oanh thắc mắc vì việc ít thấy ông xuất hiện tại các cuộc hội thảo này, hội nghị nọ thì ông nói: "Đối với nhà văn thì nên úp mặt vào trang giấy mà viết". Ông ấy còn nói với Lâm Oanh rằng người phương Đông ưa quan trọng hóa bản thân mình. Điều này thể hiện rất rõ ở giới văn chương chữ nghĩa, mới viết được mấy cái truyện, làm được mấy bài thơ con cóc đã vỗ ngực ta đây là nhà văn, nhà thơ và sau đó in sách thì còn đế thêm mấy chữ tác phẩm chọn lọc, hay tổng tập... đúng là: "Thơ dăm ba bài cũng thi sỹ/ dăm bảy truyện xoàng cũng nhà văn".

Thực chất thì chọn hay không chọn, tổng hay tuyển vỏn vẹn cũng chỉ có chừng ấy văn, chừng ấy thơ mà thôi. Đi hội nghị này, hội thảo kia thì thích khua chiêng gõ mõ, nói những điều to tát nhưng cực kỳ sáo rỗng, bản thân người nói cũng không hiểu là mình đang nói gì thì bàn làm gì đến chuyện người nghe có hiểu hay không.

 Xét cho cùng, mang thêm danh hão vào người chẳng qua cũng chỉ là để che đậy đi những khuyết thiếu trong con người mình mà thôi. Do quá trọng danh nên suốt cuộc đời họ hình như chỉ chăm chăm đi kiếm tìm cái danh, càng nhiều danh để đi khoe với thiên hạ thì càng tốt. Có không ít nhà văn khi chưa vào được hội thì đọc nhiều, viết hăng say, nhiều sáng tạo, nhưng khi đã vào được hội rồi, mục đích phấn đấu đã đoạt được rồi thì không còn viết nữa và chả thèm đọc ai vì bấy giờ họ bận đi diễn thuyết, đăng đàn, làm giám khảo… và đến đâu cũng mong được người ta giới thiệu mình long trọng, đọc hết cả chức danh, học hàm học vị… chuyện này không ít khôi hài khi nhận được những tấm cac- vi- dít… 

- Em thích chọn hướng đi nào? - Thuận hỏi kéo Lâm Oanh về với thực tại.

- Em thì chả nghĩ được cao siêu như thế đâu. Nói thật, em ở vùng sâu, vùng xa, kiến thức nền của em mỏng mảnh lắm, em không dám mơ sẽ viết được nên những tác phẩm nghiêm túc như những bậc tiền bối. Em chỉ dám nghĩ văn chương nó cũng là một nghề, một nghề để em có cái ăn, cái mặc và... và làm rạng danh dòng họ.

Nghe Lâm Oanh nói thế, trong đầu Thuận lại đang nghĩ đến cảnh Lâm Oanh nằm khỏa thân trên giường trong phòng mình. Đã có khi Thuận tự hỏi, không biết là mình có bị bệnh hoạn gì không mà chẳng bao giờ nguôi thèm đàn bà, cứ nhìn thấy một em nào đó là nghĩ ngay đến việc "chén".

Mà hình như có nhiều bọn đàn ông, đàn bà cùng một nhóm máu với Thuận, chẳng qua đôi khi bị những tấm áo được gọi là đạo đức trùm lên nên không dám thể hiện mà thôi. Đã không ít lần khi gặp một người đàn bà nào đó vừa có địa vị, học thức lại mang dáng dấp tiết hạnh khả phong, Thuận đã những tưởng họ sẽ là những người đoan chính lắm, là những bức tường thành bất khả xâm phạm của cánh đàn ông trừ chồng họ, nhưng hóa ra không phải, khi có điều kiện, khi lửa gần rơm, khi cơm vừa chín lại đang trong cơn đói... họ cũng chỉ là con người phàm mà thôi, cũng ngã vào vòng tay Thuận và rên lên khi chạm vào miền khoái lạc... Chốn trần ai nên dễ trầm luân.

- ... Trăm sự em nhờ anh - Tiếng Lâm Oanh dứt Thuận ra khỏi cơn mê nhục dục - Em xác định và mong muốn được làm người học trò nhỏ của anh vì mấy năm học ở trường, em bận đi chạy bàn, làm thêm kiếm sống nên hầu như em chẳng học được gì nhiều cả. Em mong anh thu nạp em làm đệ tử chân truyền.

- Nói thật là anh chẳng dám làm thầy đâu, vì anh quan niệm nghề thầy nó cao quý lắm, chẳng thế mà người ta chỉ gọi thầy thuốc, thầy giáo và thầy... cúng. Cũng có nhiều người kiếm cái ăn bằng văn chương nhưng nhọc nhằn lắm. Thôi, bước đầu cứ thế đã, anh đọc xong truyện sẽ bàn với em cụ thể hướng đi. Trước mắt em có thể đọc rồi viết một số chuyên mục ngắn ngắn trên báo anh. Chỉ tiếc báo anh ba tháng mới ra một số nên em có thể cộng tác với những báo khác. Em còn sẽ đi xa trên con đường hoạn lộ đấy, chân dài thế kia cơ mà.

Thuận nói xong câu ấy, cả hai cùng cười, nhưng cái cười của Lâm Oanh không bỗ bã, vì cho dù là dân tỉnh lẻ, nhưng đã được môi trường đại học và quán nhậu nhào trộn cho mấy năm, Lâm Oanh biết trước mắt mình không phải là người thường.

Được Thuận nhận lời dìu rồi nếu không nổi thì cũng không thể chìm. Và nếu có thể, vâng Lâm Oanh nghĩ nếu cần cơ hội là đây, điểm nút là đây, vâng nếu cần, nếu cần và nếu cần thì tam giác ngọc đã đến khi phải phát huy tác dụng.

Trao đúng, trao đủ, trao có ích thì chắc chắn sẽ nhận đúng, nhận đủ và nhận những điều có ích về tay mình thôi. Cứ trao một quả, lấy lại một cục vàng là ổn rồi. Và còn một điều nữa, đằng nào thì rằng mà thì là cũng phải sử dụng, quan trọng là với ai lần đầu, còn sau này thì sẽ là những cuộc hành nghề. Mình có cái đó, mình xinh thì mình có quyền!?

*

Gái tham tài, Thuận tài, Thuận nổi tiếng điều đó không ai dám phủ nhận. Và cái chết nữa là Thuận có số đào hoa, gái muốn chính chuyên thì phải phòng bị từ xa, phải rút củi khi lửa chưa kịp bén, còn nếu không cứ đến gần Thuận thì không sớm thì muộn cũng bị từ trường tình ái của Thuận nó hút vào thôi. Thuận song hành đi vào trong đàn bà bằng cả hai con đường, đó là sức mạnh cơ bắp bản năng và sức mạnh trí tuệ.

Minh họa: Lê Tâm.

Ngày đầu Tâm mới về cơ quan cũng y như Lâm Oanh bây giờ, và chỉ đến ngày thứ hai đến thực tập, Thuận đã kéo được Tâm lên giường. Đường đi nước bước cứ thế, Tâm về cơ quan rồi từng bước lên làm lãnh đạo.

Tuy Thuận không giữ chức vụ gì lớn lao và quyền hành trong cơ quan, nhưng Thuận có cái uy ngầm, uy ngầm bởi cách sống và ở tài thẩm định văn chương. Khi có ai đó đang cần sự cất nhắc, đề bạt, nếu tranh thủ được tiếng nói tốt của Thuận thì mọi việc suôn sẻ, còn nếu không thì ngược lại. Cũng may là đối với đàn ông thì Thuận có sự khách quan gần như tuyệt đối, chỉ với đàn bà, phụ nữ, khi Thuận đã lỡ tham nhũng tình ái nên vô hình chung, Thuận đã tham nhũng cả tương lai.

Vâng, tham nhũng tương lai là người được Thuận tiến cử không xứng với công việc của mình, nhưng khi đã vào được vị trí thì họ chỉ có đi lên và ở lỳ cho đến khi về hưu. Có thể gọi tham nhũng đất đai, tiền bạc là tham nhũng hiện tại, còn tham nhũng chức tước, địa vị cho con cháu, người thân, hoán đổi vị trí người nhà mình và người nhà quan chức khác, anh nhận cháu tôi, tôi nhận cháu anh, anh nhận bồ tôi tôi nhận bồ anh vào làm việc, và đôi khi muốn đổi gió một tí sờ ti thì bồ anh là bồ tôi mà bồ tôi lại là bồ anh, bồ anh sang chỗ tôi và bồ tôi sang sờ sang chờ ô chô nga hỏi ngã chỗ anh... là tham nhũng tương lai.

Tai hại là ở chỗ đó, việc tham nhũng hiện tại thì đã rành rành rồi, nhưng còn tham nhũng luôn cả tương lai của con cháu mai sau thì thật là đáng trách. Nạn tham nhũng tình dục đã có từ lâu, nhưng dạo này đang nở rộ cùng với tốc độ phát triển nhà nghỉ. Nhà nghỉ mà chả cho nghỉ chút nào, đã mất tiền mua mâm thì phải đâm cho nó thủng chứ, vào đây mà nghỉ thì có mà đờ y ê nờ yên, đờ yên điên à?

Thiếu gì chỗ nghỉ không mất tiền mà phải vào nhà nghỉ mà nghỉ, thế là cứ phải chạy chạy chạy, nằm nằm nằm, ngồi ngồi ngồi, đứng đứng đứng, kẻ nằm người ngồi, kẻ ngồi người nằm... bạc râu trê, phê tê tê, phờ râu cáo, nên làm láo, làm cho đến khi tạnh ráo, khô hạn mới thôi. "Chơi cho thủng trống long bồng/ Rồi ra ta sẽ lấy chồng lập nghiêm/ Chơi cho thủng trống long chiêng/ Rồi ra ta sẽ lập nghiêm lấy chồng".

*

Người ta bảo nhìn cây biết quả, đôi khi cây vậm vạp nhưng chưa chắc đã cho quả tốt. Trong mắt Thuận thì Lâm Oanh cũng thế, nên khi Lâm Oanh khuất lưng là Thuận ném ngay bản thảo truyện ngắn Lâm Oanh vừa đưa vào sọt rác. Tóc dài đầu ngắn, văn chương gì, rặt một lũ lấy lỗ làm lãi. Nghĩ thế nên Thuận yên tâm chìm vào thế giới suy tưởng của mình.

Người ta thường nói văn mình vợ người, Thuận cũng thế, trong thâm tâm Thuận vẫn nghĩ văn mình là hay, là nhất, là số một, nhưng ngặt một nỗi viết lách đã tròm trèm chục năm nay rồi mà tên tuổi vẫn biệt vô tăm tích, trong các cuộc điểm mặt văn chương luôn thiếu vắng tên Thuận. Nói cho công bằng thì các cuộc điểm mặt văn chương thỉnh thoảng họ có nhắc đến tên Thuận, nhưng nhắc như là một sự hạ bệ chứ không phải để khen.

Họ nói văn Thuận viết hay, viết tốt nhưng rất tiếc là quá ảnh hưởng văn của Tam và tác phẩm nào cũng có bóng dáng của Tam ở trong đó. Và Thuận cũng biết tất cả những bài viết đó, dù ký dưới những cái tên khác nhau nhưng đều là bài của một gã phê bình rất đố kỵ với tài năng của Thuận. Biết vậy, để đấy chứ đôi co cũng chả để làm gì. Tốt nhất là không dây với phân - Thuận nghĩ thế.

Đây chính là những đổ vỡ về văn chương đầu tiên trong Thuận. Chuyện thâm cung này chỉ mỗi Thuận và Tam biết, nhưng đến nay hình như còn có mỗi mình Thuận biết, còn Tam thì làm như chuyện chẳng có gì. Tam còn có nhiều công to việc lớn nên Tam đã quên đi việc be bé của Tam và Thuận từ rất lâu rồi.

 Ngày đó cách nay cũng đã hơn chục năm, khi đó Thuận còn là một anh nông dân cổ cày vai bừa tít tận miền rừng, nơi mà luôn thừa nắng, cát, gió Lào còn lại thì thiếu thốn đủ thứ cần cho cuộc sống. Trong những thứ thiếu có sách. Thôi thì không có sách thì ta làm lấy sách vậy. Những lúc rảnh rỗi sau mỗi mùa cày hái, Thuận cũng ngồi sáng tác. Sáng tác giết thời gian, sáng tác rồi lót lá chuối, cất vào trong chum đậy kỹ lại để đấy chứ không nghĩ rằng một ngày nào đó truyện của mình được in sách.

Cho đến một năm, vào tháng ba mùa giáp hạt, làng đói, đói đến mờ con mắt. Gốc chuối, nõn dứa dại, ruột cây đu đủ… đã bị con người chén sạch. Có những lúc đói quá, Thuận phải ra cây ổi chát sau vườn, cắn ngập chân răng vào cành ổi. Nước miếng, mủ cây trộn vào nhau nghe cũng ngòn ngọt đầu lưỡi để vỗ về cơn đói. Đúng lúc đó, làng Thuận đón một đoàn nhà văn từ trên tỉnh đi thực tế sáng tác. Thôi thì không có ăn vật chất thì ăn tinh thần vậy.

Lần đầu tiên Thuận được nhìn thấy nhà văn bằng xương bằng thịt ngoài đời, khi những tác phẩm của họ Thuận đã đọc từ hồi đánh đáo đánh khăng ở quê. Đoàn đến, có giao lưu, có trò chuyện văn chương. Làng Thuận những ngày ấy cứ là vui như... văn nghệ dù trong bụng đói tỏng đói teo.

Khi đoàn chia tay dân làng để về, Thuận mới mạnh dạn tiếp cận được một người đi trong đoàn, người này nhỏ con, trán hói, vai xuôi, lông mày rậm, tính tình thớ lợ, gặp ai cũng cười bẽn lẽn như gái mới về nhà chồng. Sở dĩ Thuận chỉ dám tiếp cận người đó vì Thuận nghĩ những nhà văn tên tuổi kia họ ở trên cao, họ còn đi nhiều, nên nếu Thuận có đưa bản thảo thì chắc họ cũng chả có thời gian đọc.

Thôi thì cứ đưa cho cái anh thớ lợ này, chắc anh ấy cũng chỉ đi cho nó đẹp đội hình, chứ văn chương mà chưa có tên tuổi thì ai thèm để ý để mà giao lưu. Đưa cho anh ấy để những lúc rảnh rang có thể anh ấy sẽ ghé mắt đến tác phẩm đầu tay của Thuận.

Đoàn đã đi xa và Thuận đã nuôi hi vọng sẽ nhận được hồi âm về tác phẩm đầu tay của mình. Nhưng hi vọng nhiều thì thất vọng lắm, tin tức vẫn chỉ như đá ném ao bèo. Không còn hi vọng gì ở tác phẩm đầu tay nữa, Thuận tiếp tục viết những tác phẩm mới và lần này không cất chum nữa mà âm thầm gửi đi cho các báo.

Rồi Thuận mừng như được mùa ngô khi tác phẩm của mình được đăng báo, nhuận bút bằng cả sào ngô. Từ đó Thuận tích cực sáng tác nhiều hơn, tên tuổi của Thuận được nhiều người biết đến hơn. Và những gì trước đây Thuận không dám nghĩ tới nay nó đã đến, lớp nhà văn già trong tỉnh lần lượt nghỉ hưu và về với tiên tổ hay bát phố đánh đố nhân gian.

Người đi đã đi, còn người đến vẫn chưa thấy đến. Chả thấy ai mọc mũi sủi tăm, nhìn quanh ngó quất khắp trong tỉnh nhõn mỗi mình Thuận, thế là Thuận được mời lên tỉnh, được về làm việc ở tòa soạn báo văn nghệ tỉnh nhà. Một bước từ anh thợ cày ruộng lên anh thợ cày đường nhựa, ban đầu Thuận cũng hơi run, nhưng dần thấy những người xung quanh cũng bình thường, bình thường cả trong văn và trong cách sống.

Ngày Thuận về, Tam bấy giờ đã lên lãnh đạo. Gặp Thuận nơi cầu thang, Tam vẫn thớ lợ như cái anh loắng quắng năm xưa. Tam khen Thuận có vốn sống, có năng khiếu văn chương nhưng về chuyện nghề thì còn phải học hỏi nhiều mới có thể trụ lại được ở tòa soạn.

Nghe lời Tam, những tháng đầu Thuận cắm đầu vào trong thư viện để đọc. Oái oăm, Thuận đã gặp lại đứa con đầu lòng của mình, nhưng tiếc thay nó đã được đặt tên mới và cha đẻ của nó chính là Tam. Thuận thẫn thờ mất mấy hôm và cũng chả biết phải xử sự nó ra làm sao. Đành ngồi dò hỏi cô nhân viên thư viện, sau đó mới biết được ngọn ngành.

Sau chuyến đi thực tế về, ai cũng ra sách. Những nhà văn nhớn ra sách đã đành, riêng Tam là một anh sinh viên khoa sử, luôn sống ở thành thị, thế mà sau chuyến đi thực tế cũng cho ra mắt độc giả được một cuốn tiểu thuyết dầy ngót ba trăm trang, đậm đặc chất nông thôn miền rừng. Khi sách ra, có tiếng vang, bạn đọc đón nhận nhiệt tình.

Những người trước đây nhìn Tam với con mắt kẻ cả thì giờ đây phải xem lại. Tam đã ghi được cái tên mình lên phông sân khấu của văn đàn tỉnh nhà. Không chỉ là ghi tên mà mỗi lầm điểm danh lực lượng nhà văn trong tỉnh, tên Tam luôn đứng ở tốp đầu. Từ đó đến nay người ta không còn thấy Tam viết văn nữa. Có ai hỏi Tam úp úp mở mở nói sắp có cuốn mới, búa bổ luôn, cứ đợi đấy, văn chương chỉ cần chất lượng chứ kể gì đến số lượng.

Biết được chuyện ấy, Thuận thấy oải cả người. Không phải vì Thuận tiếc cuốn sách của mình mang tên Tam. Vì mục đích cuối cùng của việc viết là để có người đọc. Tên của Thuận hay tên của Tam gắn vào trên cuốn sách đều không quan trọng.

Điều quan trọng nhất là những gì Thuận viết đã được bạn đọc đồng cảm và chia sẻ. Thuận chỉ buồn và nản khi hành động ngây thơ vô tình của mình đã là một trong những cái thang để Tam leo lên trên đà danh vọng. Những giá trị ảo khi đã lên ngôi thì đương nhiên giá trị thật sẽ bị khuất lấp, chìm xuồng và phải tự ngậm ngùi an ủi là hiện giờ chưa ai biết đến mình thì mai sau người đời sẽ biết, vì mình bị khuất lấp, bị trù dập, bị ấn xuống bùn thì tương lai sẽ là trầm tích, sẽ là dầu lửa, là than đá, than kíp lê…

Thuận buồn nhưng không tỏ thái độ gì với Tam và cũng chả tâm sự với ai chuyện động trời đó. Và nếu Thuận có tâm sự liệu có ai tin Thuận không. Im lặng là thượng sách. Thuận đã chọn cách im lặng, nhưng khốn nạn là cứ mỗi cuốn sách của Thuận in ra là lại có dăm ba bài phê Thuận. Người ta viết đến sách Thuận thì ít mà nhắc đến việc Thuận bị ảnh hưởng văn của Tam thì nhiều.

Vô hình chung, cứ một lần Thuận ra sách là một dịp cuốn của Tam được PR, được tái bản, được bày bán, tên của Tam được xới lên trên văn đàn và bấy nhiêu năm nay, cứ thế Tam ngồi không mà ăn mày dĩ vãng.

Lan man Thuận lại nghĩ đến một số trường hợp mới nổi gần đây và điểm lại thì thấy, đúng thật là văn đàn hiện thời đang trong thế âm thịnh dương suy. Cái sự thịnh suy này đôi khi không phải ở văn chương. Vậy có phải con gái đẹp thì viết văn sẽ dễ nổi không? Không hẳn thế, vì trong số những nhà văn mới nổi vừa qua cũng có người đẹp, người xấu, kẻ học cao người cao học, kẻ phố người rừng, kẻ Bắc người Nam...

Thế thì cái gì là chung nhất cho một sự nổi tiếng? Tổng hợp lại, so kè sàng lọc, cuối cùng Thuận rút ra một bộ quy tắc ứng xử là đầu tiên phải vùng sâu, vùng xa, càng ít học càng tốt, tiếp đến là nữ và cuối cùng là có sắc đẹp là yếu tố để thêm điểm. Khi rút ra được cái quy tắc đó, một lần nữa trong đầu Thuận như bất chợt có một trái phá vừa nổ bung, tai mắt bùng nhùng, và phút đốn ngộ đã đến. Ở một mình trong phòng mà Thuận nhảy nhót cuồng hoan. Miệng không ngừng lắp bắp, lập bập: "Có thế mà không nghĩ ra, có thế mà không nghĩ ra...".

*

Phải công bằng mà nói thì những truyện Thuận viết cho Lâm Oanh cũng không đặc sắc gì hơn những truyện Thuận đã viết trước đây, nhưng nó cũng không đến nỗi tệ vì Thuận đã gia công rất nhiều, hơn nữa nó còn có phần là lạ ở văn phong của một người ở phố viết về miền quê nên nó mượt mà mỏng mảnh chứ không đến nỗi thật thà chất phác như chính người miền quê viết về miền quê.

Thứ nữa là giọng văn lại là của đàn ông gán cho đàn bà nên đọc nó cũng có cái ngồ ngộ. Giờ có thể Lâm Oanh không còn có nhu cầu nổi tiếng trên văn đàn nữa nhưng ngược lại Thuận lại có khát khao. Thuận đang bế tắc trong sáng tác, Thuận đã đốt hết tác phẩm của mình, giờ đây nếu không sáng tác đồng nghĩa với sự nghiệp văn chương của Thuận đã đánh dấu kết thúc, mà nếu tiếp tục sáng tác thì chắc chắn không thể hay hơn được thuở còn sung sức.

Cuối cùng, sự xuất hiện của Lâm Oanh như một cứu cánh đối với Thuận, đường sáng là đây. Thuận vẫn cứ sáng tác như đã sáng tác, chỉ khác đi là dùng bút danh Lâm Oanh dưới mỗi truyện ngắn. Kể từ đây nhà văn Bùi Thuận đương nhiên đã chết, bạn đọc cũng có người ngậm ngùi nhưng thời đại thông tin vũ bão này, người ta cũng dễ dàng quên nhanh những gì không phải là quyền lợi sát sườn của mình.

Có những sự kiện, những con người còn oách hơn cả Thuận ra đi mà ồn ào cũng chỉ được vài ngày. Huống hồ là Thuận, tài có nhưng do mải mê chuyện gái trai nên bị tán tài. Cũng may là Thuận không đam mê quyền lực.

Cũng may là vắng Thuận bạn đọc đã có ngay một Lâm Oanh nõn nường nương rẫy xuất hiện. Lâm Oanh viết về vùng đất đó mà không phải là vùng đất đó, con người đó mà không phải là con người đó, nó cứ bảng lảng như những đám mây trên cánh đồng vào những buổi sớm mai sau mùa gặt. Người ta đón đọc, người ta tung hô Lâm Oanh hết lời.

Năm đó chùm truyện ngắn dự thi của tác giả Lâm Oanh được giải cao. Với kinh nghiệm đầy mình trong các cuộc thi, Thuận dặn Lâm Oanh là nếu có đứa nhà báo nào đến đòi phỏng vấn thì Lâm Oanh bảo chúng nó gửi câu hỏi qua thư điện tử rồi sẽ trả lời bằng văn bản, đương nhiên cái việc trả lời đó là của Thuận. Thuận phải làm vậy vì trót đâm lao đành phải theo lao.

Chính Thuận cũng không ngờ chùm truyện của Lâm Oanh vào được giải cao vì Thuận chỉ chấm ở Ban Sơ khảo mà thôi. Có thể khi đọc truyện giải nhất, người ta còn phân vân, nhưng rồi độc giả đã bị thuyết phục hoàn toàn khi đọc những bài trả lời phỏng vấn của Lâm Oanh. Không chỉ trả lời mà những bản gửi trả lại, nhà báo còn thấy những câu hỏi lon, lông của mình đã được Lâm Oanh chỉnh sửa lại cho nó.... học thuật hơn.

Cuộc thi năm nay của tạp chí văn nghệ tỉnh nhà đúng là đã tìm được mặt mà gửi vàng, truyện như thế, tác giả còn trẻ thế, lại ở vùng sâu vùng xa mà có những câu trả lời phỏng vấn am tường thế sự, chính trị, xã hội và học thuật đầy mình như thế thì trao giải nhất cho Lâm Oanh là quá đúng rồi còn gì. Cuộc thi đã thành công mĩ mãn, không lý gì lại không tổ chức một cái lễ trao giải thật to. Lễ trao giải to thì không lý gì là không mời những người quan trọng đến. Rồi thì cờ, thì hoa, thì tung hô, riêng Thuận vẫn âm thầm ngồi ở tuyến sau.

Truyện ngắn của Nguyễn Thế Hùng-Xuân 2017
.
.