Ngồi cách một quãng

Thứ Hai, 26/08/2019, 08:16
Nó không ra bến sông nữa mà tìm đến nằm bẹp tại cái miếu hoang, chả muốn ăn gì, ngay cả khi trong miếu đầy ắp hoa quả. Nó chỉ muốn nôn. Nôn hết những gì trong bụng. Nó ốm đến mức chẳng có sức để nhớ thầy. Thật lạ, khi nó không còn nhớ thì thầy lại đến tìm vào một đêm tối trời... 

Cả làng gọi nó là con điên. Nó chẳng hiểu sao lại thế. Thấy ai cũng có tên gì đó để gọi nên nó không thắc mắc nhiều. Chỉ có điều người khác gọi nhau đa số nhẹ nhàng, còn mọi người gọi nó thường pha chút khó chịu, chút thương hại, chút ghê ghê, chút khinh bỉ nữa. Cũng chẳng sao! Thầy giáo vẫn nói với nó: “Đời thế đấy em ạ. Tên chỉ để gọi thôi”. À, riêng thầy giáo gọi nó bằng em với cái giọng ngọt ngào, êm đềm đến mềm nhũn người ra như thế.

Ngay từ khi còn nhỏ nó đã thấy thầy thật đẹp, lúc nào cũng xuất hiện bảnh bao, áo trắng bỏ trong quần. Thầy lung linh nhất là khi đứng trên bục giảng, bao lớp trẻ con ngồi dưới đều nghe như nuốt lời thầy vào trong tâm hồn sâu thẳm, để đó và nâng niu.

Nó không đi học, vì có đi thì chỉ đòi vào lớp của thầy, nếu ép vào lớp khác chắc chắn nó sẽ quấy phá ầm ĩ đến độ không ai chịu được mới thôi. Mẹ nó sau một thời gian dài kiên trì đi học cùng con thì chán hẳn, đành kệ nó tự khắc va chạm với cuộc đời.

Và nó lớn lên hồn nhiên như cây cỏ. Mẹ nó gần như chẳng dạy được gì vì nó bỏ ngoài tai hết. Chỉ thầy giáo nói gì là nó nghe răm rắp và nhớ như khắc vào trong dạ. Nó coi thầy như những cánh hoa sao góc cuối rặng rào sát nhà hàng xóm mà mẹ nó sớm sớm chiều chiều lấy cớ nâng niu ngắm nghía nhưng con mắt cứ phóng sang phía bên kia trông ngóng.

Nó chả hiểu sao mẹ lại ghét nhà hàng xóm thế. Cũng chả hiểu sao nó muốn được một lần sờ tay vào những cánh hoa mỏng, những ngọn cây cũng mỏng manh ấy mà không lần nào được mẹ nó cho phép. Nên nó thấy hoa cũng như thầy, cứ xa xôi, diệu vợi.

*

Trong làng ai cũng chỉ nhìn nó từ xa, đám đàn bà thì có vẻ ghê nó lắm, nói với nó toàn giọng cắm cảu. Đám đàn ông thì ban ngày coi như không nhìn thấy nó nhưng ban đêm thì khác hẳn.

Một đêm…

Trời oi bức, khó chịu. Cơn nóng đổ ập xuống tận cùng ngõ ngách trong làng, ngột ngạt, bức bối như thể muốn vo viên mọi thứ lại trong một cái hộp hẹp rồi vắt đến kiệt quệ. Mọi cái quạt điện vặn hết công suất vẫn phả ra hơi nóng hầm hập. Dân làng kéo nhau ra triền đê hóng gió, bàn tán đủ thứ chuyện.

Con điên thõng thượt lê người đến cái miếu cuối làng. Nó thấy ngứa ngáy, trong đầu như có con ong bay chập choạng, đảo điên. Cái miếu này thờ một vị ác thần, hình như là thần tà Dâm. Dân làng không mấy ai dám bén mảng, nhất là từ khi nghe đồn có cô gái nổi tiếng xinh đẹp trong làng bị hiếp dâm ở đó.

Nó thì biết hiếp dâm là gì nên chẳng thấy sợ. Ngược lại còn coi đấy như vương quốc riêng của mình, bởi ở đó không chỉ yên tĩnh, không chỉ chẳng bao giờ bị chửi rủa, ghê sợ, không chỉ được làm mọi điều nó thích, không chỉ có một cái nền đất mát rượi mà còn luôn có một vài thứ gì đó có thể ăn được do một ai đó tín ngưỡng mang đến thì thụp khấn vái.

Nó rời khỏi miếu là lúc trời bắt đầu nổi cơn dông. Dân làng í ới gọi nhau trở về nhà. Nó đi xuống bãi sông. Từ từ lội ra xa, ngâm mình trong làn nước phía trên còn âm ấm do nắng đổ lửa suốt cả ngày, phía dưới thì mát rượi. Nó lặn sâu vào làn nước vô cùng dễ chịu. Trời chớp nhằng nhịt, loang lổ. Con điên rời lòng sông (thứ duy nhất chiều chuộng nó) khi trời đã về khuya. Nó bỗng nhìn thấy giữa những đám cây dại mọc lúp xúp có một bóng người nằm sấp, quằn quại trên cát, miệng rên lên những tiếng gấp gáp, khó hiểu. Nó sấn đến, ngây người quan sát. Bóng người vật ngửa lại, thoáng giật mình nhưng ngay lập tức cười trắng xóa:

- Ôi, con điên. Nửa đêm không về đi. Ở đây làm gì?

Nó nhận ra giọng nói rất êm tai của thầy giáo.

Thầy nhìn nó. Mắt đen lấp lánh. Khuôn mặt thường ngày nhem nhuốc đã được nước dòng sông rửa sạch, sáng bừng những đường nét. Mái tóc mọi khi rối rắm, xơ xác nay đổ tràn xuống khuôn ngực căng tràn sau làn áo mỏng. Bộ quần áo rách rưới úp mở làn da lấp lóa trắng, ôm trọn thân hình trinh nguyên, siêu đường cong. Nước từ trên tóc theo nhau kéo thành từng dòng nhỏ tách tách xuống chân. Nó bỗng trở thành một pho tượng bằng cẩm thạch mỹ miều, quyến rũ trước mắt người đàn ông đang trong cơn “bĩ cực”.

Thầy giáo bỗng từ từ nhổm dậy, bàn tay chống xuống cát hằn năm lỗ sâu hoắm như cái mặt quỷ dữ ngoác miệng cười. Mắt thầy dán vào ngực nó, dại hẳn đi. Bất ngờ, thầy vòng tay qua lưng nó, giật mạnh. Cả cơ thể mát đến trong ngần, cong cớn của nó bị kéo ập vào người thầy, nước từ người nó thấm sang áo thầy, loang ra, loang ra.

Trong khoảnh khắc, nó ngây người, mụ mị, toàn bộ nguồn sống trong cơ thể bỗng chuyển sang nóng rực, đôi mắt mở to nhìn chằm chằm vào mặt thầy - khuôn mặt thoáng chút dữ tợn, hau háu thèm khát. Thầy nhanh chóng dằn ngửa nó xuống cát, một tay như gọng kìm ghim chặt hai tay nó phía trên đầu, một tay giật phăng áo quần, nắn sờ loạn xạ. “Ôi, con điên. Em đẹp lắm, biết không?”…

Thầy cúi đầu dụi vào ngực nó. Không chịu được cảm giác thần kinh bị bọc lại, giam lỏng, nó bắt đầu ngọ nguậy, quẫy đạp. Cát văng tung tóe dưới gót chân, tạo thành những đường rãnh chằng chịt. Nó hét lên và thấy mình cũng bay lên, bay lên, nước mắt chảy giàn giụa.

Đột ngột, thầy buông nó ra, quơ vội quần áo, nói nó mặc quần áo rồi về đi, thầy cũng nhanh chóng bỏ đi y như lúc vật nó xuống vậy. Con điên ngơ ngác ngồi dậy, nhìn theo bóng thầy, quái lạ, có phải thầy không nhỉ? Sao cái lưng giống lưng ông hàng xóm đến vậy, và mái tóc nhìn từ phía sau nữa, ôi đích thị là của gã xe ôm.

Minh họa: Hà Trí Hiếu

Nó cứ ngồi thế, nó không thể hiểu chuyện gì vừa xảy ra, nhưng thực sự thích cảm giác ấy. Nó ngây dại nhìn những mảnh quần áo ướt nhẹp mà thầy giáo xé rách vứt ngổn ngang trên nền cát bị cày xới tả tơi rồi ré lên cười điên loạn. Trời nổi dông mạnh hơn.

Gió quật liên hồi, vần những thân chuối bên bờ sông quật qua quật lại xơ xác, tơ tướp hệt như những lần mẹ lấy roi vút tới tấp, rát rạt vào thân nó mỗi khi bà bực tức điều gì. Mưa xé trời xối xuống, từng lớp, từng lớp tạt lên cơ thể trần truồng lạnh ngắt. Cái hộp ngột ngạt mở tung ra, con ong xoay cánh vút lên cao mãi, cao mãi. Con điên ngồi nhỏ bé như một chấm đen giữa đất trời đang nổi cơn vần vũ. Nó bỗng nhớ những câu thầy giáo hay đọc:

Điên là em, điên là ai

Hôm xưa, nay, mốt hôm mai mặc đời

Cà sa phơi tít xa vời

Điêu linh anh ngó mặt trời cười chơi.

Sau đêm ấy, nó luôn thấy thèm thầy giáo, trong đầu cứ văng vẳng những câu nói lõm bõm nhớ được của thầy, hình như cái gì đó là “nhân chi sơ tính bản thiện”, hình như là “ai sinh ra cũng vốn dĩ tính thiện, nhưng rồi tiền, quyền, tình móc họng kéo họ bật lên giãy giụa trong thiện – ác, mỗi người chọn một lối sống và họ ghét lẫn nhau”…

Nó thấy thầy mỗi lúc một vĩ đại hơn. Cả làng này, dường như chỉ thầy cái gì cũng biết, chỉ thầy dạy nó những thứ không ai dạy. Nó thấy muốn được học thầy như buổi tối dông gió ấy. Đêm nào nó cũng ra bờ sông chờ đợi. Không gặp được thầy, nó bồn chồn, gắt gỏng nhưng cũng cười nhiều hơn.

Lại một đêm dông. Thời tiết cứ oi ả là khiến nó thèm thầy giáo đến điên dại. Bây giờ nó mới hiểu sao người ta gọi nó là con điên, vì có lẽ nó khác người, nó không bình thường. Ai cũng có một đôi đủ đàn ông đàn bà, riêng mẹ nó và nó thì không có. Trách nào mẹ nó cũng hay điên. Nhưng bà biết giấu cái điên ở trong nhà, chỉ trút lên đầu nó. Còn nó mang cái điên ra ngoài, muốn gì là làm nấy, mặc kệ ai chửi mắng.

Nhưng thật lạ, nó rất sợ thầy giáo. Nó không bao giờ dám động đến thầy. Cả sự thèm muốn hằng đêm giày vò cũng không đủ mạnh để nó có thể đến tận nhà tìm thầy. Và vì vậy, nó cứ chờ đợi, chờ đợi trong điên khùng.

Đêm nào nó cũng đi quanh làng hát lung tung, rồi đi ra phía bờ sông, nó hy vọng rằng thầy sẽ đi theo tiếng hát ấy. Nhưng thầy làm sao ấy, chẳng bao giờ ra. Nó nằm xuống cát, tự hình dung lại đêm đó, dường như thấy có thầy, nó rên lên, đứt quãng. Bỗng, một bóng người xuất hiện đột ngột khiến nó giật thột. Không phải thầy giáo. Đấy là lão xe ôm gầy nhẳng ở đầu chợ. Lão cúi xuống lột phắt quần nó rồi chẳng thèm giữ tay, không xé áo, cũng chẳng hôn mà nhanh chóng ập vào nó hổn hển. Không là thầy giáo cũng được. Nó ré lên khanh khách.

Từ đêm đó, thi thoảng là gã xe ôm, thằng thợ mộc cho đến cả đám người gặt thuê trong làng cũng ra bến sông. Mỗi người một kiểu. Lão xe ôm trong mấy phút ngắn ngủi, không nói chẳng rằng, đôi ba hôm lại xuất hiện. Thằng thợ mộc khỏe như con trâu, vừa cấu véo vừa chửi bậy, cắn nó đến tứa máu. Có hôm hứng chí còn lấy dây trói nó lại, bẻ cành cây dại quất nó liên hồi rồi lao vào nó gầm lên như dở dại. Hình như nó thích nhất thằng thợ mộc, mà ghét nhất là đám thợ gặt. Bọn chúng cả đám xâu xé nó, cười nói khả ố. Nó chẳng thấy khó chịu trong người nữa nhưng tận sâu thẳm nó vẫn nhớ thầy.

Cứ như thế cho đến một ngày bà mẹ phát hiện ra bụng nó to lên khác thường. Bà bàng hoàng tru tréo.

- Ối con ơi là con, sao tôi khổ thế này hả trời? Mày điên sao mày vẫn thế hả? Mày không thấy mẹ mày khổ thế nào à? Giời ơi là giời. Giết tôi đi còn hơn.

Rồi bà gào khóc, the thé chửi. “Tổ sư thằng mất dạy nào làm con bà ễnh bụng lên đây. Bà mà biết mày là thằng nào bà thì cuốc mả tổ nhà mày lên... Sao chúng mày ăn ở thất nhân thất đức thế hả? Con bà nó bị điên chúng mày cũng không tha… Chúng mày cứ đú đởn đi. Nó đẻ ra mà giống đứa nào trong làng thì bà đến, bà làm cho gia đình chúng mày tan hoang ra, toang hoác ra, tanh bành ra. Nhớ!”.

Chữ nhớ kéo dài, riết róng hòa cùng nước mắt khiến con điên thấy nghẹn thắt lồng ngực. Rồi bà chửi như chỉ để nhà hàng xóm nghe thấy: “Người nào chẳng là người. Chúng mày ăn ở thế nào thì quả báo thế đấy. Chúng mày mà sướng được kiếp này thì kiếp sau, kiếp sau nữa, chúng mày cũng chả sướng nổi. Ối, anh ơi là anh. Anh thấy mẹ con em khổ anh đành lòng làm ngơ được sao?”. Nó chẳng hiểu hàm ý sâu xa bài chửi rủa, khóc lóc không đầu không cuối của mẹ.

Nó không ra bến sông nữa mà tìm đến nằm bẹp tại cái miếu hoang, chả muốn ăn gì, ngay cả khi trong miếu đầy ắp hoa quả. Nó chỉ muốn nôn. Nôn hết những gì trong bụng. Nó ốm đến mức chẳng có sức để nhớ thầy. Thật lạ, khi nó không còn nhớ thì thầy lại đến tìm vào một đêm tối trời.

Thầy hỏi bằng ngữ điệu thong thả, có phần rụt rè: “Có chửa à?”. Nó nghĩ lại câu mẹ nó chửi “bà mà biết của đứa nào”… Nó cũng chẳng biết của đứa nào. Nó lại ré lên cười. Thầy giáo bịt miệng nó lại, thì thầm một thôi một hồi: “Suỵt. Khẽ chứ. Dân làng biết tôi ở đây thì chỉ còn nước bán xới mà đi thôi. Tôi thương em, thật đấy. Em có hiểu không? Cả cái làng này chỉ có em là tôn thờ loại trí thức quèn như tôi. Còn lại, chúng nó khinh tôi như giẻ rách. Vợ tôi chửi tôi bất tài vô dụng, suốt ngày như cái xác chềnh ềnh giữa nhà, có mỗi việc lo cho vợ con cuộc sống tử tế cũng không xong.

Khổ, giáo viên mà giàu được thì cũng bán cháo phổi chứ vui gì. Có lúc tôi nghĩ, được mất trên đời bằng nhau, giàu nghèo cũng thế. Chết là hết. Nhưng không, có quyền nói sẽ hùng hồn hơn, điều gì cũng là chân lý, có tiền là dám chơi to, điều gì cũng dám hưởng thụ. Chân lý thuộc về kẻ có quyền và có tiền. Em tin không?

Tôi gặp nhiều loại lưu manh rồi, nhưng bọn trí thức mà lưu manh thì trời cũng thua, mồm nó bai bải chuyện nhân văn nhưng ngầm làm toàn điều tởm lợm! Đấy, thằng Lộc ngày xưa là đầu trộm đuôi cướp, giờ vênh váo có cái ôtô xịn gắn logo cơ quan công quyền mang tiền đến trường phát học bổng còn ghé tai tôi thẽ thọt “anh đáng kính, ngày xưa anh chửi em xã hội đen, cướp người yêu của anh, nay con vợ em sống trong nhung lụa, nhờ em nhắn anh nó hạnh phúc lắm, bảo anh cứ mài liêm sỉ với lòng tự trọng ra mà sống khoẻ nhé! Thầy giáo quèn”.

Chỉ riêng em yêu tôi vô điều kiện. Trường tôi vừa có Hiệu trưởng mới đấy. Nghe nói mụ bị kỷ luật vì tham ô nên chuyển từ trên phố về trường làng. Khốn nạn! Chẳng có gì độc ác hơn là cắt tiền suất ăn của đám trẻ con dân tộc thiểu số lơ ngơ xuống phố học nội trú, chúng được ăn đã là hạnh phúc rồi, biết gì đâu. Mà đấy, cấp trên còn rêu rao là mụ ta hy sinh cuộc sống sung sướng để về quê chịu vất vả, quyết xây dựng trường làng thành trường điểm đấy.

Tôi từng mơ tưởng mình sẽ lên Hiệu trưởng để thay đổi lối làm việc thụ động, chạy theo thành tích ở trường vậy mà đùng một cái bà ta bị kỉ luật, vậy là bao dự định của tôi đổ bể hết. Nực cười cho cái cuộc đời. Ờ mà em thì biết gì về cuộc đời này nhỉ?

Tôi thích nói chuyện với em nhưng em đang thế này, nếu ai bắt gặp tôi ở đây thì đúng là tôi không còn dạy học được nữa, em nghỉ đi, tôi về...”. Thầy thủ thỉ nhiều lắm. Thầy là thầy giáo nên cần giữ thể diện. Nó cũng chả hiểu thể diện là cái chết tiệt gì, sao thầy nói về nó nhiều thế. Thầy cũng thích chơi trò bờ sông với nó thì phải, đêm đầu tiên đó có phải là thầy, nếu được là thầy thì thích quá nhỉ. Nó tròn xoe mắt nhìn thầy, lòng bỗng thấy dịu dàng. Nó chộp lấy tay thầy, mắt nhìn đăm đắm. Thầy khẽ hỏi: “Em muốn gì? Ra bờ sông hả? Ừ, tôi cũng rảnh. Nào đi. Nhưng em để tôi đi trước kẻo ai nhìn thấy thì chết cả lũ đấy”...

Nó tấp tểnh bước theo thầy, nhìn xa xa cái dáng đi hơi còng xuống, mái tóc dài bay lất phất dưới đêm trăng, thầy như một nguồn sống mãnh liệt khiến nó quên cả cơn nghén đã hành hạ hàng tháng trời. Đến bờ sông, thầy cởi quần áo cho cả hai, dắt nó lội xuống. Mấp mé ngang hông, thầy ra hiệu cho nó dừng lại rồi khum tay vớt nước dội từ từ lên người nó, thân hình trắng nõn, hơi mẩy, vùng bụng vun cao, tròn huẩy của nó dần lộ thiên dưới ánh sáng dìu dịu.

Thầy dắt nó ra xa hơn, đến khi bàn chân hụt bước, cả hai bơi bên nhau, ngụp lặn bên nhau trong tiếng cười ngập âm sắc hạnh phúc của nó, vòng tay thầy không rời tay nó một giây nào, tóc nó xõa ra bồng bềnh, hòa quyện trên làn nước lấp lánh bạc.

Thầy bỗng kéo tay nó lặn vào phía bờ, bước lên triền cát. Nó muốn được bế bổng, nâng niu như thời trẻ nhỏ. Thầy dường như biết thế liền ôm lấy nó đặt nằm xuống cát rồi khẽ nằm xuống phía sau lưng, bàn tay vòng ra phía trước xoay đều trên vầng ngực tròn trịa, căng cứng như muốn nổ tung của nó.

Những lùm cây dại trên bờ trở thành đồng lõa cho hai kẻ điên dại ở bên nhau, gió thổi ào ào luồn qua cành lá hòa âm thành những tiếng rên dài, nửa âm u, nửa cuồng nộ. Rồi thầy đứng lên, mặc quần áo và bước đi, nó nhìn theo thầy từ phía sau lưng, quái, có phải thầy không nhỉ, sao trông lại giống lão xe ôm đến vậy?

*

Nó sinh con vào một ngày bình thường. Khi đang mải mê ngắt hoa dại nở rợp dọc triền đê. Tự nhiên cơn đau khiến nó ngã quỵ, lăn lộn, đứng không nổi. Nó muốn gọi một ai đó quá, nhưng từng người, từng chuyến ôtô, từng đoàn xe máy đi qua cũng chỉ chầm chậm lại ngó cho thỏa tò mò, vài người rút điện thoại ra quay, chỉ trỏ, bàn tán! Thấy nó ngọ ngoạy liên hồi họ bảo nhau “điên đấy, kệ nó! Tưởng có biến gì cơ!”…

Nó thấy bé nhỏ, vô hình trước dòng đời lúc nào cũng trôi trước mắt vô tình đến độc ác. Đến tận khi bóng tối sụp xuống thì nó mới thấy mẹ. Nước mắt hai mẹ con cùng trào ra nhỏ suốt dọc đường mẹ nó dìu con lên trạm xá xã.

Con trai nó ra đời, không giống nó, không giống mẹ nó, có nét dường như giống ông hàng xóm, có nét dường như giống thầy giáo, có nét lại dường như giống thằng thợ mộc, hay gã xe ôm. Mẹ nó ôm đứa trẻ vào lòng xoa xuýt: “Cháu bà đây rồi. Cha tiên nhân thằng chó. Mày chả giống ai, bà biết đến nhà đứa nào để đào mả tổ nó lên đây. Trộm mụ, mày đừng điên giống mẹ mày, nghe chửa?”.

Nó muốn bế con quá, nhưng mẹ nó không cho động đến. Bà nói để bà chăm sóc cho sạch sẽ, nó bế thì bẩn thỉu, không khéo lại ngã. Sợi dây máu mủ khiến nó muốn ôm thằng bé thơm tho một lần trong lòng mà không thể. Chẳng hiểu sao từ bé đến lớn nó biết mẹ yêu nó nhất mà lại đi tước hết tất cả những gì tốt đẹp mà nó ao ước như thế!

Vợ thầy giáo lên xin thằng bé về nuôi nhưng mẹ nó không chịu. Bà lấy chổi đuổi ồi ồi, rủa nhắng lên: “Nó là cháu tao, tao nuôi. Mày muốn có con trai thì đi mà đẻ. Hay nó là con chồng mày mà mày đến?”. Nó cũng sợ mẹ sẽ cho mất.

Thật may. Thằng bé trông như con búp bê mà ngày xưa nó hay lén nhìn trộm qua hàng rào khi thấy con bà hàng xóm ngồi chơi. Giờ nó cũng có búp bê, nhưng chắc không được chơi rồi, mẹ nó giữ rịt suốt ngày. Mấy năm trời thằng bé lớn lên, nó đành cứ ngồi cách con một quãng để khóc cười cùng mà chẳng bao giờ dám đến gần.

*

Gần đây, người nó lở loét, lúc nào cũng thấy mệt. Nó chẳng thích đi lang thang nữa, chỉ muốn ra miếu nằm, khi nào đói thì ăn đồ cúng người ta để lại. Có khi nó đi mấy ngày mẹ nó cũng chẳng buồn tìm về vì bà đã có thằng bé để bận hết thời gian rồi. Chẳng gã đàn ông nào tìm đến nó để chơi trò ngoài bờ sông nữa. Nó cũng không còn cảm giác thèm chơi.

Không biết mấy ngày qua rồi, hay mấy tuần qua rồi. Nó cứ lay lắt trong cái miếu hoang ấy. Người yếu dần, ruồi muỗi bu quanh cũng không buồn xua nữa. Nó thở chậm chạp, yếu ớt, mắt nhắm nghiền. Bỗng thoảng nghe như tiếng mẹ và ông hàng xóm:

- Nó thường ở đây à?

- Mọi lần nó vẫn ở đây. Tôi yên tâm là nó không sao. Đợt rồi thằng bé ốm, tôi quên bẵng nó đi. Hôm nay không biết đã là mấy tuần rồi không thấy nó về. Tôi bỗng sực nhớ dạo gần đây nó yếu lắm. Nó mà làm sao… Trời ơi!

Mẹ nó dường như chẳng bao giờ biết kêu ai ngoài trời, mà trời thì cao lắm, dường như chẳng giúp được ai bao giờ, nhất là những người cô độc, nghèo khổ như mẹ con nó. Thầy giáo bảo “ở hiền thì gặp lành, kết thúc sẽ có hậu”. Nó có thấy kết thúc nào cho người nghèo khổ là có hậu đâu, toàn cho kẻ xấu thôi. Tiếng người hàng xóm nửa ấm áp, nửa xa lạ:

- Tại bà cả đấy. Là bà không nói sự thật với tôi. Tôi có tiền mà, tôi có thể đưa nó đi chữa sớm.

- Ông thì quan tâm gì. Ông sung sướng, đủ đầy, ông bỏ tôi để lấy con gái nhà giàu, tôi nghĩ ngợi, khóc lóc đến mờ mắt, không chăm nổi mới để con sốt cao thành ngớ ngẩn, lại hàng ngày trút hận thù lên con bé, nó mới ra nông nỗi thế.

- Sao? Ngay cả bà là mẹ cũng bỏ rơi nó, trách gì tôi không hề biết…

Lại đổ lỗi cho nhau, cái cuộc đời này ai cũng giỏi đổ lỗi, ai cũng thấy mình trong sạch, tử tế. “Phải rồi, tôi là con điên, tôi khác người”. Có ai khác người mà không bị hắt hủi, ghét bỏ. Ông hàng xóm giàu có bị mẹ nguyền rủa. Thầy giáo giỏi giang bị ngồi chiếu dưới, vợ con khinh bỉ. Lão côn đồ giờ thành chức sắc bị cả làng chửi sau lưng. Bà Hiệu trưởng bị giáo viên chửi là đồ đồng bóng… Nói gì khác người kiểu điên loạn...

Nó thấy mình không nghĩ được nữa. Trời cứ tối đi. Tiếng mẹ nó và ông hàng xóm xa dần, tan loãng. Ngoài kia, vườn chuối bên sông vẫn xào xạc, xạc xào những tiếng y hệt tiếng thầy giáo. Con ong xuội cánh, nằm thoi thóp nơi góc chiếc hộp đóng nắp, bé nhỏ và dần chìm vào im lìm, vĩnh viễn. Mọi điều đều quá xa xôi…

*

Vĩ thanh.

Một toán đàn bà ngày thường đi chợ phiên đều qua cái miếu hoang, từ khi con điên chết chuyển sang đi đường khác. Họ bảo nhau, thần miếu ấy thiêng lắm, đàn bà con gái đi qua đấy không cẩn thận là bị lôi vào miếu cưỡng hiếp rồi vật chết.

Gã xe ôm, thằng thợ mộc lần lượt qua đời. Thầy giáo xin nghỉ ốm, một thời gian sau không thấy ló mặt ra khỏi nhà, rồi cũng chết trong một ngày bình thường. Dân làng tặc lưỡi, tiếc cho người trí thức đáng kính nhất trong làng.

Thằng bé con trai con điên lớn lên mạnh khỏe, xinh xắn, thông minh và vẫn chẳng giống ai cả. Rồi nó sẽ là đứa có học, có hiếu nhất làng, bà ngoại nó tin thế.

Truyện ngắn của Nguyễn Việt Hằng
.
.