Nghệ nhân bình bát

Thứ Ba, 01/12/2015, 08:00
Tám Lu được tặng danh hiệu nghệ nhân cây kiểng. Tấm giấy chứng nhận lồng khung kính, Tám Lu bọc mấy lớp giấy báo, bỏ trong túi ni lông, ôm trước ngực. Tới nhà cuối hẻm cụt, vợ đi bán vé số, Tám Lu một tay ôm khung kính, một tay lấy chìa khoá trong túi quần ra mở cửa. 

Ngôi nhà xiêu vẹo, ngang ba mét, sâu vô sáu mét có tấm cót ép ngăn đôi, nửa trong đặt giường của vợ chồng Tám Lu, nửa ngoài đặt giường của hai con trai và một cái bàn gỗ tạp mọt lỗ chỗ. Bàn gỗ tạp là nơi ăn cơm, uống nước, chỗ học của hai đứa con. Tám Lu nhẹ nhàng đặt khung kính lên bàn mọt, dựa vào tấm cót ép. Xong xuôi, đi rửa mặt mày tay chân, ngồi chờ vợ.

Vợ vừa mệt mỏi bước vô nhà, Tám Lu đã vội gỡ giấy báo bao khung kính.

- Thấy gì không?

- Gì?

- Ghé sát vô, đọc kỹ, thấy gì chưa?

Vợ Tám Lu cong người đánh vần, hỏi:

- Nghệ nhân cây kiểng là cái ôn hoàng gì?

- Là…là… cả thành phố này chỉ có hơn hai chục người, biết chưa.

- Có được lãnh lương tháng không?

- Không có lương.

- Có tiền thưởng không?

- Cũng không.

- Vậy như không, rước về làm chi cho rác nhà?

- Nói bậy. Trở thành nghệ nhân sẽ có nhiều người nhờ sửa cây kiểng, mà nhà giàu mới có nhiều cây kiểng, được vài mối là vô mánh hơn lãnh lương tháng - Tám Lu hạ giọng thì thầm - Phải làm lễ đón nhận bằng nghệ nhân cây kiểng rùm beng cho cả ấp lác mắt.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Ở đầu ấp có bến Ông Nghè, ngày xưa rước một vị Tiến sỹ vinh quy bái tổ, Tám Lu chọn chỗ ấy làm điểm xuất phát rước bằng nghệ nhân cây kiểng. Sáng sớm, vợ chồng Tám Lu cùng hai con ra bến Ông Nghè với khung kính lồng giấy chứng nhận nghệ nhân cây kiểng đặt trên khay phủ vải đỏ. Hai đứa con mặc đồng phục học sinh sờn rách, bê khay đi trước, vợ chồng Tám Lu theo sau. Tám Lu xúng xính áo sơ mi trắng bỏ trong quần xanh, đầu đội mũ phớt và chân dận đôi giày đều đồ mượn; vợ Tám Lu mặc áo dài để lâu ngày trong rương hằn nếp gấp. Dân ấp được mời, lúc ấy cùng ra. Một đám rước long trọng như rước dâu nhưng chỉ có khung kính đặt trên khay phủ vải đỏ. Người trong đám rước nghiêm trang, còn hàng xóm láng giềng không tham gia rước, ùa ra cổng tò mò, chỉ trỏ, cười cợt.

Đám rước từ đường ấp theo hẻm cụt vô nhà Tám Lu. Hai đứa con Tám Lu cẩn thận đặt khay lên cái bàn độc nhất đã phủ ni lông hoa che lỗ mọt. Tấm cót ép cũng đã được treo tấm vải xanh, trên đó có hàng chữ thuê cắt dán hôm qua "Lễ đón nhận bằng nghệ nhân cây kiểng". Tám Lu dựng "bằng" vào tấm cót ép che vải xanh, cái khung kính nổi long lanh giữa ngôi nhà rách nát. Cùng vợ thắp hương vái lạy, Tám Lu trịnh trọng mở tờ giấy dõng dạc đọc những lời viết sẵn nửa cổ nửa kim:

- Bẩm báo tổ tiên nội ngoại, các anh hùng liệt sỹ, thần đất, thần bếp, tín chủ là Tám Lu cùng vợ và hai con thắp hương kính báo: Tám Lu phát huy truyền thống quê hương và dòng họ đã phấn đấu không ngừng, nỗ lực học tập rèn luyện đạt được kết quả đem vinh dự về cho quê hương, dòng họ và gia đình. Hôm nay ngày lành tháng tốt, kính cẩn sắm một lễ gọi là lễ mọn lòng thành kính dâng lên Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân, bản gia tiên sư, bản viên thổ công, liệt vị tôn thần…

Trưởng ấp có mặt, hỏi:

- Tám Lu cho tao hỏi thật một câu, chớ mày làm cái gì mà được tặng bằng nghệ nhân ngon lành vậy?

- Em tạo dáng cây kiểng - Tám Lu lom khom.

- Cho coi được không ta?

- Có ngay ạ. Em đã chuẩn bị, chút nữa xe chở tới.

Vừa lúc, chiếc xe ba gác máy xình xịch trước cổng, Tám Lu reo lên:

- Tác phẩm hồi gia.

Một cây bình bát ngạo nghễ nằm trong đĩa xi măng khổng lồ. Chục người bê vào đặt trên giá đỡ bằng tre Tám Lu đóng sẵn trước sân. Mọi người bàn tán xôn xao. Chờ tiếng xôn xao lắng xuống, Tám Lu hào hứng giải thích, cành giáng là một đầu rồng nhào xuống rồi vút lên, hai cành tõe hai bên là cánh phượng múa, còn cành phía trước uốn tròn cuồn cuộn là cái đầu hổ chồm tới. Đây là tác phẩm cây kiểng rồng bay, phượng múa, hổ chồm.

Tám Lu làm mướn cho vựa cây kiểng, học lóm được một số cách tạo dáng cây. Bữa đó vào làm ở một ngôi chùa, đi qua quán cà phê thì thấy cây bình bát đã bật gốc, đến chùa, Tám Lu nói với sư trụ trì xin cây bình bát về tạo dáng. Nhà sư nghe chuyện cứu cây thì đồng ý, sau đó còn giúp làm đĩa bê tông. Bình bát là giống mềm dễ uốn nên thỏa sức Tám Lu trổ tài hình rồng bay, phượng múa, hổ chồm… học mót. Xưa nay chưa có ai dùng cây bình bát làm kiểng nên việc làm của Tám Lu ít người để ý. Làm xong vừa khi thành phố mở cuộc thi hoa kiểng mừng quê hương đổi mới, Tám Lu chở cây bình bát đi dự, đoạt giải nhất vì được đánh giá là sản phẩm sáng tạo bình dân, mang đậm hồn cốt vùng sông nước. Tám Lu được tặng danh hiệu nghệ nhân cây kiểng.

Từ đó, Tám Lu nổi tiếng, được nhiều người kêu đi sửa cây kiểng. Xã hội đột nhiên có lắm người mau giàu, khắp nơi mọc lên nhà lầu, biệt thự, nhu cầu cây kiểng rất lớn, chấp nhận mọi trường phái Tây lẫn Tàu và cả ô hợp. Chơi cây kiểng như mọi thú chơi, ít người rành nhưng trào lưu đương thịnh thì ai cũng cố tỏ ra rành nên thỏa sức Tám Lu vẽ vời.

Đặc biệt, cây kiểng bình bát được tôn sùng như đệ nhất cây kiểng, ai chơi kiểng cũng cố kiếm bằng được, giàu kiếm nhiều gốc lớn, nghèo vài gốc nhỏ, chưa có nó thì dù đã có bao cây kiểng cũng như chưa có cây nào. Mà nói đến cây kiểng bình bát là phải nói tới nghệ nhân Tám Lu, nó làm nên Tám Lu hoặc Tám Lu làm nên nó. Có những gốc bình bát chẳng ra gì, qua tay Tám Lu bỗng trở nên quý, thiên hạ bảo cây của Tám Lu, gắn tên Tám Lu như nạm vàng bạc cho cây.

Những người mau giàu hay đến nhà Tám Lu, ngắm cây bình bát rồng bay, phượng múa, hổ chồm tán tụng làm cho nó thêm kỳ vĩ. Nhà của Tám Lu đã xây tường, cấp bốn nhưng có cửa sắt kéo ken két, hàng hiên phía trước lót gạch men bóng loáng, kê bộ ghế đá nhìn ra khoảnh sân có cây bình bát, bây giờ đã chễm chệ trên bệ xây chứ không còn giàn tre. Một ông mau giàu đề xuất hơi khiếm nhã, như thói quen của người mau giàu:

- Sang cho tôi cây này được không?

Ông xướng một cái giá khiến vợ Tám Lu ở trong nhà phải chạy ra rồi ngã lả ra cái phịch trước hiên nhà. Tám Lu lờ đờ nhìn ông mau giàu, uể oải trả lời:

- Không bao giờ.

Vợ Tám Lu không nín được, bật ra:

- Sang đi rồi nhà mình lại làm cây khác?

- Đàn bà biết gì! - Tám Lu hắt ngang và tuyên bố theo thói quen hay tuyên bố từ ngày có của - Cây này là gia bảo, chỉ có truyền đời, không sang bán.

Sau đó, Tám Lu mua dây xích lớn về vòng quanh gốc bình bát, khóa lại để chống trộm cắp.

Khi bình bát được tôn sùng thì nó cũng bị săn lùng đào bới, mua qua bán lại náo nhiệt. Cuộc sống sôi lên với cây bình bát. Cây bình bát là câu chuyện khắp hang cùng ngõ hẻm, nơi công sở, bên bàn tiệc, trong từng gia đình, và cả trong giấc mơ của không ít người. Thiên hạ trong cơn lên đồng, tìm kiếm sự trúng số ở cây bình bát khiến vợ chồng Tám Lu rộn ràng kẻ đón người đưa, con cái đi học không còn lem luốc cuốc bộ mà chạy xe máy. Hội Cây kiểng Bình Bát ra đời và nghệ nhân cây kiểng Tám Lu được bầu làm Chủ tịch.

Một buổi trưa, Trưởng ấp dẫn đoàn đại diện ban, ngành, đoàn thể của ấp đến nhà Tám Lu. Họ đứng ngoài cổng bấm chuông. Tám Lu quần đùi áo phông lệt sệt dép lê ra mở cổng. Đoàn khách ngồi ghế đá, Tám Lu ngồi riêng ghế gỗ bê trong nhà ra. Rót nước mời khách, Tám Lu vẫn chẳng nói chẳng rằng, tay vén áo phông xoa cái bụng đã có mỡ. Trưởng ấp dè dặt lên tiếng:

- Báo cáo Chủ tịch Hội Cây kiểng Bình Bát, chúng tôi xin lỗi về sự đường đột giữa trưa nhưng có việc quan trọng muốn báo cáo.

Tám Lu hỏi nhạt nhẽo:

- Việc gì?

Vòng vo một lúc, Trưởng ấp mới nói, muốn làm hồ sơ xin đổi tên bến Ông Nghè thành bến Bình Bát và công nhận di tích lịch sử văn hóa. Vì tên Ông Nghè của thời phong kiến, còn Bình Bát gắn với dân nghèo, lại là một loại cây đang làm thay đổi quê hương, vinh danh nó là vinh danh dân ấp. Bình Bát còn có giá trị lịch sử là điểm khởi đầu cuộc lễ long trọng rước bằng nghệ nhân cây kiểng của Chủ tịch Hội Cây kiểng Bình Bát, một mốc son đánh dấu thời kỳ mới của ấp nhà. Những lời với người có học và có lòng tự trọng, nghe không thể không đỏ mặt nhưng đã làm Tám Lu đang lơ mơ xoa bụng mỡ chợt tỉnh, cười to thành tiếng:

- Việc quan trọng và có ý nghĩa lớn lao như thế, đã tính rồi thì làm ngay.

- Chủ tịch Hội Cây kiểng Bình Bát tán thành phải không ạ? - Trưởng ấp vươn đầu lên để xác định lại chắc chắn không nghe lầm.

- Tôi đồng ý chớ bộ, nhưng tính đến đâu rồi?

Trưởng ấp và các đại diện thay nhau trình bày, ấp và xã đã đồng ý, nếu có chữ ký của Chủ tịch Hội Cây kiểng Bình Bát nữa là xong. Tiến tới quên góp tiền bạc để thuê làm hồ sơ và đút lót cho cán bộ nhận hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tôi góp một nửa kinh phí - Tám Lu tuyên bố.

Tất cả vỗ tay hoan hô.

Hồ sơ đã dành nhiều trang viết về giá trị của cây bình bát, cống hiến của Tám Lu. Chủ tịch Hội Cây kiểng Bình Bát Tám Lu được mời cùng ký tên vào hồ sơ. Có tiền nên kết quả cũng nhanh, chỉ thời gian ngắn, Tám Lu đang sửa cây kiểng ở xa thì nhận được điện thoại của Trưởng ấp báo tin đã có quyết định đổi tên bến Ông Nghè thành bến Bình Bát và công nhận là di tích lịch sử. Tám Lu làm xong việc chạy về thì ngờ đâu, thời của cây bình bát đã hết.

Như mọi trào lưu bạo phát bạo tàn, thiên hạ sau cơn cuồng say, nhanh chóng trở lại nhìn nhận giá trị thực của cây bình bát là nó không có giá trị gì cả. Những cây uốn rồng bay, phượng múa, hổ chồm… chỉ thời gian ngắn đã bị sự vươn cành, nở lá tùy tiện phá vỡ hết. Cây bình bát vốn dễ uốn nên được uốn dễ dãi, nhiều cây chỉ là mớ cành lá rối rắm bắt chước nhau, vô hồn thì càng tệ hại. Tám Lu không còn được ai mời đi sửa cây kiểng. Vợ Tám Lu bắt đầu đem đồ đạc trong nhà bán để sinh sống, sợi xích bao quanh gốc cây bình bát trước sân cũng được gỡ bán. Khi sợi xích sắt kêu xủng xẻng, Tám Lu đang ngồi thẫn thờ trên ghế đá, như bị đánh thức, bật dậy nói:

- Cây có quá khứ vẻ vang thì không thể vô ích!

Vợ Tám Lu nhớ câu nói coi khinh tờ vé số độc đắc của Tám Lu năm trước ở quán cà phê, cũng đột ngột, bốc đồng mà đưa vợ chồng Tám Lu đến vinh quang, hỏi:

- Anh vừa nói gì?

- Cho cây bình bát ra trái, sẽ là loại cây kiểng sung túc.

Vợ chồng Tám Lu lập tức bắt tay vô việc, lặng lẽ đi gom những cây kiểng bình bát bị vứt chỏng chơ khắp nơi. Hai vợ chồng làm ngày làm đêm, dốc hết vốn liếng vừa tích trữ mấy năm qua. Hai đứa con học xong phổ thông, không có tiền học lên, không xin được việc làm nên đi làm thuê nước ngoài. Tiễn con đi trong túng thiếu, vợ Tám Lu khóc, còn Tám Lu vẫn nói cứng những lời cổ kim đan xen:

- Hai con ra đi cố gắng phát huy truyền thống vượt khó của gia đình ta, phấn đấu sánh vai với bạn bè thế giới. Còn ba mẹ dứt khoát sẽ tiến nhanh qua thời điểm đầy thử thách này để đón hai con trở về trong vinh quang chiến thắng.

Và hai vợ chồng vô cùng sung sướng khi sáng ấy, trong nhà bước ra, thấy cây bình bát trên đĩa xi măng và nhiều chậu lớn nhỏ đặt quanh nhà đều trổ hoa. Tám Lu cuống quít lấy thuốc bón vào gốc, xịt lên lá để bổ dưỡng cho cây. Khi trái bình bát đậu, Tám Lu uốn tỉa cành lá múa may cho trái treo lủng lẳng nhiều tầng đẹp mắt. Vừa lúc vào xuân, vợ chồng Tám Lu hớn hở chở hơn chục gốc bình bát treo trái vàng óng ra chợ. Người xúm lại:

- Cây gì trái đẹp quá?

- Dạ, bình bát ạ, mời bà con mua - Tám Lu đon đả.

- Bình bát à? - Khách trề môi - Bình bát thì mua làm gì.

Cuối ngày, Trưởng ấp xuất hiện, hờ hững gật đầu với vợ chồng Tám Lu rồi hất hàm:

- Trái nhỏ quá.

Trái bình bát tự nhiên lớn cỡ trái cam, ở đây chỉ bằng trứng gà. Có người hỏi:

- Trái ăn được không?

Trưởng ấp tuôn một tràng:

- Ăn được nhưng nhạt phèo, chẳng ngon lành gì. Hồi trước đói nghèo, con nít có ăn chứ giờ cũng không ăn nữa.

Tám Lu nhớ đến bến Bình Bát đã được công nhận, liền nói:

- Trưởng ấp mua giùm vài cây, em bán giá vốn thôi ạ, để trưng bày tại buổi lễ bến Bình Bát đón nhận danh hiệu cao quí mà từ hồi có quyết định đến nay em nhớ là chưa làm lễ công bố?

- Hả? -Trưởng ấp không thèm để ý đến sự hạ mình bần tiện của Tám Lu - Quên chuyện đó đi, nha!

Trưởng ấp nói xong rồi bước thẳng, không thèm chào vợ chồng Tám Lu một tiếng. Mấy ngày chợ tết, vợ chồng Tám Lu không bán được cây nào, chở đi bao nhiều chở về bấy nhiêu. Ném tất cả ra góc vườn, hai vợ chồng ngồi ủ rũ, hoang mang vô cùng, vốn liếng đã dốc hết cho canh bạc bình bát vô tích sự. Vợ Tám Lu ao ước:

- Phải chi hồi ấy bán gốc bình bát thì còn được cục tiền?

Tám Lu im lặng.

*

Tám Lu vẫn im. Thảm bại quá sức chịu đựng làm tê liệt mọi cảm xúc. Vợ Tám Lu đi xẻ mấy trái bình bát, trộn đường, đập đá lạnh. Tám Lu ngước lên tường nhà, khung kính lồng tấm giấy chứng nhận nghệ nhân cây kiểng còn đó như cười cợt nhạo báng. Tám Lu chợt muốn ra bến Bình Bát, mơ hồ sẽ có lối thoát ngoài đó, nó đã là di tích lịch sử mà từ ngày được công nhận Tám Lu chưa hề ra. Tám Lu lẳng lặng mở cổng, vừa xô cánh cổng sắt thì nhác bóng ông Trưởng ấp từ xa nên thụt vội trở vô. Đón ly bình bát từ tay vợ, Tám Lu dùng muỗng xúc ăn, nhằn hột nhổ lẹt phẹt. Mùi thơm hăng hắc. Vét hết ly, vừa đỡ xót ruột thì Tám Lu nôn thốc tháo. Thứ trái ăn chơi, không phải để ăn no, không thể ăn nhiều. Vợ Tám Lu dìu chồng vào giường rồi chạy sang hàng xóm mượn gạo về nấu cháo.

Cuộc sống khi đã trống rỗng là trống rỗng tận cùng, không còn biết bấu víu vào đâu. Cuộc sống như hành trình gieo trồng để gặt hái không ngơi nghỉ, gieo trồng hôm nay gặt hái hôm sau, gieo trồng năm này gặt hái năm sau, có khi kiếp này gieo trồng cho kiếp khác gặt. Cuộc sống đuổi theo ảo tưởng, khi tỉnh ra lập tức đối diện sự hoang tàn kinh khủng, không có gì để gặt hái cả, thiếu luôn điều kiện gieo trồng vụ mới. Bóng tối ập đến, vợ Tám Lu ngồi bên chồng, lại ao ước:

- Phải chi đừng góp tiền làm di tích di tủng thì giờ cũng đỡ túng thiếu?

Đầu óc vẫn hoang vu, Tám Lu nhắm mắt. Vợ Tám Lu vẻ kiên quyết, ngày mai sẽ trở lại bán vé số. Tám Lu run bắn lên, lo sợ trở lại làm mướn nhưng không làm mướn thì làm gì để sống? Ứa nước mắt, Tám Lu lại thèm muốn ra bến Bình Bát, trời đã tối nếu cúi mặt đi sát mép đường sẽ không sợ gặp Trưởng ấp, không sợ gặp dân ấp. Tám Lu rên rỉ:

- Đỡ anh ngồi dậy, để anh ra bến Bình Bát chút.

Vợ Tám Lu cản tức thì:

- Mới trào ruột, ra đó trúng gió chết tươi đấy.

Lúc bế tắc, đàn bà thường tỉnh táo hơn đàn ông. Tám Lu cụt hứng lại nằm xuống và tự an ủi mình: Thôi ráng phục thuốc cho nó khỏe, khỏe rồi mình lại như xưa, tiếp tục đi làm mướn. 

Truyện ngắn của Sáu Nghệ
.
.