Ngày mai

Thứ Hai, 08/04/2019, 08:08
Sau đận chết hụt ấy, khổ cách mấy Sen cũng chịu, không còn gan làm gì ảnh hưởng đến bố mẹ mình nữa, cũng chẳng còn cảm xúc để chạy theo sự chua ngoa, cay nghiệt của bà mẹ chồng. Nhưng thật kinh ngạc, đến khi tất cả mọi người đều cam phận đến ủ rũ về sự tuyệt tự của dòng họ bên chồng thì Sen bỗng thụ thai...

Đưa bàn tay xương xẩu, đen đúa bụm miệng nôn khan đến lộn lạo cả ruột gan, Sen ngó xuống dòng nước thải bốc mùi hôi thối. Mắt hoa lên, hai đầu gối run rẩy muốn đổ sụm, một ý nghĩ cay đắng chạy nhanh qua trí não đặc quánh những mệt mỏi của cô. Đời mình chẳng khác gì cái rãnh nước thải này, có khơi thông, nạo vét cũng chỉ bớt mùi đi, đỡ tắc đi rồi đâu lại vào đấy thôi!

Sen đòi ra sớm nên mẹ đẻ rơi cô ngay bên bờ ao trước nhà. Cô mang luôn tên của loài hoa trong cái ao thân thuộc ấy. Người chẳng giống tên. Sen lớn lên, đen đúa và thô kệch, lại thêm đôi chút vô tâm, buồn thì khóc rống lên, sau đó có khi lại cười ngay được.

Mẹ bảo, may mà mày vô tâm. Trời cũng công bằng đấy, xấu xí mà lại sâu sắc, nhạy cảm thì bi kịch đến chết! Tuổi cập kê, chẳng có người đàn ông nào trong làng thèm để mắt đến, tận khi Sen gần như chấp nhận việc ế duyên thì bỗng bà hàng xóm sang nhà nói với mẹ cô: "Bà ạ! Tôi thấy con Sen nhà bà tuy hơi vô tâm...! Ôi chết, tính tôi là cứ nói thật bụng, bà thông cảm! Ý tôi là, thằng con trai tôi mới đi bộ đội về, nó cũng quá tuổi lấy vợ rồi, tôi thì muốn có đứa cháu bế bồng. Bảo đi hỏi vợ, nó cứ quanh co mãi, cuối cùng hôm nay mới chịu thú nhận rằng nó để ý con bà. Con tôi hiền lành, con bà thì…! Hay bà để con Sen cho tôi. Hàng xóm láng giềng, chúng nó lấy nhau cũng tiện".

Thế là nhờ cái "tiện" ấy mà Sen có chồng. Chồng Sen hiền lành thật! Hiền lành đến độ ăn chẳng nên đọi, nói chẳng nên lời. Ngày còn bé, đứng bên này phóng mắt qua bên nhà hàng xóm thấy thằng bé sao mà to lớn, sao mà ụt ịt, sao mà cả ngày chả nói năng câu nào, mẹ Sen cứ nhấm nhẳng: "Mày không học hành tử tế rồi đi theo thằng nào khôn ngoan một tí, chứ lấy được thằng chồng như nó thì "sướng" một đời!".

Chữ "sướng" bà cố tình róng riết khiến Sen nấc lên cười. Thế mà lại thành sự thật! Sen lấy "cái thằng đụt" nhà hàng xóm ấy. Bà mẹ chồng sợ con mình bị chê cứ dấm dứ rằng nó đi bộ đội, được huấn luyện "đoàng hoàng", bây giờ khác rồi! Lòng Sen cũng chộn rộn hi vọng.

Đêm tân hôn đến, chồng Sen cứ loay hoay mãi vì không biết phải làm gì. Sen tuy thô kệch nhưng từ hồi học cấp ba đã được mấy đứa bạn gái biết yêu sớm dấm dúi truyền bá chút kinh nghiệm nên cũng biết đàn ông cần làm gì với đàn bà, thấy chồng ngô nghê trong chuyện ấy, tự nhiên cô nổi cáu: "Vào quân đội người ta không huấn luyện anh làm đàn ông à?".

Chồng nghe nói đến quân đội thì ngồi bật dậy: "Có huấn luyện chứ! Tôi… à, anh!... Anh vào quân đội, được huấn luyện đủ thứ. Tập đi đều sao cho mạnh mẽ, tập cầm súng, bắn súng, ném lựu đạn, tập bò dưới dây thép gai… Mùa mưa còn đi chạy lũ cùng dân. Ăn ngủ đều có hiệu lệnh. Anh vẫn là đàn ông, sao quân đội phải huấn luyện làm đàn ông nữa!...".

Sen phì cười, kéo chồng nằm xuống: "Sao cứ động đến quân đội là anh như người khác thế, giờ có hiệu lệnh đây! Làm chồng tôi ngay được không?". Cười đấy, rồi dằn dỗi đấy, chán chê đến cả tuần sau mới thực sự được làm vợ. Có điều mười mấy năm sống với nhau mà cô chẳng đậu thai được một lần.

Bà mẹ chồng ban đầu còn bóng gió xa xôi, về sau chẳng kiêng dè gì nữa, hễ động đến chuyện là rỉa rói: "Nòi giống nhà này không có cau điếc! Con bà to vâm vấp thế, làm gì có chuyện súng không có đạn. Tưởng sen thơm, hóa ra rước nhầm sen thối. Thối từ cuống thối ra! Bà mà không nể hàng xóm bà đuổi đi từ lâu rồi. Trông thì to như con trâu đất mà có mỗi việc đẻ cũng không xong. Thật rõ là!.. ". 

Sen lấy chồng, suốt ngày cặm cụi làm lụng, chẳng bao giờ dám ngóc đầu lên mà vợ chồng nghèo vẫn hoàn nghèo. Nuôi được vài con gà, đến khi chúng biết đẻ trứng, đủ cân để đem bán thì bị trộm bắt mất.

Chồng Sen hiền lành là thế mà mất gà cũng nổi đóa, rủa lũ trộm hẳn mấy câu, nào là mả tổ đứa chết mẹ nào lấy gà của ông, nào là lũ khốn nạn cướp không công sức, mồ hôi xương máu của ông, nào là quân giết người, chúng mày rình rập từ bao giờ mà đợi hẳn đến khi gà lớn mới đến ăn cắp…

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Nhìn điệu bộ ông chồng khù khờ chửi rủa, Sen rú lên cười: "Thôi, thôi ông ơi, ông chửi chỉ có tôi nghe thôi, trên đời này có quân trộm cướp nào biết nhục đâu, có liêm sỉ nó đã không giở trò. Giỏi thì nghĩ cách để chống lại bọn trộm ấy, chúng nó ở chỗ tối, sơ hở là mất, chửi nỗi gì!".

Nói chơi thế mà ông chồng Sen cũng nghĩ ngay ra cách kê cao giường ngủ lên rồi nuôi gà ở dưới. Ban đầu Sen còn phản đối, về sau cũng thấy chẳng có cách nào tối ưu hơn. Thế là bọn trộm chỉ còn nước đứng từ xa rình rập chứ chẳng bao giờ trộm được gà nữa. Có điều trong cuộc yêu của hai vợ chồng bỗng có thêm tiếng gà cục quạc xen lẫn tiếng thở gấp, xen lẫn cả mùi phân nồng nặc... Vẫn chẳng thể có con!

Sen không nhớ nổi đã có bao nhiêu lần cô bỏ về nhà đẻ vì uất mẹ chồng đến bầm gan tím ruột. Đàn bà lấy chồng đâu hẳn vì chữ yêu, Sen đã chẳng được yêu ngày nào thì chớ, đến cái chuyện con cái tưởng đơn giản lại hóa thành bắc thang lên trời.

Ban đầu còn cậm cự cãi lại mẹ chồng, về sau không cãi được mà lòng thì vẫn tin lỗi không phải ở nơi mình nên Sen mang thêm trong lòng một khối ấm ức lớn, động đến là không chịu được, động đến là lại muốn tung hê hết tất cả để chạy ào về với mẹ.

Bà mẹ cứ nhìn thấy Sen xách toòng teng vài cái quần áo về nước mắt vòng quanh là lòng lại thương con đến thắt ruột. Nhưng người đàn bà quê kệch ấy lại thể hiện sự xót xa bằng cách nguyền rủa, bằng cách xát thêm muối vào lòng đứa con gái bất hạnh của bà. Thành thử, ở nhà với mẹ không xong mà về nhà chồng cũng không nổi.

Có lần Sen uất hận, cay đắng quá liền đi một mạch vào gian buồng hạnh phúc của hai vợ chồng, đạp mấy cái bu gà lăn chỏng chơ, bắc ghế, vắt dây thừng lên xà nhà rồi chui đầu vào đó rủa lầm bầm: "Chúng mày cứ gào lên đi. Tao mà gào được như chúng mày thì tao lôi ngay con mụ già đẻ ra cái thằng chồng chết tiệt của tao để gào vào tai bà ấy cho bõ hận. Cậy vai trên, rủa thế nào cũng được, nói cái gì cũng là chân lý. Ở đâu ra cái đạo lý mẹ chồng được chửi con dâu dù đúng dù sai, còn con dâu thì nhất mực phải câm họng thế chứ! Tưởng tao không muốn đẻ à? Không đẻ được đấy chứ!...Chết đi, Chết đi! Chết là hết. Sống gì mà sống khốn sống khổ thế này!"…

Chồng Sen khi đó chợt nhớ tới việc chưa bỏ lũ gà dưới gầm giường ra ngoài sân nên vào nhà, thấy vợ đang giẫy đạp liền lao vào túm chân, ú ớ mãi mới gọi được mẹ đến cắt sợi dây thừng. Mẹ con nhốn nháo, Trưởng trạm y tế đến phán một câu: "Chết rồi! Tính chuyện hậu sự đi là vừa!".

Chồng Sen mắt vằn lên những tia máu. Cả đời không nói năng gì, mẹ chửi vợ cũng chỉ biết cười hềnh hệch, không dám đứng hẳn về phía nào, bao lần trước chuyện đâu lại vào đó, lần này mất vợ bỗng khiến hắn như bị chạm nọc quay sang quát mẹ: "Là bà đấy! Bà thấy nó chết bà sướng chưa? Bà sướng nhé! Từ nay khỏi phải mong cháu nhé!".

Xong, hắn hùng hục ra xó hè, ngồi bệt xuống, chẳng nói năng gì nữa. Bà mẹ thấy thái độ của con trai thì há hốc mồm đứng chết sững. Lâu nay đứa con dâu "điếc" ở trong nhà chẳng khác gì cái gai, bà muốn rủa để nó tức mình mà bỏ đi rồi bà sẽ lại đi kiếm mối khác cho con trai, làng này thiếu gì gái cơ chứ. Ai ngờ nó cứ về nhà đẻ được vài hôm rồi lại quay lại, cái mặt mỗi lúc lại lầm lì thêm vài độ, đã thế thằng con bà ngày thường chẳng thèm nói năng gì với mẹ, nhưng lúc đó lại cứ đưa mắt nhìn vợ hấp háy. Bảo sao không bực cho được!

Bà chẳng thể hiểu tình yêu của chúng nó, có đời thuở nhà ai lấy nhau hàng chục năm không có lấy một mụn con mà thằng con trai bà không một lần dằn hắt vợ, thế thì người làm mẹ như bà đành phải lên tiếng chứ, cứ để không thế à! Bà chỉ có một mụn con trai, không đẻ được đứa cháu nối dõi thì sau này lấy ai thắp hương cho bà, cho tổ tiên nhà chồng bà. Lẽ nào xuống dưới kia cả họ nhà bà lại thành đám cô hồn không nơi nương tựa!

Thời phong kiến một trong những tội lớn nhất của đàn bà là không đẻ được, thử quay về thời đó xem có được ngúng nguẩy mà đi thắt cổ thế không? Thằng con cục súc, đần cũng vừa phải thôi, nó hiểu sao được lòng bà. Bà là bà lo cho chính bản thân nó đấy chứ! Nó có biết ngày xưa bà còn khổ hơn vợ nó gấp bội không? Mà thôi, việc kia lo sau. Bà phải tống sạch sự đen đủi của đứa con dâu đi đã.

Nghĩ là làm, te tái chạy sang hàng xóm, vừa thấy bố mẹ đứa con dâu, bà đã thẽ thọt:

- Ông bà ạ! Con Sen thật dại dột quá, có gì thì nói chuyện bình tĩnh với nhau…! Mọi lần nó vẫn vậy, có sao đâu…! Thế mà tôi…! Tôi...!... Nó vừa thắt cổ tự vẫn rồi!...

Mẹ Sen ngã quỵ xuống. Bố Sen tay xốc nách vợ, miệng gọi các em của cô lật đật chạy ra ngõ. Cái ngõ bé tí, ngoằn ngoèo bỗng xa đến lạ. Xa đến độ, bà mẹ chồng sấp ngửa, bước thấp bước cao còn kịp nói câu chuyện động trời:

- Ông ạ! Tôi tính thế này! Con Sen dù gì cũng là con ông bà. Ông bà dù gì cũng đỡ rách hơn tôi. Với lại, nhà tôi mẹ góa con côi, thằng con tôi thì quá hiền lành, từ lúc con Sen thắt cổ nó ngồi ở xó hè, có nói năng được gì nữa đâu! Hay...! Hay là... ông bà... ông bà đ..ưa con Sen về... về bên nhà lo hậu sự giúp tôi được không?

Bố Sen tưởng nghe nhầm, buông tay làm bà vợ ngã dúi dụi:

- Bà nói gì? Con tôi gả cho con bà, bao nhiêu năm nay nó là con của bà. Bà chửi rủa nó tôi bấm bụng cho qua. Sao bà cạn tàu ráo máng thế? Tôi đẻ nó ra, nuôi nó lớn nhưng nó cung phụng bà, nó là người nhà bà, một năm nhà bà bao nhiêu cái giỗ, bao nhiêu cỗ bàn, bao nhiêu tủi nhục nó gánh hết, giờ bà bảo tôi đưa nó về… Gái lấy chồng chỉ chăm chắm biết nhà chồng, tôi ốm đau bà còn không cho nó về. Giờ nó chết bà cho nó về dễ thế! Nó làm ma nhà tôi được à?

Mẹ Sen không nghĩ được gì, chỉ lo đứa con gái đáng thương của mình nằm bên kia một mình, bà nấc lên đau đớn:

- Thôi thôi ông ơi, con nó thiệt phận. Ông đưa về nhà cho tôi. Tôi làm ma nó. Con ơi là con, sống khốn sống khổ thì cũng cố mà sống chứ, đàn bà mấy người được sung sướng đâu mà dại dột thế con ơi! Mày có biết mày chết rồi cũng có hơn gì cái giẻ rách người ta lau chân xong thì vứt đi đâu con ơi! Mười mấy năm làm dâu chẳng bằng con vật nuôi trong nhà. Đúng là khác máu tanh lòng. Ới con ơi là con...!

Người ta thường vẫn là người tử tế cho đến khi cần tranh chấp hay giằng co một thứ gì đó như thế, bố Sen cũng là vì nổi đóa trước bà mẹ chồng của con gái dám khua mép nói chuyện trái đạo, tức nước thì vỡ bờ. Ông sẵng giọng:

- Bà im đi! Sang nhà xem sự thể thế nào đã!

Bà mẹ chồng nanh nọc bỗng đứng dạng chân chặn đường:

- Ông bà muốn sang mà được à? Đem nó về chôn thì sang, bằng không đừng sang nữa!

Bố Sen không nhịn được, đứa con gái tội nghiệp của ông sao có thể dại dột thế! Chết vì loại người ác nghiệt kia có đáng không? Bao lâu nay ông nhịn nhục để con được yên lành nhưng đến nước này thì phải làm cho ra nhẽ! Đằng nào con cũng chết rồi, con nằm đấy để bố đòi lại công bằng cho con. Ông một tay gạt bà thông gia ngã chỏng gọng xuống rãnh nước, một tay nắm cánh tay vợ lôi xềnh xệch sang nhà chồng con gái. Bà vợ thấy thái độ của chồng thì sợ hãi quá chỉ dám sụt sịt, xiêu vẹo chạy theo.

*

Sau này Sen nghe mấy đứa em kể lại, bà mẹ chồng nhất quyết không chịu làm hậu sự vì lý do chị không biết đẻ, nói gì cũng chẳng máu mủ gì của nhà bà ấy, bố thì khăng khăng rằng chị đã theo chồng, khổ vì nhà chồng nhiều rồi thì phải làm ma nhà chồng. Ba người già, một rũ rượi khóc lóc can gián đôi bên tranh cãi. Một ngồi chống tay vò chặt mảng quần ở đầu gối đến trắng bệch cả các khớp ngón, đôi vai xo lên cao ngang tai che khuất mái tóc bạc, che khuất cả đôi dòng nước mắt đục ngầu. Một đằng đằng sát khí, chán thì ngồi phệt xuống cạnh thằng con trai, mắt ánh lên những tia nhìn ráo hoảnh, lạnh giá. Hàng xóm láng giềng thì túm tụm ngoài bờ giậu bàn tán: "Chết à?", "Tự tử", "Ngu thế", "Sống với con mụ bà la sát, chết sướng hơn", "Xê ra cho ông ngó cái nào", "Bỏ tay ra, đồ mất dạy! Chỗ này mà mày cũng sờ mó được à?"...

May có sự đôi co ấy, may có sự bàn tán ấy mà nhân vật chính là Sen chẳng được ai để ý đến rằng vẫn đang nằm kia thở nhè nhẹ. Hay là không may, Sen cũng chẳng biết nữa!? Hình như trong lúc người dương mải chạy theo những dòng cảm xúc của lí trí, của tình yêu, của tình thương, của cả sự cay độc thì Sen được người âm đến chăm sóc thì phải. Cô thấy ngồi bên cạnh mình có người cầm quạt phe phẩy, ánh nhìn hình như vô cảm lắm! Chắc họ chỉ cần biết bổn phận đón người xuống dưới kia mà chẳng cần quan tâm đến buồn vui hay đau khổ của kiếp người lắm phức tạp này làm gì. Cô độc giữa cả hai cõi âm dương với Sen rõ ràng là có thật.

Ngúc ngoắc ngón tay, thở ào một cái, mắt mở bật ra nhìn trừng trừng, Sen trở lại cuộc đời bằng câu hỏi đầu tiên: "Sao đông đủ thế này?". Đời cô chẳng bao giờ còn được nhìn sự đông đủ ấy nữa vì từ đó hai nhà thông gia thề cạch mặt nhau, chỉ còn Sen chạy qua chạy lại. Con ngõ nhỏ cứ thế đều đặn hàng ngày chứng kiến người đàn bà đứng tuổi chạy đi chạy về.

*

Sau đận chết hụt ấy, khổ cách mấy Sen cũng chịu, không còn gan làm gì ảnh hưởng đến bố mẹ mình nữa, cũng chẳng còn cảm xúc để chạy theo sự chua ngoa, cay nghiệt của bà mẹ chồng. Nhưng thật kinh ngạc, đến khi tất cả mọi người đều cam phận đến ủ rũ về sự tuyệt tự của dòng họ bên chồng thì Sen bỗng thụ thai.

Nhưng cuộc đời còn thử thách nhiều lắm, chín tháng mười ngày thắc thỏm, đứa con trai cô sinh ra lại không có hậu môn. Bác sĩ giải thích, tại di chứng chất độc màu da cam do ông nội để lại. Sen chẳng còn nước mắt mà khóc nữa. Lật đật đưa con lên Hà Nội, bệnh viện thông báo cần mổ và phải có tiền mới mổ được. Số tiền giật tạm của bố mẹ, của mấy đứa em đi tàu xe, ăn uống linh tinh đã cạn, lấy đâu ra một món lớn đến thế để mổ cho con. Sen ủ rũ ngồi bên con gần nửa ngày trời, thằng bé đáng yêu là thế, sao lại cơ khổ ngay từ trứng nước thế này.

Cái buồn kéo cuộc đời trĩu xuống khiến cô nhìn chỗ nào cũng bằng con mắt bất mãn. Chỗ này là sự cảnh vẻ của một người đàn bà nghe đâu quê tận Nghệ An, lấy chồng Hà Nội, mở miệng là ra vẻ người thành phố thế này, người thành phố thế nọ, đêm ngủ giấu cái điện thoại vào tận cạp váy rồi vẫn lo trộm thò tay vào lấy mất.

Chỗ kia là một cặp mẹ con vì chẳng có tiền lót tay, bác sĩ cắm đường truyền nước bị chệch ven, gọi đi gọi lại vẫn chẳng thèm đến rút cái kim ra khỏi cánh tay khẳng khiu tứa máu của đứa bé. Chỗ nọ là đứa bé sơ sinh bị cô bé sinh viên trót nhân danh tình yêu tạo ra rồi bỏ lại tại bệnh viện với vài dòng ngắn ngủi: "Cô bác làm ơn nuôi giùm con của con!"…

Chừng ấy cảnh đời trôi qua trước mắt đã kịp ghim thêm vài cái gai nhọn vào cõi lòng ủ dột nhức nhối của Sen. Đầu óc mụ mị, quay cuồng, chồng chéo những cảnh người cảnh mình, Sen chỉ muốn ôm con tìm đến cái chết một lần nữa, nhưng nhìn cái miệng chóp chép tìm bầu sữa mẹ khiến ý nghĩ ấy qua nhanh như một tia chớp nhỏ. Cô phải quyết tâm cứu con thôi.

Sen nhờ người trông giùm đứa bé, đôn đáo chạy ra cổng. Chồng Sen vẫn ngồi thu lu ở cái ghế đá bên đường, giữ nguyên vẻ mặt cam chịu. Vốn quá quen với người đàn ông không bao giờ biểu hiện cảm xúc ấy, Sen chẳng hi vọng gì vào sự giúp đỡ của chồng. Cô bảo hắn:

- Vào trong trông con đi, bệnh viện yêu cầu đặt tiền mổ thì cố mở mồm ra xin họ, tôi đi một lát rồi về.

- Cô đi đâu?

- Đi kiếm tiền chứ còn đi đâu! Ngồi ỳ ra đấy rồi thần thánh Phật tiên đem tiền đến cho chắc?

Sen gắt nhẹ rồi quày quả bước đi. Thất thểu giữa cái nắng cô đặc thành phố cả buổi chiều, ngực căng lên vì tức sữa, hai cái nút bông nhét vào lỗ tai để kiêng cữ vì vừa trải qua sinh nở khiến cô thấy lùng bùng trong óc. Chẳng ai thèm thuê một người đàn bà vừa sinh xong chân tay còn lấy bấy. Không thể nghĩ ra được cách gì kiếm tiền, Sen ngồi phệt xuống vỉa hè, nước mắt vỡ òa, bò theo những vết chân chim hằn trên làn da sạm nắng. Sen ước gì cái ngày cô tự tử bố đừng tranh cãi với mẹ chồng, đem phắt cô đi chôn thì có lẽ cơ sự sẽ không đến nỗi này!

Bây giờ cô mới hiểu những lời mẹ đay nghiến, cả những cay nghiệt của mẹ chồng cũng chỉ vì thương con mà thôi. Cô ước gì mình không phải chịu sự nặng nề, đau đớn này. Mọi nỗi đau cộng lại chẳng thể bằng cái cảm giác bất lực của người mẹ trước bệnh tình đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Cô có tội tình gì đâu, con cô có tội tình gì đâu, sao cuộc đời lại khéo đọa đày đến thế! Làm cách nào có tiền cứu con đây?

Trời sâm sẩm, bóng tối kéo tràn về, phố thị ồn ào bỗng trở nên yên ắng. Ánh đèn hắt ra từ mấy ô cửa sổ các nhà ven đường phản chiếu những hình thù ma quái, chao qua chao lại như dọa nạt người yếu bóng vía. Sen vẫn ngồi cứng như hóa đá. Bỗng cô nghe tiếng một người đàn bà chói lói:

- Giời ơi, hết hồn! Cô là ai mà ngồi thù lù ngay trước cửa nhà người ta thế này?

Sen đứng bật dậy.

- Dạ, dạ… Cháu xin lỗi bà.

- Đi đâu thì đi đi, đừng ngồi ám nhà tôi thế!

Sen lủi thủi toan bước thì người đàn bà lại giật giọng:

- Tính ăn trộm ăn cắp gì hả?

Nghe thấy từ ăn trộm, Sen sực tỉnh, cãi vội:

- Không đâu bà ơi, con cháu bị bệnh phải mổ, không có tiền đặt trước nên không thể mổ được. Cháu đi tìm việc để làm, nhưng không biết phải làm gì, không ai thuê mướn cháu cả. Con cháu chắc chết mất bà ơi!

Tự nhiên, Sen coi người đàn bà kia như một vị Bồ Tát từ bi nào đó nghe thấu được sự cay cực mình đang phải chịu. Cô nói một thôi một hồi. Người đàn bà nhìn Sen từ đầu đến chân, ánh mắt dịu lại:

- Thế cần bao nhiêu tiền? Làm gì đến mức đi viện lại không có tiền chứ! Họ hàng, làng xóm đâu? Mà nói thật không đấy? Thôi, không khóc nữa. Đừng lừa tôi đấy nhé! Là dân lao động hả?... Vậy tôi tạo việc cho mà làm! Đi theo tôi!

Sen thấp cao bước theo người đàn bà thành phố phốp pháp, có cái giọng chua ngăn ngắt nhưng tốt bụng ấy.

- Đây! Chờ tôi bật điện đã! Có cái cống nước thải lâu không vét đi giờ hay tắc kinh khủng, xuống đấy bốc hết bùn đất đi rồi tôi giả công cho. Mà đã ăn uống gì chưa? Khiếp, nãy tối không nhìn thấy, sữa chảy ướt hết áo rồi kìa. Ngồi đây chờ, tôi vào nhà, có mấy cái áo bỏ đi tôi cho mà dùng.

Người đàn bà quay lưng đi. Sen nhìn xuống rãnh nước. Cứu con cô, cứu cuộc đời cô lại chính là cái rãnh nước đen ngòm này đây. Cả đời quen với mọi thứ bẩn thỉu, vậy mà Sen vẫn cảm nhận rõ cái cảm giác lợn xợn, lạo xạo, ghê ghê, cái lạnh lạnh của từng lớp bùn phọt lên qua các kẽ ngón chân. Cô cúi xuống, vục từng đống đất cát, rác rưởi vứt lên bờ. Người đàn bà thành phố quay lại, trên tay cầm cái áo và vài thứ lặt vặt:

- Giời ạ! Đã làm luôn rồi à? Sao không chờ tôi? Đeo cái ủng và găng tay vào không thì bốc phải mảnh thủy tinh bây giờ. Áo tôi cho đây nhé! Tiền công đây, tôi ứng trước cho một ít về mà đặt cọc cho con mổ. Mai quay lại đây làm việc vặt cho tôi, mỗi ngày tôi trả một trăm nghìn, rồi tôi giới thiệu sang hàng xóm mà làm thuê, ở đây thiếu người giúp việc theo ngày lắm. Đừng lừa tôi đấy nhé! Nhanh lên mà về với con. Tội nghiệp, thằng bé chắc đói mềm ra rồi!

Nhắc đến con, tình mẫu tử của người đàn bà hiếm muộn lại ầm ào kéo về, cuộn thành hai hàng nước mắt thánh thót rơi xuống hòa cùng dòng nước thải loang loáng gợn lên những vệt sáng khi mờ khi tỏ.

Vừa hớt hải chạy về với con, trong đầu Sen luôn vang lên hai chữ "ngày mai". Ừ ngài mai rồi sẽ khác, con trai của mẹ ạ. Ngày mai.

Truyện ngắn của Nguyễn Việt Hằng
.
.