Ngày giáp tết

Thứ Hai, 29/01/2018, 08:47
Chừng ba giờ chiều mẹ về, mặt đỏ hồng, có vẻ hơi say say. Chợt chuông điện thoại của mẹ réo, đầu dây bên kia một giọng nữ run run, đứt quãng: “Sếp mình và sếp cơ quan cấp trên chết rồi… đi cùng một xe, tự lái, tông vào xe tải…”. Mặt mẹ tái dại, lảo đảo ngồi xuống: “Trời ơi! Sao lại thế được?”. 

Chít dắt xe ra sân, ngửa mặt lên, mưa lất phất như muôn vàn hạt ngọc bám đầy trên tóc, trên vai, trên những chồi non mới nhú và những thân cây già cỗi xù xì bên đường. Bầu trời hửng sáng, Chít cảm nhận thật rõ cái ấm áp đâu đó đang ùa về.

Hôm nay đã là hai mươi tám Tết. Chít vui. Ngày mai thôi, cả nhà Chít sẽ được về quê ăn Tết. Nhớ giờ này năm ngoái, Chít đã có mặt ở quê cùng bà lên khe núi sau nhà chặt chuối rừng lấy lá về làm bánh tải. Lá chuối rừng phơi đầy các hàng rào, chuyển màu vàng suộm, thơm từ ngõ nhà nọ sang ngõ nhà kia. Cây mạy mạ được bà đem về đốt, âm ỉ cháy, than đỏ rực, tro mạy mạ mốc mịn sẽ được bà dùng để trộn làm bánh lưng gù.

Bà dạy Chít làm bánh, cái bánh lưng gù cong cong, bánh coóc mò có cái đầu nhọn hoắt phải thật khéo tay mới làm được. Tập mãi rồi Chít cũng làm được những cái bánh nhỏ nhỏ, xinh xinh. Năm nay bố bận, mẹ bận, Chít phải học thêm nốt hôm nay nữa, Chít chỉ mong ngày hôm nay trôi thật nhanh.

Chít ngoảnh lại, nói vọng vào nhà như reo: “Mùa xuân đã đến cửa nhà Chít rồi này! Mẹ ơi, mai nhà mình về quê ăn Tết rồi nhỉ. Con nhớ quê, nhớ bà quá”. “Đi học thì đi đi, lắm mồm, việc còn chồng đống ra đấy, về cái gì mà về…”- Mẹ quay sang gắt. Bố vừa cắm cúi lau xe vừa làu bàu: “Học cả năm chưa đủ hay sao mà hai mươi tám Tết còn học thêm với học nếm, sáng học, chiều học, tối học, học thế khác gì…”.

Mẹ Chít vặc lại: “Đúng là đồ nhà quê, cổ lỗ sĩ, học thế còn chưa ăn ai nữa là. Anh có biết con Chít nhà mình chỉ nghỉ học thêm một buổi mà bị điểm kém không? Cô giáo giao đề kiểm tra vào buổi học thêm nên nó không biết. Giờ học hành nó thế đấy, cả lớp, cả trường đi vào một guồng quay, con mình tách ra mà được à? Cứ như anh rồi con lại thành đứa quét rác!...”.

Mặt bố tái xám lại, cằm bạnh ra, môi cắn chặt. Mẹ biết mình lỡ lời nên bỏ ra đằng sau. Trước đây bố Chít làm nghề thu gom rác trong một công ty môi trường, giờ bố chuyển sang trông cây cảnh, hệ thống điện tại đài phun nước giữa trung tâm thành phố, nhưng cơ bản, trong con mắt mọi người, bố Chít là người quét rác, vì cùng công ty với những người quét rác, rõ là thế. Chính Chít cũng bị một số bạn bè cùng lớp khinh thường, trêu chọc. Có lần thằng Trường có bố, mẹ làm ở một cơ quan tỉnh hẳn hoi kể: “Bố con Chít dừng cái xe rác, mẹ tao ở tầng hai ném cái bọc rác xuống, chẳng may trúng đúng vào mặt bố con Chít, nước bẩn chảy nhoe nhoét”.

 Những câu chuyện chế nhạo như thế làm lũ bạn cười rộ lên. Chít chẳng nói gì. Đã có lúc Chít nghĩ, nếu Chít là nhà báo hoặc nhà văn, Chít sẽ viết những dòng văn thật hay về nghề của bố, một nghề cũng đêm đêm thức để canh những tên nghiện trộm cắp vặt như các chú Công an; nghề làm đẹp những con đường, làm trong lành bầu không khí, canh từng dòng nước ở đài phun nước, ở công viên để mọi người thư giãn, vui chơi. Nghề như thế có gì đáng khinh miệt, ấy thế mà đôi khi cả mẹ cũng bĩu môi về nghề của bố khi hai người cãi vã.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Chít dắt xe ra cổng, chuyện bố mẹ vặc nhau như thế này đã quá quen thuộc nên Chít chẳng bận tâm mấy. Giờ, tâm trí của Chít đang để ở quê kia. Bố Chít ngừng rửa xe, ra ghế nằm vắt chân, hút thuốc, phả khói mù mịt. Trán bố nhăn lại, như bao nỗi uẩn ức, sự chịu đựng được dịp dồn về. Chợt bố gọi: “Chít! Bố bảo đã… Tết này chắc bố không về quê được, con nhớ điện hỏi thăm bà nhiều một chút, không ở quê một mình bà buồn…”.

Câu nói của bố làm Chít khựng lại. Cả năm nay Chít chưa được về quê, hè Chít vẫn phải học thêm, chỉ có mấy ngày tết chờ đợi được về quê với bà, vậy mà! Biết Chít hụt hẫng, bố nói tiếp, như nói với chính mình: “Chỉ có tết gia đình mới có dịp sum họp… Từ ngày ông mất, bà ở một mình… nhưng giờ bố phải trông đài phun nước và công viên con ạ.

Mấy ngày tết, đài phun nước phải hoạt động liên tục, công viên lúc nào cũng phải sạch đẹp để cho mọi người vui chơi. Mà dạo này lũ thanh niên choai choai hay tụ tập ở góc công viên, mấy cái bóng điện chẳng làm gì chúng thế mà chúng lấy đá ném vỡ. Cả mấy thằng nghiện nữa, cứ chờ mình ngủ là rình cắt trộm dây điện, cắt cả hàng rào sắt đem bán sắt vụn… bố mà về thì tan hoang hết con ạ…”. Chít còn biết nói gì nữa.

Thế là Tết năm nay chỉ có hai mẹ con về quê, bố không về coi như mất đi một nửa cái tết. Giờ này ở quê, không khí ăn Tết chắc đã rộn rã lắm. Đã có nhà mổ lợn từ hai tám Tết. Bố Chít bảo ở quê, ngày Tết người ta không mua thịt mà ăn đụng, nghĩa là hai ba nhà chung nhau một con lợn để mổ, nhà nào giàu hoặc đông con cháu thì mổ hẳn một con, như thế mới có đủ thịt, xương, lòng, gan, tim, cật để đặt lên bàn thờ tổ tiên. Tết này bố không về, không có người đi mổ lợn đụng, không biết bà sẽ làm thế nào?

Cả ngày học, lời cô giáo như cơn gió ù ù qua tai. Trong đầu Chít giờ chỉ có bà, quê nội, và cái Tết quê đang đón đợi thôi. Chiều đi học về, bố đã đi làm, mẹ chưa về. Chít chạy ngay đến cái điện thoại bàn, bấm số. Đầu máy bên kia chưa kịp réo hết tiếng chuông đầu tiên, đã nghe giọng bà vội vã, cứ như lúc nào bà cũng đợi sẵn ở cái máy điện thoại vậy: “Nam đấy hả con?!”.

“Dạ không, cháu Chít bà ạ!”. “Ừ, bố mẹ đâu mà không thấy điện về cho bà lấy một tiếng. Ở quê người ta đã chuẩn bị Tết đâu vào đấy, í ới gọi nhau mổ lợn rồi… mà cháu bà giờ chắc lớn lắm nhỉ? Cứ mong mãi, mai cả nhà về sớm chứ cháu?”. “Dạ vâng! Mai cả nhà về sớm bà ạ. Bà giữ gìn sức khỏe, mai cháu cùng bà gói bánh… cháu yêu bà!”.

May Chít không bảo bố không được về, nếu biết Tết bố không về chắc bà buồn lắm. Biết muộn một ngày sẽ đỡ buồn một ngày. Mười giờ đêm, mẹ vẫn chưa về, chắc mẹ bận. Mấy hôm nay Chít thấy mẹ hay cằn nhằn: “Cuối năm trăm thứ việc đổ vào đầu”.

Đói bụng, Chít mở tủ lấy thức ăn thừa hâm lại ăn rồi lên phòng. Vừa nằm xuống thì nghe tiếng ôtô đỗ xịch và tiếng mở cổng. Có người đưa mẹ về. Chít ngó qua cửa sổ. Qua ánh sáng vàng vọt hắt vào trong sân, Chít thấy người đàn ông ấy vục đầu vào ngực mẹ. Mẹ đẩy ra: “Con gái em nó nhìn thấy thì chết, suốt từ tối đến giờ vẫn chưa đủ à”.

Giọng mẹ nhẹ như gió nhưng Chít vẫn nghe tiếng vì khoảng cách từ cửa sổ phòng Chít tới sân nhà không xa. Người đàn ông quay bước, lên xe. Chít nhìn kỹ, nhận ra người đàn ông này đã vài lần mẹ đưa về nhà, giới thiệu với bố đó là sếp của mẹ.

Chít không thể nhầm được bởi người đàn ông đó có cái mặt dài dài như mặt ngựa, hàm răng nhọn hoắt, mỗi khi cười nhe ra như răng con chó béc giê nhà hàng xóm, nhìn đã thấy ghét. Chít ghét con chó béc giê nhà hàng xóm lúc nào cũng nằm sau cánh cổng sắt gườm gườm dọa nạt người khác, khách đến ai cũng sợ. Nhưng nhà hàng xóm ít khách, khách đến đều đi xe bốn bánh, được chủ nhà ra đón tận cổng. Đã có lần Chít bị con chó đó cắn, vết răng sắc nhọn hằn rõ ở bắp chân, giống như vết cắn đo đỏ, mờ mờ hằn trên ngực mẹ có lần Chít vô tình nhìn thấy.

Cái bí mật này Chít đoán chắc bố không biết, bởi bố sẽ không tưởng tượng được răng ông sếp của mẹ lại giống răng con chó béc giê nhà hàng xóm. Mẹ vào nhà, gọi: “Chít ơi, đã ăn uống gì chưa?”. Chít vùi chăn kín mít, giả vờ ngủ. Mẹ gọi hai, ba câu Chít mới thưa: “Con ngủ rồi mẹ, ngủ lấy sức, mai về quê sớm mẹ nhé, để còn kịp cùng bà gói bánh”. “Mai cơ quan mẹ liên hoan tổng kết cuối năm con ạ, rồi còn đi Tết mấy lãnh đạo cơ quan cấp trên nữa… Sáng ba mươi mẹ con mình về”.

Những ba mươi Tết mới về, Chít buồn quá, gục mặt xuống gối, tự dưng khóc. Giờ này ở quê, nhà nhà đã sum họp đông đủ, chắc lòng bà đang nóng như lửa đốt, mong cả nhà Chít về.

Sáng hai mươi chín Tết, mẹ dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng. Bố hỏi: “Thế hai mẹ con chưa về quê à? Cả năm rồi chưa về, ở một mình bà buồn, hai mẹ con gắng về sớm”. “Anh tưởng mỗi cơ quan anh bận chắc, gần Tết bao nhiêu việc đổ vào đầu. Ở một mình buồn sao bà không xuống đây mà ở, cứ nằng nặc ở cái chỗ chó ăn đá gà ăn sỏi ấy”.

Bố không nói gì thêm nhưng trông vẻ mặt bố thật buồn. Ông bà chỉ sinh được mỗi bố Chít. Ông mất sớm, bà ở vậy nuôi bố ăn học biết bao vất vả, cực nhọc, bởi thu nhập quanh năm chỉ trông vào cây ngô, cây sắn. Bố lấy mẹ, ra thành phố làm việc và có Chít. Mấy lần bố mẹ đón bà ra thành phố ở cùng nhưng chỉ được vài ngày bà lại đòi về. Bà mắc bệnh mất ngủ, cứ đêm đêm nghe tiếng xe ngoài phố bà không ngủ được. Cả đời quen làm lụng, giờ ở không cả ngày, ra ra, vào vào từ sân đến bếp bà không chịu được.

Bố mệt mỏi lên phòng. Mẹ trang điểm đẹp như diễn viên, dắt xe đi. Chít sắp xếp đồ đạc của mình thật gọn cho vào vali để sáng ba mươi về cho sớm. Chít nhớ giờ này năm ngoái, bà đang lấy từng thẻ hương trên gác bếp xuống gói lại, thứ hương truyền thống bà tự làm bằng cây hương lá nhỏ, mọc thành lùm ở trên đồi và vỏ cây quế dại. Chít và bố thì vào vườn chặt lấy hai cây mía thẳng nhất, đẹp nhất về dựng ở hai bên bàn thờ, ngọn mía uốn cong lại, buộc vào nhau, bố bảo làm thế để làm gậy cho cụ chỏ, tổ tiên đi lại giữa Mường Trời và Mường Người.

Năm nay bố không về, không biết bà đã chặt mía về dựng chưa. Nghĩ dại, bà mà tự leo lên buộc ngọn mía, nhỡ đâu sẩy chân thì không biết sẽ ra sao. Chít chạy lại chiếc điện thoại bàn, ấn số, gọi: “A lô bà ạ!”. Đầu dây bên kia bà bắt máy ngay: “Ừ, Chít à, cả nhà về đến đâu rồi cháu?”. “Dạ, bà ơi, bố Chít phải đi làm, không về ăn Tết được, mẹ Chít hôm nay còn đi tổng kết cơ quan và đi Tết lãnh đạo cơ quan cấp trên”. Đầu dây bên kia lặng im hồi lâu. “Sáng ba mươi cháu và cả mẹ về bà ạ”. “Ừ. Công việc”.

Lại lặng im. Chít chào bà rồi cúp máy. Chít về giường nằm, đếm nhịp đồng hồ tích tắc. Ngày hôm nay thời gian trôi thật chậm và nặng nề.

Chừng ba giờ chiều mẹ về, mặt đỏ hồng, có vẻ hơi say say. Chợt chuông điện thoại của mẹ réo, đầu dây bên kia một giọng nữ run run, đứt quãng: “Sếp mình và sếp cơ quan cấp trên chết rồi… đi cùng một xe, tự lái, tông vào xe tải…”. Mặt mẹ tái dại, lảo đảo ngồi xuống: “Trời ơi! Sao lại thế được?”. “Liên hoan nhiều người chúc rượu, đi hát lại cứ muốn đi riêng, bị chị em mình chúc bia thế, cốc nào hết cốc ấy, chắc là say quá!”. “Trời ơi chết rồi! Chết tôi rồi… thế là hết!...”.

Mẹ nằm vật vã, tay đập xuống nền gạch, gào khóc, tiếng khóc mỗi ngày một to như sắp phát điên. Chít nhớ ngày ông nội mất, khi nghe tin, mắt mẹ chỉ đo đỏ, mãi sau khi mặc xong bộ quần áo tang, tiếng kèn cất lên não nề, mẹ mới từ từ gục mặt bên quan tài, sụt sịt khóc. Chít chưa bao giờ thấy mẹ khóc ghê gớm như thế. Bố đang ngủ sau một đêm làm việc mệt mỏi, tiếng khóc làm bố tỉnh giấc, đi ra, gằn một câu mà Chít thấy thật sến: “Có việc gì mà khóc còn hơn cả bố chết thế hử?”. “Chết rồi anh ơi! Sếp chết, sếp cơ quan cấp trên chết… thế là hết… mất hết rồi anh ơi!”.

“Chết là việc của họ, chết thì đi viếng, đi khóc, đi mà buồn đau… có gì mà mất hết, vớ vẩn”. “Anh ơi! Bao nhiêu tiền em tích cóp, gia sản của nhà mình… mất hết rồi!”. Dường như hiểu ra vấn đề, bố ngồi thần người ở ghế. Lúc lâu bố đứng dậy, tay đập mạnh xuống ghế, làu bàu chửi: “Chó chết, thời buổi cái gì cũng quy ra tiền được. Tôi đã nhắc rồi cô không chịu nghe…”. “Không thế liệu em có được thế này, nhà mình có được thế này không? Cả anh nữa, ngày xưa nếu bố và anh chịu nghe em thì vợ chồng mình đã làm cùng một cơ quan rồi? Cứ như anh giờ thành thằng quét rác!”. Mẹ lại chạm vào nỗi đau của bố. Bố ôm ngực đi vào phòng.

Chít biết, như thế là cơn giận của bố đã lên đến đỉnh điểm. Mẹ và bố đều sinh ra ở quê, học cùng một trường, lớn lên cùng một bản. Gia đình khó khăn, mẹ cùng bố thường phải lên đồi tìm hái bông chít bán cho lái buôn, lấy tiền mua quần áo, sách vở. Nhiều hôm bố hái được gánh to, thấy mẹ hái được ít, bố toàn tháo gánh chít của mình chia cho mẹ. Nhiều lần bố kể thế và bảo có lẽ mẹ yêu bố từ lúc ấy. Sau này bố mẹ đi học đại học, ra trường, lấy nhau, vẫn không quên được những ngày tháng vất vả ấy, bố bảo, cái tên Chít đặt cho con cũng từ đó mà ra.

Ông bà ngoại mất, mẹ ít về quê hơn. Giờ mẹ giống người thành phố, đẹp phây phây, công việc thăng tiến vù vù. Bố thì da đen sạm lại, mặt khắc khổ, u uẩn và có vẻ buông xuôi mọi thứ. Trông bố vẫn nông dân một cục.

Chít lại vào phòng, nhìn ra cửa sổ, mưa vẫn như rắc ngọc đầy trời, bầy chim chích, chim sẻ lích ríc gọi nhau về, nhảy nhót trên cây bàng già trước sân. Ngoài đường, xe nối xe, người ta chen chúc nhau đi sắm Tết. Không khí Tết tràn ngập khắp nơi nơi, chỉ có nhà Chít là không khí Tết còn dừng ở ngoài cửa. Mẹ không ăn cơm tối, lên phòng nằm úp mặt. Bố lại chuẩn bị đi làm. Một mình nằm trên giường, Chít lại miên man nghĩ về cái Tết năm ngoái, bằng giờ này bố và Chít đã ra vườn chọn được một cành đào thật đẹp.

Đào ở quê Chít nhiều lắm, mùa này bắt đầu bung những cánh hoa đầu tiên, rực rỡ khắp vườn nhà, bên đường, trên đồi. Bố ngắm nghía cành đào thật lâu, bảo với Chít: “Cành đào to và đẹp như thế này, ngoài thành phố chắc phải độ ba, bốn triệu”. Xong xuôi, bố ra lại ra vườn lấy lá bưởi, lá thanh thảo về đun, rửa sạch các bát hương và bàn thờ.

Chít và bà gói bánh rồi cùng bà vừa trông nồi bánh, vừa cuốn những đồng tiền vàng nho nhỏ, xâu vào một que tre thành từng cây tiền cắm lên bàn thờ. Chuông điện thoại bàn réo, chắc bà gọi. Chít chạy lại, nhấc máy: “A lô!”. “Chít à, bảo mẹ mai về không phải mua gì nữa nhé, mấy nhà hàng xóm sang biếu bà nhiều bánh kẹo lắm, thịt lợn bà cũng nhờ chú La hàng xóm mổ đụng rồi…”.

Chít nhớ năm ngoái, mẹ mua nhiều đồ về quê nhưng toàn thứ bà không ăn, không dùng được. Năm nay mẹ mua nhiều rượu tây, bánh kẹo đắt tiền nhưng mang đi Tết lãnh đạo cấp trên hết. Năm ngoái, giờ này bố đã lấy thịt lợn về chế biến thành bao nhiêu món, còn lại một phần ba bố treo lên gác bếp, thịt gặp khói nóng khô đanh, sắt lại, chuyển màu vàng ươm. Chế biến xong mâm cơm, bố đi tắm rửa bằng nước lá bưởi, lá thanh táo, quần áo tinh tươm, sạch sẽ rồi kính cẩn thắp hương lên bàn thờ.

Trên bàn thờ bố chỉ bày bánh và hoa quả vườn nhà. Bố bảo đồ cúng là tinh hoa của trời đất, là thành quả của một năm lao động, không cần nhiều nhưng phải đủ và thanh tịnh. Dưới bàn thờ bố bày một mâm cơm và một con gà luộc. Bố ngồi trang trọng trước bàn thờ và mâm cỗ, cất lời cúng: “Dỉ hỏi… dinh gioóc khửn xa/ Giải sinh giải va khửn sỉnh, lô nớ… Sỉnh thâng pú đẳm lườn, sỉnh thâng mường đẳm táng/ Đẳm pú dà chỏ chung, quan chỏ chung choòng đẳm… Chùa căn mà hẩư lẹo, kẻo căn mà hẩư đo… lô nớ… Lụp mạt khảu nằng choòng mạy mục/ Thót hài khảu nằng phục lài va/ Khen sằng khấư mì trà, kha sằng khấư mì lảu…” (Hương thơm lên tìm, hoa thơm lên thỉnh… Thỉnh đến ông tổ nhà, mời đến ông tổ gốc/ Tổ ông bà gia tiên, quan tổ tiên bàn chựa... Rủ nhau về cho hết, kéo nhau cả về cùng... Cởi tất vào ngồi chiếu ngũ sắc/ Tay chưa ráo có trà, chân chưa khô có rượu/ Rượu có liền chai nghiêng rót/ Bây giờ vai kề vai uống trà, gối kề gối uống rượu…”.

Đã bao nhiêu năm xa quê, bố vẫn đọc làu làu bài cúng của dân tộc mình, không quên một câu nào. Cúng xong, đợi hết một tuần hương, cả nhà quây quần bên mâm cơm, bà và Chít tranh nhau kể bao nhiêu là chuyện.

Phòng bên mẹ đã ngủ, Chít cứ trằn trọc mãi. Nhà hàng xóm vẫn đang ăn uống, tiếng trẻ con líu ríu, tiếng người lớn chạm chén, “zô!” vọng sang nhà Chít rõ mồn một. Sáng ba mươi Chít dậy thật sớm, bố đi làm vẫn chưa về, mẹ nằm trên giường, mắt nhìn trân trân lên trần nhà như mất vía. Chít rón rén lại gần hỏi khẽ: “Mẹ ơi về quê thôi”. Mẹ bỗng tung chăn, quát: “Về cái gì mà về, mày không thấy mẹ mày đang sắp bị điên đây à? Mẹ mày đang muốn chết đây, tâm trí đâu mà ăn Tết”.

Chít bỗng òa khóc. Mẹ lại quát: “Mày muốn về thì tự mà về!”. Quát xong mẹ lại vùi chăn nằm. Chuông điện thoại bàn réo, bà gọi: “Sắp về chưa? Mọi thứ bà đã chuẩn bị xong, đang đợi cả nhà về…”.

Chít tưởng tượng bà đợi Chít ở đầu cầu thang, đôi mắt mờ đục ngóng ra ngõ, cái ngõ có hàng rào nứa đầy lá rụng xao xác. Dáng bà nhỏ xíu, mong manh, lưng còng còng, mái tóc bạc lơ phơ bay bay trong gió núi. Bà mặc chiếc áo nâu sờn đã cũ, Chít chợt giật mình nhớ năm nay nhà Chít chưa mua cho bà cái áo nào. Chít lại nhớ có lần bà bảo: “Bà không cần gì cả, chỉ cần gia đình, con cháu sum họp vui vẻ là món quà lớn nhất của bà”.

Chít một mình về quê. Chiếc xe khách rùng rình lăn bánh, Chít mơ màng, ngủ thiếp đi, đôi lúc Chít nhoẻn cười. Cả trong giấc mơ, Chít vẫn mơ về một cái Tết quê đầm ấm.
Truyện ngắn của Nông Quang Khiêm
.
.