Ngang qua mùa hoa

Thứ Hai, 06/11/2017, 14:12
Mải vùng dậy, lao thẳng ra ngoài như con hoẵng. Miết chỉ biết gục đầu dưới ban thờ mẹ mà khóc. Sau cái đêm hôm ấy thì không lần nào Miết hỏi về kẻ làm cho Mải có thai nữa. Không một lần nào. Âm thầm chuẩn bị cho sự ra đời của một sinh linh bé bỏng...

Mây bắt đầu sà xuống đỉnh đồi, trắng bông, bay là là, chờn vờn trên chóp núi, rồi xuống dần, như chiếc váy quét chầm chậm theo bước chân thiếu nữ. Rồi thành như một chiếc khăn quàng vào cổ cả một dãy những chiếc đầu xanh đen, lởm khởm những cành cây khô héo. Ở cái xứ này, cứ mặt trời xuống núi là cả người và gà ngủ cùng lúc. Chẳng biết đêm dài thế nào, chỉ biết người thức mà như ngủ. Ngủ trong cái không gian im lặng đến rợn người. Ủ vùi trong trăm thứ hỗn tạp xung quanh, có khi còn không biết nơi nào dành riêng để ngả lưng. Chỉ biết mệt là ngủ. Mà ngủ là quên. Quên hết.

Lâu rồi Miết cũng không nhớ nữa. Hoặc là không muốn nhớ. Có những khoảng thời gian trong cuộc đời mình không muốn nhớ tới. Chỉ muốn cắt đi trong chuỗi ngày như cắt đi những hạt vòng không tròn trịa, để những hạt tròn khớp với nhau thôi, thành một chuỗi hạt hoàn chỉnh hay thành một cuộc đời tròn trịa. Ấy nhưng không, có khi cắt rồi, những hạt vòng sứt mẻ ấy còn rơi, rơi xuống đôi bàn chân nhức buốt, cọ vào ngón tay ứa máu.

Miết tỉ mỉ nhặt những chiếc lá úa trong mớ rau Mải vừa cắt trên nương, từng lá, từng lá một. Mùa mưa đến, lá cứ ủng ruỗng hết cả, vàng oặt. Vậy mà Mải vẫn lên nương đều để hái rồi oằn lưng đèo về. Về đến nhà thì vất chỏng chơ trước cửa. Mặc. Mải chỉ thích những bông hoa dại năm cánh bé tí ti lấp sau kẽ lá vàng ủng ấy. Thế thôi. Miết cần mớ rau ấy để băm cho mấy con lợn luôn rúc vào cái máng khô cong mà eng éc như bị chọc tiết.

Miết chẳng ghét chúng. Chỉ thấy thương. Thương lũ lợn sống trên đá cũng gồng mình lên như người vậy. Quanh năm gặm mòn đá, răng sắc nhọn, chân đạp lên đá cập kênh thêm cứng. Không biết đau. Bàn tay bào mòn đá, tay thêm rắn chắc, nhấc gì cũng thấy nhẹ tênh, nhẹ hơn những phiến đá quanh mình. Vậy nên người ta làm nhà bằng đá, chất đá bao quanh, trồng rau trong khe đá, trồng hoa trên khe đá. Tối tối gọi nhau qua bờ rào đá. Gọi không được, cầm hòn đá ném vào trong, đánh thức chủ ra mở cổng.

Đổ thêm vài muôi cám ngô vào máng, nhìn lũ lợn ăn sồng sộc, cám bắn cả lên má. Quệt ngang mặt, nhìn vào nhà trong vẫn thấy Mải ngồi ngơ ngẩn, mặt cúi xuống đầu gối. Hàm răng của Mải như cắn chặt. Bếp thì vẫn cháy, khói nghi ngút cả gian nhà. Hết, củi lại được tra vào, nổ từng đốm lép bép. Lửa bắn cả lên tóc, lên má. Chẳng thấy tiếng kêu, chỉ thấy cái rung vai rất khẽ, rất khẽ của Mải. Xong lại vẫn là cái dáng ngồi bó gối ấy, hàm răng cắn chặt vào đùi.

*

Mẹ khuất núi lâu lắm rồi. Miết chỉ nhớ dáng mẹ gầy nhom nhem, gùi bao nhiêu thứ cả cuộc đời trên cái lưng mảnh khảnh mà tấm lưng vẫn thẳng, đôi bàn chân vẫn cứng, mái tóc vẫn đen, mắt vẫn sáng. Vậy mà chỉ một cơn sốt rét, mẹ nhắm mắt không mở nữa. Ngực lặng ngắt. Tấm áo mặc cuối vẫn còn mùi măng rừng, mùi rau dại. Tài sản mẹ để lại cho hai chị em chỉ là mái nhà có bàn tay của người đàn ông Mông, có một đôi vòng bạc của người đàn ông trong đêm tối mịt mù, chưa bao giờ Miết nhìn rõ mặt.

Ngày mẹ mất, Mải vượt qua mấy con dốc, mấy đoạn đường lấp núi bên kia về bản với cái bụng được nịt chặt mấy lần vải. Sau đám tang mẹ Miết mới biết Mải có mang. Mặt Mải trơ ra, chẳng khóc, chẳng nói, chẳng tỏ ra biết lỗi, cũng chẳng vui. Miết đè Mải ra, lột hết mấy lần vải quanh bụng. "Mày giết người à? Sao mày làm thế? Nó là con ai?". Mải giằng tay Miết: "Là con Núi, con thằng Núi. Được chưa?". "Thằng Núi đã mang lợn, mang rượu sang đâu mà có chửa với nó?". "Mẹ đã gả cho nó rồi, về nhà nó rồi thì nó cần gì mang sang nữa!". 

Mải vùng dậy, lao thẳng ra ngoài như con hoẵng. Miết chỉ biết gục đầu dưới ban thờ mẹ mà khóc. Sau cái đêm hôm ấy thì không lần nào Miết hỏi về kẻ làm cho Mải có thai nữa. Không một lần nào. Âm thầm chuẩn bị cho sự ra đời của một sinh linh bé bỏng. Chẳng biết đứa trẻ cần bao nhiêu vải, cần bao nhiêu bột. Mà Mải thì cứ như con nhím, xù lông lên với mọi thứ, mọi người xung quanh. Suốt ngày ra vào không quá cánh cửa. Ánh mắt rủ xuống như búp hoa dại héo trên đồi.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Miết cắt áo cũ, màn gió cũ may lại thành những chiếc áo trẻ con. Cứ cắt xong cái tay, lại mong đơm xong chiếc cúc áo cuối cùng. Lo cho đứa bé sinh ra trên đá, vây quanh chỉ có đá không biết chân có cứng, lòng có vững vàng hơn đá. Mẹ nó thì còn chưa quen lên nương, chưa quen mùa vụ. Đêm, Miết xay bột lạo sạo. Vừa xay vừa tập đếm. 

Lâu rồi Mải không dạy Miết học, không dạy Miết cái mặt chữ, mặt con số. Lúa gạo, cám lợn làm cho Miết quên mất rồi. Quên trước kia mình cũng đã từng đến lớp. Nghỉ học là cô giáo Hoa và anh bộ đội biên phòng Hùng lên tận nhà tìm. Thương cái lưng mẹ mảnh khảnh lên nương chỉ có một mình. Xót ngôi nhà tềnh toàng không bàn tay người đàn ông, Miết trốn vào xó cửa. Trốn mấy mùa lúa thì cô Hoa không tìm nữa, anh bộ đội Hùng cũng không sang nữa. Từ ấy, Miết quen tính mùa vụ hơn tập đếm. 

Quen mặt người hơn mặt chữ. Nhưng mà bụng thì vẫn nhớ anh bộ đội Hùng lắm, nhớ lắm. Chỉ dám nhìn lên cái chóp nhà trên đồi. Anh ở đấy, chẳng xa mà sao xa quá. Cái chân chỉ dám chạy đến lùm cây gần đó, nhìn thấy bóng áo xanh thì lại quay mặt đi, giấu vào lá cây. Mình là gái bản. Mà lại cũng chẳng giống gái bản. Mình là đứa lạc loài ở xứ này. Nhưng mình yêu xứ này. Yêu những cơn mưa nối mùa. Yêu những vồng cải nở vàng trong lũng. Ở đó Miết được khóc, được cười, được biết mình cũng là con người. Biết yêu!

Cả bản Cài vẫn nói Miết không phải con của bản. Ngày Miết được mẹ dẫn về, cả bản ai cũng chạy sang hỏi: "Nó là con nhà ai mà da nó trắng thế? Nó là con nhà ai mà tóc nó vàng như màu nắng thế kia? Mũi nó cao lại còn dài. Mắt thì như màu nước con suối trong lòng đá". Mẹ chỉ lặng im không nói. Lẳng lặng kéo tay Miết vào trong, bảo quỳ trước người già trong nhà. Quỳ rạp xuống. Mặt phải chạm xuống sàn, cho tới khi người già cho ngẩng mặt lên. Quỳ nửa ngày thì ông vất cho một bao ngô bảo sang kia đồi, nơi chòi trông ngô mà ở. Nhà này không chứa giống lạc loài.

Giống lạc loài! Miết quen từ khi về bản. Hỏi, mẹ chỉ bảo tại người trong bản ai cũng giống nhau. Con không giống họ nên gọi là lạc loài. Miết biết phận, cả ngày chỉ ở trong nhà, quanh quẩn với cái thìa, cái bát và nồi cám lợn. Cho tới khi mẹ sinh thêm Mải. Miết không biết mặt người đàn ông đó. Chỉ thấy cái bóng cao gầy hay đến trong đêm. Đến rồi đi, rồi vất mẹ lại trong đống chăn áo ngổn ngang. Hôm nào mẹ cũng lên nương, tối về lại may vá, tách hạt ngô, đồ mèn mén. Bàn tay mẹ không khi nào buông xuôi, đôi chân mẹ không khi nào ngừng bước. Mẹ làm như để quên, quên người đàn ông sinh ra Miết rồi biến mất trong sương mù dày đặc của núi rừng mù sương. Quên người đàn ông chỉ dám gặp mẹ trong đêm tối. Mẹ sinh Mải trên nương. Những người đàn bà quay lại, cắt rốn, bọc đứa bé trong chiếc váy xòe, uống giọt sữa từ bầu ngực đẫm mồ hôi, xương xước máu.

Thế. Mẹ sinh Mải, sinh Miết trong đau đớn, khô nước mắt. Miết thương mẹ. Thương thân mình lạc loài không một bóng con trai để ý. Sống đơn côi, lâu dần cũng quen. Cả khi bây giờ. Khi mẹ không còn nữa. Khi Mải cứ lầm lì, ngây ngây thì Miết vẫn thấy thế. Vẫn phải sống thôi. Cuộc đời mà. Nếu không vươn lên được thì sẽ bị ngã. Nếu không thích nghi được thì sẽ chết. Chẳng ai cứu người muốn chết cả. Nhưng Miết phải cứu Mải.

*

- Tôi không muốn sinh ra đứa bé này! Không muốn sinh ra đứa lạc loài như chị!

Mải gào lên trong đau đớn. Ánh đèn tù mù lẫn với ánh trăng bàng bạc hắt qua lỗ thủng trên tường nơi Mải nằm. Đống chăn áo nhàu nhĩ. Miết giữ chặt hai tay Mải. Giọng run run. Cố lên!

Đứa bé ra rồi. Nhưng không khóc. Đêm lạnh. Mải nhìn cái đầu bé tí teo nhơ nhớp máu của nó thì ngất lịm đi. Miết cắn chặt môi, ôm đứa bé ra ngoài. Trăng vẫn bàng bạc sáng, mảnh cong trên chóp núi xa xa. Gió hắt từ đâu về, dội thẳng xuống lưng. Buốt. Lấp xong viên đá cuối cùng thì chân khụy xuống. Không bước được nữa. Đá đè lên người rồi. Đè lên tim rồi. Đau lắm.

Mải tỉnh dậy, mắt ráo hoảnh chẳng nói cũng chẳng cười. Miết lay vai Mải. Mải thành người khác. Chẳng biết còn thương nhớ thằng Núi hay thương đứa con lọt lòng mà Mải thành người lạ. Cả bản Cài bảo nhau sớm nay thấy ngôi mộ lạ trong làng. Trên mộ toàn hoa vàng rực, không biết của ai. Hoa lách mình trong đá, rung rinh trong gió lạnh, sương muối. Chắc linh hồn nó yêu đá, yêu hoa nơi bản này nên màu vàng rực nắng hơn màu hoa trên nương, trên đồi. Thằng Núi không sang hỏi về cái hình hài ấy. Mải chỉ khóc, chạy qua con đường ngoằn nghèo sang nhà người yêu rồi lại ôm mặt chạy về. Thằng Núi bỏ trường về nhà lấy vợ rồi. Vợ nó cũng là người trong bản Cài đấy, ký giấy rồi, rượu đổ ra ang đầy rồi, lợn trói trước nhà rồi. Mày còn đến đây làm cái nỗi gì?

Núi không biết lấy vợ sớm đẻ con chết, chỉ biết bố mẹ thích có người làm nương thì lấy thôi. Núi ơi! Mải lầm bầm rồi lại ngồi bó gối bên bếp lửa. Lửa cháy hừng hực, như thiêu như đốt cả cái tấm thân héo hon, mòn mỏi kia.

*

Gió kéo mây ùa trên đỉnh đầu. Vần vũ. Đen nghịt. Đá chắn lối phía trước, chắn đường phía sau. Bàn chân thì mỏi rồi không bước được nữa. Những tấm thổ cẩm dệt suốt mấy mùa qua đeo trên tấm lưng nặng trĩu. Người trên bản đi làm nương cũng đã về nhà hết, đi chợ cũng qua dốc rồi. Chỉ còn mình Miết thôi, phải cố mà lết tấm lưng qua con dốc kia thôi. Lũ ở xứ này cũng ào đến nhanh lắm, nhanh như gió. Nhanh không kịp trở tay. Lũ đến thì cả người trôi đi, mất xác. Đá cũng không chắn nổi. Bàn tay bám chặt vào chân, cho cái chân thêm cứng mà đi, mà bước qua con dốc là thoát. 

Qua con dốc là lên đến chợ. Chợ buổi sớm trong mây âm ấm lạ. Sực nức mùi thơm. Mùi của xôi ngũ sắc, của rượu ngô chỉ ngửi thôi cũng ngây ngất, muốn ngồi xuống tợp một ngụm mới bước tiếp. Những người đàn ông quây tròn quanh nồi thắng cố bốc khói nghi ngút. Vừa ăn vừa gật gù. Những người đàn bà xúm lại bên những dãy quần áo, vòng bạc, thổ cẩm. Mua một món thôi. Nhưng phải mua mới chịu đi. Những cô gái cứ giấu mặt cười sau tấm vải, vừa như làm duyên vừa như chào khách. 

Miết không biết cười mà cũng chẳng cho phép mình cười. Những tấm thổ cẩm trong bọc bung ra, xếp gọn gàng cạnh lồ măng rừng. Người xứ này cười bảo, đứa tóc vàng, mắt xám mà cũng biết dệt thổ cẩm đẹp như gái bản cơ à? Miết lấy tay nhét mấy cọng tóc vào chiếc khăn ướt sương.

Lên chợ mới biết mình giống mấy vị khách từ phương xa tới kia. Hệt như thế! Nhưng sao mình lại ở nơi này? Nơi mà họ đến chỉ để ngắm rồi về. Mình thì ở lại, như ở trong lòng mẹ. Khách xem thổ cẩm thì ít mà nhìn Miết thì nhiều. Tóc Vàng ngó tới xem hàng. Miết giấu mái tóc vàng hoe trong chiếc khăn màu huyết dụ, bạc thếch. Tóc Vàng bảo, bỏ khăn ra chụp ảnh rồi cho tiền, không mua thổ cẩm. Miết lắc đầu. Tóc Vàng xách ba lô đi vẫn còn ngoái lại nhìn. Đôi mắt xám cứ chìm lẫn trong mây, trong màn mưa dày đặc… Chiếc khăn đội trên đầu sũng nước. Mấy tấm thổ cẩm còn nguyên. Khách mải ngắm người bán mà quên mua đồ.

Lầm lũi ra về. Bàn chân nặng trĩu. Chẳng lẽ không ai tin bàn tay này dệt thổ cẩm?

Qua lũng hoa vàng rực. Bàn tay chạm lên những lùm hoa, thấy tay mình thô kệch, vụng về… Ngồi xuống đá. Đôi mắt xám chìm trong mây, trong sương mù dày đặc. Chiếc khăn che kín mặt. Chỉ còn đôi mắt xám. Đôi mắt xám lóng lánh hoa vàng trước mắt. Hun hút đường về. Lẩn trong mây trên chóp núi… Có tiếng sáo bay trên đỉnh đồi. Sương thế này ai ngồi thổi sáo? Tiếng sáo lơ lửng vào mây, lẩn vào vòm cây xanh phía trước. Rồi lại theo dòng thác đổ ào xuống, siết, đỏ ngầu. Ngơ ngác. Là bộ đội Hùng! Bộ đội Hùng cũng biết thổi sáo? Cũng biết giai điệu của người bản Cài? Tán cây che ngang mặt người. Chỉ có bóng áo xanh thấp thoáng trong sương chùng chình lưng núi. Môi không ngậm lại được nữa. Bài hát này quen lắm. Lâu lắm rồi…

"Bản em lưng chừng mây, mây ôm núi, ôm tấm thân mẹ

Em theo mẹ lên nương, rồi mai lại theo chàng lên ngựa

Ngựa chàng chân cứng, giẫm lên đá không đau, vượt qua dốc không mỏi

 Này người em yêu dấu, có thương xin cho em theo cùng

Này người em yêu dấu, thương anh em theo tới cổng trời...".

Tiếng sáo ngừng bặt. Đôi mắt đen chạm vào đôi mắt xám. Đá cập kênh chân người. Chới với. Bàn tay Miết bám chặt vào cành cây phía trên đá. Cả người treo trên vách đá, dưới kia nước cuộn đỏ ngầu.

-              Đưa tay cho tôi!

Nhấc lên tận mặt, nhìn thật lâu, chỉ thấy đôi mắt xám. Đôi mắt chứa cả mây, cả sương buổi chiều trong lòng núi. Muốn hỏi câu gì đó mà lại thôi. Biết hoàn cảnh rồi. Thương dân bản như thương người nhà vậy. Thương cô gái này hơn nữa, cứ như thương một bông hoa đẹp nhưng không nở đúng mùa, thành ra đặc biệt nhưng lạc lõng, đơn côi. Lên với vùng đồi này lâu lắm rồi, bàn chân cũng đi khắp bản rồi, quen từng ngõ ngách. Đâu có khó khăn, thiếu thuốc men là tới. Đâu có trẻ em bỏ học là tới, là đưa các em lên trường, kê bàn dạy học. Hùng cũng không nhớ xuôi nữa, yêu xứ này mất rồi, yêu những cơn mưa nối mùa, những mùa hoa cải vàng, những cành đào xuân… Tay nằm trong tay, lâu lắm mà vẫn chưa muốn buông. Người lên rồi mà hồn cứ lơ lửng tầng mây. Mái tóc vàng giấu trong chiếc khăn màu huyết dụ bạc phếch xổ tung. Miết cúi đầu chạy, chạy như đang muốn chơi một trò đuổi bắt. Bụng cứ vang lên những âm thanh lạ lắm, quen lắm, chẳng biết nữa… Chỉ thấy hoa vàng quét vào váy áo. Hương nồng nồng nôn nao. Chạy khuất rồi ngoái lại nhìn vẫn thấy màu áo xanh thấp thoáng, lẫn vào mây, vào đá.

*

Trời còn mù sương. Đá và cây còn lẫn trong hơi lạnh buổi sớm. Chuồng bò mở, bò đi đâu mất? Chạy vào nhà trong không thấy. Cổng nhà cũng mở. Chạy vào bếp, bò không thấy. Cả Mải cũng không thấy. Củi đã tắt từ lúc nào. Chạy vào buồng, chăn gối còn nguyên, tấm áo trên mắc không thấy đâu. Lao ra ngoài, khản giọng, chỉ thấy tiếng gió luồn trong đá núi, đập xuống mặt đường cũng gồ ghề những đá. Chạy đuổi theo ánh trăng sáng bàng bạc trên đỉnh núi. Ngã sấp vào mộ đá, chỉ thấy tay mình ướt sũng sương đêm. Chạy lên đỉnh đồi. Phải nhờ bộ đội Hùng thôi! Phải nhờ bộ đội tìm Mải về. Mải ơi!

Cả bản Cài đuốc sáng rừng rực theo chân bộ đội Hùng. Con đường vắt ngang lưng đồi như sợi dây thừng siết bản bằng những ánh lửa lập lòe. Tiếng gọi vang khắp bản. Bước chân thình thịch trên đá, đá xô chân người. Bộ đội Hùng tay cầm đèn pin loang loáng, bàn chân giẫm lên đá. Đôi giày vải trên chóp tảng đá. Tiếng gọi gầm vang át dòng thác đổ xuống phía dưới ngầu đỏ. Không thấy người, chỉ thấy chiếc váy xòe mắc vào thân củi khô kẹt trong kẽ đá. Người bản mang lên, đưa vào tay Miết:

- Phải váy em mày không?

Miết ôm váy trong ngực, khóc không thành tiếng. Ngực ướt lạnh, cả người ướt lạnh. Bộ đội Hùng bế lên ngựa, ngựa đi trong sương. Đoàn người đi trong sương… Chiếc váy gói tròn chôn cạnh ngôi mộ đá có hoa cải vàng rực. Lấp xong viên đá cuối cùng, xong nén hương cuối cùng thì ai về nhà nấy. Chỉ còn Miết gối tay lên mộ đá. Chỉ thấy lạnh, không thấy đau.

Đêm nào cổng nhà cũng mở. Đêm nào lửa trong ngôi nhà nhỏ cũng cháy. Miết ra cổng ngồi, rồi lại ngủ gật trên hiên nhà, bát cơm để ruồi bâu, xôi ngũ sắc để rắn đanh lại. Không có Mải, Miết cũng chẳng còn muốn ăn uống gì nữa cả. Đêm đêm nghe tiếng động tưởng Mải về, tỉnh dậy châm lửa trong nhà, lặng thinh, lại ôm mặt khóc. Khóc đến sáng thì lại lên nương. Mùa này, hoa cải vàng rắc ngập trong lòng lũng, mênh mang. Xòe bàn tay mình ra thấy lòng tay vàng khè, những vết chai trong lòng tay, ôm mặt khóc, chỉ thấy lạnh.

Không ngủ được thì lại ra với mấy con lợn. Mấy con lợn ăn no rồi ngủ. Cám đầy trong máng. Người nhắm mắt rồi lại mở mắt, cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Mắt định nhắm vào thì lại nghe tiếng sáo. Tiếng sáo gần lắm, ngoài cổng nhà. Chạy ra, bật tung cánh cổng gỗ, chỉ thấy đêm đen đặc. Một đốm sáng lập lòe bay chờn vờn trước mắt, đậu trên cánh cổng nhà, men theo lối bay vào trong. Miết đuổi theo, khời lửa cháy. Khói bếp bay bay lên mắt, ôm mặt chỉ thấy lạnh.

*

Mấy đêm sau bộ đội Hùng đến nhà. Bộ đội đến cùng thùng quà người dưới xuôi gửi lên. Chẳng mở xem trong ấy có gì, chỉ nhìn vào tay bộ đội, biết là chăn ấm. Bộ đội thương nên mang chăn cho mùa đông bớt lạnh, cho cửa nhà có hơi ấm. Nhưng Miết vẫn thấy đôi tay mình lạnh lắm, lạnh suốt mấy mùa đông nữa? Chỉ quẩn quanh với đàn lợn rồi lại ra cửa ngồi.

Bộ đội ở lại lợp lại mái ngói, chằng cái cửa chuồng lợn cho chặt thêm, dặn: "Ban đêm phải gài chặt cửa". "Không gài cửa đâu, để Mải còn về". "Mải mất rồi, về sao được. Miết đi học lại đi. Theo tôi lên lớp, trên lớp có cô giáo, có bạn sẽ vui hơn. Ở nhà một mình buồn lắm". "Nhưng học để làm gì?". "Học để chữa bệnh cho lợn, cho bò cùng với tôi chứ, một mình tôi làm không hết Miết à". Đôi mắt xám chạm vào đôi mắt đen. Thấy lòng âm ấm lạ. Lâu lắm rồi mới có người muốn gần mình, không coi mình là đứa lạc loài. "Bản có cần tôi không?". "Có chứ. Bản cần người giỏi Miết ạ. Lợn, gà cũng cần người chữa bệnh mà". Bộ đội đặt tay lên vai Miết rồi ra về. Đêm ấy Miết cứ ngồi ngoài cửa, đợi mãi mà không thấy những đốm sáng lập lòe. Phải khác thôi. Cứ thế này thì buồn khổ lắm. Miết nhớ ngôi trường chênh vênh trên núi, nhớ cô giáo, nhớ bộ đội Hùng thổi sáo giữa bạt ngàn hoa...

Lại một phiên chợ. Thổ cẩm vẫn bung ra cạnh những sắc màu rực rỡ khác. Những tiếng cười, tiếng nói lướt qua vai. Tiếng khèn tiếng sáo qua đỉnh đầu. Mưa rơi lạnh ngắt. Tóc Vàng cúi xuống, bảo ngẩng mặt lên chụp ảnh rồi mua mấy tấm thổ cẩm cho người yêu. Miết vừa ngẩng mặt lên thì chạm ngay vào cái gương mặt trắng bệch, môi đỏ hơn màu hoa chuối của cô gái đứng bên. Là Mải? "Mải à? Sao bỏ đi không nói. Sao để cửa nhà lạnh tanh thế mà đi? Về thôi. Về đi!". Khuôn mặt đanh lại, giằng tay Miết ra khỏi vai áo trễ nải. Bàn tay vất xuống đám thổ cẩm ươn ướt một cuộn tiền rồi kéo tay người yêu đi như chạy. Miết đuổi theo. Vừa chạy vừa khóc. Mải ngồi trên xe của Tóc Vàng, xe băng qua dốc, khói cay xè mắt Miết. Mưa rơi ướt lạnh. Đôi mắt xám chìm trong mây mù. Mải ơi....

*

Miết đến lớp, thấy mấy đứa học trò bé hơn mình thì xấu hổ lắm, mặt đỏ như ngồi bên bếp lửa. Mấy đứa trẻ cũng trố mắt nhìn người lạ. Bảo chị ấy ở đâu tới? Cô giáo bảo chị ấy là người của bản. Đi học để giúp bản hết bệnh. Mấy đứa bám váy Miết, nép vào vai Miết như núp váy chị gái ở nhà. Miết học nhanh, thuộc mặt chữ như quen mặt người trong bản. Cứ thế, ngày lên nương, ngày đi học.

Bộ đội Hùng chờ Miết ở lũng, nơi những bông hoa cải vàng nồng nàn trong nắng sớm. Tiếng sáo lượn lờ trên những vồng hoa, bay trên mặt thác. Trầm bổng. Không còn thấy xa nữa, chỉ thấy gần. Không còn thấy cô đơn nữa, chỉ thấy con tim dần ấm áp, đôi môi chỉ muốn hát. Mỗi khi lên nương là đôi mắt không quên hướng về ngôi nhà trên chóp núi. Trông bóng áo xanh, trông nụ cười mà sống, mà học...

Miết thành y tá, ngang qua mùa hoa vàng rực. Tiếng sáo bay trên đồi, xuống lưng chừng cả dốc núi, lại theo cả về nhà, vào cả trong giấc mơ. Bếp lại ấm, mèn mén đồ trong nồi. Lũ lợn ăn no rồi lại ủn ỉn bên chân người. Miết ngồi trước chuồng lợn mà học, mà ngủ. Cứ thế, qua mấy mùa hoa thì Mải về. Mang theo cả một đứa bé tóc vàng như màu nắng. Mắt như dòng nước trong đá. Da trắng như tuyết mùa đông. Mải chẳng nói, chẳng cười. Chỉ khóc. Nó không chết. Miết ôm đứa bé trong tay, ấp vào ngực. Âm ấm. Khời lửa, lửa ấm rực căn nhà lạnh lẽo bao lâu. Đêm kéo xuống chầm chậm, lẫn vào đêm tiếng ru con khản đặc, trầm buồn. Mải quẩn quanh bên đứa bé, nó khóc thì vạch áo cho bú. Lúc con ngủ thì Mải cũng ngủ.

Cánh cổng nhà bật mở. Miết chạy ra ngoài, kéo tay Mải lại. Mải vụt ra, lẫn vào màn đêm đen đặc. "Mải ơi! Đừng đi! Về đi!". Tiếng bước chân xa dần, chỉ còn tiếng vi vút của gió, tiếng đổ ào của thác nước từ trên dội vào đá. Con đường ngoằn nghèo vắt ngang lưng núi, dài như sợi chỉ.

Tiếng đứa trẻ khóc ré lên. Miết quay người lại, chạy vào nhà, ôm chầm lấy, đứa trẻ ủ trong lồng ngực còn lạnh sương. Ngượng lắm. Phải đi xin sữa thôi, xin lũ dê ít sữa cho con bú. Đứa bé lớn lên bằng những giọt sữa của đàn dê nhà bên kia bờ rào đá. Không ai hỏi nó từ đâu tới nữa. Chỉ biết nó là con của bản, con của đá.

Người già bảo nhau: Lợn, bò của bản giờ không lo bị chết vì bệnh nữa, cứ thế mà lớn thôi. Cần là có y tá Miết. Bàn tay Miết không lúc nào buông, đôi chân không khi nào ngừng chạy. Đứa con của bản đấy. Nó là con gái của bản mà. Vừa đẹp người vừa giỏi việc.

Miết vui lắm, mừng lắm. Mừng vì mình được là con của bản, con của đá núi này. Sinh ra ở đây, lớn lên ở đây và chết cũng ở đây thôi. Cả đời không đi đâu nữa. 

Mùa hoa vàng rực trải dài trong lòng lũng. Tiếng sáo vẫn thiết tha, rắt réo mời gọi.

"…Này người anh yêu dấu, có yêu cho anh theo cùng

Này người anh yêu dấu, yêu em anh theo tới cổng trời…".

Đôi mắt đen chạm vào đôi mắt xám. Tay trong tay mà cứ ngỡ lạc mất nhau giữa mùa hoa vàng rực.

- Anh có về dưới xuôi không?*

- Không. Anh yêu bản. Yêu em mất rồi.

Chờ những cành đào trước nhà, trên đồi nở hoa mình về một nhà thôi. Mùa đông không còn lạnh nữa. Nhà có ba người. Như cái kiềng ba chân. Em sẽ chăm cho lửa trong bếp bao giờ cũng cháy. Anh sẽ chăm cho ngựa đừng chồn chân mà nghỉ. Mái tóc vàng như màu nắng trên vai màu xanh lá. Dưới kia đá lẫn vào mây. Mây ôm đá, ôm núi, ôm những mái nhà chênh vênh…

Truyện ngắn của Dương Giao Linh
.
.