Nẻo khát

Thứ Năm, 17/10/2019, 08:49
Chúng tôi quay về giữa những mùa hạn kéo dài nối tiếp theo nhau, giếng Khơi vẫn còn rỉ nước đủ cho cả làng dùng, riêng gia đình Mây đã dời sang bên kia Cánh Bạc. Mẹ tôi kể: “Lão Thiều cho một nhà trong đó vay lãi nóng, cuối cùng không trả được người ta buộc phải gàn lại khu rẫy với mấy nghìn gốc cà phê, lão sang đó thầu luôn cả khoảnh rừng tính làm trang trại”...

Tôi là Hà Lùng. Cha tôi là Hà Lý. Cha con tôi làm nghề đào giếng.

Gia đình tôi sống trên cao nguyên Cư Xông Lê, thủa ban đầu là một vùng bình nguyên với thảm rừng trải dài mênh mông đến ngút tầm mắt. Đất đai đối xử tử tế với con người, nhưng giống như lẽ thường, đôi khi sự tử tế lại chỉ chuốc về cay đắng.

Mùa hạn đầu tiên xảy ra năm tôi mười tám tuổi. Nắng chói chang vàng võ, trời trong veo trong vắt không dắt nổi sợi mây, nhìn lên chỉ thấy một vùng  xanh ngắt cứng đanh như cái chảo khổng lồ úp ngược. Sông hồ cạn cháy đáy, những vết nứt nẻ trên rẫy toác rộng ra lọt cả bàn chân, đất rắn như đá, đá rắn như lòng người.

Đêm đêm người làng phải mang xô chậu gàu chão đi ra giếng Khơi, nơi duy nhất còn có mạch ngầm rỉ ra giữa mùa nắng hạn để chắt nước, lụi hụi tới gần sáng thì mỗi người cũng được hai thùng mấp mé đủ dùng cho cả ngày. Bao giờ về đến chân dốc Bạc tôi cũng đặt gánh xuống nghỉ thật lâu để mong chờ được nhìn thấy bóng Mây thấp thoáng sau hàng rào găng. Mây mười bảy tuổi, da nâu, tóc đen, nụ cười hiền như nước. Lão Thiều cha dượng của Mây trước đây là tay phá rừng buôn lậu gỗ, đến khi rừng cạn kiệt chuyển sang cho vay nặng lãi, cả đời chỉ quý mỗi tiền.

Sau những bữa cơm nấu bằng nước giếng đục nghẹn ứ trên cổ, tôi thẫn thờ lang thang bên này con dốc với ý nghĩ vơ vẩn về Mây. Nỗi buồn của tuổi mười tám hãy còn là một cái gì đó rất đỗi xa xôi, không giống như nỗi buồn của cha mẹ tôi trước những cây cà phê chết đứng giữa trời và món nợ đã chồng cao hơn gốc cà phê cao nhất. Năm đó không chỉ gia đình tôi mà còn rất nhiều nhà khác rơi vào cảnh đầu trần thân trụi bởi cơn hạn khua cái lưỡi đỏ lòm của nó trên khắp cao nguyên. Toàn bộ ruộng rẫy đã cầm cố cho lão Thiều để vay vốn đầu tư vào vụ cà phê, chúng tôi chỉ còn lại một rẻo đất nhỏ để cắm lều sống tạm. Một buổi sáng cha tôi bảo:

 - Học xong cấp ba rồi thì cất cái bằng lại đấy. Từ nay đi đào giếng để kiếm sống đã.

Tôi tạm biệt sách vở một cách nhẹ nhõm. Trường học không dạy cho tôi nhiều thứ, ngoại trừ lòng kiên nhẫn vô biên trước những bài giảng chưa biết sẽ dùng vào chỗ nào đó trong đời. Tôi chỉ hơi nuối tiếc vì nhận ra rằng những ngả đường lang bạt về sau sẽ khiến tôi phải tạm xa Mây. Buổi chiều trước hôm đi, hai đứa gặp nhau dưới chân dốc mà không biết nói gì, chỉ có tiếng chim từ quy não ruột ngoài cánh rừng xa vọng về trong ánh hoàng hôn đỏ ối.

- Ước gì em cũng có thể rời khỏi đây - Giờ lâu Mây mới ngập ngừng nói khẽ.

- Chịu khó ở nhà đợi anh, chừng nào kiếm được nhiều tiền anh sẽ về đưa Mây đi cùng.

Mây hướng về tôi một cái nhìn rất đỗi u sầu. Lúc đó tôi còn trẻ quá và vụng dại quá, mãi rất lâu về sau này, mỗi khi nhớ lại cái nhìn sâu hun hút đó của Mây, lòng tôi lại cộn lên một nỗi buồn thương da diết. Buổi hẹn hò đầu tiên và cũng là cuối cùng của năm mười tám tuổi ấy tôi còn chưa kịp nắm tay Mây.

Với đồ nghề chỉ có bộ ròng rọc, đôi sọt sắt, vài chiếc thuổng và xà beng, chúng tôi lên đường khi bình minh vừa ló rạng. Mặt trời đỏ rực từ từ nhô lên khỏi chân trời, những rẫy cà phê, cao su, hồ tiêu bạt ngàn hiện lên hai bên con đường lầm bụi. Đây đó còn sót lại vài cánh đồng cỏ cháy sém với bầy bò gầy guộc lang thang, vạt rừng hoang thấp thoáng bóng cây khộp khổng lồ trơ trụi, nhà cửa chủ yếu là lán gỗ nằm rải rác dọc theo triền đồi, cong vênh nứt nẻ vì mưa nắng.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Xuyên qua cao nguyên rộng lớn và u buồn, chúng tôi tới tận những buôn làng xa xôi khuất nẻo, không có điện lưới nên việc đào giếng hoàn toàn phải dùng sức người, hai cha con cứ thay nhau người xuống đào kẻ ở trên kéo đất. Mỗi mét được trả năm trăm đến một triệu tiền công, mỗi cái giếng đào sâu chừng hai ba chục mét mất mười đến mười lăm ngày tùy vào đất cứng hay mềm. Đi hết mùa khô cũng gom được một khoản kha khá, cha tôi hy vọng khoảng dăm năm sẽ đủ tiền mua khu đất mới để tiếp tục trồng cà phê lần nữa.

- Không còn nước thì đất để làm gì hả cha?

Cha tôi chỉ lặng im không nói. Những năm tháng rong ruổi này làm tóc ông bạc nhiều hơn, người sắt lại và da cháy như đất nung quá lửa. Tiền kiếm được đẫm mồ hôi nước mắt. Nước mắt thợ đào giếng cũng mặn như nước mắt người nông dân trước mảnh rẫy sắp sửa chết khô. Hầu hết những người thuê chúng tôi đào giếng đều nghèo, vài người phải vay lãi nóng trả công cho thợ, một chiếc giếng cạn giữa cơn nắng hạn cũng giống như huyệt mộ chôn vùi tất cả cơ nghiệp của họ.

- Uống đi. Cha con ông mong hạn, chúng tôi lại mong mưa, không ngờ cái lẽ sống nó cay đắng vậy - Những người chủ trại nghiêng vò rượu sóng sánh bên giếng nước mới khơi thông, nâng chén ngậm ngùi trước nỗi lo âu đứt đoạn.

- Cực chẳng đã mới phải làm nghề này, ăn cơm âm phủ biết sống chết lúc nào mà kể. Tôi chỉ ước có một mảnh đất nho nhỏ, tới mùa mưa xuống trồng lên dăm chục khóm cây, người ta vẫn bảo trời không tuyệt đường sống của ai bao giờ nên phải cố cầm cự mà chờ đợi - Cha tôi nhấp một ngụm rượu đắng để nuốt trộng tiếng thở dài cố nén.

Bỏ mặc mấy ông già rầu rĩ ngồi uống rượu suông với nhau, tôi lầm lũi ra vườn nằm vùi mặt vào đám cỏ muối nở hoa lấm tấm. Đã bao nhiêu ngày tháng liên tiếp không có một giọt mưa, ở nhà giếng Khơi biết đâu cũng cạn. Hôm qua mẹ gọi điện cho tôi kể rằng sáng nào Mây cũng qua nhà gánh nước đổ đầy ang. Giọng mẹ nghèn nghẹt bởi sóng điện thoại chập chờn lúc mất lúc có, tôi không kịp hỏi thăm gì thêm về Mây, chỉ loáng thoáng nhớ qua mùa hạn này em đã tròn mười tám tuổi.

*

Mười tám tuổi, cha bỏ làng vào Nam tìm đất.

  Mười tám tuổi, tôi bỏ làng lang thang tìm nước.

Cao nguyên đã khác đi quá nhiều sau mấy chục năm, gió không còn thơm ngát hoa quỳ mà khét lẹt mùi rừng cháy, những dòng sông trắng xóa bọt nước thôi gầm thét vì bị chặn dòng, người đông hơn nhưng buôn làng hoang lạnh. Tôi lặng lẽ cúi mặt đếm tháng ngày bằng những sọt đất múc lên. Này là đất đỏ, này là đất vàng, này là đất đá ong, này là đất lẫn máu cha tôi nôn khan dưới đáy giếng. Mỗi ngày đối mặt với đáy sâu, ai cũng hiểu bên dưới đó có bao nhiêu bất trắc.

Hôm chúng tôi đang làm dở cái giếng ở trại Đồng thì nhận được tin nhóm thợ trên mạn Bắc có người bị nạn chết dưới đáy. Nghe nói họ đào được gần mười lăm mét thì gặp phải đá xanh, tiếc công quá liều dùng mìn phá đá, để qua một ngày đêm tưởng khí độc bay hết rồi ai ngờ vừa xuống đã bị ngạt khí ngay. Người thợ còn rất trẻ, xa xôi quá phải chôn luôn tại đó không đưa được xác về, cùng cảnh tha phương cầu thực với nhau nên cha con tôi nghỉ một buổi đến viếng. Đêm ấy nằm ngoài hiên nghe gió lào xào qua những tàng cây săng lẻ mãi không ngủ được, cha tôi trở dậy đốt thuốc chán rồi trầm ngâm bảo: “Sau đợt này cha con mình về thăm nhà ít hôm chứ để mẹ ở một mình lâu cũng tội. Rồi có khi cũng phải tính chuyện lấy vợ cho con là vừa rồi đấy”.

Giấc mơ đêm ấy của tôi chập chờn hình bóng Mây, đôi mắt em cứ đau đáu nhìn tôi như muốn khóc.

Chúng tôi quay về giữa những mùa hạn kéo dài nối tiếp theo nhau, giếng Khơi vẫn còn rỉ nước đủ cho cả làng dùng, riêng gia đình Mây đã dời sang bên kia Cánh Bạc. Mẹ tôi kể: “Lão Thiều cho một nhà trong đó vay lãi nóng, cuối cùng không trả được người ta buộc phải gàn lại khu rẫy với mấy nghìn gốc cà phê, lão sang đó thầu luôn cả khoảnh rừng tính làm trang trại”.

 - Lâu nay mẹ có gặp Mây không?

Giọng mẹ chùng hẳn xuống:

- Lâu lắm rồi mẹ có thấy đâu. Tội nghiệp thân nó, bố mất sớm lại gặp phải lão dượng tệ hơn cầm thú. Ai mà ngờ được lão Thiều lúc nào cũng tỏ ra âu yếm yêu thương con riêng của vợ nhưng thật ra cứ nhân dịp là giở trò sàm sỡ. Con bé khóc lóc nhiều lần mà chả ai để tâm.

Tôi nhớ lại câu nói ngập ngừng của Mây lần chia tay năm ấy, thấy ngộp thở như có tảng đá đè ngang ngực, ruột gan cồn cả lên:

- Có chuyện như thế nữa sao, chẳng lẽ mẹ cô ấy cứ để yên như vậy?

- Biết làm thế nào được hả con, phận đàn bà xứ này khổ lắm. Nghe người ta kể lúc chuyển sang bên Cánh Bạc heo hút vắng người, lão Thiều ở nhà uống rượu say lôi con bé vào buồng giở trò, bà mẹ về không biết có kịp cứu con hay không mà sau đó thấy lão Thiều nổi điên đánh cho cả hai tơi tả. Hình như sau chuyện đó hai mẹ con không chịu đựng nổi nên dắt díu nhau đi làm thuê làm mướn ở đâu xa lắm. Lão Thiều cũng chẳng tiếc nuối gì, xuống phố chợ rước ngay một mụ móng tay móng chân sơn xanh lét về làm vợ mới.

Tôi lặng lẽ bước ra ngoài, lang thang mãi trên cánh đồng khô cháy mặc cho cơn gió cao nguyên lầm bụi táp vào mặt rát rạt. Trời vẫn xanh văn vắt như cái ngày tôi rời làng đi, bên kia con dốc chim từ quy rúc từng hồi buồn thảm. Tuổi hai mươi của tôi và của Mây không có lấy một cơn mưa, chẳng có mầm xanh hi vọng nào mọc lên trên vùng đất sắp hóa thành hoang mạc.

*

Biết tin cha con tôi về, lão Thiều sang nhờ đào hộ một cái giếng mới. Lão bảo:

- Đất này mềm, tôi trả một mét năm trăm chưa tính tiền ăn. Nếu xui mà đào trúng chỗ không có nước thì ông thiệt phần công, tôi thiệt phần cơm rượu.

Lão vừa nói vừa nhăn nhở cười, hai con mắt hí rị càng thêm híp lại trông chẳng khác gì mấy kẻ gian thương nói thứ tiếng líu lô hay lùng vào tận rẫy lừa người dân đào rễ hồ tiêu hay chặt móng chân bò để bán. Tôi nhìn cái mặt phì phị của lão đã muốn tống cho một quả đấm. Cha tôi cũng chẳng ưa gì lão Thiều nhưng rút cục vẫn gật đầu nhận lời. Trên đời này kẻ làm thuê không có quyền chọn chủ.  

Tôi lẳng lặng vác đồ nghề đi theo cha, ngày ngày nạy xà beng vào những tảng đất đã hóa thành đá ong cằn cỗi, lòng không lúc nào thôi đau xót khi nghĩ về Mây. Cắm cúi đào tới lúc sắp gặp tầng nước ngầm, nỗi oán hận đối với lão Thiều đã khiến trong lòng tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ vô cùng tăm tối. Tôi lén cha xuống chợ mua về một lưỡi rìu thật sắc bén dấu trong đống đồ nghề. Trong những ngày rong ruổi làm thuê khắp nơi, có lần gặp cánh thợ tứ xứ rồi ngồi uống với nhau tôi nghe có người nói: “Đi đào giếng mà gặp chủ nhà ưa lật lọng, lúc sắp xong cứ mang xuống một lưỡi rìu chôn ngay dưới đáy, thế là nhà đó sẽ bị trấn đứt long mạch đến nỗi làm ăn lụn bại dần đi mà chẳng hề hay biết. Có khi mất mấy chục triệu đào giếng rồi lại mất thêm chừng đó khảo lại cho bõ ghét”. Chuyện chẳng rõ thực hư ra sao nhưng lòng tôi giờ cũng đã âm u như đáy giếng đâu cần nghĩ ngợi gì thêm.

Thế nhưng ý định đó không thể lọt khỏi tầm mắt cha. Sáng sớm hôm ấy khi sắp sửa đồ đạc, cha tình cờ phát hiện ra vật mà tôi âm thầm giấu kĩ. Ông gọi tôi lại với nét mặt vô cùng nghiêm khắc:

- Con định làm gì với thứ này?

Tôi vùng vằng:

 - Cha cứ kệ con.

  Cha tôi nói rất nhỏ nhưng rõ ràng:

  - Con nghe theo mấy chuyện vớ vẩn này từ bao giờ vậy. Đào một cái giếng nhiều khi phải đổi cả sinh mạng của mình mới tìm ra nước, con làm thế này mang tội với nghề, mang tội với đất đai, rồi chẳng thể nào sống yên ổn được đâu con ạ.

- Con không quan tâm - Tôi chỉ vào ngực mình - Con thấy đau ở đây này.

 Cha tôi không nói gì, ông cứ đứng như thế lặng nhìn ra một vùng cao nguyên mênh mông trơ trụi dưới cái nắng như thiêu đốt. Rừng không còn, nước cũng không còn, ngay cả lòng người cũng cằn đi như đá sỏi. Rất lâu sau ông mới quay sang tôi, khẽ khàng nói:

 - Đất đai cũng biết đau đấy, con thử nghĩ mà xem.

Tôi cúi mặt tránh cái nhìn của cha, chậm rãi buộc dây thừng bảo hộ vào người rồi mang theo cuốc thuổng tụt xuống lỗ giếng sâu hun hút. Ngước nhìn lên chỉ thấy một mảnh trời xa tít mờ mờ sang sáng, tôi ngậm ngùi vùi nỗi buồn vào cát sỏi, nghe nước mắt mằn mặn lăn xuống lẫn vào dòng nước ngọt đang từ từ rỉ lên nhè nhẹ quanh chân.

Trời chẳng có lấy một giọt mưa, đất vắt kiệt mình trong tuyệt vọng. Vì cơn hạn hay vì lão Thiều mà chúng tôi phải tha phương cầu thực để rồi lạc mất nhau?

*

Chiều hôm đó xong việc tôi đang ngồi nghỉ bên đống đất nóng hầm hập thì lão Thiều phấn khích chạy xe máy ào ào từ dưới dốc lên, phía sau buộc một con vật đầu ngật ngừ nhểu máu. Đó là một con mang nặng chừng hai mươi cân, bốn cẳng chân gầy guộc tróc móng, bộ lông vàng xơ xác. Loài mang vốn nhát gan, thông thường chỉ sống lẩn lút trong rừng sâu nhưng có lẽ mấy bữa này khát quá nó liều mò xuống bìa rẫy tìm nước nên bị lão Thiều rình đánh bẫy. Con vật tội nghiệp bị trói gô lại bên hè, dưới ánh nắng chói gắt, nó mở to đôi mắt ngơ ngác nhìn xung quanh như trách móc. Tôi kinh hoàng thấy bụng nó phình lên chừng như có chửa.

- Ăn một miếng không no được cả đời. Có lẽ ông nên tha cho nó - Tôi cố vớt vát dẫu biết chẳng ích gì.

Lão Thiều nhếch mép cười ruồi:

- Con vật sinh ra là để người làm thịt, có gì phải băn khoăn. Coi như vừa đúng lúc ăn mừng đào giếng, tôi gọi anh em đến cạo lông nhoáng cái là xong, cha con ông ở lại luôn đi cho xôm tụ.

 Cha tôi lắc đầu bảo:

- Tôi thấy trong người hơi mệt nên có khi phải về bên nhà nghỉ sớm, mai còn chút nữa ráng làm cho xong việc.

Lão Thiều chẳng nài nỉ gì, hí hửng chặt cành nhóm lửa trong khi đám bạn bè lão hè nhau chọc tiết con mang đem thui chín xong xẻo ra ăn. Cha tôi uống chén rượu suông rồi xin phép về trước, tôi lặng lẽ bước theo sau, chừng như ông muốn nói gì với tôi mấy lần nhưng rồi lại thôi. Trăng non đã mọc lên lưng chừng trời, ánh sáng bàng bạc trải xuống khắp nẻo đường trơ trụi, vẳng lại tiếng con mang đực lẻ bạn thảm thiết gọi bầy. Tôi bỗng thấy lòng tràn ngập một nỗi buồn vô hạn. Cái thưở xa xưa khi cha mẹ tôi đặt chân đến cao nguyên Cư Xông Lê rộng lớn này, có lẽ không ai nghĩ sẽ đến một ngày nước khan hiếm dần đi, đất hoang hóa bạc màu, đến một mảnh rừng bình yên để con vật hiền lành tìm nơi nương náu cũng đâu còn nữa.

Đêm đó giấc ngủ kéo đến nặng nề mộng mị, tới gần sáng tôi giật mình tỉnh dậy bởi nghe xóm làng ầm ĩ, chạy vội ra sân thì thấy một góc phía Cánh Bạc lửa cháy ngút trời. Hóa ra do lão Thiều bất cẩn nên một mồi lửa sót lại nơi đốt bếp nướng thịt đã bắt vào đám lá khô rồi lan sang cả vùng lân cận. May mắn không có ai bị nạn nhưng vụ cháy đã thiêu rụi luôn toàn bộ ngôi nhà cùng mấy nghìn gốc cà phê đang chờ nước của lão Thiều, tro than đen kịt phủ trên cái miệng giếng đang đào dở.

Cha tôi nói, lão Thiều trắng tay, công sức cha con mình mười ngày qua coi như đổ bỏ cũng đành phải chịu. Tàn tro lấp lên chuyện cũ, chẳng biết về sau trên đó hạt giống nào sẽ lại nảy mầm.

*

Mùa mưa ngắn ngủi đến rồi đi, tôi lại mang bộ ròng rọc, đôi sọt sắt, vài chiếc thuổng và xà beng lên đường tìm nước. Những cái giếng tôi đào chi chít như lỗ thủng trên khắp cao nguyên. Tôi không mong đợi gì nhiều. Chỉ hy vọng một sớm mai ngang qua khu rẫy nào đó ở nơi tận cùng hoang vắng, bỗng nhiên gặp lại Mây, da nâu, tóc đen, ánh mắt thẳm sâu và nụ cười hiền như nước.

Truyện ngắn của Trần Thị Tú Ngọc
.
.