Muôn lá vàng rơi

Thứ Hai, 14/01/2013, 09:10
Hắn tên Lợi, Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Lợi, một công ty đang phát triển mạnh dựa theo Dự án xây dựng mô hình thí điểm doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân tiêu thụ thanh long và cung ứng vật tư nông nghiệp. Tốc độ phất lên của hắn làm cho những tay làm ăn ở địa phương phải nóng mặt. Trong các quán cà phê, người ta bình luận: "Tiền hắn nhiều như quân Nguyên, không làm gì cho hết", bởi cứ nhìn mỗi lần hăm ba đưa ông Táo về Trời, hắn cúng xe là ai cũng nể, dàn xe container của hắn tập trung về nối đuôi muốn giáp cả đoạn đường nhựa hơn cây số vào khu du lịch.

Cách đây bảy năm, vợ chồng hắn còn là kế toán cho một công ty thu mua nông sản, bị xì két, phải bán hết nhà cửa bồi trả, đói vàng mắt, vậy mà thật như là phù phép, giờ hắn tuy vẫn ở trong ngôi nhà gạch cũ nhưng nội của nả thấy được bằng mắt đã xếp hắn vào hàng tỷ phú của khu thị trấn này. Năm ngoái, hắn vừa mua đất xây thêm ba phòng lạnh chứa thanh long, vị chi gần mười tỷ đồng và mua thêm ba đầu kéo container của Mỹ hơn năm tỷ nữa. Gia đình hắn ít người: Hắn chỉ có một vợ - Lê Thị Kim - là trợ lý, là tay hòm chìa khóa và một con trai đang học tiểu học. Nó mang cái tên gắn kết với tên hắn mà thành một thứ ý nguyện, một thứ tín hiệu cho sự giàu có, Nguyễn Văn Thắng. Hắn nói đặt tên công ty là Thắng Lợi thì hay, con hơn cha là nhà có phúc, nhưng vợ hắn không chịu. Tên con không thể đặt trước tên cha được, vợ hắn sợ mọi sự đảo lộn. Tuy ít khi nhắc đến nhưng hắn còn có một mẹ già, vợ chồng hắn đã chở đến gửi cho Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.

Hắn vừa xoay xoay chiếc ghế da vừa dán mắt vào chiếc iPhone bốn. Công việc của hắn như một thứ trò chơi, từ ngày hắn cho lắp hộp đen GPS đa năng vào tất cả các xe container của hắn, trang mạng www.hanhtrinh.com giúp hắn theo dõi, điều hành trực tuyến tất cả xe và hoạt động của tài xế làm cho Công ty Vạn Lợi đang có mặt trên các nẻo đường, từ tốc độ, số lần đóng mở cửa xe, thời gian, điểm dừng đỗ và cả tổng thời gian lái của tài xế… Tóm lại, trò chơi của hắn là định vị các hành trình trong phạm vi quản lý của mình. Hắn tỏ ra thích thú với trò chơi này, suốt ngày trong đầu hắn cứ vang vang hai tiếng hành trình, hành trình…

                       *

Xoẹt. Xo… e…e… ẹt… Lá rơi. Mấy đường nhòe vàng nhòe nâu liên tục đan chéo trước mắt. Cơn cớ gì mà lá rơi nhiều vậy hổng biết. Bà Dần đưa bàn tay xương xẩu ra hứng lá, mấy chiếc lá vàng đánh roẹt cạnh ngón tay, có khi bà còn chồm cả người ra trước, qua phải, qua trái, nhưng không chiếc nào rơi đúng lòng tay. Bà cũng không biết mình ngồi bên gốc cây này chơi với mấy chiếc lá bao lâu rồi. Lúc ra cổng Trung tâm Bảo trợ xã hội, gặp ai bà đều móm mém cười và lắp bắp: "Về ăn Tết. Con nó nhớ, nó… nhắn về…". Nói thì lắp bắp nhưng trong đầu bà lúc đó vang vang câu ấy, cái âm thanh ríu rít gia đình ấy giúp bà ngước mặt lên được với mọi người, còn bây giờ thì trống rỗng, lời người bay mất nhanh lắm, nó cũng như mấy chiếc lá cứ làm cho mình tưởng là bắt được, té ra cứ lượn lờ đẩu đâu. Bà càng nghĩ càng quẩn, đúng là lời gì gì ấy lúc sáng nay đã làm cho bước chân mình nhẹ bổng, xăng xái, vậy mà tất cả đã bay đi mất tiêu. Tự dưng rồi chợt nhớ chợt quên! Đầu óc bà cũng đâu đến nỗi tệ, bà nhớ hết chớ, chỉ lâu lâu mới bị như thế, chuyện sáng nay ở Trung tâm vẫn như vừa mới đây, bà nhớ như in. Đấy, bà nhớ rõ đấy thôi. Mắt bà Dần lại đượm buồn, tay bà thôi không chơi đùa với mấy chiếc lá nữa, bà chìm vào cái kí ức vừa mới được lưu giữ…

…Nhìn đi nhìn lại chẳng còn mấy mống, ngôi nhà Trung tâm chợt trống như chùa bà Đanh. Cuối năm mà, mấy ổng, mấy bả phải về ăn Tết. Từ chiều qua đến giờ, xe ra vô cổng trung tâm nhiều lắm, cứ chốc chốc lại rộ rộ, lại tiếng cười, tiếng nói, lại xách giỏ, lại dìu nhau, lại chúc, lại vẫy… Ba cái ghế đá trước sân đột ngột vắng hoe, làm như mấy ổng mấy bả đã bốc hơi thiệt nhanh vậy. Thường ngày mấy cái ghế này luôn "đắt hàng", người này nhổm lên đã có người khác thay chỗ, giờ chỉ còn mấy chiếc lá còng queo, lăn lốc. Xong giờ đọc báo, bà Dần hết nhìn ngang rồi nhìn dọc, tự dưng mắt bà sáng lên, bà vừa có một quyết định trong đầu, mà cũng chẳng phải vì cái giờ đọc báo vắng hoe sáng nay, từ mấy đêm qua kìa, bà cứ trằn trọc mãi, không sao chợp mắt được. Từ lúc có mấy chiếc xe rồ rộ ngoài cổng, bà không dám nhìn về phía ấy. Thật ra là bà đã ngóng ra phía ấy suốt buổi sáng hôm kia, cả ngày hôm sau, rồi bà không dám nhìn nữa, nhưng mà lạ, cái lỗ tai khốn khổ cứ hướng ra cổng. Bà đợi nghe chút âm thanh quen thuộc của con cháu mình. Cứ mỗi lần có chiếc xe chạy ra khỏi cổng thì cái không khí trong này lặng xuống, không ai nói ai rằng gì cả, mấy người còn lại cứ cúi đầu mà đi, rồi mỗi người lại chìm vào một góc như mấy cái tượng còng lưng đặt đâu yên đấy. Bữa cơm cũng chỉ nghe tiếng muỗng đũa khua khua. Lặng im quá bà cũng sợ mà người ta rối rít đưa đón ồn ào quá bà cũng sợ, bà sợ đến mức co rút người, mắt cứ thẫn thờ như bị ma quỷ lấy mất hồn.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Hắn mở bản đồ định vị các hành trình xe sang màn hình vi tính rồi bấm điện thoại.

- Alô! 705 hả?! Sao dừng lâu vậy? Sao? Ăn cháo hào mà hơn nửa tiếng đồng hồ hả? Ăn cháo hào hay ăn gà móng đỏ, nói mẹ đi, cái tật gái gú của mày lạ gì mà cãi. Thôi, đi tiếp đi, không kịp qua cửa khẩu bị ách lại thì khốn nạn đó. Mày coi liệu về nhận hàng đi tiếp, chuyến sau phải giao thừa mới về lại tới nhà đó. Ừ, tốt, tốt…

- Alô! 612 phải không? Sao đi vòng chi vậy? Bắn tốc độ hả? Đường chính bẫy nhiều hả? Mấy thằng ngược chiều đưa tay ra hiệu à? Ừ, ba chục cây… "đạp" sao cho khỏi dính, khốn nạn thật. Mày bị vi phạm tốc độ hai lần rồi đó, quá tam ba bận đừng trách à nghen!

Hắn thả điện thoại lên mặt bàn, xoay ghế một vòng, lầm rầm: "Hành trình… hành trình… Không có hành trình nào qua được mắt ông. Giờ thì đừng hòng…". Hắn chợt bung cười một tràng dài sảng khoái.

                         *

Bà Dần mở giỏ cầm bộ đồ bông nâu trải ra giường, hai bàn tay đầy gân xanh của bà cứ vuốt, vuốt mãi. Cán bộ đi ngang qua hỏi:

- Chà, bác Dần chuẩn bị đồ día ăn Tết hả?

- Con cháu nó nhớ, nó nhắn… về ăn Tết.

- Thiệt hả bác? Vậy là nhất bác rồi nhé!

Các nếp nhăn kéo dùn về hai đuôi mắt, bà Dần cười móm mém. Trong đầu bà đang hiện ra hình ảnh thằng cu Thắng, cháu nội của bà. Bà thấy rõ ràng nó chạy ra mở cổng rồi sà vào lòng bà: "Nội ơi, con nhớ nội". Ba thằng Thắng cũng ào ra xách cái giỏ: "Sao má không đợi con đánh xe đến chở?". "Dữ hông! Bây quên nội rồi thì nói đại cho xong". Bà nói lẫy nhưng trong bụng thì nghe ấm áp lắm…

Cô cán bộ nhắc: "Sao bác không đợi con đến chở?". "Nhà gần mà cô, tôi túc tắc đi cho khỏe người". Bà vừa nói vừa vuốt mớ tóc mai bạc trắng vắt gọn lên vành tai như cái cách thường làm của một thời con gái, một thời hương trời lửa đượm, gân cốt mạnh mẽ. Miệng bà lại móm mém cười lần nữa, các nếp nhăn lại đẩy dùn về hai đuôi mắt, trông cứ như người đang hạnh phúc, lòng ngập tràn niềm vui.

Bà biết hết, đến nỗi nào mà bà không biết ánh mắt ái ngại của cô cán bộ, nhưng bà vẫn nói cứng: "Tội! Tụi nó bận làm ăn dữ lắm cô ạ! Cuối năm, tụi nó tối mặt tối mũi với sổ sách, tiền bạc mà! Mình còn đi được thì cứ đi, đỡ cho con cháu được chút nào hay chút nấy. Tui phải về sớm sớm để làm món kiệu chua, bọn nó bây giờ vụng lắm, không khéo là nước muối bị khé liền à… Tui về sớm, chắc thằng cu Thắng mừng lắm đây, cái thằng cứ bám theo nội mới lạ chớ". Bà liếng thoắng một thôi một hồi làm cô cán bộ cũng bật cười vui vẻ.

Bà Dần xách túi bước đi, chỉ cô cán bộ đưa ra tới thềm. Không biết nghĩ sao cô ấy cười, nói thiệt nhanh: "Bà về ăn tết vui nhé!", chợt ngưng tiếng cười, thở ra một hơi thườn thượt. "Kệ, miễn sao cho mình đi là được rồi" - bà Dần nghĩ vậy rồi bước xăng bước xái, ngang qua cổng bà cũng không dám ngoái nhìn sợ cô ấy đổi ý.

                         *

- Alô! Em à?! Anh định trưa nay đi chở má về ăn Tết. Sao? Đóng cửa ăn Tết để tránh khách thăm phiền nhiễu là sao? Đặt phòng ở resort Mũi Né à? Cả ngàn đô, mắc dữ vậy à? Ừ, ừ… cũng được…

                     *

Bà phải về nhà ăn Tết chớ, Tết nhứt là dịp gia đình sum họp đầm ấm mà. Chắc là do bận bịu, tụi nó mới quên bà, năm hết Tết tới thế nào nó cũng nghĩ lại thôi. Lẽ nào nó bỏ bà được! Con dâu thì có thể, chớ cha thằng Thắng là do bà xé ruột đẻ ra mà, làm sao nó bỏ mình được. Mình cứ đi, chắc là giờ này nó đang trên đường tới đây. Mình phải đi đường thẳng, không được rẽ, để tụi nó thấy mà dừng xe lại, không thì lại khốn khổ cái cảnh con đi tìm mẹ.

Đang đi bà chợt sựng lại: "Hay chúng bỏ mình thật?". Ở Trung tâm một năm, bà nghĩ nhiều, nước mắt chẳng còn để rỉ ra một chút cho vơi bớt cái cám cảnh bơ vơ, cô độc. Bà thuận theo ý chúng ra đi để gia đình chúng được yên. Làm sao bà quên được những lần giằng mâm xáng chén của con dâu. Chuyện không đẩu không đâu, con thằn lằn ỉa, cọng lông gà ở đâu bay vào nhà nó cũng đè cha thằng Thắng ra mà đay nghiến. Bà biết tính đàn bà con gái chớ, là bóng gió ấy mà, cái đích của những cơn đay nghiến đương nhiên là bà rồi. Bà nhớ hôm cha thằng Thắng đi họp đi hẹt gì đó, trưa trờ trưa trật, con dâu bà mới về. Nó ném hộp cơm đánh phạch xuống trước mặt bà rồi ngoe nguẩy bỏ đi. Lúc ấy, bà còn nước mắt nên mới vừa ăn cơm vừa ràn rụa, ướt đằm, nước mắt thay canh tới mức ấy, mà nhờ nước mắt tuôn ra nên lòng nhẹ được đôi chút, chớ như bây giờ thì biết làm sao. Nghĩ cho cùng, cạn hết nước mắt như bây giờ thật mệt, vì nỗi buồn tủi cứ lận vào bên trong, ruột gan làm như thắt thắt từng cơn, đau lắm. Cho đến cái hôm nó úp nguyên nồi cá kho lên đầu cha thằng Thắng, cá mắm chảy đầy đầu đầy cổ thì bà không chịu nổi nữa. Bà ôm thằng cu Thắng thật chặt vào lòng, mắt mũi dụi mạnh vào người nó, kềm lại cơn co giật của đôi vai. Hôm sau, cha thằng Thắng đưa bà vô Trung tâm Bảo trợ xã hội, bà hiểu đây là cách cuối cùng để cứu gia đình nó nên bà không nói gì. Chỉ trách: Cái thằng thật tệ, làm thủ tục xong là nó một đi không trở lại. Tuần nào người ta cũng có con cháu tới thăm ríu rít quà cáp, bà chỉ còn một nước cứ thứ bảy là giả mệt nằm quay mặt vào trong tường. Bà biết bà chẳng còn ai trên đời này. Bà không dám trách cha thằng Thắng, bà nghĩ vì sự có mặt của mình mà chúng nó khó ăn khó ở với nhau, ra đi để chúng được yên vui thì sự ra đi của bà cũng đáng lắm.

                       *

- Alô! 532 hả? Sao? Bị ách ngay cửa khẩu à? Mẹ nó! Úng hàng còn gì! Được rồi, để tao điện thoại cho sếp nó. Rồi rồi, yên tâm, anh mày xưa nay chưa từng biết thua mà. Hành trình của mày vất vả đó, Tết sẽ thưởng. Đương nhiên, đương nhiên…

- Alô!... Alô!... Alô!...

                        *

Mà lẽ nào chúng bỏ bà thật? Tết nhứt thế này, bà cũng giúp được chúng chớ, không hũ củ kiệu thì cũng nồi măng kho, không thì cũng chơi với thằng cu Thắng cho chúng rảnh tay dẹp dọn, bà đâu phải đã thuộc loại không giúp được gì cho chúng. Lẽ nào chúng bỏ bà, quên bà? Lẽ nào con cái lại bạc bẽo với mẹ chúng vậy được? Bà Dần lại nhìn con đường hun hút phía trước, dừng lại đứng đơ một hồi lâu. Bà ngước nhìn mấy tòa nhà cao ngất, chợt bà thở ra: "Giàu chi giàu dữ, nhà cao cửa rộng làm chi mà sống chẳng tình chẳng nghĩa. Mà thôi, chuyện người đời, con bà chắc không đến nỗi, thế nào cha thằng Thắng cũng nghĩ lại. Biết đâu giờ này nó đang cuống cuồng tìm mình cũng nên". Bà cố tình đi chậm lại, bước chân thả từng bước, từng bước lững thững, một phần vì mỏi gối, một phần sợ đi nhanh quá con nó đi tìm mệt mà tội nghiệp.

Bà Dần lại thấy mình đang ở trong nhà, bà mặc cái áo bông nâu phẳng phiu cắm ba cây nhang  lên bàn thờ chồng, rồi thầm trách ông sao bỏ bà lại một mình thế này… À không, bà đâu có một mình, thằng cu Thắng đang quẩn chân bà, bà có con có dâu hẳn hoi còn muốn gì nữa. Bà chợt cười cho cái tuổi già lẩn thẩn của mình. Chợt tiếng còi xe tin tin một tràng dài ngay trước mặt là bà tỉnh người, luống cuống ba chân bốn cẳng dạt vào trong lề đường. Lão tài xế thò đầu ra hét lớn: "Muốn chết hả bà già?". Bà Dần không đi nổi nữa, bà ngồi xuống gốc cây thở hổn hển.

                         *

- Alô! Em hả? Nhận tiền bên ngân hàng rồi hả? Nhớ tăng cường thêm hai thằng đi bảo vệ. Ừ, đừng chủ quan. Bây giờ, nạn cướp giật hoành hành dữ lắm đó… Em! Anh nói này, hay mình chở thằng Thắng lên Trung tâm thăm bà nội? Khỏi hả? Em mệt đừ rồi hả? Ừ, thì biết có cán bộ lo nhưng…

Lợi thả chiếc thoại xuống bàn, bần thần. Nhanh thiệt, đúng là ngày cùng tháng tận, mới đó mà đã năm hết Tết tới. Lợi ngồi một chỗ mà theo dõi, điều hành tất tần tật mọi hành trình, tất cả trục trặc trên đường rồi cũng qua. Phương châm của Công ty Vạn Lợi là thắng lợi trong ngàn vạn cuộc vận chuyển mà. Không có hành trình nào mà hắn không theo dõi sát sao, xử lí nhanh gọn.

- Không biết bà già Tết nhứt ra sao trên đó?!

Nếu có một hành trình nào đó còn ngoài tầm kiểm soát của hắn thì đó chính là cuộc sống của má hắn. Hắn chợt thở ra một hơi dài, vừa xoay mạnh chiếc ghế da vừa lắc lắc đầu. Một thứ linh tính buồn vừa dâng ngập người làm hắn rã rượi cả tứ chi. Hắn gục đầu xuống chồng sổ sách đầy số là số của những hành trình xe cộ, tài xế trong mấy ngày cuối năm.

                         *

Cái trò chơi với mấy chiếc lá đã giúp bà Dần xua hết mọi suy nghĩ ra khỏi đầu. Đôi lúc bà giật mình: "Phải về nhà ăn Tết chớ", nhưng bà không đứng lên được nữa, hình như hai khớp chân đã bị tháo ra, hình như tay chân bà không còn là của bà nữa. Cơn gió mạnh đẩy bà ngả dựa vào gốc cây. Cũng hay, trong tư thế này bà thấy dễ chịu hơn nhiều. Bà định liếm môi, bà khát nước, nhưng sao cái lưỡi đã thụt đâu mất, bà múm môi múm miệng vào tận bên trong mà cũng không chạm được lưỡi. Lạnh. Lạnh thấu xương khi trời bắt đầu xế bóng, từng cơn, từng cơn đau buốt đâu đó. Trớ trêu là khi bà không hứng lá nữa thì chúng cứ nhè vào người bà mà trút xuống. "Về ăn Tết chớ! Phải về nhà ăn Tết… chớ!". Ý nghĩ ấy thôi thúc bà dữ lắm, bà muốn cục cựa, muốn đứng dậy, muốn ú ớ gọi cha thằng Thắng, nhưng sao người bà cứ đơ ra, rã rời.

Lá trút dữ quá! Bà muốn né người tránh mấy chiếc lá nhưng đành chịu thua, chúng đậu cả trên mặt, trên tóc, chúng còn nhè cả hốc mắt của bà mà rơi, thật là quá đáng. Một màn sương trắng chợt phủ quanh gốc cây, phủ cả những chiếc lá vàng khô. Co  rút, bà mơ màng nghe tiếng thằng cu Thắng: "Nội, con nhớ… nội". Bà chợt thấy mình bay lên, thấy người nhẹ lâng lâng, lòng vui mừng khôn xiết với ý nghĩ mình đang về ăn Tết

N.H.
.
.