Mùa xuân của chị

Thứ Bảy, 26/03/2016, 15:10
Sau năm năm gặp lại, chị thay đổi đến chóng mặt. Từ một cô giáo dong dỏng, da trắng, hàm răng cắn chỉ đến mái tóc uốn bồng bềnh thì đối diện với tôi bây giờ là bà già da đồi mồi, tóc cắt ngắn xác xơ và lưng đã bắt đầu lom khom.

Không nỡ gieo vào lòng chị nỗi buồn, tôi cứ để chị nói cho xả hết những gì chị phải gánh chịu.

- Em không thể tưởng tượng được đâu, chị tưởng không sống được nữa. Nhưng muốn chết cũng chẳng chết được, đúng không em?

- ??

- Nghỉ hưu được hai tháng, chị bị ốm một trận tơi bời. Hôm ấy đang cúi xuống rửa chân, chị ngã dúi xuống vòi nước. Chẳng ai biết, chị ngất đi. Tỉnh dậy máu chảy ở má đã khô lại, vòi nước chả hiểu sao chỉ chảy ri rỉ. Chị hì hục lết ra ngoài.

- …

- Thằng cháu đi học về cố lôi bà lên giường. Nó làu bàu sao bà nặng thế, ăn lắm vào. Nhưng có phải chị ăn nhiều đâu, chị đâu có tiền để mua đồ bổ béo. Chị bảo cháu rằng do người bà thế chứ không phải bà ăn nhiều.

- …

- Thằng Vương về càu nhàu bà đi linh tinh, quan hệ nhiều người nên già mới đổ đốn ra thế. Em biết chị cẩn thận lắm mà. Mụ Toán cũng chồng chết như chị mà quan hệ đến gần chục thằng đàn ông, chị chỉ có mỗi ông Đường làm bạn. Mà em biết không, lão Trương khốn nạn lắm nhé. Nó tưởng chị máu me, nghỉ hưu rồi còn mò đến nhà chị.

Minh họa: Đào Quốc Huy.

Chị hào hển với cốc nước tu cạn.

- Em không để ý chứ cái Thu, cái Dung đều qua tay lão ấy hết. Muốn làm tổ trưởng hả? Muốn có tí chức hả? Mấy con mụ ấy phải chìa vốn tự có ra chứ nghèo kiết thế làm gì có tiền.

- …

- Thế rồi lão cứ mon men đến bên chị. Lão mang cho chị cân cam với gói bánh. Lão ấy bóc cam, đưa cho chị, bảo em ăn đi, cam ngọt lắm. Cam đường Sài Gòn đấy. Lão ấy lòe, tưởng chị không biết. Cam Hà Giang thôi, chỉ mười ngàn đổ đống đầy đường.

- …

- Đưa nửa quả cam cho chị, lão còn cố tình nắm tay. Nhưng chị tỉnh lắm nhá, không chịu để tay mình trong tay lão.

- Lão tưởng chị e thẹn, sấn thêm tí nữa. Chị ẩy lão ra, nói em già rồi, không thích nữa.

- …

- Lão ăn hết nửa quả cam, tiếp tục à ơi. Lão bảo nhớ hồi tập huấn ở Hà Nội, thầy Sơn bảo trường mình có em Chuân máu lắm. Máu cái mả bà nhà chúng nó! Tưởng làm thầy muốn ăn nói thế nào cũng được à? Ngày ấy chị nể chứ không cho chúng nó quay luôn. Nó tưởng chị không chồng thì thiếu lắm, đói lắm.

- …

- Thế rồi chị cho lão Trương nhăn nhở một cái đạp. Sau cái đạp ấy chị ngã lăn ra. Lão sợ chạy mất dép đến giờ. Cũng từ ấy chị liệt vị luôn.

Chị ôm mặt khóc. Nước mắt lã chã rơi xuống khuôn mặt nhăn nheo quá sớm. Bởi vì phụ nữ thời nay không già nhanh, họ biết kéo dài tuổi thanh xuân.

- Thằng Vương buồn chuyện gia đình, mà cũng chán nhìn mẹ thất thểu vào ra nên bỏ đi rồi. Nó chả nói với chị một câu. Đường đường là trưởng phòng, bí thư chi đoàn rồi trưởng ban đời sống của một công ty lớn mà nó bỏ hết. Giờ chị chả biết nó ở đâu.

- …

- Từ ngày đi, nó gọi cho chị có hai lần. Hỏi nó ở đâu? Làm gì? Nó bảo bà chả biết làm gì. Chị hỏi nếu chị chết thì tìm nó làm sao? Nó bảo bà còn lâu mới chết. Thỉnh thoảng nó gọi điện về là được.

- …

- Em biết không? Bao đêm chị nằm khóc thầm. Sao đời mình lại khổ thế? Mình có ăn ở bạc ác với ai đâu mà ông trời bắt tội chị như thế? Mà người ác như lão Trương cứ sống nhăn răng. Người nhẵn thín mà chạy chọt được thương binh, rồi được xây nhà tình nghĩa.

- …

- Cháu chị mới hai tuổi cũng khổ. Mẹ đã hỏng, đến thằng bố cũng rũ áo ra đi.

Chị giơ đôi tay khẳng khiu trong chiều giá rét. Cái áo len mỏng vẫn không che hết phần xương chìa ra.

- Thằng bé chả biết gì, đêm khóc ngằn ngặt đòi bố mẹ. Chị biết làm sao? Bế nó còn không nổi biết tìm bố mẹ ở đâu? Mẹ nó đề đóm bị chủ đề túm cổ lôi đi, được nửa tháng về xác xơ như tàu lá. Vợ chồng thằng Vương đánh nhau ngày hai lần, chị chỉ khóc, chả can được.

- …

- Chị bảo thằng Vương đừng đánh nhau nữa, để mẹ yên. Nó bảo tại mẹ chiều vợ nó, không chịu bảo ban vợ nó, chỉ chăm chăm mấy việc ở cơ quan, rồi đàn đúm. Ô thế ra là tại chị. Vợ nó nó không dạy tại sao lại đổ vạ? Em thấy đời buồn không?

- …

- Thằng cu con hay ốm vặt, chị gọi điện bảo mẹ nó về đón con nhưng nó bảo cháu bà thì bà nuôi. Nó còn phải kiếm sống. Con bà làm tan nát đời nó rồi, cái thân còn không đỡ nổi. Thế là hai bà cháu dìu nhau qua ngày. Có hôm bà khóc cháu khóc. Nhưng buồn cười lắm nhá, thấy bà khóc ghê quá thằng cháu lại im, nó còn an ủi bà.

- …

- Nhà chị so với mấy năm trước chỉ có lụi tàn đi. Em nhìn mấy cái cánh cửa xem, toang hoác ra thế cũng đành chịu. Hôm nọ giữa trưa, nằm trong nhà tự nhiên nghe đánh “rầm”, thì ra nó tự rụng xuống. Hai bà cháu phải cố kéo lên. Được cái thằng cu con chưa đến chục tuổi nhưng cũng người lớn ra phết.

Khuôn mặt chị đỡ nhăn, nước mắt đã khô khi nói đến đứa cháu.

- Cũng may chị biết tự chăm sóc bản thân. Hàng ngày chị đi tìm ở bãi cỏ hoang toàn cây thuốc nam quý. Người mình chết vì thiếu hiểu biết, sống trên đống thuốc mà không biết. Lá kiếm được chị uống hằng ngày, vậy nên mới được thế này đấy.

- …

- Nhưng cũng may em ạ. Chị có đồng lương hưu. So với mấy bà ở xóm này, chị là người có lương, lại cao nhất nên hai bà cháu cũng đỡ khổ. Có người còn không có lương, không con cái. Ngày nắng cũng như ngày mưa phải vật vờ cả ngày buôn bán lặt vặt kiếm sống. Họ khổ nhỉ em nhỉ?

Chị ngó vào tôi thân tình. Mùi mồ hôi ngai ngái cộng với mùi phân gà phân chó ngoài sân xộc vào, mặc, chị vẫn thao thao.

- Nhà chật nhưng chị cũng nuôi được năm con gà đẻ trứng. Hai bà cháu ăn thoải mái, nếu chán đem trứng ra đổi thịt. Nhưng giờ trộm nhiều lắm. Chị phải nuôi thêm hai con chó. Bọn trộm chó cũng nhiều. Thành ra chị phải nhốt suốt.

Hình như bọn gà chó nghe được tiếng chị nên chúng làm dàn đồng thanh cùng tấu một hồi dài. Chị phải ngó cổ ra quát:

- Có im đi không? Nóng bức thế này tao cho chết hết bây giờ.

Âm thanh tắt nhanh chóng. Có lẽ vật và người quá gần gũi, quá hiểu nhau.

- Chị cứ cố gắng được ngày nào hay ngày ấy. Phải tự chăm sóc bản thân em ạ. Giờ em biết đấy, hai bà cháu dựa vào nhau. Nếu chị chết thì nó khổ.

Nước mắt lại trào ra, chị đưa cánh tay lên lau.

- Chị chết, cháu nó phải vào trại mồ côi, bố mẹ nó mấy năm rồi không hỏi gì đến con. Nhưng chị phải nuôi nó nên người.

Chị xoài chân ra khỏi giường, lúi húi lôi rất nhiều túi trong cái tủ cũ. Lần giở từng thứ ở một trong cái túi ấy, cuối cùng chị đưa cho tôi một cái gói nhỏ. Cái gói nhỏ nhưng có vẻ nặng. Chưa kịp hỏi chị đã mỉm cười, ánh mắt như tỏa nắng.

- Có nằm mơ em cũng không thể đoán được trong gói này có gì đâu.

Chị ghé sát vào tai tôi. Vẫn là mùi mồ hôi hăng nồng:

- Vàng đấy!

Tôi tròn mắt nhìn chị như người ngoài hành tinh. Chị nháy mắt. Tôi thấy được sự tinh nghịch duyên dáng trước đây.

- Không tưởng tượng được, đúng không? Chị tiết kiệm được bốn cây vàng. Phải phòng lúc ốm đau, rồi còn bao nhiêu thứ cần tiền.

Miệng chị lại mếu xệch đi. Đúng là người bị tai biến rất hay mủi lòng, nhất là vào hoàn cảnh của chị. Khi mấy lớp bọc được cởi bỏ, bốn thỏi vàng lấp lánh trong tay tôi.

- Chỉ có em biết thôi đấy. Chị giấu kĩ lắm. Thằng Vương mà biết thì nó moi cho bằng hết.

- …

- Sau này thằng cu lớn lên, nó phải học đại học, nó còn xin việc. Chị để dành cho nó.

Vừa nói chị lại lúi húi gói lại đám vàng. Lại là những túi lổn nhổn tống vào trong cái túi lớn. Chị lại xoài người đút cái túi vào tận bên trong cái tủ không khóa.

- Nó cũng biết nên không đua đòi. Chị mong nó nên người. Nhưng em biết đấy, thằng Vương ngày trước cũng ngoan ngoãn, chăm học, thế mà lớn lên lại đổ đốn ra.

Miệng chị lại nhệch ra muốn khóc. Tôi nắm lấy tay chị.

- Em không biết đâu, những hôm mưa to gió lớn chị chẳng biết làm sao đóng cho chặt cái cửa. Hai bà cháu tha hồ tát nước. Thằng cu cứ ẩy bà lên giường. Nhìn nó hì hục lau chùi mà thương.

Tôi quay ra mở mấy cái xoong nồi giấu giọt nước mắt chực lăn ra. Mấy miếng thịt nằm lỏng chỏng, cái nồi bên cạnh mốc meo chắc đã lâu không được đụng đến.

- Chị chi tiêu tiết kiệm lắm. Hai bà cháu ăn uống chỉ triệu bạc. Còn tiền đóng học, mấy thứ tiền linh tinh nữa.

Lòng tôi chung chiêng mất mấy hôm, không hiểu sao số phận lại giáng xuống đầu chị những cú mạnh thế? Hồi cùng cơ quan chị được nhiều người yêu mến vì sự vô tư, nhiều khi là vô tâm và chắc chắn chị không ác ý với ai. Chị bảo có thể kiếp trước chị là người hư thân mất nết, gian ác nên kiếp này mới phải chịu cảnh cô đơn và bị bạc đãi.

Mấy hôm sau điện thoại của tôi reo vang. Happy new year! Chả là tôi cài đặt chuông theo cảm giác và mùa trong năm. Tiếng chị có vẻ vui:

- Em ơi! Hôm nào đến nhà chị chơi. Tiền em cho chị mua chăn đệm, ấm lắm. Mà không biết người bạn nào cho thợ đến sửa cho chị mấy cái cửa rồi. Chắc chắn lắm. Chị hỏi mà mấy người thợ mộc chẳng nói ai thuê cả, chỉ bảo là bạn bác. Người ấy thời nay chỉ có thể là thiên sứ thôi em nhỉ? Tiếng chị cứ văng vẳng bên tai tôi đến mấy hôm. 

Truyện ngắn của Dương Thị Nhụn
.
.