Mùa tu hú gọi bầy

Thứ Năm, 17/12/2020, 19:25
Có ngắm nhìn thật kỹ những con chim xấu số. Một gia đình chim tu hú đã bị ngọn lửa thiêu sống. Có thương mấy con chim chết cháy nhưng cũng thương cho chính số phận của mình. Nhà sàn sáu gian đó, giờ chỉ còn trơ lại nền đất. Ruộng nương bán đi gần hết rồi. Anh chị em mỗi người mỗi ngả, kẻ Bắc người Nam.


Mặc cho những cú đấm, đá và cả thanh gỗ dài gần sải tay nện xuống cái thân gầy còm, Có cũng chỉ biết co ro ở góc sân ẩm đầy rêu xanh. Thấy Chiển đến, ánh mắt Có van nài cầu cứu. Thằng Hanh dừng tay nói với Chiển. “Anh xem thằng này có đáng bị đánh không? Ăn ở ngủ nghỉ cả tháng trời ở nhà em không so đo tính toán, vậy mà chỉ cần em một phút sơ sểnh nó đã dám trộm chiếc điện thoại vivo mới mua của em đi cắm ở cửa hàng điện thoại Toàn Thắng lấy tiền mua thuốc để bắn”. 

Chiển nhìn vào đôi mắt trũng sâu của Có, nó đã thú nhận tất cả. Nó đã ăn cắp điện thoại của bạn đem đi hiệu cầm đồ cắm lấy tiền mua thuốc hút để người ta kéo đến nhà bắt tội. Vợ chồng bác Kiên còn chưa biết làm cách nào để cứu cháu thoát khỏi trận đánh, anh có thể giúp được gì. 

Chiển là tồng kết bái của anh trai Có, vợ chồng bác Kiên thân hơn nhiều. Rất ít khi Có đến nhà anh tồng, mỗi lần về bản nó tìm đến nhà bác Kiên. Bố bác Kiên với ông nội Có là hai anh em. Bác Kiên biết Có nghiện nhưng không nỡ xua đuổi. Vợ chồng bác vẫn cho Có tá túc trong nhà, cho ăn, ngủ. 

Người trong bản nói với bác Kiên sao có thể chứa chấp một thằng nghiện ngập, cho nó ăn ở tự do trong nhà? Bác Kiên phân trần. “Dù sao nó cũng là cháu. Nó còn có chỗ nào để chui ra chui vào nữa đâu”. “Cháu không được trộm cắp để người ta nói ra nói vào rồi kéo đến nhà bác gây sự đấy. Mà cháu cũng tỉnh lại đi không thì đời cháu cũng chỉ như “cái rích má” (vũng sình lầy) dưới sàn nhà đen kịt mà thôi”. 

Bác Kiên đã nói với Có nhiều lần như thế lắm rồi. Nhà không có để ở, gia đình anh trai chuyển vào miền Nam sinh sống, đất đai bán đi gần hết, nghe bác Kiên giảng giải Có cúi đầu nghĩ suy. Nó hứa sẽ từ bỏ. Vậy mà hôm nay nó đi ăn trộm của bạn để chúng nó kéo cả bọn đến tận nhà bắt đền. Nhưng không thể để chúng đánh Có chết ngay trong sân nhà được. “Các cháu dừng tay ngay, điện thoại của cháu bác sẽ đến chuộc về”. 

Nói với bọn người của thằng Hanh xong, bác Kiên nhìn thẳng vào mắt thằng Có: “Bác đã nói bao nhiêu lần rồi cơm canh cháu ăn bao nhiêu bác không tiếc. Nhưng cháu đừng bao giờ ăn cắp ăn trộm của người ta. Bác chỉ cứu cháu lần này nữa thôi, không có lần sau nữa đâu. Nhớ đấy”. Vợ bác Kiên cũng nói một câu rồi đi vào nhà. Một câu nói mà Có không còn dám bước chân vào nhà bác Kiên nữa.

*

Có ngồi trước cửa ngôi nhà nhỏ trên đồi Khau Khoang nhìn người trong bản đem dao, xẻng đi phát cỏ, đắp mộ chuẩn bị ngày tảo mộ. Bên phải là ngôi mộ của bố đã ba năm nay nhờ vào khói hương nhà bác Kiên trong lễ tảo mộ mới không trở thành ma đói khát. Có cũng muốn có bát xôi, đĩa thịt để cúng bố lắm. Nhưng cái thân này… bố ơi, mong bố hiểu cho con. 

Nhìn qua cánh đồng bên trái đến chân đồi núi Phja Kim là ngôi nhà và vườn cây ăn trái đã gắn bó suốt tuổi thơ của Có. Bây giờ nhà không còn, đất đã bán hết cho người làng, chỉ còn đất rừng cây núi đá là chưa có người mua. Sổ đỏ đất rừng khoanh anh trai Có đã đem theo vào Nam. Có chỉ còn lại chỗ đất rừng đó và một nửa mảnh ruộng hằng năm cho bác Kiên cấy cày hộ. Đời ông nội, đời bố đất đai nhiều nhất nhì bản, nhà bảy tám người sống hòa thuận. Vậy mà đến đời Có sắp không còn mảnh đất chôn thân nữa rồi.

“Liệu thằng Có còn có thể cai nghiện được không?”. Bác Kiên hỏi Cúng Sài chuyện cai nghiện cho cháu. Cúng Sài người hay lui tới nhà bác Kiên trả lời. “Thằng Có bỏ được thuốc đó thì cháu sẽ lấy đầu đi thay chân”. Anh Đại người hay đến nhà bác Kiên uống rượu quả quyết. “Hừm, thằng Có này hỏng thật rồi. Đời cha ăn mặn đời con khát nước, các cụ nói không sai”. Cúng Sài lắc đầu.

Cúng Sài không thể quên được những việc ác mà thằng Khoang bố Có đã làm với ông và người làng. “Thằng đó cán bộ nghỉ hưu, không bị truy tố đi tù là may mắn cho nó rồi”. Nhà Khoang ở chân đồi, trên đỉnh đồi có hệ thống chiến hào, hầm ngăn địch tiến lên đèo Khau Khoang. 

Chiến sự biên giới ào qua đi nhanh, Khoang cùng mấy người con lên tháo lấy những tấm bê tông cốt sắt về lót chuồng trâu, chuồng lợn, bắc qua mương nước, những tấm bê tông cong chữ C ở hầm chỉ huy không thể lót chuồng trại Khoang dùng búa đập vỡ bê tông lấy sắt đem bán. 

Minh họa: Tô Chiêm

“Thằng Khoang là cán bộ còn lấy được, không lẽ chúng ta không thể?”- Người làng nói với nhau. Và chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng những căn hầm được xây kiên cố bằng những tấm bê tông đã được tháo đem về lót chuồng nuôi gia súc, những tấm cong đã bị đập lấy sắt rèn nông cụ, bán sắt vụn. 

Đến nhà Khoang nhìn chỗ nào cũng thấy những tấm bê tông, dưới gầm giường, trên gác đủ các thanh sắt dài ngắn, to nhỏ. Người làng được một thì nhà Khoang được gấp mười. Có nhà thì chẳng lấy một tấm nào. “Nhỡ chiến sự lại xảy ra nữa thì sao, phá hoại công trình quốc phòng tội không nhẹ đâu?”. Nhiều người dân có suy nghĩ như thế. Họ nghĩ đúng và đã không phá hoại những căn hầm. Cúng Sài đã không lấy một tấm bê tông về làm của riêng. 

Mấy chục năm trôi qua thằng Khoang đã đi về với đất nhưng những sai trái của nó thì người làng vẫn còn ghi nhớ. Hồi Khoang còn làm cán bộ xã, thóc ngô giống cấp trên giao xuống để phát cho bà con gieo trồng, Khoang nhận về đã chiếm làm của riêng. Cúng Sài và những người trong làng đến nhà Khoang để nhận giống ngô, chưa kịp mở miệng thì Khoang đã nói “hết rồi”. Khoang đã nói hết thì ai dám lục soát xem giống được cất giữ ở đâu trong ngôi nhà của nó. 

Thằng Khoang còn chiếm tiền quỹ chung của người làng mấy chục triệu đồng. Khoang chết rồi nhưng người làng mấy năm bốc quặng cho công ty khai thác khoáng sản vẫn không ngừng nguyền rủa. 

Tiền mồ hôi nước mắt của cả làng, Khoang có nhiều cái chữ trong bụng, lại là cán bộ xã nghỉ hưu, bây giờ tham gia lãnh đạo xóm được người làng tin cậy cho làm thủ quỹ nên gian manh xảo quyệt. Mỗi hộ một người sáng lên công ty trưa ăn bữa cơm năm nghìn, tiền công để làm quỹ chung của làng. Vậy mà đến khi chết nó vẫn không hoàn trả cho bà con. 

Số tiền Khoang tự ý cho người làng vay mua trâu, bò, lợn cũng không đòi lại được. Phá hoại công trình của nhà nước, ăn chặn tiền mồ hôi nước mắt của bà con mình có tốt đẹp gì đâu. Báo ứng nhãn tiền đến ngay tức khắc, đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Con cái của nó mỗi người một ngả, nhà cửa tan nát. Như thằng Có nghiệp ngập tứ cố vô thân là hậu quả nhãn tiền đấy.

*

Ngày anh Vịnh bán căn nhà bố mẹ để lại cho hai anh em, Có vẫn còn ở sâu bên kia biên giới. Dẫu bác Kiên có báo cho nó biết thì Có cũng không về được. Khi Có về thì chỉ còn trơ cái nền nhà, đất đá ngổn ngang. Những tấm bê tông cũng không còn. Đất nền nhà, vườn cây xung quanh Vịnh cũng bán cho người làng rồi. Chỉ còn đất rừng là Vịnh chưa bán thôi. 

Không còn nhà, Có như con chim không còn tổ để chui ra chui vào. Không thể vào hang sinh sống như những con khỉ lông vàng trên núi Phja Đeng. Bất đắc dĩ Có mới bước chân vào nhà bác Kiên trong những ngày nghỉ Tết. Vợ đơn phương ly dị, chẳng con chẳng cái, Có một thân một mình lại bị mắc nghiện thì sống ở đâu chẳng được. 

Cơn đại dịch COVID - 19 như một trận cuồng phong càn quét trên mặt đất, biên giới đóng cửa Có không thể sang bên ấy làm việc. Có đành sống vật vờ hôm ở nhà người này, mai ở nhà người khác. Cuộc sống của Có giống như những con chim chuyền cành không có chỗ nào cố định. 

Cái tổ thì đã bị anh Vịnh phá tan rồi, Có không còn chỗ trú thân. Có cũng không thể vào nhà bác Kiên nữa rồi. Cũng may anh Chiển Công an viên của xã thương tình cho Có ở tạm ngôi nhà hoang của doanh nghiệp Đại Nam khai thác khoáng sản đã phá sản để lại, làm nơi trú mưa trú nắng.

*

Một chiếc giường kê tạm, cái bếp lửa được kê bằng ba hòn đá, những cái chăn, chiếu còn khá mới được Chiển để lên chiếc giường con. Vài ba cái bát, nồi, chảo được đặt lên chiếc chạn được ghép từ những thanh tre vàng óng. Chiển mở nắp cái xô màu đỏ, chỉ trơ chiếc bơ sữa và một vốc gạo. Mỡ muối sạch trơn. Tối nay nó lấy gì để ăn? Chiển nghĩ thầm. 

“Đất đai nhà nó nhiều nhất nhì bản, do nó không biết làm ăn mới ra nông nỗi này. Giờ nó sống vật vờ, anh phải đi thuyết phục người dân trong bản mỗi hộ ớt khẩu phần nhà mình, nuôi gạo Có, cưu mang Có. “Bố nó còn nợ dân làng này nhiều lắm”. Chiển nhớ đến lời nói của cúng Sài khi Trưởng bản San đề xuất cứu Có. 

Lời của cúng Sài không phải không có lý. Nhưng chẳng lẽ cứ để nó chết đói? Chiển có nhiều thóc trong bồ đấy, nhưng anh còn phải nuôi mấy người con. Lũ gà vịt mấy trăm con nuôi cũng tốn nhiều thóc ngô. Nhưng trong cuộc họp Trưởng bản đã kêu gọi mọi người nhường cơm sẻ áo, Chiển tán đồng ý kiến của anh San. Trước mắt dân bản hỗ trợ Có khó khăn trước mắt. Mỡ muối không hết bao nhiêu. Rau dại như ngót rừng, cúc tần, tàu bay, rau dớn, rau má mọc đầy bờ mương bờ suối chỉ việc hái về nấu ăn. Cất công đi tìm là không thiếu cái ăn. 

Chiển là Công an viên bản, anh là người trông coi cái nhà của doanh nghiệp khai khoáng. Có không còn chỗ nương thân anh bảo nó lên đó mà ở. Chiển không muốn Có vật vờ ở bờ đường hay hang hốc không có cơm ăn, nó lại rình mò ăn trộm ăn cắp của người trong bản. Hôm ở nhà bác Hiền, anh San, Chiển đã nói với Có những lời thống thiết rút từ ruột gan. Nó cúi gầm mặt xuống, miệng đáp lí nhí. Chiển muốn tốt cho Có. 

“Người cứu người trong lúc hoạn nạn là có phúc đức” - Chiển nghe các cụ già trong bản nói thế. Đi chợ Đoài Dương, trước khi về nhà Chiển ghé vào xem Có ra sao? Mở cánh cửa đan bằng những tấm liếp bước vào trong nhà. Trên giường những cái chăn nhàu nhĩ như ổ lợn rừng, dùng ngón tay dí xuống tro nguội ngắt. Những cái bát vứt chỏng chơ trong chậu không buồn rửa. Không biết Có lại đi đâu rồi. 

Nhìn khắp căn nhà nhỏ, ánh mắt Chiển dừng lại cái xô. Lẽ nào? Chiển mở nắp ra, trong xô không còn một hạt gạo. Thằng này hỏng rồi, không còn ai có thể cứu được nó nữa. Hôm qua Chiển đem một bao thóc đi xát về xẻ cho nó một nửa đổ đầy cái xô đỏ. Vậy mà chỉ một ngày nó đã ăn sạch. “Bố nó đem gạo cho thằng Có chẳng khác gì nổ nước xuống đôi sọt gánh”. Vợ cằn nhằn khi biết anh san một nửa bao thóc mới xát về cho Có.

Có lẽ trưa lắm rồi, ngoài đồng không còn một bóng người, Có ngưng tay, tra con dao quắm vào vỏ lững thững bước xuống chân đồi. Mấy hôm nay Có cầm dao, lửa đi đốt những bụi ràng ràng và những loại cây hỗn tạp mọc đầy trên những đám nương lâu năm không còn canh tác. Ngọn lửa liếm vào lớp lá cây cháy xèo xèo. Ngọn lửa không vượt qua đường băng Có đã khoanh vùng trước đó. Những con chim giật mình ngơ ngác, hoảng sợ bay tán loạn trước ngọn lửa hung hãn. Ngọn lửa vụt tắt, hình những đám rẫy hiện ra. 

Có cầm dao chặt nốt những cái cây cháy đen chưa ngã đổ, bất chợt đôi mắt nhìn thấy một vài con chim bị chết cháy trong ngọn nửa hung tàn. Có ngồi xuống nhìn kỹ những con chim bị ngọn lửa thiêu chết. Những con chim non chưa đủ lông cánh bị chết là phải. Nhưng sao có cả những con chim già cũng bị chết là sao nhỉ? Dù ngọn lửa có cháy nhanh, cháy lớn cỡ nào thì con chim vẫn có thể bay thoát ra được. Hay là chim bố mẹ bảo vệ những con chim non nên mới bị chết cháy? 

Có ngắm nhìn thật kỹ những con chim xấu số. Một gia đình chim tu hú đã bị ngọn lửa thiêu sống. Có thương mấy con chim chết cháy nhưng cũng thương cho chính số phận của mình. Nhà sàn sáu gian đó, giờ chỉ còn trơ lại nền đất. Ruộng nương bán đi gần hết rồi. Anh chị em mỗi người mỗi ngả, kẻ Bắc người Nam. Bố mẹ đều không còn, nắm xương tàn của bố gửi lại đất này nhưng đến ngày tảo mộ có còn ai đến thắp hương cúng bái? 

Anh Vịnh bán nhà đi rồi mẹ theo anh vào Nam. Nhưng anh đi ở rể nhà người ta, con cái sinh ra mang họ mẹ. Mẹ phải ở một góc nơi góc bếp, chết đi rồi không được đưa lên bàn thờ, sớm hôm hưởng khói nến. Có cũng không biết nấm mồ mẹ trông như thế nào, có nhiều cỏ dại mọc lên như mộ bố hay không? 

Mỗi lần nghĩ về cha mẹ Có thấy mình là người con bất hiếu. Ngày tảo mộ nhìn người ta đem xôi đủ màu, gà thiến, lợn quay, cá rán, măng nhồi, đậu phụ chao, nem đến cúng ông bà cha mẹ Có cũng muốn có được nắm xôi, đĩa thịt đến đặt trước mặt bố tạ lỗi. Có mong mình có được đôi cánh để bay vào Nam quỳ trước mộ mẹ khóc một trận như hồi trẻ thơ bị đánh đòn đau. Nhưng lục hết túi này đến túi khác chẳng có được đồng nào, mua mấy thứ để làm mâm cơm tảo mộ bố còn khó nói gì đi đến miền Nam. 

Nhà không còn, đất không còn, chỉ còn một khoảnh đất rừng, những đám rẫy cày lên đá sỏi bán chẳng ai lấy Có chặt dọn thực bì đốt đi để lấy đất trồng ngô trồng sắn không biết có cho bắp, cho củ hay không? Bây giờ đang ở nhờ nhà của doanh nghiệp khai khoáng, nhìn những con chim tội nghiệp Có nghĩ đến mình. Loài tu hú lấy tổ của người khác làm của mình, những số phận ăn nhờ ở đậu quá bi thương. Chẳng biết anh Chiển sẽ cho Có ở nhờ bao lâu. Có không biết ngày mai cuộc đời của mình sẽ ra sao? 

Có vẫn là một hộ ở trong cái bản này, một hộ đặc biệt chỉ có một nhân khẩu không vợ con, không nhà cửa, không đất đai, không trâu bò, chỉ mỗi con người. Mỗi khi trong bản có đám cưới cũng không có ai mời đến, đám ma chẳng ai buồn cắt cử công việc đến Có. Có đã là một người thừa ở cái bản này rồi sao? Phải làm gì đây? Có nghĩ. Nhưng cái suy nghĩ và dự định đã bị cơn thèm thuốc phá tan như cuồng phong bão tố rồi.

*

Có mở cửa vào nhà, nhóm bếp, nồi cơm nguội còn khoảng hai lưng bát đã bị con chó chui vào nhà ăn sạch. Có lấy nồi ra cái chum múc nước vào rửa cho sạch rồi xách nồi đến bên cái xô đỏ lấy gạo nấu cơm. Nhưng khi mở nắp ra đã không còn một hạt gạo. Phải nhất định là thằng đó đã lợi dụng Có đi phát cây cỏ đốt nương làm rẫy đã mở cửa vào lấy hết gạo đi bán rồi. Nó là dân nghiện, cùng Có chích thuốc mà. 

Làm việc cả buổi sáng giờ bụng đói cồn cào, không có bát cơm vào trong bụng sao có thể chịu được. Phải xuống bản xin thằng Vượng hai lon gạo nấu cơm mới được. Nó đã hứa khi nào Có không có gạo thì đến lấy vài lon về nấu ăn.

Ngồi ăn bát cơm chan canh rau dại, tự nhiên nước mắt Có trào ra rớt xuống bát cơm mới vơi đi một nửa. “Khi nào cháu bỏ được thuốc hãy vào nhà bác bá. Đừng đem rắc rối vào nhà bác bá nữa”. Có nhớ đến câu nói của vợ bác Kiên. Có muốn gạt đi những suy nghĩ ngắn ngủi, nhưng không thể. Bát cơm ăn thôi sao mà nhục nhã, ê hề đến thế. 

Có cũng có nhà cửa đàng hoàng, đất đai không thiếu, mỗi năm cấy hái được cả trăm bao thóc. Ngờ đâu Có lại phải đi xin gạo người trong bản mới có bát cơm ăn, nghĩ mà cay đắng tủi nhục làm sao. Cơn nghẹn nấc lên, có cái gì đó chắn ngang ở cổ họng, dù bụng vẫn còn đói nhưng miếng cơm vào miệng như đá sỏi, như vôi tôi không sao nhai và nuốt xuống cổ được. Đẩy nắp nồi, cất bát canh lên chạn Có uống cốc nước lã rồi leo lên giường ngủ. 

Chiều nay Có sẽ đi mượn xè beng, xẻng để vào rừng đào củ mài về ăn. Ăn cơm chấm rau tập tàng mãi cũng chán rồi. Vào rừng Có sẽ tìm bẫy chim, gà rừng may sẽ có được bữa thịt cải thiện. Cả tháng trời Có chẳng biết miếng thịt là gì rồi.

Ngoài kia, trên quả đồi Phja Kim, tiếng con chim tu hú vẫn không ngừng gọi bạn tha thiết.

*

“Có, sao con lại đốt chết mẹ? Mẹ là mẹ đẻ của con cơ mà. Mẹ nóng quá Có ơi. Con hãy cứu mẹ đi, mẹ đã về với con rồi sao con lại thiêu chết mẹ Có ơi? Mẹ về đây để giữ lại phần đất còn lại ít ỏi cho con vậy mà con dám đối xử với mẹ như thế ư. Con ơi hãy tỉnh táo lại mà quay về đi, đừng lún sâu vào trong đầm lầy đầy rác rưởi nữa. Con ơi…. Có ơi, có nghe thấy mẹ nói gì không…”. 

Có giật mình tỉnh giấc. Chuyện gì vừa xảy ra với mình thế này? Không lẽ, con chim tu hú… Có bất giác rùng mình, cảm giác sống lưng lạnh toát. Thân xác mẹ nằm dưới ba tấc đất quanh năm đầy nắng gió cách xa nơi này cả ngàn cây số. Nhưng hồn mẹ không chốn nương thân đã quay về. Nhà không còn, linh hồn mẹ vật vờ không nơi ẩn trú. 

Lúc còn sống mẹ sống ở gian nhà bếp của con trai con dâu, khi chết đi không được lên bàn thờ hương khói. Linh hồn mẹ về nơi chôn nhau cắt rốn hóa thành chim tu hú ngày gọi mãi tên con. Ở cái bản này có người mẹ nào bất hạnh như mẹ không? Có cúi gầm mặt, hai tay đập xuống giường trong nỗi buồn bất lực. Phải đi. Không thể sống như vậy được nữa. Phải đi để làm lại cuộc đời.

Chiển vẫn đảo qua nhà Có mỗi ngày mong muốn được nghe một lời giải thích nhưng mấy hôm rồi không gặp nó. Bếp lửa củi tàn, tro lạnh. Những cái bát được rửa sạch úp trên chạn. Cái nồi, chảo không biết Có đã đem đi đâu hay ai đó đã cậy cửa vào nhà đem đi bán đồng nát rồi. Có đã đi đâu? Chiển không biết. 

Có người nói đã nhìn thấy Có đi vào rừng sâu. Có đi vào rừng tìm cây tầm gửi nghiến về bán cho ông Hùng làm nghề bốc thuốc nam lấy tiền mua thuốc. Có đi vào rừng để tránh xa những người nghiện quyết tâm làm lại cuộc đời. Có người nói Có vào rừng tìm cây lá ngón để ăn tự tước đi mạng sống của mình. 

Ngày tảo mộ người trong bản đi thắp hương, bày cỗ cúng bố mẹ, ông bà tổ tiên Có tự thấy xấu hổ khi chẳng có gì bày trước mộ bố. Một người con đại bất hiếu với bố mẹ thì sống làm gì nữa. Chiển không biết tin lời của người nào. Anh sẽ trông ngôi nhà cho Có, biết đâu một ngày nào đó nó sẽ quay về…

Truyện ngắn của Nông Quốc Lập
.
.