Mùa nếp thừng trâu

Thứ Hai, 15/07/2019, 08:42
Mó nước ấy như bao cái mó nước khác, đều là nơi cội nguồn của khe suối. Có điều, nước ở mó không đùn ra từ đáy, những cái vũng chảo nằm ngửa mặt lên trời mà lại ầng ậng lao ra từ cái hầm như mồm con trăn đang ngáp. Quanh miệng hang nước, cây cối xanh um tùm, rờn rợn...

Ở chân dãy núi Ven Đá có một khu đất hình người con gái nằm nghiêng, người già nói rằng đó là khu đất đẹp và màu mỡ hơn tất cả các khu ruộng nương trong bản. Thế nhưng từ đời nảo đời nào đất vẫn hoang hóa, lau lách mọc um tùm không ai dám cấy hái.

Mẹ bảo tôi, làm người cứ ăn ở cốt sao tốt cái bụng, sáng cái đầu thì không phải sợ ma quỷ. Tôi không làm người xấu nhưng khi còn bé, sao tôi vẫn cứ dựng lông tay lông chân mỗi khi có việc phải đi qua gần khu đất ở chân núi ấy. Ngay cả ban ngày, giữa mùa hè thì ở đấy vẫn thấy cái lạnh gờn gợn như mọc từ trong xương, chạy từ chân đến thắt lưng rồi đến mang tai khiến người ta co người, so vai rụt cổ lại. Những sợi lông cứ rân rân dựng lên, cảm giác như hơi lạnh ấy từ miệng một con rắn lớn đang phà vào cổ gáy từ phía sau giục chân đi như chạy mà không dám ngoái lại. Chẳng phải riêng tôi, bọn trẻ đi chăn trâu bò qua đó cũng vòng đường khác, tránh đi qua khu đất ấy, cũng bởi ở đó có một mó nước thiêng tên một loài thủy quái. Người ta gọi là mó Khú.

Mó nước ấy như bao cái mó nước khác, đều là nơi cội nguồn của khe suối. Có điều, nước ở mó không đùn ra từ đáy, những cái vũng chảo nằm ngửa mặt lên trời mà lại ầng ậng lao ra từ cái hầm như mồm con trăn đang ngáp. Quanh miệng hang nước, cây cối xanh um tùm, rờn rợn.

Ngay phía trước của mó là vực nước lớn và sâu, nước in màu rêu xanh rớt. Nước đọng lại ở đây trước khi rót xuống lòng khe suối. Cạnh vực nước là một cây bồ hòn cổ thụ gốc ba người ôm, lá rậm rì, xanh thẫm quanh năm. Mùa quả chín rụng xuống trôi theo khe suối người ta tha hồ vớt lên giặt váy áo. Mùa rét như gai đâm, đi làm đồng về xuống khe suối rửa chân tay mà cứ nóng ấm như pha nước nấu trong nồi. Mùa hè nắng rát như đốt nương thì nước khe lại mát lạnh, ai say nắng đến mấy chỉ cần một ngụm nước mó ấy là tỉnh lại, khỏe mạnh như thường. Hai bên khe suối là những gờ đá uốn lượn nhấp nhô, chỗ thì bằng phẳng như cái chiếu con, chỗ thì phiến đá xếp lớp thành những bậc thềm cho người ra xuống giặt giũ.

Bọn trẻ trâu thường bị cấm lại gần vực nước một mình. Thế nhưng chúng cũng tò mò rủ nhau ra khe suối nhìn những đàn cá bơi lội dưới làn nước trong veo. Có điều lạ là chúng rình mãi cũng chẳng bao giờ bắt được con nào. Hễ thấy bóng người là cả đàn biến mất nhanh như thể chúng hóa thành những viên đá vân xanh dưới lòng khe suối.

Người già kể, hồi trước có thợ săn từng làm bẫy tre, chăng vó được cả đàn cá lớn to bằng bắp chuối, giãy ùng ục, nhưng khi kéo lên thì toàn là lá cây mục nằm phơi mình trong lưới. Rồi chuyện có đứa trẻ đi chơi một mình gặp đàn cá dụ dẫn từ ngoài khe suối xa vào tít gần cửa mó, nơi cái vực nước xanh ngăn ngắt rồi bị hút xuống mất tăm. Có người quả quyết đã từng nghe tiếng thở phì phì như con trăn lớn và tận mắt nhìn thấy bồ hòn, lá mục rều rác chảy ngược từ vực nước vào lòng hang…

 Người ta gọi tên mó là Khú, tức là mó nước của ngài rồng nước. Người bản kiêng sợ, không ai muốn bắt cá hay la cà tắm táp ở gần miệng mó Khú, nhất là những ngày trăng đầy trong tháng. Lâu lâu lại thấy có trẻ ốm đau do phạm vào điều kị, nhà phải đồ xôi luộc gà mời thày mo khấn khứa mãi mới khỏi.

Tôi lớn hơn chút, cũng nhiều lần liều mạng theo thằng Dinh lang thang ra gần mó Khú, dù trong lòng không quá sợ hãi như khi còn bé nhưng vẫn gờn gợn lo lắng. Thằng Dinh chơi thân với tôi từ nhỏ, đi đâu cũng dính nhau như trâu với mõ. Nó to khỏe, vâm váp nên đánh bạn với nó tôi chẳng bị ai bắt nạt bao giờ. Nó bắt cá đào cua thì tôi xách giỏ. Nó trèo cây bắt chim hái quả, tôi đứng dưới đón nhặt, chờ chia phần. Nhiều lần nó chỉ lên đám lan um tùm tít trên ngọn cây bồ hòn mà ao ước. Giá bóc được mà bán thì bộn tiền. Đám lan ấy mọc ra cái hốc, ngọn tỏa ôm lấy chạc ba như một cái tổ chim khổng lồ, đấy là nơi treo cái máng lợn cũ với một lời nguyền từ xa xưa.

Tôi cũng nhìn lên cây mà ao ước, trong đầu nhen nhóm một ý nghĩ sẽ phải bằng mọi cách giải nguyền bí hiểm kia vì tôi đã trót hứa với một người. Cho dù có phải thịt nát xương tan tôi cũng quyết làm cho bằng được, nhưng làm thế nào thì tôi chưa biết. Có thể tôi phải rời làng đi xa, kiếm được đủ tiền nộp vạ trước đã. Tôi dặn Sâm đợi tôi, có thể qua một vài mùa hoa lan nở tôi mới trở về.

*

Mẹ dặn ông chú để mắt đến tôi, vì bà biết tính tôi, mắt trước mắt sau lại muốn nhao về nhà. Từ bé tới giờ tôi chưa đi xa bao giờ, nhưng đấy không phải là lý do kéo tôi về núi, mà cái sợi thừng kéo tôi có một đầu là đứa con gái họ Bạch ở chân núi Ven Đá.

 Dòng họ Bạch so với các dòng họ khác ở bản trước nay vẫn ít người, nhưng có điều lạ là mỗi nhà chỉ có một cô con gái, mà cô nào cô nấy cũng đẹp. Con gái của các dòng họ khác thì cũng có người nọ người kia, cũng có người đẹp nhưng hiếm hoi như trái mít đậu vào mùa rét vậy.

Gái họ Đinh thì da trắng nhưng đa phần ngắn ngủn và tròn trịa như những củ sắn bóc vỏ, bắp chân leo núi to như bắp chuối. Gái dòng họ Bùi cao nghều mà da lại thẫm mịn như màu đất nương đất ruộng, chân tay thô ráp như đàn ông. Chỉ riêng họ Bạch là nàng nào cũng tóc dài, da trắng và môi ớt rừng, cái bụng ong thon thả thắt lưng màu lá mạ cứ hút mắt người nhìn mỗi khi đi lướt qua.

Có một điều là những đứa trẻ gái họ Bạch xinh đẹp ấy trẻ trong làng hầu như không mấy đứa chơi cùng, tới khi lớn thì phải lấy chồng thiên hạ chứ trai ở bản cũng không ai dám lấy, hoặc có thích thì họ hàng không đồng ý cho về làm dâu con. Ấy là bởi vì có một lời nguyền từ xưa, hễ trong bản ai mà lấy gái họ Bạch thì trong bản sẽ có nhiều chuyện không hay hoặc người trong họ ốm chết, trâu bò lợn gà không nuôi được, hoặc chính người trai ấy sẽ phải bỏ mạng. Điều ấy đám trai đã thuộc nằm lòng từ bé tí nên cũng nhiều đứa mặc dù mê mẩn cái đẹp nhưng đành dằn lòng chịu.

Nghe kể xưa kia một nhà họ Bạch sống ở chân núi Ven Đá có người con gái xinh lắm, chắc cũng bởi ngày nào nàng ấy cũng ra tắm giặt ở mó nước thiêng. Nàng đi qua lối nào thì lối ấy hương hoa cứ vấn vít mãi không tan. Tiếng chim cũng như lắng lại khi tiếng hát nàng cất lên và sỏi cuội như mềm ra khi bàn chân trần nàng đặt xuống. Khi nàng tắm, bầy cá bơi lượn tung tăng xung quanh như múa và tán cây bồ hòn bên mó thả những bông hoa bé xíu, trắng thơm đầy lòng khe. Nước dâng lên ngan ngát thơm…

Trưa. Con gà tre đã gáy hai hồi mà vẫn chưa thấy nàng về ăn cơm. Mẹ nàng đi tìm gọi con chỉ thấy chiếc nồi đồng nấu nước lá thơm nổi nênh trên mặt mó. Chiếc lược sừng trâu còn để trên bệ đá và áo yếm của nàng vẫn vắt trên cành bồ kết rủ ngang mặt nước. Mẹ nàng đoán điều xấu xảy ra, bà hô hoán dân làng đi dọc bờ khe tìm kiếm, nhưng người ta đã tìm khắp cả dải khe suối, chỗ nông, chỗ sâu, hang bờ hốc bụi, lèn đá hõm đất… cũng không thấy nàng đâu. Mẹ nàng chạy đi tìm bà thầy, bà thầy vội luộc quả trứng chín nứt, đốt hương trầm, tung thẻ tre sấp ngửa, bảo: “Ngài rồng mó nước đã bắt con gái đẹp ấy về ruột núi làm vợ”.

 Quá đau khổ vì mất con, ngày ngày bà lấy cuốc đào miệng mó nước, quyết phá hang rồng. Hang nước sâu hun hút, lại toàn đá xanh, bà cuốc chảy máu tay mà cứ sứt miếng nào lại liền miếng ấy. Bà phát rồ phát dại, tóc xõa tung, yếm áo xộc xệch. Lúc thức, lúc ngủ bà đều kêu trời oán đất đòi con gái trở về. Bà gõ vào máng lợn mà thề rằng sẽ phá tan cái hang, trốc cây cổ thụ kia cho loài Khú hết đường sống.

Nhà trời nghe đâu kị cái máng lợn. Nhân lúc bà gõ máng, vang động làm mất giấc ngủ của trời. Nghe được lời nỉ non ai oán ròng rã ngày này sang ngày khác, trời liền sai quân bắt con rồng về hỏi tội. Rồng bị đánh đau, bỏ mó nước mà đi, trước lúc đi nó có thề nguyền rằng từ nay gái họ Bạch là người nhà rồng, không lấy được chồng ở bản nữa. Ai lấy gái họ Bạch hoặc phải đền mạng, hoặc dòng họ, làng bản sẽ gặp điều tai ương. Từ đó, gái họ Bạch hầu như không lấy người nơi khác thì cũng ở vậy đến già.

Sâm mang họ Bạch. Tất nhiên là Sâm đẹp hơn những đứa gái trong bản mà tôi thường chơi cùng. Tôi thường giấu mẹ đánh trâu lên đồi thiêng gần mó Khú, thả đấy cho nó trông nom hộ, tha hồ mà cỏ non. Mùa khô hạn, cỏ các nơi đã rạc đi thì ở đó trâu tôi vẫn kềnh bụng, béo đẹp nhất bản mà cũng chẳng thấy con nào chết lăn ra như người ta thường dọa. Có bữa bỏ mặc kệ trâu bò, tôi với Sâm leo đồi đá hái quả mâm xôi ăn với nhau, môi đứa nào cũng mọng đỏ lên, mật ngọt dấp dính.

Minh họa: Đào Quốc Huy

Tôi học xong, mùa hè mẹ gửi tôi theo ông chú xuống dưới xuôi học nghề thợ mộc. Tôi ở đó vừa học, vừa khuân vác, thi thoảng lại đứng máy xẻ, máy cưa, lúc bí người thì kiêm cả việc đánh giấy nháp hoặc xoa dầu bóng. Mãi tôi cũng được học cách đóng giường, đóng tủ. Được cái tôi cũng sáng dạ, với lại ở nhà đã biết cầm con dao cái đục để lắp tre pheo gỗ lạt thành chái bếp gian nhà nên tôi cũng được ông chủ ưng bụng.

- Mày chịu khó học, nay mai tao cho làm con rể - Ông chủ nhìn tôi với vẻ mặt không có ý gì là đùa cợt như mọi khi.

- Vầng! - Tôi đáp cầm chừng cho phải phép.

- Có phúc dày mới được thế. Gớm, ối đứa ở bản mơ cũng chả được ra phố đâu, cháu ạ - Chú tôi bụng mở cờ, hùa vào động viên khi thấy cái mặt của tôi chả có vẻ gì là phấn khởi.

Tôi nói “vầng” là do quen mồm thôi. Làm rể ông chủ ấy thì còn được chứ cứ nghĩ đến phải lấy cái đứa con gái kia thì tôi chịu. Chắc tại tôi quen nhìn Sâm. Đứa gái nhà chủ kia ngoài cái việc đeo vàng khắp nơi thì không được nết gì.

Sợ nhất là lần tôi bắt gặp nó nhìn chòng chọc tôi tắm ở bể nước làm tôi gai cả người. So với đám thợ thì tôi trẻ nhất nhưng cũng vạm vỡ nhất. Trai núi mà. Mấy lần nó vào lán dúi thêm cho tôi bao thuốc lá, cái áo khoét cổ rộng hở hết cả vồng khe đồi núi ra làm tôi phải quay mặt đi vì ngượng. Người núi càng giấu mình trong váy áo bao nhiêu thì đứa gái dưới xuôi càng phô phang bấy nhiêu. Nhà có đàn ông con trai mà cứ diện quần cộc áo dây, hở bắp đùi non thây lẩy. Cái hở ấy cũng đôi lúc làm đứa trai trong tôi thấy nóng bừng, nhưng cơn nóng ấy nguội nhanh như cái diêm bật giữa cơn gió. Nó không âm ỉ ngun ngún đốt lòng đốt dạ như đống than củi ngày này sang ngày khác như khi tôi nhớ về Sâm. Lần uống rượu đãi say quá nằm mê mệt, dở mơ dở tỉnh, tôi thấy Sâm mang nước đến cho uống.

Quờ tay ôm Sâm vào lòng, tôi cắn vào má và quăng người lên như con trăn quấn chặt tấm thân nóng hôi hổi. Cánh tay kia cũng quấn chặt cổ vít xuống, môi vội vàng đắp lên môi nóng rẫy. Chả hiểu sao tự dưng bừng tỉnh, nhìn ra đứa gái ấy tôi phũ phàng hất tay, co người như gặp phải thú dữ. Đứa gái nhà chủ nhìn trân trân, bỏ ra ngoài. Tôi nằm giữa lán đầy mùn cưa mà cứ thấy mơ hồ mùi hương dìu dịu như từ áo váy của Sâm từ ngày nào vẫn quấn quện trong hốc mũi.

Biết thế, hồi ấy cứ liều một phen xem sao. Nói thật, lúc gần Sâm tôi cũng chỉ dám cắn lên đôi môi nóng, ôm gì tấm thân căng mềm như cái gối bông lau mà chả dám gì. Ngăn giữa chúng tôi chỉ là lần áo yếm mỏng tang, thơm nức.

*

Ông chủ không đuổi, cô chủ cũng không giữ. Tôi về núi.

Tôi háo hức ngược núi. Thằng Dinh vui lắm, kéo tôi đi uống rượu. Nó bây giờ khác trước, có vẻ rủng rỉnh tiền bạc. Nó khoe chuyên đi săn lùng các loại sản vật của rừng rồi bán cho người miền xuôi với giá khá đắt đỏ. Cái gì qua tay nó cũng thành tiền, từ phong lan đến cây cảnh, móng vuốt nanh thú, đồ đồng, đồ gốm cổ… tuốt tuột đều ra tiền. Những cây cổ thụ trong bản có giá, nó thuê người đào bới, đánh xe cẩu trốc gốc lên chở đi bán cho các nhà vườn. Ngay cả những cái nhũ đá đẹp đẽ trong hang động to và cứng thế mà bọn nó cũng cưa hết cả. Nó bảo của núi của rừng, mạnh ai người đấy được.

- Mày không ở phố mà lấy vợ à?

- Không. Tao không thích sống ở phố.

- Thế thì về mày buôn gỗ với tao, khối tiền. Có tiền thích em nào chả được. Kể cả gái phố xịn.

- Tao về đi cày thôi. Gái phố thì tao chịu. Bao giờ gom đủ tiền là tao cưới cái Sâm.

- Cưới con Sâm á. Con ấy đẹp đấy, nhưng chỉ ngủ chơi thôi. Điên mới lấy làm vợ.

- Mày mà cũng sợ rồng mó Khú cơ à?

- Chả phải sợ. Mà là nó là đồ con hoang, rồi nó cũng giống như mẹ nó thôi. Làng chả ai lấy.

Tôi lao vào thằng Dinh, vật nó ra bãi cỏ. Tôi biết nó thích Sâm lắm nhưng không thương, chỉ rắp tâm làm điều xấu. Những lần đi chăn trâu với nhau, tôi đã nhìn thấy mắt nó hau háu khi thấy Sâm lúi húi làm cỏ một mình bên mảnh ruộng ven núi đá.

Sâm dịt lá thuốc, chỗ cánh tay tôi bị thằng Dinh đánh sưng tấy. Mắt Sâm anh ánh xót thương. Thằng ấy nó khỏe hơn tôi rõ ràng nhưng chẳng hiểu sao lúc ấy tôi điên tiết, lao vào nó như con lợn lòi bị thương lao vào thợ săn. Nó nghe đâu cũng sưng mồm hàng tuần vì ăn phải quả đấm của anh thợ mộc.

- Tuần tới, tôi sẽ khai hoang mấy mảnh ruộng ven khe suối. Đất ở đây tốt lắm.

- Nhưng khe nước sâu, nước không lên nổi ruộng đâu.

- Nếu tôi trồng được nếp thì Sâm về nhà làm dâu mẹ nhé!

- Sợ mẹ không cho - Sâm dụi đầu vào ngực tôi thổn thức.

Mẹ tôi cũng chẳng khắt khe đâu. Dạo trước mẹ cấm tôi la cà ra mó Khú vì mẹ sợ tôi ham chơi bỏ học, sau này không nên người. Tôi giờ đã có nghề trong tay, làm thêm mấy múng ruộng nữa cũng đủ sống. Mẹ tôi cũng thương Sâm.

Mẹ kể, xưa kia bà cùng trang cùng lứa với mẹ của Sâm nhưng mẹ Sâm không được ai cưới hỏi. Nghe đâu có người dưới xuôi bị ốm đau được mách đến nhà làm thuốc, chữa khỏi rồi mê luôn người đẹp nơi núi rừng nhưng rồi người ấy phải về xuôi vì họ hàng không cho lấy người miền núi. Sâm sinh ra không biết mặt bố, làng xóm nhìn Sâm như thể nhìn con thú hoang. Mẹ cũng ngã núi trong một lần đi cõng thuốc, để lại Sâm ở với bà bác. Hai bác cháu rau cháo nuôi nhau, thế mà Sâm vẫn cứ lớn phổng lên, càng lớn càng đẹp. Mẹ tôi cũng không nỡ cấm tôi thương Sâm. Chỉ có điều, nếu tôi quyết tâm lấy, mẹ sẽ nhờ thày mo giải lời nguyền. Tôi phải biện cái lễ cúng đủ hai bò một trâu.

Trước hôm tôi đụng nhát cuốc đầu tiên phá hoang thì mẹ đã mời thày đến cũng hết ba ngày đêm. Nhà mổ trâu lớn làm lễ, dọn mâm mời tất cả mọi người trong họ hàng làng bản tới chứng giám. Tôi ăn mặc chỉnh tề, đứng trước hòn đá đen, tròn và nhẵn lớn hơn con trâu mộng và lầm rầm khấn vái xin trời đất phù hộ tôi đẩy được nó ra chỗ khác. Hòn đá ấy xưa là ngọc của rồng chắn dòng khe suối không cho chảy mạnh để nước lúc nào cũng ngập, dâng đầy miệng hang sâu. Trước nay cũng có mấy người to khỏe lực lưỡng thử nhưng chưa từng ai đẩy được. Bác của Sâm đem một cái máng lợn cũ ra treo làm phép dưới cây bồ hòn bên mó nước cho tôi an lòng.

Tôi nhắm mắt, khuỳnh chân xuống tấn, lấy hết sức lực, bắp tay như muốn nổ tung và quai hàm nghiến đau điếng. Một nửa tuần hương trôi qua hòn đá vẫn đứng yên không nhúc nhích. Cả bản nín thở, ai đó gọi Sâm mang cho tôi bát rượu. Tôi đứng dưới nước, uống một hơi nghe lửa trong ruột bốc lên phừng phừng. Mắt nhắm nghiền, hít một hơi sâu tay đặt chính giữa tim đá mà đẩy mạnh.

Rầm một tiếng, hòn đã lăn xuống phía dưới. Nước ùng ục lao xuống khe suối thấp xiết chảy cuồn cuộn trong sự reo hò của mọi người. phút chốc cái hủm nước trước cửa hang sâu thẳm và xanh ngằn ngặt ấy đã dần cạn phơi dần lên lớp sỏi hiền lành ven bờ. Nước mó Khú nông đến thắt lưng sẽ chẳng làm ai phải sợ bị dìm chết đuối nữa.

Mọi người hỉ hả, hân hoan uống rượu mừng và khen anh thợ mộc là tôi khỏe mạnh. Cái máng lợn treo dưới gốc cây bồ hòn cũng được chia bát rượu gói xôi vì đã có công giúp đỡ tôi trấn yểm Rồng, giải lời nguyền. Những mâm rượu bày ra trên lá chuối ngay trên bờ ruộng dưới tán cây mát rượi. Cây bồ hòn cổ thụ này mọc từ đời nảo nào may mà vẫn còn, trước đó đã có lần suýt bị thằng Dinh cưa đi bán mất. Cũng không may cho nó, hôm sai thợ vác cưa máy đến thì đám thợ không sao trèo lên cây để cắt cành được. Cây vốn cao và trơn, thằng Dinh cậy to khỏe đích thân buộc dây leo lên, chưa kịp cắt được nửa cái cành đầu tiên thì rú lên, rơi từ trên cành cao xuống vèn đá. Giờ thì cây vẫn còn đứng đấy, xanh tốt như từ xa xưa vẫn thế.

  *

Lúa tôi trồng đất mát mọc lên ngùn ngụt. Những mảnh ruộng ven chân núi đá cứ men theo hai bên khe suối mà xanh. Suối thì trũng tít dưới hai bên gờ lèn đá nhưng tôi đã đục đẽo, kết được mấy cái cọn quay đưa nước lên cao đổ vào máng bương, chảy tưới đẫm những bậc thang cao thấp. Thằng Dinh cũng giúp đưa máy múc vào múc rìa khe suối thành một cái ao cho tôi chứa nước và thả cá.

Thằng Dinh sau đận đưa người lên cưa cây bồ hòn, thợ cưa không trèo được, nó đích thân đeo cưa máy leo lên. Đang cắt nổ máy chuẩn bị cưa cành thì con rắn lá giật mình rơi trúng gáy. May mà có dây đeo bảo hiểm chứ không đã đập đầu vào lèn đá. Cái cưa máy rơi xuống vỡ cả một mảng đá cứng khét lẹt. Đận ấy tôi cõng nó chạy đến nhà Sâm.

Ba ngày trời Sâm cõng gùi leo núi Ven Đá lấy thuốc, bác Sâm lụi hụi đun rồi cháo hồ cứu Dinh từ mường ma trở về. Từ đấy nó không còn thù tôi như dạo đánh nhau nữa. Dạo tôi đẩy hòn đá thực ra chúng tôi cũng bí mật “làm hèm” trước rồi. Dinh cho ròng ống bơm máy hút gần cạn nước cái hủm mó Khú rồi hai thằng hì hục khoan, đào khơi phía trước chân đá rỗng ra thành lối, không bị vướng nữa. Đẩy vờ thôi. Quan trọng nhất là sắm đủ dàn mâm cỗ lễ đàng hoàng cho cả làng chứng giám.

Sâm ngồi cạnh tôi bên lèn đá dưới gốc cây bồ hòn, vai Sâm rụng lấm tấm những đóa hoa trắng nhỏ. Bóng mát của cây bây giờ không còn cảm giác rậm rì, bí ẩn, mà là một vùng mát rượi cho mọi người đến nghỉ ngơi tránh nắng. Mùa quả chín, Sâm tha hồ mà giặt áo yếm và kì cọ chân tay nõn nà. Chả mấy nữa, đám lúa bén chân lại sắp vào vụ gặt mới. Nếp ở đây dẻo thơm lắm, mẹ tôi gọi là nếp thừng trâu vì khi đồ lên rồi giã thành bánh dày dẻo dai tới mức người ta ngỡ có thể kéo ra, rồi bện thành cái thừng dắt được trâu cơ đấy. Nhắc chuyện bện thừng trói Sâm vác về làm vợ, Sâm cười lỏn lẻn, má hồng như than thổi.

- Không đẩy ra nữa à?

- Không đẩy.

- Thế, không sợ tôi chết nữa à?

- Cũng không.

- Sao?

- Vì ngài ấy đã bỏ đi rồi, ngài ấy sợ mấy cái cọn nước của anh thợ mộc kia đấy.

Giữa núi rừng mát rượi, tay Sâm quấn cổ tôi như như con trăn, mặc cho những cánh hoa bồ hòn rơi đầy lên người ngan ngát. Tôi thơm lên cánh hoa, cắn vào trái ớt đỏ mọng mật, ngất ngây đê mê trong mùi hương nồng nàn. Tôi như lặn ngụp trong dòng nước mát lành, người lâng lâng một thứ men say không cưỡng nổi.

Ngoài kia, hai bên bờ lạch nước là những dải lúa đang trổ đòng đòng xanh phấn trong ánh nắng chiều. Cơn mưa rào hôm trước đem nước về dâng đầy lòng suối, những chiếc cọn cần mẫn đưa nước lên máng và ruộng bậc thang đang rót nước từ bậc cao xuống nơi thấp khẽ khàng, tóc tách như người ta rót rượu. Thứ rượu của trời ban cho núi rừng. Đất mại mềm nở ra, thấm đẫm những ngọt lành, sinh hoa kết trái.

Mùa này lúa đang kết đòng đòng.

Truyện ngắn của Hạnh Trần
.
.