Một đời hồ đồ

Thứ Hai, 03/07/2017, 08:21
Ngày chủ nhật, bố mẹ vợ tôi đến chơi, ăn cơm trưa xong chúng tôi ngồi trò chuyện và bàn luận về các vấn đề xã hội như nghèo đói, tội phạm, trộm cắp... Chúng tôi đều cho rằng, trong cuộc sống xấu nhiều hơn tốt.  

Tôi nói: "Cuộc sống của chúng ta có nhiều thói xấu bởi vì chúng ta không dám đứng lên nói to sự thật mà chỉ ngồi ở trong xó nhà lẩm bẩm ca cẩm này nọ. Nếu mỗi người chúng ta đều dám đứng lên nói ra sự thực thì cuộc sống sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn".

Bỗng nhiên chuông cửa reo, tôi ra mở cửa và thấy một người da đen đứng ở bên ngoài, ông ta mặc đồ Tây, đằng sau còn có 5, 6 người nữa, trong đó có một người tay cầm máy quay phim.

Người da đen bước vào nói với tôi một tràng dài nhưng tôi không hiểu. Lúc này người phiên dịch len lên nói: "Đây là vị Quốc vương Hồ đồ hai đời. Ông ta chúc cho gia đình mãi mãi hạnh phúc, gặp vận may, của cải dồi dào".

Minh họa: Lê Tâm.

Tôi vội cảm ơn và hỏi họ có việc gì. Người phiên dịch nói: "Quốc vương muốn thăm một gia đình phổ thông Nga, xem một gia đình không có sự chuẩn bị sẽ như thế nào?". Người phiên dịch nói xong đưa cho tôi một hộp quà nhỏ nói là của Quốc vương tặng.

Tôi chắc không vì món quà nhỏ này mà tôi hoàn toàn lịch sự, không tống khứ họ ra ngoài cửa. Tôi nói: "Xin mời vào, hoan nghênh các ông đến thăm".

Những người vệ sĩ Quốc vương lập tức xem xét khắp các xó xỉnh trong nhà tôi, mấy người nhà chúng tôi chỉ đứng nhìn họ.

Sau khi mọi người đã ngồi xuống, vị Quốc vương nhìn hai bên rồi nói: "Nhà của các ông không giàu lắm".  

 Mọi người hãy xem, trước khi họ đến chúng tôi đang phàn nàn về cuộc sống nhưng chúng tôi không thể làm quốc gia mất thể diện nên tôi nói: "Thế nào là không giàu lắm?".

Quốc vương hỏi những người trong gia đình tôi là những ai, tôi nhanh trí chỉ mẹ vợ, nói là người giúp việc, chỉ bố vợ, nói là lái xe của tôi. Vợ tôi thấy thế bậm môi cười nhưng vì để giữ thể diện quốc gia nên không dám cười thành tiếng.

"Còn mấy người này là bác sĩ xoa bóp và con của cô ấy, họ đến thăm tôi" - Cuối cùng tôi chỉ vợ và con tôi nói.

Quốc vương vẻ rất kinh ngạc. Mấy người vệ sĩ lại xem xét ngõ ngách căn nhà của chúng tôi lần nữa.

"Ông sống một mình à? Khi ông không ở nhà có sợ bị mất đồ đạc không? Ở đây hình như không có kẻ cắp?"- Quốc vương lại đưa ra vấn đề mới.

Tất cả chúng tôi đều lắc đầu cười, tôi nói: "Các gia đình ở Nga đều không đóng cửa cả ban đêm và ban ngày, ai thích vào cứ vào, từ trước đến nay chưa bao giờ thấy chuyện bị mất cắp".

"Ồ"! Hình như Quốc vương không tin ở tai mình, ông ta mở to mắt nói: "Ở nước tôi đâu đâu cũng thấy kẻ cắp, thậm chí khi đi trên phố, quần cũng bị người ta lột mất". 

Câu nói này của Quốc vương lại làm chúng tôi trợn tròn mắt. Tôi nói: "Sao lại như thế được, đúng là quá tồi tệ! Ở nước chúng tôi khi ra cửa để 100 rúp trên nền nhà, khi về tiền vẫn nguyên chỗ cũ".

Câu nói của tôi làm cho Quốc vương như bị "sốc", sau đó ông ta hỏi: "Thế các ông có ăn cắp của nhà nước không?".

Tôi trả lời: "Ở nước Nga chúng tôi, lấy cắp của nhà nước là tự treo cổ mình, ai lấy của nhà nước sẽ bị mọi người khinh bỉ, thậm chí còn bị giết".

Tôi vừa nói đến đây Quốc vương đứng lên đi ra bên ngoài. Các vệ sĩ của ông ta lại kiểm tra ngóc ngách nhà tôi một lần nữa.

Trước khi Quốc vương đi khỏi nhà, tôi nói với ông ấy: "Ngài không nên lo lắng về chuyện trộm cắp nữa, nước ngài không thể sánh với nước chúng tôi được. Nước chúng tôi là một nước văn minh cao độ và chúng tôi mong rằng, nạn trộm cắp ở nước ngài sẽ mỗi ngày một giảm".

Sau khi họ đi, cả nhà chúng tôi lại bàn luận về những chuyện vừa rồi. Độ nửa tiếng sau, chúng tôi mới sang những căn phòng khác. Đến lúc này chúng tôi mới tá hỏa phát hiện rằng những thứ có giá trị trong nhà đều không còn. Tôi cầm hộp quà mà Quốc vương tặng mở ra xem, trong đó chỉ có một mảnh giấy viết mấy chữ: "Tôi là Hồ đồ hai đời, ông là Hồ đồ một đời...". 

Truyện vui của Anatoly Te Lushen (Nga)-Thiêm Nguyễn (dịch)
.
.