Một chuyện hoang đường
Sau khi ông Thầy vẽ tức Lão Rừng tự dưng biến khỏi mặt đất cùng ông già rừng Trúc với vụ cháy kì lạ ít lâu, người dân Hạ Đan chúng tôi thấy xuất hiện một chàng trẻ tuổi cũng theo đòi nghề vẽ đến xin tá túc và chuyên vẽ tranh cáo. Tên chàng trai trẻ này là gì chẳng ai để ý, nhưng mọi người quen miệng, đều gọi anh ta là Chàng Cáo. Chàng Cáo có tên chữ Tiểu Họa Tử, hiểu nôm na có nghĩa anh ta là học trò của Lão Rừng Thầy vẽ.
Chàng Cáo không vẽ gì khác ngoài cáo. Nhân vật chính của Chàng Cáo là những con cáo lông mầu tro, mầu nâu, mầu vàng, mầu xám, mầu đỏ... những mầu mà chàng ta tưởng tượng ra. Nhưng tranh của chàng không có hồn, bán chẳng ma nào mua. Vì thế cuộc sống của chàng thật gieo neo, có bữa hôm lo bữa mai.
Một người Hạ Đan tốt bụng khuyên chàng nên bỏ quách nghề vẽ, lên núi chặt củi, đốt than đem về bán có lẽ sống còn ung dung hơn. Chàng ta nghe rồi, cúi đầu cảm ơn về sự quan tâm. Người tốt bụng nhìn vào mắt chàng thì biết, chàng không bỏ nghề.
Giống cáo là giống mà loài người ghét cay ghét đắng, vì chúng chuyên bắt trộm gà. Người ta gán cho cáo đủ thứ tính xấu như ranh ma, xảo trá, thậm chí còn có phép thuật. Chuyện xưa kể lại rằng có con cáo cái tu luyện nghìn năm hoá thành người phụ nữ đẹp, cô ta yêu được một người đàn ông tốt mã. Cô ta yêu say đắm, móc cả hòn ngọc sinh mệnh của mình đưa cho người tình. Nào ngờ, người tình lừa lấy mất ngọc, khiến nàng phải trở lại kiếp cáo.
Thật đáng thương biết bao. Ấy thế mà loài người vẫn không chịu xoá hết thành kiến với loài cáo, cứ hễ nhìn thấy cáo ở đâu là tìm cách xua đuổi, bắn giết. Loài cáo cũng vì thế, hễ nom thấy người hoặc thoáng thấy bóng người là tìm cách lủi nhanh, tránh xa. Không biết có phải vì thế mà Chàng Cáo muốn bằng tranh vẽ của mình để thanh minh cho loài cáo không?
Hạ Đan ngày trước cáo đông như gà, bây giờ thì không thấy một bóng. Dường như gà đã ăn hết cáo. Chàng Cáo biết tranh cáo của mình không có hồn là do không có cáo làm mẫu, vì thế chàng lặng lẽ ra rừng, phục tìm cáo để xem chúng nhẩy nhót, đùa chơi, săn mồi, trốn chạy như thế nào. Nhưng chàng chỉ hoài công vô ích.
Minh họa: Tô Chiêm |
Một bữa, trên đường về nhà, Chàng Cáo gặp một người thợ săn từ xa tới, trong chiếc túi lưới khoác vai có một con cáo non bị thương. Người thợ săn khoe, anh ta đặt bẫy nửa năm mới tóm được ả cáo này, giờ định đem bán cho nhà hàng có cái tên nghịch ngợm là Kiếm sắc, chuyên môn kinh doanh thịt thú rừng.
Chàng Cáo nom thấy đôi mắt con cáo như van lơn, nhìn thấy bộ lông mầu đỏ pha vàng thì như mê mụ, sẵn sàng vét đến đồng xu cuối cùng để có được nó.
Người thợ săn bán con cáo cho Chàng Cáo. Chàng sung sướng đem cáo về nhà, hoà nước sôi để nguội với muối kì khu rửa vết thương cho nó. Muối mặn xót, con cáo rên ư ử, nghe mà thương thương.
Ít lâu sau vết thương khỏi, con cáo vui vẻ và thân thiện với chàng. Chàng Cáo làm cho nó một cái lồng rộng rãi, cho nó ăn, chọc cho nó nghịch rồi vẽ.
Những bức tranh cáo của Chàng Cáo vẽ giờ đây đẹp hẳn lên.
Con cáo non lớn nhanh và dần đến tuổi trưởng thành. Mầu lông của nó sau mấy lần thay trở nên đỏ rực. Chàng Cáo nhận thấy đôi mắt của nó long lanh như có lửa.
Vào một buổi sáng, Chàng Cáo cho con cáo ăn và đùa nghịch với nó xong, tự dưng thấy lòng xốn xang. Chàng hỏi con cáo:
- Mi là cáo cái phải không?
- Phải.
- Nghe nói loài cáo biết phép tu luyện để thành người, chuyện đó thật không?
- Tin thì là thật, không tin thì không thật.
- Cáo có thể hoá người được không?
- Được thì sao?
- Ta sẽ cưới làm vợ.
- Vậy thì thả ra đi.
Chàng Cáo mở lồng thả con cáo lông đỏ. Vừa thoát khỏi cũi, nó liền phóng thẳng vào rừng, nhanh như một mũi tên bốc lửa.
Kì thực, con cáo không hề mở miệng. Nhưng Chàng Cáo đọc thấy từ trong mắt nó, nghe được tiếng nói của nó.
Con cáo đi rồi, Chàng Cáo Tiểu Họa Tử không thấy tiếc, chỉ thấy nhớ.
Đêm hôm sau, khi Chàng Cáo đang ngon giấc, bỗng nhiên nghe thấy mơ màng những tiếng động lạ, như thể tiếng thở run rẩy của đất, như của cây, như của sương, của gió. Chàng lâng lâng thức dậy, nhẹ lách người ra ngoài thì thấy một đàn cáo đủ các mầu lông đang ngóng nhìn chàng. Chàng đi thẳng về phía chúng, nhưng chúng không tỏ ra sợ hãi. Khi chàng dừng lại thì chúng vây quanh chàng. Chàng cảm thấy bàn tay ấm nóng. Nhìn xuống thì chao ôi, chính là CON CÁO LỬA.
Nó đứng hai chân sau, hai chân trước ôm lấy tay chàng, áp chặt miệng vào tay chàng. Chàng Cáo nhìn thấy đôi mắt nó ứa ra hai giọt nước mắt mừng rỡ. Chàng bèn đùa nghịch với đàn cáo. Chúng nhẩy nhót, kêu lên những tiếng dịu dàng. Dường như không phải chúng đem đến cho chàng niềm vui, mà chính chàng đem đến cho chúng sự sống. Gần sáng đàn cáo biến nhanh vào rừng. Chàng họa sỹ trở lại với chiếc giường tre lạnh lẽo, sau hai lần trở mình đã lại chìm vào giấc ngủ êm đềm.
Sáng hôm sau thức dậy, Chàng Cáo nhớ lại chuyện hồi đêm, nhưng không tài nào nhớ được rõ ràng. Chàng chẳng thể nghĩ đó chỉ là giấc mơ.
Bây giờ tranh cáo của Chàng Cáo không chỉ đẹp mà còn rất có hồn. Người xem tranh chàng cứ ngỡ, không chừng con cáo trong tranh sẽ hiện ra.
Đêm tiếp theo đàn cáo lại về. Chàng Cáo lại cùng chúng đùa nghịch. Con cáo lửa vẫn ôm lấy tay chàng như đêm trước. Nhưng thời gian chúng ở lại với chàng ngắn hơn. Rồi cứ thưa dần, cuối cùng không thấy chúng đến với chàng nữa.
Tranh cáo của Chàng Cáo vẽ ra càng ngày càng linh động, vừa như thực vừa như hư ảo, như một sự thảng thốt, như một sự nuối tiếc, nhớ nhung. Nhưng thi thoảng mới có người ghé coi, chẳng ai mua. Chàng quyết định vào các phiên chợ sẽ đem tranh lên phố bán. Chàng thuê được một góc hè để treo tranh. Người xem tranh khá đông. Nhưng vẫn chẳng có người mua. Hàng phố có người nói to cốt để cho Chàng Cáo Tiểu Họa Tử nghe:
- Giống cáo là giống xấu xa, là điềm gở, ai rước điềm gở vào nhà làm gì.
Chàng Cáo nghe nhói trong tim. Nhưng những lời xiểm hót không làm chàng đánh mất niềm tin. Chàng vẫn vẽ những con cáo đẹp và tình cảm. Chàng hi vọng rồi sẽ có người mua tranh của chàng.
Quả nhiên một hôm, có một người con gái xinh đẹp đến mua tranh. Nàng trả giá cao để mua hai tờ tranh cáo, một con mầu đỏ, một con mầu trắng. Chàng Cáo mừng rỡ, gói tranh cho khách. Khi trao tranh, chàng mới chú ý, thấy khách là cô gái tươi như thể bông hồng gai.
Chàng ngắm đôi mắt trong ướt nước của nàng, ngắm làn da mịn mát như trứng gà bóc của nàng, ngắm mái tóc buông ngang vai nhẹ như làn mây của nàng. Nàng đẹp như tiên giáng trần. Chàng mê mẩn đến mức cứ giữ cuộn tranh trong tay, không trao cho nàng. Nàng thấy chàng nhìn mình quá chăm chú thì e thẹn cúi đầu, nói:
- Xin chàng cho xin tranh để em còn về.
Phiên chợ sau, người khách hàng mua tranh của chàng lại là cô gái ấy. Nàng cũng mua hai bức tranh, nhưng trả giá cao hơn hai bức tranh trước. Chàng săn đón nàng, chuyện trò thật có duyên. Mỗi khi chàng hỏi gì, nàng chỉ e thẹn đáp dạ, rồi cúi xuống, mân mê chiến khăn tay.
Lúc trời vừa xế bóng thì nàng vội vã chào ra về.
Chàng bắt đầu thấy nhớ nàng.
Phiên chợ thứ ba, vẫn nàng đến mua tranh. Nàng lại trả giá cao hơn lần trước và cũng chỉ chọn mua hai bức tranh. Chàng Cáo cất tiếng:
- Nàng tên gì và ở đâu? Nếu nàng không nói rõ, ta không bán tranh cho nàng.
Cô gái ngước mắt nhìn thẳng vào đôi mắt chàng, nói:
- Chàng thật oái oăm. Chàng bán tranh, thiếp trả tiền. Sao lại đặt ra cái điều kiện kì cục thế.
Chàng Cáo nhắc lại, nếu nàng không nói thì chàng nhất định không bán.
Nàng nhìn chàng ngạc nhiên, bỏ đi không đáp. Khi nàng đi xa thì chàng thấy hối tiếc. Không rõ hối tiếc vì cái gì.
Ở Hạ Đan, cứ sáu ngày mới họp chợ một lần. Hôm ấy, chưa tới phiên chợ, Chàng Cáo đang ngồi vẽ ở nhà, thì bất ngờ có một khách mua tranh. Chàng ngẩng lên thì ra cô gái. Chàng lúng túng hỏi:
- Làm sao nàng biết nhà ta?
- Khắp cả vùng này, ai chả biết chàng.
Chàng Cáo lại hỏi:
- Nàng là con nhà ai? Ở đâu?
Nàng không đáp mà hỏi lại:
- Chàng cần biết đến thế sao?
Chàng Cáo đáp:
- Cần lắm.
Nàng mủm mỉm cười:
- Em là con cáo thành tinh. Người xưa gọi là Hồ Ly Tinh đấy.
Chàng Cáo chợt nhớ lại tất cả những chuyện đã qua. Chàng tin ngay lời người con gái mặc chiếc áo đỏ đang ngồi trước mặt chàng. Chàng bảo:
- Nàng còn nhớ lời hẹn của ta không? Ta sẽ cưới nàng.
Cô gái thoáng giật mình ngỡ ngàng trước lời nói của chàng, nhưng chàng không để ý. Chàng nói tiếp:
- Tối nay nàng ở lại cùng ta nhé.
Nàng cười nhẹ nhàng:
- Xin chàng khoan cho thiếp. Thiếp còn một số việc phải làm, rồi thiếp sẽ để cho chàng được như ý.
Hôm ấy cô gái tự xưng là cáo thành tinh hoá người giúp chàng dọn dẹp nhà cửa, nấu cho chàng một bữa cơm nóng canh ngọt. Chàng ngất ngây sung sướng. Nhưng khi bóng chiều vừa xế, nàng vội từ biệt đi ngay.
Phiên chợ ấy, Chàng Cáo Tiểu Họa Tử không lên phố bán tranh. Chàng y hẹn ở nhà chờ đợi nàng. Nhưng nàng không đến. Phiên chợ sau chàng đem tranh đi chợ bán, hy vọng sẽ gặp nàng.
Chàng Cáo chờ cho tới gần trưa vẫn chẳng thấy tăm hơi nàng đâu. Bất ngờ mọi người trong chợ xôn xao, hò nhau đi xem đao phủ sắp chém đầu một người con gái. Tò mò đưa chàng cuốn theo dòng người. Tiếng bàn tán không ngừng lọt tới tai chàng. Dần dần chàng hiểu ra. Người hôm nay bị đưa chém đầu ở chợ là một cô gái làm nghề cầm ca ở một thanh lâu. Nghe nói, cô ta phạm tội giết người. Một bà già đi cạnh chàng kể:
- Cái thằng công tử ấy bị đâm chết là đáng lắm. Cậy con ông cháu cha chuyên làm hại con gái nhà lành, chết chẳng oan.
Chàng Cáo hỏi:
- Thế thì dính gì đến cô gái ở thanh lâu?
- Thằng chết đâm đến hát, hát rồi lại đòi người con gái phải chiều. Cô gái không chịu, gã xông vào như thú vật. Cô gái bèn rút trâm cài đầu chống lại, chẳng may đâm trúng tim. Gã chết lăn quay, thật là quả báo.
- Cô gái tự vệ chính đáng sao lại bị chém?
- Thì nén bạc đâm toạc tờ giấy. Làm gì có công lí.
Chàng Cáo thấy bồn chồn, lòng dạ nóng ran.
Pháp trường là một bãi đất cao chếch nơi góc chợ. Người xem xô nhau vòng trong vòng ngoài. Ngục tốt dẫn kẻ tử tù đi qua một lối nhỏ được lính canh chắn giữ. Tiếng ồn ào của đám đông như ong vỡ tổ bỗng lặng đi.
Chàng Cáo cố dướng lên cao để nhìn cho rõ. Chàng suýt ngã khuỵu.
Kẻ tử tù chính là cô gái mua tranh của chàng, người tự xưng với chàng là cáo lửa thành tinh. Thế ra chính nàng đã giết con quỷ dâm dục. Nàng là cáo tu luyện thành người, nhất định nàng có phép thuật. Nàng sẽ thoát xác, tránh khỏi cái chết. Nghĩ thế Chàng Cáo thấy tạm yên lòng.
Khi ngục tốt dẫn nàng đi qua chỗ chàng đứng, chàng cố kêu lên một tiếng cốt cho nàng quay nhìn về phía chàng, nhưng hình như nàng không nghe thấy. Mặt nàng nhợt nhạt, nhưng vẻ đẹp quyến rũ của nàng vẫn không vì thế mà phai nhạt.
Có ai đó trong đám đông kêu to:
- Ông trời sao không có mắt!
Ngục tốt dẫn nàng đến gần chiếc cọc, nàng gần như lả đi, vẫn gắng không để cho mình khuỵu xuống.
Gã đao phủ lầm lì, mặt đỏ bừng vì rượu. Cây đao trong tay gã lạnh lẽo tử khí.
Viên quan lụng thụng trong bộ áo xống mầu đen, giống như đi mượn, cố thu hết can đảm hét lên:
- Chém!
Cây đao của gã đao phủ vung lên.
Chàng Cáo Tiểu Họa Tử nhìn thấy máu đỏ từ thi thể nàng phun ra lấp lánh ánh mặt trời.
Khi mọi người đã tản ra về, chàng chạy lên ôm lấy thân nàng. Trời ơi, thân thể nàng lạnh như nước đá.
Bên cạnh một cô gái khuôn mặt đẫm nước mắt quì ôm đầu nàng vào lòng, miệng lẩm bẩm:
- Chị ơi, lúc sống chị là chỗ dựa của em, giờ chị chết rồi, em biết dựa vào ai?
Chàng Cáo Tiểu Họa Tử chết lặng, hai hàng nước mắt từ từ tuôn chảy. Chàng muốn kêu to:
- Con cáo cuối cùng đã bị giết rồi!