Một câu nói lộ diện hung thủ

Thứ Năm, 12/03/2020, 12:20
Chuyện là thế này. Bố của Trương Thành bị sát hại, có người trình báo quan huyện là chính Trương Thành đã giết bố mình do bố anh ta không cho tiền để cưới vợ. Trương Thành một người vô tội bị đánh quá đau chịu không nổi đành phải nhận là mình có tội.

Một tên kẻ cắp phạm tội ở trên công đường nhìn thấy Trương Thành đã nói ra một câu: “Bố anh có tiền không cho người bị sát hại, bây giờ chính anh là người bị oan”. Quan huyện nghe được câu nói này đã lần theo đầu mối, tìm được đúng kẻ giết người. Đây là vụ án được ghi trong sách “Trùng Ô Mạn lục” của Thái Hành Tử đời nhà Thanh.

Huyện Vĩnh Tân tỉnh Giang Tây có người tên là Trương Thành sống cùng với bố trong một ngôi miếu hoang ở một vùng núi hẻo lánh. Bố Trương Thành đã hơn 70 tuổi không thể làm được các công việc nặng nhọc, vì để nuôi sống gia đình Trương Thành phải đi ra bên ngoài làm thuê bằng nghề thợ mộc, ở đâu có việc là làm nên nay đây mai đó. Bố của Trương Thành không còn cách gì khác chỉ còn biết một mình ở trong ngôi miếu đổ nát. Cứ khoảng dăm bữa nửa tháng Trương Thành lại mang lương thực, thực phẩm và tiền làm được về cho bố. Đúng là trời mưa gió thất thường, một đêm nọ, bố của Trương Thành bị giết hại một cách khó hiểu.

Ngày hôm sau, khi Trương Thành về ngôi miếu thăm bố thì thấy bố mình đã chết. Thi thể ông bố nằm trên sân miếu, trên đỉnh đầu có vết đánh của vật rắn, vết thương tuy không nghiêm trọng lắm nhưng toàn thân đầy tro bụi, trên mặt đất còn sót lại một nắm hương đã cháy được một nửa, cái chăn rách nát bị vứt ở ngoài cổng, đồ đạc và các thứ trong miếu không bị mất thứ gì. Trương Thành rất đau buồn vội vàng đi báo quan phủ.

Minh họa: Đỗ Dũng.

Một ông lão già nua vì sao lại bị giết hại? Xung quanh ngôi miếu không có người ở, thôn làng cách đó rất xa, đồ đạc trong miếu không bị mất thứ gì xem ra không phải là vụ án giết người cướp của. Sau khi điều tra tại chỗ không tìm được manh mối quan huyện chỉ biết an ủi và căn dặn Trương Thành mai táng cho bố mình đồng thời theo đúng trình tự, vị quan huyện cho nha dịch đi hỏi thăm các quan lại, trưởng lão địa phương để tìm hiểu tình hình.

Mọi việc đều có thể xảy ra, không lâu sau, một người đỗ cử nhân trong huyện tên là Lý Anh đến huyện phủ trình báo rằng Trương Thành xin tiền bố để cưới vợ nhưng ông bố không cho và hai bố con xảy ra mâu thuẫn nên Trương Thành đã giết chết bố mình, có người trong thôn tận mắt nhìn thấy việc này.

 Tự nhiên có người trình báo rằng vì Trương Thành cần có tiền để cưới vợ sinh ra mâu thuẫn đã giết cha mình, người trình báo lại là một cử nhân đường đường chính chính nên sự chính xác của tin báo là không thể nghi ngờ. Quan huyện như nắng hạn gặp mưa rào chẳng cần kiểm chứng lập tức sai lính bắt ngay Trương Thành và vội vã thăng đường xét xử.

Các nha dịch hỏi Trương Thành có phải vì cần tiền để cưới vợ nên đã xảy ra mâu thuẫn với bố? Trương Thành xưa nay vốn ngay thẳng, thật thà khai rằng bố anh có một khoản tiền gửi ở nhà một phú ông và hiện tại mình đang muốn lấy vợ nên cần dùng khoản tiền này nhưng bố anh không đồng ý cho anh.

Các nha dịch khấp khởi mừng thầm vì vừa ra quân đã thắng và tiếp tục hỏi Trương Thành đã đòi khoản tiền này về chưa? Trương Thành lại thật thà nhận rằng khoản tiền này anh ta đã lấy về 3 ngày sau khi ông bố chết. Các nha dịch lại mặt mày hớn hở vì sau khi ông bố chết Trương Thành đã chiếm lấy khoản tiền này thì đúng là anh ta rất cần có tiền để lấy vợ và vì muốn chiếm được khoản tiền đó đã giết bố mình, đây là điều chắc chắn.

Các nha dịch lại hỏi Trương Thành có phải vì muốn có khoản tiền để cưới vợ mà giết bố mình không? Có điều các nha dịch không nghĩ đến là với câu hỏi này thì Trương Thành một mực phủ nhận nói là mình không giết bố. Các nha dịch nổi cơn thịnh nộ chất vấn: “Anh rất cần tiền để lấy vợ nên xảy ra mâu thuẫn với bố, sau khi bố anh chết anh đã đi đòi khoản tiền về ngay, vậy không phải anh giết bố anh ai giết ông ấy?

Trương Thành vẫn kiên quyết không nhận tội giết bố mình. Các nha dịch chẳng còn cách gì khác là dùng thủ đoạn tra tấn, đánh đập để bắt Trương Thành phải nhận tội. Cuối cùng do chịu không nổi Trương Thành đành phải nhắm mắt đưa chân nhận bừa là mình giết bố để có được tiền lấy vợ. Các quan viên coi như vụ án đã xong và Trương Thành chỉ còn giơ cổ ra chờ đợi hình phạt nặng nhất.

Trời không tuyệt đường của người bị oan, một ngày khi quan phủ đang xử án trên công đường, tên kẻ trộm họ Lưu vừa kết thúc cuộc thẩm vấn nhìn thấy Trương Thành bỗng lẩm bẩm trong miệng: “Trương Thành, vì bố anh có trong tay một khoản tiền không cho người, bị người giết hại nên bây giờ anh bị oan uổng ngồi chờ chết”. Người nói vô tâm, người nghe có ý, đây là lời nói thốt ra từ mồm một tên kẻ trộm đâu phải ngẫu nhiên. Trương Thành nghe thấy nhưng không cảm thấy câu nói đó có gì đúng sai.

  Nhưng quan huyện đại nhân cẩn thận chu đáo đã nghe thấy sự thâm thúy ở trong lời nói. Tên kẻ trộm nói bố Trương Thành có một khoản tiền không cho người, bị người giết hại. Nghe giọng nói của tên trộm thì không phải là Trương Thành giết bố mình, nhất là tên trộm lại nói thẳng ra rằng Trương Thành bị oan chờ chết. Vậy có thể thấy rằng Trương Thành không giết bố mà hung thủ là người khác, ít nhất tên kẻ trộm này phải là người biết rõ sự việc hoặc hắn phải là người trong cuộc.

Nghĩ đến đây, quan huyện đại nhân lập tức gọi tên trộm ra công đường bắt hắn nói đầu đuôi ngọn ngành sự thật về cái chết của bố Trương Thành.

Một lời đã trót nói ra, dẫu xe tứ mã khó mà đuổi theo, giữa công đường tên kẻ trộm đã thành thật khai rằng hắn và đồng bọn đã giết bố của Trương Thành.

Tên kẻ trộm khai rằng hắn có quen biết bố Trương Thành và còn biết tuy rằng hai bố con ông sống nhờ trong ngôi miếu hoang nhưng trong nhà có một khoản tiền. Hắn đã rủ thêm ba tên đồng bọn nữa đến ngôi miếu để định ăn cắp số tiền này. Khi vào trong miếu bọn chúng lật tung tất cả hòm tủ, tìm tất mọi ngóc ngách tốn rất nhiều công sức nhưng cũng không tìm thấy tiền và một thứ gì giá trị cả. Không thể trở về tay không bọn chúng liền thuận tay dắt dê lấy luôn cả cái chăn đã rách nát của ông lão.

Nhưng thật không may cho bọn trộm, ông bố Trương Thành lại tự nhiên thức dậy đúng vào lúc này. Ông lão nhìn thấy bọn kẻ trộm lấy chiếc chăn của mình lại thấy trong bọn trộm có một tên quen mặt nên ông nói: “Hóa ra là mày, thằng Lưu”. Tên kẻ trộm nghe thấy bố Trương Thành nói ra tên mình sợ ông lão đi báo với quan phủ nên nghĩ không làm thì thôi đã làm thì làm đến cùng, tên trộm bảo đồng bọn phải giết người diệt khẩu thế là bọn chúng quay lại cùng nhau giết chết ông lão.

Tên trộm họ Lưu dùng cái dùi đục đánh vào đầu ông sau đó đồng bọn của hắn lấy hương trong miếu đốt lên người ông lão nên ông lão bị chết ngay sau đó.

Khi thấy ông lão đã chết, bọn trộm cắp đàng hoàng rời khỏi ngôi miếu. Bọn chúng tưởng rằng tội ác này của bọn chúng trời không biết, đất không hay.

Theo lời khai của tên trộm họ Lưu, quan huyện cho nha dịch đi bắt ba tên đồng bọn đã cùng gây tội ác với tên họ Lưu đến công đường để thẩm vấn và xét xử. Bọn chúng đều thừa nhận do ăn cắp không thành nên đã giết chết bố của Trương Thành. Việc nguyên nhân cái chết của bố Trương Thành đã rõ ràng, hung thủ giết người đã tâm phục khẩu phục, điều này chứng minh rằng Trương Thành vô tội và anh lập tức được tha.

Còn việc Lý Anh, người đã trình báo không đúng sự thật, vu oan hãm hại người, Trương Thành yêu cầu quan huyện truy cứu trách nhiệm của Lý Anh về tội cố ý hãm hại người khác. Kết quả Lý Anh bị xóa tên cử nhân và phải bồi thường cho Trương Thành một khoản tiền.  

Mạng lưới của pháp luật được giăng ở khắp nơi thưa mà khó lọt nếu coi thường luật pháp làm càn, làm bậy thì trước sau cũng phải sa lưới. Một câu nói của tên trộm đã tiết lộ thiên cơ và cuối cùng không thoát khỏi được lưới trời lồng lộng.

 Từ một lời nói lẩm bẩm của tên kẻ trộm dường như chỉ là ngẫu nhiên tình cờ nhưng vị quan huyện đã nắm lấy cơ hội và giải quyết được một vụ án khó, đây là một kinh nghiệm của những người cầm cân nảy mực trên chốn công đường
Lưu Văn Cơ (Trung Quốc)- Nguyễn Thiêm (dịch)
.
.