Mộng giang hồ

Thứ Năm, 24/09/2020, 15:35
Giang hồ thu mình lại như con mèo con cuộn tròn quanh bếp lò những ngày mưa gió. Mái tóc đen vàng lởm chởm đâu có che được khuôn mặt hốc hác của giang hồ. Mấy cái hình xăm chi chít trên cánh tay cũng đâu có dựng lại một cuộc đời sau những lần đổ vỡ.


1. Giang hồ đứng khép hai chân vào nhau, tay nắm lấy vai tôi còn mắt thì cứ nhắm hít lại. Giang hồ run lẩy bẩy miệng không ngừng hỏi với.

- Mày bắt nó ra chưa?

Tôi nhìn giang hồ vừa thấy mắc cười vừa thấy tội. Tôi cầm con vắt với cái bụng đầy máu trên tay, đoạn giang hồ vừa mở mắt ra nhìn đã nhảy cẫng lên, ba chân bốn cẳng chạy đi. Giang hồ sợ vắt hơn sợ cọp, cho nên mỗi lần đi ngang bụi rậm, giang hồ đều co giò chạy thật nhanh. Giang hồ ngồi bệt dưới cỏ nhìn tôi thở hổn hển.

- Mày mà hó hé vụ này ra nửa lời, tao sẽ "xử" mày tới bến.

Ngó thấy điệu bộ không mấy gì quan tâm của tôi, giang hồ đâm ra bực bội. Giang hồ lấy tay kẹp cổ tôi ghì xuống lấy miệng vờ cắn vào lỗ tai của tôi.

- Mày không hứa là tao cắn sứt cái lỗ tai của mày luôn.

- Ừ, tao hứa! Buông tao ra đi, nhột gần chết.

Tôi và giang hồ nằm sõng soài trên bụi rơm khô. Những đám mây với đủ dạng hình thù cứ trôi đi mải miết. Giang hồ chỉ tay lên bầu trời.

- Ba tao vẫn ở trên đó, nhìn xuống để phù hộ cho tao.

Cơn gió đồng thổi qua làm khóe mắt tôi cay xè.

Minh họa: Phạm Minh Hải

- Nhìn mày ra như vầy chắc ba mày buồn lắm!

Sau câu nói đó, tôi chẳng nghe giang hồ phát ra bất kỳ tiếng động nào, cứ như tiếng thở cũng được giấu vào trong. Giang hồ nhắm ghì mắt, tiếng chim trên cây tràm cứ ríu rít chuyền cành. Không biết lúc đó giang hồ đã ngủ chưa hay câu nói vô tình của tôi đã gieo vào lòng giang hồ một nỗi buồn quá lớn. Giây phút đó, tôi thấy bình yên đến lạ. 

Giang hồ thu mình lại như con mèo con cuộn tròn quanh bếp lò những ngày mưa gió. Mái tóc đen vàng lởm chởm đâu có che được khuôn mặt hốc hác của giang hồ. Mấy cái hình xăm chi chít trên cánh tay cũng đâu có dựng lại một cuộc đời sau những lần đổ vỡ. 

Giang hồ khẽ trở mình để lộ ra những vết sẹo ngắn dài lồi lõm, có vết chưa kịp lành đã hằn lên một đường dài nhưng nhức. Kéo áo lại, đắp cho giang hồ mà tôi nghe lòng mình chấp chới. Trời khuất mình từ lâu mà những vết sẹo ấy cứ hiện ra mồn một, cứa vào lòng người rỉ máu…

2. Cả xóm gọi thằng Chẵn là giang hồ từ bữa nó mua thuốc nhuộm về quệt lên đầu, mớ tóc vàng cháy như râu bắp của nó cứ phất phơ trong gió nhìn thôi đã đủ ứa gan. Đám trẻ con trong xóm chẳng đứa nào dám lại gần nó trừ tôi. 

Có lần trong lúc thằng Chẵn ngủ thiếp đi, tôi lén lấy kéo định hớt đi mớ tóc "dị thường" đó. Nó giật mình tỉnh dậy, mặt hầm hầm, ánh nhìn như có lửa, nó giận đùng đùng chạy ra ngoài ngã tư, bỏ lại tôi với cây kéo mà nhấp vào đâu cũng thấy lẻ loi. 

Lần đầu tiên, tôi thấy thằng Chẵn giận đến mức đó. Những lần trước đây, dù tôi có làm hư cái cần câu hay làm gãy ná thun thì nó cũng chỉ nạt nộ tôi vài tiếng rồi thôi. Cuộc giận chỉ thật sự nguôi ngoai đi, khi tôi lầm lì đi theo nó suốt ba ngày liền. Ngó thấy bộ mặt rầu rầu té lên té xuống lúc đuổi theo nó qua mấy vạt đồng. Nó mới dừng lại đỡ tôi đứng dậy.

- Mày giận tao rồi ai bắt vắt ra cho mày?

- Thây kệ, có gì mà tao không làm được. Bất quá tao không đi ngang đó nữa.

Thằng Chẵn cởi áo quăng xuống đất rồi nhảy tõm xuống sông. Mấy cái hình xăm trên người thằng Chẵn cứ nhởn nhơ "tao đã ở đây rồi, mày làm gì được tao". Dù tôi có nói cạn nước bọt cũng không thể nào ngăn nổi thằng Chẵn xăm lên mình những hình thù kỳ dị. Nó cứ hắt tay tôi ra, miệng không ngừng xua đuổi.

- Mày không giúp tao, thì mày để tao làm mình nghe.

Tôi ngồi bệt xuống hàng ba nhìn thằng Chẵn lấy kim đâm vào cánh tay theo nét vẽ hình con hổ (mà không phải con hổ). Tôi lấy bông gòn chậm máu cho nó, những giọt máu ấm nóng chảy ra trong ánh nhìn xa xót. Tôi mếu máo nhìn nó.

- Có đau lắm không mậy?

Nó như chẳng thèm để ý đến câu nói của tôi, cây kim trên tay nó vẫn thuần thục đi qua da thịt. Máu đã làm mờ đi nét vẽ hình con hổ hay nước mắt đã làm nhòe đi những lằn rãnh khuyết sâu không chạm đến tay người. Tuyệt nhiên tôi chẳng nghe thấy bất kì tiếng gì được phát ra từ miệng của nó. 

Tôi ngồi đốt dây dép râu trong cái thau nhôm đựng chai trét xuồng. Lửa từ cái thau hắt lên rát cả mặt, thằng Chẵn vẫn ngồi vô hồn nắm chặt "con hổ" bằng cái tay còn lại. Tôi lấy mớ than dép râu vừa đốt trộn với kem đánh răng đắp lên "con hổ" của thằng Chẵn. Tôi cứ nhấp nhổm lên mỗi khi thấy chân mày của thằng Chẵn víu vào lại với nhau.

- Rát lắm hả? Hay để nguội chút hả đắp lên.

- Mày đắp nhanh lên đi. Chút nó đặc lại sao mà đắp được.

Thằng Chẵn lấy vải mùng quất "con hổ" lại. Tôi ngồi thẫn thờ nhìn dòng nước cuốn chiếc lá vừa rơi xuống trôi đi mải miết. Không biết cái hỗn hợp bột than với kem đánh răng có làm dậy lên màu mực "con hổ". Có nét nào bị nhòe đi lúc thằng Chẵn ngó lên bầu trời xanh biếc. 

Nó học được cách xăm mình từ đám thanh niên xóm trên, tay đàn anh "coi giò" thằng Chẵn phán câu xanh rờn "có tương lai". Thằng Chẵn nói, sau này nó sẽ làm giang hồ để không bị ai ăn hiếp. Nó quyết theo chân thằng đàn anh xóm Bầu Đá học cái thói… du côn. Bữa nó gỡ miếng vải mùng ra, bà nội nó khóc muốn hết nước mắt khi nhìn thằng cháu trai tập tành đòi làm giang hồ. Bà đấm vào ngực thình thịch khi đứng trước bàn thờ của ba nó mà nó vẫn tỉnh bơ.

- Làm giang hồ mới không sợ giang hồ nội ơi.

Nó xoăn tay áo lên lừng lững bước đi bỏ bà nội nó ngồi khóc sụt sùi trong căn nhà mà gió thổi phía nào cũng lạnh. Ba thằng Chẵn mất năm nó mới học lớp Bốn, bà chủ nợ không quay lại từ lúc ba nó lấy tay ôm ngực ngã nhào xuống đất, gọi kiểu gì cũng không mở mắt. 

Số tiền bà nội nó bán năm công đất hương hỏa để dành mổ tim cho thằng con trai trôi theo mấy "ông tướng, ông tây" trong bộ bài bé xíu. Má thằng Chẵn mê bài đến nỗi mướn người khác đánh giùm để ăn cơm. Vay nợ khắp từ đầu trên xóm dưới, không từ lỗ nào, lời lãi bất cần. Thành ra, căn nhà lá mỗi ngày một teo tóp lại, ba thằng Chẵn cũng bất lực trước những lần chủ nợ bủa vây. 

Bà nội nó khóc hết nước mắt cũng không thể nào khuyên được đứa con dâu rời xa được "bác thằng bần". Người xóm Bầu Đá nhìn bà nội thằng Chẵn cười.

- Nó thấm vào máu rồi, tới chết con Màu cũng không bỏ được.

Đám tang ba thằng Chẵn vào một ngày mưa lất phất, gánh đào tị hạ huyệt xong thằng Chẵn vẫn còn ngồi bệt xuống đất. Tôi cầm dù che cho nó, nước mưa vẫn tạt được vào chỗ nó ngồi, con vắt dưới bắp chân nó đã hút máu no nê. Tôi bắt con vắt ra cho nó mà chẳng thấy nó có chút phản ứng gì, đôi mắt nó đăm đăm nhìn về một hướng. 

Bà nội nó đứng tựa cột khóc xỉu lên xỉu xuống trong nhà. Hàng xóm thay nhau lấy nón quạt cho bà, tiếng gọi con của bà đâu có bị sấm chớp làm cho lạc đi chút nào. Hàng xóm kéo ống quần lên quệt nước mắt, tiếng bà vẫn dội vào tiếng mưa xối trên hàng lá mục. Buồn nào hơn cảnh kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Trời mưa rả rích, không ai nỡ bỏ về. Căn nhà nhỏ ba thằng Chẵn vừa mới chêm thêm lá mới mà đứng chỗ nào cũng thấy dột…

3. Cúng thất thứ năm thì má thằng Chẵn khăn gói trở về. Bà nội nó nằm trên giường bệnh thều thào một lúc cũng bị xiêu lòng. Dì Màu quỳ dưới bàn thờ ba thằng Chẵn giơ tay lên thề không đụng tới bài bạc nữa. Chủ nợ đến nhà như cơm bữa lúc hay tin dì Màu về. Thằng Chẵn ngồi cạnh quạt cho bà nội nó mà khói nhang vẫn phảng phất quanh nhà. Dì đứng chống nạnh trước nhà.

- Tui có giựt mấy người đâu mà sợ. Để tui làm từ từ rồi tui trả lại, má chồng tui đang mệt trong nhà kìa. Tui mà chết mấy người nhắm lấy tiền lại được không?

Lời hẹn từ từ của dì Màu như nước sông xóm Bầu Đá trong buổi chiều nhạt nắng, mà chủ nợ thì đâu có mỏi chân. Đám giang hồ cứ lượn lờ trước sân ngó vào căn nhà lá buồn buồn cặp mé sông. Gặp riết nên… thân. 

Dì Màu cặp với gã giang hồ có khuôn mặt bặm trợn trước cổ còn đeo cái nanh heo rừng to tướng. Thằng Chẵn đâu dám để cho bà nội nó nghe những tiếng xì xầm. Ba nó mất độ chừng nửa năm thì bà nội nó nằm liệt giường, mắt ngó lên bàn thờ thằng con trai vắn số. Ăn uống tắm rửa gì đều do một tay thằng Chẵn lo. Thi thoảng dì Màu mới tiếp giúp được một chút rồi lại lội dài dài xóm gom phơi số đề. 

Có giang hồ chống lưng, dì Màu sẵn tiện làm thầu số đề mà chẳng sợ ai dòm ngó. Thằng Chẵn nói, nó không muốn làm cho bà nội nó buồn nên mắt nhắm mắt mở cho qua chuyện. Từ ngày má nó về, nó không hề để ý đến sự hiện diện của dì Màu trong nhà. Dì như tan đi trong vòng khói khang nghi ngút bay lên từ lư hương trên bàn thờ ba nó. Dì có làm cách nào cũng không thể lay động được thằng con cứng đầu. Nó chẳng thèm ừ hử hay thậm chí liếc nhìn lúc hai người gặp nhau ngoài đường. 

Dì Màu phất lên nhờ số đề, nhà cửa sắm sửa đủ thứ chẳng hề thua kém nhà ông Tư Trảng bán tạp hóa ngoài ngã tư. Thằng Chẵn không hề động tới bất cứ thứ gì mà má nó mua về. Căn nhà được lắp đầy nhưng lại khiến con người ta vào ra chật chội. Thằng Chẵn vẫn ngồi quạt cho bà nội nó trên chiếc ghế mục xuyên xỏ đủ thứ cây ba nó đóng hồi nó mới học lớp 1. Những vật dụng vốn không thuộc về ngôi nhà cứ ngổn ngang chất vào lòng người nặng trĩu.

Dân xóm Bầu Đá xúm nhau đi cầu số, nhà ai có vật gì lâu năm đều đem ra cầu hồn xin số. Người xách cái cối, cái bàn ủi, cái lư hương hay bữa đào đất đắp nền nhà móc trúng cục đá cũng mang đến nhà thầy cầu hồn xin số. Cứ hễ hừng sáng, người ta lại tụ tập nhau coi, hôm qua nằm chiêm bao thấy cái gì, để cùng nhau bàn rồi "xuống xác". Những giấc chiêm bao được chắp vá cầu kì, lộn tới lộn lui, trồi sụt đủ đường cùng với các con số dài như sớ Ngọc Hoàng. 

Má thằng Chẵn lại bày ra đủ trò, hết đánh đầu rồi lại đánh đuôi, kiểu gì mà thoát khỏi. Người xóm Bầu Đá có hẳn một cuốn sổ bàn đề, con chó 11, Thần Tài 39, ông già 91… Đám trẻ trong xóm nghe đến thuộc làu mà không cần lật sổ. Không biết bao nhiêu gia đình nhà tan cửa nát vì những con số trong cái lồng cầu bé xíu. Thằng Chẵn nhìn những người phụ nữ bỏ hết công việc nhà ngồi xắn quần bàn số mà lắc đầu nguầy nguậy. Giang hồ kiểu nó có mấy ai? Nó ném cục đá xuống sông, nhướng mắt về phía tôi cắc cớ.

 - Hôm ấy tao với mày chơi ông thầy pháp một vố đi.

Tôi trố mắt nhìn nó ngạc nhiên.

- Mày gan quá he. Ổng sai âm binh về vật cho mày chết.

- Vậy là mày tin theo lời của ông thầy "lầy" đó hả? Mày đừng có để ổng với má tao hại người nữa.

Tôi nhìn nó không nói. Tiếng lồng cầu quay số trong cái ra-đi-ô cứ làm người xóm Bầu Đá nhấp nhổm đứng ngồi không yên. Những tràng vỗ tay liên hồi, những gương mặt thất thểu ra về khi ông phát thanh viên vừa đọc qua dãy số cuối cùng. Đám trẻ con đen nhẻm, ốm còi cọc, áo quần xộc xệch đi lẽo đẽo sau lưng những người phụ nữ còn cầm lai số đề tiếc nuối. 

Tôi cứ nhìn theo họ mãi đến khi bóng họ khuất sau ngọn bần già xơ xác. Phía trong quán cà phê, tiếng người ta giục nhau đi ngủ sớm để xem chiêm bao có về, tiếng người gọi ông thần "Cù Nèo", ông thần "Cối Xay Bột" cứ vang vang một khúc sông, khói nhang quyện vào người vương vít. Tôi quay mặt về phía sau.

- Rồi mày định làm gì?

Thằng Chẵn ngồi im không đáp. Bóng tối cũng vì thế mà đổ xuống từng dòng lạnh câm, tôi không còn nhìn thấy mái tóc vàng hoe và "con hổ ăn chay" của nó nữa. Mọi thứ đều có thể nhấn chìm vào đêm nhưng nước mắt thì không…

 4. Tôi và thằng Chẵn nhập băng với đoàn người đi cầu số. Nghe đâu thím Tám mới lượm được "ông thầy máy Cule" từ hồi "trào ngụy" về. Đồ cổ linh phải biết. Đám con nít bị người lớn kéo lại dặn dò đủ thứ, không được phá phách để "ông thần" xuất ra khi chưa kịp cho số. Những lần cầu trước, đám con nít chúng tôi chỉ được nhìn qua cái lỗ rách của vách nhà ông thầy pháp. Thím Tám trợn mắt khi thấy thằng "giang hồ" lẫn trong đám trẻ mặt mày lem luốc nhưng vì "đại cuộc" thím đành mắt nhắm cho qua chuyện. 

Tôi với thằng Chẵn nhanh chân chen vào nhà ông thầy pháp trước khi bà chủ nhà đóng cửa. Hai đứa tôi đứng nép ở phía sau tránh đi sự phát hiện của bà con trong xóm Bầu Đá. Ông thầy pháp bắt đầu đốt nhang rồi lấy vải đỏ trùm lên đầu, tay bắt ấn liên tục. Sau một hồi vật vã, ông thầy pháp chợt rùng mình, hàng người ngồi xung quanh không ngừng chắp tay vái lạy. Ông thầy pháp thổi miệng phát ra tiếng "tạch tạch tạch" (tiếng máy cule) người trong xóm gật đầu mừng rỡ.

- Đúng. Đúng ổng rồi.

Sau một hồi nhắm mắt ngã nghiêng, ông thầy pháp được người phụ nữ trong nhà "khai khẩu". Người phụ nữ giọng điệu nhẹ nhàng.

- Dạ bẩm ông, gia chủ đây nghèo khổ quá. Hôm nay thỉnh ông về, mong ông cho cổ con số để có tiền làm vốn mần ăn với người ta.

Ông thầy pháp ngồi nhắm mắt lắc lư một lúc rồi nói với cái giọng khàn đặc.

- Thấy nữ khổ nên ta mới giúp cho lần này. Mà nữ đem bỏ ta ở ngoài bờ lâu quá rồi. Ta đói lắm. Đi giựt số không lại người ta.

Thằng Chẵn bụm miệng nhìn tôi cười. Ông thầy pháp "bổn cũ soạn lại", cầu cái bàn ủi, ông thầy pháp đòi ăn than, cầu lư hương ông thầy pháp đưa mũi hít nhang, cầu cái cối xay bột ông thầy hốt gạo nhai nhóp nhép. Những thứ đồ ăn của "ông thần" mà không chuẩn bị sẵn đều có thể đổi ra bằng tiền để vào cái dĩa đặt trước mặt ông thầy pháp. Người phụ nữ nhìn về phía thím Tám.

- Ông thần phải uống xăng thì mới chạy được.

Mọi người chưng hửng nhìn nhau, chồng thím Tám đòi chạy đi mua. Dì Năm vỗ vai sai thằng con chạy xuống ghe chiết một ít mang lên. Người phụ nữ ngoắc tay lia lịa.

- Đợi đi thì biết chừng nào. Ổng giận ổng xuất ra thì khổ. Cúng trăm, năm chục gì cũng được.

Thím Tám vừa định lần túi móc tiền. Thằng Chẵn vén hàng người ngồi phía trước đưa vài chai xăng nó lận trong quần.

- Con có sẵn nè thím Tám. Cho ông thần uống hết nhiêu đây đi, để ổng "dọt" cho lẹ.

Thím Tám mừng quýnh, giật lấy chai xăng từ tay thằng Chẵn trong khi mặt ông thầy pháp méo xẹo. Người phụ nữ ngại ngần đưa chai xăng về phía ông thầy pháp. Tôi không nhịn được cười với vẻ mặt đắc ý của thằng Chẵn. Ông thầy pháp bị kẹt vào thế bí, đành hớp một ngụm xăng nhắm mắt uống. Thằng Chẵn đứng ở đằng sau giọng vẫn vang vang.

- Uống chút nữa đi ông thần.

Người phụ nữ trừng mắt nhìn thằng Chẵn.

- Chỗ thầy bà cúng kiếng, ai mà dắt con nít vô đây. Ổng xuất ra một cái rồi tao cho mày cầu lại nha.

Tôi và thằng Chẵn đứng nép vào góc nhà. Hàng người ngồi xung quanh không muốn làm phật lòng "ông thần" cứ chắp tay lạy muốn xói trán. Người phụ nữ đưa cuốn tập với cây viết cho "ông thần" cho số. Ông thầy pháp vừa mới đặt bút lên tờ giấy. Thằng Chẵn kéo tôi tiến lại gần cánh cửa rồi nó chợt la lên.

- Công an tới.

Ồng thầy pháp hoảng hồn.

- Công an đâu.

Hàng người ngồi xung quanh giật mình kiếm đường chạy như gà mắc dây thun. Tôi với thằng Chẵn cười không kịp thở, nó nắm tay tôi chạy một mạch về nhà, bỏ lại sau lưng đám người nháo nhào tìm đường thoát. Họ có thể tìm được rất nhiều đường thoát khỏi căn nhà đó nhưng không biết khi nào họ mới thoát khỏi những dãy số không lời.

5.  Dì Màu bể thầu số bỏ xứ đi cùng gã giang hồ bặm trợn. Người xóm Bầu Đá kéo đến nhà làm trời làm đất. Mấy tay em nạp phơi cho dì Màu cũng khóc ròng khi bị người ta xông vô nhà đòi nợ. Người ta lao vào nhà thằng Chẵn lấy đồ để cấn nợ, bà nội thằng Chẵn nằm trên giường bệnh cố ngăn tiếng nấc nhìn thằng cháu trai đứng dang tay bảo vệ bàn thờ. 

Thằng Chẵn chạy xuống nhà bếp rút dao lăm lăm chạy về phía những người đòi nợ khi thấy bà nội nó thở hơi lên, tay run run đưa về phía nó. Chủ nợ hoảng hồn ra về, bỏ lại căn nhà nhỏ thênh thang mà nhìn vào đâu cũng va vấp nỗi buồn. Nước mắt đâu có tan đi nơi bến sông buồn những chiều khuất bóng.

Bà nội thằng Chẵn cũng mất vào một ngày mưa rơi lất phất. Tiếng khóc của nó như hòa vào tiếng mưa lạnh lùng giăng lối. Nó nằm bên cạnh nội, cái quạt trên tay nó vẫn quạt gió đều đều như hồi bà nội nó còn sống. Tôi đứng lặng cùng nó, mà chẳng biết phải nói gì, chỉ có tiếng mưa dội vào lòng người lạnh buốt. 

Thằng Chẵn mang hình bà nội và ba nó đem gởi vô chùa. Căn nhà nhỏ bên cạnh mé sông bị chủ nợ lấy lại cho người ta mướn. Thằng Chẵn đứng trước nhà cũ rất lâu, nó ngước mặt lên nhìn bầu trời chiều buồn tênh xóm Bầu Đá.

- Không biết bà nội tao có tìm gặp được ba tao chưa?

Tôi nghe tiếng gió làm xạc xào bờ lá, tay chân lóng ngóng không biết chạm vào đâu để cho nó bớt cô đơn. Thằng Chẵn móc cái lưỡi lam trong túi quần ra. Nó rọc từng đường dài trên "con hổ ăn chay". Bữa đó tôi thấy nước mắt của mình nhiều hơn máu của nó. Thằng Chẵn nhìn tôi thở dài.

- Tự nhiên cái khóc. Bà nội nói không thích tao xăm hình. Tao xóa cho nội tao vui.

Tôi xé áo của mình băng lại cho nó. Nước dưới sông xóm Bầu Đá vẫn cứ đưa cánh lục bình ngơ ngác trôi về nơi xa vắng. Tôi mếu máo nhìn nó.

- Có đau lắm không?

Nó khoác vai tôi ngồi xuống dưới gốc me già.

- Tao đi rồi, mày ở lại mạnh giỏi nha.

Câu nói của nó nhẹ bâng mà đủ làm tim tôi hẫng đi một nhịp.

- Mày ở lại nha. Để tao về xin ba má cho mày ở chung.

Thằng Chẵn lấy tay quệt nước mắt cho tôi. Chiếc xe đò chạy chuyến cuối ngày cập bến, thằng Chẵn bước lên xe bỏ tôi đứng lại khóc như mưa bấc. Hành khách trên xe nhìn hai thằng con nít chẳng biết ất giáp gì. Xe rời đi bỏ lại làn khói mỏng manh đủ làm dài cho một cuộc chia xa. Tuyệt nhiên tôi chẳng thấy có cái ngoái đầu nào nhìn lại, chỉ thấy đôi vai nào đó khẽ run run qua tấm màn kính xe đò. 

Thằng Chẵn sẽ dừng lại ở đâu trên đoạn đường xe qua hay trạm cuối cùng chưa đủ để nó dừng chân. Má thằng Chẵn chắc cũng từng leo lên chuyến xe cuối ngày mà tan vào biển người mênh mông. Liệu giữa dòng đời lang bạt, họ có còn gặp lại nhau. Bữa đó mặt trời lặn rất nhanh, không biết thằng Chẵn đã kịp nhớ đường về…

Truyện ngắn của Nguyễn Chí Ngoan
.
.