Món quà dưỡng sinh

Thứ Ba, 08/01/2008, 15:30
An bừng tỉnh giấc sau một giấc ngủ ngắn. Gian buồng bệnh màu trắng sữa chợt bừng lên muôn cánh bướm đa sắc trước mắt anh. An mở to mắt, tỉnh ngủ hẳn. Bức tranh cánh bướm, người ta đã mang nó đi rồi. Sao giờ đây nó lại đường hoàng được treo trở lại trước mắt anh?

- Đan, em làm gì thế? - Tôi dừng xe trước cửa nhà Đan - cô học trò cưng lớp tôi chủ nhiệm - vừa hỏi vống vào.

Đan mặc bộ quần áo màu tối bằng vải nhẹ chạy ra đón tôi: “Thưa cô, em đang xếp bộ sưu tập bướm khô”.

- Sao hôm qua em nghỉ học?

Một màn tối trùm lên đôi mắt nâu đuôi phượng của Đan:

- Chỉ tiết vẽ của cô thôi. Em xin lỗi. Hôm qua, thầy An chợt khó thở, ngỡ rằng không qua khỏi. Nghe lớp trưởng Sâm báo, đang học, em vội bay đến bệnh viện ngay.

Khổ, thầy An dạy môn sinh vật bị lao phổi nặng, nhập viện ba tháng nay nhưng bệnh không giảm. Trước đây, do không biết mình nhiễm lao nên thầy đã chậm trễ trong điều trị. Dạy khác môn nhưng tôi với An cũng là chỗ thân tình. Tôi có đến bệnh viện thăm anh nhiều lần. Đan thì khỏi nói, cô bé thân thầy đến mức được An coi như em út. Đan không chỉ giỏi vẽ mà còn giỏi môn sinh, dường như cô bé có khả năng thu phục được tình cảm của tất cả các thầy cô. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi đến nhà để báo Đan biết tranh em vẽ dưới sự hướng dẫn của tôi được chọn triển lãm tại trường nhân dịp lễ 20/11, hãy giao tôi hai bức tranh đầu năm học em vẽ. Trong lúc Đan đi lục hình, tôi trờ tới bàn học của em. ô, những con bướm thật được sấy khô nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn ánh tươi đang xõa cánh ra khoe sắc. Bướm cẩm thạch cánh nâu nhung với viền đen chấm đen huyền ảo. Bướm hoàng đế trắng thanh khiết biết làm duyên với vài đốm sẫm. Bướm chóp cam màu trắng sữa có mảng cam đầu cánh. Nhiều loại quá, tôi cũng không thuộc hết tên. Thật sự ngạc nhiên, tôi thốt lên:

- Em bắt được từng này sao?

Đan quay lại, mặt đầy suy tư:

- Đây là số bướm thầy An bắt được, không chỉ thỏa mãn ý thích sưu tập mà còn để phục vụ cho việc giảng dạy. Vì lâm trọng bệnh, thầy đã giao em làm tiếp. Nhưng em vụng về lắm cô ơi!

Tôi có nghe An khoe về bộ sưu tập bướm nhưng không ngờ nó đa dạng đến thế. Nhận tranh xong, tôi tò mò nhìn Đan dùng kẹp gắp bướm ra từ hũ có axít axêtíc. Sau khi dùng vợt lớn để bắt, Đan đã cho bướm vào hũ axít để chúng chết hẳn và cũng để diệt khuẩn. Rồi cô bé tiêm phoócmôn cho bướm. Xong, Đan đặt loài côn trùng xinh đẹp này lên giấy pelure, sửa cho đôi cánh xòe ra, giữ cố định tư thế cánh bằng giấy trong dằn lên, bốn cây kim gút ghim lên bốn góc giấy chặn từng cánh. Vị chi phải cần tám cây kim gút để ép từng con bướm cho xòe cánh ra. Việc sưu tập thật lắm công phu. Mà đã hết đâu, sau khi bướm xòe cánh đẹp rồi, Đan còn phải sấy chúng bằng cách cho vào khung tủ gỗ nhỏ, trong đó có đặt sẵn ngọn đèn điện bé, để cả ngày. Làm xong tất cả, Đan mới dám dán vào hộp. Với cách bảo quản như thầy An chỉ dẫn, số bướm có thể lưu giữ được đến hàng trăm năm. Nhìn Đan làm, tôi cảm phục sự công phu của cô bé. Tôi buông lời khen nhưng Đan lắc đầu quầy quậy, giọng như lời thú tội:

- Trong quá trình làm, em đã làm gãy quá nhiều cánh bướm. Thầy An mà biết chắc buồn lắm. Bắt một con bướm đẹp và hiếm đâu phải dễ.

Tôi nhìn Đan với ánh mắt chia sẻ. Những cánh bướm nhung đẹp đến mức trên đường về, sắc màu huyền ảo của chúng vẫn hiện lên trong đầu tôi...

*

Đã một tuần trôi qua từ khi tôi đến nhà Đan. Hôm nay, nghe tin bệnh thầy An trở nặng, tôi rủ Đan cùng đi thăm.

Ánh trăng hắt sáng cả khoảng sân bệnh viện. Những vụn đá lát cũng sáng trắng lên như đám vẩy cá vương trên thớt. Buồng bệnh rặt một màu trắng sữa buồn tẻ. Thầy An nằm như dán xuống giường, thần sắc như người của thế giới khác. Đan bước tới, khe khẽ cầm lấy tay thầy. Đôi mi mắt An hé mở, trông giống hai hòn đá ẩm ướt. Tôi mở cặp lồng cháo định bón cho An nhưng anh lắc đầu. Người khỏe mạnh có một trăm ước muốn. Người không có sức khỏe chỉ có một ước muốn duy nhất. Nhưng với An, hình như chẳng phải thế.

Minh họa của Ngô Xuân Khôi. 

Sau khi bệu bạo nói chuyện được vài câu, anh đã hỏi Đan về bộ sưu tập bướm. Đan trả lời mọi chuyện đều tốt đẹp. Nghe nhắc tới bộ sưu tập của mình, An trở nên linh hoạt. Anh khoe mình đã bắt bướm trong những chuyến tham quan rừng núi tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Anh đã bảo quản, lưu giữ chúng nhiều năm nên mới có được bộ sưu tập gần hai trăm con như thế. Số bướm không chỉ có giá trị sưu tập mà còn là tư liệu giảng dạy rất quý. Nhiều du khách nước ngoài đến gạ mua với giá cao nhưng anh đã từ chối bán.

Đan an ủi thầy:

- Thầy yên tâm, em sẽ hoàn tất bộ sưu tập.

Tôi mân mê mấy vỉ thuốc Rifampicine đặt ở bàn đầu giường, bụng linh cảm có một điều không hay sẽ xảy đến. Trên đường về, tôi bảo Đan:

- Hãy giao cô số bướm bị gãy cánh, cô sẽ chữa.

- Em đã cố dùng keo gắn, nhưng nó không khít, trông giả lắm.

- Cứ đưa cô, biết đâu cô úm ba la được thì sao!

Giọng Đan "dạ" thật ngoan. Đêm thu thổi gió bụi vào mặt chúng tôi với tất cả sự ghen tị của nó. Mái tóc Đan bị gió vò xước cả lên như rạ.

*

Đã gần một tuần trôi qua từ khi Đan giao số bướm cho tôi. Thầy An vẫn phải nhập viện. Mải bận với công chuyện nhà trường, hết dự giờ rồi soạn giáo án, đến hôm nay tôi mới có thời gian kiểm lại bộ sưu tập. Nhìn những bộ cánh nhung với sắc màu lung linh kỳ ảo, tôi hiểu được vì sao thầy An say mê loài côn trùng này. Này bướm chanh vàng rực, cánh trên viền đen lại thêm vài đốm đen rơi. Này bướm hoàng tử mướt rượt màu xanh biển biết làm duyên thêm với mấy đường gân trắng nhỏ. Rồi bướm hổ màu đen chen với sắc vàng huyền hoặc, bướm lá màu cam nâu, nhìn là thấy hơi hướm của mùa thu. Tôi dùng nhựa thông, rồi loại keo 502 để dán cánh bướm vào thân, nhưng đúng như Đan nói, chúng không dính sát, trông giả tạo làm sao. Cầm con bướm bá tước đen ánh có điểm xuyết cả màu xanh trời và xanh lá, một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi. Chọn xong miếng ván ép bằng gỗ tốt, tôi bắt tay vào một công việc mới lạ, đầy khó khăn, thử thách. Tay tôi nâng bướm thật nhẹ nhàng để khỏi làm rơi phấn. Đã khuya lắm rồi. Trời lại nổi cơn mưa. Ngoài sân nhà, gió mạnh từng cơn xuyên qua làn nước dày đặc như tiếng đũa gõ trong tay thầy phù thủy. Tôi mải miết làm, quên cả đêm. Lọ aceton, hũ keo 502 dần vơi. Là một giáo viên hội họa kiêm họa sĩ, tôi quyết hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Nghĩ đến đồng nghiệp An đang vật lộn với căn bệnh, tôi như được tiếp thêm sức mạnh.

*

Tôi và Đan trở lại bệnh viện. Dưới làn áo mỏng, người An còi cọc như cái cây cớm nắng. Đan mang bộ sưu tập bướm đã hoàn thành cho thầy xem. Những hàng bướm được đính vào nhiều hộp lớn theo từng chủng loại trông thật công phu. Bóc cho An mấy viên thuốc Ethambutol, tôi ái ngại nghe anh hỏi Đan:

- Sao chỉ có chừng này hộp? Đúng ra phải được hơn chứ em!

Đan bối rối cụp mắt xuống. Tôi nói:

- Số bướm còn lại nằm cả trong này.--PageBreak--

Tôi giơ ra một khung chữ nhật được bọc kín, tay lần giở lớp giấy bọc. Thầy An và Đan ngạc nhiên nhìn, rồi cả hai cùng ồ lên, tròn xoe mắt. Trên tay tôi là một bức tranh nghệ thuật được ghép bằng toàn cánh bướm. Bướm cẩm thạch nâu nhung tạo dáng ngôi nhà gỗ mộc. Bướm bá tước đen trại có tí màu lục phác họa mái nhà rêu phong. Bìa rừng với mấy hàng cây lá vàng sắc thu được kết nối bằng cánh bướm chanh đan xen bướm chóp cam. Mấy hòn đá tảng được tạo dáng từ bướm quân vương. Bờ đất trải đầy lá vàng được tạo hình từ bướm hổ và bướm vàng. Một góc bầu trời xanh ánh, huyền ảo, tôi kết nối từ bướm hoàng tử… Tất cả đều hài hòa, đẹp còn hơn gấm thêu. Loại tranh hiếm và công phu này không chỉ tạo hiệu quả về thị giác mà còn đánh động đến "tâm giác". Trong mỗi đường nét đều có những tần sóng, những nhịp điệu tình cảm khiến người xem rung động. Gương mặt An rạng rỡ, đầy phấn khích, môi anh lắp bắp:

-Thật là một tác phẩm kỳ ảo, độc đáo nhất mà anh thấy!

Đan ôm lấy tôi, giọng thán phục:

- Cô quá tuyệt vời. Em đã được xem mấy tranh ghép từ lúa gạo, các loại hạt đậu và tem thư tại bến Nhà Rồng. Nhưng tranh này quả là đẹp đến "nổi da gà"!

Tôi mỉm cười mãn nguyện. Thật bõ công mấy đêm thức trắng. Tôi cho An biết Đan đã làm gãy nhiều cánh bướm nhưng tôi không muốn bỏ phí chúng đi nên đã làm món quà bất ngờ này để tặng An. Rồi tôi treo tranh lên tường phòng bệnh, ngay trước tầm nhìn của An để anh được ngắm nó mỗi ngày. An phấn chấn cố đứng dậy ngắm tranh ở các góc độ khác nhau cứ như đã khỏi bệnh. Anh thốt lên:

- Trông xa lại càng đẹp đến phi thực!

Với người bệnh, yếu tố tinh thần cũng rất quan trọng. Tôi mong những cánh bướm huyền ảo sẽ đem lại niềm vui cho An và giúp anh mau khỏi bệnh.

*

Dạy xong mấy tiết vẽ ở khối 9, tôi chuẩn bị ra về thì Đan hớt hải chạy tới:

- Cô ơi, thầy An bán đi bức tranh cánh bướm rồi!

- Tại sao…

Đan nói với giọng hổn hển và xúc động, không dừng lại một lần dù chỉ để lấy hơi :

- Thầy An bị lao kháng thuốc, điều trị theo phác đồ Một và Hai đều không kiến hiệu. Thầy phải chuyển qua phác đồ Ba, chích và uống đến các loại thuốc vừa hiếm vừa mắc như Prothionamide, không được cấp phát miễn phí tại các cơ sở y tế. Có loại thuốc như TB1, thầy phải nhờ mua tận nước ngoài. Cùng cực, thầy bán tranh để chữa bệnh và gửi lời xin lỗi cô.

Tôi cũng biết An chẳng giàu có gì, ngược lại là khác. Có lần, An hỏi mượn tôi tiền. Tôi đưa anh mấy tờ bạc lớn và vô tâm nghĩ thế là đã đủ. Tôi đâu ngờ hoàn cảnh anh bi đát thế này. Tôi hỏi Đan :

- Ai mua tranh vậy?

- Một doanh nhân người Mỹ tên Eric Zelman. Trước đây, ông đã gạ mua bướm ép của thầy An nhiều lần với giá cao nhưng thầy nhất định không bán. Có lẽ thầy còn phải bán nốt các hộp bướm khô cho ông này để đeo đẳng tới cùng việc điều trị.

Lao kháng thuốc, tôi còn lạ gì. Mẹ tôi đã phải điều trị bệnh đó đến hai mươi chín tháng! Tôi nhất định phải làm một việc gì đó cho An. Tôi hỏi Đan, cổ chợt nghẹn đau tựa bị dính mạt cưa:

- Ông Eric Zelman giờ ở đâu?

- Thưa, ông đang nghỉ tại khách sạn Rex.

*

An bừng tỉnh giấc sau một giấc ngủ ngắn. Gian buồng bệnh màu trắng sữa chợt bừng lên muôn cánh bướm đa sắc trước mắt anh. An mở to mắt, tỉnh ngủ hẳn. Bức tranh cánh bướm, người ta đã mang nó đi rồi. Sao giờ đây nó lại đường hoàng được treo trở lại trước mắt anh? Nỗi ngạc nhiên làm An không thể rời mắt khỏi bức tranh như muốn đem toàn bộ tình cảm, sự quyến luyến của mình tô trát lên nó. Anh bối rối giơ một tay về phía khung tranh, rồi cả hai tay.

Đứng đằng sau giường An, tôi đã quan sát nhất cử nhất động của anh. Tôi bước lên nắm lấy tay An:

- Em đã vận động giáo viên và học sinh toàn trường quyên góp để chuộc lại bức tranh cho anh. Tiền thuốc sắp tới anh cũng không phải lo. An, hãy can đảm lên! Mọi người luôn sát cánh bên anh.

An nhìn tôi bằng đôi mắt ướt thể hiện bao thông điệp không lời. Bàn tay anh bóp chặt lấy tay tôi. Rồi chúng tôi cùng đưa mắt ngắm khung tranh. Bức tranh cánh bướm vẫn đằm thắm phô sắc, những gam màu nổi đan xen màu đen, mơ ở trong thực, cái vô hình nằm trong hữu hình, cái chính xác của sự mơ hồ, bảng lảng. Tất cả tạo nên vẻ huyền diệu của tác phẩm nghệ thuật này. Có lẽ ngay đến những con bướm cũng không ngờ kiếp phù sinh của chúng lại vĩnh hằng đến vậy…

.
.