Mở rộng tầm mắt

Thứ Bảy, 19/05/2018, 08:08
Chu Nhị Khả muốn con trai mình cũng đến diện kiến các giáo sư, có thể gặp giáo sư đại học ở ngay cửa nhà mình là một nguồn cổ vũ lớn đối với trẻ thơ. Nhưng Trưởng thôn lại không đồng ý, cho rằng để Tiểu Mao chạy lăng xăng thì chẳng ra thể thống gì. Chu Nhị Khả chỉ biết đỏ mặt bỏ qua dự định này.

Việc có thể cùng các giáo sư ăn cơm khiến Chu Nhị Khả vừa phấn khích vừa hồi hộp. Ngày thứ nhất, ngoài việc nghe sự mách bảo của Trưởng thôn, tỉ mỉ chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn, anh còn đặc biệt chuẩn bị hai thứ: một là tìm một cuốn sổ nhỏ, muốn xin chữ kí của giáo sư ngay trên bàn ăn, đồng thời có thể thuận tiện ghi lại những lời hay ý đẹp của họ khi họ ăn cơm; hai là mượn con trai một cuốn từ điển thành ngữ, suốt đêm lọc ra được hơn 20 câu, tranh thủ lúc luận bàn với các giáo sư có thể sử dụng.

Theo lời của Trưởng thôn, lần này cùng lúc sẽ có 5 vị học giả, đều là những giáo sư nổi tiếng có thể đến cái làng nghèo túng và hẻo lánh này điều tra, nghiên cứu vấn đề “tam nông”. Trưởng thôn nói, Chu Nhị Khả ngày trước chỉ thiếu có 3 điểm là đỗ đại học, cũng có thể coi là một người có trình độ văn hóa. Lần này cho anh một cơ hội tiếp cận các giáo sư, có thể nói là phúc phận của anh, và cũng có thể coi là phần thưởng của lãnh đạo thôn dành cho anh. Chu Nhị Khả gật đầu cho là phải, và liên tiếp nói đi nói lại lời “cảm ơn”.

Chu Nhị Khả muốn con trai mình cũng đến diện kiến các giáo sư, có thể gặp giáo sư đại học ở ngay cửa nhà mình là một nguồn cổ vũ lớn đối với trẻ thơ. Nhưng Trưởng thôn lại không đồng ý, cho rằng để Tiểu Mao chạy lăng xăng thì chẳng ra thể thống gì. Chu Nhị Khả chỉ biết đỏ mặt bỏ qua dự định này.

Minh họa: Lê Tâm.

Các giáo sư đều còn trẻ, ăn mặc cũng thoải mái, quần bò, áo sơ mi hàng hiệu, hoặc áo có in hoa. Chu Nhị Khả lại đeo một chiếc cavat rất trịnh trọng, tóc chải dầu bóng, trông rõ là long trọng, đầy nghi thức.

Trưởng thôn nhiệt tình mời các giáo sư đến ngồi bên bàn tiệc, đích thân rót loại rượu trắng ngon nhất của địa phương mời. Các giáo sư liên tiếp xua tay từ chối nói rằng không biết uống rượu. Trưởng thôn nói: “Uống hay không uống thì trước hết hãy rót rượu đã”. Một giáo sư nổi tiếng cự tuyệt: “Không uống thì không nên rót. Thời buổi này, nơi đâu cũng toàn rượu giả, 90% hàng giả ở Trung Quốc đều tiêu thụ ở nông thôn, uống rượu ở đây ngang đùa với tính mạng”. Bốn vị giáo sư khác cũng đồng ý, cho rằng cử chỉ này của Trưởng thôn không khác gì hành động mưu sát.

Trưởng thôn bối rối liền ngửa cổ uống hết một cốc lớn, rồi nói: “Không uống thì không uống, chỉ cần có tình cảm thì uống gì cũng là rượu, chúng ta lấy chè thay rượu, chào mừng các quý khách đã lặn lội đường xa đến”. Chu Nhị Khả cũng vội vàng đổi trà thay rượu, tiếp lời Trưởng thôn bày tỏ thêm sự vui mừng được đón tiếp các giáo sư, còn dùng một câu thành ngữ: “Bồng tất sinh huy”. (Khách quý đến nhà, thật là vinh hạnh). Một vị giáo sư hài hước nói: “Nóc nhà của các vị thật sạch sẽ, không có tí muội tro nào!”.

Trưởng thôn nhân cơ hội ăn cơm giới thiệu với các vị giáo sư tình hình trong thôn, vì công việc của các giáo sư thật nhiều. Nhưng mới nói được vài câu, đã bị vị Tổ trưởng Tổ Điều tra, vị giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh mang họ Trương cắt ngang: “Anh không cần nói tỉ mỉ như thế, kì thực tình hình trong thôn chúng tôi đã rất rõ ràng rồi. Chúng tôi xuống thôn lần này cũng là đi cho có đầu việc thôi. Kinh phí cấp cho đề tài điều tra này chưa đến 30 vạn, phí nhiều sức lực làm gì. Mấy người chúng tôi đều là chuyên gia nổi tiếng, trong đầu đều có kế hoạch hết rồi”.

Trưởng thôn và Chu Nhị Khả trợn mắt chết lặng, chỉ còn biết đứng nghe cuộc luận bàn cao rộng của họ.

Các giáo sư nói cười rôm rả. Một vị nói: “Mẹ kiếp, thị trường cổ phiếu gần đây thật vớ vẩn, suýt nữa làm ông ta tổn thất 7, 8 vạn tệ trong một ngày”. Một vị khác nói Phó phòng Nghiên cứu của họ ức hiếp người khác quá đáng, “dám dụ dỗ nữ nghiên cứu sinh của tôi”. Một vị khác nữa còn chửi vợ mình lén lút đong đưa với một ông chủ nhỏ của một công ty. Giáo sư Ngô ra sức lấy lòng Tổ trưởng họ Trương - giáo sư hướng dẫn tiến sĩ, nhờ ông giúp giành lấy kinh phí nghiên cứu hơn 100 vạn trong cuộc bình chọn chức vụ của một ủy viên nào đó trong Hội đồng Khoa học, đồng thời biểu thị sau khi việc đã thành, không thể khoản đãi được ông ta.

Giáo sư Trương cười hi hi và vẫn chưa đồng ý, chỉ là nói gần đây ông muốn đổi xe, dự định hè sang năm sẽ tự mình lái xe đi Tây Tạng một chuyến. Một vị giáo sư trong đó còn nhắc đến cô em vợ của ông ta, nói rằng cô ta làm việc ở cơ quan của giáo sư Ngô, vẫn chưa giành được chức Phó cao cấp, mong giáo sư Ngô quan tâm hơn một chút. Giáo sư Ngô vỗ ngực nói: “Không thành vấn đề gì - Lại còn nheo mắt hỏi - Em vợ của ông có ngon không, tôi phải bàn riêng với cô ấy”. Cuối cùng, họ đều bàn đến chuyện trở về huyện nên đến Trung tâm mátxa xông hơi nào để tìm các em mátxa.

Các giáo sư tuy không uống rượu, nhưng lại đều rất hưng phấn. Trước khi đi, họ đều khen Trưởng thôn phóng khoáng, một mình uống hết một bình rượu, còn khen các món ăn có đặc sắc riêng, đều là thực phẩm sạch, không có bất kì dấu vết ô nhiễm nào. Chu Nhị Khả thay mặt Trưởng thôn mang hoa quả khô đã chuẩn bị từ trước xếp vào xe cho các giáo sư, họ cười một cách khách khí nhưng vẫn nhận.

Nhìn theo bóng chiếc xe hơi xa dần, Trưởng thôn nói với Chu Nhị Khả: “Hôm nay coi như được mở rộng tầm mắt, cuối năm đừng nghĩ đến chuyện đòi phần thưởng nữa”. Chu Nhị Khả càu nhàu buồn khổ: “Lần sau ông nên cho người khác đi mở rộng tầm mắt nhé, ngay cả đến một câu thành ngữ họ cũng không nói! Chà chà, thật là vớ vẩn! Nhưng vẫn còn may, may mà không để cho con trai tôi đến!”.
Truyện vui của Lao Mã (Trung Quốc)- Minh Thương (dịch)
.
.