Mộ đá

Thứ Hai, 01/10/2018, 07:28
Tôi xin nghỉ phép. Gã quản lí mặt nghênh lên nhìn rõ những vết sẹo lõm nhỏ như đầu đũa: "Ừ. Cậu đi đi cho đầu óc thanh thản. Tình chả là gì đâu. Rồi cậu sẽ nhận ra điều đó rất nhanh! Đàn ông đừng để yếu đuối vì đàn bà". Tôi nén một câu chửi thề, bước ra khỏi phòng.

Trời bắt đầu về chiều. Những tia sáng mảnh đang hắt ra từ những đụn mây xám, từng mảng màu như những sợi tơ giăng, óng ánh, mờ ảo. Tôi hướng mắt ra ngoài, cố nhìn cho được một mái nhà, lúp xúp cũng được, liêu xiêu, hay thậm chí là đổ nát. Nhưng không. Tôi bị thất vọng.

Hai mí mắt chẳng thể nào khép lại, cứ nhắm vào lại mở ra, cay xè. Nếu như đầu óc thảnh thơi và tâm trạng bớt đi chút lo sợ thì chắc tôi sẽ cố ru mình vào giấc ngủ. Bằng rất nhiều cách. Nỗi lo sợ bao trọn lấy tôi. Nếu như chiếc xe lao xuống khe nước hay trượt dài xuống bờ biển kia thì mười tám hành khách đường xa này ai còn, ai mất?

Tôi bất giác quay lại nhìn từng khuôn mặt người mệt mỏi trên xe. Cô gái có mái tóc cắt ngắn, đen nhưng nhức tựa vào thành xe gục đầu, tay ôm khư khư chiếc ba lô trước ngực. Tôi đoán đó là tất cả những gì cô ta có trên chuyến xe này. Và cũng rất có thể trong ấy chứa một thứ rất quý giá với cô. Bởi ngay cả lúc nhắm mắt mệt mỏi, mười đầu ngón tay vẫn bấm chặt, ửng đỏ.

Bà lão ngồi phía đầu xe gương mặt bình thản, không biểu hiện cảm xúc gì. Bà choàng một chiếc khăn màu nâu đất. Chiếc khăn trượt xuống vai, bay bay khi gió bên ngoài len vào khe cửa kính. Ông lão ngồi bên bỏ chiếc mũ phớt xuống đùi, bàn tay run run nắm chặt lấy chiếc túi ni lon màu đen, nhẹ. Mắt đăm đăm về phía trước. Thỉnh thoảng ông đưa mắt sang nhìn bà già bên cạnh. Bà già gương mặt vẫn không biểu hiện cảm xúc.

Tôi đưa mắt nhìn người đàn ông đang ngồi ngay phía sau. Gương mặt nhăn nhúm, đôi mắt thâm quầng, xương quai hàm bạnh ra, đôi môi mím chặt. Chiếc áo bộ đội đã cũ sờn vai của ông khách khiến tôi thoáng chút chạnh lòng. Tôi nhớ đến cha tôi, người trở về từ sau cuộc chiến.

Cha tôi tham gia chiến tranh tại Quảng Trị, nơi mà chỉ nhắc đến thôi là người ta cũng có thể hình dung được những nghiệt ngã của nó. Những vết thương trên đầu, đùi trái và mạn sườn luôn khiến cha tôi phải nằm một chỗ khi trời trở gió. Tôi nhớ ngày còn bé, mỗi lần chạm tay mình vào chấm tròn màu tím như quả sim trên đùi cha, tôi đều hỏi câu lặp lại: "Có đau không bố?".

Cha tôi chỉ cười. Những vết thương trên thân thể chưa khi nào quật ngã ông được. Nhưng gương mặt những người bạn thì lại khiến ông đau cả trong giấc ngủ. Ông ú ớ trong mơ, thoát thành tiếng những cái tên. Rồi hét: "Chạy! Đừng…!".

Tôi không nhắc về chiến tranh với cha. Phần vì công việc cuốn tôi đi. Phần vì những câu chuyện về quá khứ luôn khiến mẹ tôi bỏ đi giữa buổi. "Quá khứ cũng giống như một nỗi đau. Nó cần được quên đi. Những vết thương cần được băng bó lại, cho đến lúc lành hẳn. Chứ không nên vừa băng lại vừa thi thoảng lột cái gạc ra, nhìn xem đã lành hẳn chưa" - Mẹ nói rồi đi thẳng.

Điểm đến là một hòn đảo hoang sơ còn ít người ghé thăm. Tôi nhớ đôi mắt của cha tôi lúc ông nằm trên giường bệnh. Căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Đôi mắt như van vỉ của người biết mình không còn sống được bao lâu nhìn thằng con trai không bao giờ muốn nghe những chuyện quá khứ của mình. Lập cập lấy từ trong chiếc gối đầu một chiếc túi vải màu xanh. Bên trong là chiếc khăn mùi xoa màu trắng, thêu viền chỉ màu đỏ và đôi chim xanh. Trong ấy có tấm ảnh nhỏ vừa bằng lòng bàn tay. Tấm ảnh đen trắng đã được phục dựng lại. Gương mặt người con gái bầu bĩnh với nụ cười và ánh mắt rất duyên. Nhất là đôi mắt đen láy hút ánh nhìn của người đối diện. Cha tôi chìa tấm ảnh về phía tôi, nói từng lời, chậm, khan: "Con đi tìm cô ấy… Địa chỉ sau ảnh…". Tôi cầm lấy, gật đầu. Bước chân của mẹ tôi chạm cửa.

Tôi nhớ lúc mẹ tìm được bức ảnh đó, mẹ đã ngồi giữa nhà mà khóc. Hai anh em chúng tôi vây quanh không hiểu chuyện gì. Mẹ gằn: "Bao nhiêu năm ăn ở với bố mày. Mà chỉ có cái xác thôi". Em tôi can mẹ đừng khóc. Em dâu tôi liếc cái nhìn về phía cha đầy chê trách. Ông buồn bã xách chiếc ba lô bộ đội chậm rãi đi vào trong phòng. Tiếng bấm khóa đánh "cách".

Tôi tò mò hỏi cha về người con gái đó. Ông bảo, đó là mối tình đầu của ông. Mối tình dài theo những năm tháng ông nhập ngũ, tham gia vào cuộc chiến khốc liệt một sống một còn tại Quảng Trị. Chiến tranh qua đi, ông may mắn trở về. Nghe tin người yêu đã rời quê cũ. Ông lấy mẹ tôi theo sự sắp đặt của gia đình. Cuộc sống cuốn đi, ký ức cũng chỉ còn nhỏ như một chấm tròn ảo vọng.

Tôi xin nghỉ phép. Gã quản lí mặt nghênh lên nhìn rõ những vết sẹo lõm nhỏ như đầu đũa: "Ừ. Cậu đi đi cho đầu óc thanh thản. Tình chả là gì đâu. Rồi cậu sẽ nhận ra điều đó rất nhanh! Đàn ông đừng để yếu đuối vì đàn bà". Tôi nén một câu chửi thề, bước ra khỏi phòng.

*

Chuyến xe cuối cùng! Tôi ngoái đầu ra phía ngoài. Mặt trời đã dần thu những tia nắng về phía những đám mây xám trên chóp núi. Chiếc xe lạch cạch qua đoạn đường rặt những đá, thi thoảng làm hành khách gập đầu về phía trước, nghiêng sang phải, ngả sang trái. Không ai nói một lời nào. Gió từ bên ngoài lách qua khe cửa xe thổi luồng sương lạnh. Tôi giật mình. Ngày mai thời sự sẽ đưa tin: "Chiếc xe khách mang biển kiểm soát số 29B… bị lao xuống vực sâu hai mươi mét, làm tám hành khách và một lái xe thiệt mạng. Tất cả thi thể bị mắc kẹt…". Ai sẽ là người khóc thương tôi nhiều nhất? Mẹ tôi? Cha tôi? Anh trai hay người tôi yêu?

Tôi tự cười. Nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua. Sự mất mát nào rồi cùng sẽ được người ta lấp đầy. Hay cố gắng lấp đầy bằng những đền bù khác. Đừng mong chờ và hy vọng vào sự xót thương của người khác về sự ra đi của mình. Tôi không thể chết. Càng không thể chết vào lúc hoàn thành di nguyện cuối cùng của cha tôi. Và, tôi còn trẻ. Còn cuộc đời phía trước. Tôi đã để thanh xuân của mình trôi vào những cuộc tình chóng vánh, với những cô gái đẹp chỉ cần tiền.

*

Nàng vẫn gắn chiếc handphone vào tai, bản nhạc không lời sẽ cho nàng có những cảm giác tĩnh tâm và thanh thản. Nàng không còn trẻ nữa. Nhưng nàng không muốn nghĩ mình đã già. Đàn bà sợ nhất khi soi gương thấy những nếp nhăn. Nàng vẫn đẹp. Ai cũng bảo nàng đẹp. Rất đẹp so với tuổi của nàng. Ba mươi lăm. Nàng vừa ký vào đơn ly hôn sau ba năm chung sống. Gã chồng nàng ký vào tờ đơn rồi vất thẳng vào mặt tòa án một chiếc phong bì dày cộm. Sau một tuần, nàng nhận được giấy gọi.

Nàng lên chuyến xe cuối cùng. Nàng đi như để tìm quên. Những âm thanh phía ngoài cửa kính xe vẫn khiến nàng phải chú ý. Hình như chiếc headphone lúc này là vô nghĩa, nó chỉ khiến cho những đôi mắt hoang hoải, mỏi mệt của những người trên xe cảm thấy an yên hơn một chút. Cả đôi mắt của chàng trai trẻ thỉnh thoảng nhìn nàng như cố tìm một cái gì đồng điệu. Nàng cười trong bụng. Sẽ không có thêm một gã đàn ông nào có thể bước vào trái tim nàng được nữa! Nàng thèm khát một mái ấm. Thèm một bờ vai, một mùi hơi đàn ông từ khi mới sinh ra. Vậy mà… Bản nhạc bắt đầu những khúc rộn rã hơn. Nhưng có vẻ nó cũng chẳng xua đi nổi nỗi cô đơn đang bủa vây lấy nàng.

Chiếc xe mắc kẹt trên một đỉnh dốc nham nhở đất trộn nước từ trên khe đổ xuống. Ông tài xế vứt chiếc mũ lưỡi trai cũ xuống đường, văng một câu tục tĩu. Hành khách trên xe được huy động xuống để bới bùn. Nàng dựa người vào ghế, nhắm mắt. Âm thanh được chỉnh to hơn.

Minh họa: Tô Chiêm.

Ông tài xế đỗ xe cạnh một tảng đá lớn. Chiếc xe sau khi được những hành khách vét bùn thì cũng đã nhích được xuống dốc an toàn. Tất cả mọi người thở phào. Tôi cũng không ngoại lệ. Cứ ngỡ mình đã bỏ xác trên cái con dốc heo hút xa tít mù này. Đời người ai cũng phải chết, nhưng chết ở một nơi không phải quê hương thì thật là đau khổ.

Tôi lấy lại bình tĩnh bằng hơi thuốc dài. Cảm nhận rất rõ luồng gió biển mát lành phả vào mặt. Mấm môi nếm thấy vị mằn mặn. Sắp tới bến cảng rồi. Nghĩa là sắp được lên tàu ra đảo. Tôi bỏ chiếc ví cất dưới đáy ba lô, đưa tấm ảnh ra nhìn. Gương mặt bầu bĩnh, nụ cười hiền lành của cô gái cho tôi một cảm giác bình yên. Tôi mỉm cười. Nụ cười đầu tiên trong chuyến đi.

Mọi người xuống xe, bỏ những thứ có trong hành lí của mình ra, lục tìm thứ có thể ăn được. Người đàn ông mặc chiếc áo bộ đội cũ sờn, chìa điếu thuốc về phía tôi xin chút lửa. Tôi móc chiếc bật lửa trong túi quần. Ông ta rít một hơi dài, phả ra luồng khói trắng tinh rồi ho sù sụ.

- Chú không quen thuốc lá thì phải?

- Tôi cai được bốn tháng nay.

- À ra thế? Sao giờ chú lại hút?

- Trong tình thế này thuốc lá có thể giúp bình tĩnh.

Tôi hít một hơi dài:

- Chú cũng đi tìm người thân phải không?

Người đàn ông trầm ngâm rồi gật đầu.

Cô gái mặc chiếc váy màu xanh, đeo headphone nhìn về phía trước:

- Sắp tới rồi.

Tôi nhìn người đàn ông. Ông ta nhìn cô gái. Cô gái nhìn ra phía trước.

Sương xuống nhanh. Tôi cảm nhận cái lạnh bắt đầu xâm chiếm thân thể từ hõm cổ. Sương lạnh kèm những tiếng chim queng quéc từ trên đỉnh những ngọn núi đá, vẳng lại. Vang. Tiếng nước róc rách chảy. Tiếng u u của gió bị mắc kẹt trong những khe đá, như tiếng một bầy thú bị thương. Mồ hôi túa ra. Mắt chong chong vén tấm rèm nhìn ra ngoài trời đen đặc. Chỉ còn nghe được tiếng thở rất mạnh của chính mình. Vồng ngực căng lên, xẹp xuống.

*

Trước mặt tôi là biển. Màu xám ngoét. Gió thổi những luồng hơi lạnh rát. Tiếng sóng vỗ vào cát ràn rạt. Tôi sẽ bắt đầu tìm người tình của cha tôi như thế nào đây? Từ đâu? Đưa mắt nhìn một vòng. Những ngôi nhà như chiếc tổ chim chênh vênh sườn đồi, núp mình dưới những tảng đá màu hổ phách có những đường vân chạy vòng vèo như rắn. Những con quái vật khổng lồ đen xì với những chiếc vảy màu trắng lốp nổi lên từ biển. Mặt trời bắt đầu rọi những tia sáng mảnh xuống những lớp sóng lao vào bờ. Sóng đánh vào vật đen ngòm trắng lốp ì oạp. Thì ra đó là những phiến đá. Ánh mắt đen lay láy nhìn tôi. Tiếng nói con gái dịu dàng trên lớp sóng. Mái tóc nàng cũng bồng bềnh. Gương mặt lấp lánh cùng những tia nắng đang nhảy nhót.

Tai tôi ù đi. Chân đuổi theo những con sóng. Sóng táp vào bàn chân, cổ chân, bắp chân. Rồi bụng, vai tôi cũng mặn vị biển. Tiếng cười con gái trong sóng nước mênh mông. Đôi mắt đen trong ánh chiều đỏ ối. Cả một vùng đỏ ối, màu máu hay màu mặt trời. Không biết. Tôi đang chìm dần trong sóng tóc dài. Những sợi tóc quấn riết lấy thân thể con trai cường tráng, gân guốc. Tôi mềm đi và chìm dần trong sóng tóc. Bỗng có một bàn tay ôm ghì lấy cổ. Một cánh tay mát lạnh mà dứt khoát.

Cô gái đội chiếc mũ rộng vành, tai đeo headphone trên chiếc xe cuối cùng khuất trong ánh mắt mơ hồ.

Tôi nằm trên cát. Nhớp nháp và mềm oặt. Đôi mắt đùng đục và sâu hút lại bởi những nếp nhăn của bà già đội chiếc nón tuột vành.

- Cậu từ đâu đến?

- Có việc hay đi thăm người thân?

- Cháu tìm người trên đảo này.

- Nghỉ một lát đi!

Bà già để yên cho tôi nằm trên cát với cơ thể con trai bải hoải trong ánh mặt trời đầu ngày nhuộm đỏ những dải sóng nhấp nhô màu máu. Bà già còm cõi với những bước chân thoăn thoắt khuất về phía cuối dải cát dài trắng mịn.

Tôi được cho ở nhờ trong căn nhà lợp bằng những tàu dừa khô héo quắt của bà già. Trên bãi cát dài này chỉ mình bà ở. Một mình. Tôi đưa mắt nhìn khắp lượt căn nhà của bà. Những chiếc hộp nhựa xếp trên chiếc bàn nhỏ làm bằng gỗ ép. Mỗi lọ dán mảnh giấy ghi chữ to: Muối. Đường. Mì chính. Bột nêm. Thuốc đau dạ dày, sáng hai viên, tối hai. Thuốc đau đầu, sáng một, tối một. Trong ngăn tủ nhỏ bà già quên chưa đóng kín tôi nhìn thấy nhiều vỉ thuốc đã hết một nửa. Tuổi già khổ nhất là bệnh tật. Bệnh tật làm người già sống như một cái cây bị những con sâu đục ruỗng từng ngày, từng chút một. Rồi đổ, bất cứ lúc nào. Cha tôi cũng thế.

Bà già đặt trước mặt tôi cốc nước.

- Bà ở một mình?

- Vâng!

- Trên đảo này sao? Bao lâu rồi ạ?

- Tôi sinh ra ở đây.

Bà già nhìn ra biển. Đôi mắt nheo lại vì nắng và gió. Nước mắt ngoèn ra khóe mắt. Gió thổi mát lạnh. Đang lúc thủy triều lên, những tảng đá đen pha những lốm đốm trắng lốp giờ cũng lặn sâu vào lòng biển. Trước mặt tôi giờ chỉ là mặt sóng với lấp lánh ánh nắng nhảy nhót như những ngôi sao rớt xuống từ bầu trời đêm trước. Tôi giật mình nhớ tới chiếc ba lô mang theo. Trong ấy…

Bà già chỉ tay ra phía ngoài bãi cát:

-Ba lô của cậu ướt, tôi phơi ngoài kia.

Chiếc ba lô cũng chẳng có gì. Chỉ là mấy bộ quần áo. Một chút đồ ăn. Nhưng quan trọng là tấm ảnh với dòng địa chỉ trong đó. Tôi nhặt tấm ảnh lên. Tấm ảnh phơi dưới ánh nắng càng khiến nụ cười của cô gái trở nên lấp lánh và tươi tắn. Tôi đặt trong lòng tay mình. Mắt nhìn những lấn át đang tràn trên những tảng đá. Âm âm tiếng cười con gái. Tai tôi ù đi. Chân muốn chạy ra với biển. Bà già kéo tôi lại. Trên sóng, một mái tóc dài bồng bềnh trôi. Tôi giằng tay bà già ra. Bà già chạy vào nhà, đốt một nén nhang, đưa về phía biển, lầm bầm khấn. Bà cắm que hương trên cát. Chân tôi khụy xuống. Tai chỉ còn nghe tiếng sóng biển vỗ trên cát ràn rạt.

Gió từ ngoài thổi vào u lạnh.

Bà giữ tôi ở lại đêm ấy. Cơm có canh ngao bà cào ngoài bãi.

- Chú tìm ai ở đây?

- Tôi tìm… Người con gái này - Tôi chìa tấm ảnh về phía bà già.

Bà già nhìn rất lâu. Những nếp nhăn trên trán, nếp nhăn nơi đuôi mắt xô vào nhau khiến đôi mắt bà biến thành hai hố sâu hút.

- Cô ấy là… ?

- Đó là…người cha tôi yêu thời ông còn trẻ.

Bà già đánh rơi chiếc ảnh xuống chân.

- Muộn rồi. Anh vào nhà nghỉ tạm. Mai hẵng đi. Đảo này thưa người. Chắc

anh tìm được.

*

        Thủy triều rút dần. Những tảng đá dần lộ ra, đen và lốm đốm trắng lốp.

Trên những phiến đá có khắc tên người. Là mộ đá. Bà già run run đôi tay kỳ cọ trên mỗi phiến đá. Từng cái tên rõ ràng hiện ra.

- Họ đã ở đây bao lâu rồi ạ?

- Lâu lắm rồi. Từ ngày bọn giặc kéo nhau lên đảo. Chúng bắn, giết những người trên đảo, phần đông là dân quân và bộ đội. Đảo này ngày trước chỉ toàn đá và núi đá. Người chết phải chôn trên cát. Dựng đá chắn sóng kẻo trôi xác đi. Khi xác được một tuần thì ghép những phiến đá lại, làm thành nấm mồ đá. Cho tới bây giờ,  chưa ai mang họ vào đất liền. Họ ở lại trong lòng biển. Với đảo. Và tôi ở lại với họ.

- Bà làm được bao nhiêu mộ đá?

- Tầm mươi chiếc nhưng sóng đánh chỉ còn lại ngần này.

Bà già run run tay trên những hàng chữ mờ vì sóng.

Người đàn ông mặc chiếc áo bộ đội đã cũ sờn trên chuyến xe cuối cùng tôi gặp cũng đến. Ông quỳ xuống trước những bia mộ đá. Hai vai ông ta run lên bần bật.

Bà già mang ra một nắm hương đã được châm lửa. Khói quẩn trắng cả một bãi cát, lởn vởn không bay. Những que hương được cắm rải trên bãi cát. Ông ta cầm chiếc đinh sắt, khắc lại từng chữ cái trên đá. Rất sâu. Tôi nhìn thấy những đôi mắt nhìn mình như muốn hỏi: "Anh là ai? Sao bây giờ mới tới?". Những mái tóc ngắn, dài trộn lẫn, bết lại vì mồ hôi và máu, trôi trên cát. Những gương mặt người ẩn, hiện trên phiến đá. Họ nhìn tôi mỉm cười. Giọng nói con gái âm âm. Tấm ảnh nhỏ trong lòng bàn tay tôi rơi xuống…

"Sao giờ anh mới đến. Em đã chờ lâu lắm…".

Sóng vỗ vào cát ràn rạt, ràn rạt.

Những que hương bị sóng cuốn trôi vào lòng biển. Ông bà lão trên chuyến xe vừa kịp đến. Bà ôm chặt phiến đá ghì vào ngực lép khô. Ông đặt tay lên từng mộ đá. Bàn chân ông run run như không còn đủ sức đứng vững. Cô gái có mái tóc cắt ngắn đen nhưng nhức rải xuống biển những bụi tro trắng nhợ. Đó là hài cốt còn lại của ông cô, họ đã mang ông từ đảo về cách đây một năm trước. Nhưng rồi linh hồn ông muốn về đây, với đảo. Những đôi vai lặng trước những phiến đá rất lâu. Rất lâu. Người đàn ông mặc chiếc áo bộ đội cũ sờn ngỏ ý được đào mộ đá, đưa thi hài vào đất liền.

Bà già lắc đầu.

- Chưa ai mang di hài ở đây đi được cả.

- Dù chỉ là một nắm cát. Một nắm cát thôi cho mẹ tôi nhắm mắt…

- Vậy chú cứ lấy cát mang về. Còn mộ đá đừng động vào mà mang tội. Họ đã ở đây, yên ổn rồi.

Những con sóng trào lên, hắt bọt nước trắng phau. Ông lão lom khom vốc một nắm cát cạnh mộ đá bỏ vào túi nilon đen mang theo.

*

Bà già nhìn tôi rất lâu:

- Cậu rất giống bố cậu phải không?

- Sao bà biết?

- Tôi đoán thế thôi.

- Bà đoán đúng. Tôi giống bố tôi ngày còn trẻ. Giờ thì bố tôi…

- Cậu cứ đi hỏi những người dân trong đảo xem có ai biết không. Ban đêm cứ về nhà này mà nghỉ.

Tôi đi quanh đảo. Đúng hơn là quanh biển. Vùng đảo vẫn còn hoang sơ. Nghe nói chỉ mới năm vừa rồi họ mới có điện và nước sạch để dùng. Vùng đảo đã đi qua những năm tháng chiến tranh tàn khốc. Giờ, nhìn những gương mặt người đã thấy được sự sống, niềm vui. Những người đàn bà cào ngao trên bãi tôi gặp đều nhìn bức ảnh rồi lắc đầu. Những ngày còn lại của cha tôi không còn nhiều nữa. Có thể... Chỉ vài ngày nữa là cha tôi vĩnh biệt cuộc sống này. Làm sao? Cả đời tôi không làm nổi điều gì cho cha. Nguyện ước cuối cùng này tôi cũng không làm được nữa sao? Biển vẫn nhấp nhô những con sóng gối đầu nhau lần lượt vỗ bờ. Những ngôi mộ đá lại lộ ra trong ánh chiều đỏ ối. Những gương mặt người. Những cặp mắt nhìn tôi không chớp. Tôi chạy. Chạy như điên dại. Tiếng nói dịu dàng con gái vang bên tai: "Sao giờ anh mới tới?". Thịt da tôi đã hòa vào biển lúc nào không biết. Đôi cánh tay mềm mại, mát lành. Cả mái tóc dài đen bồng bềnh quện trên ngực tôi. Nụ cười nửa khóe môi. Tôi chụp lấy. Tan vào sắc chiều đỏ ruộm.

Bà già bảo:

- Cậu có duyên với những ngôi mộ đá này.

- Tôi chỉ muốn tìm lại người bố tôi đã yêu. Ông bảo nợ cô ấy cả cuộc đời này. Giờ thì cha tôi không còn nhiều thời gian nữa. Ông đang giành giật với sự sống hằng giờ.

Bà già nhìn ra phía biển. Mắt khô. Gió thổi những luồng từ biển. Lạnh ngắt.

*

 Nàng ngồi trên cát. Biển đêm yên tĩnh và sâu thẳm. Chỉ còn nghe tiếng sóng vỗ ràn rạt. Nàng vẫn hay ngồi trước biển vào đêm, cho tới lúc trăng lên. Rồi tới khi thủy triều rút dần, những ngôi mộ đá hiện ra. Những đôi mắt mở to nhìn nàng như cười. Tiếng hát trên sóng. Tiếng ru con ầu ơ, ầu ơ khe khẽ mà ấm áp. Có khi nàng ngỡ đó là tiếng của một nàng tiên cá. Ngày bé nàng hay nghĩ thế. Nhưng từ khi biết đó là tiếng mẹ thì nàng không còn sợ nữa. Nàng nói chuyện với những ngôi mộ đá. Kể về những gì nàng đã trải qua trong cuộc đời mình. Những hạnh phúc. Đổ vỡ…

Chỉ những ngôi mộ đá biết những khát khao nàng giấu kín.

Đôi mắt người dì sâu hút nhìn ra những ngôi mộ đá:

- Cuối cùng ông ấy cũng đến.

- Ai?

- Là người đàn ông mẹ con yêu và chờ đợi.

- Là chàng trai đến đảo?

- Ừ.

- Đã lâu rồi. Dì bảo anh ta về đi!

- Nhưng ông ta sắp chết. Cháu có muốn gặp ông ấy một lần không?

- Để làm gì ạ?

- Nói cho ông ta về sự chờ đợi của mẹ con…

- Thôi… Quá khứ cần được khép lại. Hãy để cho gia đình họ được yên ổn.

- Nhưng còn ông ấy. Ông ta sẽ không thanh thản mà ra đi được.

Nàng nhìn ra phía những ngôi mộ đá. Tiếng sóng trào lên, hắt bọt trắng xóa.

Nàng nhìn chàng trai ngủ say trên võng. Lâu lắm rồi nàng cũng thèm có một gia đình, một người thân. Nàng thèm cái cảm giác đầm ấm của một gia đình. Nàng đã được sinh ra, lớn lên trên đảo này. Chỉ biết tới hai người đàn bà. Hai người đàn bà suốt đời chờ đợi người đàn ông của mình quay trở về. Nàng đã nhìn mẹ tối nào cũng dắt tay nàng ra phía cầu cảng, nhìn ra biển, ngóng chờ những chuyến tàu chở người từ đất liền. Chờ mãi…Chờ mãi… Cho tới lúc mẹ đầm mình trên sóng. Cho tới khi nàng chạy theo những khát khao về một mái ấm theo một người đàn ông trên chuyến tàu đêm ấy từ đất liền ra đảo.

*

- Mai cháu về. Bố cháu không chờ thêm được nữa…

- Ngày mai tôi sẽ làm lễ cho cậu.

- Làm lễ?

- Cậu có duyên với một trong những ngôi mộ đá ở đây. Phải cắt duyên. Nếu không cậu không về được đâu.

Bà già làm một mâm cơm, sắp nhiều bát, nhiều đũa, có cả hình nộm người con trai màu xanh như màu biển. Bà cắm hương dọc bãi. Khói vờn trên lớp sóng đang ràn rạt. Bà đặt hình nộm người con trai trên một chiếc thuyền giấy màu trắng, châm lửa đốt. Chiếc thuyền giấy màu trắng trôi trên sóng nước, chở theo hình người cháy dần, cháy dần. Ngọn lửa đỏ lòe phía biển.

Người đàn bà đội chiếc mũ rộng vành mặc chiếc váy màu xanh, tai không còn đeo headphone nhìn đăm đăm về phía ngọn lửa lềnh bềnh trên sóng. Gió thổi tung chiếc mũ, gương mặt bầu bĩnh lành hiền. Đôi mắt đen lay láy. Và cả khóe miệng cười rất duyên. Người tôi run lên. Tôi nắm chặt trong tay tấm ảnh đen trắng nhỏ vừa lòng bàn tay. Lạnh ngắt.

- Chị là…

- Là con gái cô gái mà cậu đi tìm. - Giọng bà già ồm ồm, vang lẫn cùng tiếng sóng đang trào lên dữ dội.

Mộ đá hiện ra đen sẫm, lốm đốm những vệt trắng lốp. Chân tôi khụy xuống. Giọng con gái mềm, trong trẻo.

Chúng tôi theo chuyến tàu về lại đất liền. Cha tôi chưa kịp nhìn người con gái ông yêu lần cuối. Nhưng em trai tôi bảo, lúc ra đi ông đã mỉm cười. Hình như có một cô gái đã đón ông về biển, trên chiếc thuyền màu trắng…  
Truyện ngắn của Dương Giao Linh
.
.