Mẹ và con và thánh thần...

Thứ Năm, 19/02/2009, 10:00
Tặng con trai tội nghiệp.

Dù tôi chả còn việc gì bận bịu nữa - đã là ma còn có gì để bận bịu cơ chứ - nhưng tôi cũng không chịu nổi việc phải nghe mẹ ngồi bên thành bể non bộ kể lể hết buổi sáng, sang buổi chiều, tiếp tục buổi tối. Nỗi buồn thảm tưởng chừng không bao giờ chấm dứt. Toàn những chuyện lẩm cẩm hòa quyện vào dòng nước mắt tuôn chảy bất kỳ lúc nào.

Mẹ ơi, sao phải khổ đến thế. Mẹ không nghe đài kia kìa. Một trận động đất tại Tứ Xuyên Trung Quốc làm mấy chục ngàn người thiệt mạng trong nháy mắt, một trận bão lốc ở Mianma đã thổi bay hàng trăm ngàn người. Hai vụ thiên tai ấy chỉ cách nhau vài ngày. So với những con số khủng khiếp đó, cái mạng con trai mẹ nhỏ như hạt cát. Hơn thế nó không phải chịu cảnh tang thương, được chết trong vòng tay người thân, được lo lắng chu đáo mọi nghi lễ an táng. Mẹ nghĩ xem, nó may mắn hơn hẳn hàng trăm ngàn con người bất hạnh kia chứ. 

Đương nhiên con hiểu, không nỗi mất mát nào sánh nổi nỗi đau đớn của mẹ. Con biết vậy nên chỉ im lặng nghe mẹ kể lể, miễn sao điều đó làm mẹ vợi nhẹ ít nhiều. Nào, thì con đang nghe mẹ đây.

- Con ạ, bây giờ chắc con chịu để tai nghe rồi chứ? Mẹ đã thụ thai con vào ngày sinh nhật lần thứ hai mươi bảy của mẹ. Ngày mười lăm tháng tư ấy mẹ không bao giờ quên. Bố con xếp hàng mua nửa can bia thết đãi hai người bạn thân đến chơi tối đó. Đã lâu bố mẹ giận nhau vì chuyện hiểu lầm khó giải thích, không gần gụi giường chiếu. Sau khi hai anh bạn ép mẹ phải nâng chén chúc mừng, mẹ chếnh choáng say, cáo từ đi nằm trước. Khi tỉnh dậy mẹ đã thấy bố bên cạnh. Bố thì thầm giải hòa và khóc. Mẹ cũng khóc. Cả hai ôm lấy nhau mặc cho những dòng nước mắt hòa quyện, nhưng là nước mắt thổn thức của hạnh phúc.

Đêm đó mẹ thụ thai. Đúng chín tháng bảy ngày con ra đời, tức là ngày hăm hai tháng giêng năm sau. Con thiếu của giời đất ba ngày nhưng như vậy cũng là giỏi lắm con giai của mẹ ạ.

Mẹ ơi, mẹ đừng bảo con bạc bẽo, nhưng quả thực nếu được hỏi ý kiến chắc con không lẻn vào cửa mẹ đêm sinh nhật ấy. Trước hết vì con không nỡ làm mẹ đau đớn như hôm nay, khi con chỉ được sống ở cõi đời có ngần ấy năm tháng ngắn ngủi.

- Mẹ nói thế chỉ để con hiểu một điều quan trọng thôi. Con là của riêng mẹ, là truyền kiếp của mẹ. Hai mẹ con ta, nói cách khác, chỉ là sự phân thân kỳ diệu con ạ. Vai trò bố con ở đây chả ghê gớm lắm đâu. Nhất là khi ông ta... Ơ, mẹ sẽ không nhắc tới ông ta cho con thêm buồn tủi. Tất cả do lỗi của mẹ, bắt nguồn từ đêm sinh nhật kia. Sự lầm lẫn quá đắt giá, không cách gì chuộc được.  

Khi vuốt mắt cho con, mẹ đã nguyện một điều: "Lạy trời đất, nếu có kiếp sau, tôi lại xin được làm mẹ con với con tôi đây''. Lúc ấy con có nghe thấy không con giai? Mẹ nguyện sẽ bù đắp cho con bằng cả một kiếp sau, bằng cả tình yêu của kiếp này mẹ còn nợ lại. Vậy con nhớ nhé, kiếp sau dù chân trời góc bể nào ta cũng phải tìm được nhau, mẹ con ta không được lầm lẫn.

Điều ấy chỉ thánh thần mới biết. Xin thánh thần phù hộ lời nguyện ước của mẹ. Mẹ với con chẳng thể làm gì được ở một kiếp sau con chưa hề biết.

Nhưng cái kiếp khốn khó vừa qua thì đúng con đích thực sinh ra từ máu thịt của mẹ. Chả thế ai gặp cũng nói con giống hệt mẹ, giống tựa đúc khuôn, trừ cái môi hơi cong hơn. Nhiều người động viên con rằng cong thế lại hóa có duyên.

Nghe kể khi mới sinh, môi con không cong như vậy. Khi mẹ phải đi làm hàng ngày hai buổi xa nhà hơn mười cây số, con ở nhà khóc đòi sữa mẹ, bà nội thương quá liền cho ngón tay con vào cái miệng đang khóc. Con nín liền và tội nghiệp quá cứ mút lấy mút để ngón tay cái của mình thay cho vú mẹ. Dăm tháng sau thành quen, cái môi cong lên. Cái môi cong là nỗi khổ tâm vô cùng của con. Nó ám ảnh con mọi lúc. Cứ ai khen con đẹp trai, con lại đỏ mặt, tưởng họ giễu mình. Khi ăn, khi nói con đều chú ý cụp môi xuống, đến nỗi nhiều người phát hiện con nói "ăn'' giống như "ăm''. Chỉ mẹ hay cười, động viên con đừng quá quan tâm đến cái môi cong như thế.  Mẹ biết đến những ý nghĩ nhỏ nhất của con. Điều đó đôi khi khiến con sợ, muốn lánh xa mẹ, ẩn mình đi một chút.

- Mẹ đã nuôi con bằng hết tâm hồn mẹ, làm sao mẹ không hiểu từng ý nghĩ thầm kín của con cơ chứ. Những lần con được đứng dưới cờ, được tuyên dương toàn trường vì thành tích học tập, con thường đưa mắt bẽn lẽn tìm gặp mắt mẹ. Mẹ biết ngay con đang muốn nói thầm một lời cảm ơn chia sẻ với mẹ. Lúc đó mẹ chỉ khẽ gật để con biết mẹ đã hiểu ý con.

Rồi mẹ đưa con đi thi Huyện, thi Thành phố... Tất cả giống như những giấc mơ đẹp ngắn ngủi. Quá ngắn ngủi nhưng là những giấc mơ đẹp khiến mẹ thổn thức đến tận bây giờ khi chợt nhớ lại con ạ. Mỗi dịp con đỗ vào một trường đại học là một lần mẹ tưởng cuộc đời xoay chuyển bước sang trang mới thật kỳ diệu.

Nhưng những niềm vui ấy luôn đánh lừa mẹ. Con học Đại học Tổng hợp tới năm thứ tư thì vô cớ buồn chán bỏ dở. Tiếp đến Đại học Điện ảnh, rồi Khoa Báo chí hàm thụ... Hình như con không đủ kiên nhẫn đi đến cùng một việc gì cả.

Con đã lấy vợ năm mới hăm ba tuổi với sự ủng hộ nhiệt thành của bố con. Mẹ ngơ ngác hết hồn trước sự cố này đến sự cố khác, chẳng sao hiểu được những nông nỗi xảy ra. Trong một gia đình đầy thói gia trưởng, quyền quyết định mọi việc đều ở người đàn ông, bố con bắt vậy, nên ảnh hưởng của mẹ đến con thật quá ít ỏi. Mẹ chỉ ngậm đắng nuốt cay trong lòng... Chao ôi, giá mà dạo đó mẹ sớm đưa con đi theo, rời bỏ làng Lủ, chắc mọi sự sẽ khác. Số phận mẹ con mình hẳn nhiên không thế này. Mẹ hành động muộn quá, cứ nấn ná chờ đợi cuộc sống xoay chuyển tốt đẹp hơn. Thật rõ ảo tưởng thảm hại. Tại sao mẹ không tỉnh ngộ, ngay cả khi con đã bỏ dở ấy  trường đại học?

Con không thể học khi chung quanh bạn bè chúng sống đàng hoàng, hơn hẳn con. Chúng, những con cái nhà làm kẹo dồi chó ở làng, chúng có xe pháo, có tiền ăn sáng trong hiệu phở, có tiền ra cà phê quán cóc. Nhưng con trai mẹ có gì? Với một ông bố nghệ sĩ gàn gàn, bà mẹ văn sĩ kiết, con của bố mẹ không thể nuốt miếng cơm rang ít mỡ mỗi sáng để đến trường đại học này nọ. Con chán lắm những bữa rượu nhắm chuối xanh bố mẹ tiếp bạn, những ông nhà thơ khuếch khoác, ăn chạc uống gỡ, cao giọng chửi đời. Liệu đã bao giờ bố mẹ đứng né ra để nhìn mình chưa ? 

Một nỗi hận nữa nghẹn cả cổ con, đó là sự ảo tưởng vô bờ bến của bố mẹ. Con viết được dăm bài thơ, con viết được vài cái truyện ngắn được đăng báo, bố mẹ liền liệt con vào diện "thiên tài nằm vùng'', rồi cương quyết ép con phải thành nghệ sĩ bằng được. Con kịch liệt chống đối, tuy nghệ sĩ chả có gì xấu. Nhưng thật vớ vẩn, như bố mẹ đấy, cả đời đã có gì? Có gì để lại cho con cái? Đến một công việc quèn ở cái xưởng phim vớ vẩn bố mẹ cũng để người ta nhồi nhét con cái họ vào hết, bố mẹ sĩ diện không thèm xin xỏ cho con.

Vậy thì con quyết định ra đường cho bố mẹ biết. Con muốn làm chủ đề, để mỗi tối đưa về cho vợ con đếm hàng nón tiền. Vâng, tiền may ra sẽ giải quyết được nỗi ẩn ức của con. Nhất là sau ngày cưới một năm, vợ con sinh một cháu gái, lý do thật tuyệt để con bỏ nốt cái Trường đại học Điện ảnh. Mẹ có biết vợ con nhì nhèo suốt ngày không? Anh đi học đạo diễn rồi chả tít mắt với mấy cô diễn viên như bố đấy, em không chịu đâu.

Sinh viên khoa đạo diễn chúng nó có máy chụp ảnh xịn đeo kè kè bên hông. Đi làm bài, chúng có xe máy mốt nhất để suốt ngày rong ruổi với các em khoa diễn viên, có  tiền chi tiêu cho kỳ thực tập làm phim ngắn... Vô số thứ. Thiên hạ nhìn con lóc cóc đạp xe đạp tới trường như nhìn người hành tinh khác lạc tới đó vậy.      

Con ra đường, thích thú trước sự nổi khùng của bố, trước sự thất vọng tột cùng của mẹ. Ai bảo bố mẹ lắm ảo tưởng? Nói thực, con xin kiếu các thứ nghệ sĩ. Nếu không thể chạy vạy đút lót cho con một công việc ra hồn như các bậc bố mẹ có trách nhiệm khác, xin hãy mặc con sống theo kiểu con. Lúc này con cần một cái xe máy tốt để lang thang làm xe ôm, con cần một quán lá bên đường để sửa xe máy lấy tiền nuôi mình, con cần lăn sả xuống tận cùng xã hội xem thử như thế nào, con cần... Ôi con cần nhiều thứ lắm, tất nhiên trên hết là cần tiền, dù làm gì cũng được. Nhưng điều đó tựa như sự sỉ nhục bố mẹ. Và bố mẹ đã kịch liệt phản đối con... Bây giờ mẹ đốt cho con hàng đống tiền vàng âm phủ, mẹ sợ con thiếu tiền chứ gì? Con rất buồn cười. Giá mẹ làm được điều đó ngay những ngày con đang sống sẽ tốt biết bao. Nhưng mẹ luôn luôn giấu con, bao giờ cũng bảo: "Mẹ làm gì có! Mẹ hết nhẵn tiền rồi con ạ''. Ô, con không trách mẹ đâu.

- Mẹ rời làng Lủ đúng ngày sinh nhật lần thứ năm mươi ba, trong tay mẹ không có một xu theo nghĩa đen, chỉ trông vào mấy đồng lương hưu còm cõi giữa tháng, cộng thêm bệnh tiểu đường đã vào thời kỳ nguy hiểm. Đến giờ mẹ vẫn ân hận, biết đâu nếu mẹ đưa con đi với mẹ ngày ấy, có thể chuyện đã khác? Biết đâu con sẽ thoát chuyện nghiện ngập, thoát cái chết trắng đau đớn khủng khiếp này. Vợ và con gái con cũng thầm oán trách mẹ đã không làm điều đó, để đến nỗi sau ba tháng, gia đình các con tan tác theo sự ra đi của mẹ.

Và bây giờ mẹ buộc lòng phải kể cho con nghe để giải tỏa điều canh cánh của mẹ. Mẹ đã nói thật nghiêm túc với bố con trước khi quyết định ra đi:

- Anh hãy suy nghĩ kỹ. Hãy chọn giữa sự toàn vẹn của gia đình này với thứ vui thú riêng anh. Miếng hạnh phúc anh hưởng thụ ở đâu đó chính là máu cùng nước mắt của con cháu anh đấy. Còn nếu anh không thể chấm dứt mọi chuyện, vậy tất tôi phải ra đi. Tôi tới nơi này vì tình yêu. Tình yêu đã hết, tôi không còn lý do ở lại, anh biết tính tôi rồi.

Sau nửa năm để bố con suy tính, cuối cùng bố con trả lời mẹ: "Tôi trót nặng lời hứa hẹn với người ta rồi...''. Có nghĩa những lời hứa hẹn xưa kia với mẹ đã bay theo gió. Mẹ có gì để nói nữa, ngoài chuyện thu xếp một cái valy với tập bản thảo, lẳng lặng bỏ đi. Cuộc chia tay thật nhẹ nhàng dửng dưng, trừ trái tim mẹ tan nát vì con.

- Tại sao ngày ấy mẹ không đưa con đi theo ư? Mẹ không thể làm thế. Nhà họ Dương chỉ có mình con độc nhất nối dõi, mẹ mang con đi sao được. Vả lại lúc đó con đã có vợ, với một giọt máu đỏ hỏn trong tay. Mẹ đưa gia đình nhỏ của con theo, rồi lấy gì sống? Khi ra đi, mẹ đã viết giấy để lại cho con tất cả tài sản, quyền lợi mẹ có trong nhà họ Dương. Một người đàn bà năm mươi ba tuổi, bệnh tật, một đồng trong túi không có, ra đi với nỗi đau đớn bị lừa gạt, liệu mẹ có dám tha lôi ba nhân mạng theo mình vào dòng đời trôi nổi bấp bênh trước mắt không? Không, không một người mẹ nào dám liều vậy. Nếu con cho đấy là một tính toán sai lầm, con hãy tha tội cho mẹ.

Đã bao phen mẹ ân hận, quyết tâm giành giật con khỏi tay tử thần bằng bất cứ giá nào, để chuộc lỗi lầm đã để con ở lại làng Lủ. Nhưng mẹ đầy thất vọng. Biết bao lần cai nghiện cho con, bao nhiêu nước mắt đã chảy. Lần duy nhất con về Đồ Sơn với mẹ gần một năm trời, hoàn toàn cách ly được môi trường bạn bè ma túy, con đã khỏe mạnh, nặng tới hơn sáu chục cân khiến mẹ tràn trề hy vọng. Mỗi khi con chạy qua vườn, miệng cười hồn nhiên, bắt chước con búp bê gọi mẹ: "Má mà!'', mẹ sung sướng đến muốn ngất lịm. Chao ôi, lúc ấy con vẫn bé bỏng làm sao, đáng yêu làm sao! Mẹ quên hết mệt nhọc chăm chút cho con. Mẹ động viên con sau khi hai truyện ngắn khá hay và những bài thơ gọn gàng gây ấn tượng của con được in trên tạp chí Cửa Biển:

- Con hãy bắt tay viết thử một tiểu thuyết xem. Giá là một tiểu thuyết con dành cho lớp trẻ, về tất cả mọi chuyện con đã trải qua, để họ lấy đó làm kinh nghiệm, tránh xa mọi cám dỗ chết người...

- Con chưa đủ sức mẹ ạ.

- Nếu còn mệt, mẹ sẽ mua cho con ghi âm, con cứ đọc cho một thư ký chép lại, kiểu "các nhà văn nhớn'', rồi sửa sang sau. Biết đâu con sẽ có một tác phẩm được hoan nghênh nhiệt liệt, sau khi cuộc đời đã dồn con đến chân tường.

- Con nói chưa đủ sức viết ấy chứ. Mẹ mơ mộng quá.

- A... Cần một sự tự tin với quyết tâm ghê gớm mới làm nổi.

- Mẹ biết không, điều con sợ nhất là bị thất vọng.

Câu nói đó nhói vào lòng mẹ.

Sau này con còn phải chịu  bao nỗi thất vọng khôn cùng ở cuộc đời  mẹ ạ. Con không nhớ hết. Hình như con luôn bước những bước lỗi nhịp, rồi sa đà, rồi vấp ngã không gượng dậy được nữa. Khi con hiểu rằng lũ bạn làng Lủ đã đưa đẩy con vào chỗ chết, con thật sự bị sốc. Đó là lần đầu tiên con nói với mẹ: "Con không sống quá bốn mươi tuổi đâu''. Con biết mẹ ngạc nhiên, ngờ vực điều con tiên lượng. Bởi con đã tìm hiểu cặn kẽ những gì diễn ra với đám bạn bè chung quanh con. Mẹ ơi, đã có những thằng bạn nhiễm HIV chết trên tay con. Và con lặng lẽ quan sát mọi triệu chứng của căn bệnh khốn nạn ấy để chuẩn bị trước cho mình.

- Mẹ đã lên chăm nom con, khi người ta đưa con ở trại cai nghiện về Trung tâm điều trị. Mẹ linh cảm thấy cái điều khủng khiếp sắp tới gần. Con đã nhịn ăn, người còn da bọc xương, lưỡi mọc nấm. Đến bây giờ mẹ vẫn không hiểu vì sao con quyết tâm rời bỏ Trại cai nghiện bằng khổ nhục kế đó, mặc dù mẹ đã dùng mọi cách để con được nằm tại trạm xá của trại để dưỡng bệnh. Hay con thực sự biết quỹ thời gian đã sắp hết, con phải làm như thế để ra khỏi trại, để có điều kiện gặp gỡ gần gụi gia đình?

Những ngày đầu thấy mẹ luôn ra vào Trung tâm, một cô hàng bán giải khát gần cổng ái ngại hỏi han:

- Bác ở xa thế mà ngày nào cũng vào thăm nuôi thế mệt chết. Chúng nó ở đây chả cần thứ gì đâu, chỉ nã tiền thôi.

- Chúng đã vào đến đây còn thiết gì nã tiền hả cô?

- Ôi giời, bác không biết chúng nó rồi. ở đây chúng tiêm chích còn bằng mấy ở bên ngoài. Ngoài phố sợ công an chứ đây ai thiết ngăn cản đám hình nhân sắp chết ấy làm gì. Có khi hai ba đứa cùng tiêm chích cho nhau ngay trước mắt bác sĩ, người ta cũng làm lơ quay mặt đi.

Mẹ rụng rời tay chân. Thật thế sao?

Nhưng theo dõi thấy sức khỏe con dần dần hồi phục sau mấy ngày ăn uống trở lại, than ôi đã có lúc mẹ mong manh hy vọng...

Cái Trung tâm ấy cứ phải kể một chút. Để mẹ được chăm nom con dễ dàng, mẹ phải  "làm luật'' từ ông bảo vệ dăm mười ngàn, đến y tá, bác sĩ dăm ba trăm. Mỗi phòng chứa khoảng hơn chục bệnh nhân nằm điều trị, toàn thanh niên, tất cả đều mang dấu hiệu của bệnh tật ở các giai đoạn. Thoạt nhìn, tại đây cuộc sống khá yên bình. Mỗi sáng bác sĩ khám bệnh, phát thuốc, ba bữa cơm nhà ăn sắp sẵn tươm tất. Đây đó vang tiếng thanh niên cười đùa tếu táo phởn phơ. Tuy có nhiều con bệnh đã phải nằm tại giường, nhưng thoạt nhìn nơi đây chả thấy gì đáng sợ.

Cho nên mẹ không khỏi bàng hoàng nghe con thỉnh thoảng rỉ tai mẹ những tin tức kinh khủng :

- Cái thằng nằm cạnh con sáng nay mới đến. Thằng nằm trước đó đêm qua đi rồi. Còn cái thằng sang xin bánh hôm nọ nay nằm liệt giường ở phòng bên cạnh... Chắc chỉ nay mai thôi.  

Và mẹ sởn cả chân tóc khi một hôm tình cờ nhìn thấy hai ba con bệnh đang xúm lại tiêm chích cho nhau ngay bên cạnh giường con. Thế ra cô hàng giải khát nói đúng. Mẹ lào thào hỏi con :

- Vậy con vẫn tiêm chích hàng ngày như vậy à ?

- Vâng - Con khẽ gật đầu.

Mẹ không nói thêm được gì nữa.

Rồi một bà mẹ khác đến thăm con gái, rỉ tai mẹ:

- Tiếc gì chúng nó hở bà? Chúng sống được bao lâu nữa mà tiếc. Tôi chưa thấy một đứa nào ra khỏi Trung tâm đây bằng hai chân cả. Thôi, nghĩa tử là nghĩa tận bà ạ. Cho chúng đỡ đau đớn trong những ngày cuối. Sẽ đến lúc có dúi thuốc vào tay chúng cũng chịu .       

 Thì mẹ cũng đến lúc tặc lưỡi: nghĩa tử là nghĩa tận... Mẹ không dám khe khắt với con nữa. Cứ dăm ba ngày mẹ gom góp một khoản tiền từ nhà đưa lên cho con. Nhu cầu của con giờ mỗi ngày một tăng. Ngoài tiền thuốc còn phải cõng thêm tiền công kha khá cho những con bệnh chuyên cung cấp thuốc hêrôin đến tận giường. Đáng một trăm thành hai. Hình như điều đó cũng khiến con áy náy. 

- Mẹ ơi, nào con có dùng nhiều hơn đâu. Mẹ hình dung trước đây con mua một liều dùng ở tại nơi bán gốc, giờ cũng từng ấy tiền, chúng nó mua về đây đưa cho con chỉ một phần tư liều là nhiều. Qua bao nhiêu khâu, bấy nhiêu khâu ăn chặn mẹ ạ. Mình không dậy đi lại được đành chịu. Chúng nó cũng chỉ chờ đến lúc này bắt chẹt mình. Vả chúng chẳng còn sống được bao lâu nữa, sẽ lần lượt nằm xuống như con, đáng thương cả thôi mẹ ạ.

Nhưng cả một bầy kền kền vây chung quanh con khiến mẹ sợ rụng rời. Vừa thấy mẹ tới, chúng lập tức nhâu nhâu bâu đến đòi nợ. Nào cái chăn cho mượn, nào cốc sữa hôm trước, nào khẩu trang mua hộ, đôi dép để lại... Chúng trợn trạo sừng sộ quát nạt con, cốt để mẹ chìa tiền ra thật nhanh, bất kể đúng hay không. Con nằm đấy theo dõi và im lặng nhẫn nhịn cho qua. Con thừa biết không ai nỡ làm găng với lũ kền kền dở sống dở chết ấy.    

Kể cả đến những ngày cuối cùng khi những nốt mụn trên người con mọc ra đầy khắp, mẹ cũng chưa hiểu kỹ bệnh AIDS đâu. Mẹ ơi, những mụn này mọc ra là triệu chứng gần đến cái chết lắm rồi đấy. Khi chúng lặn đi để lại những vết sẹo thâm, đó là lúc con vĩnh biệt tất cả. Con run sợ chờ tới lúc đó. Ôi, con ao ước được đi đến cái chết thật nhanh. Con muốn gào lên rằng mẹ đừng tiếc con nữa. Không có ma túy con đau đớn không sao chịu nổi. Hãy cho con dùng nó đi. Hãy cho con đi mẹ ơi. Tại sao con đau đớn quá thế? Làm cách nào để con đi thật nhanh hở mẹ? Con không chịu nổi nữa rồi. Giúp con với...

Nhưng con đã cắn răng không kêu một tiếng khi mẹ bên cạnh con. Chỉ đến những ngày cuối cùng mẹ về Đồ Sơn chưa kịp lên, con đã gọi bố con suốt đêm và nài nỉ...Và tất cả đã muộn...  

 - Mẹ xót xa bất lực trước những ngày cuối cùng của con. Mẹ có cảm giác tựa hồ trái tim mình đang bị nhay bởi một lưỡi cưa cùn. Khi những nốt mụn se miệng lặn vào bên trong, mẹ lại ngỡ con sắp khỏi. Thật tội nghiệp. Mẹ đâu ngờ đó mới là dấu hiệu của sự chấm dứt. Cũng là lúc con không muốn mở miệng nói với ai một lời nào nữa, kể cả mẹ. Con đòi đưa con về nhà. Con nói không đủ can đảm chứng kiến hàng ngày chung quanh con cứ mỗi lúc một vợi dần những con bệnh lả đi sau vài đêm kêu la.

Bố mẹ đưa con về Lủ. Những ngày ngồi bên giường con, đúng tháng cuối năm rét mướt này năm ngoái, mẹ miên man nghĩ đủ mọi thứ chuyện. Trời đất ơi, nó là thứ ma quái gì đến nỗi một thanh niên tài hoa như con không đủ nghị lực dứt bỏ? Mẹ căm thù nó. Mẹ từng nghĩ tới chuyện sẽ cùng tiêm chích để lần mò mọi hang cùng ngõ hẻm tìm ra những tên vô lại buôn bán ma túy và tiêu diệt chúng. Chúng sẽ không đề phòng một bà già. Hoặc khi đã mắc nghiện như con, mẹ sẽ chuẩn bị thật nhiều thực phẩm, rồi hai mẹ con sẽ tự nhốt mình trong ngôi nhà nhỏ, vứt chìa khoá đi. Mẹ sẽ níu giữ con cùng cai nghiện, cai bằng được, hoặc là cùng chết. Để con thấy nếu có nghị lực, người ta làm được tất cả. Mẹ tin như thế. Thánh thần sẽ phù hộ mẹ.

Thánh thần quả đã phù hộ mẹ không thực hiện những chuyện rồ dại trẻ con ấy. Nghe mẹ kể con thật buồn cười. Mẹ không lường được sức mạnh khủng khiếp của con quái vật ma túy đâu. Mẹ hãy nhìn vào rất nhiều gia đình văn nghệ sĩ cà tàng hiếm hoi hạnh phúc như gia đình ta xem. Những đứa trẻ ngu ngơ trong các gia đình ấy thật tội nghiệp. Một miếng mồi ngon cho con quái vật. Con là một ví dụ.

Con cầu mong thánh thần của mẹ sẽ tìm ra cách khác, cách hữu hiệu hơn. Và để giúp thánh thần của mẹ, con xin cung cấp mọi thông tin về chất beta endorphin ma túy nội sinh lẫn ma túy ngoại sinh, điểm cảm thụ tập trung MUY trong tế bào thần kinh, vân vân và vân vân.

Với con tất cả đã quá muộn. Ý kiến của mẹ về một cuốn sách con chưa kịp viết rất hay. Vâng, có thể con sẽ nổi tiếng ngay sau khi sách ra đời. Ôi tiếc quá, biết đâu con có thể làm cho giấc mơ ấy của mẹ không phải là một ảo tưởng cuối cùng về con.

- Thánh thần chứng cho mẹ, rõ ràng mẹ mơ hồ nghe thấy tiếng con cười...

Một ngày cuối năm 2008

Truyện ngắn của Đoàn Lê
.
.