Mẹ tôi

Thứ Hai, 02/01/2017, 08:00
Mẹ tôi bảo: "Trông lên thì chả bằng ai, nhìn xuống thì cũng khối ai chưa bằng". Thì từ ngày tôi ăn nên làm ra, mua được nhà được xe, tôi đón mẹ ra ở cùng, mẹ tôi chả phải lo cái ăn cái mặc nữa. Nhiều bà bạn nông dân của mẹ ở làng, ngoài bảy mươi rồi, vẫn phải cặm cụi ngoài đồng kiếm miếng ăn. Tôi vẫn âm thầm tự cho là mình hoàn thành được chữ hiếu…

Hồi còn trẻ, tôi đọc một truyện ngắn của ông nhà văn lẫy lừng, ông ấy viết: "Mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn". Nhiều người khen nức nở câu văn đó, thậm chí có người còn coi nó như là một mệnh đề triết học cao siêu bí ẩn mà ông nhà văn danh tiếng nọ âm thầm gửi gắm vào. Nhưng tôi lại chả thấy có gì hay ho trong đó. Mẹ tôi đúng là nông dân và tôi sinh ở làng. Thế nhưng khi đi ra ngoài xã hội, tôi thường giấu biệt điều này.

Là bởi vì, nông dân rất khổ, thôn quê rất nghèo, chả vẻ vang gì.

Hồi ở làng, tôi đói lắm. Cũng ông nhà văn ấy viết: "Tôi đói như một con tinh tinh". Tôi suy nghĩ mãi. Tinh tinh châu Phi thì tôi đã được nhìn hình trong sách giáo khoa và trên tivi. Chúng đen sì, to khoẻ kềnh càng nên tôi nghi ngờ là chúng không đói. Đói ăn thì sao mà lại to lớn thế được cơ chứ? Tôi chỉ thấy mình đói giống như lũ ngan con.

Chả là nhà tôi có nuôi mấy con ngan đẻ, mỗi lứa ấp được mấy chục con, lông vàng như tơ, rất đẹp. Thế nhưng hình như bọn ngan nhép ấy có bộ máy tiêu hoá rất khoẻ, giống tôi, bụng lúc nào cũng thấy đói. Tôi chỉ vừa ăn xong cơm, đứng lên một cái, lại có thể ngồi xuống ăn tiếp được.

Bọn ngan con nhà tôi hình như cũng thế, chúng cứ há cái mỏ vàng bèn bẹt, xinh xinh ra kêu "nhiếp nhiếp" cả ngày nếu không có cái gì để sục sạo cho vào mồm. Nên tôi âm thầm nghĩ, sau này nếu viết truyện, tôi sẽ tả là "Tôi đói như lũ ngan con", hoặc có thể nói gọn hơn cho đỡ phí chữ: "Đói như ngan!".

Tóm lại, ký ức những năm tháng ở làng với tôi là ký ức về những cơn đói triền miên quặn thắt trong dạ dày. Thế nhưng tôi vẫn học khá, vì nhiều khi tôi phải tập trung vào việc đọc sách để cho quên bớt cái cảm giác đói cồn cào trong bụng đi.

Thế rồi tôi cũng tốt nghiệp phổ thông, vào đại học, ra trường kiếm được việc làm, lấy vợ sinh con và gây dựng được một sản nghiệp kha khá. Tôi ở thành phố, đời sống cũng được, có thể gọi là tầng lớp trung lưu. Trung lưu là một từ thời thượng, chỉ một tầng lớp khá ổn trong xã hội ta hiện nay, bởi vì, đại gia thì bây giờ hay bị gắn với vô số những ác cảm của dân nghèo về bọn dân giàu cùng với những thói đàng điếm xưa thường chỉ được mô tả trên sách báo, nay thì lồ lộ ra thanh thiên bạch nhật.

Trung lưu, nghe có vẻ khá trung tính, vô hại, dường như không có tính chất cực đoan tả hữu gì lắm. Nhiều người như tôi cũng lấy làm bằng lòng về cuộc sống của mình và gia đình mình. Tầng lớp trung lưu, nghe cũng hay hay…

Mẹ tôi bảo: "Trông lên thì chả bằng ai, nhìn xuống thì cũng khối ai chưa bằng". Thì từ ngày tôi ăn nên làm ra, mua được nhà được xe, tôi đón mẹ ra ở cùng, mẹ tôi chả phải lo cái ăn cái mặc nữa. Nhiều bà bạn nông dân của mẹ ở làng, ngoài bảy mươi rồi, vẫn phải cặm cụi ngoài đồng kiếm miếng ăn. Tôi vẫn âm thầm tự cho là mình hoàn thành được chữ hiếu…

Minh họa: Lê Tâm.

Vợ tôi bảo: "Như bà là sướng nhất rồi, chả phải lo gì, lúc nào cũng có con cháu quây quần". Ý vợ tôi nói là hai đứa con tôi, một đứa lớp 5, một đứa lớp 10, chúng rất quấn bà nội. Bà ở với chúng từ bé, bế ẵm, cho ăn, đưa đi chơi, đón học về. Bà không cho thuê osin, bảo, con cháu nhà mình không giao cho người lạ được.

Vợ tôi cũng đồng ý, vì nàng đẻ con ra nhưng hầu như chả phải chăm nom gì lắm, chỉ mỗi việc vạch ti ra, nhét vào mồm nếu chúng ọ ẹ đòi ăn. Cai sữa xong, nàng coi như hết trách nhiệm! Phần tôi cũng chả hơn mấy, nhiều hôm uống rượu tiếp khách đến khuya, về nhà thì mẹ tôi đã đi ngủ từ lâu.

Sáng tôi dậy muộn, ra khỏi phòng thì các con đã đi học cả, mẹ đi chợ mua thức ăn, hoặc đi ra công viên chơi rồi, chả gặp. Vợ tôi làm giáo viên ở trường gần nhà, hết giờ tung tăng đi với bạn, ăn uống, tìm chỗ spa, chán thì rủ nhau đi xem chỗ nào xung quanh có cảnh đẹp, seo phi, rồi post lên phây, khen nhau ầm ĩ…

Tôi không phải là "bạn" phây của vợ. Hồi mới chơi phây, ghé vào trang của nàng, xem một se ri ảnh các cô ròng ròng tuổi vợ mình, chụp đủ các kiểu ảnh, ở rất nhiều nơi, có nơi linh thiêng, có nơi đẹp đẽ. Nhưng toàn một mô típ cưa sừng làm nghé. Mà tôi hãi nhất mấy tấm chụp các nàng mặc áo dài, vẻ mặt hớn hở đầy nghi hoặc, dang tay cùng nhau như muốn bay lên giời cao, nhưng phần thân dưới những cái bụng, cái eo ngấn mỡ như những tảng đá đập vào thị giác người xem…

Tôi khiếp hãi, âm thầm block luôn từ dạo ấy. Vợ tôi phát hiện ra, chuyện này làm vợ chồng tôi chiến tranh lạnh mất vài tháng. Tôi tỉnh bơ, bảo: "Chuyện trên phây là chuyện tào lao chém gió, xả stress. Nên tốt nhất là người nhà không kết bạn với người nhà! Cho nó thoải mái". Kỳ thực, trên phây, tôi chỉ thích kết bạn với gái đẹp, chả để làm gì thì cũng ngắm cho mát mắt!

Vợ tôi vẫn ấm ức thêm một thời gian, rồi cũng đành thôi, bởi nhân một hôm đi uống rượu về khuya, ngà ngà, tôi rẽ luôn vào phòng vợ, cứ thế phi lên giường, làm luôn. Không biết trong lúc lơ mơ ấy tôi nói gì, làm những gì, về đại thể thì tôi nhớ, nhưng chi tiết thì nó cứ mù mờ lẫn lộn lung tung, nhưng có điều là sáng hôm sau thấy vợ mình tươi tỉnh hẳn và không còn nhắc gì đến chuyện friendlist trên phây nữa.

Mẹ tôi bảo: "Dạo này muốn nhìn mặt con trai, con dâu xem gầy béo thế nào cũng khó ghê. Chẳng có lẽ phải đặt lịch hẹn như ngoài uỷ ban!".

Là vì dạo này vợ tôi cũng lượn khoẻ, chả kém gì tôi. Có hôm ngồi uống cà phê với đối tác ngoài phố, thấy nàng son phấn tưng bừng, lái xe ôtô lao vun vút ngoài đường, ghế trước ghế sau một đám các cô bạn ròng ròng. Nàng bảo đi offline!

Hồi mới cưới nhau, bọn tôi cũng chả có gì. Cả tôi và vợ đều phải lăn ra làm thêm, buôn bán đủ nghề. Thế rồi trời cho, bọn tôi cũng có đủ con cái, nhà cửa, xe pháo, sản nghiệp. Bây giờ con lớn, thu nhập ổn định, bọn tôi tự thấy mình cũng nên thư giãn. Đời cũng chả còn mấy chốc mà đi đến cảnh già cả lẩm cẩm, ăn rồi lại bảo chưa ăn. Suỵt…

Có lần hiếm hoi, ngồi ăn cơm đông đủ cả nhà, tôi có nói một câu không hẳn thế, nhưng là ý tứ như trên, với hai đứa trẻ con. Mẹ tôi nghe, thế là bà dỗi, bỏ bữa, dỗi tiếp mấy ngày. Vợ tôi phải nịnh khéo, đưa bà sang chợ Nành, mua sắm cả lô quần áo, khăn quàng mới xong. Tối đó, tôi định thưởng công nàng đã hoà giải cho tình cảm mẹ con tôi một cách xứng đáng. Đang làm tình thì nàng bỗng cười hí hí, nói công nhận là hàng bên chợ Nành quá rẻ, đồ của các cụ càng rẻ. Mua cả một lô cho bà mà không bằng tiền nửa cái váy hàng hiệu!

Tôi bực mình, phát cho một cái rõ mạnh vào mông, nằm lăn ra giường. Không ngờ cú phát bỏng tay vào cái mông nần nẫn những mỡ lại thành ra như là một cử chỉ khởi động cho những xung năng tình dục của đàn bà u bốn mươi ở đâu bùng phát. Nàng nhảy phắt lên trên… Hôm sau, mãi mười giờ sáng tôi mới mở được mắt ra. Trưa hôm ấy đi ăn súp lươn với cô thư ký trong nhà hàng, cô nàng lo lắng nhìn tôi bảo: "Anh ốm hay sao mà trông mặt phờ phạc, râu ria thì trổ ra tua tủa thế kia vậy?".

Tối hôm ấy, tôi đi ngồi uống vài ly bia với ông bạn miền Nam lâu mới ra ở quán bia hơi Hà Nội. Vợ điện hỏi: "Bao giờ anh về?". "Khoảng mười giờ". "Đợi ở đó em qua đón về cùng nhé, em không có chìa khoá nhà". Tôi lấy làm lạ, có đến bao năm nay, nhà ai tôi đi về lúc nào mặc lòng, có bao giờ ai phải đợi cửa ai đâu? Nhà tôi khi lắp cửa là làm luôn cho mỗi thành viên một cái chìa khoá, để đi về chủ động mà…

Tôi là một thằng đàn ông có khá nhiều  tính xấu. Rượu chè, cờ bạc… cái gì cũng biết một tí. Chuyện gái gú thì vợ tôi không thèm chấp, vì biết kiểu gì với tôi gia đình con cái cũng là hơn tất cả. Dưới con mắt của vợ tôi thì tôi là một tên đàn ông không còn trẻ người nhưng mà non dạ, nàng luôn phải canh giữ, đe nẹt nếu không thì tôi sẽ hư hỏng và sa ngã ngay!

Tóm lại tôi là một tên xấu xa, đã trót rồi thì phải chét! Đấy là lời vợ tôi ca thán, mỗi khi có một vụ scandal nào đó liên quan đến tôi bị lộ ra. Lắm lúc, tôi cũng tự thấy mình xấu xa thật, nên cũng có đôi phần nể vợ.

Mười giờ kém, vợ tôi lái xe đến, chào ông bạn rồi hai vợ chồng tôi về nhà cách đó không xa. Vợ tôi cầm lái đến cách khoảng bốn, năm số nhà, vợ tôi dừng xe lại, tắt đèn, nhưng vẫn để máy nổ. Tôi ngạc nhiên: "Không về luôn cho xe vào gara rồi đi ngủ, đỗ đây làm gì?". "Anh cứ ngồi yên, xem một vụ này, em đang chưa giải thích được".

Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng vì lúc đó đang phê phê nên mặc kệ, xem có chuyện gì. Tôi nhìn quanh, thấy phố phường hàng quán đã đóng cửa cả, phía xa xa là ngã ba, một con ngõ phố thường ngày có họp một cái chợ cóc, ban đêm là nơi tập trung rác của cả khu để đêm xe của công ty vệ sinh sẽ tới chở đi, bên cái đống rác mà các nhà vừa đưa ra, vài người không rõ trẻ già trai gái đang hí húi bới nhặt.

Cuộc đời thật khốn nạn, đồ bỏ đi phế thải của người này lại thành nguồn sống của người kia, thậm chí có thứ mà người này chán ứ đến tận cổ nhưng lại là niềm ước mơ khao khát cháy bỏng của người khác… Tôi lắc lắc cái đầu lơ mơ hơi men của mình cho tỉnh ngủ và xua một ý nghĩ bất lương vừa loé lên, khi nhìn khuôn mặt vợ đang háo hức, căng thẳng rình mò trong bóng tối nhờ nhờ của đèn đường hắt qua lớp kính vào trong xe…

Bỗng vợ tôi bấm mạnh vào tay tôi, những cái móng được tỉa giũa cẩn thận nhói sâu vào thịt đau điếng làm tôi tỉnh hẳn. Theo tay vợ chỉ, tôi nhìn về phía nhà mình, mẹ tôi mở cửa, tay xách vài gói đồ đi ra, một người đang bới rác ở gần đó dắt cái xe đạp treo lủng lẳng xung quanh, chở trên giá đèo hàng những gói bọc tới.

Mẹ tôi đưa cho người đó những gói đồ, còn đứng nói chuyện một lát, trong xe cách âm khá tốt nên tôi nghe không rõ… Tôi chợt hiểu vì sao vợ mình đến đón tối nay. Vợ tôi định bật đèn, nhích ga cho xe tới cửa nhà. Tôi bóp chặt tay vợ, gằn giọng: "Để yên. Xong rồi tôi xử lý".

Mẹ tôi là nông dân, rất tằn tiện thu vén cho con cái. Tôi sinh ra ở nông thôn, nhưng cái chất nông dân của tôi đã phai lạt nhiều. Tôi đi học ngoài thành phố, đi làm ăn buôn bán ngoài xã hội. Tôi kiếm ra tiền bằng sức lực và trí tuệ của mình nên tôi tự cho phép mình thỉnh thoảng xả láng chút. Vả lại, nghĩa vụ của những người có tiền là phải tiêu dùng, có vậy mới kích thích sản xuất phát triển. Tôi hiểu thế. Nhưng bà mẹ nông dân của tôi không hiểu, mẹ luôn mắng tôi là phí phạm của giời.

Thế nhưng tôi thương mẹ tôi lắm, mẹ tôi bán mặt cho đất, bán lưng cho giời cả đời để kiếm miếng ăn nuôi tôi học thành người. Nên tôi kiên quyết đón mẹ về ở cùng ngay sau khi mua được cái nhà đầu tiên. Tôi bảo với tất cả anh chị em trong nhà là, mẹ sống thì ở với tôi, chết tôi lo, ai có gì chăm lo cho mẹ thì cứ mang tới, nhưng không bắt buộc nghĩa vụ gì hết.

Ở với tôi mẹ có đầy đủ mọi thứ, là vì chúng tôi thu nhập tốt, hằng tháng còn đưa biếu mẹ một số tiền để bà tự do thích mua sắm gì thì mua. Số tiền ấy mẹ tôi hình như cũng chả tiêu gì, lâu lâu thấy mua một chỉ vàng, gửi cho vợ tôi cất đi, nói, sau này để cho mỗi đứa cháu nội ngoại một chỉ khi chúng nó lấy vợ lấy chồng. Vợ tôi cười ngất, nói, cháu gái bà đang bảo là khi nào nó đi lấy chồng, nó chỉ cần năm mươi phần trăm cổ phần của cái công ty bố nó đang làm chủ. Năm mươi phần trăm ấy là bà có biết đủ để giát vàng cho cháu bà từ đầu đến chân không…

Thế mà nay, tôi tận mắt nhìn thấy mẹ mình, đêm khuya, xách đồ nhà đem ra đưa cho người ngoài…

Tôi vật vã cả đêm không ngủ được vì chưa biết nói với mẹ thế nào. Nhìn sang bên cạnh, thấy khuôn mặt no đủ vô tư của vợ nằm ngáy pho pho… Tự dưng có một cảm xúc gần như là căm ghét từ đâu trỗi dậy trong lòng.

Tôi bỗng thấy ghét cái người đang nằm cùng giường, đã gắn bó ngọt bùi cay đắng, đã tưởng hiểu nhau tường tận này ghê gớm. Tôi ghét cái cảm giác phải nói chuyện về tiền nong của cải với mẹ tôi. Mẹ đã san sẻ cả máu thịt cho con còn chả tiếc, nhẽ nào con lại đi tính toán với mẹ. Thế nhưng không nói rõ ràng ra thì có lẽ tôi cũng không yên được. Gần sáng, không nằm được nữa, nghe tiếng chân mẹ mình dậy nấu ăn, tôi vùng dậy đi tắm cho tỉnh táo rồi xuống bếp với mẹ.

Mẹ tôi nói: "Con cái Huỳ ấy, người làng mình, xấu xí, chả có ai lấy. Nó mới đánh liều kiếm đứa con mong có chỗ dựa dẫm tuổi già thì nhà đẻ lại không chấp nhận. Thế là mẹ con phải dắt díu nhau ra phố làm thuê làm mướn, bới rác kiếm ăn. Thuê trọ ở trong xóm nước đen ấy. Tao nhặt những cái vỏ lon, đồ dùng bỏ đi, hoa quả bánh kẹo người ta biếu không ăn hết đem cho nó mang về thôi, có gì đâu mà phải hỏi?".

Nhà tôi vốn tiêu dùng cũng khá, bia lon, nước ngọt, nước hoa quả… dùng hằng ngày. Mẹ tôi trước vẫn nhặt những cái lon rỗng đem bán cho mấy bà đồng nát qua phố. Từ hôm gặp cô Huỳ cùng làng đi bới rác đêm, bà không bán nữa, để dành đêm mở cửa ra cho…

Chuyện chỉ có vậy mà làm tôi vật vã cả đêm.

Mẹ tôi bảo: "Chúng mày vẫn nói chuyện trao học bổng cho con nhà nghèo vượt khó gì đó, hay lúc nào vào nhà cô Huỳ thăm xem rồi có suất nào xin cho con bé con. Thấy mẹ nó khoe cháu học giỏi lắm. Ơn giời sau này đỗ đạt thành người thì mẹ nó có chỗ cậy nhờ".

Tôi đi bộ vào xóm nước đen, theo địa chỉ mẹ đưa tìm đến phòng trọ của cô Huỳ. Tôi không vào, ghé mắt qua khe cửa nhìn, trong phòng, hai mẹ con, một mẹ gầy già xấu xí, một con gái tầm mười lăm mười sáu tuổi, mặt mũi sáng sủa, đang ăn cơm.

Mẹ: "Con ăn nhiều vào có sức mà học bài".

Con: "Mẹ ăn những miếng ngon này cho khoẻ không ốm. Dạo này mẹ hơi gầy".

Tôi đi về. Tôi bàng hoàng chợt nghĩ, không biết mẹ mình bây giờ béo hay gầy… 

Truyện ngắn của Trần Thanh Cảnh
.
.