Máu sớ

Thứ Hai, 27/02/2017, 08:00
Tôi rùng mình, vung cao cánh tay lên xem tay mình còn không. Tôi mở mắt, chưa thôi hốt hoảng. Một giấc mơ đáng sợ chưa từng có. Mà lạ thật, đúng lúc ấy tôi nhận được điện thoại của Xuân...

Xuân bảo, hợp với tôi nên đi đâu cũng thích dắt tôi đi cùng. Xuân từng dẫn tôi ra sân quần vợt, nơi mà cậu là một người hùng thực thụ. Ở đấy, ông sếp nào cũng thích đánh cặp với cậu. Vì có cậu, xác suất chiến thắng của ông ta cao hơn hẳn, mà bây giờ ông sếp nào cũng hiếu thắng thì phải. 

Ấy thế mà mới đây, khi đứng cặp với một ông sếp cỡ bự ở huyện nhà - ông sếp đã cùng Xuân bách chiến bách thắng tất cả các trận đánh đôi từ trước đến nay, Xuân lại đánh èo uột tới bất ngờ. Kết quả là cậu và ông sếp huyện lần đầu thua cuộc.

Nhìn cái mặt nhễ nhại mồ hôi và con mắt thất thần của Xuân, tôi hiểu cậu xấu hổ lắm. Ông sếp huyện thì cau cau có có, vừa bước về phía đối thủ cúi người bắt tay, vừa gãi gãi mớ tóc bù xù. Có lẽ ông ta không thể ngờ được là mặc dù đã đứng cặp với Xuân mà vẫn có thể thua một... đôi làng nhàng? Tôi đoán thế, và tự tin vào suy đoán của mình.

Ở phía đối diện cặp, đôi chiến thắng kia cười ha hả. Cặp đó một già, một trẻ. Ông già dường như muốn cười kiểu cười thoả mãn, nhưng âm thanh phát ra thì cứ khùng khục, khùng khục. Chắc ông đang bị nghẹn cái gì đó ở cổ họng, hoặc giả bị đau cổ họng, đau dây thanh quản mạn tính.

Tay trẻ thì cười vang. Vừa cười vừa chìa một bàn tay ra bắt tay Xuân, tay còn lại vỗ nhẹ lên vai Xuân như thể an ủi, động viên. Khi họ chia tay nhau, ông quan huyện và Xuân tiến về chỗ tôi thì tôi cũng muốn làm một điều gì đó để bày tỏ sự sẻ chia với nỗi đau bại trận của họ. Ai dè, ông quan huyện lại cười vang. Xuân cũng cười. Rồi ông quan huyện bảo: Vậy là xong bước một.

Khi tôi gặng hỏi "xong bước một" là cái quái gì thì Xuân vừa đánh trống lảng sang chuyện khác, vừa cười khà. Chỉ biết rằng không lâu sau đó, Xuân tự nhiên bảo tôi: 

- Sẽ giúp thầy giáo có cái nhà xịn. Yên tâm.

Tôi đáp lời:

- Chẳng dám mơ cao, cậu ạ!

- Mơ mộng gì! Chuyện thật ấy chứ. Tỉnh sắp đồng ý cái dự án xây chung cư rồi. Vài năm nữa xong, sẽ ưu tiên cho thầy giáo một căn giá rẻ. Chung cư xịn nhất từ trước đến nay thầy giáo ạ.

Của đáng tội, tôi có loáng thoáng nghe Xuân nói về cái dự án chung cư này. Cái dự án mà nghe đâu nếu thành thì ông quan huyện sẽ có ít nhất mười căn, muốn ở thì ở, muốn bán thì bán, còn Xuân cũng được hứa hẹn hai, ba căn. Vấn đề là phải làm sao để dự án được quan tỉnh phê duyệt. Nghe đâu quan tỉnh khó tính lắm, lại hiểu về chuyện nhà cửa đất đai lắm, vì trước vốn là dân kiến trúc mà. Làm gì có chuyện quan tỉnh duyệt xây cái chung cư ngay trước một ngôi chùa cổ, đè lên mặt mũi ngôi chùa cổ. Thế nên tôi hỏi Xuân:

- Thật hay đùa?

Xuân đẩy cái gọng kính lên cao trên sống mũi, căng mắt nhìn về phía tôi, rồi điềm tĩnh bảo:

- Thật chứ thầy giáo! Tôi đã đùa bỡn thầy giáo bao giờ chưa?

- Nhưng sao lại có chuyện khó tin như thế nhỉ?

- Thì nó bắt đầu từ cái trận tennis hôm nọ đấy! Thầy giáo chứng kiến cảnh chúng tôi lần đầu tiên chịu thua rồi đấy.

Bây giờ thì tôi bắt đầu ngờ ngợ đến cái câu: "Xong bước một" mà Xuân và ông quan huyện nói với nhau. Phải chăng bước một là bước thua? Cứ phải chịu nén cái tôi của mình xuống, nén cả cái thương hiệu "bách chiến bách thắng” của mình xuống để thua đi đã. Vậy thì bước hai, bước ba, bước bốn, bước năm là gì? Mà tổng cộng có bao nhiêu bước nhỉ? Tôi hỏi thì Xuân bảo:

- Thầy giáo biết mấy cái chuyện ấy làm gì. Tôi cam đoan sẽ ưu tiên cho thầy giáo một căn giá rẻ! Siêu rẻ! Không phải nghĩ ngợi gì cả.

Bây giờ thì tôi hình dung ra cái căn chung cư xịn, giá rẻ mà Xuân nói đến. Phòng ngủ này, phòng tắm này, phòng bếp này, và phòng khách này. Chắc chắn ở phòng khách sẽ là một giá sách thật đẹp. Chắc chắn phải để những quyển sách của mình được lên đời, thay vì cho hết vào bao tải, để dưới gầm bàn làm việc như bây giờ. Tôi hiểu, để sách vở, chữ nghĩa ở dưới gầm bàn là tối kỵ, nhưng chẳng còn cách nào khác.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Cái nhà hai mươi mét vuông này đã kín đặc các mảng không gian rồi. Đồ của tôi, đồ của vợ, đồ của hai thằng con quỷ sứ - tất cả những đồ dùng cá nhân, thường ngày đều được ưu tiên nhét vào những mảng không gian thuận tiện nhất. Thành thử không để cái bao tải sách xuống cái gầm bàn thì chẳng biết phải để vào đâu. Nếu quả đúng là bây giờ được Xuân ưu tiên cho mua một căn giá rẻ, nếu quả đúng là có một cái phòng khách với một cái giá sách tử tế thì tôi biết ơn Xuân lắm. Trong đầu tôi cứ lởn vởn hình ảnh những quyển sách bay.

Này là Đạo Đức Kinh, này là Nam Hoa Kinh, này là Kinh Bát Nhã, Kinh Dược Sư, Kinh Kỳ Cầu..., từng quyển, từng quyển một đang bay khỏi cái bao tải chật chội kia để đến một cái giá sách được làm bằng gỗ, sơn bóng mịn. Từng quyển sách nối tiếp nhau, thẳng hàng, đẹp đẽ. Từng quyển, từng quyển được đặt ở một vị trí trang trọng cho thực sự xứng với tầm vóc của chúng. Những hình ảnh mơ ước ấy khiến sự tò mò trước đó của tôi về cái gọi là "bước hai", "bước ba", bước bốn"... cũng bị dập tắt luôn!

*

Hôm qua Xuân vào viện thăm vợ tôi. Bệnh phổi mạn tính khiến vợ tôi nhiều đêm cứ ho khù khụ. Ngay cả lúc Xuân vào cũng thế, vợ tôi ho đến độ chẳng nói năng được gì. Vẫn như những lần thăm hỏi trước, Xuân vừa đưa phong bì cho vợ tôi vừa ân cần bảo:

- Chị cố gắng giữ sức khoẻ. Mà bây giờ thì càng phải khoẻ, để còn về nhà mới.

Vợ tôi gật đầu cảm ơn Xuân. Tôi cũng cảm ơn Xuân, nhưng có vẻ Xuân không để ý đến lời cảm ơn ấy lắm. Xuân cho tay vào túi,  rút ra hai tờ 100 USD, bảo tôi:

- Chỗ này thì thầy giáo phong bì cho bác sĩ nhé. Có gì thầy giáo cứ alo, tôi lại vào.

Xưa nay, chưa bao giờ tôi alô Xuân theo kiểu này cả. Toàn là Xuân tự vào, tự thăm hỏi, tặng quà chúng tôi. Và phải nói thật, nếu không có sự giúp đỡ của Xuân thì cuộc sống của chúng tôi khốn khó hơn bây giờ nhiều lắm. Ở cái thời buổi mà nhà nhà, người người chạy đua theo thị hiếu thời A Còng, cái nghề dạy Hán Nôm của tôi giống như một thứ đồ cũ kĩ mốc meo, chỉ giúp tôi kiếm đủ tiền ăn qua ngày.

Mà điều đáng quý là Xuân giúp đỡ chúng tôi hoàn toàn vô tư, không đòi hỏi lại gì. Xuân bảo, mệnh của Xuân rất hợp với mệnh của tôi, nên càng đi cùng tôi càng gặp nhiều may mắn. Rồi thi thoảng Xuân cũng có nhờ tôi viết giúp vài tờ sớ để đi lễ, nhưng những cái đó nào có lấy đi của tôi thứ gì đâu. Cho nên, chẳng có lý do gì để tôi khước từ mối quan hệ với Xuân.

Hai thằng con tôi thì quý chú Xuân tới mức cứ mỗi lần chú Xuân đến nhà là chúng nó hào hứng ra mặt. Đặc biệt mỗi dịp đầu năm, chỉ cần lờ mờ biết là chú Xuân đến chúc Tết là chúng sẵn sàng huỷ bỏ mọi cuộc đi chơi để ngồi nhà chờ đợi. Vì, bao giờ chú Xuân cũng mang tới một khoản tiền mừng tuổi giúp chúng có thể chi tiêu thoải mái. Cách đây ít hôm, khi tôi thông báo là nhiều khả năng gia đình mình sẽ có một ngôi nhà mới, rộng hơn, đẹp hơn, tươm tất hơn thì chúng bảo ngay:

- Nhà của chú Xuân bố nhỉ?

Tôi gật đầu.

*

Ôtô của Xuân vừa đỗ trước cổng chùa thì hai chú tiểu bước tới, lễ phép đưa chúng tôi vào gặp sư thầy. Mọi lần tôi chỉ viết sớ rồi đưa Xuân mang đi lễ các nơi, nhưng riêng lần này Xuân bắt tôi phải đi cùng với lý do: "Nhà xây xong, thầy giáo cũng có một căn. Việc này liên quan trực tiếp tới gia đình thầy giáo, nên thầy giáo phải đi". Mà không chỉ "ép" đi cùng, Xuân còn đề nghị tôi phải viết tên tuổi các thành viên trong nhà mình vào sớ, cùng với các thành viên nhà Xuân. Gặp sư thầy, sau dăm ba câu chuyện Xuân liền chìa ra lá sớ rồi bảo:

- Thầy khấn cẩn thận giùm ạ. Thầy xin thánh thần phù hộ độ trì cho dự án này hanh thông.

Sư thầy cười nhân hậu rồi hỏi lại:

- À, mà việc hôm nọ chắc được chứ bác?

Xuân  lấy ngón tay trỏ đẩy cái gọng kính lên cao hơn trên sống mũi - một thói quen thường thấy ở Xuân, một thói quen khiến vẻ trí thức vốn có của Xuân như càng được tô đậm, rồi ôn tồn bảo:

- Xong chứ thầy! Nếu dự án được duyệt, suất của thầy là một căn góc, tầng 8 nhé.

- Cảm ơn bác! À, mà hôm qua tôi kể cho một cô phật tử dự án của bác. Cô ấy cũng muốn mua một căn. Cô ấy là chỗ thân thiết với nhà chùa, bác xem có bố trí được không?

- Tôi không hứa trước, nhưng sẽ làm hết sức có thể. Thầy cứ yên tâm nhé.

Trên đường cùng sư thầy đi từ nhà khách tới ban thờ Tam Bảo, tôi cứ nhìn về hướng phía trước chùa và thử hình dung xem chỉ ít năm nữa thôi, ở đấy sẽ xuất hiện một chung cư hai lăm tầng. Tôi sẽ ở một tầng nào đó trong hai lăm tầng ấy. Xuân một căn. Cô phật tử của sư thầy một căn. Sư thầy cũng ở một căn. Cơ mà sư thầy thì phải ở chùa, chứ ở chung cư làm gì nhỉ? Tôi ghé tai Xuân thắc mắc, Xuân trả lời:

- Bán, chứ ở gì!

Đúng rồi! Bán! Tại sao tôi lại không nghĩ ra được cái điều cơ bản ấy chứ! Sau khi lễ bái xong xuôi, rời khỏi chùa, Xuân còn kể với tôi rằng thoạt tiên sư thầy phản ứng dự án này mạnh lắm. Đơn từ mạnh lắm. Sư thầy bảo một cái chung cư hiện đại choán hết không gian trước cổng chùa sẽ xâm phạm vẻ thanh tịnh, tôn nghiêm vốn có của chùa. Nhưng khi Xuân trực tiếp đến thưa chuyện, và hứa nếu dự án được thông qua sẽ tặng thầy một căn đầy đủ nội thất thì thầy đã dần dần đổi ý. 

*

Tôi đặt từng quyển sách lên cái giá gỗ của ngôi nhà mới. Nhưng tôi chưa kịp chạm tay vào thì từng quyển sách cứ tự động bay lên giá, ngăn nắp đứng đúng chỗ của mình. Chữ nghĩa trong sách cũng cứ bay lên hết cả. Nhưng chữ nghĩa thì không bay lên giá, mà bay tung toé, vương vãi ra khắp ngôi nhà. Tôi cố lấy tay với một, hai con chữ, nhưng không sao với nổi. Mà không phải là tay tôi nữa. Sao thế nhỉ?

Đấy là tay sư thầy. Đúng rồi! Đúng là tay sư thầy, không thể nhầm lẫn được. Tôi nhớ sáng nay, khi cúng lễ giùm tôi và Xuân, bàn tay sư thầy chắp vào nhau, và tôi ấn tượng với sự mũm mĩm kỳ lạ của nó. Tôi không thể nhầm bàn tay ấy với bất cứ bàn tay nào khác được. Đúng là bàn tay sư thầy đang cố với chữ, bám vào chữ, nhưng chữ vẫn bay tứ tung, không sao kiểm soát.

Đúng lúc ấy, Xuân mở cửa bước vào. Cả một mớ chữ màu đen bỗng được hút hết về phía đầu Xuân, nhưng chỉ vừa chạm tới đỉnh đầu Xuân thì nó bỗng biến sang màu đỏ. Dần dần, chúng đã nhuộm đỏ tóc Xuân. Một màu đỏ tràn trề, bi thảm. Vừa nhận ra một biến cố lớn xảy ra với mình, Xuân lấy tay xoa lên tóc. Tay Xuân cũng bị biến đỏ. Mà tay Xuân hay tay tôi đây? Dường như đó lại là tay tôi. Là tay tôi nhuốm đỏ. Là tay tôi chảy máu. Máu chảy ra ồng ộc, tay tôi rữa ra, phân huỷ ra từng miếng...

Tôi rùng mình, vung cao cánh tay lên xem tay mình còn không. Tôi mở mắt, chưa thôi hốt hoảng. Một giấc mơ đáng sợ chưa từng có. Mà lạ thật, đúng lúc ấy tôi nhận được điện thoại của Xuân:

- Tin vui thầy giáo nhé, dự án chính thức được duyệt rồi! Thấy giáo dậy, viết ngay một lá sớ lễ tạ, mười lăm phút nữa tôi cho người qua lấy. Viết ngay nhé!

Tôi ra bàn, cầm bút viết sớ, nhưng việc viết lách lúc này sao khó quá. Tôi vẫn cố viết những xác chữ theo đúng yêu cầu của Xuân, nhưng những suy nghĩ tuyệt đối không đổ vào chữ nghĩa. Điều duy nhất tôi nghĩ lúc ấy là bàn tay tôi vẫn còn nguyên, vẫn không bị phân huỷ, vẫn không chảy máu.

- Ông ra mở cửa, đưa sớ đi. Có người đến rồi.

Tôi nhìn vào lá sớ! Trời ơi, máu! Máu tràn trên sớ là sao? Máu nhảy nhót từng dòng sớ là sao? Máu thấm ra từ sớ hay đổ xuống từ những ngón tay tôi? Phải cố định hình lại tôi mới nhận ra, đấy không phải là máu, mà là mực đó. Hoá ra lúc nãy, trong nhập nhèm mơ - tỉnh tôi đã viết sớ bằng bút đỏ, thay vì bút đen như mọi lần.

- Ơ kìa thầy giáo ơi! Ra đưa đi chứ! Nó đợi lâu rồi

Xuân lại điện thoại giục.

Tôi chạy ra mở cửa, đưa sớ rồi khoá cửa lại. Tôi nhìn chăm chú vào hai bàn tay tôi và tự khẳng định với mình:

- Tay tôi vẫn còn nguyên vẹn, ít nhất cho đến lúc này!

- Tay tôi chưa rữa ra!

- Tay tôi chưa vấy máu! 

Truyện ngắn của Phan Đăng
.
.