Lưới trời lồng lộng

Thứ Năm, 20/12/2018, 08:55
Dưới thời vua Khang Hi (1662-1722), cách huyện lỵ Đông Xương, tỉnh Sơn Đông mười dặm có thôn Miếu Thờ với 7-8 hộ dân sinh sống. Chủ hộ Lưu Quý quanh năm buôn bán nhỏ ở Quảng Đông, để vợ là Tôn Phượng Tiên ở nhà một mình. Tôn Phượng Tiên xinh đẹp, lại sống trong cảnh cô đơn lạnh lẽo nên đã lén lút tằng tịu với một người đàn ông khác.

Hôm đó Lưu Quý về nhà lúc nửa đêm, gọi cửa mà vợ không mở, sốt ruột đạp cửa vào nhà. Lưu Quý nhận ra thần sắc của vợ mình không bình thường nên đâm nghi, liền lao thẳng vào phòng ngủ thì thấy cửa sổ phía sau mở, trên bục có cả dấu chân người. Hai vợ chồng cãi nhau kịch liệt. Tính khí Tôn thị chua ngoa, đanh đá, Lưu Quý tức quá tát vợ mấy bạt tai khiến thị ngã dụi xuống đất, đoạn đóng sầm cửa lại, bỏ đi.

Lưu Quý có người chị ở huyện lỵ, anh ta đến đó ở vài ngày cho nguôi giận. Một hôm Lưu Quý chưa dậy đã có mấy tay sai dịch phá cửa xông vào bắt anh ta. Lưu Quý sợ tái cả mặt, hỏi:

- Thưa quan gia, xin hỏi tiểu nhân có tội gì?

- Đừng vờ vịt nữa! Về nha môn sẽ rõ!

Thì ra, một người tên là Ngưu Tam ở cạnh nhà Lưu Quý, sáng đó đến nhà anh ta mượn gạo, vừa đẩy cửa bước vào đã thấy Tôn Phượng Tiên nằm chết dưới đất. Ngưu Tam hoảng quá bỏ chạy ra ngoài hô hoán báo tin cho hàng xóm. Ngưu Tam nói:

- Tối hôm qua Lưu Quý về nhà, không hiểu sao vợ chồng cãi nhau, đánh nhau dữ lắm. Biết đâu anh ta giết vợ cũng nên!

Minh họa: Phạm Minh Hải.

 Hàng xóm bàn tán một hồi rồi cử người lên huyện báo án. Lưu Quý bị xử tội tại công đường. Huyện lệnh vừa đánh bằng roi gỗ vừa hỏi:

- Lưu Quý, tại sao ngươi giết vợ?

Lưu Quý quì sát đất nói:

- Lão gia, oan cho con quá! Xin lão gia minh xét!

- Đồ điêu toa, ngươi dám cả gan chối tội? Ngưu Tam đã khai hết cả rồi. Ngươi không làm thì ai làm?

Lưu Quý buộc lòng phải khai chuyện trai gái của vợ, nói:

- Trên bục cửa sổ còn có cả dấu chân người, thưa lão gia.

Huyện lệnh cho người đi tìm chứng cứ, chẳng mấy lúc toán sai nha trở về bẩm báo:

- Thưa quan gia, bục cửa sổ nhà đó không có dấu chân nào cả.

Lưu Quý nghĩ bụng, chắc chắn tên khốn đó đã xóa hết vết tích, lắc đầu kêu khổ.

Huyện lệnh tiếp tục đánh Lưu Quý. Bị bức cung Lưu Quý đành nhận chính mình giết vợ, ký tên vào bản cung.

Vụ án tuy còn nhiều nghi vấn, nhưng được mẹ Tôn Phượng Tiên hối lộ mấy lạng bạc nên Huyện lệnh, vốn là con buôn, nhắm mắt tuyên càn: "Lưu Quý giết người, tống ngục".

Không lâu sau vụ án được đưa lên phủ Tế Nam xử phúc thẩm.

Tri phủ Tế Nam là Châu Chí Thành, một vị quan thanh liêm, chính trực. Ông nhận thấy Lưu Quý không có vẻ gì là kẻ phạm trọng tội nên đã đọc lại toàn bộ hồ sơ vụ án, nhận ra có nhiều chỗ sơ hở nên quyết định xử lại. Lưu Quý biết mình đã gặp "Bao Thanh Thiên" liền thuật lại toàn bộ câu chuyện, thổ lộ nỗi oan ức của mình.

Ông về huyện Đông Xương trát gọi Huyện lệnh, bọn sai dịch, người khám nghiệm tử thi, người làm chứng Ngưu Tam... hỏi thêm nhiều chi tiết liên quan, sau đó trực tiếp thị sát hiện trường vụ án. Sau một vài chứng cứ mới, Châu đại nhân suy đoán hung thủ và Tôn Phượng Tiên quen biết nhau. Ông cho triệu những người liên quan đến thẩm vấn nhưng không có kết quả. Suốt mấy ngày đêm liền ông mất ăn mất ngủ, miên man suy nghĩ.

Đêm đó Châu Chí Thành chợt nảy ra ý định kiểm tra lại các tang vật của vụ án một lần nữa. Đột nhiên ông phát hiện ra trên thành một chiếc tô sành có một cái lỗ nhỏ, gõ vào đó nghe phát ra một âm thanh trầm đục. Thì ra thành của chiếc tô sành này có hai lớp, rỗng ở giữa. Ông cho người kiểm tra kỹ, phát hiện ra giữa hai lớp vỏ chiếc tô sành đó có một ít thuốc chuột. Chiếc tô sành đó do tay thợ gốm họ Vương làm ra. Hắn đã phải khai việc làm mờ ám này. Hắn nợ nhà Lưu Quý 50 lượng bạc, không trả được, nên nảy sinh ý định giết vợ chồng Lưu Quý. Hắn nghĩ mãi, cuối cùng làm ra chiếc tô sành quái quỉ đó, biếu cho vợ chồng Lưu Quý. Khi dùng, thức ăn nóng sẽ làm tan chảy lớp sáp bịt lỗ hổng, thuốc độc sẽ thấm vào thức ăn...

Do tên thợ gốm Vương nhận tội, nhân chứng vật chứng có đủ nên vụ án khép lại ở đây. Châu đại nhân phá án được bách tính và thượng cấp khen ngợi. Vì vậy ông được thăng chức Tuần phủ Giang Tô.

Năm năm trôi qua. Mùa hè năm đó Châu đại nhân có chuyến công du đến Tô Châu, nghe nói ở đây có ngôi chùa Hàn Sơn Tự nổi tiếng, ông đến vãn cảnh. Sư trụ trì vô cùng ngưỡng mộ, chẳng những pha trà ngon mời khách mà còn đích thân đưa ông đi ngắm cảnh quanh chùa. Hai người tình cờ tới một khoảng đất trống sau núi, ở đó có một quả chuông đồng cực lớn.

Hai người đang hào hứng đàm cổ luận kim, bỗng nhiên nghe quả chuông ngân lên những hồi gióng giả, khiến cho hoa lá xung quanh rơi lả tả. Châu đại nhân vô cùng kinh ngạc hỏi:

- Không thấy ai đánh sao chuông lại kêu?

- Loại chuông đồng cực lớn này do các triều vua trước đúc ra, ngôi chùa này có hai chiếc, gọi là chuông âm - dương. Chuông dương ở núi phía trước, chỉ cần nó ngân lên là chuông âm ở đây ngân theo. Hai quả chuông này có hoa văn giống nhau, được đúc theo cùng một kích thước, kiểu dáng, tạo ra sự cộng hưởng lẫn nhau. Thời trước, nhiều ngôi chùa lớn thường có loại chuông này. Đệ tử nào phạm tội dâm ô sẽ bị trói lại, chụp quả chuông âm lên rồi đánh chuông dương trị tội. Khi chuông dương gióng lên, tội nhân bị trói trong chuông âm bị chấn động rơi hai con ngươi ra ngoài, toàn thân tím đen, thất khiếu ứa máu và chết, hết sức tàn nhẫn!

Châu đại nhân nghe kể bất giác lắc đầu. Trở về nha môn, tiếng chuông Hàn Sơn Tự ám ảnh mãi trong tâm trí Châu đại nhân. Tự nhiên ông nghĩ cái chết của Tôn Phượng Tiên và những gì sư trụ trì nói dường như có liên quan với nhau... Lẽ nào Tôn Phượng Tiên không bị đầu độc? Dù sao hung thủ cũng đã nhận tội, vụ án đã khép lại. Tuy nhiên, Châu đại nhân vẫn có chút băn khoăn, ông mở sách "Tẩy oan tập lục", kiểm tra lại dấu hiệu bị ngộ độc... chợt rùng mình, ớn lạnh. Vụ án cũ rất có thể đã bị oan sai! Phải làm sao đây? Lật lại ư, chắc chắn mình bị ảnh hưởng, còn nếu không, cả đời mình sao có thể bình yên?

Đấu tranh giằng xé quyết liệt, cuối cùng Châu đại nhân quyết định về Đông Xương lần nữa. Ông đem theo một người khám nghiệm tử thi giàu kinh nghiệm, lệnh đào huyệt, mở quan tài Tôn Phượng Tiên. Người khám nghiệm tử thi, sau khi xem xét kỹ thi thể nạn nhân, bẩm báo: "Thưa đại nhân, xương cốt của cô ta hoàn toàn trắng, vậy cô ta không chết do trúng độc". Châu đại nhân trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu. Nghe nói gần đây có một ngôi chùa thiêng, ông liền tới thăm.

Châu đại nhân phát hiện trong chùa có hai quả chuông lớn giống hệt nhau, một treo trước sân, cái kia úp trong gian điện thờ cũ. Chùa có một sư già trụ trì và mấy hòa thượng trẻ. Châu đại nhân nghĩ, quả chuông này rất nặng, chỉ có người thật khỏe mới vần được. Quan sát và suy nghĩ hồi lâu, Châu đại nhân nghi ngờ hai hòa thượng cao to khỏe mạnh là Tịnh Không và Tịnh Giác.

Châu đại nhân vẫy tay ra hiệu, mười mấy sai dịch xông vào chùa nhất loạt vật ngã Tịnh Không và Tịnh Giác xuống đất, trói gô lại.

Châu đại nhân hỏi vị sư già:

- Hai quả chuông này lấy từ đâu, sao chỉ treo một quả?

- Thưa đại nhân, hai quả chuông này đã có ở đây từ lúc nào không ai biết, từ lâu đã như thế rồi.

Châu đại nhân nhìn Tịnh Không, Tịnh Giác, nói:

- Tịnh Không, Tịnh Giác, có người tố giác các người ăn cắp chuông, bản quan phải trừng phạt các người. Các người sẽ bị trói, ngồi trong quả chuông úp kia. Sai dịch đâu?

Tịnh Giác thản nhiên như không nhưng Tịnh Không thì run rẩy, bật khóc. Châu đại nhân tím mặt, quát:

- Tịnh Không! Ngươi thật to gan, khai thực đi, năm năm trước ngươi đã giết Tôn Phượng Tiên thế nào, khai mau!

Tịnh Không điếng hồn, ngã uỵch xuống đất. Tịnh Không khai, y và Tôn Phượng Tiên tằng tịu với nhau đã lâu. Một đêm nọ, hai người đang điên cuồng vào cuộc mây mưa thì Lưu Quý về gõ cửa, sợ quá y leo qua cửa sổ chạy trốn, nấp vào một bụi cây gần đó. Khi Lưu Quý bỏ đi y liền quay lại. Tôn Phượng Tiên nấu canh gà cho hai người cùng ăn. Hai người bàn nhau phải chạy trốn. Canh gà còn chưa kịp ăn cả hai đã chạy vào chùa, chuẩn bị đi biệt xứ. Tịnh Không thu xếp hành lý,  Phượng Tiên trốn tạm trong gian điện thờ cũ, chờ y. Tôn Phượng Tiên sơ ý gây ra tiếng động, sư trụ trì đi giải, cho là có trộm, gọi Tịnh Không đi bắt. Tịnh Không chạy vào gian điện cũ, nghiêng quả chuông úp bảo Phượng Tiên chui vào.

Trời vừa hửng sáng, đúng vào giờ thỉnh chuông… Xong việc Tịnh Không nghiêng chuông cho Phượng Tiên chui ra, không ngờ ả đã chết thảm. Sợ bị bại lộ, Tịnh Không nghĩ cách đổ tội cho Lưu Quý. Nhân trời còn sương mù y cho xác Phượng Tiên vào bao tải, vác đi...

Toàn bộ vụ án đã bộc lộ rõ. Châu đại nhân lệnh đánh Tịnh Không 100 roi, phán quyết tội lưu đày, chỉnh sửa văn thư trình báo sự thực lên Bộ Hình và xin chịu tội. Không lâu sau Hoàng thượng nhận thấy Châu Chí Thành là người tài gặp khó, chẳng những xá tội mà còn ban tặng cho ông một chiếc nghiên mực Đoan Khê hảo hạng.

Diệp Cường (Trung Quốc)- Trà Ly (dịch)
.
.