Lời nói dối chân thành

Thứ Tư, 17/11/2004, 08:10
Sáng hôm sau, người ta vớt được xác anh. Anh gan lắm, mẹ tôi cầu khấn mãi anh mới nổi lên khỏi mặt nước. Chắc là hôm qua, nước phù sa lạnh, bị chuột rút nên toàn thân anh vẫn thẳng cứng, bụng không có nước.

Thế mà, hết kỳ nghỉ Tết, tôi lên trường học, anh đã thư cho tôi: “Nhà anh ở Cầu Giấy (Hà Nội), hiện anh đang ở cùng bố ở khu tập thể giáo viên trường ĐH Thể dục Thể thao Trung ương I... Anh không có em gái. Cho phép anh coi em là em gái của anh nhé. Khi nào về Hà Nội, anh sẽ vào thăm em...”.

Đọc thư, nhìn cái tên ký ở dưới, tôi vẫn không nghĩ ra được người viết thư. Hết giờ ra chơi, tôi mới chợt nhớ đó là ông bạn của người anh họ. Tôi phá lên cười. Tôi vui, có phần kiêu một chút vì mình không nhớ gì về người ấy mà người ấy lại lưu luyến đến mình. Tôi liền có thư thật thà đáp lại: “Đọc thư anh nhiều lần, cố nhớ mà mãi mới nhận ra đó là thư của anh. Cám ơn anh đã có tình cảm với em. Sinh viên năm thứ nhất lần đầu tiên xa nhà, bọn em nhớ cha mẹ lắm. Được anh coi như em gái thì thật là hạnh phúc. Thỉnh thoảng thư cho em nhé. Em cảm ơn rất nhiều”.

Nhận được hồi âm, anh đến trường tôi. Không hiểu sao khi viết thì vậy, song ngồi bên anh, tôi không hứng thú nói chuyện. Anh tẻ nhạt làm tôi khó chịu. Tôi muốn anh ra về, song anh cứ ngồi lì. Tôi phải nháy Dung - bạn cùng phòng “đóng kịch”. Khi tôi trở về phòng, Dung tất tưởi tới gần, bảo: “Cậu đi ngay, họp chi đoàn”. Có lẽ anh nghĩ Dung đùa. Dung lại ôm chiếc màn trong tay, cười ngặt nghẽo, bảo: “Thế nào, anh chị có cần phải mắc màn không?”. Tôi đỏ mặt vì kiểu đùa kệch cỡm của Dung và bảo anh: “Anh về đi. Em phải đi họp thật mà”. Anh đành dắt xe ra về.

Lần thứ ba anh đến thăm là khi chúng tôi đã nghỉ hè. Hoa gạo rụng đỏ sân trường. Anh đón xe khách về Hưng Yên - quê tôi.

Tháng bảy, nắng oi ả. Nước sông Hồng cuồn cuộn. Cả làng tôi ra đồng thu hoạch cây đay. Gai đay cào xước bàn tay. Cái vất vả quện cái gay gắt của thiên nhiên làm con người dễ cáu bẳn. Anh đến thật không đúng lúc. Bố tôi quát: “Anh hỏi ai? Tôi không quen anh!”. Anh giải thích anh là bạn của anh họ tôi. Rằng anh đã về nhà tôi một lần, cả gia đình ai cũng biết. Rằng, bố tôi hôm đó đi vắng. Cậu em út tôi từ cánh đồng đay về nhà mang cơm ra bãi cho người làm như vị cứu tinh của anh. Anh theo em tôi ra bãi. Từ nhà ra bãi xa đến ba cây số, lại phải qua một con đò. Đó là bãi giữa sông Hồng mênh mông không một bóng nhà. Ông lái đò nghỉ ăn cơm. Anh ngồi trên thuyền bên cạnh thúng cơm, em tôi bơi như con ếch dưới nước đẩy thuyền trôi sang bãi...

Hạ thúng cơm trên đầu xuống, em tôi cầm gói kẹo chạy hàng cây số mới tới bờ bên kia của ruộng đay chia cho tôi và mọi người bên cạnh. Em bảo: "Quà của anh Thanh...". Mọi người trêu: “Người yêu cô đấy mà. Nếu không, ai dám lặn lội ra tận đây làm gì cho khổ”. Tôi giận đỏ mặt. Không biết có phải đoán được ý nghĩ của tôi hay anh xấu hổ với tôi mà không thấy anh đến gần tôi. Tôi cũng không thèm nhìn về phía bờ bên ấy. Mặc dù có nhìn cũng không nhìn rõ. Bờ xa lắc.

Cái nóng oi ả được giải tỏa bằng cơn giông khủng khiếp. Trời tối sầm. Gió như cơn lốc. Hết ý định làm đêm, mọi người lục tục dao rựa chạy về phía con đò, chen nhau lên thuyền. Con thuyền nghiêng ngả, nước tràn cả vào lòng thuyền. Anh cùng bọn trẻ xắn quần cao, cởi trần, áo cầm tay, chân lội nước. Tôi quát các em (để tỏ thái độ giận anh): “Mấy thằng kia, giỏi thì bơi đi, cứ đứng ở đầu sóng ngọn gió như thế để cảm lạnh à”.

Chả hiểu có phải vì câu nói của tôi, hay vì anh thích được bơi trong sóng nước ngầu đỏ kia, tôi nghe thấy tiếng đồng thanh: “Xung phong”. Tất cả nhảy ùm xuống sông. Sông Hồng cuồn cuộn như thác đổ. Mưa bắt đầu ập xuống. Mưa xối xả. Những người chưa lên được thuyền, áo quần dính chặt lấy người, rét run cầm cập. Tất cả là bóng đen với ánh bạc của mưa. Các em tôi không nhìn thấy anh đâu nữa, thảng thốt gọi tên anh dưới lòng sông u u âm âm. Tiếng người vữa trong  mưa. Em tôi không chịu lên bờ. Nó quờ tay trong mênh mông bóng tối, gào lên: “Làng nước ơi, cứu anh Thanh tôi với! Cứu anh Thanh tôi với! Anh Thanh ơi! Anh ở đâu? Mẹ ơi, anh Thanh mất rồi...”.

Mẹ tôi chạy ra mép nước cũng thảm thiết gọi tên anh. Mẹ đẩy mấy người thanh niên xuống nước. Nhưng trong màn đêm bao phủ, trong cơn điên dại của thiên nhiên, người tỉnh táo biết rằng không thể tìm thấy anh được. Tôi thấy toàn thân cũng run lên. Không phải vì rét. Không hẳn vì anh. Tôi câm lặng.--PageBreak--

Mây tạnh. Trời vớt vát sáng lại. Đằng kia thuyền đang lầm lũi sang đón chúng tôi. Bến đò trầm mặc. Trên thuyền không một ai nói chuyện mất tích một người cách đây mấy phút. Tất cả chìm trong im lặng và lạnh. Tiếng khua mái chèo đều đều vuốt nước. Mẹ tôi đi như chạy. Mẹ khóc suốt dọc đường trơn trật. Với tôi, tất cả như trong cơn mộng mị. Tôi không tin anh chết. Anh bơi trốn vào khóm đay ngập nước để thử lòng tôi có tình cảm với anh không thôi. Thế nào đêm nay hoặc sáng sớm mai anh sẽ trở về. Tôi nghĩ thế và hoàn toàn không sợ.

Sáng hôm sau, người ta vớt được xác anh. Anh gan lắm, mẹ tôi cầu khấn mãi anh mới nổi lên khỏi mặt nước. Chắc là hôm qua, nước phù sa lạnh, bị chuột rút nên toàn thân anh vẫn thẳng cứng, bụng không có nước.

Đám tang của anh rất đông. Người ta tò mò đi xem sự “đau khổ” của tôi. Tôi vốn là người mau nước mắt, thế mà trước sự đau khổ của gia đình anh, mắt tôi cứ trân trân không nhỏ được một giọt lệ nào. Tôi cố tạo vẻ mặt đau buồn mà vẫn không điều khiển được tình cảm của mình. Ngôi mộ của anh nằm lẻ loi bên dòng sông, cạnh hàng phi lao vun vút gió hú.

Trở lại trường, tôi nhận được thư của bố anh: “Không biết cháu có tình cảm sâu nặng với con trai bác không, nhưng sự mất mát này của gia đình bác thì không gì có thể bù đắp được. Bác hy vọng cháu là người xoa dịu vết thương đau của gia đình bác. Hãy cho phép bác từ nay được chăm sóc cháu bằng tình thương của một người cha”.

Tôi âm thầm khóc. Tôi khóc cho số phận ngắn ngủi bi thương của anh. Tôi ân hận đã không yêu anh. Không biết khi phải quằn quại chống chọi với cái chết dưới lòng sông anh có nguyền rủa tôi không? Tôi ra mộ gửi cho anh một bức thư như một lời hứa: Tôi sẽ yêu anh và mang hình ảnh anh suốt cuộc đời.

Một năm sau, kể từ ngày anh mất, mẹ anh cũng qua đời. Thứ bảy hằng tuần - bố anh - một ông già cô đơn lại cần mẫn đạp xe đến chỗ tôi. Ông cần mẫn như một người cha lo cho con gái. Mỗi lần đến, ông mang một đóa hoa hồng thật to, hái từ vườn nhà cho bè bạn trong phòng của tôi. Dần dà, tôi không thích sự chăm sóc thái quá ấy. Ông hoang mang khi thấy tôi có bạn trai tới thăm. Ông căn dặn: “Con phải học cho giỏi. Tốt nghiệp đại học, ra trường công tác ổn định, lúc ấy hãy nghĩ tới yêu. Bố sẽ lo cho con một tấm chồng tử tế”.

Nhịp sống trẻ đang rạo rực trong trái tim sinh viên. Giảng đường phơi phới sắc màu. Trai gái dập dìu trong những điệu nhảy. Còn tôi, tại sao ông cụ lại có quyền bắt tôi phải thu mình lại, phải âm thầm như một người đàn bà chưa chồng mà đã... góa.

Tôi cảm thấy bí bức. Mỗi lần nhìn thấy ông lom khom dựng xe ngoài cửa, lũ bạn trong phòng gọi: “Kìa, người yêu mày đến”. Chúng nó làm tôi phát điên. Tôi tiếp ông một cách rời rạc. Vậy mà ông vẫn diễn bài ca quen thuộc của mình. Ông vuốt vuốt mái tóc dài của tôi, phều phào, mếu máo trong khuôn hàm không còn một chiếc răng: “Con đừng đua theo bạn mà cắt tóc ngắn con nhé. Con ngoan quá, giá con là con dâu của bố thì bố có phúc lớn...”. Những lúc ấy, tôi chỉ muốn nói với ông rằng: Xin ông đừng giết tuổi trẻ của tôi. Hãy để tôi được chính là tôi. Tôi không phải là người yêu của con ông. Thậm chí, đã có lúc tôi để tuôn trào những ý nghĩ bức xúc của mình vào trang thư. Một bức thư dài đầy tâm trạng, trong đó tôi kể lại tất cả sự thật.

Thế nhưng sáng hôm sau tôi lại xé vứt nó đi. Tôi tự an ủi rằng: “Đừng như vậy, đừng ác như thế. Hãy sống vì người đang sống chứ không phải vì người đã ra đi. Hãy vì sự sống, vì sự tồn tại của người cha già cô độc này”. Và thế là mỗi khi ông đau ốm, tôi chăm sóc ông như một người con hiếu thảo với cha mẹ. Tôi biết, ông quá khổ đau. Ông coi tôi là người con duy nhất. Ông cần có tôi. Con người ta làm sao có thể vô tình với một người như vậy được?

Ra trường, tôi lấy chồng. Chồng tôi là người tôi yêu. Để tránh xảy ra sự hiểu lầm, tôi không báo cho ông biết. Từ giây phút này, tôi sẽ phải sống cho người mình yêu, cho hạnh phúc của chính mình. Tôi nghĩ, một người “mãn hạn tù” chắc cũng có tâm trạng như tôi. Sau này biết tin, ông trách cha mẹ tôi: “Việc đại sự như vậy mà ông bà chả báo cho tôi một tiếng”.

Một lần, có người báo tin ông cụ rất muốn gặp lại tôi. Vâng, 5 năm bặt tin, tôi cũng muốn đến thăm ông. Ông đã từng chăm chút cho tôi như một người cha. Và tôi cũng từng yêu thương ông như người cha. Tình cảm ấy không dễ xóa được.

... Căn nhà vắng vẻ. Trên ban thờ, tôi sửng sốt khi thấy bức ảnh của ông được phóng to có dán tờ lịch bên cạnh. Người nhà thút thít: “Bao năm nay, ngày nào cụ cũng nhắc tới cô, lo cho cô”. Hai chân tôi khuỵu xuống, ruột đau thắt lại. Lần đầu tiên trong đời tôi khóc gọi: “Cha ơi!”

.
.