Lối mòn

Thứ Bảy, 05/10/2019, 08:57
Ngày anh thú thực chuyến từ thiện định mệnh ấy là muốn phản ứng lại sự sắp đặt hôn nhân của bố mẹ với con gái đối tác làm ăn, cô như chết nửa con người. Thảo nào yêu nhau đến mấy năm anh chẳng bao giờ nói chuyện cưới xin. 

Mấy ngày nay trời mưa rả rích.

Chẳng có chuyện gì còn buồn phát khóc lên được, huống hồ…

Nguyệt ngồi bó gối đưa mắt nhìn qua ô cửa sổ nhỏ. Dãy núi đen sẫm xa mờ nằm im lìm sau màn mưa trắng như mái tóc người già xổ tung, rối rắm. Con đường người ta đi nhiều thành lối mòn trắng đục chạy quanh thân núi hằn sâu dấu vết thời gian cũng xa xăm, mờ mịt. Phía ấy có gì? Có phải một thị trấn buồn trong cô quạnh, hay lại là những cánh rừng nối tiếp nhau âm u, rợn ngợp. Ở đây, lớp học vắng lạnh quá. Mấy đứa trẻ lơ vơ chơi với vài thứ đồ do cô tự tạo rồi vứt lăn lóc khắp phòng.

Nguyệt thấy mình đơn lẻ, rầu rĩ hệt như mấy cái đồ chơi cũ chỏng chơ kia. Cô buồn. Nỗi buồn của kẻ thấy mình đã trở nên cằn cỗi, tẻ nhạt và cạn kiệt mơ ước về tương lai. Hình như cái số Nguyệt cứ phải ướt rượt cùng mưa mới được.

Nhiều năm về trước, trong một chuyến đi tình nguyện, cũng một đêm mưa, một vùng núi sông thơ mộng, một cái hôn bỏng cháy, ngỡ ngàng, cô ngã vào tình yêu của anh. Chấm dứt chuỗi ngày trong mơ, vật vã khổ đau thêm một thời gian dài, Nguyệt quyết định trở lại nơi tình yêu bắt đầu để đối mặt và để quên anh, quên đi một người làm tim cô đau đớn và mãi mãi không thể là gì của nhau được.

Tiếng trẻ con khóc ré ngoài cửa, cắt đứt dòng suy tư của Nguyệt. Cô vội bước ra đon đả: “Mẩy à! Vào với cô nhé!”. Nguyệt đưa tay đón đứa bé. Một khuôn mặt bầu bĩnh, làn da trắng hồng loang vết nâu lem luốc, đôi mắt xanh biếc, đường viền sống mũi nhìn nghiêng cao mềm mại như một búp lá non mới vươn lên kiêu hãnh. Con bé xinh xắn, ngây thơ đến nao lòng.

Cô cứ ước mãi, giá mà mình có với anh một đứa con, nó cũng sẽ đẹp tựa thiên thần thế kia. Cái ao ước nửa rất thật, nửa rất viển vông khiến cô yêu con bé hơn hẳn những đứa trẻ khác. Chị con bé vài lần đưa nó đến đây, thấy dáng vẻ đứa trẻ lai Tây, cô thắc mắc thì được giải thích: “Bà ngoại bảo nó bị đột biến gen”. Cô phì cười khi thấy cụm từ “đột biến gen” được phát ra từ miệng một đứa trẻ dân tộc thiểu số. Ai đó cứ nói, vùng sâu vùng xa là khó khăn đi, cần phổ cập giáo dục đi. Vài thứ chưa cần phổ cập đã nhanh chân len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống nơi đây rồi.

Những ngày đi từ thiện cùng anh, thi thoảng cô lại thấy vài anh Tây ba lô, mặc quần ngố, đi giày bata ngó nghiêng thăm viếng phong cảnh. Anh bảo: “Tụi nó vừa đi du lịch vừa nhân tiện “chăn rau sạch” đấy!”. Cô dằn dỗi: “Vậy em bất quá cũng chỉ là một thứ rau sạch của anh thôi”. Anh nhìn cô sâu thẳm: “Phải nói gì mới không làm cho tâm hồn quá nhạy cảm của em bị trầy xước hả yêu thương?”… Nguyệt chết vì những lời tan chảy trái tim ấy.

Từ ngày rời xa anh, cô gặp toàn kẻ chẳng ra gì. Còn nhớ lão Phú, Trưởng phòng Giáo dục từng cười giả lả, tán tỉnh không được quay sang vỗ mông cô đánh đét một cái rồi rỉa rói: “Cô em tưởng ngon hả? Các cô gái dân tộc ở đây là “rau siêu sạch” đấy, cô em chắc gì bằng họ, chẳng qua anh muốn đổi món tí thôi mà. Cái gì có học hành tử tế chả hơn. Mà này, cô em có muốn chết rũ ở cái điểm trường vắng như nghĩa địa này không thì cứ bảo nhá! Mất gì đâu! Hí hí…”.  Mắt tít lại, nhe hai hàm răng vàng cáu cạnh khói thuốc, hắn toan sấn tới. Nếu chị Xuân đứng từ đằng xa không cố ý hát to: “Phật ở trên kia cao quá, mãi mãi không độ tới nàng…”, thì Nguyệt chắc sẽ không nhịn được mà cho lão vài cái tát. Tiên sư cái loại lưu manh có văn hóa.

Áo sơ mi, quần Tây bóng bẩy, ăn nói bốc giời để che đậy phẩm chất đê tiện, thối tha. Cô thấy lợm giọng cho sự suy đồi của thời buổi này. Chị Xuân kể, ngày còn làm ở điểm trường dưới thị trấn, nghe đâu lão cũng kéo bè kéo cánh và mất khá nhiều tiền đút lót mới lật được Hiệu trưởng cũ để chễm chệ ngồi lên cái ghế đó. Lão là kẻ say quyền lực đến độ mỗi cuộc họp là chém gió toàn chuyện tầm vĩ mô, rồi hứa hẹn về đời sống anh em, của học trò sẽ khá lên dưới sự lãnh đạo tài năng của lão.

Chưa biết khá lên ở đâu, chỉ biết kinh phí gì rót về trường cũng bị hao đi. Phần hao đó vào túi ai cả trường đều biết, họ thì thầm to nhỏ những là: “Để cả đám trẻ con ăn mì tôm giữa sân trường cho báo chí đến chụp ảnh, sau đó bao nhiêu hảo tâm vào hết túi Hiệu trưởng”; “Nhà lão ấy toàn bằng gỗ quý, to nhất thị trấn đấy”; “Cái xe lão đi cỡ đại gia dưới xuôi chưa chắc đã mua được”… Thế thôi, chứ chẳng ai dám công khai nói gì. Chị Xuân cũng nghĩ “thôi thì…, kệ”.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Nhưng đến mức tiền tã lót của đứa em thân thiết cũng bị nhập nhằng thì “tức nước vỡ bờ”, chị tổng hợp tất cả các sai trái của lão đâm đơn lên cấp trên. Kết quả làm sao lại thành tội vu oan cho lãnh đạo. Lão rêu rao với mọi người chị có tình yêu đau đớn với lão, rất tiếc lão đã có vợ con nên đành biết vậy và đã xin cấp trên kỷ luật nhẹ đi. Vậy là chị ở đây, điểm trường xa nhất.

Còn lão sau đó chuyển lên phòng rồi lần lượt được cất nhắc lên đến Trưởng phòng Giáo dục, thi thoảng lập đoàn thanh tra, kiểm tra này nọ đi khắp các điểm trường thị uy. Cấp dưới đối với lão như ông chủ lớn, biết sếp bản tính đê tiện nên khi nào thấy có dấu hiệu thì thường giả đò ra ngoài quanh quẩn kiểm tra phòng ốc, rào giậu, để mặc lão tự do phóng mồm mép và khua khoắng chân tay trước các cô giáo vừa mắt. Chị Xuân hay kể lại chuyện cũ như một cách giải tỏa nỗi bức bối, hình như việc bị lật ngược trắng đen không khiến chị đau bằng thái độ của đồng nghiệp.

Thời gian chờ kỉ luật, trường chia thành ba kiểu ứng xử, một nhóm tỏ vẻ khinh thường, thậm chí theo dõi nhất cử nhất động của chị để báo cáo, tâng công, làm đẹp lòng Hiệu trưởng, một nhóm thi thoảng ái ngại động viên dè dặt, một nhóm lánh xa như thể dính phải chị chẳng phải đầu cũng phải tai vậy. Chị bị cô lập giữa những người từng thân tình chia sẻ.

Cảm giác tê tái, bẽ bàng, giận đời, giận người đeo đẳng đến nỗi chị kể lại chuyện đó cứ như thể xả bỏ ẩn ức vậy. Kết thúc luôn lặp đi lặp lại bằng tiếng thở dài đến nẫu ruột: “Sao người ta có thể bạc nhược trước quyền lợi đến thế. Cuộc đời vốn dĩ phức tạp nhưng điều đáng trân trọng nhất đâu phải để được sống yên thân trong đê hèn, mà phải là đàng hoàng, đĩnh đạc, tử tế nhất có thể chứ”.

Chị Xuân dạy tiểu học, lớp của chị là mái nhà tranh vách liếp được cất tạm giống y hệt lớp Nguyệt, nằm vuông góc phía đầu hồi, bên kia là gian nhà nhỏ hai chị em ở, tạo thành hình chữ U bao quanh khoảng sân nhỏ tầm vài chục mét vuông. Mỗi lần lão Phú về thị sát tình hình trường, chị đều tránh mặt. Chị bảo: “Tao sợ không kiềm chế được vác gậy đập lão thì chết”.

Nói thế thôi chứ ngày nào chị cũng khuyên cô, có hai kiểu người đừng bao giờ dây dưa, loại cặn bã thì tránh xa kẻo bị trả thù vặt; người yêu thương mà không duyên phận thì buông bỏ đi cho thanh thản. Người ta vẫn nói thì dễ chứ làm đâu chắc đã nổi.

Ngày anh thú thực chuyến từ thiện định mệnh ấy là muốn phản ứng lại sự sắp đặt hôn nhân của bố mẹ với con gái đối tác làm ăn, cô như chết nửa con người. Thảo nào yêu nhau đến mấy năm anh chẳng bao giờ nói chuyện cưới xin. Nguyệt đầy lòng tự trọng đã lặng lẽ rời xa anh sau chuỗi ngày dài như một kẻ vô hồn mà tâm vẫn không ngừng hi vọng anh hủy hôn chạy đến tìm mình. Cô chặn tất cả facebook, zalo, viber… mà rồi lại lập nick ảo để theo dõi anh. Các bài đăng chủ yếu là công việc, dường như có gì đó khó khăn, rồi dường như anh đã thành công qua một vụ làm ăn lớn nào đó và rồi là ảnh cưới. Vậy là hết.

Thề thốt sống chết hi sinh cho anh, tâm niệm đến thấu tâm can rằng một khi đã yêu thì hai mươi năm, ba mươi năm hay lâu hơn thế tuổi đời, đâu đáng gì cho một sự hi sinh. Rồi lại khắc khổ tự nhủ lòng yêu đâu phải là tất cả, giới hạn cho một khuôn khổ là sự yên ổn của bố mẹ, anh chị em, rồi sau đó là con cái, anh làm sao phá được nó để chạy theo điều nào đó mông lung, diệu vợi.

Trong cảm giác yêu thương mà giận dỗi, nhớ nhung mà hận thù, Nguyệt vẫn thầm nhủ anh phải sống khỏe mạnh thật lâu để cô còn có nơi mà lập cây thánh giá đóng đinh mình vào đó. Thế đấy! Hai kiểu người. Giờ Nguyệt trót gây thù chuốc oán với tiểu nhân rồi, còn yêu thương thì từng khắc, từng giây vẫn không ngừng thương nhớ. Thì ra cái cảm giác không thể buông nó hành hạ tâm can con người ta khốc liệt đến kiệt cùng là như thế.

Cuộc sống nơi này thật lạc hậu so với vùng xuôi. Mỗi một điểm trường nằm vắt vẻo giữa lưng chừng núi chỉ có một, hai hoặc cùng lắm là ba cô giáo. Điện thắp không có, sóng điện thoại cũng không. Chiếc điện thoại anh mua tặng bị mất công năng chính, giờ chỉ được sử dụng như một cái máy ảnh và như một kỷ vật tình yêu vô giá. Để tiết kiệm pin, mỗi ngày cô cho phép mình mở điện thoại chừng vài phút, đủ đọc lại tin nhắn của anh, xem lại vài bức ảnh hiếm hoi của hạnh phúc rồi lại cất đi như báu vật. Xa xỉ lắm cô mới cho phép mình nghe lại một vài bài hát hoặc bản nhạc mà anh lưu trong máy. Hàng tuần, vào thứ bảy hoặc chủ nhật cô lại cùng chị Xuân tranh thủ leo đường rừng xuống thị trấn chỉ để sạc nhờ điện thoại, gọi về hỏi thăm bố mẹ vài câu rồi lại lặn lội quay trở lại điểm trường.

Có đôi khi Nguyệt đánh bạo bấm số của anh rồi lại tắt đi. Cô không dám đưa mình về cái cảm giác bẽ bàng khi đột nhiên anh im lặng, không giải thích vì lý do gì hồi đó. Đau đớn nhất là sự cách biệt không có cơ hội được nói lời chia tay. Cô đã chủ động rời xa anh nhưng khi chính anh quyết định làm điều đó trước thì cô lại không cam lòng, cứ vật vã, đau đớn, tê dại. Đến giờ lòng Nguyệt vẫn chích lên xa xót mỗi khi chạm vào kỷ niệm.

Người đàn ông dắt đứa trẻ đến chẳng nói chẳng rằng, quay lưng ra về như thể con bé là con Nguyệt, anh ta đem trả nó cho cô vậy. Cô cúi xuống nhấc con bé qua bậu cửa, một mùi chua chua, khăn khẳn bốc lên. Thật tệ, ở đây người ta lười tắm vô cùng. Quần áo thì sơ sài. Trời rét căm căm vẫn chỉ mặc cho con những manh áo mỏng. Các cô thương bọn trẻ về xuôi vận động mang quần áo ấm lên mặc cho học trò, ngày hôm trước, ngày hôm sau lại thấy chúng vẫn mặc những manh áo mỏng cũ. Hỏi ra mới biết ở đây không thích dùng đồ của người lạ. Trẻ con được sinh ra sống như cây cỏ, đứa nào yếu đuối thì đi sớm, đứa nào mạnh khỏe trụ lại được với cuộc đời thì như con trâu mộng, chẳng ốm đau bao giờ. Con bé và thằng Tủa nghỉ học mấy hôm nay, cô đang định chủ nhật này đến nhà xem sao. Con bé đến rồi, còn thằng bé? Nguyệt thở dài. Trẻ con ở đây vận động được đến trường đã là chuyện khó, vận động để đi học đều đặn còn khó gấp bội.

Những bài học buổi sáng qua nhanh chóng, lũ trẻ đã đi ngủ. Dáng điệu ngây thơ, những đôi môi chúm chím như đang mơ được mút bầu ti mẹ, cả những mái tóc bết lại vì nắng gió của chúng khiến lòng Nguyệt vừa bình yên, vừa xa xót. Không có việc để làm cô lại nhớ anh đến quay quắt.

“Em thân yêu, chưa bao giờ anh ở trong tâm thế buồn đau và khắc khoải như thế này. Anh hiểu, hiểu một cách đau đớn cõi lòng em, tình yêu em dành cho anh. Hãy mang anh đi theo chân trời góc bể của đời em, em nhé! Mọi lúc vui buồn, anh sẽ luôn nhớ về em. Nhưng anh không thể tiếp tục được nữa rồi. Quên anh đi và hãy tìm hạnh phúc xứng đáng với em, yêu thương nhé…”. Kí ức dội về nửa dữ dội, nửa cồn cào, nửa lại dịu dàng quá đỗi khiến Nguyệt bị dồn vào bi kịch. Cô đã mang hình ảnh anh đi theo góc bể chân trời của đời mình đây. Ngay cả ở cái vùng núi hẻo lánh xa xôi này anh vẫn luôn hiện diện. Cô tự hỏi, nếu thực tế phũ phàng không có những giấc mơ ngọt ngào, liệu có cân bằng nổi không. Dù sao thì thà buồn vì một điều đẹp đẽ nào đó còn hơn để đời trôi đi vô vị, nhàm chán.

Chị Xuân hớt hải chạy vào lớp nói nhanh qua hơi thở đứt quãng:

- Ngu…yệt… Ngu…yệt… ơi…! Thằng… thằng A Tủa… lạc rừng… chết rồi!

Giọng chị vỡ tung như những mảnh thủy tinh lao vút đến găm phập vào trái tim Nguyệt, hai đầu gối cô rung lên bần bật, hơi thở hụt đi, đau buốt lồng ngực.

- Mày… để lớp đấy chị trông cho. Mày xuống…, rồi cùng chị Hiệu trưởng đến nhà người ta xem thế nào… Tội nghiệp, bố mẹ nó bận đi nương không đưa được đến lớp, nó tự đi một mình mới ra nông nỗi. Xác rữa ra rồi mới tìm thấy…

Nguyệt xắn quần, vơ vội chiếc áo mưa, chạy vụt ra hướng con đường mòn xuống núi. Bước thấp bước cao, nước mắt vòng quanh. Tiếng chị Xuân vẳng theo: “Phải đi một mình cẩn thận đấy! Đừng quên chỗ rẽ kẻo nhầm vào lối qua vực thì khổ nhé…!”. Cô đã từng sợ biết bao mỗi lần xuống núi, dẫu sao ở trên cao hẻo lánh, cách xa thông tin, cách xa đời sống hiện đại, cách xa tình yêu vẫn bình yên hơn hẳn thành thị náo nhiệt, nhiều bon chen dưới kia.

Mặc dù nơi ấy xa bằng mấy quả núi, bằng hàng trăm năm phát triển. Ngày xưa anh nói, anh sẽ lên vùng cao trên này làm một con đường, kéo điện lên, kéo cả em lên, xây cho em một điểm trường thật khang trang. Anh sẽ trốn lên đây cùng em. Anh dựng cơ sở hạ tầng, em đắp kiến trúc thượng tầng, rồi chúng mình sẽ sinh cả một đội quân đủ cho một điểm trường mầm non của em. Tình yêu vẫn có những ước vọng viển vông, nông nổi như thế. Bao nhiêu năm qua chẳng có con đường nào được làm, lối mòn vẫn chỉ là lối mòn vắt qua nhau như mạng nhện.

Hiện thực nghèo khổ quá phũ phàng, vì thế mà một mạng người non nớt phải nằm lại một nhánh đường rừng nào đó. Xót xa biết chừng nào! Nguyệt cay đắng ngộ ra, bất cứ cuộc điện thoại nào, lời nói nào, phút giáp mặt nào cũng có thể là lần sau cuối. Ngày mai thôi, hoặc chỉ một tích tắc thôi có khi đã cách biệt muôn trùng. Bàn chân cô bỗng đạp phải hòn đá hộc trồi lên khỏi mặt đất chừng hơn chục phân, cả cơ thể bật ngược trở lại, sầm sập lăn, bầm dập va đập. Cây lá, gai nhọn quất rát rạt vào da thịt. Quần áo rách.

Máu từ khóe miệng trào ra ấm tràn một khoảng ngực. Đau quá! Nguyệt nấc lên từng chặp rồi bỗng thấy như thể được một nhánh cây mềm nào đó đỡ lấy. Không, là cánh tay ấm nóng của anh thì đúng hơn. Cô mơ hồ nghe thấy giọng anh phảng phất, đan cài, quyện chặt. Nhớ là anh yêu em, nhớ nhé, yêu thương đau đớn của đời anh. Em yếu đuối mong manh, hứa với anh là phải giữ gìn, thật giữ gìn và cố gắng lên. Kiếp sau anh sẽ tìm em. Sẽ tìm trong đám mây trắng trôi trên bầu trời mùa hạ, trên thảm cỏ xanh và mặt nước hồ thinh lặng hàng trăm năm sau. Anh sẽ tìm trong mỗi giấc mơ của anh. Em là đường chân trời của giấc mơ xa vắng ấy. Tin là anh yêu em, yêu em, em nhé! Và vì vậy anh mới khổ đau như thế này.

Nguyệt bất giác cười nhẹ. Đầu óc cô vòng vèo, chằng chịt những suy tư. Quá khứ. Hiện tại. Tương lai. Phận mình. Phận người. Riêng. Chung. Tất cả mụ mị, chệnh choạng, ngả nghiêng, mông lung như những lối mòn giữa cánh rừng bạt ngàn, âm u, quanh năm thiếu ánh sáng.

Vĩ thanh.

Nhiều năm sau, Mẩy lớn lên thành một thiếu nữ lai Tây xinh đẹp, cô chọn làm hướng dẫn viên du lịch với quyết tâm bay nhảy và tìm cơ hội đoàn viên với người cha chưa bao giờ gặp mặt. Hôm nay Mẩy trở về với trọng trách được sếp giao đưa một người đàn ông đứng tuổi, nghe đâu làm Giám đốc một công ty xây dựng đi vãn cảnh quê cô.

Suốt dọc đường ngồi trên chiếc xe nhãn hiệu BMV màu ghi xám gầm cao sang trọng, người đàn ông chủ yếu lặng lẽ quan sát và chẳng nói với cô câu nào. Mẩy cảm giác ông ta gắn bó với nơi này vô cùng sâu nặng, bởi thỉnh thoảng cô lại thấy ở đôi mắt phía sau cặp kính đen trong mờ kia ánh lên một niềm vui nào đó khó tả, như thể một yêu thương, ấm áp nào đó ùa về. Kỳ lạ nhất là người đàn ông sang trọng đó lại muốn đến thăm điểm trường nơi ngày xưa cô học mầm non và tiểu học.

Ông ta leo đường rừng xăm xăm, đến nỗi có đoạn còn vượt trước cả cô rồi lại phải đứng lại chờ. Mẩy và ông khách đến nơi khi mặt trời đã dần ngả sau dãy núi xa xanh thẫm. Ông ta gặp cô Xuân bồi hồi như thể gặp cố nhân và yêu cầu Mẩy cho họ được nói chuyện riêng. Khoảng chừng nửa tiếng sau họ đi ra, mắt người đàn ông và cô Xuân đều hoe đỏ, họ nói sẽ đi viếng mộ cô Nguyệt. Mẩy biết mình không nên nói gì lúc này, chỉ lặng lẽ đứng ở bậu cửa nhìn theo.

Dưới ánh nắng hanh vàng của buổi chiều cuối thu, trời bắt đầu se lạnh, người đàn ông đi sau cô Xuân chân bước thoăn thoắt, vội vã như thể chậm một giây sẽ chẳng thể nào đến kịp trước khi trời tối hẳn. Mẩy dõi theo bóng họ xa dần, ẩn hiện sau những lối mòn chạy vòng quanh thân núi mà cứ băn khoăn mãi về câu chuyện cô Xuân và người đàn ông bí ẩn ấy nói với nhau. Liệu có phải ông ấy lên đây thị sát tình hình để tài trợ xây dựng gì đó không?

Phải rồi, giá mà ông ấy làm cho nơi đây một con đường. Có con đường to cho cả vùng đồi núi này thì sẽ chẳng có đứa trẻ nào lai Tây mà không thể biết bố là ai như mình, sẽ chẳng có ai bị lạc rừng, ngã xuống vực chết oan uổng như thằng Tủa, như cô Nguyệt ngày xưa ấy. Phải rồi, đường lớn chạy đến đâu, mọi thứ sẽ phát triển đến đó, trong đầu Mẩy chợt lóe lên một tia hi vọng như vầng hào quang của mặt trời lấp lánh xiên qua tán lá, soi xuống lối mòn ánh vàng lên rực rỡ.

Truyện ngắn của Nguyễn Việt Hằng
.
.