Lão Sìn và khỉ con
Phiên chợ chiều ở chân núi Văn đã tan từ lâu mà lão Sìn vẫn còn tha thẩn quanh các lều chõng đi tìm những thứ có thể dùng được, ăn được cho vào cái túi đeo ở trước ngực.
Nắng nhạt dần sau rặng núi. Lão chưa kiếm được thứ gì cho tối nay, cho ngày mai. Những bước chân lò dò, mắt ngơ ngác dán vào các xó lều, gốc cây tìm kiếm vô vọng. Chợt lão nhớ ra khu đỗ xe. Ở đó người ta hay vứt nhiều thứ tồn thừa trước khi lên xe hơn chỗ bán hàng.
Lão căng mắt tìm kiếm. Có tiếng "èn ẹt" lạ tai? Tiếng gì ở đâu đây? Bản năng săn tìm của thính giác, khứu giác, thị giác được phát huy tối đa. Lão nín thở tiến dần tới chỗ có tiếng rên, hy vọng vớ được con gà nhíp què hay con vịt còn lông tơ ngắc ngoải người ta vứt đi. Lão chợt nhận ra chiếc lồng. Một chiếc lồng tre xấu xí bẹp rúm. Lão mừng nhấc lên, chợt sững sờ bởi hai con mắt tròn to nhìn lão trừng trừng. Lão chưa kịp nhận ra con gì đã vứt đi ngay. Lão thường dị ứng về những con mắt nhìn mình. Đôi mắt kia đã làm lão sợ, bỏ đi một đoạn rồi tự nhận ra điều vô lý: Sợ cái gì? Một con gì sắp chết chứ đâu phải người đời nhìn khinh bỉ, thương hại đuổi đi.
Lão quyết định quay lại xem con gì? Làm sao phải sợ? Lão nhặt chiếc lồng lên nhìn sát vào nan tre. Một bào thai? Không! Một con chó? Con mèo? Không! Mãi sau lão mới nhận ra đó là con khỉ con gầy đét nằm dính sát đáy lồng. Chắc nó sắp chết. Nó động đậy cái chân, ngoe nguẩy cái đuôi, mắt nhoè ướt chớp chớp thầm cầu xin người cứu giúp. Nếu không, chỉ đêm nay nó sẽ chết đói vì mấy ngày không có sữa mẹ, hoa trái ăn.
Mẹ nó bị tên thợ săn bắn chết, bắt nó nhốt lồng. Nhớ mẹ, nó gầy yếu run rẩy không còn sức. Hôm nay tên thợ săn mang nó ra chợ, hy vọng kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy, nhưng không ai mua. Nhìn nó sắp tắt thở, tên thợ săn vứt ra bãi cho nhẹ gánh rồi bỏ ra về.
Nó nằm đây, may chết còn toàn thây chứ mẹ nó chết không có xác. Mới cách đây mấy ngày: Trên cành cây cao không lá, mẹ con đang ngồi phơi nắng. Nó rúc vú mẹ. Một mũi tên găm "phập" sau lưng, khỉ mẹ rùng mình loạng choạng giữ con bám chặt cành. Máu chảy nhuộm màu lông vàng tía, nhỏ giọt xuống lá rừng tí tách. Khỉ mẹ dồn hơi sức cuối cùng tìm cho con một chỗ nương thân, nước mắt nhỏ theo giọt máu. Nén đau cố ôm chặt con trong lòng, tay chuyền cành xuống thấp tìm hết gốc cây này đến gốc cây khác đặt con, hy vọng bầy đàn tìm đến mang đi...
Lão Sìn khác với tên thợ săn. Lão nhận ra khỉ con thoi thóp, thương cảm quên cả đói, vội bẻ lồng tre đưa bàn tay nhẹ nhàng nâng khỉ con ra khỏi lồng, áp vào bụng đi thẳng về nhà.
Lão Sìn ở một mình dưới chân núi Văn. Trong ngôi nhà lá, vách đất lụp xụp chỉ có một cửa ra vào che bởi tấm liếp đan bằng nứa. Một cái giường tre mọt kêu cọt kẹt suốt ngày, mấy cái nồi con méo mó bên cạnh sáu viên gạch kê làm bếp.
Lão mang hộp sữa rỉ vàng hết vỏ để dành từ lâu ra đút cho khỉ con: "Ăn đi, ăn đi!". Khỉ con ngửi thấy mùi sữa mút móp má như một đứa trẻ ôm bầu sữa mẹ. Lão hỉ hả: "Ăn đi, ăn đi". Hôm nay lão thay đổi tính, lẩm bẩm nói nhiều, không biết với mình hay với khỉ con niềm vui sướng? Vì lâu quá lão không được nói, không ai nói với lão.
Cho khỉ ăn xong, lão Sìn cởi cái áo ngoài rách bả vai trải trên giường, đặt khỉ con nằm, thủ thỉ: "Mày phải sống, khỏe tao thả về rừng". Lão hỉ hả đưa tay xoa mặt, xoa mấy dẻ xương sườn nổi cộm trước ngực. Một cảm giác man mát làn da nhăn nheo trên bụng.
Khỉ con được cứu sống, khôn lớn thông minh nhanh nhẹn. Một buổi sáng lão Sìn mang khỉ con vào rừng, đuổi nó lên cây nhưng nó không đi, cứ bám chặt cổ lão. Lão đành mang về. "Trời sinh voi, trời sinh cỏ". Thực phẩm, hoa trái mỗi phiên chợ kiếm được dư thừa. Khỉ con dễ sai như đứa trẻ ngoan: Kiếm củi thổi lửa, dọn thức ăn, nhảy nhót như đang sống với bầy đàn. Thỉnh thoảng nó còn gãi lưng cho lão.
May trời phú cho lão không ốm nên mới sống đến ngày nay. Nếu lão ốm chắc chỉ nằm chờ chết, bởi xung quanh lão không có ai... Những người lão gặp không ai để ý đến lão, hỏi lão một câu. Lão thích được nói nhưng không ai nghe thì nói với ai? Đành lủi thủi một mình...
Từ ngày có khỉ con, lão Sìn thay đổi lối sống, thường sai khiến khỉ con bằng những ngôn ngữ chỉ có lão biết. Còn khỉ con hiểu lão qua thái độ buồn vui, trên nét mặt hay động tác giơ chân múa tay nhăn nhở giống khỉ hơn giống những người xung quanh. Lão làm như vậy vui hơn, thích hơn. Lại muốn sống, muốn làm một cái gì đó, nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Làm gì? Mà hoàn cảnh trình độ của lão thì làm được gì? Thì lão cứ nghĩ vậy, muốn vậy.
Rồi một hôm thầy trò khỉ con đang lang thang kiếm ăn bên gốc cây sung, một đoàn học sinh đi tới. Chúng thấy khỉ con đang hái quả ném cho lão già khèo liền xúm lại trêu. Khỉ con trêu lại, ném bùm bụp quả sung xuống tốp học sinh. Chúng cười. Khỉ con cũng nhe răng cười ngặt nghẹo. Chúng giơ chân múa tay. Khỉ con làm hay hơn chúng. Đoàn học sinh tranh nhau đùa trêu. Đứa cho tờ giấy, đứa đưa quyển sách, cây bút bảo vẽ, nó làm theo ngộ nghĩnh. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng vỗ tay vui như xem xiếc. Trước khi chia tay, thầy giáo cho khỉ tiền. Các em vui vẻ làm theo như đền đáp buổi vui chơi thú vị.
Sau buổi gặp đoàn học sinh, lão Sìn có bao nhiêu thứ mà lão chưa bao giờ có, dù chẳng để làm gì? Nhưng tiền thì tiêu được, cả đời lão mơ có tiền. Muốn có lão phải xin, nhưng lão có chịu xin ai bao giờ? Lão dẫn khỉ con đi kiếm ăn qua những đám đông hay gặp những người hiếu kỳ. Khỉ con đều được cho tiền, cho hoa trái thơm ngon, không thiu thối như lão đi bới, đi nhặt. Lão nhận ra những con người bao lâu lão chạy trốn, họ không thù oán, ghét lão. Mà chính lão không giúp gì được họ. Giá như lão làm trò như khỉ mua vui, chắc họ cũng không nhìn lão như lão nhìn họ. Bây giờ nhờ khỉ con mà lão không sợ những con mắt người đời xung quanh.
Lão đổi đời. Không đi tìm bới thức ăn ở xó chợ chiều chân núi Văn.
Tiếng đồn lão già khèo và con khỉ thông minh đến tai lão Voòng, chủ nhà hàng Đặc sản du lịch Rừng ở thị trấn Cổng Trời. Một hôm lão Voòng cho tay chân gọi lão Sìn mang khỉ con đến biểu diễn tại nhà hàng cho lão xem.
Lão Voòng đứng giữa sân, hai tay chắp sau lưng, bệ vệ trong bộ đồ chàm dân tộc, miệng ngậm chiếc tẩu ngà voi vàng óng, thỉnh thoảng nhả làn khói xanh mờ thơm ngai ngái. Lão liên tục gật gù giữa đám đàn em túc trực hai tay xoa vào nhau xu nịnh.
Khỉ con đâu có biết làm xiếc. Nó chỉ làm theo con người. Ai làm sao nó làm vậy, nhưng khéo hơn, mềm dẻo hơn. Người ta cười nó cười, khóc nó khóc, nhảy múa nó nhảy múa đủ trò. Giống khỉ là vậy. Bắt chước, thông minh nhanh nhẹn hơn loài thú khác là bản chất của tổ tiên truyền cho nó từ khi mới ra đời... --PageBreak--
Thầy trò lão Sìn vừa làm được vài trò, lão Voòng đã giơ tay vẫy lão Sìn lại: "Mày để con khỉ lại, tao trả tiền. Nó ở với mày vừa khổ vừa vô tác dụng. ở đây nó sung sướng, còn hái ra tiền cho tao?". Lão Sìn chắp hai tay quỳ lạy lão Voòng: "Ông tha cho con. Đời con chỉ có con khỉ này, con không bán được. Không có nó con sẽ chết mất".
Lão Voòng xếch ngược đôi lông mày rậm như hai chiếc chổi lông, mắt trợn như thần ác: "Mày chết là việc của mày. Tao thích con khỉ, tiền đây! Cầm lấy". Lão Voòng móc túi lấy ra mấy tờ giấy bạc, vứt vào mặt lão Sìn. Vài tờ mười ngàn bay lung tung dưới chân như tiền bố thí cho kẻ lang thang.
Lão Sìn đứng bật dậy, nhìn thẳng vào mặt lão Voòng nhếch mép. Nụ cười trên khuôn mặt nhăn nhúm méo mó, dị dạng của lão Sìn khiến các thớ thịt trên mặt lão Voòng nổi lên giần giật. Tiếng lạo xạo nghiến vào nhau của hai hàm răng như máy giải khát nghiền đá lạnh. Lão Sìn rùng mình nhớ bụi tre già đêm khuya thanh vắng xiết vào nhau ken két như tiếng võng đưa của ma quỷ mà lão đã nghe chuyện mẹ kể ngày xưa.
Lão Voòng chưa từng thấy ai cười mình như thế. Một nụ cười chua chát. Một nụ cười làm lão điên tiết túm cổ áo lão Sìn nhấc lên như nhấc con rối hề: "Mày có bán không?". Lão Sìn không còn gì để mất, không còn gì để sợ. Lão đu đưa cánh tay vô dụng như que củi trước ngực, nói rắn: "Tao không bán". Mắt lão Voòng lại trợn ngược chỉ còn lòng trắng, thần khí con ngươi biến mất: "Thằng này láo, ném xác nó ra ngoài kia".
Lão Sìn bị đẩy lăn quay ra nền đất, người rúm lại. Bọn đàn em xúm lại lôi xềnh xệch lão ra ngoài cổng.
Khỉ con rít "èn ẹt", gãi bẹn nhảy chồm chồm muốn cứu chủ. Nó làm gì được? Một con khỉ con chỉ có giá trị làm trò hề. Khỉ con bị nhốt trong lồng sắt khổng lồ ngay giữa sân thay thế con "khỉ già" không biết làm trò mua vui cho khách.
Nhà hàng đặc sản rừng của lão Voòng từ ngày có khỉ con càng nổi tiếng. Bởi khỉ con không làm trò vui mà luôn tức giận. Mỗi lần như vậy lại là một trò cười thú vị cho quan khách. Phần đông họ đến đây để ngắm khỉ con trước khi đặt món đặc sản "óc khỉ trường sinh".
Những con khỉ mặt đỏ được bẫy hàng lồng nhốt trong nhà hàng phục vụ đại gia thích bổ dương khí. Nhà hàng có một phòng riêng gọi là "Phòng Khỉ". Trong phòng kê một chiếc bàn tròn bằng đá xanh cẩm thạch, ở giữa khoét một cái lỗ khoảng 10 cm, xung quanh là những chiếc ghế gỗ nguyên sơ, rất "đặc sản" rừng.
Mỗi khi khách có nhu cầu ăn óc khỉ, chủ nhân sẽ bắt một con trong số những con bị nhốt buộc chặt vào chiếc cọc dưới gầm bàn như trói một tên tử tội trước pháp trường. Đầu khỉ đặt nhô cao giữa lỗ bàn chừng 3 cm, được cạo sạch lông trắng hếu, rửa rượu hai, ba lần. Tất cả các vị khách ngồi xung quanh: bát đĩa, môi thìa sắp sẵn.
Trước khi khai tiệc, rượu được rót đầy chén. "Đao phủ" nhà bếp mặc áo đỏ đầu đội khăn trắng cầm một con dao bản to sáng loáng sắc như dao chém nước. Sau lời đề nghị, mọi người nín thở nhìn lưỡi dao phạt sát mặt bàn. Chỉ trong nháy mắt, con khỉ chưa kịp đau chóp đầu đã được cắt rời thành hai mảnh, xung quanh rớm máu đỏ hồng. "Đao phủ" dùng chiếc chụp nhấc mảnh đầu lên. Bộ óc còn nguyên lớp màng trắng hồng chằng chịt những đường máu li ti phập phồng. Màn biểu diễn tuyệt hảo! Những chiếc thìa đụng nhau "canh cách", tiếng hô "dô dô" hòa chung tiếng hét rên xiết giãy đạp ùng ục dưới gầm bàn.
Nhà hàng có một đại gia chuyên đưa khách đến chiêu đãi óc khỉ. Đại gia nghiện món đặc sản ngầy ngậy, tanh tanh, phập phồng này nên mỗi khi có hàng mới về là có mặt đại gia ngay. Một hôm, tay đàn em của đại gia thì thầm: "Lão Voòng mới mua được con vọc con khôn lắm. Nó thông minh như người, lại là loài quý hiếm. Nếu anh mà dùng óc nó chắc sẽ trường sinh bất tử". Nghe lời tấu, mắt đại gia sáng lên: "Cậu đến thu xếp với lão".
Chiều chủ nhật, đại gia mời mấy bạn nhậu đến nhà hàng. Lão Voòng phải trực tiếp đón khách. Vừa xuống xe, đại gia đặt vấn đề ngay: "Nghe đâu chú mới kiếm được con khỉ lạ lắm phải không?". Lão Voòng: "Dạ. Báo cáo anh có! Em mới mua được mấy bữa nay, đang nhốt ở đây". Đại gia nhìn con khỉ có tướng mạo khác hẳn các loài khỉ thông dụng đã ăn, bụng bảo dạ: "Loài này mới quý, óc nó mới tuyệt vời. Ăn con này khác nào Bạch Cốt Tinh được ăn thịt Đường Tăng". Đại gia quay lại nhìn lão Voòng đang chực sẵn phía sau, ánh mắt như một mệnh lệnh. Lão Voòng: "Dạ, dạ! Riêng anh em không thể từ chối…".
Hôm nay đại gia muốn trực tiếp xem lão Voòng biểu diễn món đặc sản sở trường của nhà hàng.
"Phòng Khỉ" đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng mọi người đều ra ngoài sân xem lão Voòng chui vào chuồng bắt khỉ. Lạ thay, khỉ con không chạy trốn làm trò la rít như mọi ngày mà rất ngoan ngoãn như đứa trẻ được bế ru. Lão Voòng không ngờ bắt khỉ con dễ đến thế? Lão đã thu phục được chăng? Tự dưng lão thấy tiếc, muốn từ chối đại gia để khỉ con làm trò câu khách cho nhà hàng. Nếu giết đi thì cái danh "Nhà Khỉ" nổi tiếng sẽ bị ảnh hưởng. Lão đang tính toán bế khỉ con ra. Khỉ con không động đậy, nằm im trong tay lão.
Bởi khỉ con đã tính kỹ. Từ hôm bị bắt vào đây, nó rất buồn, luôn tìm cách chui ra khỏi lồng. Nó biết tất cả mọi chuyện và rất nhớ lão Sìn. Lão đã cứu, nuôi dạy nó trong sự đói khổ nghèo hèn. Nó nhớ lão, nhớ lúc mẹ bị bắn, nhớ lúc sắp chết trong lồng tre… Nhớ ân nhân của nó bị hành hạ ở chính chỗ này. Hôm nay nó tìm cách trả thù, tìm cách trốn khỏi đây về đền đáp ân nhân tội nghiệp.
Lão Voòng hớn hở đưa khỉ con cho đại gia xem để đại gia được sờ bộ lông mát rượi của khỉ con. Thời cơ đúng lúc, chỉ trong tích tắc, khỉ con cong người "tè" vào mặt, vào mắt lão Voòng, rồi nhảy bổ vào mặt đại gia. Hai bàn tay trước cào hai vệt từ trên má xuống mép đại gia rồi biến mất trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Đại gia đau đớn rú lên. Tám vệt máu chảy dài vào miệng đại gia. Lão Voòng rống lên như bò bị chọc tiết, đưa hai tay ôm lấy mắt. Lão chợt nhớ lời ai đó nói về loài khỉ: "Nước đái khỉ như liều thuốc độc, là vũ khí lợi hại tiêu diệt kẻ thù...".
Từ hôm mất khỉ con, lão Sìn không ăn, không uống, nằm liệt giường, thoi thóp nhìn lên xà tre trên trần nhà, chỗ khỉ con hàng đêm vẫn nằm ngủ. Lão cố nhớ tất cả những mất được của cuộc đời như lời xưng tội với thánh thần, thượng đế trước lúc đi về thế giới bên kia...
Lão Sìn sống độc thân ở chân núi Văn từ ngày còn bé. Bản tính lão không thích nhờ cậy, phiền ai, lấy của ai. Liệu kiếp sau của lão có thay đổi? Lão giật mình mở mắt. Có bàn tay nhỏ bé đang sờ lên trán lão, đang truyền cho lão sức mạnh diệu kỳ. Lão thấy mình phải sống, phải làm một cái gì đó. Phải sống để che chở cho khỉ con của lão