Làng gần chân đèo Cả

Thứ Bảy, 09/05/2020, 08:11
Qua được đèo Hải Vân, chúng tôi sung sướng vì đường khá đẹp. Xe lại bon bon, thấy cuộc đời lại vẫn đẹp sao. Đang tính quất một lèo đi Nha Trang rồi ngủ lại, nhưng, lại nhưng, con Fi át chỉ hồi xuân được có vậy. Lần này nó cao tay hơn, đè vào lúc xế chiều ở một nơi giữa đồng không mông quạnh để đình công.

Chiếc xe khách giường nằm lướt êm như trôi trên quốc lộ rộng thênh thang, thế mà tôi vẫn thấy người đau ê ẩm, chứng tỏ già rồi làm sao có thể như cái thời son trẻ  ấy được. Tôi chợt mỉm cười nhớ lại dạo đấy, sao mà mình có thể ngồi hàng chục tiếng đồng hồ ròng rã bốn, năm ngày trời trên chiếc xe con ọp ẹp để xuyên suốt từ Bắc vào Nam được nhỉ.

Ừ thì mình còn trẻ mà, mới ra trường về cơ quan công tác đã được sếp gọi cho đi ngay công tác miền Nam, chỉ vì: Cô biết tiếng Anh chứ, dạ cũng bập bõm thôi ạ. Thế là được rồi, còn hơn tụi này mù tịt tiếng Ăng lê.

Chuyến công tác gồm có Giám đốc, Trưởng phòng kinh doanh, một lái xe và tôi độc nhất là nữ và cũng độc nhất chẳng có nhiệm vụ gì, ngoài gặp sự cố về ngoại ngữ. Ngày đó làm gì có chế độ được đi máy bay, cơ quan mua lại của một linh mục tòa chánh sứ tỉnh chiếc Fi át đã cũ, chẳng biết nó đã rệu rã gì ở bên trong nhưng nom bên ngoài vẫn còn điệu đà lắm. Sếp hí hửng vì chiếc xe giải quyết được khâu oai khi phải tiếp xúc với các đối tác nặng ký đất phương Nam.

Bốn chúng tôi ngồi như giã gạo trên những đoạn đường xóc lộn tung người suốt dọc khúc ruột miền Trung. Quốc lộ sau chiến tranh đang trong thời kỳ khôi phục, trông như người bị hủi. Nó lở loét lồi lõm nổi u nổi cục trên mặt đường. Chiếc Fi át đúng là người đàn bà đẹp đã quá đát, nó giở quẻ suốt dọc đường.

Xe gầm thấp nên không may va phải một cục u nào đó trên đường là coi như stop, khiến chúng tôi lại phải xuống xe hò nhau đẩy. Thôi thì sếp lớn, sếp bé đến liễu yếu đào tơ như tôi đều phải trở thành phụ lái tất.

Giữa cái nắng tháng 6, chúng tôi nhễ nhại mồ hôi và lem nhem dầu mỡ, bụi đường, nhìn vừa buồn cười vừa chua xót. Thế nhưng đâu đã hết, đằng này nó còn cho chúng tôi một quả muốn chui xuống đất vì xấu hổ khi nó đứng ì ra giữa con phà ăn vạ, khiến những chiếc xe phía sau chưa lên được bờ bấm còi inh ỏi.

Có tay tài xế mặt hằm hằm lao đến định cho xe chúng tôi một bài học. Nhưng gặp vẻ mặt đau khổ của anh lái cũng đành ngửa mặt kêu trời. Thế là một sức mạnh đoàn kết xuất hiện, toàn bộ số người trên phà cùng đồng tâm hiệp lực hò dô ta đẩy, hăng đến nỗi chiếc xe vượt khỏi bến đến cả trăm mét. Anh lái xe được rảnh chỗ bắt đầu nghiên nghiên cứu cứu tìm ra nguyên nhân để sửa chữa. Tôi cũng thở phào và mới biết anh vốn là tay sửa chữa ôtô Trường Sơn một thời.

May thế, đúng là sếp có con mắt tinh đời, tuyển được anh tài xế quý hơn cục vàng lúc này. Chúng tôi vào quán nước nghỉ mát, chưa đầy tiếng đồng hồ đã nghe tiếng rỉn rỉn của ôtô nổ vang, ai nấy lại phấn khởi khi anh lái xe thò đầu ra với cái mặt như hề vẫy vẫy chúng tôi lên xe.

Qua được đèo Hải Vân, chúng tôi sung sướng vì đường khá đẹp. Xe lại bon bon, thấy cuộc đời lại vẫn đẹp sao. Đang tính quất một lèo đi Nha Trang rồi ngủ lại, nhưng, lại nhưng, con Fi át chỉ hồi xuân được có vậy. Lần này nó cao tay hơn, đè vào lúc xế chiều ở một nơi giữa đồng không mông quạnh để đình công.

Nhìn mặt anh lái xe thất thần vì mọi nỗ lực đều thất bại, tôi gần như muốn quỵ xuống khi anh tuyên bố chúng ta phải nghỉ lại đây thôi. Nhưng ở đây làm gì có nhà nào mà phía trước là núi rồi. Thì ta phải quay trở lại cái làng vừa đi qua nghỉ tạm rồi sáng mai tìm chỗ sửa xe sau. Thế là cả ba người lại thi nhau đẩy xe, để anh lái ngồi lái cho xe đi đúng đường, cứ một đoạn chúng tôi lại phải dừng lại nghỉ, thật tội cho ông giám đốc già cả lại gầy gò cứ thở dốc từng chặp.

Minh họa: Nguyễn Nghĩa Cương

Đẩy được một đoạn  thì có một chiếc xe ngựa đi ngược chiều, trên xe chỉ có mình anh đánh xe ngựa. Anh lái xe giơ cả hai tay chắn đường. “Anh có thể kéo chiếc xe cho chúng tôi về làng được không? Lấy bao nhiêu cũng được?”.

Người đánh xe ngựa lưỡng lự một hồi rồi cũng đồng ý. Anh ta chằng buộc đầu con Fi át vào đuôi chiếc xe ngựa bằng những đoạn dây đủ loại có trên xe ngựa. Có một tốp trẻ chăn trâu từ dưới ruộng đi lên nhìn theo chiếc xe ngựa kéo xe ôtô thì cười vang: Ủa, kỳ quá bây ơi, xe ngựa kéo xe ôtô”. Trời chiều đã sập xuống, nhá nhem mặt người.

Tôi và anh Trưởng phòng bước đi thất thểu cảm giác ngôi làng phía trước như một hành tinh xa thẳm. Thực ra, ngôi làng cũng không xa mấy. Anh lái xe ra đón chúng tôi và khoe: Tìm được chỗ để xe rồi. Anh đã liên hệ với Trưởng thôn và bố trí cho chúng tôi chỗ ngủ qua đêm, rồi phân công luôn Giám đốc và Trưởng phòng ngủ tại nhà Trưởng thôn, anh lái xe phải ngủ ngoài xe để trông xe, còn tôi được ở nhà một người đàn bà mà theo anh là khá ổn, chỉ có một mẹ một con.

“Rất tiện cho em lắm nhé, chứ ở đây nhà nào cũng có đàn ông con trai”. Anh còn ghé tai tôi nói nhỏ: làng này ngày trước là dân Ngụy đó, xe anh cũng đỗ gần đây, nếu có động tĩnh gì em cứ la lớn là anh chạy đến ngay.

Tôi gật gật cũng yên tâm vì bây giờ tôi chỉ cần một chỗ để ngả lưng và giải phóng đôi chân. Nhưng khi anh lái xe dẫn tôi đến thì tôi như muốn ngất xỉu. Đây mà gọi là nhà ư, thực ra nó chỉ là một căn lều rộng, vách phên nứa chằng chịt những mảnh tôn bìa chắp vá, mái lợp giấy dầu. Căn lều này đến thở mạnh cũng đổ chứ nói gì đến gió to. Nhưng khi cánh cửa bằng đủ thứ gỗ duy nhất của ngôi nhà cọt kẹt mở thì tôi cũng tạm yên tâm vì  nụ cười khá thân thiện của chị chủ nhà. Sau lời giới thiệu của anh lái xe, tôi được chị ta cầm tay đưa lại giường.

“Cô Hai cứ ngủ ở đây đi, cô nằm trong cùng kìa, thằng Lõ nằm ngoài. Tôi nằm kia”. Chị chỉ tay vào góc nhà, ở đó có một tấm chiếu một trải trên một chiếc nệm rơm đã bẹp dí. Chị chủ nhà lăng xăng chỉ cho tôi chỗ nước rửa và chỗ đi vệ sinh rồi bảo: Cô Hai cứ tắm rửa đi nghen.  Tôi lại chỗ đó thì chỉ thấy có một vại nước lưng lưng, một chiếc gáo dừa và một chậu đồng chắc để rửa mặt.

Xung quanh được che chắn bằng những tàu dừa khô héo và tơ tướp rách. Tôi chẳng dám tắm chỉ rửa qua loa rồi đi vào. Nhìn quanh quất, tôi thấy trong nhà không có tài sản gì ngoài chiếc giường tre đóng bốn chân xuống nền đất và trên giường là một chiếc chiếu cũ nát rải trên chiếc vạc nứa. Thằng bé ngồi thu lu trên giường giương đôi mắt xanh biếc nhìn tôi tò mò nhưng thân thiện. Nó tụt khỏi giường tự chạy đi rót nước trong một chiếc siêu đất đưa tôi uống. Tôi cảm ơn rồi xoa đầu nó: Cháu mấy tuổi rồi. Dạ bảy tuổi. Cháu tên Lõ à.

Chị chủ nhà vội nói luôn, nó tên Lỡ nhưng lớn lên đám bạn cứ gọi nó là thằng Lõ nên riết rồi thành quen. Tôi cũng đã nhận ra nó là một thằng con lai rồi, nhưng nó gầy gò và đen nhẻm chẳng khác gì những đứa trẻ Việt, trừ đôi mắt xanh và cái mũi lõ. “Cô Hai ăn gì chưa để tôi đi nấu cơm nghen”. “Dạ em ăn với mấy anh trong đoàn ở nhà bác Trưởng thôn rồi”. Lúc này tôi mới để ý đến gương mặt chị chủ nhà. Chắc lúc son trẻ chị cũng đẹp, nhưng giờ… trông nhầu nhĩ quá, thật khó đoán tuổi.

Tôi nằm ép sát vào phía bức vách nhường chỗ cho thằng Lõ rồi nèo chị lại cùng nằm một giường cho vui. Chị đồng ý nằm ghé xuống bên thằng Lõ. Nói chuyện với chị được dăm ba câu tôi đã ngủ tít vì quá mệt mỏi. Khi chợt tỉnh lại thì tôi đã không thấy chị đâu, nhưng nghe bên ngoài có tiếng thì thào.

Tôi cảnh giác nhỏm dậy và bắt đầu lo lắng với một tâm thế chuẩn bị đối phó nếu có bất trắc. Tiếng chị to nhỏ với một người đàn ông vừa như van xin vừa như đe nẹt. Rồi bỗng cánh cửa kẹt mở, chị đột ngột bước vào như biết tôi đã thức giấc.

“Cô Hai cứ ngủ đi nghen. Chồng tôi nó về. Nhưng tôi nói nhà có khách nó đi rồi”. Tôi im lặng không dám cật vấn. Rồi tôi lại yên tâm ngủ thiếp đi khi chị trở lại giường. Tôi ngủ say đến mức trời sáng bảnh, cu Lõ đã đi học, chị lay tôi. “Cô Hai à, dậy thôi, mấy anh đến gọi kìa”.

Chúng tôi tìm mãi mới thấy một quán ăn quà trong làng. Đúng là một quán hàng đồng quê, chỉ dăm ba cái bàn tre với mấy cái ghế dài cũng bằng tre với món quà sáng đơn sơ. “Đêm qua em ngủ ngon không”, anh Trưởng phòng vừa nuốt miếng bánh cuối cùng vừa hỏi tôi. “Cũng được… nhưng… à mà này, sao bảo nhà chị ấy một mẹ một con. Hôm qua chồng chị ấy về đấy, nhưng lại đi ngay rồi”. Bà già đang cuộn bánh dỏng tai nghe liền chêm vào.

“Ở nhà Ba Loan phải hông. Đúng rồi cổ chỉ có mình thằng Lõ thôi hà, chồng con gì đâu”. Tôi im lặng cảm giác mình trót lỡ lời. “Xe sao rồi anh”. Tôi quay sang hỏi anh lái xe. Anh lái xe vẻ mặt không vui như tôi chờ đợi. “Sáng nay anh phải tháo lốp mang ra tận thị trấn để vá, nhưng xe vẫn không nổ máy. Chắc phải tìm thợ chữa thôi, tình hình này thì hôm nay cũng chưa thể đi được.

Tôi hoảng hốt quay nhìn từng người nhưng hình như mọi người đã biết cả nên không tỏ ra điều gì, chỉ mình tôi là ngơ ngác thất vọng. Tôi trở về căn lều mà tôi đã tá túc đêm qua, tâm trạng ủ ê. Mẹ con chị Loan đều không có nhà. Lõ đi học nhưng còn chị đi đâu thì tôi không rõ.

Tôi đi lang thang trong làng rồi vào nhà ông Trưởng thôn để nói chuyện cho hết thời gian. Đem chuyện đêm qua ở nhà chị ra kể, ông Trưởng thôn cười hà hà: Cổ nhiều chồng lắm, cổ vốn làm gái mà, hồi trước cũng làm gái trong cư xá Mỹ rồi trót lỡ có thằng Lõ đó. Sau giải phóng hổng được làm gái nữa thì về đây tá túc, hàng ngày đi lượm ve chai bán trong thị xã, tối mới về. Thằng Lõ chiều đi học về cũng đi lượm túi ni lon quanh làng gom về cho mẹ nó. Hai mẹ con cũng tội hà.

Ai cũng biết cô ta vẫn kiếm thêm bằng nghề cũ nhưng bỏ qua”. Tôi chợt nhớ ra cái đệm rơm ở góc nhà, lẽ nào đó là nơi hành nghề của chị. Dù có e ngại đến đâu thì tối nay tôi vẫn phải ngủ lại nhà chị một đêm nữa. Chiều tối hai mẹ con chị mới về nhà. Chị lúi húi nấu cơm. Thằng Lõ líu lo kể chuyện ở trường rồi nhắc mẹ nó mua cho cái cặp sách: Tụi nó đều có cặp cả, mỗi con là mang túi vải lại xấu òm à. Mẹ nó cúi gằm xuống bát cơm không trả lời, nhắc: Ăn đi rồi đi học bài.

Đêm đó tôi nằm thao thức mãi vẫn không ngủ được, nhưng nghĩ bụng đêm nay chắc sẽ không có ai làm tôi thức giấc nữa đâu, vì có lẽ chị đã thông báo trước. Nhưng tôi đã lầm. Vừa thiếp đi được một lát tôi lại bị đánh thức bởi tiếng đập cửa rầm rầm, và tiếng một người đàn ông lè nhè giọng rượu. Chị dặn tôi cứ nằm yên, rồi lao vọt ra cửa định xô người đàn ông ra ngoài nhưng không nổi. Ông ta với thân hình lực lưỡng đã đẩy chị vào tận giường, dù đã quá say nhưng ông ta vẫn đủ sức vật chị xuống giường.

Thằng Lõ đã nhảy ra ngoài lại chỗ đệm rơm tiếp tục ngủ, hình như nó đã quen cảnh này nên không chút tỏ vẻ sợ hãi. Chỉ có tôi là đang run cầm cập, tìm cách vọt qua hai con người đang vật lộn. Lúc này gã say rượu đã nhận ra sự có mặt của tôi.

 Mắt lão sáng rực: A có gà giò à, ở đâu ra vậy. Lão quơ tay định chộp lấy tôi nhưng bỗng dưng lão rú lên một tiếng rồi đổ sụp cả thân hình to như con trâu mộng xuống nền nhà. Tôi định lao ra ngoài kêu cứu nhưng nhận ra không còn gì nguy hiểm nữa nên quay lại cùng chị lôi tảng thịt nặng gần cả tạ lại chỗ nệm rơm. Tôi hốt hoảng: Liệu ông ta có sao không chị, chị làm gì mà ông ta ngất nhanh vậy.

Chị không trả lời tôi mà vội vã chạy đi lấy một lọ nước gì đó đổ ra bàn tay rồi xoa xoa lên khắp người ông ta, một mùi thơm hắc hắc mà tôi không hiểu là thứ nước gì, nhưng hít vào thấy dễ chịu. Chị giục tôi cứ lên giường ngủ tiếp với thằng Lõ đi, mặc chị. Tôi cũng không còn biết đi đâu giữa đêm hôm khuya khoắt nên đành lên giường nằm tiếp và cảnh giác nghe ngóng.

Căng thẳng một hồi nhưng không thấy có động tĩnh gì chỉ nghe tiếng ngáy ồ ồ của lão say rượu, rồi tôi cũng thiếp đi lúc nào không hay. Khi tôi tỉnh dậy cũng là lúc mặt trời đã lia những tia nắng chói chang qua các kẽ liếp, chị lại giục tôi: Cô Hai dậy đi, lúc nãy các anh ấy đến gọi để đi đấy, xe chạy được rồi. Tôi choàng tỉnh sung sướng còn hơn cả Cô lôm bơ tìm ra châu Mỹ.

Sực nhớ tới người đàn ông hôm qua, tôi nhìn lại chỗ ổ rơm thì không thấy gì cả, tôi ngạc nhiên định hỏi thì chị đã bảo: “Ông ấy đi lúc gần sáng rồi, tỉnh rượu rồi lại hiền khô ấy mà”. Tôi biết ý không cật vấn chị, nhưng vẫn muốn biết đêm qua chị đã làm gì để cứu tôi một bàn nguy cận kề đến vậy. Chị mỉm cười: Cô Hai không cần biết đâu. Hồi trước tôi làm ở cư xá Mỹ miết rồi nên cũng học được nhiều chiêu lắm.

Đó là ngón đòn mà nội tôi dạy để phòng khi bọn Mỹ có sàm sỡ quá đáng, mà cũng không được lạm dụng đâu nghe, không biết cứu là thiệt mạng như chơi đó. Vậy mà chị vẫn để lỡ thằng Lõ đó thôi. Tôi trêu lại vì thấy chị đã cởi mở. Chuyện đó… là tại tui lỡ thích ba thằng Lõ chớ”.

Cả hai chúng tôi cùng cười, tự nhiên tôi đâm quyến luyến chị khi sắp phải chia tay. Vừa chằng buộc trên chiếc xe cũ nát để chuẩn bị đi làm, chị vừa chúc tôi: Cô Hai lên đường mạnh giỏi nghen, hôm về qua đây nếu rảnh ghé tôi nghen. Tôi nghẹn ngào: Chị ơi, đêm qua... Nếu không có chị chắc em... Không có chi, thôi tôi phải đi đây. Cô Hai đi sau nghen.

Tôi căng mắt nhìn qua cửa kính đế cố nhận ra một dấu vết gì đó quen quen khi anh tài xế nhắc tôi là sắp đến chỗ chị cần xuống rồi. Tên ngôi làng đó, xã đó, huyện đó, tôi đều không biết, chỉ nhớ là đi qua thị xã Tuy Hòa và gần tới Đèo Cả. Nhưng hình ảnh cái làng ngày xưa không còn dấu vết gì nữa, nhà nhà đã mọc san sát hai bên đường, hàng quán cũng dày đặc. Tôi chợt nhận ra mình cũng thật phiêu lưu khi quyết định chuyến đi này.

Thực ra tôi cũng có ý định từ lâu khi muốn quay trở lại tìm chị, nhưng chẳng có dịp nào bởi thời gian khi đang còn công tác rất eo hẹp, nhiều lần đi công tác phía Nam nhưng toàn đi máy bay hoặc cùng lắm là đi tàu. Chẳng khi nào có cơ hội để rong ruổi trên quốc lộ như ngày xưa nữa. Lần này, tôi theo đoàn du lịch đi Đà Nẵng. Kết thúc chuyến đi tôi xin tách đoàn bắt xe khách đi tiếp vào phía Nam, quyết tâm thực hiện ý định của mình. Nhưng đến bây giờ tôi mới nhận ra mình thật ngờ nghệch khi không biết một chút thông tin nào về chị và ngôi làng năm xưa ấy.

Rất may là bây giờ chỗ ăn chỗ nghỉ không thiếu, hai bên quốc lộ mọc đầy những quán hàng và nhà nghỉ bình dân, tôi tìm một nơi nghỉ ngơi tàm tạm có thể sẵn sàng ở trong vài ngày. Nhưng thật may mắn khi tôi vào một quán cơm và hỏi thăm chị chủ quán.

“Vậy là đúng bà Ba rồi. Quán bả kìa kìa nhưng vài tháng nay đóng cửa rồi, bả bị bệnh nằm liệt giường, tội có một thân một mình hà”. “Ơ bà ấy có con trai lai Tây cơ mà”. “Cháu không thấy có con trai nào cả. Từ khi cháu ở đây cháu chỉ thấy bả có một mình thôi, bả mở quán bán nước, bia hơi, lụi cụi có một mình, thỉnh thoảng có bà Sáu sang giúp”.

Tôi tìm được nhà chị và thật mừng tôi nhận ra đúng là chị. Chị đang nằm trên giường, người gầy đét như một bộ xương. Bên cạnh đang có một bà bạn chăm sóc, chắc là bà Sáu như cô chủ quán nói. Tôi vui mừng reo lên chào chị, nhưng chị lạnh tanh chẳng nhận ra tôi là ai. Tôi phải giới thiệu mãi, chị mới gật gật đầu rồi hỏi: “Cô lại bị lỡ xe đò à”. “Không, em đến đây tìm chị. Hồi đó chị đã cứu em…”.

Chị vẫn không tỏ thái độ gì chỉ lặng lẽ nhìn tôi bằng ánh mắt thiện cảm. Bà bạn quay ra nói chuyện với tôi. Bà ấy bị bệnh lâu rồi nhưng không chịu đi chữa, cứ nằm nhà vậy chờ chết. Bả có tiền đấy chứ, tích cóp bao nhiêu năm mà, nhưng cứ bảo để dành để đi tìm thằng con. “Thằng Lõ đi đâu à?”. “Không, bả bán nó cho một nhà giàu ở trong Nha Trang hồi nó mới có tám tuổi thôi. Bà bảo bán cho nó được đi ở nhà giàu sung sướng hơn ở với bả. Bán rồi lại nhớ con đi tìm thì người ta đem nó qua Mỹ rồi. Từ đó không có tin tức gì hết, khổ, suốt bao nhiêu năm cứ khóc ròng nhờ hết người này đến người khác đi tìm con nhưng một tấm hình cũng không có thì sao tìm được con, rầu quá rồi đổ bệnh”.

Bà Sáu ghé tai tôi nói nhỏ: Bà Ba bị ung thư tử cung giai đoạn cuối rồi, giờ chỉ còn tính từng ngày thôi. Đột nhiên, chị nhỏm dậy như một người vừa mới tỉnh ngủ nắm lấy tay tôi: “Cô Hai, cô Hai. Cô là cán bộ nhà nước, cô đi nhiều nơi, cô biết nhiều tiếng nước ngoài, nhờ cô tìm hộ cho tôi thằng Lõ, cô biết mặt nó rồi mà. Nó là Huỳnh Ngọc Lỡ, tôi đội ơn cô”. Chị nhìn tôi với ánh mắt van xin làm tôi không dám chối từ. Tôi gật gật đầu để chị yên lòng: “Em sẽ tìm, sẽ tìm, em có con gái đang làm ở đại sứ quán Mỹ mà, em sẽ tìm cho chị”. Cả hai bà đều vồ lấy tôi như thể tôi đã tìm được thằng Lõ rồi.

Tôi và bà Sáu trao đổi số điện thoại cho nhau, bảo nếu có tin tức gì tôi sẽ gọi điện báo cho bà Sáu. Chị như khỏe hẳn lại nhỏm người ngồi dậy giục bà Sáu đi nấu cơm cho tôi ăn. Rồi xuýt xoa khen tôi vẫn trẻ đẹp, rồi bảo hồi đó thằng Lõ cứ nhắc đến cô Hai hoài, làm tôi cứ phải giấu vội những giọt nước mắt  đang chực trào ra.

Nửa tháng sau tôi nhận được điện thoại của bà Sáu, bà bảo: Chị Ba gặp được thằng Lõ rồi cô Hai à, hai mẹ con cứ ôm nhau khóc suốt. Chị cứ vùi đầu thằng Lõ vào ngực mình mà vuốt ve ôm ấp nó, rồi hỏi tôi thằng Lõ giờ trông ra sao? Tôi bảo nó đẹp trai khỏe mạnh lắm, mắt nó xanh biếc, tóc vàng mũi cao. Chị ấy cười suốt, đến lúc ngừng thở rồi vẫn còn cười. Thằng Lõ và bạn gái nó còn ở lại lo tang ma và mồ yên mả đẹp cho chị Ba xong xuôi mới về. Cám ơn cô Hai nhiều nhen”. “Không có chi, chỉ là…”.

Thực ra mọi việc tôi đã được con gái báo cáo đầy đủ: Mike diễn tốt lắm mẹ ạ, con cho nó điểm 10 trong đợt thực tập này đấy hì hì… mẹ nhớ thưởng con đấy.

Tôi cười sung sướng nhưng chợt phân vân, không biết mình làm như vầy có tội lỗi gì với người đã khuất không ta.

Truyện ngắn của Nguyễn Cẩm Hương
.
.