Lạc giữa cõi trần

Thứ Năm, 22/08/2019, 08:12
Ngư Anh đang hì hụi buộc lại đống sách báo cũ trong phòng làm việc thì chiếc điện thoại di động bỗng réo lên khẩn thiết. Liếc vào máy, cô thấy dãy số cuối 4849 - số máy của chị Hoàng Hạc.

Chị Hoàng Hạc là bà chị họ xa nhưng cùng làm nghề Thư viện nên  thân thiết như thể tri kỷ với Ngư Anh. Chị Hoàng Hạc đã ngoài năm mươi tuổi, vẫn rất xinh đẹp. Năm 25, 26 tuổi, chị có bị tai nạn gãy chân.

Là con cả sống với cha mẹ nghèo, già cùng một đàn em nhỏ; có lẽ vì thế nên không lấy được chồng. Hiện giờ chị sống một mình vì cha mẹ đã mất cả. Các em đều đã lập ra đình và đi ở riêng. Chị đã gọi điện thoại thế này là có việc cần gấp. Ngư Anh vứt bó sách đấy, áp máy lên tai:

- A lố! Em đây!

- Ngư Anh ơi! Em đang ở đâu đấy?

- Dạ, em đang ở cơ quan ạ!

- Thôi, 4 giờ chiều rồi. Vứt mẹ nó mấy cái việc ấm ớ ấy đi? Sang đây uống cà phê Thương với chị! Chị vừa có chuyện điên lắm! Lại “ngửa váy hứng dừa” rồi em ơi!

Cà phê Thương là quán cà phê khá bình dân ở gần nơi chị Hoàng Hạc làm việc. Chủ quán pha chế rất khéo theo kiểu ẩm thực Hà Nội xưa: thơm ngon, chất lượng, sạch và rẻ. Khách tới quán tùy thích có thể chọn thiên nhiên ngay bên vỉa hè, hoặc trên ban công tầng hai của cửa hàng; đều được rất nhiều tán những cây sấu, xà cừ cổ thụ trăm năm chen nhau tỏa bóng râm mát. Hai chị em hễ cần xả sì trét lại rủ nhau ra quán Thương dốc bầu tâm sự.

Nhưng hôm qua họ vừa mới ngồi với nhau rồi. Theo lẽ thường thì phải vài ngày nữa mới gặp. Chắc chị phải bức xúc lắm, mới cần Ngư Anh gấp thế! Lại điên lắm à! Lại "ngửa váy hứng dừa" rồi à! Hoàng Hạc ơi là Hoàng Hạc! Đúng là Tiên giữa đời trần!

Hoàng Hạc thực ra là tên một ngôi lầu diễm lệ bên bờ sông Dương Tử với cảnh sơn thủy hữu tình, một bên là dãy Trường Giang hùng vĩ, một bên là Ngũ hồ khói sương tuyệt đẹp. Biết bao đời các nhà thơ, trong đó có thi tiên Lý Bạch đã dừng chân thắng cảnh làm thơ vịnh lầu Hoàng Hạc nơi ghi lại dấu tích Tiên cưỡi hạc vàng bay trên trời xanh.

Mẹ chị Hoàng Hạc là con nhà Nho, bà thường được cha ngâm cho nghe bài thơ "Hoàng Hạc Lâu" bằng tiếng Hán của nhà thơ Thôi Hiệu đời Đường Huyền Tông, trong đó có câu có nghĩa rằng:

Hạc vàng một khi bay đi thì không trở lại nữa

Mây trắng ngàn năm vẫn dằng dặc trên không.

Khi mới sinh ra chị, thấy con gái mày ngài mắt phượng, đẹp như tiên giáng thế; lại nhớ cái tích người tiên – hạc vàng trong thơ cổ, cha mẹ chị những mong con gái xinh đẹp của mình lớn lên được sống thanh tao, vương giả không nhuốm bụi hồng trần, liền đặt tên cho con gái là Hoàng Hạc.

Đã thế chị Hoàng Hạc lại còn được Trời ban thêm một phom người thật đẹp; vóc dáng tuy thanh mảnh, nhưng cặp tuyết lê thì lại đầy đặn núc ních, vun cao giáp giới phồn nhục. Một cặp đùi dài ngút ngát, thuôn thả lướt thẳng tắp xuống đôi mắt cá chân xinh xinh rồi kết thúc bằng đôi gót sen có làn da trắng mỏng manh, căng mịn.

Mỗi khi chị chân trần lướt đi trên mặt đất là đôi gót xinh xắn tuyệt đẹp ấy lại ửng đỏ lên như thể đang nở hoa sen, hoa gạo. Đôi gót chân ấy, khi còn nhỏ, có lần chị đã nghe thấy bà mẹ của cô hàng xóm trầm trồ: “Con bé này mắt phượng, mày ngài, có nụ cười như hoa như ngọc, lại còn thêm đôi gót chân tươi đỏ. Tướng đàn bà ấy là tướng phu nhân. Chỉ phiền hai má hơi hồng quá… nên chỉ còn là hồng nhan. Chậc, chậc, thật là đáng tiếc…”.

Minh họa: Hà Trí Hiếu

Người thì rất đẹp, tên lại rất đài các, nhưng trong đời thường chị lại sống vô cùng giản dị, nhân hậu. Chị tốt bụng đến mức nhiều khi thành ra ôm rơm dặm bụng. Rồi chẳng biết chị có phải là tiên lạc xuống trần gian hay hạc vàng bị níu cánh mà chị cố sống hết mình với gia đình, bạn bè đồng nghiệp, bà con lối xóm mà không hiểu sao cứ như lạc lõng giữ cái cõi trần đầy kinh dị này.

Ở xóm phố thì chị nhận chân tổ phó dân phố, chuyên ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng - muối mặt đi thu tiền các loại quỹ: Xóa đói, giảm nghèo, Ủng hộ miền Trung thiên tai, Khuyến khích học trò nghèo vượt khó, Người cao tuổi…, toàn những thứ phải ngửa tay rát mặt xin tiền người. Mà lại toàn là lá rách đùm lá rách hơn nên để đỡ trơ thì mình phải bỏ tiền túi ra một khoản kha khá, trông được trước để làm gương cho trăm họ.

Năm ngoái hàng xóm dỡ nhà xây lại nên đuổi hai đứa con gái sinh viên đang ở trọ đi. Bà tổ trưởng Phụ nữ xóm thương tình hai đứa sinh viên đang đúng mùa thi và bảo vệ Luận án tốt nghiệp không có thời gian đi tìm nhà để thuê trọ, liền dắt con chị sắp ra trường sang năn nỉ chị Hoàng Hạc cho ở nhờ vì nhà chị Hoàng Hạc rộng. Chị nhận lời cho hai chị em nó chuyển đồ sang liền, nhưng lại kể với Ngư Anh rằng: “Ngày xưa dân Hà Nội gặp chiến tranh bom đạn thì sơ tán về nông thôn. Dân ở quê bao bọc cả thành phố chẳng ai lấy tiền nong gì. Họ thật mộc mạc, bao dung chia ngọt xẻ bùi với những người trong cơn hoạn nạn, thậm chí có củ khoai luộc cũng đem cho. Vậy mà bây giờ con cháu họ ra Hà Nội đi học túng thiếu vô cùng thì mình lại bắt họ phải trả tiền thuê nhà. Nghe cứ bạc bẽo, vô nhân thế nào…”.

Rồi chị giảm bớt cho hai chị em đứa sinh viên 1 triệu so với hàng xóm. Rồi mấy tháng sau, nghe đâu chị lại giảm tiền thuê nhà cho chúng xuống còn một nửa vì “Chắc bố mẹ nó phải nuôi một lúc hai cô con gái đi học đại học thì tốn lắm”.

Còn ở cơ quan, hễ ai cần việc gì trong khả năng của chị một cái là chị liền xung phong gánh vác, khiến cho nhiều lúc chị hóa thành cầm đèn chạy trước máy bay mà bị chê trách là “hâm hơi, chẳng đâu vào đâu” khiến chị dở khóc dở cười. Rồi chị còn tình nguyện nhận chân tổ phó công đoàn - một cái chân chẳng có tí chức tước được ghi danh, chẳng có đồng bạc hệ số phụ cấp chức vụ nào, chỉ được cái ông Tổ trưởng phân cho chuyên đi viếng đám ma, thăm người ốm, người đẻ.

Những lúc gặp chuyện ấy, mọi người trong cơ quan trốn đâu hết, mà chế độ của Nhà nước: chết thì hai trăm ngàn, ốm thì cân đường cộng hộp sữa; thành ra chị cứ phải rút tiền riêng ra cho vào cái phong bì một món nhỏ nhỏ năm chục, một trăm.

Ngư Anh nghe vậy thì trách móc: “Ai bắt chị cứ phải mất tiền hão không đâu thế! Mình thì giầu có gì cơ chứ!”. Chị bảo: “Thì có ai bắt đâu. Nhưng cả cơ quan một đống người mà trụi thùi lụi chỉ có cân đường hộp sữa. Cái mặt mình lúc đứng trước người bị ốm đau, trông cũng khó coi lắm”. 

À ra là vậy! Là chị tự nguyện! Thuở thanh nữ thì tình nguyện chăm sóc đàn em đông đúc giúp cha mẹ. Ở địa phương thì te tái giúp cộng đồng, ở cơ quan thì luôn le te giúp đồng nghiệp. Chị đang là người tự nguyện vác cây thánh giá cho thiên hạ. Như Đức Chúa Trời vui trong niềm vui được ban bánh Thánh thông minh. Sống như Lê Lợi - Nguyễn Trãi thời cùng chống quân Minh xâm lược “… Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Ngư Anh mà ở vào địa vị của chị, thể nào cô cũng tính toán so đo đủ vành đủ vẻ; dẫu có không đến mức chỉ bo bo cho riêng cá nhân mình thì cũng không thể cứ hồn nhiên vô ưu, vô tư, cứ như thể vẫn đang sống ở thuở cộng sản nguyên thủy vậy.

Nhưng chẳng lẽ Ngư Anh lại đi năn nỉ chị đừng sống một cách thiện lương, bao dung, nhân hậu, trong trẻo đến thế! Chẳng lẽ cô lại nghênh ngang khoe khoang rằng mình sống rất chi là ki bo, ti tiện, chỉ thiếu mỗi điều là chưa đến mức chà đạp lên kẻ khác để mà vị kỷ hại nhân - rồi mang cái “tấm gương sáng” ấy ra mà mời chị noi theo - để rồi chị sẽ nhìn cô ngỡ ngàng, kinh dị như thể nhìn một loài thú hai chân. Thôi thì cứ để mặc chị Hoàng Hạc được chân thiên như là không khí, hồn nhiên cống hiến vì muôn loài.

Cho nên mỗi khi nghe cái lời bài ca: “Thế là chị ơi! Rụng bông hoa gạo! Ô hay! Trời không nín gió cho ngày chị sinh...” (thơ Đoàn Thị Tảo; nhạc Trần Tiến), không hiểu sao Ngư Anh lại cứ nhớ đến chị. Mà không chỉ có nhớ suông thế, cô còn muốn môliphê (xuyên tạc) đi cái lời bài hát ấy để thành một cái đuôi lếu láo, mà nghe có vẻ rất xược đối với bà chị Hoàng Hạc đáng kính của cô rằng: “Ô hay! Trời cho lắm váy, để chị luôn thay…”.

Dẫu biết rằng Ngư Anh hát hò về chị nhố nhăng thế là rất hỗn, nhưng chị Hoàng Hạc vẫn tha thứ cho Ngư Anh, bởi chị rất biết đó là vì Ngư Anh đang cố giấu đi trong lòng nỗi xa xót thương chị. Xót chị mà chẳng có cách nào ngăn cản được bản chất hồn nhiên vị nhân của chị.

Dặm bụng vì ôm rơm vạ miệng. Hôm nay không biết chị lại ôm rơm xóm nhà hay rơm cơ quan đây!

Thế nên Ngư Anh chẳng còn biết nói gì hơn ngoài câu cảm thán đầy bi hài luôn dành cho chị: “Ô hay, trời cho lắm váy… để chị luôn thay!”.Nhưng câu “Ngửa váy hứng dừa” mới chỉ là một nửa của câu thành ngữ dân gian nguyên bản mà trước khi đem ra vận dụng vào ngôn từ của mình, người sử dụng đã xén bớt đi cho tế nhị. Nếu nói cho đầy đủ thì phần còn thiếu là:“Dừa đâu chẳng thấy nước đưa đầy L.”.

Cái câu thành ngữ đầy hình ảnh và rất chi lộng ngôn ấy của kho tàng ngôn ngữ dân gian Việt Nam, không phải Ngư Anh được các thầy cô dạy cho ở trong nhà trường; cũng chẳng phải do cô lọc được ra từ cái đống thiên kinh vạn quyển cô đang có trong tay (Ngư Anh làm thủ thư thư viện ở một viện nghiên cứu về văn hóa xã hội).

Mà, cái câu thành ngữ đầy chất sex hóm hỉnh, hài hước đến kinh dị ấy - Ngư Anh cũng không học được từ gia đình mình hoặc ai đó không thể nhớ được trong số ti tỉ gương mặt đã phất phơ thoảng qua mấy chục năm của cô nơi bể đời mênh mông này; dù rằng Ngư Anh có cả một quá khứ hào hùng hơn hai mươi năm chuyên buôn sách đầu đường xó chợ (Ý là cô muốn nói: cô làm thêm bằng cách đến các nhà xuất bản, mua những cuốn truyện tình ái mướt mát, những cuốn tạp chí tình tứ say đắm, và ghen tuông rùng rợn: “Hôn nhân và ly dị”, “Bọn đại ác sẽ bị tử hình”… các chuyên đề phóng sự nóng bỏng về cướp, giết, hiếp… đem đến tận tay các bà bán hàng xén, hàng tạp hóa ở bên đường hay các bà bán cá, bán thịt khi ế ẩm trong các chợ để kiếm một chút phần trăm phát hành phí).

Cái câu thành ngữ đầy vẻ tranh dân gian Đông Hồ ấy, chính là Ngư Anh thuổng được trong kho tàng tri thức văn học dân gian của chị Hoàng Hạc. Vì nhà chị ở ngay trong ngõ Chợ Khâm Thiên nên cái kho ngôn từ ấy của chị cực kỳ phong phú. Đủ các thể loại: thành ngữ, tục ngữ, ca dao, hò vè vô cùng đặc sắc, cực kỳ thú vị, đậm đặc chất phố phường đời thường, nhưng đã mang tính trí tuệ bác học vì được sàng lọc qua cái gien trâm anh và tinh tế của ông bà và cha mẹ có dòng dõi nhà Nho của chị…

Dù thân hình chẳng có điều kiện chăm sóc kỹ lưỡng đã đổ xuội đôi tháp ngà đầy kiêu hãnh; đường cong chữ S nuột nà trôi mất tăm; nhưng gương mặt chị Hoàng Hạc vẫn căng đầy; ánh hồng rực lên tươi rói đôi gò má. Cái tươi rói do nội lực thần thái hắt ánh trí tuệ ra bên ngoài đôi mắt đen láy, to tròn trên khuôn mặt hình trái đào. Và vẻ đào hoa vẫn long lanh nơi cung mày khóe mắt khi chị tung tẩy những câu đùa đầy ý nhị!

Cái kho ngôn từ, thành ngữ, tục ngữ cực lạ đầy phong phú ấy được chị Hoàng Hạc sử dụng vô cùng hóm hỉnh, uyển chuyển và nhuần nhuyễn, khiến Ngư Anh, vốn là một con mọt sách vẫn không khỏi choáng váng, ngỡ ngàng; phải thán phục mỗi khi nghe những câu chuyện của chị. Những câu chuyện vô cùng sinh động và duyên dáng, đầy từ ngữ hài hước, mà uyên thâm ấy đôi khi lại được chị điểm tô bằng một giai điệu nào đó với âm thanh vẫn vút lên cao vút, lảnh lót, trong vắt như một đặc ân riêng của Trời ban cho chị.

Vì vậy, nên với riêng trái tim Ngư Anh lúc nào chị Hoàng Hạc cũng là một HOA HẬU - một đóa hồng nhan nhân hậu và thông thái. Nhưng khi cô thổ lộ điều đó với chị, thì chị cười ngất, rồi buồn rầu than rằng: “Đóa cái gì! Chị chỉ còn là một búi! Búi hồng nhan ngơ ngác ven đường trần! Hay một hạt bụi hồng nhan bay trong cõi nhân gian đầy trắc trở!”.

Ngư Anh phản bác: “Chị khiêm tốn quá!”. Chị mỉm cười, ánh mắt lóe lên hóm hỉnh và tinh quái: “Nhưng các cụ vẫn dạy rằng: "Những bông lúa mảy là những bông trĩu xuống mà”. Đến lúc đó thì Ngư Anh mới thông tỏ: những người thông thái và tự trọng thường cúi xuống một cách khiêm cung mà kiêu hãnh! Cho nên họ thường bị những kẻ hãnh tiến, cơ hội lợi dụng trèo, đạp làm nền để tiến lên.

Giờ thì Ngư Anh phải sang với hạt bụi hồng nhan đầy kiêu hãnh của cô ngay thôi, hẳn đã phải có chuyện gì ghê lắm mới làm đau lòng được hạt bụi!

*

Khi Ngư Anh sang đến quán Thương thì thấy chị Hoàng Hạc ngồi một mình nơi ban công trông thật cô lẻ. Chị đang đăm đăm nhìn mà như không nhìn vào một cành sấu trĩu chít quả non xanh, nõn nà sà xuống như mời mọc ve vuốt.

Ngư Anh mỉm cười kéo ghế, lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh chị.

- Thế nào? Váy lại thủng vì cái gì nữa thế hả chị?

- Ôi, chuyện lúc sáng, điên lên định kể lể với em: Cái chuyện chị cho sinh viên thuê nhà em biết rồi! Một mụ hàng xóm vừa sáng ra đã đến đứng, cứ chõ vào trước cửa nhà chị chửi cạnh, chửi khóe suốt mấy tiếng đồng hồ rằng: “Kẻ nào định phá giá thị trường cho sinh viên thuê nhà trọ thì sang Trâu Quỳ mà ở nhé! Vào trại điên mà thể hiện nhân hậu với chả đạo đức…”.

Ngư Anh cười rú lên như bị cù. Cô cười đến chảy cả nước mắt, mãi không cầm được thân thể cứ rung lên vì cười.

Nhưng rồi cô cũng phải dừng lại vì không hiểu sao, cô thấy chị Hoàng Hạc không cười rũ rượi theo cô như mọi khi nếu chị lại mắc tội “Ngửa váy hứng dừa”. Mặt chị buồn ngơ ngác, ánh mắt thăm thẳm như long lanh nước.

- Chuyện đó là chị làm việc tốt, nhân nghĩa mà? - Ngư Anh cố kìm nén bản tính tự nhiên của mình rồi hỏi - Hàng xóm ghen tức thì giảm tiền xuống cho sinh viên để được nhân hậu như chị. Có gì đâu? So với bao chuyện “ngửa váy hứng dừa” của chị thì chuyện này chị chỉ có thiệt ít tiền nhưng lại được tiếng nhân hậu. Sao chị phải đau lòng thế ạ? - Cô xin được chia sẻ.

- Ừ, chuyện ấy chẳng nghĩa lý gì nữa rồi. Nó quá là vặt vãnh trong cả cuộc đời này… - Mãi rồi Hoàng Hạc cũng thốt nên lời. Giọng chị đầy biểu cảm - Chuyện khác cơ!...

- … Chuyện này đã xưa rồi, tưởng đã chết chìm trong quá vãng, nào ngờ hôm nay xác chết đội mồ sống dậy! - Chị Hoàng Hạc bỗng run run:

- Em biết không, cái lão người yêu cũ của chị ngày xưa chẳng hiểu sao bỗng có được số điện thoại của chị. Hắn vừa gọi điện nói: “Em thông cảm! Vợ anh hay ghen lắm. Bây giờ bà ấy chết rồi, anh mới dám gọi điện hỏi thăm vì được biết em vẫn sống một mình. Em thật là một người chị cả tuyệt vời. Anh được biết suốt bao năm em đã không lấy chồng, chung vai gánh vác cùng cha mẹ nuôi đàn em nhỏ đến khi trưởng thành... –

Rồi hắn lại vừa cả gan nói với chị rằng - Thú thật, hồi ấy anh vẫn yêu em lắm. Yêu em rất nhiều. Em thật xinh đẹp, dịu hiền và tốt bụng. Nhưng chưa bao giờ trong đầu anh có ý nghĩ sẽ lấy em làm vợ. Bởi vì hai bố mẹ em quá nghèo lại già, lại còn có cả một đàn em lít nhít đến 5 đứa nữa. Cả hai cụ đều sáu, bảy mươi tuổi rồi.

Mẹ anh bảo: “Hai cụ tuổi ấy có về nhà đó thì con chỉ có gánh vác ốm đau, tang ma của hai cụ ấy, chứ còn nhờ vả được gì. Lại còn thêm một lũ em nheo nhóc của con bé ấy quấn bíu nữa chứ. Lấy nó thì đời con tan nát chứ còn gì”. Nhất là khi nghe tin em bị tai nạn què chân. Mẹ anh dứt khoát không cho anh đến gặp em nữa. Mẹ anh muốn anh đi ngay vào Sài Gòn lấy con gái của ông Giám đốc cơ quan để anh còn có cơ phát triển sự nghiệp...”.

Thảo nào khi chị bị tai nạn là hắn lặn một hơi, rồi sau này viết thư báo rằng đã phải đột xuất đi biệt phái dài hạn ba năm ở đảo Bình Ba tít trong Khánh Hòa. Nhưng cái chính là chỉ bây giờ chị mới biết là: sau đấy ba tháng hắn mới vào trong thành phố Hồ Chí Minh cưới vợ, rồi ở luôn trong đó.

Vậy thì suốt ba năm ấy, chị cứ tưởng hắn ở Khánh Hòa, chị thương hắn một thân một mình đói khát, thiếu thốn giữa những người xa lạ, chị hay gom góp những món quà cáp gửi vào Khánh Hòa cho người yêu. Những món quà tuy bé mọn, mảnh vải simili may quần, cái khăn phu la của Pháp, những hộp kẹo ngoại, những cân bánh quy chị làm bằng cách chắt bớt những tiêu chuẩn đường của mình và cha mẹ, các em. Những món quà thấm đẫm tình yêu của chị suốt ba năm ấy, ai đã nhận và dùng thay hắn? Trong khi đó, suốt ba năm ấy vì tin tưởng vào một tình yêu thánh thiện chị đã chung thủy chờ đợi hắn, mà bỏ lỡ biết bao cơ hội để có hạnh phúc cho riêng mình! - Chị quay đi lén chấm khăn lau mắt.

 - Ơ! Vậy mà hắn vẫn còn dám trơ tráo dám gọi điện cho chị? - Ngư Anh giận dữ nghiến răng.

- Hắn bảo: không hiểu sao, bây giờ vợ chết rồi, những lúc cô đơn anh cứ thấy nhớ em, nhớ em quay quắt không chịu được. Hắn bảo hắn muốn quay lại với chị.

- Ha ha ha! Đồ điên khùng! - Ngư Anh cười ré lên - Thế chị bảo sao?

- Chị chả bảo sao. Chị chỉ thấy chán như cơm nếp nát nên tắt điện thoại không nghe nữa.

Không hiểu sao những lúc như thế này, ngắm chị, Ngư Anh lại bỗng thấy bà chị thân thương của mình trông cứ giống như con chim hạc chân bị gắn vào lưng rùa ở trong các đình, chùa. Con chim hạc dáng vóc thanh cao có đầu đội vương miện, miệng ngậm ngọc luôn ngửa mặt ngóng lên trời cao xanh thăm thẳm với khát vọng vỗ cánh bay lên về với bầy Tiên sống vô tư, vô ưu nơi Bồng lai tiên cảnh. Con chim hạc như đôi chim hạc trong thơ của Thế Lữ “Trời cao xanh ngắt.

Ô kìa! Đôi con hạc trắng bay về Bồng lai”. Nhưng vĩnh viễn khát vọng chỉ là khát vọng. Vì than ôi, chân hạc không hiểu sao lại hóa hòn đá tảng hình rùa để bị ghìm lại nơi cõi trần tục, ô trọc này. Có phải triết lý Phương Đông đã nhìn thấu những phận đời thanh cao như chị, luôn quên mình hỉ xả vị nhân; những phận đời cô đơn như lạc lõng giữa cõi đời này mà an ủi cho bớt cay đắng bằng một hình tượng HẠC đẹp như tôn vinh?

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Anh Thư
.
.