Kiệu Xuân

Thứ Sáu, 19/02/2016, 07:51
Ông nội khe khẽ rót rượu từ quả bầu ra các chén. Những cái chén nhỏ như mắt trâu lưng lửng chút rượu thơm được chuyền tay, chia đều tới các góc chiếu. Bữa cỗ cúng cơm mới đầy ắp bánh trái và những thứ ngon, xôi chim thơm ngậy chưa ăn đã biết dẻo bùi. Thủy hăm hở nhấc gắp cá nướng hạt dổi thơm nức nhưng mẹ đưa bàn tay ý chừng chặn lại. 

- Kệ. Cái kiêng ấy chỉ tính từ sau mùa cơm mới thôi - Ông nội nói thủng thẳng, tay châm vào chén Thủy thêm tí rượu.

 Mẹ nhìn sang bố, bố gật đầu:

- Đúng đấy, chỉ giữ mình trước ba tuần trăng là được.

Thủy cũng đã biết vì sao mà mình phải kiêng rồi. Các lão trong bản đã tụ họp và nhắm từ mùa đào tàn hoa năm ngoái đến năm nay, trong chục đứa trai đèm đẹp của bản chỉ chọn ra được bốn đứa ưng cái mắt nhất, trong đó có Thủy. Ban nãy lễ cơm mới, ông nội đã vừa báo với tổ tiên là năm nay đứa cháu lại được vào đội rước thần núi. Thế là dòng họ nhà ta có phúc, ngày trước là bố, rồi anh trai, giờ đến lượt Thủy cũng được bản chọn. Anh trai ngồi bên cạnh liền véo cho Thủy một miếng cá lớn, nháy mắt cười cười. Xôi cá ngọt lừ cứ tuồn tuột đi vào bụng. Hẵng cứ chén đã, tính sau. Từ giờ đến hết mùa cơm mới vẫn còn già nửa tháng, chưa phải nhịn gì cả.

Mẹ vui lắm, đi đâu cũng khoe. Các thím, các mế cứ nhìn ngắm đứa trai vừa lớn mà xuýt xoa: “Ái! Sướng thế. Có con nên nhỉ!”. Mũi mẹ phồng lên, mắt mẹ ươn ướt vui, còn Thủy đã cao lớn tồng ngồng, đi cùng mẹ lắm lúc phát ngượng. Bố chẳng nói gì, còn anh trai biết vậy đôi khi nhìn Thủy như thể bảo: “Rồi sẽ biết”.

*

Kiệu rước ông thần núi cũng đã được sơn sửa lại, đích thân bố đã vót đinh tre già để nêm lại các mộng đòn khiêng cho chắc. Mà kiệu thì chẳng năm nào không va vấp vào cây, đá, lao xuống suối hay có bận còn vật ngửa giữa ruộng. Ông nội Thủy là thày mo nên năm nào cũng làm chủ lễ, từ sau tết bộ quần áo lễ đã được ông đem ra treo cho thẳng cùng với bộ đồ cúng cộm lên trong túi vải đỏ trên vách sàn.

Trời còn sương giăng, gà chưa gọi sáng đã thấy ông nội lọm cọm áo xống, bố đã sắp xong mâm cúng, còn Thủy thì bị giục tắm táp lá thơm chuẩn bị đội lễ ra làng. Trên những chiếc chiếu rải kín lòng sàn bương là la liệt mâm lễ của các nhà gốc trong bản. Mỗi nhà một lễ, mâm nào cũng đầy ăm ắp rượu thịt và xôi ngũ sắc, bánh trái và hoa quả. Những chóp nón bằng lá chuối quấn phễu nhọn úp lên trên để che đậy thức ăn nhấp nhô như rừng măng rất đẹp. Thủy ngồi ở gian giữa cùng với ba đứa trai mặc áo đỏ buộc tênh vàng và ông nội cũng mặc áo chùng đỏ, đội mũ đỏ. Ông nội khom lưng sắp lễ trên ban thờ, Thủy ngắm ông từ đằng sau và tưởng tượng dáng của bố sau này cũng như thế với bộ áo chùng đỏ.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Màu đỏ gợi nhớ tới màu quả ớt chín, ban nãy ở trên sân khấu ngoài sân kho Thủy đã nhìn thấy Mận ở trong đội văn nghệ, Mận tô son môi đỏ mọng. Đã bảo là đầu óc từ giờ phút này không được nghĩ đến nó nữa nhưng chẳng hiểu sao hình ảnh Mận cứ rõ mồn một với mái tóc dài chấm kheo chân mềm mại trong bộ váy nhung đen, áo cóm trắng, mũ trắng. Chưa bao giờ Thủy được thấy Mận mặc váy. Thường thì là quần bò với áo các loại, nhưng quả thật lúc ngắm cái dáng người trong váy áo truyền thống mới thấy hết vẻ đẹp của con gái, cứ lượn mềm như sông như suối, căng như gối bông lau.

Khi ấy, dàn cồng chiêng khai hội rộn lên và ngoài sân bãi người đông nghìn nghịt nói cười mà Thủy chẳng nghe thấy gì, chẳng nhìn thấy ai ngoài Mận đang dẫn chương trình. Miệng ấy, mắt ấy cứ đung đưa, không trách Thủy cứ thấy tiếng khánh ngân nga trong ngực...

Đã vào lễ chính. Ông nội bắt đầu bài mo với một hồi chuông mời thần về ngự. Cây quạt giấy thong thả phe phất theo lời mo ngân nga, mo kể chuyện thần núi về lập làng, ban nước cấy lúa, cho lanh mượt sợi, cho ngô chen đá, người mến người. Thần diệt con moong ác, đuổi con thú dữ, ban cho núi nhiều măng suối lắm cá... Thủy xếp bằng ngồi nghe nhưng câu ở câu buông. Chả biết ba đứa trai kia nghe gì không mà mặt cũng lặng phắc. Thẻ tre tung lên xin đài, tới lượt thứ ba chưa được. Ông nội lại khấn lại từ đầu, chắc có gì đó mà thần còn chưa đồng ý? Hay là lợn lễ không giống mọi năm?

Trong bốn người được chọn, người ta đã dặn là phải kiêng dữ lắm, kiêng không được ăn thịt cá và uống rượu, kiêng không được nói lời xấu, không được làm việc xấu và hằng ngày phải tắm rửa sạch sẽ... Những thứ ấy thì hầu hết mấy đứa trai kia đều làm được thôi. Thủy chỉ lo một cái thứ còn lại là trong ba tuần trăng trước đám lễ thì chỉ ở nhà, không được dính hơi đứa gái nào. Nếu không kiêng được thì khi rước kiệu thần núi sẽ hành cho đến nơi đến chốn.

Thủy cũng hay đi xem rước, thường thấy kiệu bị chạy khắp nơi băng qua đồi cao gò thấp, bổ nhào qua cả đám bụi gai mây, đè gẫy cả búi lau lách mà bay. Kiệu xô vào đám người nào đám ấy chạy rẽ ra, rơi cả dép guốc, vừa sợ vừa thích. Người ta bảo cứ nhìn mấy đứa rước thần, đứa nào chưa tịnh thì biết ngay, kiệu cứ góc ấy mà sụp xuống... Thủy cũng thấy lo lo. Một nỗi lo mơ hồ.

Hương đã được châm lên trên bát lớn trên kiệu đặt giữa sân. Giữa làn khói hương nghi ngút, Thủy cảm thấy như đã có thần rừng về ngồi trên đó. Một rừng mắt người xung quanh lặng phắc chờ đợi. Ba đứa trai kia đã đứng gần ba chân kiệu, đứa nào cũng tay trần, cơ bắp mới nhú trên cánh tay còn đang mượt lông tơ. Vồng ngực non cũng vừa vặn phồng lên sau lớp áo lụa đỏ đủ hút mắt những đứa gái bản xa bản gần. Thủy tự dặn lòng sẽ phải cố nhấc kiệu thật nhanh và mạnh. Nhất định thế. Hồi cồng ngân vang. Kiệu bắt đầu bay. 

Chân đã nhấc lên, đầu đã chỉ hướng cho chân đi theo con đường đất rồi vòng quanh làng một vòng để thần rừng thăm thú đồng bãi ban mùa màng cho đất đai. Chợt đòn kiệu đè vai nặng như tảng đá găm chân Thủy xuống giữa bãi cỏ. Kiệu bắt đầu quay, người ta chạy rẽ ra, tạo thành một vòng tròn. Thủy loáng thoáng thấy toàn mắt là mắt quanh mình, ba đứa trai nện chân rầm rập, bóng áo đỏ nhòe đi.  kiệu như cái lá vừa quay vừa ghì Thủy xuống.

Trong phút chốc đầu gối muốn sụm xuống. Tiếng reo hò nổi lên ào ào. Sắp sụp xuống đến nơi rồi, kiệu mà sụp, mọi người sẽ cười chê Thủy, ông nội và mẹ chắc đang lo lắm nhưng Thủy nghĩ người lo nhất vẫn là cái Mận, mọi người sẽ nhìn nó mà thêu ra mọi chuyện. Không thể gục ngã được. Thủy lấy hít hơi, lấy hết sức khom người bật đứng dậy như con tôm búng mình. Cái kiệu xô về phía kia, tiếng người ré lên, đám đông tõe ra rồi cứ thế phăm phăm theo phía con đường làng mà lao. Cả đám hội rầm rập chạy theo.

Chả hiểu thế nào mà kiệu  cứ nhao về phía thằng Hòa. Kiệu đang đi thẳng tự dưng lại bị dồn sang phía ấy leo lên nương nhà họ Bùi lổn nhổn toàn gốc sắn khô vừa qua vụ. Chân đứa nào cũng đau điếng tới tận óc. Kiệu qua đất nhà ai, đất ấy sẽ có lộc. Nhưng mà nhà họ Bùi thì lộc đã tới từ cuối năm cũ rồi còn gì, năm nay được vụ sắn cao sản nhà nào cũng bộn tiền, ăn tết to lắm. Nương ấy chính là nhà bạn gái thằng Hòa chứ đâu xa.

Cái kiệu thì cứ đòi leo lên nương, thằng Hòa thì bị đẩy nghiêng, liêu xiêu, dúi dụi. Cho chừa. Vừa mới trước tết thấy nó với cái Liên mắt đong đưa tít lắm, các cụ thì không biết chứ cùng đám trai với nhau thì chả lạ. Cái Liên đi học ở huyện, tóc ruộm râu ngô non, da mặt đã trắng lại lông mày đen, môi không mòng mọng như trái ớt của Mận mà cứ đỏ nhức cả mắt.

Thằng Hai “trọc” có bận lỡ mồm chê đó là “màu tiết canh, có cho không dám... hôn” suýt bị thằng Hòa tẩn cho. May mà Hòa được chọn vào đội rước, mà đã ở đội rước thì phải giữ gìn, ai lại oánh nhau bao giờ... Chả biết hai đứa có dính hơi nhau không chứ cái kiệu hôm nay thì cứ góc thằng Hòa mà dúi dụi. Mặt nó thì đỏ lên, còn Thủy cũng lấm tấm mồ hôi.

Hết nương sắn, kiệu bị đổi hướng lao về góc thằng Linh. Linh dòe cẳng chống mà cứ đi ngang như cua bò, Thủy khiêng sau Linh, cố lái cho đúng đường mà không được. Kiệu khiêng bằng vai, mắt bị che khuất chả thấy gì, trước mặt thì rặt là người, kiệu phi đến đâu người rẽ đến đó, nhìn ra thì đã tới khe suối mà không phanh được nữa. Kiệu lao xòm xọp xuống nước. Đấy là cái khe ông Đùng, mùa này cạn tới đầu gối. Năm ngoái mùa khô cạn nước nên không có nhiều cá chứ mọi năm cả bản tha hồ mà bắt về để ăn tết. Chỉ cần chặn khúc suối lại tát cạn rồi bắt chia nhau, món này thằng Linh thạo nhất trong đám, năm nào nó cũng được nhiều cá nhất.

Kiệu quay lùm bùm quanh thằng Linh, Thủy muốn dừng mà kiệu cứ bay đành phải thuận theo. Chân cũng mỏi quá rồi, vừa dẵm gộc sắn lồ cồ trên đồi, lao xuống triền dốc đã chùn chân, mỏi vai giờ chỉ muốn khụy xuống. Kiệu quay cũng chậm dần, người dân đứng trên bờ đường reo hò cổ vũ. Vài đứa trẻ nghịch men xuống tận khe nước xem, bị nước bắn tóe vào ướt cả áo quần mà cũng chẳng sợ. Người thì bảo thần đi thăm tôm cá, người xì xào chắc các giai bị ngài ấy “giam” xuống nước vì không kiêng được. Đám con gái cười rúc rích nhìn bốn “hoàng tử” đang đứng im dưới lòng suối, nước lắp xắp dính bắp đùi, mồm há ra mà thở như cá ngáp.

Thủy mỏi chân quá, muốn gánh kiệu lên khỏi nước mà ba đứa kia ì ra nên kiệu chẳng nhúc nhích, chỉ kênh lên một tẹo. Mà khi kiệu kênh lên, tự dưng thấy nhẹ hơn nhiều. Thằng Linh cũng đứng thẳng, nhấc kiệu cao lên theo, cái kiệu nghiêng hẳn sang phe thằng Hòa. Ngay lập tức, phía trái lại dềnh lên vật ngước lại, đè vai Thủy với thằng Linh xuống. Linh ngoảnh đầu, một cái nháy mắt, hai đứa ăn ý lật lại nhanh chóng không bên nào chịu bên nào... thế là cái kiệu như người xênh võng cứ nghiêng qua nghiêng lại liên tục, ngày càng mạnh. Đám đông reo hò rầm trời bảo điềm đó là thần đang cười, rồi năm nay nước nhiều ăm ắp ruộng cao ruộng thấp.

Kiệu đi bên bờ đầm đầy bèo hoa dâu tim tím mùa lạnh. Kiệu bay dưới những tím ngát lộc nhãn vải, hồng rực hoa đào muộn và gọi mùi hương chanh hương bưởi thơm dịu, đạp trên đám lá ngải nồng nồng. Kiệu lao qua vồng khoai bãi đậu, đàn sáo đá bay tóe lên rồi lại đáp xuống đồng xa, tiếng líu ríu tan vào tiếng cồng chiêng văng vẳng... chỉ còn một đoạn nữa là đi đủ quanh một vòng khắp bản, kiệu sẽ về đến gốc đa, nghỉ ở đó rồi thủng thẳng đưa thần về sân, hạ kiệu. Chân Thủy cũng chùn và vai đã đau rã rời, sắp sửa không chịu được nữa. Chỉ cần chùng chân xuống là sẽ bị ghì không thể nhấc lên được, thế nên phải gồng lưng, bặm môi cố hết sức mà chạy, bóng gốc đa đã ở cuối con dốc kia rồi. Mận chắc đang đón đợi ở đó.

Chợt nghe sụt một cái rồi nhói lên tận óc, người như hẫng một chân, giẵm lên mặt đất mà không còn cảm giác. Kiệu nước rút thì cứ vùn vụt bay cuốn Thủy theo không sao dừng được. Sắp không chịu được nữa rồi, nhưng nếu buông kiệu lúc này thì bao nhiêu con mắt đang chờ đợi, bao nhiêu con mắt dò xét, nghi ngại. Rồi ông nội, bố mẹ và đám bạn sẽ nghĩ Thủy thế nào nhỉ... Nhất là cái Mận. Thủy như đi không phải bằng đôi chân mà bằng cái đầu, quai hàm bạnh ra ngực nén hơi và toàn thân như bốc cháy...

*

Mận đã hát xong, Thủy dúi nắm hoa cải vơ vội bên vườn tặng Mận, nhân lúc mọi người mải xem đám thanh niên hai làng giao lưu trên sân khấu liền kéo tay, tuột ra phía cánh gà. Hai đứa ngồi trên gờ đá xa xa sau phông sân khấu, nơi ánh đèn hắt qua tấm vải xanh dìu dịu, đủ tối đủ sáng để nhìn thấy mặt nhau. Mận diện bộ đồ văn nghệ, áo cóm váy nhung. Tối trời nhưng những kim tuyến thêu áo yếm vẫn bắt ánh điện lấp lánh bí ẩn trên vòm ngực. Thủy ngượng nghịu trong bộ quân phục xanh vừa được phát còn sột soạt nước hồ.

Đêm nay xã tổ chức văn nghệ chia tay, trong mấy người ngày mai lên đường ở bản có Thủy với thằng Hòa, đã được các cụ chọn đi khiêng kiệu thì an tâm khám sơ tuyển. May mà cái chân bị trẹo đá do vấp khi khiêng kiệu dạo nọ cũng đã khỏi. Khi ấy, chẳng hiểu sức mạnh ở đâu ra mà đặt được kiệu xuống an toàn rồi Thủy mới chịu để cho người ta dìu ra chiếu nghỉ. Mảnh đá cứa lòng chân Thủy sâu hoắm, tứa máu. Còn cái chân sưng tấy bong gân phải nhờ bố thằng Hai ''trọc'' cho mật gấu về bóp. Nhưng mà Thủy khỏi nhanh là vì được Mận ngày ngày đem lá thuốc hơ nóng rồi chườm bằng bàn tay mềm mại, hai bàn tay mát như bột nếp bánh uôi...

Mận ngồi cạnh chẳng biết nói gì, tay vân vê chùm hoa cải rồi nhớ ra:

- Chân khỏi hẳn chưa?

- Rồi, chỉ muốn... đau chân nữa thôi! -Thủy nắm bàn tay Mận bé nhỏ, ấp trong bàn tay mình.

- Đau nữa thì ứ thèm thương. Chân nhớ phải khỏe để lên đường. Đừng như hôm rước kiệu nữa nhé.

- Biết thế hồi đấy... ứ thèm nhịn - Thủy buột mồm.

- Nhịn gì cơ...?

Thủy nắm chặt bàn tay Mận cười tủm. Nhớ dạo trước tết, người lớn dặn phải kiêng đủ thứ, nhất là đừng dính hơi đứa gái. Nhà đã cử anh trai trông nom Thủy, nhưng lâu quá không gặp cái Mận, người Thủy như bị ma ám bứt rứt không yên. Nhân lúc cả nhà kéo nhau đi ăn cỗ cuối năm ở nhà ngoại, Thủy lẻn khỏi nhà, chạy một lèo sang nhà Mận. Khi ấy Mận đang ngồi đồ bánh chèo kéo dưới bếp, má hây hây ánh lửa, môi đỏ mọng như trái ớt chín làm Thủy thấy trống ngực thình thịch. Ngồi bên nhau mãi tới khi những cái bánh đồ chín đã treo lủng lẳng trên sào thì Thủy phải về... Ra đến cổng, vấp thế nào chúi vào nhau, Mận ấm nóng trong tay Thủy như bánh trên bếp. Mắt gần quá, môi gần quá, tóc thơm hoa bưởi làm Thủy cứng đờ người. Thế rồi lúc gần chạm tới trái ớt chín, lời ông nội dặn lại vang lên. Thế là Thủy chỉ kịp bảo: “Thủy về nhé, mai mốt còn phải rước kiệu...”, rồi chạy một mạch. Vừa chạy vừa phanh áo cho gió lạnh ùa vào làm nguội than nóng. Tới nhà một lát thì cả nhà cũng về tới nơi. Thủy vắt tay lên trán nghĩ tới trái ớt đỏ, chợt ước gì mình khi trước không được chọn rước kiệu...

- Nhịn thế này này... - Thủy thì thầm rồi khẽ hôn lên tóc Mận.

- Lạ nhỉ, kiêng thế vẫn bị thần rừng quở phạt là sao nhỉ? - Mận cười rúc rích nghiêng đầu vào vai áo xanh.

Thủy biết rồi, nhưng không nói đâu. Anh trai sau này mới bảo Thủy kiêng hay không kiêng thì kiệu vẫn cứ lao phầm phập. Người khiêng có nhìn thấy gì đâu, mạnh ai nấy chạy nên kiệu khi xô bên này, lúc láng bên kia. Ai cũng lo mình bị kiệu “đè” vì thứ nhất là vừa nặng, mệt, thứ hai là sẽ bị người làng xì xào là chưa kiêng kị. Mà càng đứa “vi phạm” thì càng lo, nên cứ cố vươn lên mà đè đứa khác. Có lẽ thế nên Thủy mới bị chùn chân ngay từ khi khởi kiệu, bị chúng nó xoay cho chóng cả mặt. Mà năm nào dân làng cũng thích kiệu phải lao khắp nơi, người đi xem vừa chạy rầm rập mất cả guốc dép, ngã chồng lên nhau, bẩn cả áo quần thì mới thích...

Ánh điện mờ mờ, Thủy nâng khuôn mặt Mận thật gần để nhìn đôi mắt như dòng suối mát. Hai người bện vào nhau như cặp bánh chèo kéo, nóng hổi. Họ uống rượu từ môi nhau, trên đầu vương đầy những cánh hoa xoan thơm hăng hắc và những sợi mưa tơ rắc bụi.

Mưa ấm thế này, mai kia mạ vừa cấy sẽ dệt kín màu xanh nõn trên tấm phà nâu đất ruộng. Thần núi đã ban cho đồng bãi mùa màng tươi tốt, cho mùa người thương nhau. Cả hai đều tin như thế.

Truyện ngắn của Hạnh Trần
.
.