Khu vườn mưa ngâu

Thứ Sáu, 21/09/2018, 07:28
Trước khi chồng ra khỏi phòng ngủ, Tĩnh vẫn ngồi im trên giường nhìn ra cửa sổ mưa nhòe nhoẹt. Đợi đến khi gót chân cuối của chồng nhấc ra khỏi khung cửa phòng, Tĩnh mới lên tiếng: “Anh! Mai đưa em về quê!”.  Tiếng “Ừ” rơi lại đằng sau bước chân nhẹ của chồng.

Tháng bảy âm lịch mưa nhiều, mưa dai, mưa ủ ê... Dân gian gọi là mưa ngâu. Cái tháng buồn tủi tâm can, đau nhức xương tủy là đây. Tĩnh mở mắt sau một đêm ngon giấc. Cửa sổ ướt nhòe nước. Trên khuôn mặt nhầu mệt không phải là ngái ngủ mà có vẻ thất thần. Chồng Tĩnh hỏi: “Sao thế? Em mơ thấy bà nội, thấy dì, thấy mợ”. Chồng Tĩnh im lặng. Những người đã khuất ấy mà.

Trước khi chồng ra khỏi phòng ngủ, Tĩnh vẫn ngồi im trên giường nhìn ra cửa sổ mưa nhòe nhoẹt. Đợi đến khi gót chân cuối của chồng nhấc ra khỏi khung cửa phòng, Tĩnh mới lên tiếng: “Anh! Mai đưa em về quê!”.  Tiếng “Ừ” rơi lại đằng sau bước chân nhẹ của chồng.

Lúc lấy Tĩnh, chồng Tĩnh và gia đình bên chồng có vất vả hơn một chút; là ngoài mấy cái sính lễ ở dưới thành phố, họ còn phải mang sính lễ nho nhỏ về quê - quê của bố Tĩnh (mà gọi là nguyên quán của Tĩnh) để thắp hương cho gia tiên bên nội, và một cái nữa bên đàng ngoại. Nhưng họ không nề hà mà cảm thấy vui vì đây đúng là gia đình có truyền thống. Xá gì mấy cái quãng đường đi ôtô làm mẹ chồng Tĩnh say ngất ngư, bà cô chồng cũng gật gù không kém. Nhưng lấy được vợ cho con thời nay vất vả một tí nhưng mà vui.

Quê Tĩnh ven thành thị nên không xa là mấy. Trong khi, người lớn cười nói, bàn chuyện cưới xin trong mấy gian nhà cũ ở quê nội, Tĩnh dẫn chồng sắp cưới ra vườn chè xanh mướt bên nhà. 

Mùa ấy vải thiều cũng đã kết trái nhu nhú. Sau một cơn mưa vừa xong, đồi cây mát rượt, sỏi son cứ sáng bóng sạch sẽ. Tĩnh bỏ dép ra, đặt chân xuống nền sỏi trong vườn quê, sung sướng chỉ cho chồng sắp cưới những kỷ niệm tuổi thơ của mình bên những bóng chè xanh. Anh cũng là người ở nông thôn, thế là hai đứa thi nhau khoe kỷ niệm ở quê. Dắt tay nhau đi khắp đồi vườn, tâm trạng vui sướng trong màu xanh bạt ngàn, bất chợt Tĩnh bảo:

- Em là trưởng nữ đấy, sau này nếu được chia của, em chỉ xin vườn chè cổ này thôi anh ạ!

Chồng Tĩnh làm trong một doanh nghiệp lớn. Anh cười bảo:

- Xin một mảnh vườn này thì bê để vào đâu. Thế thì xin làm gì. Đất này không nên chia chác làm gì. Cứ để nguyên cả mảnh to thế này, mọi người cho thuê công xưởng rồi cùng hưởng chung là tốt hơn cả. Em là gái chắc gì đã được hưởng gì…

- Hứ, đất này của ông nội em. Bố em là con ông nội. Em là con bố em. Mà ông nội em chỉ có mỗi bố em. Đất này chả của em sau này thì của ai?

Tĩnh dẫn chồng tương lai đi ra thăm mộ bà nội. Tĩnh thủ thỉ kể với chồng: “Ngày bé, em hay về ở với bà nội lắm. Những đứa bạn thân em đều biết nhà bà nội. Lúc lên 14, 15 tuổi, bọn em hay đạp xe về thăm bà. Mùa mít thì ôi thôi là sướng nhá. Bà lại trồng một dàn mướp ngay cạnh giếng nước. Lá mướp to như cái đĩa sứ, ram ráp một mặt để lau nhựa mít…

Nói đến đây, Tĩnh đảo mắt tìm cây mít xưa để chứng tỏ với chồng tương lai là mình đã từng biết trèo lên cây mít lên vặt quả chứ chẳng thua kém gì. Nhưng cây mít ấy không còn trong khoảnh vườn nữa. Lúc ông nội Tĩnh ốm, ông chú nội - em ruột của ông nội ấy, đã tranh thủ về chặt nó đi, để nhỡ mà ông nội Tĩnh có không qua khỏi thì sau khỏi phải xin thằng cháu. 

Cây mít hạ xuống, búi tre làm hàng rào quanh nhà hạ xuống. Bố Tĩnh lại phải mất vài tuần về xây tường cây. Mẹ Tĩnh cằn nhằn, nhà đang có người ốm nằm viện, tự dưng phải đầu tư một khoản tiền không đâu. Cây cối cứ thoắt một cái biến mất sau mỗi lần ông chú về thăm nom đất tổ tiên. Mỗi lần chặt cây, hàng xóm đến xem, ông chú đều bảo: “Cái chỗ này ngày xưa các cụ trồng, không chặt đi cớm cây khác”. “Ừ thì cụ trồng nhưng cụ có cho không thì ai mà biết được. Không ai chăm nom thì cây có mà nhớn khối ấy. Tấc đất giọt máu đó!” - Bà chị họ ở đầu làng nhổ toẹt một bãi nước trầu đỏ lòe xuống trước mặt ông chú bảo vậy. Vì bà tức là chặt xuống một đống tre to, bà xin có một cây về bắc cái chuồng bò chống mưa bão, ông chú không đồng ý, cho hết lên xe chở đi. 

Thế là, cả làng đều biết nhà này có một ông chú - em ông nội tham khét tiếng và ông anh thì đần độn thổ. Có tí của ông cha để lại, con không cho, đi cho thằng em. Tiếng thì kệ tiếng. Con ông anh không có cháu trai, lấy đâu người cúng tổ tiên. Đầu tư vào cái chỗ không có tương lai khi sang thế giới bên kia thì đầu tư làm gì!

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Hai đứa đã đến gần mộ bà nội. Mộ bà màu trắng nổi lên giữa đám cỏ xanh bời. Tĩnh cầm tay chồng chưa cưới đặt lên trước mộ, nói: “Bà ơi, đây là chồng cháu đấy nhé!”. Chồng Tĩnh vái ba vái, rồi lấy tay nhổ vợi những cây dại mọc trên chỗ cắm hương. Hai đứa ra tay không nên chẳng có hương khói gì ngoài tấm lòng thành. 

Bất chợt, Tĩnh nhìn thẳng vào mắt chồng sắp cưới, bảo: “Bà nội em cả đời làm vợ mà không được chồng yêu đâu. Bà lấy ông lúc ông 8 tuổi, bà 13 tuổi đấy…Hồi bé em về đây ở, em biết hết đấy”. Chồng Tĩnh cảm động nói: “Ừ ngày xưa các cụ mới thế thôi!”.

*

Hôm ấy, Tĩnh nhận được điện thoại của chồng hẹn khoảng 5 giờ chiều sẽ đi làm về sớm để về quê. Chồng Tĩnh cũng muốn làm yên lòng vợ. Nhất là cái việc lễ nghĩa truyền thống là anh không nề hà. Tĩnh tất tả ra chợ mua mấy thứ đồ mã, nào bộ quần áo cho bà nội, nón, cả một bộ đồ dùng bằng giấy cơi đựng trầu đến vòng xuyến. Đúng là trần sao âm vậy, chả thiếu gì. Tĩnh mua thêm cả hai bộ quần áo cho cụ ông, cụ bà nữa. Hoa quả vàng mã đủ cả một làn.

Tĩnh không báo cho bố mẹ biết là mình về quê. Ngôi nhà ở quê tuy không ai ở nhưng hàng tuần, bố mẹ Tĩnh vẫn về quét dọn, ngày tư, ngày rằm đều hương khói đầy đủ. Con cháu ai về cũng có thể vào nhà thắp hương cho các cụ, bởi chìa khóa cổng thì gửi nhà người cháu họ bên cạnh. Còn chùm chìa khóa cửa nhà trên nhà dưới thì để treo ở một chỗ phía trong cửa sổ, thò tay là với được ngay.

Có lần ông nội cứ thở dài bảo rằng: “Giá mà có thằng đích tôn thì yên tâm”. Mẹ Tĩnh cũng đanh đá cãi lại: “Ông xem, nhà người ta có con trai đấy, nhưng thằng thì nghiện, thằng thất nghiệp ngồi ngáp ruồi kia kìa, con trai thế thì sướng gì cơ mà ông thích cháu trai. Chết rồi, biết ăn được gì mà cúng. Cỗ cúng là làm cho người sống ăn cho sướng miệng chứ người chết thì hít nước miếng”.

Nông thôn mới có khác, đường đổ hết nhựa lại đến đoạn làm bê tông, xe ôtô mới tậu của vợ chồng Tĩnh chạy bon bon. Thỉnh thoảng Tĩnh lại nhắc chồng, cẩn thận chỗ lối ngã tư, người làng hay đi xe máy phóng qua đấy. Nhỡ có chuyện lại mệt! Tĩnh lại kể, chỗ dưới đồng kia, mùa hè hồi bé, em đi mót lạc với bà nội đấy. Sướng lắm! Ở cái ao đầu làng này này, em đi mò trai hến với bà đấy. Đùa với đàn vịt trong ao về còn bị ngứa nghẻ một trận sợ hãi hồn… Bao nhiêu kỷ niệm thời thơ bé của Tĩnh cứ ùa về. Làng quê trong mắt Tĩnh đẹp ngời ngời.

Cánh cổng khóa im ỉm, Tĩnh nhớ lời mẹ dặn, chạy sang nhà cô Màu hỏi chìa khóa cổng. Cô Màu chỏ vào phía cửa nhà dưới: “Có thì nó ở đấy”. Tìm mãi không thấy. Tĩnh cứ hỏi, cô phát cáu. Thằng con nhà cô từ đâu đạp xe về, tóc bết mồ hôi, nhe răng cười làm sáng cả khuôn mặt đen nhẻm: “Chị Tĩnh ơi, tuần trước cụ Tâm về lấy chìa khóa rồi. Cụ bảo, cụ Chắt chị cho cả cái vườn đấy rồi nên cụ không cho ai vào nữa. Cụ sẽ về ở, sẽ xây nhà to như biệt thự bên kia kìa”.

Lời của thằng trẻ con khiến Tĩnh hụt hẫng. Tĩnh đặt chiếc làn đầy đồ nề mang về làm lễ xuống cạnh cổng, hai tay bám vào khung cổng sắt nhìn vào trong khu vườn xanh mướt. Cỏ lên lút lát phía bờ tường. Cái sân gạch nâu kia, dáng bà nội đầu đội nón mê, rê chân xuống tãi thóc từ đầu sân đến cuối sân để phơi thóc tranh thủ ngày nắng. Bà nội đã đi biết bao nhiêu đường rê chân gạt thóc phơi hết mùa này sang mùa khác nuôi những đứa em chồng ăn học. 

Trên cái sân ấy, ngày bé, Tĩnh đã nép sau cây bưởi già nhìn thấy, nghe thấy biết bao nhiêu lần tiếng quát tháo của người già, tiếng mâm rơi, bát vỡ…Dưới giàn nho, ông nội bắc cái võng đung đưa, phe phẩy quạt chờ thêm cơn gió mát. Mắt ông lim dim theo tiếng đài cứ âm âm, vang vang giọng ca cổ truyền. Bố Tĩnh loanh quanh ra bờ tre một lúc sau đã tìm được đoạn tre ngà làm cần câu cá buổi chiều. 

Buổi tối, trăng lững lờ ẩn sau đám mây, Tĩnh sợ con chão chuộc sau mưa kêu lắm, cứ quấn lấy chân bà nội…Một lúc sau, bà sai trải chiếu ra sân để ăn khoai luộc. Ông bà có đôi khi cãi nhau to lắm, bát đũa văng loảng xoảng cả, nhưng riêng với Tĩnh lại không bao giờ mắng. Dù ông có đang tức giận đến đâu, Tĩnh đến gần ông hỏi han vài câu là ông lại dẫn Tĩnh đi vào trong làng xem mấy ông đánh cờ. Bà nội cũng nước mắt lưng tròng nhưng đêm đến ôm Tĩnh vào lòng hát ru mấy tiếng. Tĩnh là cầu nối duy nhất của hai người trong khu vườn rộng lớn ấy. 

Gọi là già nhưng có lần, cả họ họp lại ngăn không đồng ý cho ông lấy vợ hai. Ông bảo, tại ông lấy bà là oan nghiệp nên ông không có cháu nối dõi. Ông mới năm mươi chứ mấy, ông muốn lấy vợ nữa để sinh con, sinh cháu…Chuyện ấy rồi cũng qua, bà đã sang thiên cổ, ông đã mấy lần ốm suýt chết. Nhưng con người có số, muốn chết mà dễ ư! Có người phải sống để chịu cái bể khổ của cuộc đời. Có người chỉ vài cái hắt hơi là ra đi nhẹ tênh. Người ta bảo, ấy là nhân quả kiếp trần. Những mùa hè trong Tĩnh đã trôi đi trong khoảng sân kia như thế. Tĩnh đang nghĩ làm thế nào để vào được trong những gian nhà nhốt chặt ký ức tươi đẹp, hồn nhiên của mình.

Chồng Tĩnh thấy chiều tà dần mà vợ chưa hỏi được chìa khóa, sốt ruột bảo: “Không có chìa khóa vào nhà, thì ta đem ra mộ thắp hương cũng được”. Anh lầu bầu: “Lần sau về thì phải gọi điện hỏi trước chứ!”.

Vừa hay lúc ấy, bà cô họ từ đâu hiện ra ngay sau hỏi:

- Đứa nào mà trông xinh tươi thế này? Con Tĩnh à? Về lúc nào thế cháu?

- Dạ cháu về thắp hương cho bà nội. Đêm qua mơ thấy bà nội, cháu nhớ bà quá.

- Ừ, phải, tháng này là tháng cô hồn. Bà mày về thật đấy. Bà mày thiêng lắm đấy nhá.

Tĩnh buồn buồn kể:

- Cháu không có chìa khóa vào nhà, nên phải ra mộ thắp hương cho bà ạ.

Bà cô họ nói thì thầm như đi ăn trộm: “Đây, theo tao, đi lối này vào nhà”. Tĩnh xách cái làn đi theo sau bà cô vòng ra phía đường sau vườn. Bà cô họ xăng sái vạch ra một cái lõng nhỏ, bảo chui qua đây vào nhà. Vào được đến vườn nhà thì lại không thấy chùm chìa khóa treo tại cái mỏm cửa của gia đình. Tĩnh lại thất thểu theo bà cô họ chui qua cãi lõng rào ra ngoài. Vừa đi bà vừa kể, sắp tới, đường cao tốc mở qua khu đất này. Cả cái làng đèo heo hút gió này sẽ về thành phố, xã sẽ lên thành phường đấy. Nhưng chả sướng gì. Dân càng khổ thêm vì phải đóng mọi thứ thuế cao lên mà chửa nhìn thấy cái gì để làm nó tăng cái túi tiền, cái bồ thóc lên. Thế thì lên làm gì. 

Trong làng, được mấy đứa trẻ khỏe đi làm trong công ty nhà máy, nhưng cũng cứ tối mắt tối mũi vào. Được đồng tiền chả lúc nào mở mắt ra mà tiêu. Mà này, bố mẹ mày sao hiền thế, để cho ông nội mày cho nhà cái thằng trời triệt, keo lõ kia hết cái đất này à. Nó về khoe cả làng là ông mày cho nhà nó đất này rồi. Nào nó bảo, nó sẽ xây biệt thự, đào ao thả cá. Phá tiệt cái nhà đất hôi hám kia đi. Ừ thì làm. Nhưng sao nó lấy đâu ra nhiều tiền thế chứ. Mà nó phá, nó xây mới thì bàn thờ các cụ, bàn thờ bà nội mày mang đi hết à. Bố mẹ mày vẫn về thắp hương hàng tuần đấy thôi. Nhà mày, ông nội mày dở người thật. Chả hiểu ra làm sao. Nghe nói, nó bảo nó bán một nửa đất đi để lấy tiền xây dựng. Đất này về thành phố, lại thêm đường cao tốc chạy qua thì cứ gọi là tiền tỉ, tỉ chứ chẳng chơi. Nhà mày dại thế, không kiện bỏ tổ nhà nó đi. Đất đai có pháp luật chứ…

- Cháu không biết, ông nội và bố mẹ cháu làm thế nào thì làm. 

Tĩnh xách làn bước thấp bước cao ra khu mộ của gia đình cũng gần ngay nhà. Nỗi buồn hoang hoải như cây mục nằm gẫy dưới chân người tràn ra xung quanh. Tĩnh rì rầm khấn nôm na, vội vàng đốt hết chỗ mã mang theo trước từng ngôi mộ. Này của các cụ ông, cụ bà, này của bà nội, rồi bà cô chết trẻ.

Tĩnh thắp hương xong, mang hết chỗ hoa quả, bánh kẹo vào nhà cô Màu cho trẻ con. Cô Màu cũng đang hoan hỉ, tính rằng đường cao tốc mà mở qua chỗ này, cô bán quách một nửa đất đi để cho thằng Tú nó đi học nghề rồi tính lao động xuất khẩu. Chứ đồng ruộng này, xưa thì ngập úng, nay thì sỏi đá, chả canh tác được gì, chả nuôi được con gì ra hồn. Tất cả là tại không có đường lớn. Trong khu này như một mô đất biệt lập, đường vào bốn phía nhỏ như sợi dây vòng vèo quanh đồi, quanh ruộng mới tới làng. 

*

Cuối năm ấy, mẹ Tĩnh  gọi điện gấp gáp cho chồng Tĩnh:

- Con xem, tìm cho mẹ một luật sư! Tức lắm, đất của nhà mình mà rơi vào tay người khác dễ như bỡn thế ư. Bao nhiêu năm bố mẹ xây tường, đắp đất, cây cối vun trồng… thế mà giờ, cổng nhà mình, cửa nhà mình không vào được, bàn thờ mẹ chồng mẹ bị người ta quẳng ra ngoài.

Tĩnh nghe chồng thủng thẳng nói với mẹ mình:

- Mẹ cứ bình tĩnh, không ai lấy được đất đai thuộc chủ quyền của mình dễ như thế đâu.

Tiếng mẹ Tĩnh vang lên trong điện thoại: 

- Mà chuyện này đừng có nói với vợ làm gì, con Tĩnh chả biết cái gì đâu, lúc nào cũng chỉ lên gõ bàn với mấy đứa trẻ ranh.

 Chồng Tĩnh cùng mẹ vợ nghiên cứu hồ sơ chuyển nhượng đất của ông nội. Trước tiên phải có một đơn đề nghị xem xét lại quá trình chuyển nhượng đất. Bởi chồng Tĩnh giải thích với mẹ vợ rằng, quá trình chuyển nhượng sai phạm thì đã ra sổ đổ rồi vẫn thu hồi lại được. Mẹ vợ tuyệt đối tin tưởng ở chồng Tĩnh vì anh có nhiều mối quan hệ, lại hiểu biết.

Chồng Tĩnh lái xe đưa mẹ vợ về quê ngay tức thì. Con đường vẫn đi bỗng bị cắt ngang không có lối vào làng. Xe phải dừng lại hỏi thăm xem đường đi vào làng Đồi đi đàng nào. Cái lối cắt từ đường cao tốc vào làng giờ đang bị đào bới tung tóe. Người ta mở một đường cao tốc song song nên giờ đường dân sinh sẽ đi chui qua cống làm dưới đường cao tốc nhưng giờ mới đang làm. Hai mẹ con đành quay về.

Đúng là đường cao tốc bắt đầu mở ra ở hai phía đầu làng. Dân làng nhiều người bỏ công, bỏ việc ra ngắm xem đường họ vẽ đi ra làm sao. Cái làng trước họ đang rục rịch đền bù ruộng nhưng làng bên này chưa thấy bảo gì. Sốt ruột quá, mấy trưởng thôn đi hỏi xã. Xã trả lời: Làm gì có đường cao tốc nào qua đây. À mà người ta có đi nhưng không phải là đi xuyên qua mà một đường vòng ở cuối làng, một đường mở rộng ở phía đầu làng. Họ sẽ làm đường dân sinh đi dưới đường cao tốc để thông từ làng nọ sang làng kia. Làng Đồi sẽ trở thành một khu chứa nước cả vùng này nếu có lụt lớn. Xã này cũng dừng chương trình về thành phố bởi chưa đủ điều kiện.

*

Tháng bảy mưa lại rơi. Ngày nào cũng mưa. Tĩnh lại sắm vài chút hoa quả, vàng mã để mang về thắp hương cho bà. Tĩnh phải chờ khoảng thời tiết hưng hửng rồi đi xe máy xuống đón bố cùng về.

Chỉ có bố mới có thể lấy được chiếc chìa khóa vào căn nhà kỷ niệm của Tĩnh. Bố mới biết nhiều lối đi về làng. Lối nào cũng bê tông hóa sạch sẽ cả, nhưng lại hẹp, chỉ xe ôtô bốn chỗ đi được, có chỗ phải lựa kẻo tụt bánh xuống ruộng hoặc xuống mương thì gay. Cái làng quê của bố giờ im lặng lọt thỏm trong bốn phía những làng ngoài phía đường cao tốc, người ta đầu tư cho các nhà máy doanh nghiệp nước ngoài.

Ngôi nhà xưa, mảnh vườn xưa sau một thời gian bị đào bới tơi tả. Việc đầu tư của gia đình ông chú lúc đầu có vẻ hào hứng, nhưng từ khi máy cẩu không chui được vào làng thì mọi việc đều đình đốn. Nghe đâu, ông chú định bán đất này cho một doanh nghiệp làm công xưởng may rồi, nhưng họ chỉ nói vậy rồi bỏ cuộc. Một doanh nghiệp khác cũng đến khảo sát định mua nhưng họ đem một cái máy gì đó đến đo, rồi bảo, đất này bị nhiễm phóng xạ. Có cho họ cũng chẳng lấy, rồi  cũng bỏ đi nốt. Cỏ mọc lên um tùm. Cây xơ xác. Nhà cũ sụp một góc. Căn nhà bố mẹ Tĩnh xây thờ bà xung quanh tường lên rêu. Không người ở thành ra nó hoang tàn. Vườn chè cổ còn sót vài cây, cành mốc thếch nhưng có vài bông hoa trà trắng muốt rung rinh.

Tĩnh hỏi bố:

-  Chuyện sổ đỏ năm ngoái thế nào rồi bố ?

- Cái thằng địa chính xã thì dính vào nhiều việc đất đai sai phạm đang bị kỷ luật. Đất cát ở cái làng này phức tạp lắm. Mẹ mày cũng định gửi đơn về xã đấy nhưng rồi thôi. Già, tham gia vào mấy cái vụ kiện tụng đất cát này mệt lắm, lại mất họ. Từ nay, cũng chỉ dành tiền mua mấy mét vuông đất để bộ cốt cho yên ổn trong nghĩa trang thành phố thôi. Tháng sau bố mẹ đi du lịch ở Nha Trang đấy.

Tĩnh bỗng thở phào nhẹ nhõm. Những tờ tiền âm phủ Tĩnh đốt gửi bà nội, gửi bà cô, gửi các cụ cháy rừng rực, tàn  tung bay lên giời… 
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Hà
.
.