Khoảng lặng

Thứ Hai, 07/05/2018, 09:17
“Anh! Em đã đi xa, rất xa, giỗ bố em mới về được. Thanh minh anh ra mộ người thắp hương giùm em! Kiếp này em đội ơn anh”.

Hoa mắt trước những dòng chữ nhảy múa loạn xạ trên màn hình, anh luống cuống tra số máy gọi lại. “Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được…” -  Giọng nữ vang lên êm ả và giễu cợt làm anh tê tái. Anh nhìn trân trân vào chiếc điện thoại như tìm ở đấy một điều gì, rồi lặng lẽ thở dài, gấp máy.

Anh ngồi bần thần như hóa đá cạnh bàn viết. Hường ơi, em ở đâu?

Từ nay đến giỗ đầu bố còn ngót một năm! Một năm nữa anh mới nhìn thấy em ư! Con chim nhỏ cô đơn và yếu đuối đang ở phương trời nào?

Anh bỗng rùng mình ớn lạnh khi chợt nhận ra sự trùng lặp như một cách xếp đặt thần bí: những chuyện tình đẹp như mộng của anh lại gắn liền với… những chiếc quan tài! Đẹp và buồn rơi nước mắt.

*

Đã hai giờ sáng, anh ngồi bất động bên trang giấy và cây bút cạnh chiếc đèn bàn che vừa đủ sáng cạnh giường mẹ. Ngòi bút không chịu nhả chữ. Cảm xúc dồn nén nghẹn tắc, dấu hiệu của những cơn giông bão. Giường bên kia, bố nàng ho rũ rượi. Những cơn ho dài, xé ruột. Một tay nàng đỡ lưng bố, tay kia vuốt ngực, đợi cơn ho dịu đi rồi từ từ đỡ bố nằm xuống giường. Từ tối tới giờ, đã mấy lần như vậy.

Mẹ anh rên khe khẽ. Anh đặt bút, cuống quýt vén màn xoa bóp, bùi ngùi nâng bàn tay với những đường gân xanh nổi lên trên làn da khô héo. Bàn tay mẹ run rẩy trong bàn tay chai sạn thô nháp của anh. Lồng ngực anh nhói buốt trước những cơn đau của người. Ước gì anh được đau đỡ cho mẹ một chút! Có anh bên cạnh, mẹ ấm lòng và từ từ thiếp đi. 

Bệnh viện đêm vắng và buồn. Anh lặng lẽ ra đứng ở ban công nhìn phố xá thiêm thiếp ngủ, lòng nao nao buồn trước vô hạn đất trời và hữu hạn kiếp người. Nghĩ thương mẹ quá! Bố đã ra đi trên hai mươi năm rồi, mẹ ở lại gây dựng hết con lớn con bé, cả đời đã có khi nào yên vui đâu? Được vài năm gần đây con cháu trưởng thành, có bát ăn bát để, thì mẹ lại sắp ra đi. Bác sĩ bảo mẹ ung thư vòm họng giai đoạn cuối, cuộc sống chỉ còn tính từng ngày. Nghe tiếng mẹ thở đều, anh lại quay ra bàn cặm cụi viết.

- Anh… viết văn à? - Nàng rụt rè nói thoảng sau vai anh, mắt đưa trên những con chữ đang dào dạt chảy.

- Không ngủ được thì cứ vơ vẩn thôi! - Anh gãi tai, trả lời nhát gừng, rồi gấp bản thảo lại.

Nàng khẽ mỉm cười. Đột nhiên anh thấy người choáng váng, trán rớm mồ hôi lạnh. Trong quầng sáng mờ ảo, nụ cười của nàng đẹp mê hồn, như tỏa hào quang, lấp lánh vẻ ngây thơ thanh khiết của Đức Mẹ đồng trinh!.

Đã ba ngày nay, mẹ anh và cha nàng được xếp cùng một phòng bệnh. Anh để ý thấy nàng chỉ mặc độc một bộ quần áo, chiếc áo lỗi mốt và nhàu nhĩ sau những sấp ngửa chăm nom bố. Tháng tám tiết trời oi nồng. Mùi mồ hôi, mùi bệnh viện quyện vào nhau hành hạ nàng. Quê nàng cách bệnh viện trên ba chục cây số, không tiện tàu xe. Nếu đi xe ôm cũng mất trên trăm bạc, nàng lấy đâu ra tiền mà về lấy đồ được? Một bố một con, nàng bơ vơ giữa bệnh viện tỉnh không một ai thân thích…

Sáng thứ tư, khi hai người bệnh đã được cơm cháo thuốc men đầy đủ, thiêm thiếp ngủ, anh bảo nàng:

- Ta đi “đổi gió” chốc lát cho đỡ căng thẳng, tôi thấy cô cũng cần phải mua sắm cái gì đó chứ?

- Vâng! Hôm đưa bố đi, em cuống lên chẳng kịp chuẩn bị gì!

Anh và nàng vào chợ.

Gửi xe xong, anh dẫn nàng đến quầy bán quần áo mùa hè. Nhìn ngắm một lát, anh bảo:

- Tôi thấy mấy bộ đồ kia hợp với cô. Cô chọn lấy hai bộ nhé!

- Nhưng… - Nàng lúng túng, má đỏ bừng, hai tay cứ đan mãi vào nhau.

- Không đủ tiền chứ gì? - Anh mỉm cười hiền lành, nói khẽ - Coi như tôi tặng cô. Cô cũng như em gái tôi.

Minh họa: Lê Tâm.

Anh lảng đi để nàng chọn đồ. Liếc thấy nàng đã gói ghém xong, anh quay lại trả tiền và mua thêm cho nàng một chiếc gương nhỏ, chai dầu gội, xà phòng tắm, vài chiếc khăn mặt.

- Anh chu đáo quá - Nàng ấp úng.

- Chuyện nhỏ ấy mà! Tôi là người đã có gia đình. Sau này lấy chồng cô sẽ hiểu!

Đêm nào anh cũng che đèn hì hụi viết. Đâu biết rằng ở góc giường bên kia, cạnh cha già, nàng âm thầm quan sát anh từng đêm. Rồi một đêm, nàng se sẽ vén màn, đi chân đất, sẽ sàng đặt tay lên vai anh:

- Khuya rồi, anh nghỉ đi chứ! Sao đêm nào anh cũng thức? Ốm mất thôi!

Nàng lẳng lặng ngồi xuống bên anh. Không nghe tiếng khóc, chỉ thấy đôi vai mảnh mai thổn thức rung lên. Nàng khóc thương cha, khóc thương mình, thương cho kiếp người vật vã giữa nhân gian trước khi trở về lòng đất? Không, hình như còn có những gì sâu xa hơn thế! Anh rùng mình xao xuyến. Phút ấy như ánh chớp. Không, là làn gió mát giữa những oi nồng ở một người con trai đã bước vào tuổi năm mươi, đầy ắp trăn trở lo toan. Mọi cảm hứng văn chương trở nên hỗn độn, nhập nhòa.

Anh chợt choàng tỉnh sau một cơn mê cảm xúc. Cố dằn lòng, anh lựa tìm một lời an ủi:

- Thôi nào, hãy gắng lên, cố ngủ đi một chút cô ạ. Sống chết có số, cô chăm bố thế cũng là tận hiếu. Hôm nay xem chừng ông cụ ngủ được nhiều, chắc ngày mai sẽ khoẻ ra.

- Ta ra hiên ngồi một lát đi anh. Em không sao ngủ được!

Anh hiểu, nàng cần được chia sẻ. Mắt nàng vời vợi những tâm sự.

Nàng kể, kể mãi… Làng ven đã eo óc tiếng gà.

Nàng tốt nghiệp Đại học Báo chí ít ngày thì mẹ mất, liền lúc bố đổ bệnh phổi. Sau đợt ốm đau rồi qua đời của mẹ, gia sản gần như vét sạch. Quê nàng nghèo lắm. Ngoài mấy sào ruộng khoán, nàng nhận hàng thêu xuất khẩu về làm. Nghề thủ công giá cả bọt bèo. Giỏi như nàng, cặm cụi thêu ngày thêu đêm công cũng chỉ được hơn chục ngàn. 

Ngoài tiền thuốc cho bố, còn lại sẻn so cơm canh đạm bạc. Nhà nghèo không có tiền xin việc. Mà cho dù không mất tiền, muốn làm phóng viên báo đài thì cần phải có xe máy. Không có phương tiện, làm sao đi cơ sở lấy bài viết tin? Ngữ nàng mới ra trường, sao đảm nhiệm được công việc biên tập? Đành ở nhà, suốt ngày cắm mặt vào khung thêu. Mồ hôi, nước mắt nhỏ xuống, thấm vào mắt vải để cho hoa bay, bướm lượn.

Bệnh bố ngày một tăng. Người chị họ ở Hà Nội về biếu ít tiền, khuyên ông đi viện tuyến trên xét nghiệm. Kết quả bố nàng ung thư phổi giai đoạn cuối! Hai bố con ở viện một tuần. Nàng đôn đáo nhờ vả, vạ vật họ hàng, mà toàn là họ xa. Bác sĩ khuyên nàng đưa bố về điều trị cầm cự ở bệnh viện tỉnh, có ở viện tuyến trên thêm cũng chỉ tốn kém mà không đạt kết quả gì.

Cứ vài ngày, bố nàng lại lên cơn khó thở đến tím tái. Những lúc ấy, nàng như người mất hồn, nước mắt vòng quanh. Không cầm lòng được, anh lại dúi tiền vào tay, giục nàng chạy đi mua thuốc. Những biệt dược công hiệu mạnh thường đắt lắm!… Nàng chỉ còn biết nghe lời. Nàng đọc được ở đôi mắt cương nghị của anh sự chân thành, và nàng sợ nhìn lâu vào đôi mắt ấy.

Khẩu phần ăn hai bữa ăn của nàng ở căng tin bệnh viện thật thảm hại. Ngoài hai lưng cơm là bát canh đểnh đoảng. Nàng cắm mặt ăn thật nhanh, tránh những ánh mắt thương hại của ai đó. Sự nghèo khó làm cho nàng tủi cực trước những suất cơm sang trọng (dưới con mắt của nàng). Thực ra cơm viện chẳng có gì là sang, cùng lắm chỉ bát canh bí hoặc rau ngót nấu thịt, tôm rim, thịt luộc, sang nữa là đĩa thịt gà rang.

- Cô ăn mãi thế này rồi cũng đến ốm mất thôi! Thức ngày thức đêm như thế, sao đủ sức mà chăm bố?- Anh bùi ngùi.

- Dạ! em quen rồi! Con gái ăn ít ấy mà - Nàng nhỏn nhẻn cười chống chế.

Từ hôm ấy, bữa nào anh cũng rủ nàng đi cùng. Ngày đầu nàng chỉ ăn bữa trưa, bữa tối nàng từ chối.

- Cám ơn anh! Em chưa đói, anh cứ đi ăn trước, em trông mẹ cho!

- Cô ngại gì chứ? Cô ăn như mèo, đi cùng tôi cho vui, tôi ăn được nhiều.

Nàng ăn lỏn lẻn và ngượng nghịu đến tội nghiệp. Anh gắp thức ăn vào bát ép nàng. Quả thật, sự ngây thơ yếu ớt nơi nàng khiến bất cứ ai cũng có cảm giác nàng cần phải được che chở.

- Sao chỉ thấy anh trông mẹ là chính, chị và các cháu bận việc à? Mà anh chăm mẹ khéo thế, con gái chúng em học được cũng khó.

- Tôi làm nghề tự do, cái gì tôi cũng tự do cả! Viết văn tự do, làm thơ tự do và… làm con cũng tự do - Anh cười - Vợ tôi ban ngày đi làm cơ quan, đêm đến đòi vào trông mẹ, nhưng cô ấy sức yếu, thức hai đêm đã ốm. Tôi bảo vợ cứ ở nhà lo việc hậu phương là tốt lắm rồi!

- Thế công việc của anh thế nào ạ!

- Tôi nói rồi đấy thôi - Anh lại cười khôi hài - Viết văn là để nuôi tâm hồn, làm thợ là để nuôi cái dạ dày! Tôi là thợ máy và thợ điện. Nói thế nào cho cô hiểu nhỉ! Na ná thế này: cứ máy móc nào không nổ được là cần đến tôi. Vậy nên, số điện thoại của tôi thường ở trong danh bạ cánh lái xe, xưởng thợ. Đêm ngày bất kể lúc nào, họ gọi là tôi đi. Dạo này mẹ tôi ốm nên công việc có phần bê trễ.

Nàng gật đầu:

- Thế ạ! Vậy từ nay, khi nào có việc anh cứ đi, ở đây đã có em. Anh đi một lát chẳng sao đâu. Cần thiết quá em gọi bác sĩ.

Thế là từ đó, ngày đôi lần anh phải nhờ nàng trông mẹ. Không làm cũng bí, ốm đau bao nhiêu tiền cũng thiếu, nhất là bệnh mẹ anh mỗi ngày tốn kém không nhỏ.

Nàng chăm mẹ anh cẩn thận lắm. Nhiều khi đi làm về, anh cảm động thấy nàng đang bóp chân bóp tay, trò chuyện với mẹ. Trông mẹ anh thật tươi tỉnh.

Thấm thoắt đã gần một tháng. Anh chợt nhận ra, nàng đối với anh thân thiết quá, ngỡ như đã quen từ lâu lắm. Nàng thật bé bỏng và đáng thương.

- Anh à, các bác sĩ khuyên em nên đưa bố về. Họ bảo sự sống của bố em chỉ còn tính từng ngày, ở đây lỡ có bề gì, về không kịp.

- Vậy em chờ anh ra hiệu thuốc bắc cắt biếu ông cụ ít thang nhé!- Từ lúc nào, anh đã đổi cách xưng hô với nàng.

- Dạ - Nàng nói khẽ, mắt ngấn nước.

Lát sau, anh trở về viện với mấy chục thang thuốc bắc. Kéo nàng ra ngoài hiên, anh bảo:

- Thế này nhé. Nhà em không có điện thoại bàn. Bây giờ em cầm tạm chiếc di động này, cần gì cứ điện cho anh.

- Không được đâu, lỡ ai biết thì chết, ở chốn nhà quê, giàu có mới dám lắp điện thoại cố định. Mà em có biết dùng di động đâu - Nàng giãy lên.

- Dễ lắm, anh chỉ hướng dẫn một lát là em sẽ thành thạo ngay, kể cả nhắn tin. Anh đã nạp sẵn mấy trăm nghìn trong tài khoản, em chỉ việc dùng thôi.

- Thế anh dùng bằng gì! - Mắt nàng tròn xoe, ngơ ngác.

- Anh vừa mua máy mới. Chiếc này lâu rồi, anh không thích nữa - Anh chống chế.

Anh gọi xe ôm, ông cụ ngồi giữa, nàng ngồi sau giữ bố. Trông ông yếu lắm, chả biết có uống được hết chỗ thuốc anh biếu không?

Vài ngày sau, anh cũng đưa mẹ về nhà. Cụ cũng yếu lắm rồi, chắc chả trụ được bao lâu, anh mời bác sĩ đến điều trị tại nhà.

Quả nhiên chỉ mấy hôm, vừa chập tối, nàng gọi cho anh. Giọng nàng lạc đi. Anh phi xe tìm đến làng quê của nàng. Cũng chẳng khó khăn gì. Nơi ấy, thường xuyên đi làm qua, anh lạ gì?

Họ hàng, làng xóm tề tựu đầy cả nhà, nhưng việc tang lễ vẫn chưa mảy may động tĩnh. Cái gì người ta cũng hỏi nàng, mà nàng thì như người mất hồn. Nàng đau đớn đến ngây dại, không cả khóc được nữa.

Anh len vào nơi người quá cố đang nằm, nói với mọi người mình là thầy lang, vẫn chữa bệnh cho ông cụ. Hỏi đến cái gì cũng không có. Thầy lang phải đích thân bỏ tiền túi phóng xe đi mua quan tài, mua vải liệm, hương nến, tự tay khâm liệm. Anh lập bàn vong rồi bảo nhỏ nàng nhờ họ hàng tìm một ông thầy.

Làm lễ phạt mộc và phát tang xong xuôi, anh dúi vào tay nàng ít tiền, dặn dò kỹ những công việc sáng mai: nhờ người mua sắm những thứ cần thiết cho việc tang, chọn đất, đào huyệt, ai đứng trực cữu vái lạy, đập phách viếng thế nào… Được cái làng có đội kèn hiếu, nên đỡ tốn kém.

Gần sáng anh xin phép ra về, tránh những con mắt tò mò. Nàng tần ngần đứng mãi bên gốc nhãn. Trông nàng tiều tuỵ và lẩy bẩy, hai mắt ứ nước. Anh lên xe mà lòng như xát muối.

Sau tang lễ, chiếc điện thoại đã thực sự giúp nàng vượt qua nỗi quạnh hiu khủng khiếp trong cảm giác một mình trơ trọi giữa trần gian. Nghe tiếng anh là nàng oà khóc. Anh chỉ còn biết đợi cho tiếng nức nở dịu xuống, rồi lựa lời an ủi. Nàng cảm ơn anh. Ngày nào cũng thế. Ngày nào nàng cũng chỉ khóc và cảm ơn!

Sau đó ít hôm, mẹ anh qua đời. Anh đau buồn lắm. Buồn nhiều nhưng tủi cực thì không. Anh là chủ gia đình, kinh tế khá vững vàng, họ xa họ gần đông đúc. Anh không báo tin cho nàng biết, mặc dù nàng đã dặn. Nàng mà tìm đến được nhà anh cũng phải tốn hơn trăm ngàn tiền xe ôm đi về, lại còn khoảng viếng đáp nữa chứ! Anh biết, số tiền ấy đủ để nàng ăn cả tháng. Hôm tang lễ bố nàng, ba ngày, rồi bốn chín ngày, sẻn so tổng cộng cũng mấy chục mâm cơm. Lại phải đi vay chứ lấy đâu ra?

…Ngày nào nàng cũng nhắn tin cho anh, nhưng cả chục hôm sau, anh mới cho nàng biết việc mẹ mất. Nàng khóc nhiều, nàng trách cứ. Tuỳ nàng, nhưng anh không thể làm khác được. Anh biết, nàng mang ơn anh. Khổ lắm, nói thế nào cũng không bớt được cái ơn ấy cho đỡ nặng lòng. Thế đấy, vô hình chung, nàng coi mình là con nợ của anh!

Nàng mời anh xuống nhà chơi. Nàng nói nàng nhớ anh, nhớ những ngày ở bệnh viện, nhớ những trang văn mỗi đêm anh châm đèn hì hụi viết, rồi gần sáng ngủ gục trên bàn… Anh lấy cớ bận việc, không thể xuống đi được. Thực ra anh sợ. Sợ cái không gian tĩnh lặng chỉ có anh với nàng, sợ cái ranh giới quá mong manh giữa anh và nàng. Nàng nói nàng kính trọng anh. Nhưng, trong giọng nói run rẩy của nàng có những gì nhiều hơn thế, rất nhiều là đằng khác. Anh thừa nhận, nàng vô cùng đáng yêu. Con người nàng không chút vẻ sắc sảo, từng trải của nhiều cô gái đã từng là sinh viên. Nàng như chiếc bình thuỷ tinh trong suốt. Hẳn trái tim nàng cũng mong manh dễ vỡ.

Anh là người đã có gia đình. Tuyệt nhiên, anh không muốn làm điều gì có lỗi với vợ con, dù là trong thâm tâm. Anh hiểu, nếu anh ngã lòng thì hạnh phúc, thanh danh của cả gia đình sẽ bị thiêu rụi thành tro bụi trong chốc lát. Vợ anh là người chung thuỷ, yêu chồng đến cực đoan. Sẽ không bao giờ chị tha thứ khi anh lâm vào cảnh “chơi trống bỏi”, dù chỉ là một lần. Và với nàng, thì đó là tội ác. Nàng tôn thờ anh đến mất ăn mất ngủ, mặc dù nàng biết rất rõ việc đó là không nên. Nàng phải biết hậu quả khôn lường khi chuyện đó xảy ra chứ?

Thấy nàng tha thiết đến khốn khổ, anh hẹn gặp nàng ở một quán càfê gần bệnh viện tỉnh rồi cùng anh đi cơ sở lấy tư liệu để viết bài số Tết như đã hứa với tòa soạn. Anh mang theo máy ảnh.

Đường nhựa láng bóng lượn theo dãy núi trập trùng quanh co đẹp như tranh vẽ. Mưa xuân nhẹ giăng trên lộc biếc. Gần trưa trời hừng nắng. Lúc đến điểm dừng, nàng nói nàng đã học chụp ảnh hồi ở trường. Hôm đó, những tấm ảnh nàng chụp tuyệt đẹp. Bố cục, ánh sáng, cắt cúp rất có nghề.

- Bây giờ đã xong việc, anh đưa em đến cây cầu nơi kỷ niệm mối tình đầu của anh nhé!- Anh lựa lời.

Nàng cười, khẽ gật. Đôi mắt đẹp và buồn của nàng chợt long lanh, say đắm. Người anh nổi gai. Không dám nhìn lâu vào đôi mắt ấy, anh mắm môi, nhấn ga.

Phải đi đến hai mươi cây số nữa mới tới cây cầu khỉ ngày xưa, nơi nông trường anh công tác.

Hôm ấy, sau khi chia tay một lúc, anh mới phát hiện trong túi áo khoác đang mặc có một lá thư viết bằng mực tím kín cả bốn mặt giấy. Nàng đã lén bỏ vào túi áo anh lúc nào! Đọc xong, anh mỉm cười buồn bã. Nàng đã bày tỏ lòng biết ơn vô bờ, sự ngưỡng mộ chân thành và tình yêu anh đến tôn thờ. Thương quá tâm hồn ngây thơ thánh thiện của nàng. Kể từ khi quen biết, và cả hôm nay trong cuộc đi chơi ngập tràn lãng mạn, chưa một lần anh đụng chạm. May cho nàng, nếu anh là một con cáo tinh khôn, hay ít nhất, một kẻ dễ mềm lòng trước nhan sắc phụ nữ, nhất là của người con gái đẹp luôn bày tỏ tình yêu không giấu giếm, liệu rằng cuộc đời nàng sẽ ra sao?

Trước Tết, anh nhờ người quen đem đến cho nàng một cành đào để nàng trang trí nhà cửa cho ấm cúng. Buổi tối nàng điện cho anh, vừa nói vừa khóc. Nàng đã hiểu tình cảm của anh dành cho nàng là tình thương giữa con người với con người. Nàng mãi mãi biết ơn anh. Nàng muốn gặp anh một lần trước khi mùa xuân đến. Thương nàng quá, nhưng sự thực anh không thể đối mặt với nàng tại ngồi nhà ấy. Anh sợ chính mình. 

Là đàn ông, anh biết chắc mình không thể vượt qua khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc đưa người ta lên thiên đàng, để rồi ngay sau đó lại dìm người ta xuống hoả ngục. Anh hiểu rằng, nàng đang rất yêu anh, dù nàng đau khổ và xấu hổ vì điều đó. Điều ghê gớm hơn đối với anh, nàng xinh xắn và đáng yêu biết mấy! Khi ngọn lửa ân ái đã bùng lên, nó sẽ âm ỉ cháy, cháy mãi niềm khao khát. Anh sẽ xa dần gia đình để lao vào con đường tình ái. Rồi tất cả sẽ ra sao nhỉ? Và anh sẽ là gì?

- Mình gặp nhau ở quán càfê gần bệnh viện tỉnh, được không em?

- Vâng, em hiểu mà - Nàng nói trong tiếng khóc - Nhất định em phải gặp được anh.

Anh xuất hiện với một túi qùa Tết khệ nệ và một chiếc máy ảnh. Nàng đang đợi anh ở một góc khuất trong quán, mắt mọng nước.

Chiều ba mươi Tết. Quán vắng lắm, vắng đến se lòng. Mọi người ở hết ngoài chợ để sắm Tết. Nhìn thấy anh, nàng khóc òa run rẩy. Anh ngồi chôn chân trên ghế đốt thuốc, chả biết nói sao để an ủi nàng.

- Em gửi lại anh chiếc điện thoại di động. Từ nay mình vĩnh viễn chia tay nhau, anh nhé - Nàng nói ngắt quãng trong tiếng nấc.

- Sao thế em? Em cứ giữ lấy mà dùng cho tiện, nếu chỉ dùng để nhắn tin thì chẳng tốn kém là bao. Hay để anh đi nạp thêm tiền vào tài khoản cho em nhé?

- Để làm gì? Từ nay em gọi cho ai, em nhắn cho ai? Từ ngày anh giao nó cho em, em cũng chỉ liên lạc với anh, mà lúc nào cũng phải giấu giấu giếm giếm đến khổ sở.

- Thì em cứ giữ lấy, khi nào cần thì dùng. Rồi sớm muộn, em cũng phải đi làm, không lẽ uổng phí mấy năm đại học.

- Chuyện đó tính sau. Chỉ biết, em không thể giữ thêm một ngày nào nữa. Nhìn thấy nó, em lại nhớ anh, muốn gọi cho anh, mà vứt đi thì em không đủ can đảm. Em… đã yêu anh, dù em không muốn thế, và biết không nên thế. Sự cao thượng nơi anh đã thức tỉnh em, nhưng tình yêu thì em không thể bỗng chốc chia lìa ngay được.

Những lời ấy như những nhát dao cứa vào lòng anh.

- Lẽ ra anh phải xuống nhà, em thứ lỗi cho anh. Đây là chút lòng thành, em thắp hương lên bác giùm anh. Còn chiếc máy ảnh này, anh tặng em như món quà mừng tuổi đầu xuân. Biết đâu năm nay đi làm, em sẽ dùng đến nó.

- Anh lo cho em… Nhiều thế. Mà em thì chẳng có gì để tặng anh cả. Chỉ có đau khổ, buồn phiền - Nàng rưng rưng.

- Bây giờ em phải về - Nàng vụt đứng dậy.

Chợt nàng nhìn anh đăm đăm:

- Anh không hôn em ư?

- Anh chỉ có thể hôn em như một người anh.

Môi anh lướt nhẹ trên trán nàng.

Nàng đẩy anh ra xa một chút, đôi mắt mở to như dán chặt vào người anh.

- Chỉ có thế thôi ư?- Nàng quyết liệt.

Anh đứng chôn chân, hoang mang. Nàng ghì lấy anh, hôn cuống cuồng. Những giọt nước mắt nóng hổi thấm khắp mặt anh. Cơ thể anh nóng ran, đầu óc mụ mị, bồng, bềnh, ngây ngất. Một cái hôn dài bất tận.

Nàng cuống cuồng lao ra lối đi như trốn chạy về phía chiếc xe ôm đậu cách đó một đoạn. Anh vội vã xách túi quà Tết chạy theo, ngoắc vào xe.

Mấy ngày Tết đối với anh bỗng hoang vắng, rỗng tuếch. Tập giấy chờ khai bút trở nên vô duyên.

Mấy lần anh cố gồng mình lên trang viết. Không ổn! Những con chữ vô hồn hiện ra trên giấy trắng với những nét gạch xoá tang thương.

Nàng mang đến cho anh sự linh diệu trên mỗi trang viết. Nàng ra đi, đồng nghĩa với những trang văn mất đi sức sống. Từng con chữ uể oải, tẻ nhạt, cỗi cằn, hoang vắng như tâm hồn cha đẻ của nó.

Nàng đâu biết, anh đã mắc nợ nàng, món nợ không thể tính bằng tiền bạc! Thời gian qua, nhờ có nàng, anh viết như con tằm rút ruột nhả tơ. Những sợi tơ óng ánh bay trong ánh sáng mặt trời.

Hường ơi, em ở đâu? 
Truyện ngắn của Lưu Quốc Hòa
.
.