Khổ như cho vay nợ

Thứ Hai, 09/11/2015, 08:00
Cho vay tiền là một cách chính xác để cãi nhau với ai đó. Dĩ nhiên hắn ta không thể trả nợ anh đúng thời hạn. Hắn bắt đầu lẩn tránh anh và do đó cũng đâm bực bội. Không phải đối với mình mà chính là đối với anh vì anh không thể chờ đợi được! Đó là pháp luật mà trước pháp luật thì tất cả các trường hợp đều như nhau, kể cả những ngoại lệ.

Nếu như anh không cho vay thì hắn sẽ giận cả tuần lễ, tối đa là một tháng rồi sẽ quên đi. Còn nếu anh cho vay thì anh vĩnh viễn sẽ mất tình bạn, có khi còn chuốc lấy kẻ thù là đằng khác.

Bởi thế khi nào một người bạn đến gặp tôi hỏi vay một món tiền lớn thì tôi từ chối phắt để tránh những cuộc cãi vã và những lời giải thích dài dòng văn tự  và chán ngắt.

Tuy vậy, vẫn cứ không tránh được những lời giải thích mặc dầu nếu nghĩ một cách sáng suốt thì lẽ nào tôi có bổn phận phải giải thích cho ai đó về lý do từ chối hay sao?

Minh họa: Lê Tâm.

Nhưng ở Nga người ta lại có thói quen giải thích: chúng ta đâu phải là những ngài tư bản Đức. Mới cách đây không lâu ở ta, tất cả mọi cái đều là của chung đó thôi.

Anh bạn tôi, một bác sĩ bình thường, thuộc nếp tư duy cũ, không biết ăn đút lót, anh ta cứ một mực đòi tôi phải giải thích: tại sao tôi không cho vay?

- Thế cậu lấy gì mà trả?- Tôi hỏi - Nếu như hôm nay cậu không có tiền thì ngày mai đào đâu ra? Cậu là người đã đứng tuổi, sẽ không thể có những phát minh y học và một cuộc hôn nhân có lợi. Rồi cậu sẽ bắt đầu giải thích: ai đã đánh lừa cậu...

- Mình có vật bảo đảm - Anh bạn tôi đáp - một bức tranh quý hiếm vẽ bằng sơn dầu. Chắc cậu còn nhớ: một người đàn bà tắm khỏa thân dưới hồ. Cậu đã nhìn thấy nó treo ở nhà mình rồi. Chẳng nhẽ cậu không nhớ à? Nàng vừa ở dưới nước bước lên bờ, thậm chí chưa kịp mặc quần áo. Một chân nàng đặt lên phiến đá, nàng nhìn thẳng vào mắt ta một cách dịu dàng, trơ trẽn...

- Cô ả việc gì phải e thẹn, cậu sẽ nháy mắt với ả, chiếm lấy cô ta rồi tếch đi.

- Tếch đi là thế nào? Vậy thì nghệ thuật để làm gì? Vả lại bức tranh này trị giá hai món nợ như vậy cơ đấy!

- Vậy thì cậu hãy bán đi nửa bức tranh ấy - Tôi đáp - nếu như cậu cần tiền.

- Nhưng chính cậu đã nhìn thấy đấy, bức tranh bị thủng ở đúng cái chỗ tế nhị nhất, nếu không sửa lại thì bán sao được.

- Thế cậu muốn mình mạng lại cái vết nhục nhã ấy à? Tự cậu đi mà mạng lấy, hơn nữa cậu lại là một tay chuyên gia về phụ khoa cơ mà.

Tôi không rõ sau đó tôi bị dồn ép như thế nào nữa, nhưng tôi đã cho vay! Chẳng mấy chốc thời hạn trả nợ đã đến. Tối hôm trước tự bạn tôi gọi điện thoại đến và bảo tôi sáng mai đến mà lấy tiền. Sau đó mấy tiếng đồng hồ cậu ta lại gọi: không có tiền rồi, người ta chưa đem đến.

- Ai chưa đem đến? Tôi cho cậu vay cơ mà - Tôi nói.

- Mình đã cho một anh chàng lương thiện vay tiếp để kinh doanh và nếu như anh ta không bị một người quen thất hứa thì đã mang trả đúng hẹn. Số là mẹ của người quen ấy bị ốm, cần phải thanh toán tiền mổ mà người nhà của mẹ hắn ở Pecmơ hứa gửi tiền lên nhưng có đứa con trai vừa bị tai nạn nên chót lỡ mất kế hoạch.

- Tất cả những chuyện ấy chả liên quan gì đến tôi cả. Tôi chỉ biết là tôi cho cậu vay tiền và bây giờ cậu phải hoàn lại, thế thôi.

- Xin cậu cho thư thư thêm mấy ngày nữa rồi mình sẽ trả đâu vào đấy. Mình có một người bạn đáng tin cậy, mình sẽ vay nóng của người ấy.

Hôm sau, cô bạn gái đến chỗ tôi làm việc.

- Này ông anh, ông anh làm ơn cho em vay... - Và cô ta gọi ra đúng cái số tiền mà tôi đã cho người bạn vay.

- Cô vay tiền để làm gì? - Tôi hỏi.

- Ông anh có biết không, cậu con trai của một người bạn em vừa bị tai nạn, nhưng bố nó cần phải chuyển tiền đến Pecmơ. Ở đó mẹ của mấy người bạn phải mổ, nhưng con trai của bà ta kinh doanh bị thua lỗ, cho nên một gã cha căng chú kiết nào đó đã cho họ vay tiền. Tên chó đẻ ấy bây giờ đang nằng nặc đòi lại. Để trừ nợ, người ta định gán cho hắn một bức tranh vẽ mấy người đàn bà đang tắm, có giá đắt gấp bốn lần. Nhưng tên khốn ấy không chịu nhận. Vậy ông anh hãy giúp em với, em sẽ không ăn quịt đâu. Ông anh biết rõ em mà!

Truyện vui của Sergei Leviski (Nga)- Lê Sơn (dịch)
.
.