Kẻ trộm muốn gì?

Thứ Hai, 27/11/2017, 08:01
Vừa nghe nói đến bị trộm, tim cô Thanh đập thình thịch: Lương mới nhận để ở trong phòng, nếu kẻ trộm mà lấy mất thì thật là tai hại. Cô không kịp cảm ơn người bảo vệ, lòng nóng như lửa đốt, cô vội đi vào phòng. Lúc này trước cửa phòng rất đông người đang vây quanh nhao nhao bàn luận. Cô rẽ đám người đi vào. 

Mạc Thanh là giáo viên tiểu học. Sáng nay, trên đường đi đến trường cô vừa đi vừa nghĩ về một học sinh ở lớp của mình tên là Tiểu Ba. Thời gian gần đây Tiểu Ba thường đi học muộn, ở trên lớp không tập trung để học mà hay làm việc riêng, các bài tập cho về nhà làm không nộp đủ. MạcThanh quyết định sau buổi học hôm nay sẽ đến nhà em xem tình hình ra sao.

Khi đến cổng trường, cô thấy người bảo vệ vẫy mình và rồi hốt hoảng nói: "Cô Thanh, xảy ra việc lớn rồi, phòng của cô bị trộm đột nhập. Cô nhanh đi vào xem sao!".

Vừa nghe nói đến bị trộm, tim cô Thanh đập thình thịch: Lương mới nhận để ở trong phòng, nếu kẻ trộm mà lấy mất thì thật là tai hại. Cô không kịp cảm ơn người bảo vệ, lòng nóng như lửa đốt, cô vội đi vào phòng. Lúc này trước cửa phòng rất đông người đang vây quanh nhao nhao bàn luận. Cô rẽ đám người đi vào.      

Trong phòng đồ đạc lộn xộn bừa bãi, bàn ghế nghiêng ngả, sách vở, giáo án tung toé khắp nơi. Mấy người cùng phòng đang sắp xếp đồ đạc của mình. Cô Thanh đến chỗ của mình, vội vàng xem xét tất cả mọi thứ, không lâu sau việc sắp xếp xong xuôi nhưng chẳng ai mất gì cả, riêng món tiền của cô Thanh cũng không thiếu một xu.  

Cô Thanh bất giác chau mày: Tên kẻ trộm này lạ thật, phí bao nhiêu công sức nhưng lại không lấy đi thứ gì? Khi cô Thanh đang trầm ngâm suy nghĩ thì có một giáo viên hỏi: "Cô Thanh, cô nghĩ xem mình có nên báo cảnh sát không?". Cô Thanh trầm ngâm một lát rồi xua xua tay: "Theo tôi, việc này không nên báo cảnh sát, tên trộm này không giống như những tên trộm khác. Tôi đoán có thể là do một học sinh nào đó thù chúng ta, chúng ta từng người thử dò hỏi để tìm nguyên nhân xảy ra việc này, từ nay về sau chú ý đề phòng cho tốt". Mọi người cho rằng cô Thanh nói có lý nên nhất trí như thế.

Sau buổi học, theo như kế hoạch đã định, cô Thanh đến thăm nhà Tiểu Ba. Đúng lúc này bỗng phía sau vang lên tiếng gầm rú của xe máy, cô Thanh theo bản năng tránh sang một bên nhường đường.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Trong nháy mắt, chiếc xe máy phóng nhanh lên phía trước, cô Thanh thấy cái túi đeo trên vai bị giật mạnh. Cô lảo đảo rồi ngã xoài xuống đường. Trước khi ngã, cô chỉ kịp nhận ra chiếc xe máy màu đỏ trên xe có hai người đội mũ bảo hiểm lao vút qua.          

Khi hết choáng váng và đỡ đau, cô lồm cồm bò dậy. Đi được một đoạn, cô lại nghe thấy tiếng gầm rú của xe máy. Cô ngẩng đầu nhìn và giật thót mình: Vẫn là chiếc xe lúc nãy, chúng nó đã cướp được túi rồi sao không buông tha mình? Cô Thanh đang nghĩ cách để đối phó thì chiếc xe máy đã lao đến gần, người ngồi đằng sau vung tay quăng cái túi xuống trước mặt cô rồi lại phóng đi như một cơn gió. Lần này cô còn nhận ra ngồi trên xe là hai người đàn ông và chiếc xe màu đỏ không đeo biển số.

Cô nhặt cái túi lên, mở ra xem xét kỹ thấy tiền, điện thoại, thẻ ngân hàng và các thứ vẫn còn nguyên, nhưng có thêm một mẩu giấy. Trên mẩu giấy là mấy hàng chữ xiêu xiêu vẹo vẹo: "Mạc Thanh, tôi cảnh cáo cô, sự việc kia không được báo cảnh sát, nếu không tính mạng của cả nhà cô sẽ bị nguy hiểm".

Khi đến nhà Tiểu Ba, cô Thanh gõ cửa, hồi lâu cửa mới mở. Một người đàn ông trung niên thò đầu ra, anh ta giật mình há hốc mồm nhưng lại rất nhanh thay đổi thái độ, giọng rất niềm nở: "Cô có phải là cô giáo Thanh không?". Cô Tha3nh cười nói: "Anh Hồ Đại Trụ, tôi đến thăm nhà anh, Tiểu Ba có nhà không?". "Nó có nhà, nó đang xem tivi".

Thấy cô giáo đến nhà, Tiểu Ba vội vàng tắt tivi và bưng đến cho cô một tách trà nóng rồi ghé sát tai cô Thanh cầu xin cô: "Cô giáo, cô nhất thiết không được phản ảnh những điều của em ở trên lớp. Bố em là người nóng tính, nếu cô nói xấu em là em bị đánh đấy". "Tiểu Ba, cô nói những điều cần nói, có cô ở đây bố em sẽ không làm gì em đâu". Hai người đang thì thầm to nhỏ thì Đại Trụ đã đến ngồi đối diện với cô Thanh, cười làm lành hỏi: "Cô thanh, thời gian này Tiểu Ba học tập có biểu hiện gì không?". "Tiểu Ba gần đây có những biểu hiện không tốt, thường đi học muộn, trên lớp không tập trung tư tưởng, tôi rất lo cho em".

Đại Trụ trừng mắt nhìn con trai, bực tức mắng: "Đồ ăn hại, tao nuôi mày ăn học, mua quần áo đẹp cho mày mặc mà mày không chịu học như vậy có xứng đáng không?". "Anh Hồ, anh không nên mắng cháu như thế, đây không phải là cách giáo dục tốt, anh nên dùng tình cảm bố con để cảm hóa em và giành nhiều thời gian để kèm cặp em, động viên em học. Không giấu gì anh, bài tập hôm kia Tiểu Ba còn chưa nộp".

"Đồ ăn hại, mày nói bài tập hôm kia đã nộp rồi mà? Sao mày dám lừa tao?". Tiểu Ba ấp a ấp úng: "Con, con định nộp nhưng trên đường đi học gặp mấy bạn trong lớp đang chơi trò chơi máy bay nên con lấy bài tập gấp máy bay chơi với họ, không ngờ máy bay rơi xuống nước, không lấy lại được, con sợ bố đánh mới nói dối bố".

Nghe con nói thế, Đại Trụ không những không giận mà nét mặt còn lộ ra một nét cười khó đoán. Thấy cô Thanh nhìn mình, anh ta hình như ý thức được điều gì đó, trầm mặt xuống nói: "Đồ ăn hại, mày phải nhớ từ nay không được mải chơi, không nộp bài tập tao sẽ đánh nát đít mày!".

Trò chuyện một lúc cô Thanh đứng lên cáo từ. Đúng lúc đó bỗng nhiên ở phía dưới lầu có người gọi: "Đại Trụ, xuống đây một lát!". Khi Đại Trụ xuống dưới lầu, cô Thanh ra nhìn qua cửa sổ và bất giác giật mình: Dưới lầu là một người đàn ông ngồi trên chiếc xe máy màu đỏ không có biển số, chả nhẽ... 

Khi Đại Trụ lên nhà, cô Thanh giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, nói: "Anh Hồ, anh cho tôi số điện thoại để tôi tiện liên hệ". Đại Trụ gật đầu, lấy giấy ghi tên, địa chỉ và số điện thoại của mình đưa cho cô Thanh. Trên đường về nhà, khi đi bộ trên phố, cô lấy tờ giấy mà Đại Trụ ghi số điện thoại đối chiếu với mẩu giấy mà bọn cướp để trong túi xách thấy nét chữ là cùng một người viết.

Bây giờ cô Thanh khẳng định hai tên cướp đi xe máy chính là Đại Trụ và người ở dưới nhà hắn lúc nãy. Không còn do dự gì nữa, cô lập tức đến đồn cảnh sát báo toàn bộ sự việc xảy ra và đưa cho cảnh sát hai mẩu giấy bằng chứng của sự việc.

Chiều hôm sau, cô Thanh đang ngồi trong phòng thì có người cảnh sát đến tìm cô. Vừa nhìn thấy cô, người cảnh sát đã cười nói: "Cô Thanh, cảm ơn cô đã giúp chúng tôi giải quyết được một vụ án lớn".

Nguyên là một tháng trước đây, có một bọn trộm đóng giả là công nhân đường sắt đã lấy trộm 7 thanh ray cũ để ở bên cạnh đường sắt, vụ án này đang bị bế tắc. Cô Thanh có một người bạn là cảnh sát nói cho cô biết vụ án này và cô nảy ra một ra ý tưởng ra một đề toán với số liệu chiều dài thanh ray, số cân nặng 1m ray, số thanh ray bị mất và giá thành sắt thép để học sinh tính toán giá trị số tài sản này.  

Tiểu Ba mang bài toán này về nhà nhưng tính mãi không ra đáp số mới đem bài toán hỏi bố. Hồ Đại Trụ đọc đề toán giật thót mình vì chính hắn và đồng bọn đã ăn cắp và bán số ray này nên hắn là người hiểu rõ nhất giá trị của nó cho nên không cần tính, hắn cũng biết và hắn đọc ngay đáp số cho con mình.

Ngày hôm sau, Hồ Đại Trụ đi uống rượu với đồng bọn và trong sự vô ý thức đã nói về bài toán này. Bạn của Hồ Đại Trụ nghe hắn nói, ngây người hỏi hắn những số liệu trong bài toán với thực tế có gì khác nhau? Đại Trụ nói chiều dài thanh ray thực tế là 12,5m, nhưng trong đề toán chỉ là 12m.

Đồng bọn phân tích rằng đề bài toán này là do giáo viên ra nên nhất định biết đến số tiền thất thoát của vụ án, khi xem đáp số nếu sai thì không sao, nhưng khi chiều dài thanh ray không đúng với thực tế mà đáp án số tiền lại đúng thì chứng minh cái gì? Nó chứng minh rằng bố của học sinh đó có liên quan đến vụ án và một khi giáo viên đi báo cảnh sát thì ông khác nào "lạy ông tôi ở bụi này"!

Nghe đồng bọn phân tích, Đại Trụ có vẻ hối hận: Đứa con nói, bài tập đã nộp cho cô giáo nên bây giờ biện pháp duy nhất là tìm và hủy bỏ nó trước khi cô giáo chấm điểm bài tập đó. Ngay buổi tối hôm đó, Đại Trụ đã đột nhập vào phòng làm việc của cô Thanh nhưng bọn chúng lật tung tất cả phòng mà vẫn không tìm được bài tập của Tiểu Ba nên bọn chúng càng tin rằng cô Thanh đã phát hiện ra "bằng chứng tội phạm" và đã cất giữ bài tập đó. Một sự trùng hợp nữa là đường đi đến nhà Tiểu Ba có một đồn cảnh sát nên bọn chúng lại tưởng rằng cô Thanh đi báo cảnh sát, bọn chúng đã theo dõi cô để định cướp lại bằng chứng.

Nghe người cảnh sát nói, cô Thanh thật sự xúc động: "Một đề toán số học đã  giải quyết được một vụ án, cũng may là Tiểu Ba chưa nộp bài tập cho tôi. Có thể nói Hồ Đại Trụ và đồng bọn vì  "có tật giật mình" và đã phải sa lưới pháp luật". Người cảnh sát cười rồi hiếu kỳ hỏi: "Cô Thanh, tôi rất muốn biết sao cô lại chữa độ dài của thanh ray thành 12m?".

Cô Thanh nói với sự chân thành: "Trẻ nhỏ bây giờ phải chịu nhiều sức ép, tôi chỉ muốn họ càng hiểu nhiều về xã hội và không muốn họ sa vào những tính toán khô khan và để đơn giản hóa, tôi chữa độ dài của thanh ray thành số chẵn". Người cảnh sát nghe cô Thanh giải thích, anh ta đứng lên, bắt tay cảm ơn cô: "Cô Thanh, sự thay đổi này thật tuyệt vời, nó không những làm cho trẻ nhỏ bớt đi sức ép mà còn làm cho chúng tôi phá án được dễ dàng".

Khúc Dục Lạc (Trung Quốc)- Nguyễn Thiêm (dịch)
.
.