Kẻ cắp gặp bà già

Thứ Năm, 08/09/2016, 12:56
Vì sao hai tên cướp ấy lại chọn một bà lão già khọm như bà Hariman để xuống tay? Phải chăng vì trông bà ấy già cả và ốm yếu? Hoặc là trước đó ít phút bà ấy vừa rời khỏi ngân hàng? Hay là chúng thấy bà ấy giữ khư khư trong tay một chiếc ba lô? Cũng có thể là bỗng nhiên bà ấy rời khỏi đại lộ đông đúc, rẽ vào một ngõ hẻm vắng lặng?

Tóm lại, chúng chú ý đến bà Hariman vì xác định bà ấy là một đối tượng dễ đối phó khi gây án. Hai tên nhẹ nhàng áp sát sau lưng, mỗi bên một tên tạo thành một gọng kìm kẹp bà lão vào giữa, tên bên trái giơ chân ngáng để bà ngã, tên bên phải cùng lúc dùng dao cắt đứt cái quai ba lô trên vai bà lão. Nhưng, bà lão tóc bạc phơ này thật không dễ bị hạ gục ngay như chúng đã mong đợi, bà giang hai tay lấy thăng bằng để khỏi bị ngã, rồi nắm chắc chiếc ba lô, cố sức giằng lại. Bà ngã sõng soài ra vỉa hè, nghe có cả tiếng xương gãy răng rắc nhưng vẫn quyết không rời chiếc ba lô.

Một tên quăng đoạn quai đeo đi, cố gắng lôi chiếc ba lô, tên kia dùng mũi ủng vuông đá liên tiếp vào người bà lão. Bà ấy không kêu cứu cũng không la hét, chỉ nghe có tiếng ba người vật lộn. Hai tên cướp vừa cố sức giằng chiếc ba lô vừa liên tiếp đá để buộc bà lão buông tay, còn bà lão thì nghiến răng, tóm chặt chiếc quai ba lô để khỏi bị cướp đi.

Đáng tiếc, sức già làm sao có thể địch lại nổi hai tên cướp hung bạo. Chỉ ít giây sau, hai tên cướp đã đoạt được chiếc ba lô và nhanh chóng mất hút, bỏ lại bà Hariman đau đớn và kiệt sức, nằm còng queo trên hè phố.

Lúc ấy, không có ai chứng kiến vụ tấn công, cướp tài sản diễn ra như thế nào. Phải chừng mười lăm phút sau mới có người đi đường phát hiện ra bà Hariman, gọi cảnh sát và xe cứu hộ đến nhưng hai tên cướp đã biến mất.

Minh họa: Đào Quốc Huy.

Bà Hariman được đưa lên xe cứu hộ; lúc này bà đã hơi tỉnh, hướng cặp mắt đau khổ về phía người cảnh sát đang cúi khom người bên bà, cất giọng yếu ớt:

- Tiền của tôi đâu…, chúng cướp túi tiền của tôi… tất cả tiền ở trong túi…

- Bà mất bao nhiêu tiền, thưa bà?- Viên cảnh sát hỏi

Phải một lúc sau, bà lão mới đáp:

- Ba mươi ba nghìn đô la… - Nói xong, bà nhắm mắt, mê man.

Tuy bà Hariman không nói chi tiết nhưng với số lượng tiền đã bị cướp thì đây là một vụ trọng án cấp độ cao. Vụ này, cảnh sát đã phái bốn thám tử đến túc trực ở ngoài bệnh viện, chờ bà Hariman tỉnh lại để lấy lời khai. Cùng lúc, nhiều nhà báo và phóng viên truyền hình cũng tề tựu chờ cơ hội thu thập tin tức vụ án.

Bà Hariman được đưa từ phòng cấp cứu về phòng điều trị, nằm ngay đơ như một khúc gỗ; hai cánh tay và một cẳng chân đã được bó bột, đầu quấn bằng trắng toát. Cũng may mà bà còn khá tỉnh táo, có thể trả lời được vài ba câu hỏi. Một viên sỹ quan cảnh sát trạc ngoài bốn mươi tuổi, tên là Kent được cử đến thẩm vấn, bên cạnh là mấy tay nhà báo hóng chờ tin và thi thoảng chụp một kiểu ảnh.

Viên cảnh sát Kent hỏi:

- Bà Hariman, bà nghe rõ tôi nói đấy chứ?

- Vâng.

- Tại chỗ người ta phát hiện ra bà, bà nói với cảnh sát là bà bị cướp mất ba mươi ba nghìn đô la, vậy là thế nào?

- Là…

- Tại sao bà lại đem theo người một lượng tiền mặt lớn như thế?

Bà Hariman ngập ngừng hồi lâu rồi mới đáp:

- Tôi là một phụ nữ ngu đần, có lúc còn ngớ ngẩn nữa. Mỗi năm một lần, có khi là hai lần, tôi rút hết toàn bộ số tiền gửi trong tài khoản đem về nhà, bày ra chỉ để ngắm nghía, sờ mó… cho thỏa thích, sau đó mấy ngày lại đem gửi vào ngân hàng. Nhưng lần này thì… - Giọng bà nhỏ dần đi - Tôi đã làm mất hết cả tiền rồi!

- Bà có thể nhận diện tên cướp đó chứ?

- Chúng có hai tên, từ trước tới nay tôi chưa bao giờ gặp chúng. Giả sử có gặp lại, tôi cũng không thể nhận ra chúng vì sự việc chỉ xảy ra trong phút chốc…

Lúc đó, mũi thuốc an thần do bác sỹ tiêm đã có tác dụng, bà Hariman ngủ thiếp đi. Cô y tá nói:

- Ông sỹ quan, nếu có gì còn phải hỏi thêm, xin ông để cho đến ngày mai.

Chiều hôm sau, sỹ quan cảnh sát Kent vào bệnh viện, giận dữ như một con gấu nhưng không thể nói chuyện được với bà Hariman vì bà lão ngủ li bì suốt ngày, bác sỹ không cho phép đánh thức.

Ngày thứ ba, viên cảnh sát Kent lại đến. Mặc dù đã bình tĩnh hơn nhưng anh ta vẫn có vẻ tức giận. Bà Hariman đang ngồi tựa vào đầu giường, nghe một tình nguyện viên trẻ tuổi là học sinh trung học đọc báo. Anh ta bảo cô tình nguyện viên ra ngoài chờ để mình nói chuyện riêng với bà Hariman.

Chờ người tình nguyện viên đi ra ngoài, viên cảnh sát hỏi bà Hariman:

- Bà được lắm, vì sao mà bà lại phải nói dối tôi như vậy?

Bà Hariman đáp:

- Tôi… tôi không hiểu ông nói gì.

- Tốt, bà biết tôi nói gì, đó là số tiền ba mươi ba nghìn đô la trong trí tưởng tượng của bà. Đây là vụ án cướp tài sản mà báo chí và truyền hình đã đưa tin rất nhiều, nhưng tôi đã đến ngân hàng và xác minh số sê ri tiền thì biết rằng từ trước tới nay bà chưa từng có mở tài khoản. Nhân viên ngân hàng cho biết, hôm trước họ chỉ thấy bà đến rút tiền trợ cấp xã hội từ chi phiếu. Tại sao bà lại phải nói dối như vậy?

Hai bàn tay người phụ nữ đang bị thương xòe ra, nắm lại rồi lại xòe ra, bất lực:

- Tôi không muốn hai tên cướp thoát thân dễ dàng như thế. Tôi… tôi muốn làm gì đó để chúng phải trả giá…

Nhưng viên cảnh sát không muốn bỏ qua:

- Nhưng bất tất bà phải nói dối như vậy, bà biết rằng chúng tôi đang hết sức cố gắng tìm cách để lấy lại số tiền trợ cấp cho bà. Đối với chúng tôi, nó cũng có giá trị ngang cái món tiền lớn kia vậy.

Mình nói thế mà anh ta vẫn không hiểu sao? Bà Hariman không đáp lại ngay để cho viên cảnh sát có thời gian nhớ lại điều không thấu tình, đạt lý mà anh ta vừa nói. Ban đầu, cảnh sát cho rằng có ba mươi ba nghìn đô la bị cướp nên mới cử hẳn bốn thám tử đi điều tra, cánh báo chí cũng đã đưa tin về hành động của cảnh sát. Còn bây giờ? Chỉ có một mình viên cảnh sát này nhận lệnh đi điều tra vụ án, việc điều tra sẽ chỉ tiếp tục khi anh ta quay trở về phòng làm việc với kết quả "án chưa phá xong". Chí ít, lương tri cũng sẽ không làm cho anh ta hổ thẹn.

Bà Hariman nói:

- Ý tôi không phải là như vậy. Tôi tin tưởng cảnh sát sẽ làm hết sức mình, bất luận là số tiền bị cướp nhiều hay ít.

 Nghe nói vậy, sỹ quan Kent cảm thấy lời nói có gì đó rất khách sáo. Một bà lão bị đánh một trận nhừ tử rồi cướp hết tiền lại có vẻ hiểu mình như thế sao? Mình mà đồng tình với bà ấy thì liệu có xác đáng không?

Viên sỹ quan muốn dừng lại nên nói:

- Thôi được, chúng ta hãy quên chuyện này đi nhé! - Anh ta vừa đi ra cửa, vừa ngoái đầu lại, nói - Nếu như có gì tiến triển, tôi sẽ báo cho bà biết.

Cô tình nguyện viên trẻ tuổi quay trở lại buồng bệnh, ngồi xuống cạnh giường, cầm tờ báo đang đọc dở lên:

- Bà có muốn nghe cháu đọc thêm một đoạn nữa không ?

- Tốt lắm, cháu hãy đọc lại đoạn tin về vụ án giết người ấy đi!

- Nhưng cái tin ấy, cháu đã đọc cho bà nghe tới bốn lần rồi mà.

- Bà biết, nhưng cháu hãy đọc lại thêm một lần nữa đi!

Cô gái khẽ hắng giọng, đọc:

-  "Khoảng mười giờ tối hôm qua, cảnh sát điều tra một vụ hỗn loạn xảy ra tại số nhà 895, đại lộ số 7. Họ phát hiện có hai người đàn ông đã chết vì bị dao đâm, nằm trên sàn nhà. Đó là Wiliam White và Jack Boert, cả hai sống chung tại một căn hộ và đều đã có thời gian ở tù khá lâu. Láng giềng cho biết, hai người đã cãi nhau và đánh lộn cả ngày vì người nọ cho rằng người kia đã "ăn mảnh" và nẫng tay trên một số tiền lớn chưa xác định. Mâu thuẫn cuối cùng được giải quyết bằng dao và kết quả là người này bị người kia đâm chết. Vụ án đang được cảnh sát tiếp tục điều tra".

Bà Hariman khẽ nhếch cặp môi đang còn sưng tấy, cười mỉm và khẽ khàng giục:

- Kìa, cháu hãy đọc tiếp thêm một lần nữa đi!                                                                         

Isaac Power (Mỹ)-Trần Dân Phong (dịch)
.
.