Hoa trên đá

Thứ Hai, 24/10/2016, 08:00
Lực bất tòng tâm, ông Thịnh, bà Thân thương con lắm nhưng cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, ngậm ngùi thuyết phục con từ từ rồi sẽ tính sau. Phần xót xa cho hoàn cảnh gia đình, phần ngưỡng mộ trước sự ham học và thông minh của Trí, tôi định nói với bố mẹ tôi tìm cách giúp đỡ để Trí cùng được đi học...

Chiếc phi cơ mang số hiệu AF5097 của Hãng Hàng không Air France đưa tôi từ thủ đô Paris về tới sân bay Nội Bài lúc hai mươi hai giờ. Về tới nhà đã hơn một giờ sáng hôm sau. Chuyến bay gần hai chục tiếng đồng hồ do thời tiết xấu làm tôi mệt nhoài, nằm quay ra giường ngủ như chết. Khi tỉnh dậy đã gần bảy giờ sáng, tôi vùng dậy làm vệ sinh cá nhân. Người tôi phải đến thăm ngay là Trí - bạn chí cốt gắn bó với tôi suốt thời gian học phổ thông đến khi tốt nghiệp đại học.

Hồi mới sinh ra, Trí bụ bẫm, kháu khỉnh nhưng đôi chân bị bại liệt. Ông Thịnh, bà Thân (bố mẹ Trí) buồn như người đưa đám bởi căn bệnh bẩm sinh vô phương cứu chữa. Nỗi khát khao có đứa con bình thường, khỏe mạnh đã thôi thúc bố mẹ Trí sinh con thứ hai vào hai năm sau đó.

Nỗi buồn chưa vơi đi thì nỗi lo lại đến. Em gái Trí sinh ra bị sứt môi trên, lớn lên trong còm cõi bệnh tật. Hơn ba tuổi mà bé Nhẫn vẫn ngây ngô, chậm biết đi, chậm biết nói. Bố mẹ Trí thật sự tuyệt vọng vì bác sỹ kết luận bà Thân đã mất khả năng sinh đẻ do bệnh lý, đành phó mặc cho số phận.

Cây muốn yên nhưng gió chẳng đừng. Những điều ong tiếng ve trong xóm ngoài làng làm bố mẹ Trí đau đầu. Người thì bảo: Chắc đời trước ăn ở thất đức nên đời sau phải gánh chịu. Người lại nói: Ông bà ấy sống có đến nỗi nào mà đẻ hai đứa con đều bị tật nguyền.

Thôi thì… miệng lưỡi thế gian, mặc kệ họ bởi bịt được miệng chum, miệng lọ chứ ai bịt được miệng người. Nghĩ vậy nhưng ông Thịnh, bà Thân vẫn phải cắn răng chịu đựng, suốt ngày chỉ ở nhà, rất ít khi ra ngoài. Cũng may có bà nội động viên, an ủi nên bố mẹ Trí cũng nguôi ngoai được phần nào. Tuy đã ngoài tám mươi tuổi nhưng cụ vẫn minh mẫn, hàng ngày vẫn nhặt rau, quét dọn nhà cửa. Nhưng họa vô đơn chí, cái sảy nảy cái ung.

Minh họa: Lương Xuân Đoàn.

Một buổi tối, cụ ra sân giếng rửa chân không may bị trượt ngã vào chiếc chậu sành. Nghe “ối” một tiếng, mọi người chạy ra thì cụ đã nằm sõng soài, bất tỉnh do chân trái bị gãy phải đưa đi cấp cứu… Thế là gánh nặng lại đè thêm lên đôi vai bà Thân. Một mình chăm sóc cho hai đứa con và mẹ chồng đều bị tàn tật.

Ông Thịnh là thương binh loại hai nên cũng chẳng giúp bà được gì nhiều. Bà ngày càng teo tóp, tóc đã muối tiêu. Khác với em gái, Trí thuộc loại thông minh. Mới năm tuổi mà Trí đã đọc thông, viết thạo, làm được các phép tính cộng trừ nhân chia đến hàng trăm. Khao khát được cùng các bạn cắp sách đến trường, nhiều lần Trí năn nỉ đòi bố mẹ cho đi học.

Lực bất tòng tâm, ông Thịnh, bà Thân thương con lắm nhưng cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, ngậm ngùi thuyết phục con từ từ rồi sẽ tính sau. Phần xót xa cho hoàn cảnh gia đình, phần ngưỡng mộ trước sự ham học và thông minh của Trí, tôi định nói với bố mẹ tôi tìm cách giúp đỡ để Trí cùng được đi học.

Thật bất ngờ, trước đó hai ngày, bố mẹ tôi đã đặt vấn đề với ông Thịnh nhận tài trợ tiền học phí cho Trí trong thời gian học phổ thông. Biết tin này, tôi sung sướng không kém gì Trí. Hai chúng tôi gắn bó với nhau từ đó…

Nghe tiếng gọi mở cổng, con chó màu lông cừu dũng mãnh như con Bécgiê chạy ra, hai chân trước chồm lên thanh ngang của chiếc cổng sắt vẫy đuôi mừng rối rít. Tôi thật ngạc nhiên trước những cử chỉ thân thiện của chú chó này, vì tôi đi vắng đã gần bốn năm nay mà nó vẫn còn nhớ.

Một lát sau, từ trong nhà, cô gái vận bộ quần áo màu xanh da trời, mái tóc dài tết đuôi sam duyên dáng nhanh nhẹn đi ra. Tôi ngờ ngợ chưa nhận ra người đó là ai. Nhìn khuôn mặt trắng hồng hao hao giống Trí, phải chăng cô này là em gái? Nhưng có điều làm tôi băn khoăn là trước khi tôi sang Pháp làm luận án Tiến sỹ, em gái Trí vẫn còn lơ ngơ, khi nói phải có người “phiên dịch” mới hiểu rõ nội dung. Đặc biệt là cái môi…Hay là…

Trong giây phút ngỡ ngàng, cô gái nhận ra tôi mừng rỡ reo lên: “A anh Cần! Anh về bao giờ thế?” rồi dang hai tay ôm chầm lấy tôi. Theo phản xạ tự nhiên, tôi cũng vòng hai tay ôm lấy cô gái, vồn vã nói:

- Anh mới về đêm qua. Sáng ngủ dậy là anh sang đây ngay. Em là Nhẫn phải không?

- Vâng. Em là em gái anh Trí đây.

- Sao em thay đổi nhiều thế, làm anh không nhận ra?

- Chuyện dài lắm anh ạ. Mời anh vào nhà đã.

Nói xong, Nhẫn cầm tay tôi đi vào nhà trong niềm vui bất ngờ. Vừa thấy tôi, ông Thịnh và bà Thân nét mặt rạng rỡ, chạy ùa ra sân đón tôi như đứa con đẻ trở về sau bao năm xa cách. Sau khi ân cần hỏi thăm việc ăn ở, học tập... của tôi trong mấy năm ở nước ngoài, bà Thân yêu cầu tôi phải ở lại ăn cơm trưa, rồi cùng cô con gái tất bật đi lo việc bếp núc.

Ngồi đối diện với ông Thịnh trên buồng khách, tôi tò mò hỏi thăm về những thay đổi của hai anh em Trí. Ông Thịnh say sưa kể:

- Thật thiệt thòi cho thằng Trí nhà bác. Nó tốt nghiêp Đại học Y vào loại giỏi, lẽ ra được các bệnh viện đón nhận nhưng thực tế chẳng nơi nào nhận cả vì đôi chân tật nguyền. Có người rỉ tai bác: Bây giờ xin việc cũng phải tốn kém vài trăm triệu chứ không nói suông được đâu. Cháu tính gia cảnh nhà bác tù túng lấy đâu ra tiền. Cũng may mà thằng Trí học giỏi, được cấp học bổng toàn phần trong những năm học đại học nên cũng đỡ gánh nặng cho gia đình bác...

- Thế bây giờ Trí làm gì hả bác? - Tôi ngắt lời.

- À, lại nói về công việc của thằng Trí. Sau khi cháu sang Pháp khoảng ba tháng, bác có giấy báo đi giám định sức khỏe. Kết luận của Hội đồng Y khoa xác nhận bác bị nhiễm chất độc da cam trong kháng chiến chống Mỹ. Từ đó đến nay, bác đều được tiền trợ cấp hàng tháng nên kinh tế gia đình cũng đỡ khó khăn hơn. Còn thằng Trí được UBND xã quan tâm, cho vào làm việc tại Trạm Y tế xã cháu ạ. Tuy khiếm khuyết đôi chân, đổi lại nó cũng có tài lẻ, đã điều trị cho nhiều bệnh nhân khỏi bệnh, đem lại hạnh phúc cho bao gia đình, được bà con trong và ngoài xã yêu mến, tín nhiệm.

Ngay sáng sớm nay, ông Tình ở xã bên, đồng đội cùng bác năm xưa, có con dâu đột nhiên đau bụng dữ dội, đã lên đón thằng Trí đến điều trị, giờ này vẫn chưa về. Nhưng điều mà gia đình bác phấn khởi nhất là giải tỏa được những hoài nghi, mặc cảm, dị nghị của dân làng bấy lâu nay. Thay vào đó là sự tôn trọng, sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng dành cho gia đình bác.

- Còn em Nhẫn, bác chữa chạy ở đâu mà phục hồi nhanh vậy? - Tôi hỏi thêm.

Ông Thịnh cười rạng rỡ:

- Cũng nhờ thằng Trí cả đấy cháu ạ. Sau khi ra trường, nó có tâm nguyện bằng mọi cách phải chữa khỏi bệnh cho em gái. Sau gần hai năm điều trị và kiên trì luyện tập phục hồi chức năng, em nó đã hoàn toàn khỏi bệnh. Sau đó thằng Trí đưa em Nhẫn đi phẫu thuật thẩm mỹ cái môi hở hàm ếch. Kết quả ngoài mong đợi như cháu thấy đấy. Nếu không có thằng Trí thì con Nhẫn phải chịu mang bệnh tật suốt đời. Nhưng nói cho hết nhẽ, người mà bác phải mang ơn là bố mẹ cháu. Nếu không có sự giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần của bố mẹ cháu thì thằng Trí không có cơ hội đi học và trưởng thành như ngày hôm nay...

Tôi vội vàng xua tay:

- Bác đừng nói thế. Cháu thấy Trí và em Nhẫn được như bây giờ là hạnh phúc lắm rồi. Còn sự giúp đỡ của bố mẹ cháu có đáng gì so với công lao của bác. Bác đã bao năm chiến đấu gian khổ, để lại một phần xương máu nơi chiến trường, khi trở về hậu phương lại phải gánh chịu những di chứng nặng nề do chiến tranh để lại. Chính gia đình cháu mới phải mang ơn bác. Điều mà cháu khâm phục nhất là nghị lực và ý chí vươn lên của Trí, đồng thời cũng là một người cực kỳ thông minh.

Thú thật với bác, nếu không có sự giúp đỡ, kèm cặp của Trí trong suốt những năm học phổ thông thì có lẽ cháu cũng không thi nổi vào Trường Đại học Y. Có chăng là đỗ được một trường đại học tốp dưới. Việc Trí chữa khỏi bệnh cho em Nhẫn cũng như bao bệnh nhân khác khẳng định sự trưởng thành vượt bậc và tài năng của một bác sỹ trẻ...

Câu chuyện của hai bác cháu tôi bị ngắt quãng bởi tiếng xe máy của ông Tình chở Trí đang đi vào ngõ. Tôi vội chạy ra sân đón. Vừa trông thấy tôi, Trí đã hớn hở chào tôi trước:

- Chào Tiến sỹ. Ăn cơm Tây có khác, trông cứ như người mẫu.

- Sánh sao được với bác sỹ Mạnh Trí. Tao phục mày sát đất đấy.

- Kỳ này về nước liên kết với tao cùng hành nghề chứ?

Hai chúng tôi cùng cười vang mãn nguyện. Ở trong nhà, ông Thịnh và bà Thân tíu tít hỏi thăm ông Tình về sức khỏe của cô con dâu. Ông Tình nghẹn ngào nói:

- Cả đời tôi mãi ghi nhớ công ơn của ông bà và cháu Trí. Con Mây nhà tôi đột nhiên đau bụng dữ dội rồi ngất lịm, người tím tái. May có cháu Trí đến khám, phát hiện cháu chửa ngoài dạ con bị vỡ, thai nhi chết lưu, đã xử lý kịp thời nên cháu được cứu sống. Nếu có đưa đi bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh cũng không kịp mà sẽ bị chết ở dọc đường...

Ông Thịnh thở phào ngắt lời ông Tình:

- Thôi thế cũng là may rồi, không phải ơn với huệ gì cả. Hồi ở chiến trường, tôi bị đạn pháo bắn đứt lìa một cánh tay rồi ngã gục xuống hố bom. Nếu không có ông phát hiện và cõng tôi về căn cứ cứu chữa kịp thời thì tôi cũng mất mạng rồi. Công của ông lớn lắm mà tôi chưa đền đáp được. Thôi, chuyện này còn dài, nói sau. Trưa nay mời ông ở lại ăn cơm với gia đình tôi, nhân tiện có bạn của cháu Trí ở nước ngoài mới về chơi, đồng thời cũng là mừng cho con dâu ông đã qua cơn nguy kịch...

Chợt có tiếng taxi đỗ xịch đầu ngõ. Từ trên xe, ba người bước xuống, trên tay cầm những bó hoa rực rỡ sắc màu đi thẳng vào nhà. Sau khi lần lượt bắt tay những người có mặt, một vị khách đại diện tươi cười nói với Trí:

- Chắc bác sỹ còn nhớ ba chúng tôi ở thị trấn Sơn Hà, là bệnh nhân được bác sỹ điều trị hồi cuối năm ngoái. Hôm nay chúng tôi có bó hoa tươi và chút quà mọn gọi là tấm lòng thành tặng bác sỹ nhân ngày “Thầy thuốc Việt Nam”. Kính chúc bác sỹ luôn khỏe mạnh để tiếp tục đem tài năng, trí tuệ của mình cứu chữa được nhiều bệnh nhân khỏi bệnh như chúng tôi.

Trí vui vẻ đón nhận những bó hoa tươi thắm cùng những chiếc phong bì rồi đưa cho em gái đặt trang trọng lên bàn thờ. Trong khói hương thơm ngát, Trí cùng ba vị khách nghiêm trang vái lạy ba vái trước bàn thờ tổ tiên.

Cuộc hội ngộ không hẹn mà gặp trong niềm vui phấn khởi và ấm áp nghĩa tình. Một lúc sau, Trí cầm ba chiếc phong bì phát lộc cho ba vị khách và mời họ ở lại cùng dự bữa cơm thân mật với gia đình. Biết không thể chối từ, ba vị khách vui vẻ nhận lời trong sự cảm phục, trìu mến đối với người thầy thuốc tận tâm và đôn hậu.

Mâm cơm được bày ra, mọi người nâng cốc dành tặng cho nhau những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Mùi rượu nếp cái hoa vàng thơm phức hòa quyện mùi thức ăn lan tỏa, ngào ngạt hương quê.

Không khí bữa liên hoan đang phấn khích thì điện thoại báo tin tôi có khách đợi ở nhà, tôi đành xin phép về trước. Mọi người tiễn tôi ra sân trong những cái bắt tay thân thiết rồi ý tứ trở vào nhà, chỉ còn mình Nhẫn tiễn tôi. Hai đứa chậm rãi sánh bước bên nhau. Thoang thoảng từ suối tóc em mùi hương bồ kết thơm dịu làm tôi lâng lâng niềm cảm xúc.

Tôi thoáng nghĩ: Cả tuổi ấu thơ đến tuổi trưởng thành, Nhẫn đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Nay tôi có điều kiện quan tâm đến em hơn bởi trong trái tim tôi đã in bóng hình em, tin rằng em sẽ vui mừng đón nhận. Nhưng có điều phải giải quyết nỗi băn khoăn của một số người thân bên họ hàng nhà tôi, liệu sau này có để lại di chứng? Tôi tự hỏi rồi lại tự trả lời. Không sao, Nhẫn bây giờ đã bình thường như bao cô gái khác, chỉ cần có tình yêu đôi lứa là có tất cả, không trở ngại nào mà không thể vượt qua…

Quãng đường từ nhà ra đầu ngõ như ngắn lại. Đã đến lúc phải chia tay. Tôi nắm tay em chào tạm biệt. Nhẫn để nguyên tay trong bàn tay tôi, hơi ấm từ em truyền sang tôi nóng hổi. Im lặng giây lát, em ngước nhìn tôi, đôi mắt ướt rưng rưng, nhỏ nhẹ nói:

- Thỉnh thoảng anh sang nhà em chơi nhé.

- Em yên tâm. Anh sẽ còn đến nhiều. À nghe nói tỉnh mình mới khánh thành khu du lịch sinh thái tâm linh, sáng thứ bảy tuần này anh đến đón em đi tham quan được không ?

- Thế thì tuyệt quá. Em sẽ chờ...

Khi đi gần khuất rặng tre, tôi bất chợt quay lại vẫn thấy Nhẫn đứng đó giơ tay lưu luyến nhìn theo.

Đại Lải, tháng 9 năm 2016
Truyện ngắn của Trần Phúc Dương
.
.