Hiếu thuận

Thứ Ba, 22/11/2016, 08:03
Tiền nhiều cũng vô dụng, tiền càng nhiều càng không tiêu được.

Bạn đừng trừng mắt với tôi, đây không phải là tôi nói, đây là cụ lớn của tôi nói một cách như đinh đóng cột với tôi. Cụ lớn của tôi ngốc? Tôi ngốc? Không! Cậu mới ngốc! Người làng quê tôi đều nói như vậy. Lúc tết năm ngoái, tôi về quê, trên tường trong sân của Ủy ban xã dùng vôi trắng để viết hai câu biểu ngữ lớn nhìn thấy mà giật mình: Một câu là "Một người đặt vòng, cả họ vinh quang", một câu nữa là "Tiền nhiều cũng vô dụng, tiền càng nhiều càng không tiêu được!".

Không phải, không phải, tuyệt đối không phải là "cái thôn điên", cũng không phải là "cái thôn ngốc", cũng không phải là "cái thôn giàu có", "cái thôn thường thường bậc trung", thôn của tôi không có nhà nào là vạn tệ (tệ: đơn vị tiền Trung Quốc; 1 tệ tương đương 33 nghìn đồng tiền Việt) hộ, không gạt cậu. 

Nói như vậy nhé, hồi năm ngoái tôi có giơ lên tờ 100 tệ, đến từng nhà từng hộ mở ra cho người trong thôn xem, đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy một tờ tiền lớn như vậy, có hơn nửa số người không tin là thật.

Minh họa: Lê Tâm.

Tôi vốn muốn đưa cho cụ lớn tôi lưu lại một tờ, nhưng cụ ấy nói không cần, tiền không biết tiêu đi. Không có ai có thể tiêu được số tiền to thế này, hiểu không? Chính là không có cách nào tìm số lẻ. Người trong thôn nhìn thấy tôi, đều nói một câu: tiền nhiều vô dụng, tiền càng nhiều càng không tiêu được. Nghe giống như là khẩu lệnh, ám hiệu vậy. Họ sợ tôi không thể lí giải ngạn ngữ trong thôn, liền lấy người thực việc thực giải thích cho tôi.

Sự thực là thế này.      

Thôn chúng tôi có lão Tống, vợ lão mất sớm, chỉ có một mình lão vừa làm bố vừa làm mẹ nuôi nấng hai đứa con trai. Con trai lớn vốn ngu dốt đần độn, lại bị mắc chứng viêm não, nói trắng ra thì chính là thằng ngốc. Đứa nhỏ thì lanh lợi, lão đem tất cả hi vọng dồn vào đứa nhỏ. Cái đứa nhỏ này chịu khó học hành, trở thành đứa trẻ đầu tiên đỗ vào đại học trong lịch sử thôn. Từ khi đi học đến đi làm, nó đều ở thành phố lớn, rất ít về nhà. Nghe nói, đứa nhỏ sau này trở nên giàu có, mở mày mở mặt, rất có tiền, chủ tịch ngân hàng còn vay tiền của nó. Trong nhà ngoài tiền là vàng, không có gì khác cả, ngay cả cái bồn cầu cũng mạ vàng.

Lão Tống ở quê sống cùng thằng ngốc lớn, những ngày đó khỏi cần nói cũng biết rất khó khăn. Hai người không thể cùng ra ngoài vì chỉ có một cái quần.

Đứa nhỏ rất hiếu thuận, có năm về quê. Xe hơi cao cấp lái một hàng, dừng lại ở đầu thôn, đường trong thôn xe không vào được. Có vài người đem yên xe tháo ra, khiêng con trai lão Tống vào nhà. Bảo vệ có đến 4 người, tất cả đều đeo kính râm, nhẫn vàng lấp lánh đeo đầy các ngón tay. Còn có vài người nhấc mấy hòm đồ đạc, là tủ lạnh, máy giặt các loại. Lão Tống sau này bỏ miếng than đá vào tủ lạnh, bỏ dưa muối vào máy giặt, bởi vì trong thôn không có điện.

Lần đó, đứa con trai nhỏ của lão chỉ ngồi ở nhà nửa tiếng, không có việc gì, lại bận, lại phải đến thành phố lên máy bay đi nước ngoài công tác.

Lão Tống chỉ muốn đứa nhỏ đem thằng anh ngốc vào thành phố, không nói đến bản thân. Đứa nhỏ không đồng ý, nói cả đời ở trong thôn quen rồi, ra thành phố sẽ mắc bệnh.

Đứa con trai giàu có hỏi lão thiếu những gì, lão nói, chả thiếu gì cả, chỉ là ăn không được no. Nhưng đứa nhỏ ngay đến một cái bánh ngô cũng không đem về, điều này làm người trong nhà thất vọng.

Đứa con trai nhỏ lúc sắp đi có để lại tấm thẻ, mỏng, vuông vức, nói với bố, ở trong này có rất nhiều rất nhiều tiền, có mua toàn thôn cũng được, ngoài ra còn dư một khoản tiền lớn. Lão già bán tín bán nghi, ngắm nghía tấm thẻ một hồi, lại duỗi tay sờ sờ lên trán con trai, thấy không phát sốt, xem ra là không nói hồ đồ. Con trai dặn dò cha, khi nào dùng chỉ cần quẹt là được.

Con trai đi rồi. Lão muốn đến hàng tạp hóa trong thôn mua than đá để đốt lửa dùng, nhưng quẹt thế nào cũng không ra tiền. Dùng cái quẹt quẹt không có tiền, quẹt lên than đá cũng không có tiền. Bệ bếp, khung cửa, cả giá hàng của hàng tạp hóa đều đã thử quẹt qua, nhưng quẹt vẫn không ra tiền.

Lão già mắc bệnh ngày càng nặng. Sự việc quẹt thẻ ở trong thôn dẫn đến sóng to gió lớn, tuyệt đại đa số người dân cho rằng con trai lão là kẻ đại lừa bịp hoặc mắc bệnh tinh thần, cũng có vài người nói cái đồ chơi này không thể dùng ở thôn chúng ta, chỉ có thể dùng ở các thành phố lớn. Lão Tống hồi trẻ chưa hề vào thành phố bây giờ đi vệ sinh cũng phải có thằng ngốc đỡ, nào có thể mua một ít lương thực đi thành phố đây. Hàng xóm lại nói, lúc đầu cậu nhỏ nếu có thể để lại năm chục tệ thì tốt, cũng không đến nỗi lão già bị mắc bệnh cấp tính. Trong thôn lại không tiện giúp đỡ lão, bởi vì con trai ông ta nổi tiếng có tiền. Có một vài người tốt trong thôn thỉnh thoảng cho đậu thối, bánh màn thầu, cháo,… lão già gắng gượng cũng qua được nửa năm.

Lão Tống chết rồi. Đứa con trai nhỏ của lão không biết hay tin từ đâu trở về quê nhà. Ngày nhập thổ, cảnh tượng rất long trọng, thật là làm cho người trong thôn được mở mắt. Cá to thịt lớn thuốc tốt rượu tốt đều bày đầy ra một xe ngựa, chỉ đốt pháo thôi cũng đốt hết một ngày, nhà, xe, ngựa giấy,…đều rất đẹp mắt.

Cuối cùng, đứa con trai nhỏ trước mặt mọi người trong thôn viết một chi phiếu 1 vạn, sau đó châm lửa đốt trước mộ của cha. Nghe nói là để cha già mang theo tiêu ở thế giới bên kia.

Truyện vui của Lao Mã (Trung Quốc)-Minh Thương (dịch)
.
.