Hiếm muộn
Bà Bỉnh bước ra phòng ngoài, vác vào một bao tải than hoa. Tay trái bà xách một chiếc túi vải. Bà mở túi, lấy ra một chiếc ấm sành và một chiếc lò đun than.
- Mẹ lên đây chuyến này cốt để mang cho con một bao than hoa và chiếc ấm sành sắc thuốc. Dùng bếp ga và ấm nhôm sắc thuốc bắc không phải cách. Con cứ làm theo lời mẹ. Nào, đem thang thuốc cho mẹ. Có cả lò đun than nữa đây này.
Hạnh nhanh nhẹn mở ngăn tủ, lấy ra một thang thuốc, mùi thơm lừng lựng bay. Bà mẹ chồng thoăn thoắt trút thang thuốc "tạo sinh" vào ấm rót nước đổ than hoa vào lò rồi nhóm lửa. Nhìn bà mẹ chồng tuổi ngoài bảy mươi nhưng vẫn còn xông xáo trong bộ quần áo nâu sòng, Hạnh áy náy trong lòng.
Trong khi bà mẹ dẻo tay quạt lò, Hạnh lên phòng khách pha trà hầu mẹ. Bà từ dưới quê lên không hề báo trước.
Vừa đến nhà con dâu, chẳng chờ mời nước nôi, bà xông thẳng vào bếp. Chủ tâm của bà trong chuyến lên phố lần này là thúc giục con dâu uống xong đợt đầu mười thang thuốc "tạo sinh" mà bà đã cất công sang huyện bạn xin thầy cắt cho.
Đức, con trai bà là một sĩ quan biên phòng đang công tác ở một tỉnh xa. Ông bà sớm cưới vợ cho con trai, thằng con độc đinh, chỉ mong sớm có đứa cháu nối dõi tông đường. Về phía chồng bà, đã ba đời con một, đường dây huyết thống xem chừng mong manh lắm. Hai vợ chồng Đức và Hạnh lấy nhau đã hơn sáu năm, nhưng chưa có một mụn con nào.
Chồng bà không nói ra, nhưng bà biết ông cũng sốt ruột lắm. Có lần, ông đánh đường lên tận Hòa Bình xin thuốc của một bà mế người Mường về cho con dâu uống, nhưng chẳng ăn thua. Lại một lần khác, ông nghe đồn có một ông thầy giỏi nghề truyền nhân điện cứu người, ông và bà đã kéo nhau lên thành phố thuê taxi đưa con dâu đến tận nhà thầy, ăn chực nằm chờ hàng tuần lễ, rốt cuộc vẫn không hiệu quả. Con trai của ông bà khỏe mạnh thế kia, năm nào đi khám nghĩa vụ quân sự được xếp loại A một, lẽ nào lại là đứa vô sinh. Chẳng may nó lấy phải cô vợ nân. Vì lẽ đó, hai ông bà tập trung chữa chạy cho cô con dâu.
Hạnh là một cô dâu hiền thảo. Điều ấy, người trên kẻ dưới trong gia đình, ai cũng thấy rõ. Duy cái việc chậm đường sinh nở, mọi người trong nhà coi như món nợ cô chưa trả xong. Chẳng lẽ đó là món nợ trời đày. Trong con mắt ông bà, bố mẹ chồng của Hạnh, cô là người mang tội nợ với tổ tông.
Hạnh pha xong ấm trà, ngồi thẫn thờ trước bàn nước, quên cả việc xuống bếp mời mẹ chồng. Lòng dạ cô xốn xang như có nắm bùi nhùi cứ nhét vào bụng. Tình thế của cô đã khó xử, ngày càng khó xử. Ba năm sau đám cưới, cô chờ đợi một sự thay đổi trong cơ thể, nhưng mãi chẳng thấy gì. Bụng bảo dạ cứ kiên trì chờ đợi mà trong lòng thắc thỏm lo âu. Vậy rồi năm thứ tư cũng qua đi. Thỉnh thoảng trong những lúc trao đổi công việc nhà, bà Bỉnh cứ lén nhìn bụng con dâu lép kẹp mà thở dài. Cử chỉ ấy khá kín đáo nhưng Hạnh vẫn nhận ra, vì bản thân cô thường trực nỗi lo trước sự mong mỏi của bố mẹ và anh chị em chồng. Cô trở nên cực kỳ nhạy cảm trước những ánh mắt thăm dò, những câu nói bóng gió đụng chạm đến việc sinh nở.
Đến năm thứ năm sau đám cưới mà thấy cô con dâu vẫn tịt đẻ, ông bà Bỉnh ra tay chạy thầy, chạy thuốc thực sự. Áp lực tâm lý bắt đầu đè nặng tâm hồn Hạnh. Ngoài những chuyến về phép hằng năm của Đức, Hạnh vẫn tận dụng những dịp, những mùa cửa hàng vơi khách để đi thăm chồng ở đơn vị xa. Riêng Hạnh, phần tốn kém thuốc men không phải là số tiền ít ỏi.
Hạnh chịu khó tìm thầy, theo lời giới thiệu của bạn bè. Có ông thầy phán rằng khí huyết của cô không cân bằng âm dương và cho cô phương pháp điều trị đặc biệt. Cô đã từng ngồi suốt đêm sau lưng một ngôi đền thờ tướng trận, chịu giãi gió dầm sương suốt mười đêm liền để tích tụ khí dương. Cô đã từng thuê xe đi hàng trăm cây số để tới đền Thánh Mẫu xin lộc. Rốt cuộc chẳng đâu vào đâu.
Sự kiên trì của cô đã bị bào mòn, theo đó là niềm hy vọng có con. Mỗi lần đọc báo, thấy nơi này, nơi kia có em bé sơ sinh bị bỏ rơi, Hạnh càng tự dằn vặt sao phận mình khó khăn thế, trong lúc người ta chạy trốn nghĩa vụ nuôi con. Cũng từ những dòng tin ấy, Hạnh nảy ra ý nghĩ xin con nuôi. Nhưng, chỉ vừa mới nói ra ý tưởng mới mẻ ấy, Hạnh đã bị cả Đức và gia đình nhà chồng phản đối kịch liệt. Họ cho rằng con nuôi không phải là huyết thống, không đáp được mong mỏi của dòng họ.
Minh họa: Đỗ Dũng. |
Bế tắc, chán nản. Tâm hồn Hạnh cứ trơ dần. Hạnh thấy mệt mỏi quá chừng. Giá như phải sống thiếu thốn, cực khổ, Hạnh chấp nhận. Giá như phải lao động cật lực, bỏ sức ra gấp ba, gấp bốn lần như hiện nay, Hạnh không nề hà. Đằng này, sự oái oăm lại do ông trời sắp đặt, chạy đâu cho thoát. Áp lực tinh thần ngày một nặng nề.
Sang đến năm thứ sáu, trước sự chịu đựng kéo dài bao năm tháng, trong lòng Hạnh bật lên một sức mạnh phản kháng quyết liệt. Sự chăm lo cho sức khỏe sinh sản của Hạnh, từ phía nhà chồng quả là hiếm có, nhiều khi đem lại niềm an ủi, niềm vui đối với Hạnh nhưng rút cuộc họ cất công chạy ngược, chạy xuôi là vì ai? Có phải vì Hạnh không? Không, họ lo cho Hạnh chỉ một phần mà lý do chính là họ lo lắng cho dòng họ, cho gia đình họ. Đã vậy thì tội gì phải chạy theo họ để mang sự mệt mỏi vào thân, trước một vấn đề do ông trời sắp đặt chứ không phải do Hạnh cố tình gây ra.
Chính sự chuyển biến tâm lý ấy đã khiến Hạnh không quan tâm đến mười thang thuốc mới cắt, chưa nói đến mấy chục thang đang dự định bốc thêm. Trong lòng Hạnh đã nảy ra một phương án gỡ nút, phương án cuối cùng mà Hạnh chưa thổ lộ với ai.
Bà Bỉnh từ dưới bếp lên, mồ hôi nhễ nhại. Hạnh vội vàng đứng dậy mời bà uống nước. Cô bật quạt, chạy ra mở rộng cửa cho thoáng. Bà Bỉnh chưa để tâm trí rời khỏi ấm thuốc. Bà dặn Hạnh:
- Lửa than cháy đều, cứ để cho nước sôi lâm râm, con nhớ khi ba bát nước cạn dần còn một bát là nhấc xuống. Phải uống cho đều.
- Thưa mẹ vâng.
Mới trao đổi qua lại vài câu, bà Bỉnh đã đứng dậy, với tay cầm túi xách:
- Mẹ về đây!
Hạnh bối rối vì bất ngờ trước lời tạm biệt của mẹ chồng. Cô nắm lấy tay bà, năn nỉ:
- Mẹ nán lại mai về không được ư? Ở lại với con một đêm; con còn có câu chuyện muốn thưa với mẹ.
- Bố con cũng đang mong mẹ về. Ông vò võ ở nhà một mình, ai lo bữa chiều đây? Thôi, con để mẹ về. Giá như...
Bà Bỉnh dừng lời nửa chừng. Hạnh mặc cảm hiểu ngay ý bà muốn nói gì. Cô cố giữ mẹ chồng ở lại thêm chốc lát. Khắc đến, khắc đi, vội vã thế kia ư?
Hạnh thưa:
- Con có mấy thứ định gửi về cho bố mẹ. Nay mẹ đã lên đây, xin mẹ nhận cho.
Hạnh mở tủ ra mấy bọc giấy, bày ra bàn, nói với mẹ chồng.
- Đây là thuốc hoạt huyết dưỡng não, thuốc trị men gan, mỡ máu dành cho bố. Còn đây là chiếc áo dài con may biếu mẹ để mẹ mặc khi đi họp đi hành.
Vừa nói, Hạnh vừa mở ra từng bọc giấy, từng hộp thuốc. Cô nắm hai vai chiếc áo dài, giơ lên cao, áp vào người mẹ chồng, giọng nói tha thiết:
- Mẹ vào buồng trong mặc thử xem sao. Số đo con lấy dạo trước, chắc hẳn vừa khổ người của mẹ.
Bà Bỉnh vừa vào buồng trong thử áo thì từ ngoài cổng có tiếng còi xe. Một chiếc ôtô biển đỏ từ từ vào cổng. Bước xuống xe là một sĩ quan biên phòng cấp tướng, dáng người đậm đà, tầm thước, gương mặt vui vẻ phúc hậu.
Hạnh kêu lên:
- Ô, anh Thái. Cơ duyên nào dẫn một vị tướng đến nhà dân thế này?
Người mới đến vừa bước vào nhà, vừa nói:
- Có thư của Đức đây.
Mắt Hạnh sáng lên khi cầm lá thư:
- Một buổi chiều mà em được hưởng hai niềm vui. Thứ nhất là mẹ anh Đức lên thăm, thứ hai là anh đến nhà lại mang thư anh Đức cho em nữa.
- Bà cụ đâu rồi?
- Mẹ em đang ở trong buồng.
Nói xong, cô chuyển sang chuyện khác:
- Rất cảm ơn anh, trong chuyến đi công tác vào miền Nam dạo trước, anh đã cho em đi nhờ vào thăm anh Đức.
Đang vui, giọng cô bỗng trầm xuống, buồn bã:
- Chuyến đi ấy vậy mà chẳng nên cơm nên cháo gì. Buồn lắm anh ạ. Em tính nát chuyện mà chẳng có lối ra.
- Chuyện đâu còn đó, cô đừng nghĩ lung tung. Tôi thông báo với cô một tin mừng.
- Tin gì vậy anh ?
- Thượng tá Hoàng Văn Đức đã có lệnh chuyển công tác ra ngoài này.
- Lệnh từ bao giờ hở anh ?
- Đồng chí Tư lệnh vừa ký sáng nay. Ông ấy bảo tôi: "Đồng chí Đức đã vào trong ấy đã hơn hai chục năm, hoàn cảnh con cái hiếm muộn, tôi đã gặp trực tiếp ở trong ấy. Dù Đức không yêu cầu nhưng Bộ Tư lệnh chủ trương hợp lý hóa gia đình nên cho điều Đức ra".
Hạnh vỗ tay hồn nhiên:
- Hoan hô! Hoan hô !
Có tiếng bà Bỉnh từ trong vọng ra:
- Có việc gì mà vui đến thế, con?
Thiếu tướng Lê Thái vừa thấy bà bước ra liền đứng dậy chào. Hạnh giới thiệu khách. Bà Bỉnh nói:
- Chẳng cần con giới thiệu. Ông Cảnh, bố con thường nhắc đến Đại tá Lê Thái. Nay đã lên tướng rồi cơ à. Ông này đi nghĩa vụ quân sự trước chồng con mấy năm, biết không? Đã mấy lần ông đến thăm bố mẹ tại quê.
- Mẹ ơi, tin vui là anh Đức nhà ta đã có quyết định chuyển công tác ra ngoài này.
Lê Thái vội vã thưa:
- Xin mời bác cùng đi với cháu. Chiều nay cháu có ý định sau khi trao thư của Đức cho cô Hạnh, cháu sẽ đến thăm hai bác tại quê nhà.
Trong lúc đồng chí lái xe lo xếp chỗ ngồi và đồ đạc cho bà Bỉnh, Thiếu tướng Lê Thái còn nán lại vài phút khuyên bảo cô Hạnh giữ gìn sức khỏe.
Đột nhiên, Hạnh mở tủ lấy ra một tờ giấy trao cho Lê Thái:
- Anh nghĩ xem, anh Đức được điều về công tác gần quê nhà em cũng mừng nhưng vấn đề của chúng em không thể gãy gọn được. Chỉ tội cho anh ấy. Tờ giấy này là giải pháp giải thoát cho anh ấy để anh có hậu duệ nối dõi tông đường. Còn em, đây là giải pháp giải tỏa áp lực tinh thần, cho đến nay là không chịu nổi.
Lê Thái xem qua tờ giấy; trợn tròn mắt vì kinh ngạc; anh thốt lên:
- Sao lại xin ly hôn? Cô có cực đoan quá không đấy?
- Em nghĩ kỹ rồi. Đối với em hạnh phúc phải đi đôi với tự do. Em hết chịu nổi áp lực này.
Lê Thái nói giọng chắc nịch:
- Được, tôi nhận tờ giấy này, nhưng không trao cho Đức đâu.
- Vì sao ?
- Chuyện này dài dòng, Đức sẽ nói cho cô rõ.
Nói rồi, Lê Thái đi thẳng ra xe.
Cuộc gặp mặt giữa Đại tá về hưu Hoàng Văn Cảnh và Thiếu tướng Phó chính ủy Lê Thái diễn ra khá ấm áp. Ông già lên tiếng trước:
- Đức có báo cho tôi biết cậu đã lên tướng, tôi rất mừng nhưng đến hôm nay mới có dịp gặp. Bà nhà tôi có nói chuyện Đức được chuyển công tác, tôi xin cảm ơn Bộ Tư lệnh.
Lê Thái nắm lấy tay ông Cảnh, vui vẻ nói:
- Bác ơi, không riêng gì Đức mà nhiều sĩ quan trong hoàn cảnh hiếm muộn như cậu ta cũng sẽ được hợp lý hóa gia đình.
- Thế à? Có chủ trương kế hoạch rồi à? Hơi lạ nhỉ! Chẳng hay vị nào đã có lòng quan tâm tới hậu phương cán bộ vậy? Cậu chứ gì?
- Dạ không. Người đưa ra ý tưởng đề xuất chính sách với các sĩ quan biên phòng đang chịu hiếm muốn về đường con cái là đồng chí Tư lệnh Võ Trọng.
- Ái dà, chuyện mới lạ đây. Tôi làm công tác chính trị mấy chục năm trong thời bình, chưa nghe ai nêu vấn đề hiếm muộn của cán bộ cả, chẳng hay binh tình thế nào?
- Bác biết Tư lệnh Võ Trọng chớ?
- Chịu. Tôi về hưu đã vài chục năm, lạc hậu lắm về tình hình cán bộ trẻ.
- Anh ấy trí lực giàu sáng tạo, tác phong giản dị, tấm lòng nhân ái chan hòa đến từng người chiến sĩ. Chả là sau nhiều chuyến công tác xuống các đơn vị, anh để ý có nhiều sĩ quan sau hàng chục năm thành lập gia đình vẫn chịu cảnh hiếm muộn. Vậy là anh nêu vấn đề với đảng ủy. Các cơ quan chức năng Chính trị, Tham mưu, Hậu cần được giao nhiệm vụ thống kê số lượng các sĩ quan có hoàn cảnh hiếm muộn từ năm năm trở lên sau ngày thành lập gia đình. Bác có biết kết quả là bao nhiêu cặp gia đình gặp hoàn cảnh này không? Trên bốn trăm cặp. Đảng ủy Bộ Tư lệnh ra nghị quyết mở chương trình điều trị cho các sĩ quan đang hiếm muộn. Có kế hoạch tổ chức thực hiện, có biện pháp để triển khai chủ trương. Từ các đơn vị cơ sở, cán bộ, chiến sĩ nhiệt liệt hưởng ứng chủ trương đầy tính nhân đạo của Bộ Tư lệnh và tự nguyện đóng góp cho quỹ điều trị hiếm muộn hàng chục tỉ đồng.
Hôm nay, cháu đến gặp bác là muốn tranh thủ ý kiến của bác về chuyện của vợ chồng anh Đức.
- Hai bác lo hết cách rồi. Dòng họ nhà này đã mấy đời độc đinh, e đến đời Đức là đứt đoạn. Người xưa có câu: "Trong các tội bất hiếu, không sinh con nối dõi tông đường là tội nặng nhất". Tâm lý ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ. Nay được nghe cháu nói tới chủ trương của Bộ Tư lệnh, bác thấy mở ra một con đường sáng. Bác không ngờ trong Bộ đội Biên phòng cũng có nhiều người cùng hoàn cảnh với em Đức của nhà này.
- Thưa Bác, nếu so sánh tỉ lệ gia đình hiếm muộn toàn quốc của là 9%, của toàn quân là khoảng 11% thì tỉ lệ này trong bộ đội Biên phòng là gần 15%. Bộ Tư lệnh rất quan tâm tới vấn đề này nên đã ra nghị quyết về chuyên đề hiếm muộn.
Ông Cảnh nghe đến đây, gật gù tâm đắc:
- Người xưa có câu:
"Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người".
Cuộc vận động này không chỉ cứu một người mà sẽ đem lại hạnh phúc cho hàng trăm gia đình, dù chưa biết kết quả sẽ đạt đến mức nào.
Ý kiến của bác là thế này: ngày bác còn công tác, đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Văn Tiến Dũng có nói một câu rất chí lý, đại khái là công tác biên phòng đòi hỏi các chiến sĩ tiếp tục giữ truyền thống từ đời cha, sang đời con, đời cháu nối tiếp nhau làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc để bảo vệ biên cương vững chắc lâu dài. Nhớ lời dặn dò ấy, bác nghĩ rằng chủ trương điều trị hiếm muộn sẽ được duy trì lâu dài, chừng nào còn tồn tại Bộ đội Biên phòng.
Thiếu tướng Lê Thái đưa hai tay nắm chặt bàn tay ông Cảnh, nói giọng cảm động:
- Cháu là người được giao tổ chức triển khai chủ trương của Bộ Tư lệnh, xin cảm ơn ý kiến đóng góp của bác. Nay mai sẽ có cuộc họp mặt các gia đình hiếm muộn. Cháu chắc rằng Bộ Tư lệnh sẽ ghi nhận ý kiến của bác.
Cuộc họp các cặp đôi hiếm muộn tại hội trường Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng biểu lộ một sắc thái khác thường. Chủ đề không trực tiếp bàn về công tác bảo vệ biên giới mà đề cập đến một vấn đề nhân sinh. Hội trường lớn chật người, không ít cặp đôi đều là quân nhân. Không ít cặp đôi có ông chồng ở ngoài cơ quan dân sự. Bầu không khí giữa những người cùng cảnh ngộ đặc biệt toát lên niềm thân ái hiếm có. Hy vọng, đợi chờ, những nét tình cảm ấy hiện lên trên các khuôn mặt rạng rỡ. Khi vị Trung tướng Tư lệnh bước lên diễn đàn, chưa nói câu nào, tiếng vỗ tay đã vang dậy hội trường. Hạnh ngồi cạnh chồng, thốt lên:
- Vị tướng trẻ quá!
Đức bấm tay vợ, tai vẫn lắng nghe lời nói của Tư lệnh. Hội nghị được biết, đến tham dự, ngoài trên ba trăm cặp đôi gia đình sĩ quan hiếm muộn cùng đại diện các ban chỉ huy bốn mươi tư tỉnh, thành biên giới còn có các đại diện Cục Quân y cùng Ban chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Quốc phòng. Đồng chí tư lệnh trình bày chủ trương kế hoạch bằng chất giọng miền Trung chân chất:
- Đảng ủy Bộ Tư lệnh coi việc điều trị hiếm muộn là một nhiệm vụ thiết thực, thể hiện sự quan tâm tới hạnh phúc của cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Đây là trách nhiệm triển khai tổ chức của các cấp chỉ huy tỉnh thành, là trách nhiệm của các cơ quan chức năng thuộc các Cục. Các cấp chỉ huy phải bố trí cho người hiếm muộn được nghỉ trong thời gian điều trị, có người thay thế ở cơ quan, đơn vị. Đơn vị điều trị chủ yếu là Bệnh viện Từ Dũ ở thành phố Hồ Chí Minh. Văn phòng Bộ Tư lệnh và các bệnh xá, trạm xá chăm lo việc đi lại, ăn ở, nghỉ ngơi cho các cặp vợ chồng. Bộ Tư lệnh hỗ trợ cho mỗi cặp hiếm muộn ba mươi triệu đồng góp vào chi phí điều trị. Cặp nào quá tuổi không sinh sản, cần nuôi con nuôi sẽ được hỗ trợ năm triệu đồng.
Hạnh nghe đến đây, ghé tai chồng nói nhỏ:
- Anh trả lại cho em tờ giấy em viết dạo nọ.
- Giấy nào? - Đức hỏi lại, giọng ngạc nhiên.
- Tờ giấy em nhờ anh Lê Thái trao cho anh.
Vừa lúc Thiếu tướng Lê Thái đi tới. Nghe lọt câu chuyện, Lê Thái lên tiếng:
- Tờ giấy tôi đang giữ đây. Lúc nào cô Hạnh nở nụ, khai hoa, tôi mới giao cho anh Đức.
- Giấy gì mà có vẻ bí mật thế? - Đức lại hỏi.
- Bí mật là bí mật - Lê Thái nheo mắt tí chút. Nói rồi cười mỉm, quay đi nơi khác.
Chợt Lê Thái đến cạnh một Trung úy trẻ tuổi hỏi:
- Này, Ngọc Anh! Máy móc quay phim để ở đâu mà cậu sà vào đây?
- Báo cáo thủ trưởng, cháu là thành phần được triệu tập đến dự hội nghị ạ. Quay phim ở hội trường đã có người khác ạ.
- Là sao?
- Báo cáo chú, thâm niên hiếm muộn của cháu là năm năm ạ.
Thiếu tướng Lê Thái trầm ngâm, gật gật.
*
Thiếu tướng Lê Thái đi công tác vào phía Nam, đến kiểm tra công tác tại trạm xá Bộ đội Biên phòng thành phố Hồ Chí Minh. Bác sĩ trực báo cáo:
- Trạm xá đã tổ chức cho trên hai trăm cặp đến Khoa hiếm muộn của Bệnh viện Từ Dũ. Cho đến ngày hôm nay đã có sáu mươi ba cặp có kết quả sinh đẻ. Hiện ở đây còn lưu trú trên hai mươi cặp chờ vào điều trị và sáu phụ nữ đã mang bầu.
Lê Thái vừa bước vào nhà khách của trạm xá đã gặp ngay hai vợ chồng Đại tá Cảnh.
- Ủa, cả hai bác cùng vào đây. Chẳng hay là từ hôm nào vậy ?
- Nghe Đức báo tin Hạnh có bầu là hai vợ chồng già đánh đường vào ngay - Ông Cảnh đáp.
Bà Bỉnh kéo Lê Thái ra một góc nói nhỏ:
- Ơn trời Phật, ơn Bộ Tư lệnh, được tin mừng, chúng tôi thao thức mấy đêm liền. Hạnh có bầu hơi muộn thế này cũng có lý do; khám bệnh và xét nghiệm xong mới biết Đức bị thiểu năng đường tinh trùng, Hạnh bị thiểu năng đường vòi trứng. Các em phải điều trị đợt hai đấy, cháu ạ. Xin cảm ơn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Ông nhà tôi mừng quá, ước thọ thêm dăm năm.
Thượng tá Hoàng Văn Đức đi tìm bố mẹ lại gặp luôn Thiếu tướng, Phó chính ủy Lê Thái. Anh nói ngay.
- Lúc này, tôi xin thủ trưởng trao lại tờ giấy do Hạnh viết, được chưa ?
Cầm tờ giấy do Lê Thái trao, Đức giật mình:
- Đã từng có chuyện này ư? Tội nghiệp cho Hạnh.
Vừa lúc, máy di động của Lê Thái rung chuông.
- A lô, ai đó?
- Cháu đây, Ngọc Anh quay phim đây. Xin báo tin vui của chúng cháu với thủ trưởng. Vợ cháu vừa sinh con trai tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ở Hà Nội.
Lê Thái reo lên trước máy:
- Tuyệt vời. Lúc nào về Hà Nội chú sẽ đến chúc mừng các cháu.