Hàng xóm

Thứ Năm, 06/07/2017, 08:23
Thực lòng mà nói y chẳng ưa gì nhà hàng xóm tuy ngày ngày vẫn thưa gửi bác cháu ngọt ngào như thể người thân. Cái sự không ưa ấy cũng bởi sự cách bậc về đời sống  kinh tế của hai nhà. Nhà y thì nghèo rớt bữa ăn bữa nhịn còn nhà kia thì sung túc đủ đầy...

- Đúng là loại người độc ác, loại người không biết yêu thương động vật. Ngữ ấy thì ở được với ai.

Tiếng chửi đổng nhà bên vọng sang như xoáy vào đêm làm y không thể ngủ. Hắn chửi vậy là chửi y - Y biết rõ điều ấy. Hay là sang nói lời xin lỗi rồi đền tiền hắn. Nhưng mọi việc đã xảy ra như vậy mình cũng không thể làm khác. Con người phải hơn con chó chứ. Trằn trọc cả đêm khiến vợ y càu nhàu: cả nghĩ, ngủ đi. Kệ xác nhà nó. Nó chửi thì nó nghe.

Nhưng chức hắn to lắm đang nhất nhì hàng huyện. Nhất nhì cũng kệ nó. Mình về hưu rồi sợ gì đứa nào! Nói vậy mà nghe được à… còn con cái mình đang công tác ở huyện này... Rồi mai này nó làm khó dễ…

Vợ y im bặt. Đàn bà vẫn thế. Sợ con bị làm khó dễ nên đầu hàng ngay. Cả y cũng vậy. Chả khác gì bà hàng xóm.

*

Hàng xóm láng giềng ở với nhau từ thời cụ kỵ thì ai còn lạ gì nhau. Mà cái đất bên ấy cũng hay… Chủ nhà toàn là người đến ở rể. Đấy là nghe bố mẹ y nói thế, riêng y biết chắc chắn nhà này đã hai đời ở rể.

Chủ cũ tức là bố vợ tay chủ bây giờ cũng đi ở rể. Ngày ấy tuy còn nhỏ nhưng y đã biết hai cụ nhà bên ấy chỉ có mỗi người con gái. Cụ ông mất sớm, nhà chỉ còn hai mẹ con. Người con gái của các cụ hăng hái sinh hoạt đoàn thể kháng chiến nên chả chịu lấy chồng. Hòa bình được mấy năm thì bà cụ mất.

Mặc dù hơn tuổi nhưng bố mẹ y vẫn gọi người con gái nhà bên ấy là chị với vẻ rất kính trọng. Y nghĩ chắc có họ hàng chăng. Nhưng sau này lớn một tý thì y mới vỡ ra nguyên nhân gọi như thế vì bác gái ấy là cán bộ huyện, cấp trên của bố.

Năm sau thì người con gái - người mà bố y gọi bằng chị, y gọi là bác - lấy chồng. Chồng bác lúc ấy là sĩ quan, có "đùi chó" đựng súng lục đeo bên hông. Oai lắm! Nghe đâu bác ấy đã từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Đám cưới to nhất xóm. Toàn bộ đội với đàn ông mặc áo sơ mi bỏ trong quần tây, đàn bà thì đầu bồng chải bi-dăng-tin bóng mượt đến ăn kẹo hút thuốc lá và hát hò, cả làng đứng ngoài ngõ hóng vào như xem đoàn văn công về biểu diễn. Nhưng không có rước dâu vì bác trai tứ cố vô thân, đi ở cho địa chủ, rồi trốn đi kháng chiến. Bây giờ lấy bác gái và ở rể luôn.

Lấy nhau xong, bác trai lại lên đơn vị bộ đội, bác gái ở nhà làm cán bộ huyện. Cả làng trầm trồ đúng là gia đình cách mạng gương mẫu. Rồi bác gái làm đến chức Phó Chủ tịch huyện. Vài ba năm bác trai về một lần… mỗi lần về sau đó đẻ một cô con gái… Bác có ba con gái.

Lần nào về, bác trai cũng sang nhà y chơi. Bác nhìn anh em y nô nghịch ngoài sân rồi nói với bố y bằng giọng ghen tỵ không giấu giếm: Nhất ông đấy, những ba thằng con giai. Sướng thế!

Cuối năm bảy mươi thì y đi bộ đội.

Xong chiến tranh biên giới tây nam thì bác trai về phép. Lúc ấy y cũng từ chiến trường trở về. Vài tháng sau thấy bác trai khoe: Đợt này tao không thua bố mày nhá. Tao sắp có con giai. Y hỏi làm sao mà bác biết được. Bác bảo tao đưa bác gái lên tận Viện Quân y - họ siêu âm rồi bảo có cái vòi… bác hỉ hả lắm.

Nhưng bác gái tự ý phá thai mặc dù đã được hơn ba tháng tuổi. Vì cấp ủy phải gương mẫu thực hiện huyện thí điểm vận động sinh đẻ có kế hoạch.

Bác giai về đập tan tành mọi thứ… chỉ cái nhà là chưa đốt vì là nhà của bố mẹ vợ. Bác vừa đập vừa chửi: Ủy ủy cái con c… Loại người ngu. Tao đi đánh nhau mấy chục năm giữ nước, giữ dân tộc nhưng đéo giữ được dòng giống nhà tao. Bác khóc hu hu rồi vác ba lô lên đơn vị.

Năm chín mươi bác về hưu với quân hàm Trung tá. Lúc nào cũng buồn.

Bác gái làm đến Chủ tịch huyện rồi cũng về hưu sau mấy năm. Không biết có của chìm cất giấu hay không mà suốt ngày tất bật chợ búa xay thóc giã gạo làm hàng xáo và nuôi lợn y như bà già nông dân chính hiệu. Nhìn bác bây giờ chả thấy cái hình ảnh mà mọi người trầm trồ thán phục: Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch một huyện, oai lệch đất quê. Cũng chả thấy cán bộ trong huyện còn ai tỏ ra kính trọng một điều kính thưa chị, hai điều kính thưa chị như ngày bác còn đương chức.

Thỉnh thoảng y mời bác giai sang uống rượu. Cứ đến chén thứ ba thì bác vừa uống vừa nhìn anh em y rồi giàn giụa nước mắt: Tao thua bố mày… Bố mày sướng hơn tao.

Rồi mấy năm sau bác mất… tức tưởi cái nhẽ không có con trai.

Cũng may là hồi còn đương chức bác gái đã gả chồng xong cho cả ba cô con gái. Cô cả lấy con trai Giám đốc Công ty Lương thực. Cả hai vợ chồng đều ở công ty của bố. Vợ chồng cô thứ hai ở Công ty Thương nghiệp. Còn cô út làm giáo viên. Chồng cô ta cũng giáo viên được hai bác cho ở rể rồi mẹ vợ bố trí chuyển sang công tác Đoàn rồi cứ thế mon men dần lên. Khi bà mẹ vợ về hưu thì hắn đã lên tới Trưởng phòng trẻ nhất huyện.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Thời bao cấp cả làng đều đói cơm, cán bộ xếp hàng mỏi chân chờ mua mấy cân gạo mốc. Dân họp hành cả đêm bình bầu tiêu chuẩn nửa mét vải màn dùng cho phụ nữ ngày "bẩn mình"… Nhìn nhà hai bác, cả làng cả xã trầm trồ ước ao giá mà được bằng một phần nhà ấy cũng bõ cái đời người. Cơm trắng thịt tươi chả thiếu thứ gì, con cái ai cũng ngời ngời. Đúng là nhà có phúc.

Đùng một cái cơ chế thay đổi, Nhà nước xóa bao cấp. Mấy anh chuyên xỏ chân gầm bàn ký giấy phân phối với cấp phát chả còn cái gì để mà cửa quyền dọa dẫm. Thế là Công ty Lương thực với Công ty Thương mại lắt lay sống mà như chết... Vợ chồng hai cô con gái lớn xoay ra sửa chữa xe đạp với bán hàng tạp hóa. Chỉ chàng rể út cái gì cũng biết nhưng chẳng biết làm gì vẫn đàng hoàng thăng tiến và bây giờ đang là Phó Chủ tịch huyện.

*

Thực lòng mà nói y chẳng ưa gì nhà hàng xóm tuy ngày ngày vẫn thưa gửi bác cháu ngọt ngào như thể người thân. Cái sự không ưa ấy cũng bởi sự cách bậc về đời sống  kinh tế của hai nhà. Nhà y thì nghèo rớt bữa ăn bữa nhịn còn nhà kia thì sung túc đủ đầy. Ngày tết lễ nhìn nhà bên rầm rập xe cộ khách khứa ra vào, râm ran lời chúc tụng mà y cám cảnh nghiệp gõ đầu trẻ của mình đạm bạc buồn tẻ. Mấy đứa con của y giương cánh mũi hít mùi xào nấu thơm phức nhà bên, đưa lưỡi liếm đôi môi đang khô khốc để tưởng tượng những sơn hào hải vị rồi cố nhịn cơn khát thèm. Thời bao cấp để lại những ám ảnh trong đầu y và cũng từ những ám ảnh ấy mà dẫn đến sự không ưa…

Dẫu không ưa thì y cũng chẳng dám nói. Chả có cớ gì để mà nói và cũng không thể nói. Nói ra thì thành người ghen ăn ghét ở. Là hàng xóm thì phải giữ hòa khí vậy nên hai nhà mấy chục năm rồi chả có điều tiếng gì.

Ngày bác gái còn đương chức, có lúc vui vẻ y đã mạnh dạn hỏi:

- Sao ngày ấy bác không để mà đẻ cậu con giai. Bỏ làm gì để bác giai bây giờ hậm hực.

Bác gái như lò xo bị nén bây giờ mới bật lên:

- Ông ấy dở hơi! Nói mà có nghĩ đâu. Tao cũng đau lòng lắm chứ. Nhưng nếu tao đẻ đứa thứ tư thì liệu còn cái chức Chủ tịch không? Tao không còn cái chức Chủ tịch thì ba đứa con gái giờ có mà ra đứng đường!

Y giật mình. Đừng bảo đàn bà không sâu sắc. Nhất là đàn bà làm chính trị thì họ tính toan đường đi nước bước còn bằng mấy đàn ông. Thán phục!

Bác nói tiếp:

- Ngày ấy tao mà mất chức thì liệu thằng chồng con thứ ba có hơn gì cháu. Nói thật với cháu tao bực lắm khi nó yêu thằng này. Gàn không được đành phải cho nó lấy. Vậy rồi tao mới tính đường đi nước bước cho nó, xếp đặt nó… Cháu mấy năm bộ đội, vài chục năm dạy học vẫn chỉ là giáo viên quèn. Còn nó kém cháu hàng chục tuổi, chẳng đóng góp gì, hơn chục năm biên chế đã Trưởng phòng… thử hỏi nhờ ai?

Y đỏ mặt. Giá như bằng vai phải lứa mà nói lời như vậy chắc mình sẽ không để yên. Và y chua xót nhận ra trong ý nghĩ của một số người thì cái nghiệp dạy học mình đang theo là hạ đẳng.

Khủng khiếp quá!

Nhưng ngẫm lại thì người đàn bà này cũng như những người đàn bà khác dám làm tất cả vì con. Có lẽ đó là nguyên nhân để trong đầu y còn vớt vát chút tình hàng xóm. Trước đây y vừa nể vừa coi thường bà đã dám vì phong trào mà bỏ đi cái thai đứa con trai - niềm hy vọng cuối cùng của người chồng vất vả. Còn bây giờ y lại vừa giận vừa thương vì sự tính toan lạnh lùng nhưng có mục đích vì tương lai những đứa con gái. Thì ra những tính toan cá nhân đã được ẩn giấu sau các mỹ từ thời thượng.

*

Y về hưu. Đến tuổi thì về vườn, chẳng có gì để tiếc nuối, thậm chí y còn mừng rỡ vì được tháo cũi sổ lồng chả băn khoăn định kỳ bình bầu kiểm điểm. Vốn chẳng có máu mê chắn cạ tổ tôm như các ông bạn cùng lứa nên y hí húi đọc sách và tập tọng viết văn, vừa để giết thời gian vừa được chia sẻ.

Cửa sổ phòng làm việc của y sát tường rào nhà bên. Bác gái bây giờ đã là bà lão hơn tám mươi tuổi, có lần ghé nhìn sang thấy y cắm cúi bên máy tính thì hỏi: "Bố cò" đánh máy gì mà say sưa thế.

Cháu viết chơi chơi ấy mà - Y trả lời. Sau đấy bà biết y viết đăng báo thì trầm trồ: Bố cò giỏi thật đấy. Nhưng mà viết gì thì viết vẫn phải kiên định lập trường nhá. Y cười - bác ơi viết để chia sẻ và giải tỏa thôi, lập trường tư tưởng gì đâu mà phải kiên định đao to búa lớn. Chả làm ra đồng tiền bát gạo như bác làm hàng xáo đâu. Mà bác có lương hưu rồi còn làm làm gì cho mệt, cháu thấy bác vất vả quá.

Bà lặng đi một tý rồi thở dài: Làm thêm đồng cháu ạ. Hai đứa nhớn bây giờ túng lắm. Chả được như ngày xưa nên vợ chồng chúng nó khục khà khục khoặc. Thằng chồng con nhớn bỏ nhà đi rồi, thằng chồng con hai thì mải rượu chè đề đóm nên vợ chồng cãi cọ liên tục. Thôi thì làm kiếm đồng hỗ trợ chúng nó. Mà dạo này yếu rồi, có hàng xay hàng xáo được nữa đâu. Chỉ chăm chó cho thằng "bố hĩm" nhà này cũng đủ nhọc…

Bà gọi con rể út là "bố hĩm" vì hắn có hai con toàn là… nữ - như thể định mệnh cao xanh đã sắp đặt cho những ai ở mảnh đất này và gọi y là "bố cò" vì y có con trai. Tay rể út - vị Phó Chủ tịch huyện bây giờ là tay mê chó. Chả biết hắn nhiệt tình công tác đến mức nào chứ theo y thì hắn mê chó thuộc hàng "đệ nhất siêu đẳng". Lúc ông bố vợ còn sống thì chỉ khoái món thịt chó chứ không thích nuôi chó nên chàng rể phải cầm tù sự đam mê của mình. Khi bố vợ qua đời thì vai trò đàn ông của hắn được đề cao và nghiễm nhiên trở thành chủ nhà. Làng xóm cũng chả ai nghĩ tới nỗi niềm "rúc gầm chạn" ngày xưa của hắn nữa. Niềm đam mê của hắn lập tức bung ra khỏi ngục tù thành sự lo toan của cả gia đình mà bà mẹ vợ là người thực hiện chủ yếu.

Hắn đi biền biệt cả ngày, vợ con hắn cũng hai chiều đến trường. Mọi việc tất tật đều đến tay bà mẹ vợ. Vị trưởng lão đạo cao đức trọng nguyên chức danh đứng đầu hàng huyện bỗng hóa thành ôsin không lương. Bà lão tất bật lo cơm người, cơm chó, giặt giũ phơi phóng quần áo cả nhà, tắm cho chó, dọn dẹp vệ sinh và xúc phân chó hằng ngày.

Chủ nhà mê chó theo phong trào. Đầu tiên hắn tha về hai con chó lai giống Đức to như con bê. Sau lại thêm hai phốc lai Nhật nhỏ con lông xồm xoàm như thể nắm bông. Sau nữa hắn lại tha về mấy chú chó phốc hươu nhỏ tý như những con chuột cao cẳng. Tất thảy gần chục con. Thôi thì cũng cùng cái công vất vả vì đàn chó của ông con rể, bà mẹ vợ bèn tranh thủ nuôi riêng một chó cái giống ta để tăng thu nhập khi mỗi lần được lứa chó con… nên nhà lúc nào cũng râm ran tiếng chó sủa.

Khốn khổ cho y có nhà ở sát nách, mặc dù cách bức tường ngăn ngang đầu người, nhưng tiếng chó sủa của nhà bên thường xuyên vượt tường bay sang nhà y rất hào phóng để tra tấn làm mất mạch ý tưởng của y mỗi khi sáng tác. Đàu tiên là tiếng béc giê ông ổng cất lên sau đó tiếng chó phốc hưởng ứng nhanh nhách dai dẳng, con chó cái giống ta cũng xen vào điểm nhịp cùng với béc giê. Thể thức y như dàn hợp xướng đủ cả trống cái, trống con, trống đế… Cũng bổng trầm cao thấp nhưng hoang dã và gắt gỏng dọa dẫm làm mụ mị đầu óc người phải nghe. Bản hợp xướng chó làm những con chữ nhảy múa lung tung trong đầu khiến y dù cố tập trung đến mấy cũng không thể nào sắp xếp lại được. Y bảo vị hàng xóm rằng chú làm sao cho lũ này nó im mồm hộ cái, thì hắn tưng tửng rằng - anh hay nhể, chó chứ có phải người đâu mà bảo nó im được. Nghĩ mà cứ tức anh ách…

Bù lại thỉnh thoảng vị Phó Chủ tịch mời y cùng mấy tay hàng xóm khác sang nhà hắn uống rượu với thịt chó mua từ ngoài quán và ngồi nghe hắn say sưa nói về chó. Được chén rượu với vài miếng thịt mà phải ngồi nghe hắn diễn thuyết hàng giờ về cái hay cái đẹp của những con chó của nhà hắn thì y không chịu nổi. Nhiều lần y phải kiếm cớ để từ chối khéo. Nhưng vẫn ngại hắn giận. Chẳng gì người ta cũng là cán bộ to đương kim quyền lực, mình là giáo làng về hưu, người ta mời cũng vì tình làng xóm, mình không sang thì chả ra làm sao. Vậy rồi vẫn phải sang để được mở rộng tầm nhận thức về chó qua bài diễn thuyết của chủ nhà.

Có đến ba hôm không nghe thấy tiếng sủa của đàn chó nhà hàng xóm, y đã mừng chắc mẩm tay này bận quá nên bỏ thú chơi chó rồi chăng. Vậy thì đỡ sốt ruột và mừng cho bà bác từ nay đỡ vất vả.

Sáng thứ bảy tay hàng xóm ghé vào cửa sổ nhà y bảo rằng anh rỗi không sang nhà em uống nước. Nể lời, y sang ngay. Vừa vào đến sân thì nghe hừm hừm như hổ gầm, y lạnh xương sống khi thấy trên hiên nhà xích một con sư tử con cỡ ba chục cân xù lông lá, nhe nanh nhọn hoắt với tư thế sắp lao vào cắn xé. Y len lén định chuồn thì thấy tiếng ông chủ dõng dạc: Im nào, ngoan nào. Mời bác vào uống nước. Y rón rén đi nép vào tường để xa tầm với của con thú dữ.

- Em vừa mua đấy bác ạ. - Chủ nhà khoe. Y hỏi con gì đấy. Chủ nhà bảo chó đấy. Chó gì mà như sư tử? Ôi vậy bác không biết à. Ngao đấy! Ngao Tạng đấy. Bác thấy em đầu tư khủng chưa? Khiếp nhể. Bây giờ tôi mới biết. Dễ đến chục triệu? Chủ nhà bĩu môi cười: bác trù dập em quá. Chục triệu thì đứng xa mà nhìn. Gần năm chục triệu của tôi đấy cụ ạ. Ối giời… bằng vài chục con chó lai Đức? Đức bì thế nào được! Mốt đấy bác ạ. Loại chó này khôn lắm chỉ trung thành với một chủ. Quý thế! Y nghĩ thằng cha này bốc phét, nó chỉ trung thành với một chủ thì nó trung thành với chủ cũ của nó bên Tàu chứ sao nó trung thành với mình. Nghĩ vậy thôi chứ không dám nói ra.

Chủ nhà bận rộn pha trà, y ngồi chăm chú nhìn con ngao. Con chó cũng chiếu tướng y như chiếu tướng kẻ thù. Chủ nhà thấy khách quan tâm tới con chó thì khoái. Vậy là hắn thành một nhà hùng biện chính cống liến thoắng giới thiệu về chó ngao nào là nó khỏe mạnh không bệnh tật, nào là nhanh nhẹn và dẻo dai như sư tử, nào là bảo vệ chủ đến cùng, nào là thuần chủng đấy. Người ta nuôi bên kia sau đó đưa về Hà Nội nuôi một thời gian cho quen khí hậu Việt nam, rồi từ Hà nội về đây… Hắn hào hứng kết luận em giải tán hết loại Nhật, Đức, hươu… vớ vẩn kia rồi. Giờ chỉ "chơi" con ngao này thôi! Khách ngồi nghe lùng bùng trong tai rồi ậm ừ vì đang run ruột nghi ngại nhỡ cái xích kia bị tuột thì mình chỉ đáng vài cái tợp của nó chứ chả chơi…

Uống xong chén nước thì y xin phép ra về. Chủ nhà cũng không nói thêm chuyện gì. Vậy ra tay này mời mình sang chỉ để khoe chó.

Mấy hôm sau bà mẹ vợ hắn ta ghé đầu vào cửa sổ nhà y khoe: Dạo này bác nhàn rồi bố cò ạ. Sao mà nhàn hở bà? Y hỏi lại. Bà lão bảo rằng khi còn nuôi lũ chó kia thì một tay bác phải làm tất, bố hĩm nhà này đi cơ quan về chỉ có việc chơi với chó. Nó đưa từng con lên hôn hít rồi ngửi ngửi, thỉnh thoảng lại kêu toáng lên rằng bà ơi con này tắm chưa sạch… Gớm cứ điên hết cả người. Còn bây giờ trưa nào, tối nào bố hĩm cũng phải về cho con "hùm tinh" ăn (bà gọi con chó ngao là con hùm tinh), sáng nào cũng phải dọn phân cho nó.

Y nghĩ vậy ra nghề chơi cũng lắm công phu. Cũng là cái sự khổ ải chứ chẳng tao nhã gì.

*

Trưa hôm ấy trời nắng to. Nắng rát rạt trên sân gạch. Trong nhà mà cảm giác nắng như hắt lửa vào mặt. Y cởi trần trên người còn độc cái quần đùi nằm trên võng bật quạt hết cỡ mà vẫn không ngủ được.

Có dễ phải tắm một cái chứ nóng quá không chịu được. Y định vào nhà tắm thì chợt nghe tiếng: Cứu tôi với, cứu… với. Ai kêu cứu giấc trưa này nhỉ. Y nghiêng tai hóng… Ở nhà bên! Vậy là y chạy dọc theo tường rào nhìn sang. Thấp thoáng hiên nhà bên ấy thấy con chó ngao đang chồm chồm miệng hừm hừm đe dọa, bên dưới nó là một con người giãy giụa. Con chó cái giống ta đứng ngoài sân cong đuôi sủa nhưng không dám vào…

Nguy rồi! Bà lão bị con chó ngao tấn công. Y vội vàng vớ lấy cái cán cuốc ở góc bếp rồi bám đầu tường nhảy sang.

Nghe tiếng bước chân người, con ngao ngẩng lên nhưng hai chân trước của nó vẫn đè trên người bà lão. Bà lão nằm dưới quay đầu ra phía ngoài tay co lên cố bưng lấy mặt, phía bên vai toạc một miếng áo để lộ cánh tay bị thương máu chảy ướt đầm. Chân bà giãy giụa tuyệt vọng, miệng thất thanh cứu tôi, cứu tôi với.

Đánh chó dữ phải phạt ngang gậy. Nhưng bây giờ mà phạt ngang thì sẽ vụt vào đầu bà lão…

Không cần nghĩ ngợi gì thêm y lao tới vung gậy bổ xuống. Một nhát đánh trúng đầu con chó dữ. Nó văng ra khỏi người bà lão. Y định chạy đến kéo bà lão ra nhưng con chó đã nhổm ngay hai chân trước lên, bà lão vẫn trong tầm khống chế của nó. Con thú nhe răng vươn người chuẩn bị tấn công. May còn sợi dây xích giữ nó lại. Phải làm cho nó tập trung vào mình… Y vòng ra phía chân bà lão… Con chó xoay người chuyển hướng rồi bất thần nó lao thẳng về phía y… Không thể chậm trễ, cái gậy trong tay y phạt ngang… hai chân trước của con vật dính đòn khuỵu xuống… nó choài choài hai chân sau để cố nhổm lên để tấn công tiếp nhưng vô vọng nên đành nằm đấy hếch mõm tru lên như sói hoang.

Lúc này có mấy người nữa cũng chạy đến, họ lôi bà lão ra, xé cái áo bà đang mặc kiểm tra vết thương. Y vẫn phải cầm gậy đứng canh chừng sợ nó đứng lên được thì nguy hiểm. Con chó cắn rách vai và hông bà lão. May mà đầu không việc gì. Vết thương vẫn chảy máu. Cô y sĩ nhà gần đấy nghe thấy tiếng kêu cứu cũng chạy đến để kịp thời băng bó sơ cứu.

Qua tiếng kể đứt quãng vì còn đang sợ hãi đến thất thần của bà lão thì mọi người mới biết mọi ngày thì rể út cho con ngao ăn. Hôm nay hắn đi họp trên tỉnh nên dặn bà lão rằng trưa bà cho ngao ăn hộ. Bà lão quen như khi còn nuôi lũ chó ngày xưa người ăn xong mới đến lượt chó. Con hùm tinh này thì không thế, nó phải ăn cùng với người… nên khi bà lão ăn cơm nó đã gầm gừ. Đã vậy bà lại cho con chó cái của bà ở nhà dưới ăn trước nên khi bà bưng suất cơm của nó đến gần thì nó lao vào tấn công. Bà lão hơn tám chục tuổi không kịp trở tay nên không chống đỡ nổi. May mà lúc ấy ở nhà bên y chưa ngủ được.

Mọi người bàn nên đưa bà đi viện ngay. Nhưng có người khác bảo phải đợi con gái bà về đã, đã điện cho cô ấy rồi. Mấy phút sau cô con gái  hớt hải về đến nhà. Cô gọi cô y sĩ nói nhỏ điều gì rồi bảo rằng vết thương không nguy hiểm để cụ ở nhà chữa cũng được.

Con chó vẫn nằm liệt ở chỗ cũ, cái dây xích nghe chừng còn chắc chắn…

Tối hôm ấy tay con rể mới về. Hắn hỏi han mẹ vợ, xem xét con chó… rồi gọi điện thoại cho ai đó. Lúc tối mịt một cái xe con rì rì vào ngõ. Chắc bà cụ được con rể đưa đi viện để chữa trị.

Thôi vậy cũng yên tâm.

Nhưng đêm về nghe tiếng hắn chửi…

Đêm nào cũng vậy… Rồi tiếng khóc âm ỉ bên nhà, hình cô con gái thương mẹ. Y nghe tiếng chửi thì tức đầy trong ruột nhưng phải cố nhịn chả thèm dây lời.

Còn con "hùm tinh" không thấy đâu. Chắc tay con rể đã cho đi hoặc bán lại cho ai rồi. Làm sao còn dám nuôi cái loại phản chủ ấy nữa cơ chứ - Y nghĩ thế.

*

Rồi mấy hôm sau không nghe thấy khóc tiếng chửi nữa. Vậy là anh ta cũng đã biết cái điều tối thiểu là chẳng nên trách cứ ai. Tính mạng con người là quý. Nếu không làm như vậy thì để con chó cắn xé bà lão đến chết à. Xét cho cùng y không có lỗi. Nhưng từ nay y chẳng sang nhà bên làm gì nữa.

Cỡ nửa tháng sau thì bà lão da xanh lướt, ghé đầu vào cửa sổ nhà y: Bác cảm ơn bố cò nhá. Không có cháu thì tao chết với con "hùm tinh" ấy rồi.

Y mừng quá: Bác đã ra viện rồi à? Khỏi rồi à? Bây giờ còn đau không?

Bà lão ngạc nhiên: Bác có đi viện đâu. Nằm ở nhà… đi viện làm gì mang tiếng. Rồi bà vén tay áo khoe cái vết thương dài thượt, vết khâu còn hơi đo đỏ chưa khô hẳn, đang kéo da non…

Ra vậy. Từ hôm thôi chửi thì đều đặn trưa tối hằng ngày tay con rể đều có mặt ở nhà. Y thấy hắn ta cũng là người tận tình chu đáo chăm sóc mẹ vợ. Dù gì hắn cũng đã biết điều, mình cũng chả nên dỗi dằn cho mất tình làng nghĩa xóm. Có nhẽ mai lại sang làm hòa với hắn.

- Chỉ con "hùm tinh" mới được đi viện, mà phải đi tận Hà Nội mới chữa được bố cò ạ chứ ở ta làm gì có bệnh viện chữa chó.

Ối giời… Y ngớ người… thì ra chuyến xe tối hôm ấy chở con chó ngao đi Hà Nội.

- Vậy giờ con mới biết. Con "hùm tinh" được đưa về chưa hả bà.

Bà lão ngán ngẩm:

- Đưa về rồi. Khỏi rồi. Cũng đến chục hôm nay rồi. Mới hàn cái chuồng đẹp lắm. Vẫn được chiều như chiều vong. Mà có nhẽ bác phải đến ở nhà đứa gái nhớn thôi cháu ạ. Cứ như có quỷ ma đang ở trong nhà mình, lúc nào cũng phải lấm lét đề phòng. Khổ thế, chả nhẽ có nhà mà lại phải đi ở nhờ… Mấy hôm trước con vợ cứ khóc lóc kèo nhèo rằng đem mà đập chết cái của "hùm tinh" ấy đi thì thằng chồng chửi con vợ là loại người vô cảm không biết yêu thương động vật. Cha tổ bố nhà nó, vừa đau vừa tức vừa buồn cười... Mấy hôm nay thì yên rồi. Thôi cũng đỡ sốt ruột bố cò nhỉ!

                 Nam Định, tháng 5-2017
Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị
.
.