Hàng ngoại phiêu lưu kí

Thứ Hai, 17/04/2017, 08:00
Bà giận ông Tích lắm. Đã ngoài sáu chục tuổi, có ba mặt con với ông, rồi lũ cháu nội cháu ngoại cả đàn nhưng bà chẳng tự quyết được việc gì. Ông ấy quanh năm đi hết tỉnh này đến tỉnh khác làm anh cán bộ vật tư cho Phòng Nông nghiệp huyện nên nhà cửa, giỗ chạp một mình bà lo liệu. Lương ông ấy cũng cao, nhưng khổ nỗi ông thích dùng đồ ngoại, cái gì cũng ngoại đắt khét lẹt mua về rồi thành đồ cổ trong nhà. Cái nhà này nghèo cũng vì đồ ngoại.

Lũ gà mái ri quang quác nhảy ổ. Cứ tòi ra một quả trứng là nó vỗ cánh bay khỏi ổ và kêu quang qoác như súng bắn liên thanh. Lũ gà mái  kêu chưa đủ, mấy con gà trống nịnh đầm cũng hùa theo cho xôm. Không gian nhà ông Tịch đầy tiếng gà. Đang đọc dở cuốn sách, ông bực mình đứng lên gọi:

- Bà nó đâu rồi! Vào đây tôi bảo! Khôn hồn thì mẹ con nhà bà bán ngay cái lũ gà ri này đi! Chán chết, đẻ được quả trứng như cái chén hột mít mà kêu hàng tiếng đồng hồ, váng cả đầu, rác cả tai.

Bà Tịch te tái đuổi đám gà đang toang toác kêu. Chúng vừa chạy vừa kêu to hơn, ra chiều oan ức lắm.

Tạm yên yên, bà vào nhà bảo với ông:

- Gà ta đẻ trứng nuôi con tốt lắm ông ạ, bán phí đi. Trứng gà ri bán ngang bằng quả trứng vịt to thông lốc lại vừa lành, vừa bổ, vừa…

Ông Tịch xua tay:

- Lắm điều! Bảo bán là bán, không lôi thôi. Bán hết, thịt hết, nuôi gà Mỹ cho nó sang trọng. Gà ngoại nó lịch sự hơn gà ta là đẻ không kêu, lông lá hình dong nó cũng ngoại. Đấy bà xem, giống gà ta thật lắm điều, lách cha lách chách, ỉa bậy, đạp nhau cũng bậy, chả ý tứ gì. Ai đời cứ phành phạch giữa sân trông chướng mắt quá.

Nghe ông nói, bà chỉ ngán ngẩm lắc đầu đi vào nhà.

Ông về hưu đã lâu, là chủ tài khoản cái gia đình này nên lệnh ông là tối thượng. Biết thân biết phận, hôm sau nhân lúc ông đi họp, bà tụ tập mấy cô con gái để bàn bạc:

- Đấy! Bố chúng mày lệnh như thế thì phải nghe. Mai con Quỳnh mang lũ gà nhiếp về bên nhà mày mà nuôi lấy trứng nấu bột cho cu Dĩn nó ăn. Bảo chồng mày đưa tao ít tiền tao còn mua gà giống.

Minh họa: Đỗ Dũng.

Con Quỳnh bực dọc:

- Bố thật lạ! Gà ri ăn thơm thịt, ít toi dịch lại chăm bới kiếm mồi, chứ lũ gà Mỹ chỉ biết ăn sẵn, trông ngớ nga ngớ ngẩn, cổ thì cao, da thịt lại đỏ hỏn như gấc, trông đến khiếp.

- Thôi kệ bố mày, nội nhật ngày mai, con Thảo đưa lũ gà mái sang chợ bán đi, được bao nhiêu tiền tao lên trại giống huyện mua gà Mỹ.

Thế là lũ gà mái gà trống ta tan đàn xẻ nghé. Con thì bị bán cho lái buôn, con thì di tản sang nhà cái Quỳnh. Mấy mẹ con nhà cứ tiếc ngơ tiếc ngẩn. Bà thịt một con gà mái đang đẻ ăn cho bõ công nuôi. Khi moi trong bụng ra, một quả trứng đã cứng, vỏ nóng hôi hổi và kèm theo một lô trứng non, quả to như quả quýt, quả nhỏ như hạt gạo… Ôi chao, cơ man nào là trứng. Bà đứng tần ngần và tự nhiên ứa nước mắt vì xót của. 

Bà giận ông Tích lắm. Đã ngoài sáu chục tuổi, có ba mặt con với ông, rồi lũ cháu nội cháu ngoại cả đàn nhưng bà chẳng tự quyết được việc gì. Ông ấy quanh năm đi hết tỉnh này đến tỉnh khác làm anh cán bộ vật tư cho Phòng Nông nghiệp huyện nên nhà cửa, giỗ chạp một mình bà lo liệu. Lương ông ấy cũng cao, nhưng khổ nỗi ông thích dùng đồ ngoại, cái gì cũng ngoại đắt khét lẹt mua về rồi thành đồ cổ trong nhà. Cái nhà này nghèo cũng vì đồ ngoại.

Bất chợt bà liếc xéo về góc trái nhà. Nơi ấy có chiếc xe Honda cổ lỗ sĩ được đắp cái chăn chiên rách trông như ông già ốm kinh niên. Bà lật cái chăn lên ngắm nghía. Chiếc xe này nó có tuổi hơn thằng Vĩnh nhà bà. Thằng Vĩnh vẫn nói mỉa là xe “đời Tống đời Hán”. Chán chết, xe với cộ trông như thằng ghẻ ruồi. Hai tay lái vểnh như sừng trâu. Nó là loại K3 của Nhật vang bóng một thời.

Đó là những năm sau giải phóng miền Nam. Một buổi tối ông đi làm về, nét mặt phởn lắm. Ông gọi bà đưa cả cây vàng và cuốn sổ tiết kiệm, tính đi tính lại vẫn thiếu. Ông gọi mấy người trong họ vay thêm. Bòn mót mãi ông tha cái xe về và nâng niu nó như vàng. Ông tuyên bố: Xe này là thượng hạng. Thằng nào mượn vợ thì được chứ đừng hòng mượn xe ông.

Cái xe máy đầu tiên trong làng, máy nổ rên hư hứ thật vui tai. Ông dắt ra bãi tập suốt mấy buổi chiều rồi mới đi ra quốc lộ.

Cứ mỗi khi gặp bạn bè, ông chỉ vào cái xe hãnh diện:

- Thấy chưa! Của ngoại nó khác. Cái khung nó gỉ nhưng nước sơn bóng lòng lọng.

Một lão nói kháy:

- Bên Nhật nó đi chán, đem vứt bãi rác gặp mưa nắng nên sắt mục ra đấy mà, cái nước sơn cần quái gì, cần là cần cái anh sắt thép bên trong ấy.

Của ngoại thì “oách” rồi. Đi thay săm lốp ông cũng kén săm lốp ngoại, cứ không phải hàng Việt Nam là được. Những con ốc con vít có long ra không tìm thấy, ông cũng bắt thợ tìm ốc vít ngoại.

Cái xe ông là của hàng bãi, bên Nhật họ thải từ tám hoánh nhưng về ta nó vẫn là Nhật, kiểu “cũ người mới ta”. Suy cho cùng người già người cũng ốm, cũng chết chứ nói gì đến máy móc xe cộ. Cưỡi cái “bố già” được hai năm thì nó dở chứng. Mỗi khi vào số cứ kêu khèng khẹc một hồi, vào được số nó nhẩy cẫng lên như ngựa vía rồi mới chịu đi, khói phụt ra ống xả như máy cày, xăng ăn như ngốn tiền, dựng xe góc nhà, mùi xăng sống tỏa ra nhức mũi. Dầu nhớt chảy ri rỉ dưới gầm, cứ phải trải cái giẻ ra hứng.

Vẫn là Nhật, có thối ra vẫn là Nhật. Của Nhật thì khỏi chê. Cái khói ống xả nó cũng thơm hơn cái khác. Ông vẫn cưỡi nó và nó vẫn cưỡi lại ông bằng những cú hỏng lớn hỏng bé bị thợ sửa nó vặt.

Thế rồi một lần đang đi giữa đường phố, gặp một người chạy ngang cắt mặt. Ông cuống quýt đạp phanh. Chiếc xe đổ vật giữa đường văng ông ra, xe đi sau không phanh kịp cưỡi lên chân ông và sau đấy là gần một tháng ông chống nạng cho liền xương ống đồng. “Bố già Nhật” đành gửi lại hàng sửa chữa. Khi nhận lại xe, gã thợ bảo: “Xe ông già quá rồi nên trống phanh nó mòn, quả đào đẩy má phanh cũng mòn nên nó “lộn” không trả về thành kẹt phanh, kẹt phanh nên ngã vật, ngã vật thành gãy ống đồng”.

Đành nuốt bồ hòn làm ngọt vậy. Cái xe giá bằng một dinh cơ nhà quê chứ bỡn à. Ông tiếc không bán và đem về để ở chái nhà, trùm cái chăn cho đỡ gió máy. Lúc này cái xe đạp Thống Nhất được phân phối treo góc bếp lại đem ra dùng.

*

Con Thảo được vào công ty liên doanh nước ngoài.

Nó về đưa tập hồ sơ xin việc khoe ông.

Ngó qua tập hồ sơ ông gật gù:

- Đúng! Phải vào công ty ngoại mới có tương lai. Mấy cái công ty trong nước viết bằng tiếng ta nước mẹ gì. Cứ phải Ốp, Ép, Nhép, Sun, Hô… mới là có tiềm năng.

Ông đi khoe khắp xóm về cái tin đại hỉ này.

Con Thảo nhà ông tốt nghiệp phổ thông trung học, đi thi đại học hai lần đều rớt. Nó học kém nhưng bù lại là xinh gái. Xinh đấy nhưng không mài ra mà ăn được. Nhà có mấy sào ruộng làm vài buổi là xong rồi ngồi ục ra đấy mà sơn móng tay móng chân, chờ gặt chứ biết làm gì. Cứ tưởng bở, làm công nhân công ty liên doanh còn khổ gấp mấy lần đi cấy đi cày chốn nhà quê. Sáng đi muộn mấy phút: Phạt. Nghỉ giải lao mười phút: Đứng chứ không được ngồi. Đang buổi mà đi vệ sinh để ùn tắc dây chuyền: Phạt… Ôi thôi đủ thứ kỷ luật lao động ép thằng người như Robot.

Làm được mươi ngày, con Thảo gầy rạc đi. Về đến nhà là lăn ra ngáp ngủ. Tuổi đang sức ăn sức ngủ ở nhà được tự do, nay lâm vào kỉ luật lao động của ngoại quốc thật khó thích nghi. Có hôm nó vừa nhai cơm, vừa ngủ gật, cái bát rời khỏi tay, nước canh chảy đầy quần. Ngày mười tiếng đồng hồ đứng dây chuyền không ngơi tay… Mà lại nhục nữa mới khổ. Gã đốc công mắt một mí mặt mỏng quèn quẹt, lạnh tanh, không biết tiếng Việt cứ càu nhàu rồi liến thoắng chỉ chân, vung tay. Thấy thợ ta còn lóng ngóng thao tác, nó giậm chân lún đất, mặt tía lên. Thợ không hiểu gã nói gì vẫn chứng nào tật ấy. Tức quá nó lấy tay chỉ vào đùm “của nợ” của nó rồi vỗ đồm độp. Hóa ra nó bắt chước đàn bà xứ ta tốc váy lên mà vỗ lúc chửi nhau.

Có một gã  rất nho nhã vẫn để ý Thảo. Hắn xán đến bên nói tiếng ta lơ lớ: “Mày em có muốn làm vợ anh tao khôn?”… Thảo chả hiểu gì cũng gật đầu cho qua chuyện. Thảo đem chuyện về khoe với ông Tịch, ông hiểu ra ngay và cười lớn:

- Ngu quá con ạ! Nó muốn lấy mày làm vợ đấy, bắt chuyện đi rồi lấy nó. Chồng ngoại là lên tiên con ơi. Bỏ cái xó bờ tre này đi cho mở mày mở mặt… Tao chấm, tao chấm cái thằng “mày em” ấy ngay.

Ngày nào gã cũng trọ trẹ tiếng ta tán tỉnh Thảo. Nó chuyển Thảo ra bộ phận bốc dỡ công ten nơ mỗi khi xuất nhập hàng. Bộ phận này nhàn hơn, có hàng thì bốc, không hàng thì đứng tựa gốc cây mà chờ.

Một buổi nó đến bên Thảo, vẫn cái giọng lơ lớ giả cầy, nó lại toe toét: - Anh tao muốn đến thăm “bố em mày” để cưới mày em Thảo.

Tưởng đùa, hôm sau gã đến thật. Gã đi ôtô bóng như phết mỡ, cái giày đinh cũng phết mỡ, cái đầu cũng phết mỡ. Trông gã bóng lọng và trơn tuột.

Được đón một tay ngoại quốc, ông Tịch cứ cuống lên. Trời nóng chảy mỡ, ông Tịch cũng com lê cà vạt đứ đừ. Ông ra lệnh cho bà:

- Ngoại quốc là nó ăn gà Mỹ chứ không ăn gà ta, tất cả mâm cơm đều phải ngoại, gạo ăn cũng phải gạo ngoại, bà nấu súp gà Mỹ và ra cửa hàng mua rượu Vodka… Mỹ.

Tay “mày em” ăn mặc thật mát mẻ. Hắn quàn cái quần ngố lưng đầu gối, mặc áo cộc tay. Lúc làm thủ tục xã giao, hắn cười khằng khặc:

- Tao chào mày ông bố cái mày em Thảo. Tao muốn làm con dê của mày ông để làm chòn với mày em Thảo.

Ông Tịch cúi rạp như hề chèo ra sân khấu, lấy hai tay lắc lắc tay hắn. Chả hiểu mô tê gì ông cũng cứ một từ:

- Oke! Oke…

- Oke! Mày ông hứa rồi đấy nhé, “lời nói đọi máu” nhá. Nếu phản lời hứa là ông mày húp một… bát máu vào mồm đấy.

Hắn cười khâng khấc, cười ròn hơn gà mái nhảy ổ ….

Bữa đại tiệc bưng ra. Nào thịt gà Mỹ “roty” nào súp gà nấu ngô… tịnh khoản trên mâm cơm chỉ có đĩa súp lơ luộc, tay “thích khách” ngốn như bò ngốn rơm. Đĩa thịt gà Mỹ hấp cách thủy nằm choán hết mâm nó không thèm đụng đũa. Chủ nhà thì không dám gắp, sợ thất lễ. Ông lấy đũa gắp một miếng bỏ vào bát nó, nó lấy đũa khều xuống góc mâm, làu bàu bằng tiếng mẹ đẻ như xóc ốc rồi khoặm mặt lại. Nó ậm ọe tiếng ta:

- Gà này khon ngon pằng thịt chúa (chó)! Bố mày có ăn thịt chúa khon? “Tao con” chỉ thích mắm tôm thịt chúa.

 *

Tán ngọt tán bùi của bố làm Thảo ưng thuận lấy hắn và cô theo hắn lên máy bay về cố quốc nhà hắn. Cô kinh sợ sự hành xác ngày mười tiếng, chán gốc tre làng đầy lá tre và khăn khẳn mùi cứt chó.

Cứ mỗi tháng một lần, nó cho Thảo gọi điện về nhà. Con bé kể về sự “sung sướng” được làm vợ “ngoại”. Ông mát cả buồng gan lá phổi, bà thì nhớ con cứ nưng nức khóc. Lần nào Thảo gọi điện cũng thấy tiếng thằng con rể gầm gừ tiếng ngoại ngồi bên… Mẹ sư khỉ, giai ngoại nó quý vợ thật, gọi điện nó cũng ngồi bên. Ông mong ngày mong đêm con Thảo đẻ cho ông một đứa cháu ngoại, nhất là không nói được tiếng ta để thành “ngoại xịn”. Cùng quá nó cũng nửa ta nửa ngoại, khi về nước nó lại lơ lớ “mày mày, ông ông” đúng như cha đẻ nhà nó. Ông sẽ dẫn đi khoe khắp làng, nếu cần ông bảo mẹ nó thuê thông ngôn mà dịch… nó lắm tiền, việc gì mà không làm được.

                                                      *

Hôm sinh nhật ông, thằng con rể ngoại quý hóa gửi bưu phẩm về. Ông mừng quýnh, gọi bao nhiêu con cháu trong nhà đến chiêm ngưỡng hàng ngoại. Ông bắt bà thịt một con gà Mỹ khá to. Ông cứ để bọc bưu phẩm nghễu nghện trên ban thờ trình ông bà ông vải, thỉnh thoảng lại thò tay rờ bên ngoài. Thích thật, bưu phẩm ngoại rờ mát cả tay, mát tay nó ngấm vào đến gan, đến tim phổi lòng mề của ông.

Gói bưu phẩm được trịnh trọng mở ra. Mọi người hồi hộp nín thở. À! Com lê ngoại… Ông đứng lặng ngắm nghía: Thấy chưa? Thấy chưa? Đường kim mũi chỉ nó cũng ra dáng của ngoại. Cách gấp cũng ngoại… ái chà chà, của ngoại.

Ông mặc vào lại cởi ra, cởi ra lại mặc vào rồi sai cái Quỳnh “học cách gấp của ngoại” mà thông thạo nữ công gia chánh nước người. Con Quỳnh đằn bộ com lê ra ngắm nghía. Bỗng nó kêu lên:

- Bố ơi! Sao của ngoại lại có tem Việt Tiến, cả cái sơ mi nữa cũng tem Việt Tiến. Nó lừa bố à?

 Thằng Vĩnh thủng thẳng:

- Nó chả lừa đâu. Đấy là “Việt Tiến phiêu lưu ký”. Ta nhập cho nước ngoài, nước ngoài thấy đẹp nên nó chọn làm quà biếu quay lại nước ta… Trong cái bọc này chỉ có mỗi dấu bưu điện là ngoại.

*

Cái Hà con bà cả Lãm vừa mãn hạn xuất khẩu lao động trở về. Nó trắng trẻo đẫy đà hơn dạo nó đi. Nó tuyên bố “phá nhà” để làm nhà mới.

Ngay hôm đầu tiên về làng, nó đã sang biếu quà ông và đưa lá thư mà con Thảo lén nhờ nó đem về nước. Xem xong thư ông tái mặt. Con Thảo nó kể: Thằng Hun có vợ cả và một bầy con. Nó lấy Thảo về làm vợ bé nhưng thật ra là osin không công. Ngày ngày nó giam hãm trong nhà để sai việc vặt, tối ngủ kho chứa đồ. Con vợ cả nó lừa khi Thảo viêm đường tiết niệu cho vào nhà thương rồi triệt sản luôn. Nó không muốn chia tài sản với ai cả. Cái con “Hoạn Thư ngoại” nó cũng cao mưu hơn “Hoạn Thư nội”. Mỗi sáng nó cho đi chợ một lát để mua đồ ăn. Con Hà gặp nó ngoài chợ và chị em nhận ra nhau. Con Thảo được gọi điện mỗi tháng một lần nhưng nội dung cuộc trò chuyện phải được chồng hay vợ cả nó kèm… Nó muốn về nước mà không được. Nó nhớ cha mẹ anh em héo hon, thèm ngồi dưới gốc tre làng hóng gió… Nó bảo: Nếu không được về Việt Nam đoàn tụ với gia đình, nó sẽ tự kết liễu đời tù ngục bên này.

Ông Tịch ngẩn mặt:

- Quái lạ! Ngoại mà thế à?

Cái Hà chua chát:

- Vì nghèo nên chúng cháu phải đi chịu nhục chịu khổ mấy năm. Cũng có mấy thằng nó gạ làm vợ nhưng cháu vái cả nón. Chả đâu bằng quê hương mình bác ạ. Thà lấy chồng nghèo trong nước còn sướng hơn trăm lần đi làm vợ hờ ngoại quốc.

Nỗi uất ức trong ông như lò xo bị nén… Chả lẽ ông mất đứa con gái yêu ở cái nơi xa lắc xa lơ? Ông ngó xuống cái ống đồng bị gãy bao năm vẫn nhói buốt khi trái gió trở trời. Ông ngó cái xe máy cà khổ, ngó đàn gà Mỹ ngô nghê ăn như xiết nợ… Ông ấm ức khóc rồi thét lên:

- Bán hết, đốt hết những thứ của nợ này đi.

Chỉ chờ có thế. Thằng Vĩnh gọi đồng nát vào tha cái xe máy “đời Tống” đi. Con Quỳnh bỏ đám gà Mỹ vào lồng đem ra chợ.

Ngó quanh ngó quất, còn bộ com lê ông cả quyết tống cho mồi lửa. Không phải ông ghét bộ cánh mà ông căm cái kẻ tặng ông. Mẹ kiếp! Com lê bằng vàng ông cũng không thèm đắp vào người.

Chỉ tiếc, ông không thể nào đòi lại cái Thảo.
Truyện ngắn của Lưu Quốc Hòa
.
.