Giọt nước mắt trong đêm

Thứ Sáu, 25/09/2015, 08:00
Khuya bà nội vẫn nằm trằn trọc. Phòng bên, hình như Thành còn thức với tập tài liệu. Bà nhìn lên phía đặt bàn thờ con dâu. Nó cũng tên là Nghĩa, qua đời sau một cơn cảm hàn đột ngột. Lúc đó Thành mới 34 tuổi, cháu Hà lên tuổi thứ 5...

Hà xếp sách vở vào túi rồi quay lại nói với Thành:

- Bố ơi cho con xuống nhà mẹ Nghĩa.

- Mấy giờ rồi? - Thành ngạc nhiên hỏi - Giờ này còn đi đâu nữa? Ngủ sớm sáng mai mà đi học.

Hà nói đã hẹn với mẹ Nghĩa rồi, đêm nay xuống ngủ với mẹ, mai đi đến trường luôn.

Thành bực mình nhưng cố ghìm lại, nói nhẹ với con: "Đừng nên làm phiền người ta nhiều con ạ". Hà nhìn bố, cãi: "Mẹ Nghĩa gọi điện hẹn, bảo chín giờ tối, mẹ có việc muốn con đi cùng cho vui". Thành giải thích, công việc của Công an phường chứ có phải đi dạo phố đâu? Hà dỗi: "Nói chuyện với bố rắc rối lắm. Bố không đưa con đi thì con gọi tắcxi vậy". Thành im lặng, lát sau nhượng bộ: "Thế cũng được nhưng nên có bà đi cùng".

Vừa lúc bà nội bước vào vỗ lưng Thành: "Con nó đã nói thế thì anh nên đưa nó đi, trời tối người già với trẻ con đi tắcxi sao được?". Thành chỉ "ực" một cái rồi dắt xe máy ra. Bà nội đỡ cháu lên xe rồi nói nhẹ: "Cháu cho bà gửi lời thăm mẹ Nghĩa nhé". Hà gật đầu: "Vâng ạ".

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Nghĩa đón bố con Hà vào nhà. Nói là nhà nhưng là một căn hộ nhỏ trong khu tập thể. Nghĩa rót cốc nước lọc mời Thành: "Anh cứ yên tâm để cháu ở đây với em. Sáng mai em sẽ đưa cháu đến trường". Thành liếc nhìn. Một khuôn mặt tròn với nước da ngăm đen của cô gái đã ngoài ba mươi, đôi mắt lúc nào cũng nhìn thẳng, vẻ cương nghị, cái miệng tươi hồn nhiên. Mỗi khi Nghĩa nói, vành môi mềm mại uốn theo như có sức hút.

Thành nghĩ, người ta chọn cô làm Công an phường không sai tí nào. Cách nói sôi nổi, hồn nhiên chắc không làm cho một người dân nào thấy ngại ngùng. Nghĩa cười: "Công việc của em là thế, cứ khoảng tầm này là phải xuống khu dân cư kiểm tra. Không có việc thì nhanh, nhoáng một tí là xong, có việc thì có khi phải mất cả buổi, có hôm đến tận khuya mới về". Thành băn khoăn:  "Chị đi làm việc, có cháu Hà đi cùng, thế có phiền không?". Nghĩa lại cười: "Có cháu đi, em có bạn, thêm vui". Hà mừng quýnh reo lên: "Bố ơi, lớn lên cho con đi làm cảnh sát xuống phố nhé. Con thích lắm".

Nghĩa đèo Hà trên chiếc xe máy phân khối bé, chạy men theo con phố nhỏ. Thành trông theo, dưới ánh điện bóng hai cô cháu thấp thoáng, màu áo cảnh sát xanh vàng nổi lên trong dòng người qua lại. Thành cố né mình để nhìn theo cho đến khi bóng chiếc xe ngoặt hẳn vào con phố nhỏ. Tự nhiên anh thấy màu áo đẹp quá và từ đôi vai đến thân hình của Nghĩa trong màu áo ấy vừa dịu dàng vừa khỏe khoắn, đáng yêu đến nhường nào, nó khiến Thành như có sự đồng cảm khi nhớ lại lời Hà nói lúc nãy, ước mơ sau này sẽ được làm cô cảnh sát

Thành đẩy xe vào nhà, thấy mẹ đang ngồi chờ. Bà kéo con ngồi xuống rồi bắt kể lại thật tỉ mỉ chuyện tình cảm của hai cô cháu. Nghe xong, bà hỏi: "Có phải cô ấy chưa có chồng?". Thành vội đứng dậy đi vào phòng trong, nói câu cụt ngủn: "Con sao biết được". Bà nói với tiếp một câu: "Tưởng là bố con đã nói chuyện với nhau". Thành quay lại hỏi gắt: "Chuyện gì?". Bà nội chỉ thở dài: "Tôi cũng khó hiểu chuyện bố con nhà anh"

Khuya bà nội vẫn nằm trằn trọc. Phòng bên, hình như Thành còn thức với tập tài liệu. Bà nhìn lên phía đặt bàn thờ con dâu. Nó cũng tên là Nghĩa, qua đời sau một cơn cảm hàn đột ngột. Lúc đó Thành mới 34 tuổi, cháu Hà lên tuổi thứ 5. Nỗi nhớ con dâu, thương con trai góa vợ, thương cháu nội cứ đè nặng lên bà theo năm tháng... Chỉ từ khi bé Hà gặp được cô Nghĩa thì lòng bà cảm thấy như khuây khỏa hơn.

Bà nhớ hôm đó ngày Tết thiếu nhi, Hà cùng mấy đứa đi chơi ở công viên, Hà bị lạc. Cả nhà cứ hoảng hốt lên, xem tivi thấy bọn bắt cóc trẻ em đưa đi tận đẩu tận đâu mà càng nghĩ quàng nghĩ quẩn. Không ngờ quá trưa Hà đã được cô công an đưa về tận nhà. Hà kể lại, được cô Nghĩa công an gặp đem về, tắm rửa sạch sẽ, cho đi ăn bát bún riêu cua no căng bụng rồi cô tìm đến tận nhà trả lại. Hai cô cháu quen nhau từ đó, hợp tính nhau nên kết nghĩa "mẹ con". Từ đó thỉnh thoảng "mẹ Nghĩa" lại đón Hà về ngủ một đêm...

Nghe cháu gọi điện thoại với Nghĩa xưng "mẹ con" ngọt lịm mà lòng bà tràn những dòng nghĩ miên man. Chuyện cô Nghĩa gặp cháu Hà này tự nhiên hay là có sự sắp đặt của ông trời đã cho mẹ nó tái sinh...? Nếu đúng thế thì ông trời quả là thương bà thật. Bà nội cứ nằm thao thức tự hỏi mình, sao mà hợp tính hợp nết nhau đến thế. Từ ngày gặp được cô ấy, cái Hà như được hơi ấm mới, trong người như khấp khởi hơn. Ôi, nếu là phúc trời thì quý hóa biết dường nào. Nhưng thời gian kéo dài cũng đến mấy tháng rồi, đã đến lúc bà cũng muốn cô Nghĩa thực sự là mẹ của Hà. Nhưng mỗi lần nói đến chuyện đó là Thành như có điều gì còn cân nhắc... Bà nội nhìn sang phòng con trai còn sáng điện rồi nhìn ra ngoài khung cửa sổ, những làn gió lăn tăn mang về cái hơi của mùa heo may, những áng mây mờ bạc như đang oằn lưng gánh những cơn mưa sắp đổ xuống. Tự nhiên bà lại rớt nước mắt.

*

Bé Hà cầm bát lên lùa cơm từ từ, gắp từng miếng thức ăn, ra phần uể oải. Thành nhìn và phán đoán có lẽ buổi học hôm nay có điều gì đó làm con không hài lòng. Hà đặt bát xuống, bà nội dỗ ăn thêm một bát nữa, Hà lắc đầu. Bà lại động viên, cháu cố ăn thêm, đêm nay bà lại cho xuống ngủ với mẹ Nghĩa. Hà mở to đôi mắt nhìn bà rồi vội cúi xuống nhắm mắt, hai môi căn chặt vào nhau. Nó lắc mạnh cái đầu, hàng nước mắt ứa ra. Có chuyện rồi. Thành nghĩ thế, chắc con đã làm điều gì khiến cô Nghĩa không hài lòng?

Hà vẫn ngồi im. Thành nói tiếp: "Bố đã dặn con rồi, cô thương con là điều quý, mình chớ nên...". Chưa để bố nói hết, Hà đã gào lên: "Không phải". Rồi nó khóc thật sự, hai tay úp lấy mặt, cúi sát xuống mặt bàn, đôi vai rung lên từng lúc. Hà khóc to, những tiếng nấc như muốn nhấc cái đầu ra khỏi cổ, nghe đến là não ruột. Thành im lặng nhìn con. Bà nội vội kéo cháu vào lòng, nói như trách Thành: "Bố mày không nên tra khảo, vặn vẹo con làm gì nữa. Chuyện đâu có đó". Nói rồi bà đưa tay lên lau những giọt nước mắt trên má cháu, tự nhiên nước mắt bà cũng rơm rớm. Hà ngả sang sát vào người bà, ghé vào tai bà nói nhỏ. Bà lãng tai nên nó phải nhắc lại to hơn khiến bố cũng nghe được. Thì ra mấy lần xuống ngủ với mẹ Nghĩa, Hà muốn được sờ tí nhưng mẹ vẫn tìm cách gạt đi.

Chuyện chỉ có vậy. Nghe xong Thành nói, nửa như trách móc nửa như khuyên giải: "Con nên biết cô Nghĩa là người chưa có gia đình. Ngủ với cô không phải như ngủ với mẹ con trước đây được. Con phải hiểu điều đó chứ. Con hứa đi, từ nay về sau, nếu ngủ với cô, con không được đòi hỏi như thế nữa, nghe chưa". Hà cúi gầm mặt xuống, "dạ" một tiếng yếu ớt. Bà nội lại ôm cháu vào lòng, nước mắt bà lại trào ra. Bà ôm cháu thật chặt như chỉ có bà mới hiểu hết điều sâu kín này. Ngay từ nhỏ Hà có thói quen đêm nằm cứ phải sờ tí mẹ một lúc rồi mới ngủ. Nó bắt mẹ cởi hẳn nịt vú ra rồi luồn nhanh tay vào miên man từ bên này sang bên kia. Cái đầu vú cồm cộm kia lọt vào trong lòng bàn tay bé xinh của nó tạo nên một cảm giác như được chấp chới trong giấc mơ, lâu lâu nó lại ghé mũi để đón ngửi cái mùi sữa non như đang còn vương từ đầu vú thơm dìu dịu.

Hai tay nó vờn vú mẹ như không hề biết chán, cho đến khi nó đã ngủ hẳn mới chịu buông ra. Có lần nó cũng làm cho vợ chồng Thành phát ngượng. Nó đang sờ tí mẹ tự nhiên quay sang nói: "Thích lắm bố ạ, không tin bố thử mà xem". Sau khi mẹ qua đời, Hà thường ngủ với bà, cháu cũng có thói quen như vậy. Nhưng được vài hôm, về sau cháu ra vẻ không mặn mà lắm. Bà nội biết ý nói ngay: "Của bà nó nhèo như quả bóng đã xịt hơi, ngày mai bà bảo người ta bơm căng lên cho". Nó biết bà đùa nên cười úp mặt vào ngực bà.

Chờ cho bố lên phòng, chỉ còn lại  hai bà cháu, bé Hà định nói điều gì đó nhưng cứ ấp úng "Bà ơi". Bà gợi mãi nó mới nói: "Không biết mẹ Nghĩa có thích bố cháu không bà nhỉ?". Bà nội nói: "Điều ấy thì cháu phải hỏi bố chứ?". "Cháu sợ bố cháu lại bảo cháu là trẻ con vớ vẩn. Hay là bà đến xin mẹ Nghĩa về nhà mình đi. Khi đó  chắc mẹ sẽ cho sờ tí". Bà nội mỉm cười gật đầu. Hà tự nhiên vui hẳn.

Bà nội đem chuyện nói với Thành. Nghe xong, anh lưỡng lự, mắt nhìn ra ngoài, không nói, thỉnh thoảng lại thở dài. Bà nội trách: "Hay là mày chê cô ta già, ngoài ba mươi đã có gì là già? Đừng hám cái của trẻ quá con ạ, về nhà còng lưng mà chiều; hay là mày chê cô ấy cái nghề làm cảnh sát khu vực". Thành giãi bày: "Con không chê cô ấy điều gì cả, chỉ sợ cô ấy không đồng ý mà thôi". Bà gặng lại: "Đã ngỏ lời đâu mà biết cô ta không đồng ý". Thành cười nhẹ: "Chờ đến lúc ấy thì không kịp tìm lỗ mà chui". "Vậy thì bây giờ mày tính sao?". "Không biết cô ấy đã hứa hẹn với ai chưa. Đó là điều con đang muốn biết". Bà nội quay sang nói ngay: "Thôi để việc này mẹ lo".

Bà nội nấu nồi cháo gà rồi múc vào cặp lồng, kèm theo mấy cái quẩy màu vàng ruộm. Bà đứng dậy ngồi xuống, ngẩng lên xem đồng hồ nhẩm tính. Đúng 9h30 bà bắt tắcxi đi đến nhà Nghĩa. Chiều nay bé Hà lại xuống theo lời hẹn của "mẹ" nó rồi. Cứ như Hà kể thì thường 10 giờ đêm là hai "mẹ con" có mặt ở nhà rồi. Đợi cho cô cháu ăn cháo xong, bà sẽ tìm cách nói chuyện riêng với Nghĩa. Đúng 10 giờ kém bà đến đứng trước cửa nhưng rất lâu sau đó hai "mẹ con" mới về.

Bà múc cháo cho hai "mẹ con". Hà ăn xong mắt đã ríu lại, đi ngủ ngay. Nghĩa vừa ăn vừa nói chuyện sôi nổi. Hôm nay vì có việc nên phải ở lại để giải quyết. Chuyện không có gì to tát nhưng cứ nhùng nhằng với nhau mãi. "Hai anh em ở cùng khu đất bố mẹ để lại cho. Anh ở phía trước, em ở phía sau. Bố mẹ đã dành cho một lối đi. Vậy mà bây giờ người anh đòi bịt lối đi lại. Giấy tờ, lí do người anh đưa ra đều có cả. Nhưng cháu không thèm xem mà chỉ hỏi: Bố mẹ để lối đi cho người em ở chỗ nào? Anh ta trả lời một câu ngang hơn cua: Không biết, nó có chân phải đi mà tìm. Cháu nói, nếu vậy phía đằng trước họ cũng bịt lối đi lại, anh có đồng ý không? Anh ta im lặng. Cháu lại nói anh bịt lối đi, tôi sẽ đề xuất cho người em làm cầu vượt qua nhà anh, anh có chịu không?

Vợ anh ta kêu thét lên: không được, không được. Cháu lại khuyên người em bán khu đất ấy cho một thằng đầu gấu đến ở. Anh thích ở cạnh đầu gấu hay ở cạnh người em hiền lành. Hắn quay ra bảo cháu ăn tiền người em, sẽ viết đơn tố cáo. Cháu đưa giấy bảo anh ta viết ngay. Cháu sẵn sàng đối chất và chắc chắn sẽ cho anh ta thêm cái tội vu khống. Anh ta lặng im. Cháu hạ giọng giải thích, cái lối đi là do bố mẹ để lại với mong muốn giữ gìn được tình cảm anh em máu mủ. Sống gần nhau thì phải đi lại quan tâm với nhau. Đó là điều quí nhất, là anh cần phải làm gương.

Nói mạnh như đinh đóng cột, cuối cùng người anh cũng nghe ra. Việc ở khu dân cư là phải rõ ràng, dứt khoát như thế bà ạ. Tuần trước có mấy anh choai choai không biết từ đâu dạt về, cứ ngồi đầu ngã ba đánh tá lả. Thấy cháu đi qua ra vẻ xem thường phụ nữ. Vậy mà khi cháu nói rõ ràng như quân lệnh rằng trẻ khỏe thế không tìm công ăn việc làm lại ngồi đó chờ người ta mời đi ăn cơm cân chăng, thì mấy anh giải tán ngay. Ở đường phố mỗi ngày mỗi chuyện đau đầu lắm. Nhưng làm được một chuyện dân ưng thì mình lại thấy khỏe ra" - Nghĩa kể thao thao.

Nghĩa càng nói càng bốc. Cái Hà đã ngủ say mà Nghĩa vẫn nói chuyện về công việc một cách say sưa quên cả cặp lồng cháo đã nguội tanh. Chờ cho Nghĩa ngưng nói, rót li nước uống, bà nội lái ngay câu chuyện:

- Cháu Hà ở đây có gì làm chị khó khăn không?

- Không có gì, có cháu lại thêm vui.

- Bà thấy thế này thì chị vất vả quá, hay là về nhà bà ở. Cơm nước bà lo cho.

Nghĩa cười. Bà nội thấy như đã trúng ý mình nói tiếp:

- Cháu Hà muốn chị thực sự là mẹ của nó. Cháu khát khao tình mẹ lắm. Tội cho cháu quá chị ạ. Nếu chị thuận lòng thì phúc đức cho nhà bà lắm.

Nghĩa lặng im nhìn vào li, tay cầm lên lay nhẹ cho nước sóng sánh. Lúc sau chị vuốt lên mái tóc, nhìn bà cười gượng:

- Chuyện này khó nói lắm bà ạ.

Bà nội cũng cười:

- Chỉ sợ cháu chê thằng Thành nhà bác thôi.

Suy nghĩ một lúc Nghĩa nói:

- Bà đã nói vậy thì cháu cũng thưa thật, cháu có dám chê anh Thành điều gì đâu. Có điều là cháu cũng đã có lời hứa rồi. Anh ấy đang đi công tác xa chưa có điều kiện về được.

Nghe Nghĩa nói, bà nội cố giữ nụ cười cho đỡ sự hụt hẫng trong người. Thì ra thằng Thành nó đoán đúng. Đêm ấy về bà  lại không ngủ được. Tưởng như vừa đánh rơi mất một cái gì đó mà mình đã gần sờ tay đến. Tiếc quá, tiếc quá chừng. Nếu mọi điều được như dự tính của bà nhỉ... Bà nhìn ra ngoài trời, bóng trăng khuya mờ nhạt dưới ánh điện, lòng buồn khó tả, nước mắt bà lại chảy ra.

*

Bà Nội đem chuyện kể lại với con trai. Thành trong người cũng buồn thật sự, càng tiếp xúc anh càng thấy như bị Nghĩa cuốn hút từ cử chỉ nhanh nhẹn đến cách nói năng đầy bản lĩnh, nhiều đêm anh nghĩ đến Nghĩa mà càng nhớ về người vợ đã qua đời, hình như giữa hai có những nét giống nhau. Nghe xong anh cố làm ra vẻ bình thản để cho mẹ anh vơi đi nỗi buồn:

- Con hiểu mà, một người như cô Nghĩa sao lại có chuyện ế chồng được, cô chắc có một mối tình đẹp, cho dù có khó khăn họ vẫn vượt qua, đeo đuổi đến cùng - Thành nhìn mẹ nói - Cô ấy là người tốt, phải nhắc khéo cháu Hà, nhất là chuyện nằm ngủ với cô ấy, không phải được gọi mẹ thì muốn yêu cầu cái gì cũng được. Mẹ giúp con tâm sự chuyện này với để cháu hiểu. Con thương con gái quá chừng, cái ăn cái mặc, học hành con lo được nhưng thay mẹ trong đêm thì con đành chịu. Vẫn biết đấy chỉ là một nhu cầu tình cảm mẹ con thường ngày. Nhưng con chưa có cách nào giải quyết. Con cũng day dứt lắm...

Sau cái đận ấy bà nội cứ lo tình cảm mẹ con sứt mẻ. Nhưng mọi chuyện vẫn diễn ra như bình thường. Một tuần vài lần Nghĩa lại hẹn Hà đến ngủ. Mỗi lần nghe cháu Hà khoe "Đêm nay lại xuống mẹ Nghĩa", bà nội lại thấy vui vui.

Nhưng rồi một chuyện sau đó đã xảy ra. Buổi trưa, bà đang thiu thiu ngủ, Hà chạy lại lay lay:

- Bà ơi, có khi nào công an là đàn ông lại đóng giả là đàn bà không nhỉ?

Bà nội giật mình, không biết trả lời sao.

Hà kể: "Đêm hôm trước cháu giả vờ ngủ say, lúc lâu biết mẹ Nghĩa ngủ, cháu vội lòn tay vào ngực mẹ, cháu thấy nó bằng trơn, không sờ thấy ghồ ghề gì cả, cái tí của mẹ Nghĩa nó nhỏ tí ti như cái ti của bố. Mẹ giật mình gạt tay con ra rồi quay mặt đi. Sáng hôm sau tưởng mẹ giận nhưng không thấy mẹ nói gì".

Bà nội cười: "Đàn bà có người ngực cũng lép lắm cháu ạ". Hà nói lại: "Cháu cứ nghi mẹ Nghĩa là đàn ông đóng giả đàn bà". Bà nội thở dài. Hà lại đem chuyện  kể với bố. Thoạt nghe Thành cảm thấy buồn cười. Nhưng nghĩ kỹ, Thành cũng hơi ngờ ngợ. Cô ấy đã ngoài ba mươi rồi, vì sao mà người yêu không tranh thủ về làm lễ cưới. Người yêu làm nghề gì? Ở đâu? Làm gì mà thời bình này lại không sắp xếp được công việc. Hay đó chẳng qua là một cách nói khéo, sự thật chắc không phải như vậy. Càng nghĩ Thành càng thấy có gì như bí ẩn trong đó.

Mấy ngày sau không thấy mẹ Nghĩa rủ xuống nhà, Hà điện hỏi thì được biết mẹ đang đi công tác, khoảng cuối tuần mới về được. Từ bà nội đến Thành và cháu Hà vừa sốt ruột chờ vừa nghi ngại, có phải vì chuyện đó mà Nghĩa đã tìm cách để lánh xa Hà hay không? Hà ngày nào về cũng bóc tờ lịch, mong sao cho hết ngày cuối tuần.

Buổi chiều Thành vội về, dựng xe vào nhà nói luôn:

- Mẹ ơi, cô Nghĩa đang cấp cứu ở Bệnh viện K.

Bà nội đặt mớ rau xuống:

- Làm gì có chuyện đó, cô mới điện cho cái Hà là đi công tác mà.

- Con vừa mới đi thăm một anh ở cơ quan nằm viện nên biết rất rõ mà. Con nhìn vào thấy mấy anh công an đến thăm, con hỏi, họ nói đúng là đồng chí đại úy Nghĩa, cảnh sát phường.

Thành, Hà và bà nội vào ngay bệnh viện. Nghĩa nằm trên giường ga trắng, ống chuyền chằng chịt. Chị nhắm nghiền mắt. Nước da tái nhợt nhưng khuôn mặt lộ nét bình thản. Biết cả nhà Hà vào, chị mở to mắt nhìn khắp lượt. Bà nội cúi xuống như ôm lấy chị rồi khóc "Con ơi". Hà cũng kêu lên "Mẹ ơi".

Chị đưa tay trái nắm tay mọi người rồi nói tự nhiên như công việc hằng ngày:

- Cháu vào công tác công an được ba năm thì phát hiện bệnh ung thư vú. Cháu đã bị cắt hai vú và âm thầm vừa điều trị vừa công tác cho đến nay đã hơn mười năm. Cháu biết số phận mình ngắn ngủi nên đã hết sức chăm lo công việc. Lấy đó làm niềm vui. Cháu đã vượt qua được. Còn bây giờ, tự cháu cũng hiểu được căn bệnh đã đến giai đoạn cuối, không ai giấu cháu được điều đó. Cháu ra đi rất thanh thản. Chỉ có điều cháu chưa có dịp nói thật với bà về chuyện này. Mong bà, anh Thành, cháu Hà hiểu cho.

Bà nội định nói điều gì đó nhưng bác sĩ  yêu cầu mọi người ra ngoài để bệnh nhân yên tĩnh. Cả ba ra ngoài đứng cùng nhìn về phía phòng bệnh nhân nơi Nghĩa đang nằm. Trời đã tối, họ vẫn lặng im đứng, không ai nói với ai câu gì, ai cũng cố giấu những giọt nước mắt đang trào ra. Cho đến khi bảo vệ bệnh viện yêu cầu đi ra cho bệnh viện đóng cửa, cả ba mới vội lên xe nhưng Thành không nổ máy nổi, nước mắt ứa trào như làm cho bóng đêm càng tối nhòa hơn. Hà lau nước mắt rồi nói với bố: "Phải như mẹ Nghĩa ấy, bố ạ". Thành gật đầu rồi nổ máy, đêm nhòa trong những giọt nước mắt.

Hà Nội, tháng 7 năm 2015
Truyện ngắn của Phạm Văn Thạch
.
.