Giời có mắt

Thứ Năm, 18/05/2017, 11:22
Nhà pa pa Tường trong ngõ Ngọc Quang; phá nhà cũ xây tòa nhà mới năm tầng trên diện tích mặt sàn hơn ba trăm mét vuông. Pa pa Tường nói với bà vợ và gã con cả tên Lâm: “Tậu trâu cưới vợ làm nhà. Cả ba việc ấy đêu là chung thân. Việc đại sự tôi yêu cầu tuyệt đối không được khinh xuất từ chi tiết”. 

Giọng ông thầu khoán nói như dao chém đá. Thì có ai còn lạ. Pa pa vốn con trai một ông thầy cúng, là  người kỹ tính, lại thông tỏ ngọn nguồn bí thuật lý số, phong thủy, tử vi. Đi làm nhà thầu nào ở đâu, ngày giờ xuất phát, động thổ, cất nóc, hoàn công, thảy ông đều có tính toán ngày giờ cát hung.

Năm rồi pa pa còn đích thân gồng mình tải một gánh nặng đồ cúng lễ lên Đền Thượng trên núi Ba Vì, và nằm ở trên đó giữa gió sương cầu cúng liền ba ngày. Còn năm kia, đích thân ông còn đội bát nhang, đốt hình nhân thế mạng ở Đền Bồ Đài.

Cha nào con ấy, Lâm tốt nghiệp trung cấp xây dựng  đang tấp tểnh theo cha làm nghề thầu khoán, mặt trắng phau non choẹt mà đã ăn chơi thuộc loại anh chị, nổi tiếng trong làng dao kiếm cũng mê phong thủy tử vi lý số chẳng kém cha.

Còn bây giờ, dưới sự chỉ đạo của pa pa, anh chàng sốt sắng hẳn lên với công việc. Việc này rõ ràng là có quan hệ đến đời riêng của mình. Lâu nay anh chàng đầu gấu tập sự này sống già nhân ngãi non vợ chồng với một cô ca ve, nay được pa pa ma ma đồng ý sẽ đem về ở cùng. Vì vậy, trong khi ma ma tổng quản lo thu xếp phần tài chính thì anh chàng bù đầu vào việc hết duyệt thiết kế, kiểm tra thổ nhưỡng lại ngồi hàng giờ tính toán tiến độ, vật tư, ngày giờ, chọn thợ đào móng xây thô, thợ hoàn thiện, tìm nhà hàng mua đồ nội thất. Riêng ngày giờ khởi công động thổ là việc quan trọng bậc nhất, anh chàng không động đến. Việc sinh tử này pa pa Tường đích thân quyết định. 

- Pa pa ạ, vật tư đã tập trung hết ở hiện trường, thợ đào móng đã chọn rồi, giờ pa pa   cho ý kiến về ngày giờ động thổ đi!

Nghe anh con cả nói, ông Tường gật: Được, để tao tính. Vớ vẩn chọn đúng vào ngày Sát Chủ thì toi đời có ngày!

Nói rồi liền kéo cuốn lịch bàn ở trước mắt lại, mắc kính, soi xuống:

- Chủ nhật này, tức ngày kia được không?

- Pa pa ạ, ngày kia cận quá. Đám thợ này con chọn từ Đà Nẵng bay ra không kịp.  Pa pa à, ngày thứ hai được không ạ?

- Không được! Mồng năm, mười bốn, hăm ba. Đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn!

- Thế ngày thứ sáu được không ạ?

- Không được! Ngày ấy tao dính vào cái công trình ở phố Hàng Chảo. Lui lại cuối tháng đi!

- Dạ, không được pa pa ạ. Thợ xây họ đề nghị ta động thổ sớm để họ có mặt bằng, kịp thời khởi công đóng cọc. Đóng những năm chục cái cọc bê tông chứ có ít đâu ạ.

- Biết rồi!

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Ông Tường nói, mắt lim dim, tay sờ hàm râu mới mọc lún phún, đoạn liếm môi, hạ giọng:

- Nhưng vào ngày nào là mình phải tính, con ạ. Đường quang không đi lại đâm vào bụi rậm. Tính phải ngày xấu, xây lên nó đổ đánh ùm một phát là khốn nạn, hiểu chưa?

- Bố không phải dậy. Thế thì...

- Sao?

- Pa pa đi kiểm tra công trình ở Hàng Chảo thứ sáu. Thứ bảy về, pa pa cho khởi công. Con sẽ chuẩn bị đầy đủ tờ sớ, vàng hương, đèn nến, cuốc xẻng, như bố bảo.

- Tất nhiên là lễ động thổ phải đúng như sách đã dậy. Nhưng... thứ bảy không được.

Nhìn ông bố cắn môi, anh con cả dò dè:

- Ngày ấy là ngày bố vẫn bận ạ?

- Không phải! Ngày ấy là ngày mồng 3!

- Thế pa pa cho lui lại bốn ngày nữa là ngày thứ tư.

- Không được. Mày xem lịch đây này, ngày ấy là ngày mồng 7. Mồng 3, mồng 7, 13, 18, 22, 27. Tam nương tương sát hoạ tai khôn lường.

Lần này thì anh con cả há hốc mồm, kinh sợ. Kiến thức thuộc loại vô thư của pa pa Tường thật là quá dồi dào và làm sao ông con không tuân phục được. Việc đại sự, sai một li đi một vạn dặm, nguy tai có ngày, nhưng mà rắc rối thế, tính toán thế nào được đây!

Cuối cùng thì anh con cả cũng thở phào. Giữa những ngày xấu, ngày bận rộn, anh cũng tìm được một ngày tốt ngày đẹp. Chính anh tìm được chứ không phải pa pa. Có lẽ vì anh quá sốt ruột, cô bồ ca ve của anh cho biết cô đã tắt kinh hơn tháng, hiện cô rất cần một nơi ăn nghỉ đầy đủ tiện nghi để dưỡng thai. Đó là ngày thứ hai tuần sau nữa, anh đưa cho pa pa một tấm lịch và chỉ cho pa pa cái ngày pa pa gọi là ngày Hoàng Đạo, ngày làm gì cũng hanh thông, may mắn..

- Ơ mày có tấm lịch này à?

- Vâng, thì con cũng phải học theo bố mà.

Pa pa Tường cúi xuống tấm lịch do anh con  trai đưa, tay lần rờ, miệng lầm bầm, cẩn thận không khéo chọn phải ngày xấu là tan cửa nát nhà, vợ chồng con cái trên dưới loạn xị ngậu đấy, rồi ngẩng lên, reo toáng toàng:

- Tuyệt cú mèo rồi! Đây còn là ngày Cát Tinh Phòng nữa! Mày có hiểu Cát Tinh Phòng là gì không? Nghĩa là ngày đó ông sao lành tên là Phòng, một trong hai mươi tám vì tinh tú, tức nhị thập bát tú, cai quản bầu trời, đến lân làm nhiệm vụ trực nhật giải quyết mọi công việc ở cõi trần; ông này rất dễ tính, ai xin gì ông cũng duyệt.

- Trời, thế thì tuyệt quá!

*

Đúng ngày đã định, lễ động thổ nhà pa pa Tường thầu khoán trong ngõ Ngọc Quang được tổ chức thật quy mô, đúng quy cách. Ông Tường đội mũ phớt mặc áo khoác vi ni lông nâu, mặt ngầu ngầu hầm hố đầy vẻ bí ẩn đích thân đọc tờ sớ xin phép thổ thần, rồi cầm cuốc hạ bốn nhát ở bốn góc đất thuộc bốn phương trời Đông Tây Nam Bắc. Rồi chắp tay vái lạy, cầu khấn và đọc tờ sớ dài hơn chục trang đến cả tiếng đồng hồ.

Cả tiếng đồng hồ với giọng đọc sớ thật là vang rền nền nẩy hệt như hát quan họ và động tác vái lễ dẻo còn hơn thầy cúng chuyên nghiệp. Tiếp đó là hai chiếc đại xa gầm rú ra vào ùn ùn đổ xuống không biết là bao nhiêu xi măng sắt thép cọc lớn cọc nhỏ. Cái ngõ nhỏ ầm ầm như có động đất. Do vậy việc đại sự chung thân này của pa pa Tường hiển nhiên là động chạm đến quyền lợi và nhân tâm của mọi con người sống trong cái ngõ nhỏ này!

Mọi người trong cái ngõ nhỏ này đâu có chịu khoanh tay bất động trước mọi việc ngang tai trái mắt của nhà pa pa Tường! Kể từ buổi chiều hôm sau cái lễ khởi công  nọ, thấy ôtô ra vào cầy nát đường ngõ, vừa xót ruột vừa khó chịu vì thái độ ngông nghênh của cái gia đình làm ăn có nhiều dị nghị này, mọi người đã đổ xô ra ngăn cản.

Ông Túc - một người thông thạo tử vi lý số bậc thầy dáng to cao bệ vệ trong chức trách tổ trưởng dân phố từ hàng ngang bà con lập tức xông lên dang hai cánh tay làm thành một cái ba rie ngăn một chiếc Tatra lưng đầy sỏi đá, xi măng đang tiến vào.

Chiếc đại xa gầm rít cáu kỉnh! “Dừng lại! Ngõ này cấm ôtô vào!” - Cất tiếng hùng dũng, ông Túc quát. Và cứ tưởng nghe vậy thì chiếc đại xa ít ra cũng phải giật mình khựng lại. Chứ không thể ngờ, chiếc Tatra gần như điếc và từ đằng sau đám đông bà con, anh chàng Lâm mặt trắng đủng đỉnh rẽ lối đi lên. Áo vét xanh, cà vạt tím, chân xỏ trong đôi giày khủng bố, một tay cầm lon bia vừa mở,  còn một tay anh đẩy ông tổ trưởng như đẩy cái bao tải vô tri sang bên và nhếch mép: “Làm gì mà nhặng sị thế, bố! Yên trí! Yên trí! Xin bà con chớ nóng nẩy! Có giấy phép cho ôtô ra vào đàng hoàng đây!”.

Tất cả gần trăm con người trong ngõ ùa ra, đứng sau ông tổ trưởng Túc, nghĩa khí đằng đằng, thấy vậy liền sững người kinh ngạc. Trong khi đó gã mặt trắng ngửa cổ tu một ngụm bia, rồi rút từ túi quần sau ra một xấp giấy và phất lên cao như đánh xi nhan cho chiếc xe tải nọ tiến vào. Và tiếp đó, khi chiếc đại xa phun khói mịt mù đi qua, gã mới quay lại nhìn bà con rồi xòe ra cho mọi người xem gần chục tờ giấy phép, tờ nào cũng đóng dấu của chính quyền thành phố có in hình quốc huy đỏ lòe. 

Giời ơi là Giời! Thế này thì còn gì là phép nước kỷ cương, còn gì là công bình và chân lý nữa hả Giời! Một trăm con người trong cái ngõ này chứng kiến sự việc thì chín mươi chín con người ngửa mặt lên Giời mà kêu vậy! Duy nhất có một con người không một lời kêu than. Người đó là ông Túc! Ông Túc không kêu Giời! Ông nhếch mép hất hàm vào cả Lâm, giọng vừa kẻ cả vừa giễu nhại: “Này, có phải cha con nhà cậu đã mất bao công lực mới chọn được ngày lành tháng tốt hôm nay để khởi công? Cẩn thận, kẻo bé cái nhầm! Hừ! Thiên toán bất do nhân toán. Người tính không bằng Giời tính đâu! Tiểu nhân chớ có vội đắc chí tiểu nhân hì nhá!”.

*

Rõ ràng là những lời ông Túc nói hàm chứa sự giễu cợt lại mang tính cảnh báo khá bí hiểm! Tiếc thay lời nói gió bay lên Giời. Và kẻ hợm mình xưa rày đâu có phải là kẻ biết lắng nghe, nên rốt cuộc sau sáu tháng ầm ĩ thi công thì nghễu nghện ở giữa ngõ, một toà biệt thự đồ sộ năm tầng mọc lên. Nó tách ra khỏi bối cảnh, tức những căn nhà trong ngõ của bà con lao động, nhà giáo, viên chức cùng một kiểu tầm tầm, tẻ nhạt như nhau.

Ừ thì cũng là biệt thự, cũng là tân kỳ mà sao cái nhà này trông nó cứ cao ngạo và lố lăng thế nào ấy. Vì cái màu vôi, màu sơn chói mắt! Vì cái kiểu cách ngông ngạo, chắp vá, học đòi! Nhất là vì cái miếu thờ tô xanh, bôi đỏ xây ở sân thượng tầng năm. Và trên bốn góc nhà lại nhô lên bốn cái đầu ngựa thiếp vàng, tượng trưng cho tuổi Ngọ của gia chủ.

Nhìn tòa nhà người ta không thể không soi xét chủ nhân. Bắt đầu từ vợ chồng pa pa Tường chủ nhân toà biệt thự. Cặp vợ chồng này cả hai đều trên dưới năm mươi. Pa pa Tường da ngăm, mặt hầm hố, râu ria xồm xòa, tuy thế vẫn không có dáng oai vệ, trái lại trông bẩn tưởi. Ma ma của Lâm tên Thúy Lài lùn tì, mặt phúng phính, nhưng da thiết bì, tóc lơ xơ.

Mặc đủ kiểu thời thượng, kể cả mini duýp nhưng vẫn cứ không thoát khỏi phong vẻ hạ tiện dâm loàn. Vẫn cứ bần hèn gian giảo thế nào ấy. Lâm được cái tốt mã. Dong dỏng cao nhưng nghênh nghênh ngáo ngáo, trông không thuận mắt, có lẽ còn là vì cái mặt dài quá khổ và trắng. Trắng lắm. Trắng phau phau. Trắng quá mức chấp nhận. Trắng như cái mặt nạ. Như người mắc chứng bạch tạng. Nghĩa là tư cách xem ra cũng vào loại giá áo túi cơm, không chính trực ngay ngắn. Trong khi đó cô bồ, tức ca ve Minh Thìn thì gầy tong teo, tóc bụt ốc, nhưng hai cái vú thì  to như hai quả bưởi. Ăn nói thì chỏng lỏn. Nổi sung là sẵn sàng tuôn ra hàng tràng những từ ngữ khó nghe.

Trông cái tòa biệt thự và xem xét tư cách những người trong đó, không thể không có sự so chiếu với bà con cư dân lâu đời trong cái ngõ nhỏ này. Ngõ này nguyên là một xóm nhỏ ngoại vi, mới sáp nhập vào thành phố từ ngày có chủ trương mở rộng.

Bà con trong ngõ đều quen biết nhau. Mọi người đều là dân lao động lương thiện, gia sản tầm tầm như nhau. Tiêu biểu là bà lão Vực xuất thân chiến sĩ quân báo, chồng là liệt sĩ từ thời chống Mỹ, một mình nuôi sáu con nhỏ. Gia sản chỉ là  một căn hộ cấp 4 do Nhà nước cấp thì đã phải dành một nửa cho thuê để lấy tiền thuốc thang cho anh con trai lớn đã bốn mươi tuổi mắc chứng ngộ dại.

Hằng ngày, bà lão bòn nhặt từng chục bạc lãi ở mỗi cái bánh mì rao bán từ tinh mơ tới nửa đêm. Tiêu biểu là ông Túc, cán bộ công đoàn, con một ông đồ thành Nam, thông tường văn sách, tính tình trung hậu, đứng tên tố cáo một vụ tham nhũng của cơ quan không thành, bị ép về hưu non, nay sống trong thanh bạch, tháng ngày vui cùng sách vở và điều hay lẽ phải.

Những người lương thiện ở ngõ này có thái độ trước hết là lạnh nhạt với pa pa ma ma Tường cùng vợ chồng anh chàng mặt trắng nọ. Mà chẳng phải đó là do thói đố kỵ kẻ hơn mình vốn đã là cái sự thường tình xưa nay. Bởi vì cứ như xăm soi của bà lão Vực thì quân này giàu là giàu xổi, giàu bốc lên, cung cách càng ngày càng lộ ra là kẻ bắng nhắng, không có gia phong nền nếp con nhà. Ông Túc liên tục được bà con tín nhiệm bầu là tổ trưởng dân phố, nói: “Cứ xem cách họ xưng hô pa pa ma  ma với nhau cũng biết họ là hạng người học mót để làm sang rồi”.

Xét nét dân gian xem ra đâu có sự khe khắt! Sự thực nó là vậy! Sự thực là nhà pa pa Tường sống cách bức với bà con trong ngõ và hành tung của họ càng lúc càng tỏ ra khuất tất khác thường thật. Đặc biệt là quan hệ lộn tùng phèo của bốn người của họ với nhau. Đúng là chẳng có gì qua được mắt thiên hạ thật.

Thế nào mà bà Vực lại bảo rằng cả Lâm không phải là con đẻ của pa pa Tường. Thậm chí còn có tin y chính là nhân tình xưa của ma ma Thúy Lài. Còn chính bà lão Vực nhiều lần trông thấy pa pa Tường đèo xe máy đi chơi đêm với Minh Thìn mặc cái váy hai dây, ngực hở đến tận chân vú. Người trong ngõ càng lúc càng khó chịu với nhà Tường. Nhất là gần đây, họ rước về hai con bécgiê to bằng con bê, dữ như hổ. Và từ lúc ấy khách khứa ra vào nhà họ như mắc cửi. Mà toàn là vào lúc đêm đã buông. Vào là bọc lớn, bọc nhỏ.

Ra là túi bé, túi to. Mà mắt la mày lét mắt trước mắt sau. Rõ quân buôn lậu không thì cũng phường trộm cướp chứ còn gì. Chưa kể cứ độ dăm bữa nửa tháng lại một cuộc tiệc tùng ầm ĩ cả ngõ nhỏ; và hàng xóm lúc ấy với họ chẳng là cái quái gì hết! Mà cả kỷ cương phép nước đối với họ cũng chẳng là cái quái gì hết! Vì con đường vào ngõ từ hồi họ làm nhà bị đại xa cầy nát, họ cứ mặc kệ, nhưng kỳ quái hơn còn là đến khi ông Túc thay mặt bà con gửi đơn tố cáo lên thành phố thì một tuần sau, Sở Xây dựng cử hẳn một tốp thợ đến cuốc xới, rải sỏi cuội và rải xi măng nhựa đường lên phẳng phiu đẹp như đường cao tốc. Hỏi thì mới biết, chi phí toàn Nhà nước chịu!

*

Giời ơi là Giời! Thế này thì còn có Giời nữa không? Giời còn có mắt không, còn  công bình chân lý nữa không hả ông tổ trưởng? Đó là lời than của bà con trong ngõ và cũng là lời chất vấn của bà lão Vực với  ông Túc.

Nhìn bà lão Vực, ông tổ trưởng am tường nho học, văn sách gật gù, rồi nhẩn nha:

- Này bà lão, thế tôi hỏi bà, trên đầu bà có cái gì vậy? 

- Ông hỏi tôi thế tức là ông gián tiếp nói còn có Giời? 

Gật đầu, ông Túc cười nhè nhẹ: 

- Thế bà không nghe thấy người ta vẫn thường nói: Nhân duyên do Giời định. Cha mẹ sinh con, Giời sinh tính. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên à! Không có Giời thì tại sao người ta những lúc đau khổ quá hoặc vui sướng quá, hoặc cần cứu giúp lại réo tên ông lên? Còn câu chuyện này kể bà nghe. Ngày xưa, có một người quá nghèo, làm lụng vất vả mà không đủ gạo nuôi mẹ. Chẳng còn cách nào nữa, người này đành phải chôn con để con không ăn vào phần của mẹ. Định thế, nên đào hố, không ngờ, đào được một âu vàng. Như thế là gì? Là Giời thưởng đức hiếu. Còn bà biết chuyện Giời nổi cơn sấm sét đánh vào Lý  Thông rồi chứ!

- Nhưng mà...

- Để tôi nói tiếp. Các cụ ta có câu: Thiên năng phủ vật. Địa năng tải vật. Có nghĩa là Giời che, đất chở. Có Giời nên mới có cái gọi là chân Giời chứ. Chưa hết! Bà có thấy không? Mắt của Giời là mặt trời, là mặt trăng. Gió là hơi thở của Giời. Sấm sét là tiếng nói của Giời. Bốn phương là tai của Giời. Núi đồi là gân cốt của Giời. Bốn mùa là tứ chi của Giời. Người có ngũ tạng, Giời có ngũ hành.

- Sao tôi nghe nói, Giời không thương ai, coi người như cỏ rác.

- Thế thì bà chưa biết câu này: Hoàng thiên vô thân. Duy đức thị phù. Nghĩa là, Giời không thân ai, chỉ phù người có đức. Nói thế đâu có phải là thần bí ma thuật. Mà là tri thức thực nghiệm đó. Nên mới có câu: Dân chi sở dục, thiên tất tòng chi. Nghĩa là: Cái điều dân mong muốn, Giời ắt phải theo. Còn kẻ không biết mệnh trời, ắt không phải là người quân tử. Rồi bà xem! Giời có mắt! Nói cách khác, Giời qua người thể hiện cái nhìn thấu thị tinh tường của mình.

*

Giời có mắt! Điều bán tin bán nghi của bà lão Vực và bà con trong ngõ cuối cùng thế là đã được giải tỏa. Và lúc này mọi người chỉ còn chung một tâm trạng là chờ. Chờ! Nhưng mà một tuần qua! Hai tuần qua. Rồi ba tuần qua… Thêm một tuần nữa vẫn chưa thấy các cơ quan chấp pháp của Nhà nước động dạng gì thì niềm tin của mọi người trong ngõ đã bắt đầu rung rinh. Thì đúng vào quãng nửa đêm cuối của tuần ấy, tất cả già trẻ lớn bé cư dân trong cái ngõ Ngọc Quang bỗng đùng đùng thức giấc. Nhà  pa pa Tường có chuyện động loạn! 

Chẳng ai bảo ai, mắt nhắm mắt mở mọi người liền kéo đến hóng chuyện trước tòa biệt thự nọ. Có chuyện gì thế? Mọi người nhớn nhác hỏi nhau. Thì nghe tiếng ma ma Thúy Lài chu chéo: “Cái nhà này thất đức khốn nạn rồi nên mới có chuyện bố chồng với con dâu trai trên gái dưới như thế! Giời ơi là Giời, tôi không bắt được tận tay day được tận trán thì còn chối đến bao giờ. Giời ơi là Giời! Thì ra thằng Ngô con Đĩ tùng đảng với nhau định cuỗm hết tiền bạc để chuồn đi nước ngoài với nhau hả?”.

Nín thở, mười phần mọi người đã hiểu tám chín đầu đuôi câu chuyện thì nghe tiếng pa pa Tường quát: “Câm mồm đi con đĩ già. Thế còn mày tằng tịu với thằng cả Lâm bao lâu nay thì sao! Mày để sổ đỏ và tất cả tiền vàng trong két mà chìa khóa lại bạ đâu vứt đấy thì chẳng bằng mời nó xơi à. Thế nó khoắng mất bao nhiêu?”.

Và tiếp đó là tiếng gào như xé vải của bà vợ: “Giời ơi là Giời ơi. Còn gì nữa mà cật vấn tôi hả? Sổ đỏ tòa nhà nó đem thế chấp đánh bạc mất bốn tỷ, còn bao nhiêu tiền vàng trong két chẳng hiểu đứa nào đã vét sạch rồi. Hu hu…”.

Nghển lên, qua cửa kính nhiều người trông thấy rất rõ pa pa Tường hằm hằm nhìn ma ma Thúy Lài gằn: “Tiên sư cả lò nhà mày nhé. Mày rước nó về nhận nó làm con nuôi, cho nó rập rình trên bụng bao nhiêu lần ông còn lạ, giờ trắng mắt ra chưa?”. Nói rồi hai mắt xếch chéo, vò tóc bứt râu, pa pa Tường gào như điên như dại: “Mẹ sư cái thằng phản bội. Ông mà tóm được mày thì ông cắt cổ như quân IS  ở Trung Đông!”. Rồi  phanh áo ngực, vò  đầu bứt tai, ông thở hồng hộc: “Hừ, nó lừa tôi. Nó đưa tôi tấm lịch năm ngoái. Tôi mất cảnh giác. Giời ơi là Giời!”. 

Mọi người quay lại nhìn ông Túc. Ông Túc quay lưng đủng đỉnh đi về. Mọi người bám theo nằn nì: “Thế là thế nào hả ông lão thâm nho có mấu?”. Bấy giờ ông Túc mới thủng thỉnh: “Chung quy thì trước sau cái gia đình vô đạo này cũng tan nát thôi. Chưa cần chính quyền Nhà nước ra tay đâu. Mà cần gì dúng vào vội cho bẩn tay.

Nhân nào tất quả ấy. Cái mầm hư hoại đã có sẵn trong lòng nó rồi. Còn chuyện  ngày giờ xấu tốt thì tôi biết từ lúc họ động thổ kia! Pa pa Tường chọn đúng ngày Hoàng Đạo, ngày Cát Tinh Phòng để khởi công. Chỉ tiếc đó là ngày ở tấm lịch năm trước do thằng con đưa. Còn theo lịch năm nay thì đó là ngày Sát Chủ, một ngày cực xấu, làm việc gì cũng thất bại, tan cửa nát nhà, khuynh gia bại sản, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Thế có phải là thiên toán bất do nhân toán, người tính không bằng Giời tính không, hả bà con!”. 

Truyện ngắn của Ma Văn Kháng
.
.