Gió qua rừng

Thứ Năm, 23/05/2019, 08:18
“Anh Phan, em phải làm sao…”. “Là chuyện gì”, tôi gắt. “Tuần tới mẹ em về, bà nội bảo em từ 3 tháng trước, giờ 3 ngày nữa là mẹ em về…”. “Cái gì, mẹ em về là chuyện mừng đấy chứ, sao lại ủ dột thế kia?”. “Vấn đề là em không biết có nên đối diện với mẹ hay không, mẹ đã bỏ em lại khi em còn quá nhỏ…”.

Cái lần đầu gặp em cũng nhanh chóng rơi vào lãng quên bởi công việc thường nhật; nhưng lần này gặp lại, ở quán cafe đầu con dốc gần cơ quan thì tôi thực sự bất ngờ.

Chỉ 30 phút trước, người gọi điện cho tôi, mời tôi đi uống cafe là một bloger mới bước vào nghề, muốn tôi hợp tác cho cái blog của cô. Tôi nhận lời bởi ngày mưa thì chẳng có cơ sở nào đủ nhẫn nhịn để mà cung cấp thông tin cho một tay nhà báo, phần bởi tôi thích cảm giác được ngồi với một cô gái trong một góc nhỏ quán café, rồi lơ đễnh, mộng mơ nhìn ra khung cửa sổ, sến sẩm mà vẫn tò mò lạ.

Em bảo thực ra em biết tôi từ lâu, lần đầu hình như là lúc tôi xuất hiện trên sóng truyền hình nhận giải của một cuộc thi nào đó. Rồi sau này em tìm đọc những điều tôi viết, có những thứ đọc đi đọc lại cả chục lần mà không biết chán.

“Sao em lại thích những điều anh viết”, tôi hỏi. Em bảo: “Vì nó có hình bóng của bà em, và của em nữa, khi man mác buồn, lúc buồn da diết. Mà đó có phải là cuộc sống của anh, hay chỉ là những điều anh chắp nối từ cuộc sống muôn màu?”. Em hỏi tôi, rõ ràng là để lảng tránh điều tôi muốn hỏi tại sao em chỉ nhắc đến bà…

Em chẳng ngại ngùng kể lại chuyện ở quán bia lần đầu tôi gặp em: “Lúc đó em mới ra trường, chưa tìm được một công việc thực sự thì em đi làm cho đỡ buồn thôi ạ”. “Thế còn bây giờ?”, tôi hỏi. “Em có một trang facebook, em đăng tải những điều người ta muốn được đọc và thích được xem để nhận được những khoản thù lao khi lượng view đủ để nhà cung cấp dịch vụ thấy những điều em làm là hữu ích”.

“Thế em cần gì ở kẻ làm báo viết văn, hóng hớt dăm ba câu chuyện bông phèng rồi thêm những câu chữ ngôn tình làm gia vị dẫn dụ người đời như anh”. Em cười: “Vì em thích những câu chữ của anh, cả những miền quê, những kỷ niệm mà anh đi qua nữa, hẳn nó rất đẹp. Em nghĩ nếu được về nơi đó, sẽ có nhiều điều thú vị để đưa lên blog của em”.

“Thế anh sẽ được những gì”.“Anh á, có thể anh sẽ được thêm nhiều người biết đến, hoặc chí ít anh sẽ có thêm cảm hứng để tiếp tục dẫn dụ những người thích truyện ngôn tình”. Em cười, toát lên vẻ tự tin hệt như cái lúc cầm cốc bia lên uống.

Tôi nhanh chóng bị đánh gục bởi lời đề nghị của em, cho dù chưa bao giờ tôi thực sự muốn là người nổi tiếng. Tôi nhận lời bởi em trẻ hơn tôi cả chục tuổi nhưng hơn hẳn tôi về cách thức dùng không gian ảo để nuôi dưỡng ước mơ thực tại cho bản thân mình… Đi cùng cô gái như thế, hẳn tôi cũng được trẻ ra vài cái tuổi xuân.

Nhiều năm nay, tôi không còn đi xe máy về nhà bởi thấy mình đã quá già cho việc cưỡi lên mình con ngựa sắt để tự đi về lòng chảo quanh năm mây vờn gió hú của ông. Nhưng lần này tôi không có sự lựa chọn. Em bảo em không có thói quen ngồi trên ôtô khách vì nó làm em thấy tù túng, phụ thuộc và tuổi trẻ là phải dấn thân. Mà thực ra đây cũng không phải lần đầu tiên tôi về bản cùng một người con gái, cho dù ông tôi ngóng đợi mỗi khi cây trám chua già rụng quả vàng ươm cả một góc sân và chim chóc tìm về mái nhà sàn của ông để làm tổ mới. Lần đó cô bé thực tập đêm ngày năn nỉ để tôi đưa về nơi tôi ở. Em hứa, em cam đoan sẽ chịu được mọi gian khổ mà tôi quả quyết gái thành phố nhũng nhẵng như em giỏi lắm chỉ trụ được 2 ngày.

Thế rồi được đúng 1 ngày thì em ngằn ngặt đòi về. Em sợ cái gầm gào của con suối mùa mưa lũ, em không thở được bởi cái mùi hăng hắc của đất và hôi hám của đàn trâu. Em không dám uống nước ông tôi bắc những thân bương già từ tít thượng nguồn con suối đêm ngày chảy tràn vào cái lu đầu chái. Em sợ cái gác bếp ám khói và lúc lẳng những con dúi vàng ươm. Và mặc cho tôi gào lên rằng em đúng là con ranh chưa sạch máu đầu, em vẫn bỏ lại thung lũng của ông và không bao giờ trở lại…

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Tôi về đến thung lũng khi những mái nhà sàn đang vờn khói trắng và thơm nức mùi gạo nương. Những đám mây vờn trên đỉnh núi, lung linh đủ loại sắc màu dưới ánh nắng nhạt cuối chiều. Ông ngồi trên phiến đá rộng cạnh gốc cây trám già, bộ râu trắng phất phơ bay trong gió, đôi mắt ơ hờ nhìn theo con suối bạc trong như đôi mắt nai. Ông ngồi đó như một thói quen vào mỗi buổi chiều, lúc bố tôi lụi cụi trong gian bếp đen ngầu bồ hóng.

“Ờ, Phan đấy à. Sư bố thằng ranh con, mày bị mấy đứa gái phố bắt rồi hay sao mà cả năm nay mới về thăm ông thế này không biết”. Tôi bảo: “Ông này, ông cứ nói thế, ba tháng trước cháu vừa về đấy thây”. “Ba tháng hả, ba tháng là vừa mới hả, tổ sư bố thằng ranh con, để xe đấy ra cái lu rửa mặt mũi đi. Mà mày mang về cho ông đứa con gái nào kia thế”…

Em chạy vào sân, khẽ cúi người xuống chào ông. Ông nheo nheo đôi mắt làm rung lên chòm râu bạc: “Cháu là bạn gái thằng Phan đấy hở, xinh gái như cháu, yêu làm gì thằng cầu bất cầu bơ”. Em cười: “Không phải đâu ông ạ”. Ông nhìn thẳng vào đôi mắt em, lặng đi phút giây và cố nén một tiếng thở dài. Bố tôi ngó qua ô cửa sổ: “Về à con”, rồi lại chui tọt vào trong làn khói trắng. Em nheo nheo mắt, chỉ lên ô cửa sổ: “Bố anh đó hả?”. Tôi gật đầu. “Thế còn mẹ, mẹ anh đâu?”.

*

Mẹ tôi ở đâu? Từ nhiều năm nay, tôi, bố tôi và ông nội đều không có câu trả lời đích xác cho câu hỏi đó. Ký ức của tôi về bà đã thực sự nhạt màu và chỉ được chắp nối qua những liên hệ của ông nội về những điều tôi hao hao giống mẹ.

Tới giờ bố tôi vẫn nghĩ bà đang phảng phất bên bờ con suối bạc, dù cơn thịnh nộ của rừng già đã đi qua hai mấy mùa cây trám già rụng lá. Ông không khóc trong cái ngày rừng báo oán đó, cho dù nó cướp đi của ông nội tôi đứa con trai út mà ông phải lần tìm mấy ngày mới tìm thấy xác mãi dưới con suối nơi cuối bản. Còn mẹ tôi, không ai biết đích xác mẹ ở đâu sau cơn lũ ấy.

Ông nội không cho bố tôi lập bát hương, ông bảo: “Sao lại thờ người không chắc chắn đã thác về sông về suối, biết đâu sau này nó trở về…”. Bố không dám làm trái lời ông, cả cuộc đời bố cứ như thể chưa một lần làm sai điều ông nói. Quê mẹ tôi ở tít tận vùng biển Thái Bình, nghe nói người thân mẹ chẳng còn ai sau mấy cuộc chiến đi qua. Vậy là mẹ về cái thị trấn buồn tẻ ngoài kia theo chương trình thanh niên xung phong đi xây dựng kinh tế mới.

Ông nội bảo tôi có đôi mắt giống mẹ, khó đoán định và phảng phất buồn như mùa đông ở thung lũng mù sương. Xưa, những chiều buồn mẹ tôi vẫn ra ngồi bên bờ suối, đôi mắt dõi theo dòng nước chảy mãi về xuôi, vời vợi nhiều năm vẫn chỉ một nỗi buồn.

Ông thì thào với bố: “Đất này chỉ giữ được phần người, làm sao giữ được phần hồn của đứa con gái chẳng bao giờ nhìn ngược dòng sông”. Bố thở dài, rồi lại lụi cụi mang đồ ra suối. Ông nội muốn những đứa con trai có chí xuôi dòng về miền đất mới, dựng nên những ngôi làng bên những bờ xôi ruộng mật hay những nương ngô đồi chè ngút xa tầm mắt, còn những đứa con gái biết thêu thùa may vá, sinh đẻ cho làng những chàng trai với đôi vai cường tráng, 7 tuổi đã biết uống rượu ngô và 10 tuổi biết hút thuốc lào.

Nhưng bố mãi chỉ quanh quẩn với cái nhà sàn ươm mùi khói bếp. Mẹ đi rồi, bố càng không lìa được cái bếp đen gầu bồ hóng. Cuộc sống của bố tù túng, buồn đến mức bố có thể đếm được có bao nhiêu con tắc kè gọi bạn hàng đêm trên cây trám già; ngày lụi cụi trên đồi chè và đêm chầm chậm tẽ hạt ngô, một cuộc sống nhạt nhẽo đến mức không thể đặt nổi một cái tên.

Bố giấu ông sang làng kế bên nhờ thợ truyền thần hình của mẹ lên tờ giấy dó rồi về cất kỹ dưới đáy chiếc hòm làm từ đoạn cây pơ mu; thi thoảng khi ông đã tắt đèn, bố lại rón rén mở chiếc hòm ra, rồi lại cẩn thận khóa vào trước khi đi ngủ. Và cứ mỗi năm khi cây trám già trĩu quả và ông thắp những cây đèn sáng rực mời thần núi và gọi chú tôi về, tôi cùng bố lại lặng lẽ mang theo những bông mua tím hồng ra ngồi bên dòng suối, lặng nhìn một dòng suối hoa chảy mãi về xuôi…

*

Trời nổi gió khi màn đêm mịt mùng giăng khắp thung lũng, em chạy ra sân vờn đuổi đàn đom đóm đầy tò mò và phấn khích. Xưa ông tôi bảo, mỗi con đóm đóm là một linh hồn thác trên đỉnh núi, đêm đêm tìm về đất ấm để dịu nỗi nhớ quê cha. Tôi tin sái cổ những điều ông nói và thi thoảng vẫn cố đuổi theo con đom đóm sáng nhất để mong mỏi một lần chạm tay vào mẹ…

Em rụt tay lại khi nghe tôi nói thế, mỏng manh như bông hoa dại ở bìa rừng rực rỡ lúc hè sang. Chúng tôi ra bờ suối, cùng khoanh tròn trên phiến đá dài và ngửa mặt lên nhìn khum trời cong cong hình miệng vại. Gió rít qua những phiến đá, luồn qua những tàng cây chó đẻ và hòa vào tiếng rì rào của dòng suối bạc, những âm hưởng miên man bất tận trải dài suốt tuổi thơ tôi đến tận bây giờ vẫn mãi không thay đổi. Tôi lặng im lắng nghe tiếng thở của đất, tiếng thì thầm từ đáy dòng suối bạc. Em lặng im khẽ liếc nhìn tôi. Bất chợt tôi nhớ mẹ, một nỗi nhớ không thể gọi tên…

*

Sáng ở thung lũng đẹp như một bức tranh thủy mặc. Những ngôi nhà sàn ẩn hiện trong làn sương đêm phảng phất còn rơi rớt lại, xiên xiên trong ánh nắng sớm mai. Ông nội dậy tự bao giờ, xì xoạch ngồi bậu cửa rít thuốc lào, ngực căng tràn như thân cây chò già trên đỉnh núi.

Tôi đưa em đi dọc theo con suối về phía thượng nguồn, nhìn tóc em phất phơ theo gió, thấy mát rượi cả một khoảng trời. “Anh sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, thảo nào câu chữ nào của anh cũng đẹp”, em bảo. “Chỉ thế thôi sao?”, tôi nhìn em. “Và giờ em mới hiểu vì sao truyện nào của anh cũng phảng phất nỗi buồn…”.

Tôi cười, một nụ cười diệu vợi. Rõ ràng cái thung lũng của ông ngàn đời nay vốn thế, từng thớ đất và mạch nguồn sông suối thấm đẫm cuộc đời ông và cả tuổi thơ tôi, có vui, có buồn và có cả những đau thương. Sau hơn chục năm rời xa thung lũng, chưa một lần tôi tự vấn mình có yêu mảnh đất này không, chỉ biết mỗi khi mỏi mệt, tôi lại về bên ông, vục đầu vào lòng suối bạc và mê mải đi giữa đồi chè của bố, lòng thấy thênh thang.

Em bảo: “Em chẳng được may mắn như anh, nhà em ở xã vùng ven thành phố, nơi có những ngọn đồi lô nhô và những cuộc đời chỉ có khoai với sắn. Em không biết mặt bố và không nhớ mặt mẹ. Có một phương trời khác đã mời gọi bố mẹ khi em còn quá nhỏ. Em không biết đích xác đó là phương trời nào, nhưng rất khác nơi em ở, và hoàn toàn xa lạ với bà nội em. Hơn 20 năm nay, em chỉ sống với bà…” –

Giọng em run run. “Em vẫn may mắn hơn anh đấy chứ”, giọng tôi nhòa vào dòng suối, “rồi mai này mẹ em sẽ về, chẳng như anh, anh không đủ mạnh mẽ như ông nội, chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày mẹ anh trở lại…”. “Em không biết nữa, em không nhận được bất kỳ tin tức gì của mẹ, 20 năm rồi, anh ạ”…

Tôi ngồi lại bên gốc cây sồi già. Em ngồi sát tôi, đủ để tôi nhận thấy một dòng cảm xúc trào dâng trong mắt em, và chất chứa trong lồng ngực tôi, nặng trĩu. Tôi miên man nghĩ, chợt nhận ra cuộc sống là sự sắp đặt của những số phận. Còn số phận sẽ quyết định những tâm hồn tròn hay khuyết. Và tôi tin, những tâm hồn khuyết sẽ thật dễ để tìm thấy, để đồng cảm và để khỏa lấp cho nhau. Chính tại gốc sồi này, tôi đã cùng ông ngồi lại sau những chiều lên núi, nghe ông kể về dự định dựng lên cả một thung lũng phì nhiêu, và rừng già đã ngăn ông nhiều thứ, cướp đi của ông đứa con trai có đôi tay cường tráng, lấy đi khao khát của ông về đứa con cả có ý chí và tâm hồn mạnh mẽ như những cây cổ thụ vững chãi giữa rừng già.

Nhưng ông bảo ông không oán rừng, cũng như ông không trách bố cho dù bố chưa bao giờ với đến những kỳ vọng của ông. Ông để mặc bố miên man trong một cuộc sống tù buồn với một hy vọng mỏng mảnh như hạt sương mai trên mái lá, cũng là để bố không bỏ ông để đi về miền đất mới cho khuây khỏa nỗi đau.

Từ ngày tôi rời xa vòng tay bao bọc của ông để đi học con chữ ở nơi đô thị phồn hoa, đôi mắt màu tro bạc của ông càng lộ rõ trên khuôn mặt xưa cũ với vầng trán hằn sâu như những luống cày. Khi đã đi qua quá nhiều nỗi đau, ông như thể thân lim già sắt lại, chót vót chống chọi với đời, bao bọc cả một địa tầng dưới những cánh tay rộng lớn và cố giấu nỗi sợ hãi một mình cô độc giữa rừng già…

Còn tôi, 32 tuổi xuân vẫn thấy mình bé nhỏ, những mảnh khuyết trong tầng sâu của con tim tưởng chừng được chôn chặt sau những tháng ngày nơi phố thị, bất chợt lại ùa về khi đối diện với người con gái có đôi mắt đẹp mà buồn như mùa đông bên suối trong thung lũng mù sương…

*

Tôi và em về lại thành phố, bỏ lại phía sau ông nội im lìm trên phiến đá cạnh gốc trám già nua và một dòng suối hoa trôi bâng khuâng về nơi dòng sông chờ đón… Rồi những trang viết, những công việc ở tòa soạn hối hả cuốn tôi đi, thi thoảng chỉ biết tìm hơi thở, giọng nói em qua những cuộc điện thoại vội vàng với những câu chuyện không đầu không cuối.

Trang facebook đóng băng cả năm trời giờ được tôi mở lại, rộn ràng những hình ảnh thân thuộc ở thung lũng được em đính kèm tên. Tôi dõi theo em qua những câu chuyện em kể về những con người cả đời chẳng rời chân xuống núi, mộc mạc, giản dị và phảng phất nỗi buồn. Em làm tôi thấy nhớ nhà, và lãng quên những buổi chiều vất vưởng bên những quán bia chật ních để vùi mình tại góc nhỏ quán café và dõi đôi mắt ra ô cửa sổ, cố tìm một ánh mắt thân quen suốt cả mùa thu…

Tôi chợt nhận thấy mùa đông đến từ những chiếc khăn len quấn quanh những bờ vai mỏng, những cái khoác tay thật gần của những cặp đôi dạo chơi trên phố, chợt thấy trống vắng mênh mông. Mùa thu đi qua tôi trong cái vấn vương không rõ hình hài và tịnh không một sự đáp đền…

Rồi một chiều mưa sụt sùi trong góc nhỏ quán cafe thân thuộc, bất chợt em ùa về trước mặt tôi trong cái sửng sốt tận cùng. Em ngồi xuống chiếc ghế đối diện, đôi mắt đen phảng phất mù sương. Tôi hỏi: “Em ở đâu suốt mấy tháng qua?”. Em bảo: “Em ở đây chứ đâu!”. “Thế tại sao em…”, tôi ngập ngừng, chợt nhớ em chẳng là gì của tôi để trả lời câu hỏi đó.

“Anh Phan, em phải làm sao…”. “Là chuyện gì”, tôi gắt. “Tuần tới mẹ em về, bà nội bảo em từ 3 tháng trước, giờ 3 ngày nữa là mẹ em về…”. “Cái gì, mẹ em về là chuyện mừng đấy chứ, sao lại ủ dột thế kia?”. “Vấn đề là em không biết có nên đối diện với mẹ hay không, mẹ đã bỏ em lại khi em còn quá nhỏ…”.

 Tôi cười khùng khục: “Em bị điên, hay bị hack mất não rồi?”. Em lặng im. Giọng tôi trầm xuống: “Em còn may mắn hơn anh, đúng không”. Chợt nhớ cái lần tìm chùm chìa khóa bố giấu trong chiếc gối mây và mở chiếc hòm gỗ xem bức ảnh truyền thần của mẹ, em xem rồi bảo: “Anh có đôi mắt của mẹ, có tâm hồn pha trộn của ông, của bố, và cả của núi rừng…”, chợt thấy mình đã trở nên quá xa ước mong của ông về những chàng trai sinh ra từ núi mang sức sống ngồn ngộn của dòng thác lũ hay những cơn gió lớn thổi xuyên rừng.

“Rồi em sẽ quen và hạnh phúc khi có mẹ, cũng như mọi con suối nhỏ đều đổ về sông rồi xuôi ra biển lớn, như lá rừng khi úa màu đều phủ dưới gốc cây”, tôi bảo. Em cười: “Anh đúng là mang tâm hồn của núi, cứ như thể anh chẳng thể sống nếu thiếu đi những ký ức về mạch nguồn sông suối, chẳng thể viết nếu chẳng có hương vị núi rừng”…

*

Một tuần chậm chạp trôi qua với những tò mò, băn khoăn và bộn bề những ưu tư để nhiều lần tôi bấm số rồi vội tắt với hình dung em đang hạnh phúc bên những điều rất mới. Rồi tôi đi qua ánh trăng tròn như mắt em trong lo lắng, đi qua ánh trăng cong mảnh như bờ mi em trong ngột ngạt tột cùng… Tôi run run khi bấm máy gọi em, tịnh không cả một tiếng chuông ngân.

Tôi thảng thốt đi về miền quê nhấp nhô những ngọn đồi mãi phía ngoại thành mù đất đỏ, hỏi những bộ mặt xưa cũ bằng những thông tin rời rạc, những chắp nối phải cố lắm mới có thể hình dung, và hụt hẫng khi nhận ra bóng dáng bà và em đã trôi xa những ngọn đồi lúp xúp. Không ai biết chân trời nào níu giữ bước chân em...

Tôi chua chát nghĩ, giá em không mang màu mắt lạ mà quen ấy, giá em đừng đòi tôi đưa về thung lũng mờ sương, giá như em không trở lại quán café vào chiều mưa sùi sụt… Tôi lại vùi mình vào những quán bia sau những ngày buồn bã, hoang mang nhìn những dấu vết dọc ngang trên khuôn mặt già nua…

Khi những ký ức về em nhạt theo màu nắng, một nhân viên chuyển phát nhanh đưa cho tôi một bưu phẩm được gói kỹ càng. Tôi mở ra, một tấm hình nhỏ kèm theo dòng chữ nhòe nhoẹt được em viết vội: “Anh Phan, là mẹ em đấy, em không dám tin nữa. Anh có thể tin không?”. Tôi run rẩy chạy vào nhà, nằm vật ra giường… Rồi tôi đứng thốc dậy, cùng chiếc xe máy xuyên màn đêm về thẳng thung lũng trong những ý nghĩ mịt mùng...

…Tôi chẳng quan tâm ông hỏi những gì, chạy thẳng lên gian nhà đầu chái mở chiếc hòm gỗ của bố, đặt tấm ảnh ngang bức ảnh truyền thần… Ông đứng đằng sau thảng thốt hỏi tôi: “Phan, mày lấy đâu ra bức ảnh này…”.

Chân tôi khuỵu xuống, đôi mắt tuôn trào những giọt lệ trắng như sương… 
Truyện ngắn của Nguyễn Kiên Cường (Công an tỉnh Phú Thọ)
.
.