Giao lưu trực tiếp

Thứ Sáu, 28/12/2012, 08:00

Tôi để ý thấy nàng trong đám đông cạnh quầy sách. Một cô gái tóc vàng xinh đẹp có đôi mắt màu xanh da trời.
- Xin lỗi - Tôi nói - Liệu cô có thể dành cho tôi một chút thời gian được không?

Nàng nhìn tôi một cách khả nghi.

- Không, không - Tôi vội cam đoan với nàng - Đây không phải là điều bậy bạ mà cô nghĩ đâu. Đây là những vấn đề văn chương thuần túy. Cô có biết không, tôi là một nhà văn...

- Ông viết sách à? - Nàng nhìn tôi với vẻ tò mò.

- Đại thể là như vậy - Tôi nói - nhưng đáng tiếc là con đường của nhà văn không phải bao giờ cũng được phủ đầy hoa hồng... - Chúng tôi bước ra khỏi hiệu sách - Cái khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu giấy. Các tác giả đành phải mất hàng năm trời để xếp hàng đợi sự xuất hiện tác phẩm của mình. Chính vì lẽ đó cho nên tôi quyết định tự mình thực hiện một vài biện pháp nào đó để giao lưu trực tiếp với độc giả.

- Trực tiếp nghĩa là thế nào? - Nàng ngạc nhiên hỏi.

- Nếu như cô cho phép - Tôi lắp bắp nói - chúng ta bây giờ đang đứng cạnh nhà tôi... Có thể chúng ta sẽ qua đó đôi phút và tôi có thể bình tĩnh trình bày để cô rõ thực chất phương pháp của tôi. Tôi xin nhắc lại, vấn đề là thiếu giấy trầm trọng.

- Thế chuyện này có tiện không? - Nàng tỏ vẻ sợ hãi.

- Tôi không nhìn thấy điều gì có thể làm cô phải áy náy - Tôi vội cam đoan với nàng - Bởi lẽ vấn đề chỉ là những khó khăn trong việc cung cấp giấy cho các nhà xuất bản mà thôi.

Mấy phút sau, tôi đã giúp nàng cởi áo khoác tại phòng ngoài trong căn hộ xinh xắn của tôi. Nàng đã cho phép một cách miễn cưỡng.

- Và chúng ta sẽ làm gì bây giờ? - Nàng hoài nghi hỏi.

- Như cô thấy đấy, tôi muốn bằng cách nào đó đấu tranh với nạn khan hiếm giấy. Bởi vậy tôi đã quyết định kể miệng cho các độc giả biết những gì làm thành cuốn sách của tôi.

- Hóa ra là như vậy - Trong giọng nói của nàng xuất hiện vẻ ngạc nhiên - Có lẽ chuyện này khó khăn lắm nhỉ.

- Đúng thế, cô độc giả thân mến ạ. Cô không thể hình dung được rằng các vị biên tập viên biết cách nhũng nhiễu, hạch sách và làm khổ nhau ra sao. Hy vọng rằng cô sẽ không từ chối uống một ly rượu cô nhắc chứ?

- Chúng ta sẽ uống à? - Nàng hoảng sợ.

- Vấn đề chỉ là tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình văn học thuần túy mà thôi - Tôi nói và rót hai ly cô nhắc - Hoàn cảnh vật chất của nhà văn vốn buộc phải sử dụng phương pháp truyền miệng, thường khá chật vật, song không thể tiết kiệm trong quá trình văn học được. Bởi vậy xin cô đừng coi đây là lời khoe khoang: Tôi chỉ mua thứ rượu cô nhắc thuộc loại "thượng hảo hạng" mà thôi.

- Xin ông cho biết - Nàng bất thần hỏi - ông cũng kể tác phẩm của mình cho các độc giả nam giới nghe đấy chứ?

- Tôi cũng đã thử - Tôi thú nhận - Song về mặt tài chính thì tôi không chịu nổi. Độc giả nữ thường chỉ uống một ly. Mà cũng có thể là hai. Cùng lắm là ba. Còn độc giả nam thì nốc rượu mạnh tì tì. Không một ngân sách văn học nào kham nổi. Vả lại, sau khi uống một chai, đàn ông thường quên béng mất sự diễn biến của thiên truyện và anh ta hoàn toàn thờ ơ với những gì tôi đang kể...

- Em rất ngưỡng mộ ông - Nàng thốt lên.

- Được cô cho phép, chúng ta sẽ bắt đầu quá trình văn học - Tôi nói và nhích lại gần nàng - Đây là cốt truyện cho cái truyện ngắn của tôi: Chàng là một nhà văn. Nàng là một độc giả. Họ gặp nhau tại cửa hàng sách vào thời kỳ khan hiếm giấy. Nhằm tham gia vào cuộc đấu tranh với...

Khi tôi tiễn nàng ra xe tắcxi thì đã quá nửa đêm. Tôi hít một hơi thở sâu và trả tiền trước cho tài xế tắcxi.

Ngày hôm sau tôi lại mò đến hiệu sách. Trong lúc tìm kiếm một nữ độc giả mới nào đó giữa đám người mê sách, tôi thầm nghĩ rằng mỗi một tác giả đều mơ ước tới số lượng bản in lớn cho tác phẩm của mình...

Lê Sơn (dịch)
.
.